BA GIAI ĐOẠN – MỘT CON ĐƯỜNG
05/03/2021GIÁO DỤC BẰNG…HÀNG NHÁI !
08/04/2021Trong cách giao tiếp với con, cái khó khăn nhất của phụ huynh là không làm sao nói cho con làm theo ý mình muốn, hay chơi với các món đồ chơi có giá trị mà bố mẹ đưa ra. Có thể nói, đây là một trong những sai lầm cơ bản nhất vì hoạt động hình thành và phát triển khả năng giao tiếp của con, không phải là buộc trẻ phải làm điều mà PH muốn mà phải để trẻ làm những gì trẻ thích làm..
Nhưng để hiểu trẻ thích gì, muốn gì và có thể làm đươc gì thì lại phải có khả năng hiểu về con, hay đúng hơn là hiểu được các giai đoạn giao tiếp của con. Điều này cũng tương tự như các giai đoạn trong mối quan hệ giữa hai người yêu nhau. Ở giai đoạn sơ giao thì không thể có các màn ôm ấp, hôn hít ..mà trong giai đoạn gần cuối trước khi ra tòa tuyên án chung thân, hai người có thể tự do áp dụng.
Vậy thì giai đoạn giao tiếp của trẻ là gì ?
Đó có thể gọi là các mức độ trong việc tương tác mà đầu tiên là khi trẻ chưa hề có một hành vi nào cho thấy khả năng giao tiếp. Trẻ ngơ ngác, cô lập và không đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào của người lớn. Ta gọi đó là Giai đoạn tự phát
Nếu thấy con ở trong giai đoạn này thì chúng ta phải hết sức nhẹ nhàng kiên nhẫn trong việc tiếp xúc, tạo ra nhiều tình huống khi chăm sóc , để từ đó trẻ bắt đầu có thể đưa ra các yêu cầu bằng cử chỉ với người lớn. Cụ thể là khi trẻ muốn gì, bé có thể nắm tay kéo đi để mong muốn được đáp ứng các yêu cầu của mình.
Trong giai đoạn biết yêu cầu, việc đáp ứng các yêu cầu kèm theo những kỹ thuật tiếp cận là điều cần thiết để giúp trẻ chuyển sang giai đoạn giao tiếp sớm. Trẻ có thể nghe, hiểu các yêu cầu của người lớn và đáp ứng lại bằng các hành động đơn giản . Đây là mức phát triển của nhiều trẻ, nếu không có quá nhiều khó khăn về giác quan thường có ở các trẻ tự kỷ.
Từ mức độ giao tiếp sớm, với những tác động phù hợp của người lớn, trẻ sẽ nâng khả năng giao tiếp lên mức độ đối tác , nghĩa là trẻ có thể chủ động đáp ứng, phản hồi và trao đổi qua lại các thông tin hay các các hoạt động giao tiếp với người khác của mình.
Như vậy, trước khi vận dụng một số kỹ thuật cần thiết để gia tăng sự giao tiếp của trẻ. Chúng ta cần biết rõ con em mình đang ở mức độ giao tiếp nào. Để từ đó mới áp dụng các kỹ thuật phù hợp.
Chơi với trẻ có dễ không ?
Việc chơi với trẻ không chỉ đơn giản là ngồi xuống chơi, hay kêu trẻ đến để dạy ! Mà phải tạo ra một yếu tố thu hút như việc bầy ra những thứ mà trẻ quan tâm, tạo ra lý do cho trẻ tham gia và . cũng cần hiểu rõ cách giao tiếp của trẻ, để có nhiều biện pháp giao tiếp khác nhau, chứ không phải một giờ “can thiệp” để “tập nói” luyện ngôn ngữ bằng các tấm thẻ tranh vô hồn.
Đầu tiên, để có thể thu hút được trẻ thì chúng ta phải biết rõ về các sở thích, biết chờ đợi các phản ứng ( đôi khi rất bất ngờ hay kỳ cục ) – Biết lắng nghe những gì trẻ phát ra dù đó chỉ là những âm vô nghĩa. Không những thế, mà còn phài những đáp ứng phù hợp với các yêu cầu mà chúng ta có thể hiểu được.
