Tế bào ung thư cực “ghét” 6 nhóm người này
02/12/2019MỘT NĂM CỦA NHỮNG CHUYẾN ĐI – 2019
03/01/2020Chậm nói là một vấn đề rất phổ biến trong các khó khăn mà các nhóm trẻ rối loạn phát triển thường gặp, vì thế việc tập nói cho trẻ là một điều cần phải được đặt ra, và các hoạt động này có thể áp dụng một cách hiệu quả tại gia đình, mà người giúp trẻ không ai khác hơn là bố mẹ. Chúng ta nên biết, một trong những yếu tố khiến trẻ Chậm nói là khả năng nghe kém – trẻ nghe kém ở đây không phải do sức nghe kém mà là khả năng chọn lọc, phân biệt tần số âm thanh bị rối loạn cùng với sự tập trung của trẻ kém. Trẻ có thể nghe những âm thanh khá nhỏ phát ra từ chiếc TV hay máy tính là những thứ mà trẻ quan tâm và có tần số phù hợp hơn so với những lời nói, sự kêu gọi hay mệnh lệnh của bố mẹ. Vì thế tập cho trẻ biết NGHE, cũng là một yếu tố quan trọng cần lưu ý trong tiến trình tập cho trẻ NÓI.
Thế nào là sự chú ý :
Chú ý là sự quan tâm có chủ đích vào một hoạt động nào đó và khi trẻ tập trung sự chú ý vào một điều gì, thì những gì xảy ra xung quanh ngay cả với tiếng kêu của bố mẹ, trẻ cũng sẽ không còn để ý hay có phản ứng đáp lại. Nói cách khác, trẻ chỉ chú ý đến những điều tạo ra hứng thú, vì thế muốn tạo sự lắng nghe cho trẻ thì phụ huynh cần tác động vào những lúc trẻ có hứng thú, hay ngược lại là tạo sự hứng thú cho trẻ thông qua các công cụ hay hoạt động để có sự thuận lợi gây được sự chú ý.
Điều dễ làm trẻ chú ý lắng nghe và cũng hứng thú hoạt động , đó là các trò chơi – Chính hoạt động chơi của trẻ, là tiền đề tạo sự hứng thú, xây dựng niềm vui để thúc đầy các hoạt động tập trung vào lời nói và hành động của bố mẹ qua việc chơi cùng con. Dĩ nhiên đây là các trò chơi “có định hướng” với các biện pháp tác động và mục đích rõ ràng.
Thế nào là một trò chơi có định hướng
Trò chơi là một hoạt động với nhiều mục đích khác nhau – đơn giản nhất là chơi để ..mà chơi, chơi chỉ để đỡ ..buồn, đỡ mệt mỏi, căng thẳng. Nhưng có những trò chơi hay hoạt động chơi sẽ giúp cho sự phát triển vận động (Vận động của cơ thể và vận động của các ngón tay) . Có trò chơi nhằm phát triển các giác quan (Nhìn – nghe – sờ chạm – nếm, ngửi) Phát triển cảm xúc (Tạo sự hồi hộp hay tiếng cười ) Tất cả các trò chơi này đều có ích và tạo đà cho các trò chơi định hướng vào sự tập trung chú ý .
