Thực phẩm màu đen hữu ích
03/05/2011
Can Thiệp cho trẻ rối nhiễu tâm lý
04/05/2011
Thực phẩm màu đen hữu ích
03/05/2011
Can Thiệp cho trẻ rối nhiễu tâm lý
04/05/2011

Trẻ em thường hiếu động, nghịch ngợm chạy nhảy, đứng ngồi không yên, đó là điều bình thường. Thế nhưng với trẻ có Hội chứng rối loạn hiếu động kém chú ý

 

Trẻ em thường hiếu động, nghịch ngợm chạy nhảy, đứng ngồi không yên, đó là điều bình thường. Thế nhưng với trẻ có Hội chứng rối loạn hiếu động kém chú ý (Attention-Deficit-Hyperactivity Disorder- ADHD) lại là một chuyện khác…, vì đó là một tình trạng có những tổn thương về thần kinh mang tính di truyền mà nguyên nhân cơ bản là sự thiếu hụt về liều lượng nhũng chất dẫn truyền trong các tế bào não.

Đối với trẻ bị hội chứng ADHD, khi kiểm tra não bộ thường có các biểu hiện cho thấy ở những vùng não bị tổn thương, có những tế bào còn non, vì thế chúng không có khả năng sản xuất ra các hoạt chất dẫn truyền, điều này khiến cho việc truyền tải thông tin giữa những tế bào bị giảm sút. Tuy mang tính bẩm sinh, nhưng thường khi trẻ trên 3 tuổi những rối loạn về vận động và kém chú ý mới bộc lộ rõ ràng, và điều này sẽ kéo dài cho đến khi trẻ 14 tuổi, nếu được điều trị và tập luyện thì vào độ tuổi này, việc tiết ra các chất dẫn truyền sẽ được cải thiện và trẻ sẽ ổn định. Ngược lại, nếu không được chăm sóc tốt, thì tình trạng sẽ kéo dài khiến trẻ sẽ gặp nhiều trở ngại trong các mối quan hệ, ứng xử và sẽ có những ảnh hưởng nặng nề khi trẻ trưởng thành.

Khi quan sát trẻ, chúng ta thường quan tâm đến tình trạng lăng xăng và cho đó là dấu hiệu chính, nhưng thực ra tình trạng kém chú ý (hay không có khả năng tập trung ) mới là yếu tố quan trọng cần phải điều chỉnh. Chính điểm này giúp ta phân biệt được giữa một trẻ hiếu động nhưng phát triển bình thường, với trẻ có tình trạng Hiếu động kém chú ý ( cỏn gọi là Tăng động, giảm tập trung )

 

NGUYÊN NHÂN

Hội chứng này có thể do các nguyên nhân sau:

Nguyên nhân thực thể :

  • Bệnh lý ở da, rối loại thị giác hay thính giác, do phản ứng với một số loại thuốc, ngộ độc chì.v.v
  • Tai biến lúc sinh: như sanh non tháng, thiếu oxi lúc sanh( bị ngạt) làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ.
  • Rối loạn chức năng của não

Nguyên nhân tâm lý:

Lo lắng, rối loạn tâm thần, bị cưỡng bức, lạm dụng tình dục, gặp khó khăn trong học tập, lục đục trong gia đình.

Các nguyên nhân khác:

Các nhà nghiên cứu nhận thấy những vùng não của trẻ em và người lớn mắc chứng không tập trung-hiếu động có sự kém hoạt động trong việc chi phối kiểm soát các cử động và sự tập trung, và cũng nhận thấy rằng những người này có mức dopamine thấp hơn người bình thường. Hay chính xác hơn dopamine là chất dẫn truyền thần kinh giúp kích thích những vùng não này.

  • Người mẹ tiếp xúc với một số độc chất trong thời kỳ mang thai: như thuốc lá, rượu, ma túy, vì những chất này làm giảm sản xuất dopamine ở trẻ em và các độc chất trong môi trường như dioxine, hydrocarbure benzen…cũng làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra bị hiếu động, kém tập trung.
  • Người mẹ tiếp xúc với kim lọai nặng như chì:
  • Các nguyên nhân khác: như chấn thương đầu, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương.