Đừng đặt những câu hỏi đại loại như con muốn gì ? con nói gì vậy ? Vì đơn giản là trẻ không thể cắt nghĩa hay nói ra mong muốn của mình, mà chúng ta hãy khuyến khích trẻ dùng các hình thức diễn đạt khác nhau qua cử chỉ, nét mặt để có thể bộc lộ được nhu cầu của mình .
Trong việc tương giao – cần phải để trẻ vào thế chủ động, trẻ có thể chơi hay làm điều trẻ muốn tùy thích, và người lớn phải biết dựa vào các hoạt động đó để trẻ cảm thấy vui thích khi được lôi kéo bố mẹ vào các hoạt động của mình – Đi theo sự dẩn dắt của trẻ là kỹ thuật quan trọng nhất cần phải nhớ và áp dụng một cách kiên trì.
Để phát triển mối tương giao tích cực , chúng ta phải biết lồng ghép sở thích của trẻ vào các mong muốn hay mục tiêu của mình. Hãy quan sát cách chơi, món đồ chơi của trẻ để dùng ngay cách chơi đó mà tiếp cận trẻ , khiến cho trẻ dễ dàng chấp nhận chúng ta hơn. Khi trẻ đang hoạt động, thì chúng ta cần diễn giải các hành vi của trẻ – “ OH, con đang cầm cái xe trong tay, đẩy nó, rồi chất hàng lên xe…nào nào, đẩy ô tô nào …
Chúng ta quan sát cách trẻ chơi và nói giống như một phóng viên đang tường thuật một trận bóng đá với các khán giả nghe trên đài phát thanh. Nhưng dĩ nhiên chỉ là các mô tả ngắn gọn và có sự lập lại.
Làm thế nào để tạo hứng thú ?
Để tạo sự vui vẻ khi ngồi chơi, chúng ta hãy làm theo hay bắt chước các hoạt động mà mình đang tường thuật, điều đó sẽ khiến cho trẻ dễ dàng hơn trong việc “ chấp nhận” chúng ta vào hàng ngũ bạn bè của em. Cũng như cũng có thể “bắt chước” chúng ta trong các hoạt động sau này. Và chỉ đến lúc đó, chúng ta mới có thể đến gần, cùng chơi đùa với trẻ đề giúp trẻ phát triển.
Bên cạnh các kỹ thuật vừa kể, người dạy khi ngồi chơi với trẻ, khi làm một điều gì đó thì chúng ta phải nhắc lại vài ba lần những điều mình nói và làm , đó là cách giúp trẻ có thể nghe và nhớ những gì mình muốn dạy trẻ.
Hoạt động chơi với trẻ là một hoạt động cùng nhau. Sau khi ta đã đẩy cái xe ô tô , xếp một khối gạch lên cao thì phải gợi ý cho trẻ bằng lời nói hay dấu hiệu để cho trẻ biết là đã đến lượt của mình . Khi trẻ đã biết luân phiên cùng nhau thực hiện một điều gì đó, cũng như biết chờ đợi khi chúng ta đang làm , thì đó có thể nói là một sự tiến bộ đáng kể .
Kỹ thuật khi chơi với con
Ngoài ra , trong việc chơi đùa, trò chuyện với trẻ chúng ta cần lưu ý đến các kỹ thuật sau :
- Khi nói chuyện với trẻ, chỉ nói các câu ngắn gọn, không nói dài dòng, diễn giải hay cắt nghĩa , ngay trong việc mô tả diễn giải hành động của trẻ cũng thế.
- Âm ngữ Việt Nam có các thanh âm ( sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng … ) vừa tạo cho câu nói có các âm độ cao thấp, nhưng nếu không biết cách nhấn giọng – thì nó lại có sự đều đều không gây sự chú ý cho người nghe. Vì thế nói với các từ được nhấn mạnh là một kỹ thuật cần được chú ý . ( ăn BÁNH , cho con uống NƯỚC … ) .
- Để cho trẻ có thể nhớ và hiểu các từ ngữ, chúng ta cần nói với trẻ một cách chậm rãi , không kéo dài ngân nga nhưng rõ ràng .