Chúng ta có thể cùng chơi với trẻ các trò chơi có sự chờ đợi và nhắc nhở. Hãy nhắc nhở trẻ trước khi nói một điều gì với trẻ, “Này, con lắng nghe nhé ….” Trước khi bắt đầu hãy cho trẻ biết : “Bây giờ thì ..chuẩn bị …”. Nào sẵn sàng chưa ? một hai ba, bắt đầu …. Các trò chơi với bóng, các món đồ chơi chuyển động … và các các nhạc cụ cho trẻ có thể nhảy theo âm điệu được phát ra … Chúng phải lắng nghe và cần biết ngồi xuống khi nhạc tắt. Chơi các trò chơi bắt đầu – kết thúc sử dụng các nhạc cụ như một dấu hiệu âm thanh. Chúng ta hãy cho trẻ khám phá các nhạc cụ như : bộ gõ, bộ thổi và bộ rung. Bố mẹ có thể gõ theo nhịp điệu vào một cái trống. Trẻ phải nghe và bắt chước nhịp điệu đó hoặc gõ những tiếng thật to trên trống. Trẻ lắng nghe và di chuyển minh họa âm thanh đó (ví dụ: Tiếng gõ mạnh và chậm : bước chân của con trâu đang di chuyển – Gõ nhẹ và nhanh vào trống như bước chạy của con chuột … Trẻ nghe và di chuyển minh họa âm thanh đó. ( có thể cùng làm mẫu để trẻ bắt chước )
Chúng ta có thế lấy ra một bộ tranh ảnh các con vật cho trẻ xem – mỗi ảnh của con vật là phát ra tiếng kêu của nó. Trẻ nghe và khi bạn phát ra tiếng kêu của một con vật nào đó, bé phải ghép âm thanh đó với bức tranh con vật tương ứng.
Khi biết bé đã có thể nói, chúng ta có thể dùng cách cố tình gọi sai tên của một số vật quen thuộc . Ví dụ : Cho con cái “kén” nè – Trẻ nghe và nói lại cho đúng “ Chén”. Nếu trẻ đã nói được các câu ngắn – có thể dùng các trò chơi sắm vai ( Đây là loại trò chơi dành cho trẻ có khả năng trí tuệ trên 5 tuổi ) .
Với các bé quan tâm đến tiếng động, có hứng thú với đồ chơi phát ra âm thanh ta có thể giấu một thứ đồ chơi âm nhạc hoạt động bằng dây cót và cho trẻ tìm thứ đồ chơi đó bằng cách lắng nghe âm thanh phát ra từ đâu.
Việc thu hút sự chú ý của trẻ rất đa đạng và phải có thời gian mới phát huy được tác động, vì thế chúng ta cần hết sức kiên nhẫn, và thực hiện một cách vui vẻ, thoải mái.
Làm sao để thúc đẩy lời nói
Điều quan trọng nhất cần phải làm là giúp trẻ cảm thấy thích nói và trẻ được khuyến khích “thực hành” nói với các kỹ thuật sau:
- Khi trẻ cố gắng nói, hãy khuyến khích bé. Chấp nhận mọi nỗ lực của trẻ thậm chí ngay cả khi lời nói của bé chưa chuẩn. Dành thời gian trò chuyện. Hãy lắng nghe những gì bé nói với bạn và thể hiện sự thích thú của bạn đối với những gì bé nói dù đó có thể chỉ là những âm tiết, tiếng kêu chưa có nghĩa rõ ràng.
- Hãy lắng nghe nhiều hơn. Hãy cho con bạn thời gian để nghĩ về những gì bạn nói với trẻ trước khi mong đợi trẻ trả lời. Đừng nói với trẻ mà không lắng nghe câu trả lời của con. Hãy dùng những từ ngắn gọn, chuẩn xác và rõ ràng.
- Hãy lặp lại và nhấn mạnh các từ mới và/hoặc những từ mới. Điều đó sẽ giúp trẻ tăng cường khả năng hiểu của trẻ. Bố mẹ cùng ngồi nhìn vào tranh ảnh và sách truyện với con Hãy nói về các bức ảnh, hình vẽ trong đó. Và mô tả chúng.
- Sử dụng các dấu hiệu thị giác. Dùng các đồ vật, tranh ảnh, và các cử chỉ điệu bộ để hỗ trợ những gì bạn đang nói và khuyến khích con bạn làm như bạn. Đừng nghĩ là trẻ học ngôn ngữ chỉ qua nghe; trẻ cần học thông qua việc kết hợp những gì trẻ nghe được với những gì trẻ thấy và làm được.