NHỮNG DẤU HIỆU CỦA TÌNH TRẠNG KÉM CHÚ Ý

  1. Không chú ý hoặc phạm các sai lầm, cẩu thả trong việc học tập ở trường, trong công việc hay các hoạt động khác.
  2. Tỏ ra khó khăn khi phải tập trung chú ý trong các hoạt động, vui chơi.
  3. Không chịu lắng nghe khi có người nói trực tiếp với mình.
  4. Không nghe theo các chỉ dẫn và thất bại trong các công việc ở trường,  ở nhà mặc dù tỏ ra hiểu rõ các yêu cầu.
  5. Có khó khăn trong việc sắp đặt các nhiệm vụ và hoạt động .
  6. Thường tránh né hay không thích, hoặc miễn cưỡng khi nhận các nhiệm vụ đòi hỏi sự cố gắng bền bỉ về tâm trí.
  7. Thường làm hư hỏng những đồ dùng cần thiết trong nhà và học cụ của mình.
  8. Thường dễ bị lôi kéo bởi các kích thích bên ngoài
  9. Thường hay quên các nhiệm vụ hàng ngày.

Khi quan sát một trẻ ADHD, chúng ta thường thấy trẻ bộc lộ những nét chủ yếu sau:

–          Chúng không thể tập trung vào bất cứ việc gì ( học & chơi đùa ) quá 5 phút.

–          Trẻ vận động, di chuyển thường xuyên, không thể ngồi yên trên 5 phút.

–          Tính khí rất bốc đồng, dễ thay đổi

–          Các hành động đều vụng về, lóng ngóng

–          Kém trí nhớ ngắn hạn

–          Thường tỏ ra ương bướng

–          Kém tự trọng

–          Gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp

–          Có những rối loạn về giấc ngủ

–          Tỏ ra thèm ăn hoặc ngược lại, chán ăn hay chỉ ăn những gì chúng thích.

–          Có những khó khăn về ngôn ngữ.

Như vậy chúng ta thấy trẻ ADHD có những khó khăn về 3 lĩnh vực chính :

1. Sự giao tiếp: Những trở ngại về ngôn ngữ (chậm nói, nói lắp) làm chúng không muốn giao tiếp với những người xung quanh.

2. Sự vận động: Trẻ vụng về, lúng túng nên không muốn thực hiện việc học tập hay các hoạt động trong nhà.

3. Sự tập trung: Trẻ không thể nhớ, không thể tập trung để tiếp nhận những hướng dẫn của người lớn.

Có 2 yếu tố chính là sự Tăng Động và tình trạng Kém chú ý. Chúng ta sẽ thấy có những trẻ thì bộc lộ rõ rệt tình trạng tăng động, còn yếu tố kém chú ý thì không rõ rệt. Nhưng cũng có trẻ mà tình trạng kém chú ý lại rõ ràng hơn, vì thế người ta chia ra làm hai dạng rối loạn :

Rối loạn tăng động:

Trẻ thường có biểu hiện ngay từ lúc 3-4 tuổi, đó là những đứa trẻ mà cha mẹ chúng và người xung quanh nhận thấy chúng quá hiếu động so với trẻ bình thường khác. Chúng thường xuyên chạy nhảy vận động không ngừng, không biết mệt mỏi, chỉ trừ lúc ngủ có biểu hiện ngủ ít và khó ngủ hơn những trẻ khác. Chúng không thể ngồi yên được một chỗ. Nếu bắt ngồi thì chúng vặn vẹo, ngọ nguậy, đung đưa co duỗi chân tay không ngừng.

Điều này rõ nhất khi trẻ ngồi trong lớp học trẻ không nghe cô giảng, trẻ hết quay bên nọ lại sang bên kia, tự nhiên lấy đồ của bạn, tự nhiên đứng lên, tự động bỏ chỗ không xin phép cô giáo, gây mất trật tự trong lớp. Khi cô giáo hỏi, trẻ thường trả lời ngay khi chưa nghe hết câu hoặc thường nói leo khi chưa đến lượt trả lời. Nếu càng bắt chúng ngồi yên chúng càng ngọ nguậy. Trẻ thường bị phạt nhưng dường như vẫn chứng nào tật nấy. Khi chơi với các bạn trẻ thường không bao giờ nhường nhịn và dễ dàng gây gổ đánh lộn nếu trái ý, trẻ không đủ kiên nhẫn chờ đợi tới lượt mình… nên trẻ thường bị cho là học sinh cá biệt. Khi ở sân chơi, trẻ thường chạy nhảy leo trèo, trèo cây, trèo lên lan can đánh đu, trượt trên tay vịn cầu thang, bấp chấp nguy hiểm nên hậu quả này là hay bị bầm tím, gãy chân, gãy tay do ngã, do va đập, quần áo sộc sệch, nhàu rách.

