TỰ KỶ VÀ NỖI ĐAU ..GIAO TIẾP.
20/02/2021BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN GIAO TIẾP
27/03/2021Trong cuộc sống của trẻ VIP, có gia đình đã phát hiện và đưa con đi nhiều nơi để can thiệp – đạt được những tiến bộ nhất định . Nhưng khi xem xét về thành quả, thì có vẻ như một số trẻ chưa có được một đinh hướng đúng trên bước đường phát triển.
Một bé trai hai tuổi , ở giai đoạn đầu của hành trình can thiệp – Chưa có ngôn ngữ và giao tiếp mắt , có sở thích nghe nhạc, nhún nhảy và bắt chước những cử điệu theo nhạc trên phim hoạt hình rất tốt , nghe hiểu được những yêu cầu đơn giản . Nhận biết sự quan tâm của bố, mẹ, và bà khác nhau để có những phản ứng phù hợp – cho thấy cháu cũng có nhận thức và có khả năng đáp ứng, nếu biết xây dựng một chiến lược can thiệp phù hợp. Nhưng mẹ đưa đi can thiệp thì thấy GV chỉ tập cho bé bật âm theo hình ảnh và hầu như không có một định hướng nào cho gia đình.
Đó là một khởi đầu cho một hành trình chắc chắn là rất dài , nếu như gia đình không được chỉ ra một hướng can thiệp đúng đắn, thì sẽ lại tiếp tục loanh quanh hết trung tâm này đến đơn vị khác hoặc sẽ tốn thời gian chỉ để cho trẻ học nói bằng sự nhại lời .
Một bé trai 6 tuổi – có rất nhiều yếu tố của tình trạng Tự kỷ điển hình . Dù bố mẹ không tiếc công can thiệp – cũng đã theo học ở một trung tâm đến 3 năm – Bé có những tiến bộ về nghe hiểu, làm theo , giảm hành vi lăng xăng vô thức . Cô giáo cũng nhiệt tình hỗ trợ từ trường về đến nhà . Thế nhưng bé vẫn không thể giao tiếp bằng lời . Gia đình vẫn quyết tâm tìm nơi can thiệp để cho con biết nói . Đó là mong muốn chính đáng, nhưng phải xem xét đến các kỹ thuật, phương pháp và mục tiêu trong hành trình này , và xác định được phương hướng can thiệp, không quá chú trọng đến lời nói mà phải nghĩ đến việc phát triển giao tiếp và ứng xử cho em .
Một bạn trai 15 tuổi – coi như ở cuối hành trình can thiệp sớm , có thể nói là một điển hình cho việc giao tiếp có hiệu quả về mặt ngôn ngữ, nhưng lại chưa có kết quả về mặt nhận thức và ứng xử . Ban ấy sau 7 năm can thiệp giờ đã nói tốt, biết hỏi thăm ông bà , trả lời được các câu hỏi đơn giản ,dù ngọng nghịu như người nước ngoài nói tiếng Việt, biết đọc viết, làm toán trong phạm vi 10, dù cho khả năng so sánh lớn bé, cao thấp còn hạn chế … Đã biết tự ăn uống, tắm rửa, cùng các hoạt động cá nhân.
Đây cũng là kết quả của một quá trình can thiệp tích cực của 1 cô giáo trong hơn 3 năm gần đây – Nhưng về khả năng vận động tinh cầm viết và vẽ thì cũng như một trẻ lên 5 – và cũng chưa biết dùng tiền để mua hàng, có những hành động xã giao chưa phù hợp. Điều này cũng chỉ ra một hạn chế trong chiến lược can thiệp cho một trẻ VIP bước vào tuổi thiếu niên.
Điều gì rút ra từ 3 trường hợp, điển hình cho 3 thời điểm hay giai đoạn can thiệp cho trẻ VIP ? Một bạn ở khởi điểm, một bạn đang trên đường đi và một bạn có vẻ như đã xong một lộ trình can thiệp ?
Đó chính là điểm khó khăn cốt lõi của trẻ tự kỷ – Khả năng giao tiếp và sự thích nghi với môi trường xung quanh. Các bạn ấy đều được can thiệp có kết quả trong một phạm vi nhất định – Thế nhưng, do chưa xác định được đâu là điểm mạnh, điểm yếu, vấn đề cốt lõi của năng lực giao tiếp là gì – mà gia đình dù đã rất nỗ lực , kết quả vẫn chưa được như ý muốn.
Chính vì thế, việc can thiệp cho trẻ Tự kỷ không đơn thuần là những chiến lược can thiệp tốt và những giáo viên giỏi, mà còn cần có những am hiểu từ phụ huynh – Đây là điều mà không phải PH nào cũng nhận ra – PH không phải là nhà chuyên môn, nhưng cần biết cách tác động với con ngay trong các hoạt động hàng ngày tại gia đình, và xây dựng cho con một không gian sống tích cực với những cấu trúc ổn định tại gia đình .