- Lưu ý các hoạt động luân phiên. Điều đó giúp con hiểu rằng bạn sẽ lắng nghe bé nhưng ngược lại bé cũng phải lắng nghe bạn. Việc chơi các trò chơi luân phiên (ví dụ như các trò chơi với bóng) sẽ giúp con bạn phát triển kỹ năng này.
- Hãy đánh giá cao giá trị của những gì con bạn nói. Thậm chí ngay cả khi bạn không hiểu hết những gì bé nói, đừng bỏ qua những lời phản hồi của bé.
- Nếu con nói sai, hãy nhắc lại nó bằng những từ ngữ đúng để sửa cho trẻ. đừng sửa lỗi trẻ và đừng bắt chúng nói lại. Hãy sử dụng những từ ngữ đơn giản.
- Từng bước thêm vào các từ đơn mà trẻ nói được thành các từ đôi, và từ đó thành các câu ngắn, đơn giản trước khi là một câu hoàn thiện.
Làm sao để duy trì khả năng hội thoại :
Chúng ta nhớ rằng, khả năng nói của trẻ nếu không được củng cố bằng các hoạt động tương tác hai chiều – Trẻ chỉ nghe mà không được đáp ứng hay trẻ chi phát âm mà không được lắng nghe, phản hồi thì sẽ dần dần thoái hóa. Điều này giải thích cho việc có những trẻ lúc 7,8 tháng tuổi có thể bập bẹ một số từ đơn ( bà, ba, đi … ) thậm chí có thể lập lại một câu ngắn. Nhưng sau một tuổi thi lại mất đi khả năng phát âm. Nhất là trong giai đoạn này, trẻ được cho tiếp xúc thường xuyên với các phương tiện như TV, Ipad, hay máy tính.
Vì thế chúng ta cần kiểm tra việc hiểu của trẻ. Hãy đề nghị con nhắc lại những gì bạn nói với bé, dù chúng ta biết rằng trẻ có thể nhắc lại những gì bạn nói không có nghĩa là bé đã hiểu những lời nói đó.
Bạn hãy nhắc lại các thông tin bằng các cấu trúc khác nhau. Nếu con không hiểu, hãy đơn giản hóa hơn nữa câu nói của bạn. Ví dụ: “ lấy cho mẹ quyển sách lớn màu xanh ở phía đằng kia”, Hãy thay đổi cho đơn giản hơn nếu trẻ chưa hiểu: “lấy quyển sách màu xanh” và chỉ về phía quyển sách để hướng dẫn thêm .
Việc tập nói được xem là một hoạt động tương tác giữa hai người ( Mẹ và con ) vì thế đừng bắt ép trẻ nói trước mặt người khác như một cách biểu diễn nếu bé không muốn làm điều đó. Chúng ta cũng không nên cười khi trẻ phát âm sai từ, mà bạn hãy khuyến khích bé và nói to từ đúng cho bé nghe.
Tập nói không phải là một giờ học căng thẳng, vì thế trẻ phải có sự thoải mái khi trao đổi. Trẻ có thể ngồi trên ghế đối diện với bạn, nhưng cũng có thể ngồi chơi dưới sàn một cách thoải mái với một số đồ chơi có thể hỗ trợ cho việc cùng nhau chơi . Cuối cùng, việc đối thoại hay tập nói cho trẻ không chỉ là một hành trình trò chuyện giữa hai mẹ con. Mà đó là một hoạt động “ Cả nhà cùng chơi” , Hãy chia sẻ các nguyên tắc tác động và những biện pháp áp dụng với trẻ cho mọi người trong gia đình, đặc biệt là những người có ảnh hưởng nhiều đến trẻ. Vì thế nên… 1 2 3 chúng ta cùng nói !
Lê Khanh
Phòng Tư vấn Tâm lý GĐ&TE.