Khi đi trên đường phố, trẻ thường chạy lao qua đường không chú ý đến xe cộ cho nên dễ bị tai nạn giao thông. Khi ở công viên hay gần hồ ao, trẻ thường hay leo cây, chui vào bụi hoặc đuổi bắt bướm, chuồn chuồn gần mặt nước nên rất dễ ngã xuống nước có thể chết đuối. Những đứa trẻ này hình như không biết tuân thủ các nội quy quy định ở trường hay trong các trò chơi tập thể, trẻ dễ dàng tham gia vào các trò nguy hiểm mà không nghĩ đến hậu quả. Khi trẻ đến nhà người khác bất kể quen hay lạ, trẻ thường không ngại ngùng đi lăng xăng, sờ vật này lấy vật kia, như thể đi thám hiểm, bất chấp nguy hiểm như ngã, đổ vỡ, điện giật… làm cho bố mẹ và người lớn luôn phải nhắc nhở, canh chừng…

Rối loạn kém chú ý :

Trẻ thường không có khả năng tập trung chú ý vào bất cứ một công việc nào ở trường hay ở nhà khi cần phải kiên nhẫn một chút. Khi chơi cũng vậy trẻ thường không kiên trì, thường nhanh chán.

Trẻ thường có vẻ như không nghe những lời dặn của thầy cô hay của bố mẹ, không để ý đến những quy định chung. Đối với công việc trẻ thường cẩu thả lơ là, làm qua loa đại khái, đi học thường quên không mang đồ dùng học tập hay mang thừa thứ này thiếu thứ kia, khi ra về thường quên ở lớp sách bút, quần áo và hay bị mất bút, vở, chữ viết thường xấu, nguệch ngoạc, viết không theo hàng lối, góc học tập hay đồ dùng của bản thân như quần áo, đồ chơi thường để bừa bãi, lộn xộn…

Nếu bố mẹ kèm trẻ học thì trẻ không tập trung được lâu, hay quên, hay nhìn ra ngoài cửa sổ hay nhìn ra xung quanh, dễ phân tán tư tưởng khi có kích thích xung quanh hay ngọ nguậy cảm tưởng mọi thứ không vào đầu… nhiều thầy cô và phụ huynh phải kêu ca phàn nàn như đánh vật và mệt nhoài với trẻ.

BIỆN PHÁP TRỊ LIỆU

Vì vậy, việc trị liệu cho trẻ ADHD phải tập trung vào hai điểm này – Nếu biết được sự rối loạn của trẻ thiên về biểu hiện nào nhiều hơn, thì chúng ta sẽ tập trung vào vấn đề đó để có những biện pháp can thiệp phù hợp như :

–       Hướng dẫn ứng xử : (trị liệu hành vi) –  Hưóng dẫn bằng các bài học (tập đọc, đếm và tính toán)

–       Hướng dẫn các trò chơi nâng cao khả năng chú ý  – Chữa trị về lời nói và ngôn ngữ (Chỉnh âm)

–       Hướng dẫn về các hoạt động trong nhà (xây dựng Lịch hoạt động hằng ngày)

–       Kiểm soát và nhắc nhở về ăn uống

Để có thể áp dụng được những biện pháp này, và áp dụng như thế nào, các bậc phụ huynh nên trao đổi, thảo luận và hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia tâm lý cũng như người giáo viên ( nếu có)  để có những phối hợp và thực hành có hiệu quả với con em mình.  Ngoài những biện pháp can thiệp – gia đình trẻ hiếu động có thể vận dụng thêm những liệu pháp mang tính hỗ trợ như sau:

Dùng thảo dược

–          Ginkgo biloba( cây bạch quả): Giúp cải thiện về mặt trí não của bệnh nhân( khó tập trung, rối loạn trí nhớ, phân tán). Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, thuốc này có lợi cho người có những rối loạn không tập trung và hiếu động.

–          Cây hương phong: có chứa chất có tác dụng giúp phục hồi chức năng tế bào thần kinh. Cây này cũng có tác dụng an thần cho nên rất hữu ích trong điều trị những trẻ mắc chứng rối loạn hiếu động- không tập trung.

Tăng cường các chất bổ sung.

–          Acid béo cần thiết: rất cần cho não trẻ phát triển tốt, gồm omega-3 và omega-6 cho thấy có hiệu quả ở trẻ hiếu động không tập trung. Những acid béo cần thiết (còn gọi là EFAs – Essential fatty acids) là yếu tố cần thiết trong chế độ dinh dưỡng vì cơ thể không thể tự sản xuất ra chúng. Những chất béo này giúp xây dựng các tế bào, điều chỉnh hệ thống thần kinh, làm mạnh lên hệ thống tim mạch, xây dựng sự miễn dịch, và giúp cơ thể hấp thụ dưỡng chất. EFAs đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của bộ não khỏe mạnh và thị giác.  Các chất này thường có nhiều ở dầu đậu nành, bơ đậu phộng, dầu hướng dương, dầu bắp …( chỉ cần 1 muỗng café các loại dầu này cho 1 ngày )

  • Sắt: Trẻ ADHD thường có lượng sắt trong máu thấp hơn bình thường. Theo kết quả của một số nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung thêm chất sắt cho trẻ giúp cải thiện được hành vi cũng như kết quả học tập.