- Hãy nhớ, ngôn ngữ không chỉ là lời nói mà còn có các điệu bộ, cử chỉ . Bên cạnh đó cần có các hình ảnh, mô hình, đồ dùng mô tả và nói có minh họa cho những điều mà chúng ta cần giao tiếp với trẻ. Hãy nhớ đến các diễn giả khi nói chuyện, cách nhấn nhá và các cử chỉ minh họa sẽ thu hút được người nghe một cách tích cực.
- Khi giao tiếp, không chỉ là các tấm thẻ tranh, mà còn cần đến các mô hình, đôi khi là những vật thật, và các bức ảnh màu, trắng đen, hình vẽ là điều không thể thiếu trong quá trình chơi đùa, tương tác với con.
Qua các vật thật – mô hình – hình ảnh trẻ mới phát triển khả năng hình dung – liên kết – tưởng tượng để đi đến khả năng phán đoán có tư duy. Trẻ phải được học qua hình ảnh để tăng khả năng nhận biết, phát triển vốn từ, ý tương, tạo sự ổn định , hiêu biết và có sự chọn lựa.
Chọn đồ chơi cho con thế nào ?
Một trong những điều làm cho phụ huynh cũng đau đầu không kém là việc chọn mua đồ chơi cho con – Có rất nhiều loại đồ chơi trên thị trường, vậy thì phải chọn như thế nào cho phù hợp ? Trước hết, ưu tiên cho các loại đồ chơi bằng gỗ, vừa an toàn và vừa bền là hai điều rất quan trọng. Thứ hai là công năng : Đồ chơi khi tác động sẽ tạo ra một kết quả nào đó ( phát triển vận động thô và tinh ) Đồ chơi xếp gạch, xây dựng. Đồ chơi xếp theo số lượng , đồ chơi có tính trao đổi và các đồ chơi phát triển giác quan ( Cầm/ nắm / chà xát …. ) và các đồ chơi theo luật. Ngay trong việc chơi, trẻ cũng có những mức độ phát triển khác nhau ( Thấp nhất là trẻ chưa biết chơi đồ chơi , sau đó trẻ sẽ biết chơi theo chức năng của đồ chơi. Nhưng vẫn chỉ chơi một mình trong một thời gian trước khi biết chơi tương tác và cao nhất là trẻ biết chơi giả vờ , sắm vai.
Việc dùng các loại sách bằng vải, bìa cứng có những hình ảnh đơn giản cũng là một phương tiện có ích cho việc xây dựng mối tương tác với con , qua những lúc trò chuyện, kể chuyện cho con dựa theo các hình ảnh minh họa hay đọc cho trẻ nghe….. Chúng ta cũng có thể dùng ngay các hình ảnh sinh hoạt trong các hoạt động thường ngày của trẻ tại nhà, để hình thành các câu chuyện kể, giúp trẻ hiểu rõ vị trí và các hoạt động cần có trong gia đình.
Hãy trở thành bạn của con
Việc giao tiếp với trẻ sẽ thành công khi chúng ta là bạn của trẻ, được trẻ “chấp nhận” sau một thời gian cưa cẩm dài hay ngắn tùy thuộc vào “tài nghệ” của bố mẹ hay người dạy trẻ. Nhưng chính việc trở thành bạn của trẻ sẽ là yếu tố quan trọng nhất trong tiến trình giúp con phát triển ngôn ngữ, giao tiếp theo từng giai đoạn tiến bộ của trẻ , đi từ giai đoạn tự ý ( không quan tâm đến ai ) Giai đoạn Yêu cầu ( Ý thức được sự có mặt của người lớn nhưng chưa chơi ) bước qua Giai đoạn giao tiếp sớm ( Trẻ bắt đầu biết chơi chung, chơi luân phiên ) và đi đế giai đoạn đối tác ( Biết tham gia một trò chơi giả vờ , biết cách bắt dầu, tiếp tục và kết thúc một trò chơi ). Sự phát triển giao tiếp cho trẻ là điều không dễ dàng , nhưng với tình yêu thương, hiểu biết, chấp nhận và tôn trọng, chúng ta tin rằng mình sẽ làm được.
LÊ KHANH – Trung tâm Diệp Quang .