Với các GV thì cũng phải có một quan điểm rõ ràng về vai trò của mình . Chúng ta đều mong đợi tấm lòng yêu thương con trẻ, và sự niệt tình điều đó là vô cùng cần thiết nhưng đừng lẫn lộn giữa vai trò người thầy và vai trò người Mẹ . Chúng ta yêu thương trẻ như mẹ yêu con, nhưng chúng ta không có quyền xem mình là mẹ đứa trẻ ! Giáo viên cũng cũng không nên can thiệp, tác động với trẻ một cách cứng nhắc, theo đúng “bài bản” về giờ giấc và chương trình, kế hoạch, mà phải linh động và tích cực với nhiều “chiêu trò” khác nhau để tác động lên trẻ trong bất cứ lúc nào, bất cứ vị trí nào trong cơ sở giáo dục của mình và luôn chú ý đến kỹ năng giao tiếp ứng xử, hơn là chỉ chú ý đến khả năng phát âm.
Để một chương trình can thiệp đạt đến kết quả tốt , chúng ta phải có một môi trường sống được tổ chức một cách linh hoạt và tích cực, từ các giờ can thiệp cá nhân, các buổi hoạt động nhóm nhỏ, các giờ phát triển kỹ năng cá nhân và nhất là có không gian để vui chơi và vận động. Dĩ nhiên là không thể đòi hỏi ở những căn phố nhà ống, chung cư trong các tòa nhà cao tầng tại thành phố lại có được sân chơi thoáng đãng ngoài trời. Cũng không thể đòi hỏi những trang bị đầu tư hiện đại và đắt tiền để có được những hiệu ứng tốt nhất trên trẻ theo mong đợi , dù đây cũng là những điều nếu có được, sẽ là điều kiện vô cùng thuận lợi. Nhưng, sự hiểu biết và chấp nhận là phải có , sự hiểu biết đến từ những chiến lược vạch ra do các nhà chuyên môn, và từ các tài liệu, sáhc vở mà người GV cần tham khảo và am hiểu. Từ đó mới có thể định hướng được sự phát triển cho trẻ như thế nào.
Sự hiểu biết phải đến cả từ phụ huynh để cùng với giáo viên dắt tay đứa trẻ đi trên một con đường với những mục tiêu xác định trong từng giai đoạn. “ Nhóm can thiệp” này cần phải biết được năng lực, nhận thức và sở thích của con để giúp con vui vẻ, thoải mái đi theo các định hướng đã được vạch ra .
Điều quan trọng hơn nữa là hãy chấp nhận thực tế, đừng mơ mộng các phương pháp thần kỳ, đừng so sánh con mình với những trẻ khác, đừng hy vọng nhiều vào các kỹ thuật, phương pháp thiếu chứng cứ khoa học, đừng tốn tiền đầu tư vào các hành trình đi tìm thầy, tìm thuốc …Vì nếu có thì nó đã giải quyết cho tình trạng này từ lâu rồi . Tự kỷ có rất nhiều mức độ nặng, nhẹ khác nhau vì thế việc tác động, can thiệp cũng cần phải có những mức độ và mục tiêu khác nhau – từ thấp đến cao và tuần tự nhi tiến. Nhưng hầu như mọi trẻ VIP, đều có một khó khăn cốt lõi – đó chính là khả năng tương tác, giáo tiếp xã hội và thích nghi với môi trường xung quanh.
Đừng vì mặc cảm con mình “có bệnh” mà “bế quan tỏa cảng” nhốt con trong nhà rồi mời giáo viên giỏi đến dạy. GV dù giỏi đến đâu cũng không thể thay thế một cộng đồng can thiệp tích cực bên ngoài. Nhưng cũng không phải cố gắng tìm cho được trường hay, thầy giỏi, sau đó là “trăm sự nhờ thầy” bán cái luôn cho nhà trường, GV muốn làm gì thì làm, kể cả chuyện thay mình làm mẹ của con luôn .
Ước mơ cho trẻ tiến bộ là một ước mơ chung, từ bố mẹ đến giáo viên và các nhà chuyên môn. Nhưng trong bối cảnh xã hội hiện nay, thì gia đình vẫn là nơi đứa trẻ cần được quan tâm để phát triển đầu tiên, không phải chỉ là việc nói được, kêu được hai tiếng Mẹ ơi, hay cố gắng cho con hòa nhập vào lớp Một, mà là sự phát triển về khả năng thích nghi và tương tác với bố mẹ cùng cộng đồng xung quanh.
Nỗ lực từ bản thân phụ huynh là rất lớn và cần thiết, nhưng cần có sự hiểu biết và chấp nhận tình trạng của con mình để có những chiến lược và mục tiêu phù hợp , chứ không phải cứ loanh quanh đi tìm đủ các phương pháp “thần kỳ” của các “thần y” để điều trị cho con khỏi bệnh ! Mà nên cùng với nhà chuyên môn, nhà trường và giáo viên bàn bạc, đưa ra những kế hoạch phối hợp cùng nhau để giúp cho con tiến bộ từng chút một trong một thời gian không thể ngắn – Hãy luôn nhớ: CÙNG NHAU– chúng ta sẽ làm được.
Lê Khanh – TT Diệp Quang An Giang.