Chất Sắt từ động vật : Thịt màu đỏ (thịt bò, thịt lợn, thịt cừu) rất giàu chất sắt. Thịt càng sẫm màu, càng chứa nhiều chất sắt. Đối với thịt gia cầm, thịt đùi chứa nhiều chất sắt hơn phần thịt ở lườn. Cá cũng chứa nhiều chất sắt, đặc biệt là các loại cá béo và động vật thân mềm (sò, trai…).

Sắt từ thực vật: Các loại rau lá xanh chứa chất sắt chẳng hạn như rau cải xoong, cải xanh…Các loại ngũ cốc, đặc biệt là lúa mạch, yến mạch.Đậu Hà Lan, các loại đậu đỗ.Một số loại hạt như: hạt vừng, hạt hướng dương, hạt bồ đào, hạt hạnh nhân.

–          Magné: Có hiệu quả nếu như trẻ hiếu động do thiếu chất này – Magiê có mặt trong nhiều loại thức ăn khác nhau: các loại rau lá có màu sẫm như rau ngót, cải xanh, rau mùng tơi… có chứa nhiều magiê; Trong thịt, sữa, kê, đậu tương, lạc, đậu xanh, khoai lang, một số loại rau thơm; trong một số trái cây như chuối, quả bơ, quả mơ khô; trong nước cứng, nước khoáng.

Các biện pháp điều trị khác

–     Xoa bóp(massage): xoa bóp đặc biệt có lợi giúp thư giãn đối với những thanh thiếu niên bị chứng rối loạn không tập trung-hiếu động. Trẻ được điều trị bằng phương pháp mát-xa thư giản giúp trẻ trầm tĩnh hơn, ngủ ngon hơn, tránh được những cơn ác mộng khi ngủ, cải thiện được hành vi, biết lắng nghe, vâng lời cha mẹ hơn

–     Phương pháp Tomatis: nguyên tắc của phương pháp này là dùng âm nhạc để điều trị cho trẻ mắc chứng rối loạn không tập trung và hiếu động, được khởi xướng bởi một bác sĩ người Pháp tên Alfred A. Tomatis. Theo ông, đây là một phướng pháp cho kết quả rất tốt. Chính âm nhạc làm cải thiện khả năng nghe của trẻ, bằng cách kích thích não bộ giúp trẻ tập trung vào âm thanh mà không bị phân tán. Vì vậy, người ta thường cho trẻ nghe nhạc Mozart, hòa tấu, thậm chí nghe giọng nói ( hát ru ) của người mẹ.

Như vậy, việc trị liệu cho trẻ có tình trạng ADHD, không phải là công việc của riêng người thày thuốc, hay của một nhà chuyên môn nào, mà đó phải là sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà chuyên môn với phụ huynh. Bố mẹ của trẻ ADHD có một vai trò quan trọng và góp phần tích cực trong việc giúp cho con em mình ngày càng ổn định hơn.

Chúng ta có thể thấy rõ, qua các biện pháp chăm sóc và giáo dục, thì :

Các chuyên viên sẽ tiến hành một số buổi trị liệu mang tính chuyên biệt tại một cơ sở, mỗi tuần từ 1 -2 lần, mỗi lần chỉ từ 1 – 1h30 trong lĩnh vực tâm vận động và chỉnh âm.

Phụ huynh qua sự góp ý của nhà tâm lý, sẽ tiến hành việc trị liệu hành vi và hướng dẫn con em qua các bài tập tại gia đình cũng như xây dựng một lịch hoạt động, là một công cụ rất cần thiết để giúp trẻ biết phân biệt các ý niệm về thời gian và không gian.

Các giáo viên đặc biệt có thể đến nhà để hướng dẫn thêm cho trẻ từ  2 – 3 buổi trong một tuần, mỗi buổi từ 1 -2 giờ. Các buổi can thiệp này không phải là các hoạt động chính mà chỉ là sự phối hợp và hỗ trợ với phụ huynh trong việc chăm sóc con tại gia đình, phụ huynh cần có những tác động nhất định thì trẻ mới có thể có được những biến chuyển tốt. Đây chính là mô hình tiên tiến nhất để có thể giúp trẻ phát triển và hội nhập với sự cộng tác tích cực giữa : Chuyên Môn – Tình yêu thương – Kỹ thuật phù hợp.

Cv. TL Lê Khanh

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý