Danh mục rối nhiễu tâm lý trẻ em
26/05/2011
Các lý thuyết tâm bệnh lý tiêu biểu (2)
26/05/2011
Danh mục rối nhiễu tâm lý trẻ em
26/05/2011
Các lý thuyết tâm bệnh lý tiêu biểu (2)
26/05/2011

Tâm bệnh lý là một lĩnh vực tâm lý ứng dụng các hệ thống trị liệu và lý thuyết tâm lý trong việc chẩn đoán và điều trị những triệu chứng rối loạn tâm thần – Dưới đây là một số lý thuyết tâm lý tiêu biểu đã có những ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực tâm bệnh lý.

 

LÝ THUYẾT CỦA GEORGER HERBERT MEAD (1863-1931)

George H. Mead là một giáo sư triết học về tâm lý xã hội thuộc Đại học Chicago, ông là một học giả chuyên chính có ảnh hưởng rộng lớn; tuy nhiên, chưa bao giờ viết sách hay báo để biện minh học thuyết của mình. Những lớp tâm lý học đầu tiên của ông được dạy từ năm 1900 tại Đại học Chicago. Về sau, vào những năm 1927-1930, người ta đã viết lại tư tưởng của Mead và phổ biến rộng rãi. Phần trình bày dưới đây được trích dẫn từ tác phẩm “Mind Self and Society” và được tóm tắt trong nội dung quyển “Sociology” của Leonard Broom, và Philip Selznick.

Nội dung lý thuyết tâm lý của Mead được trình bày qua các điểm trung tâm của: tâm thức, bản ngã, và xã hội.

Lý thuyết của Mead, cũng như John Dewey (một triết gia thực nghiệm), cho rằng cơ cấu tâm lý của con người là một hệ thống bao gồm: tâm thức, bản ngã và xã hội. Tuy nhiên, theo Mead, tâm thức (mind) và bản ngã (self) vốn là sản phẩm của xã hội. Tâm thức và bản ngã là một hệ thống xã hội, phát sinh từ kinh nghiệm xã hội; và do đó, có thể xem bản ngã của tâm thức là một đơn vị độc lập, nhưng không thể phát sinh ngoài kinh nghiệm xã hội.

Mead, qua ghi nhận của L. Broom và P. Selznick, lý luận rằng: “Tư tưởng hay tâm linh và bản ngã, chỉ xuất hiện trong diễn tiến giao tế và giao dịch xã hội, chứ không thể có trước xã hội. Nhưng làm thế nào giao tế và giao dịch xã hội có thể hoạt động trước tâm linh và bản ngã ?”. Mead giải thích: “Khả năng giao dịch và giao tế là khả năng sinh lý của những sinh vật thượng đẳng. Thực vậy, giao tế bằng những phương tiện không dùng ngôn ngữ trong những hoạt động chung là điều kiện có trước ngôn ngữ. Ngôn ngữ đã góp thêm vào sự giao dịch và giao tế thô sơ, của loài người bằng cách làm cho xã hội hóa có thể thực hiện được. Nhờ ngôn ngữ nên người ta có thể lĩnh hội rõ ràng thái độ của những kẻ khác và các đoàn thể họ tham dự vào… Cuối cùng, tâm thức và bản ngã phát sinh khi giao tế xã hội đi song song với ngôn ngữ và do ngôn ngữ mà được hoàn thành”.

Từ đó, lý thuyết tâm lý của Mead đưa ra tiến trình phát sinh và phát triển của bản ngã từ thái độ bắt chước đến khả năng tổng quát-liên hệ. Có thể tóm tắt lý luận căn bản của Mead như sau:

a) Giao tế tiền ngôn ngữ

Trong nhiều trường hợp, các giống vật giao cấu với nhau và săn sóc trẻ con làm cho phát sinh sự tương quan giữa con này và con kia, đó là sự phát sinh của đời sống gia đình- thô sơ trong các giống vật thấp hơn người.

Đối với con người, do đó, nếu không thể giao dịch bằng cử chỉ – (hành động không lời) – thì không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ. Vì lẽ các trẻ em nhỏ tuổi, nó sẽ không hiểu được “giận” hay “đói” là gì trừ phi nó hiểu được cử chỉ giận hờn và cho ăn của người mẹ v.v… Đây là giai đoạn đầu của ý thức về bản ngã hay giai đoạn giao tế tiền ngôn ngữ.

b) Giai đoạn ngôn ngữ hình thành tâm thức và bản ngã

Trong trường hợp này, Mead cho rằng, nhờ có ngôn ngữ nên có tư tưởng và nhờ có tư tưởng nên mới có sự giao tế; và nhờ có ngôn ngữ nên có thể thay thế tư tưởng bằng hành vi, thái độ, cử chỉ… Ở đây, sau khi đứa bé hiểu được cử chỉ “giận hờn” và học được chữ “giận hờn”, người mẹ không cần dùng đến cử chỉ nữa mà chỉ dùng lời nói để biểu thị tư tưởng. Và, vì mẹ và con cùng hiểu những khái niệm về cử chỉ và ngôn ngữ, nên đứa bé có ý niệm về sự “giận hờn” … Do đó, tự nó sẽ làm theo những gì phù hợp với ý muốn của mẹ nó (hay ý muốn của những người xung quanh nó); nghĩa là nó lấy thái độ của người khác hay những thái độ được qui ước chung của xã hội làm khuôn mẫu nương theo. Đây là sự hình thành nhân tính hay ý thức về tự ngã đầu tiên của mỗi con người.

c) Bản ngã – xã hội

Như vừa đề cập, sự phát sinh thế giới ý niệm của trẻ con là do sự học tập và hấp thụ thái độ, ngôn ngữ, quan điểm,… của kẻ khác; và bằng cách đó, xã hội “đi vào cá nhân”. Nhưng theo Mead thì chỉ có con người mới có khả năng kiểm thảo và tự kiểm thảo; và sự tự kiểm thảo đó là kết quả của xã hội. Vì từ đầu, nguyên tắc hướng dẫn con người vốn là kết quả của sự lĩnh hội các thái độ và quan điểm… từ những người khác, tức từ xã hội mà không phải là từ con người chính nó. Vì thế, ý thức về tự ngã luôn luôn mang tính xã hội, và hiện hữu giữa tương quan của con người và xã hội.

d) Bản ngã và sở hữu tự ngã

Ở điểm này, Mead nới rộng quan niệm về tự ngã, cho rằng nó không những là sản phẩm của xã hội mà còn có tính chất sáng tạo. Từ đó, ông chia bản ngã thành hai loại: bản ngã và sở hữu tự ngã (hay cái thuộc tính cố định của bản ngã). Nếu nói theo từ ngữ của Freud thì bản ngã không bị kiểm soát bởi sở hữu tự ngã, mà trái lại, sở hữu tự ngã là một phần của bản ngã. Do đó, sở hữu tự ngã có thể gọi là những tri kiến, kinh nghiệm, khát vọng … của bản ngã. Và như thế, nó không hẳn lúc nào cũng bị chi phối bởi những gì mà nó lĩnh hội, nhưng trái lại, nó có thể hành động rất sáng tạo, ảnh hưởng đến hay thay đổi mọi cơ cấu của tiến trình xã hội.

 

LÝ THUYẾT CỦA SIGMUND FREUD ( 1856 – 1939)

Sigmund Freud là một bác sĩ về thần kinh và tâm thần người Áo, sáng lập ngành Phân tâm học (Psychoanalysis). Vì Freud là gốc người Do Thái, từ năm 1938 ông sống lưu vong để tỵ nạn chế độ phát xít Đức, và mất tại Anh vào năm 1939. Xuất phát từ một phương pháp trị bệnh rối loạn thần kinh đặc biệt (hystérie), Freud đã đề xuất phép trị liệu phân tâm học bằng sự sử dụng liên tưởng, mộng để phân tích những động lực mạnh (choc) gây bệnh. Về sau phân tâm học trở thành chủ nghĩa Freud (Freudianism) và đề xuất hai bản năng gốc là “bản năng tình dục” và “bản năng chết”, xem đó là nguyên động lực chi phối tiến trình lịch sử nhân loại. Sau đó, lại tiếp tục hình thành nên chủ nghĩa Freud mới (Neo-Freudianism) với các đại biểu chính là E. Fromn, K. Horney v.v…

Lý thuyết của Freud có thể được tóm tắt như sau: Freud cho rằng cấu trúc nhân tính hay ngã tính của con người bao gồm ba phần: Bản năng (Id), ngã tính (ego) và siêu ngã (superego), cũng gọi là “ý thức” ba ngôi.

 

a) Bản năng (Id):

Bản năng là cội nguồn nhân tính của con người, ở đó tích lũy các nguồn năng lượng và cung cấp năng lực cho các hoạt động tâm lý như ý thức (ego) và siêu thức (superego). Khi nguồn năng lượng gia tăng khiến cho bản năng bùng phát mạnh tạo thành những cú sốc (choc) tâm lý khó chịu, căng thẳng, bực tức … Ngược lại, sự giải trừ các căng thẳng và qui giảm năng lượng trở về trạng thái ổn định, thư giãn … là con đường phấn khích đưa đến khoái lạc. Do đó, bản năng được chia thành hai loại tác năng chính, đó là: “bản năng tình dục” (libido) và “bản năng chết”.

Về bản năng tình dục (libido): nó là cội nguồn, năng lượng tình dục, năng lực kích thích tình dục, phấn khích tình yêu … và chi phối đời sống nội tâm. Ở điểm này libido được xem như là “nguyên tắc khoái lạc”. Nó vừa là sự phát triển tình dục của người lành mạnh và được mở rộng cho đến các hoạt động khoa học, mỹ thuật của cá nhân, lại vừa là căn nguyên của bệnh lý. Về sau, Freud liên hệ rộng hơn nữa về khái niệm libido cho tất cả xung năng của tình yêu, như tình yêu giữa bố mẹ và con cái…

– Về bản năng chết (pulsion de mort) hay lực chết: nó diễn ra theo chiều hướng ngược lại khi tùy vào mức độ tăng tốc của năng lượng trong bản năng (Id) đi đến đỉnh cao như tức tối, giận dữ… làm tăng huyết áp, ngất xỉu, tử vong…

Theo nhận xét của C. Jung, libido không những là xung năng (pulsion) của tình dục, mà còn là năng lượng của tâm lý nói chung.

b) Ý thức tự ngã (ego)

Freud cho rằng, ý thức tự ngã luôn luôn bị chi phối bởi bản năng (Id) mà nội dung chính của nó là “libido” hiểu theo nghĩa rộng – tức là mọi nhu cầu, khát vọng, dục vọng, thèm muốn giao tiếp với thế giới thực tại khách quan. Ý thức là l bản năng khát vọng sống của tự ngã ( cái tôi). Nhưng khi ý thức tự ngã bị kiềm chế bởi những khuôn định, qui ước xã hội (social conventions) nó lại đi vào vô thức (inconscient). Rồi từ đó, những xung năng khát vọng bộc phát lên ý thức, biến thành những ưu phiền, lo âu… “Cái tôi” của mỗi cá thể luôn luôn bị phá vỡ bởi sự mâu thuẫn của bản năng dục vọng và sự kiềm chế của ý thức xã hội.

c) Siêu ngã (superego)

Siêu ngã cũng được gọi là siêu thức, nó vượt lên trên bản năng tình dục (sexuality) và ý thức tự ngã để duy trì mọi giá trị truyền thống và các lý tưởng đạo đức xã hội. Nó, một mặt vừa kiềm chế sự thôi thúc của “khát vọng dục tính” (sexual desire), mặt khác thúc giục ý thức bảo trì các giá trị đạo đức cá nhân và xã hội. Do đó, siêu thức là ý thức vươn đến sự hoàn thiện của đời sống.

Theo đánh giá của L. Broom và P. Seiznick, thì cả hai triết gia thực nghiệm George H. Mead và Sigmund Freud, những người sáng lập ngành giải phẫu tâm lý này đã đóng góp một phần lớn vào tiến trình nghiên cứu bản ngã trong quá trình xã hội hóa. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, quan điểm của Mead và Freud hoàn toàn khác nhau. Mead thì lấy xã hội làm nền tảng cho sự phát triển của ý thức, trong khi Freud thì cho rằng, những qui ước xã hội đã kiềm hãm và làm sai lệch ý thức tự ngã. Mead chia ý thức thành hai phạm trù: bản ngã (ego) và sở hữu tự ngã (ego – attribute), và cho rằng cả hai đều nương tựa vào xã hội mà hình thành và phát triển. Ngược lại, Freud chia ý thức làm ba phạm trù: bản năng (Id), ý thức (ego) và siêu thức (superego); và ở đó, bản năng (Id) là phần trọng tâm của sinh lý cá thể mà xã hội không thể nào điều hành được, ego là người trung gian hòa giải các nhu cầu sinh lý và những đòi hỏi của xã hội. Đối với Mead, ngã và sở hữu tự ngã có thể dung hóa lẫn nhau, trong khi theo Freud, các phạm trù của ngã luôn tiềm tàng những khả năng xung đột, mâu thuẫn (30)… hay còn gọi là xung năng (pulsion).

Cho đến nay lý thuyết của Freud vẫn là nền tảng cơ bản cho các liệu pháp trị liệu Phân Tâm – cũng như là cơ sở góp phần vào các liệu pháp trị liệu tâm lý khác.

Chuyên gia Tham vấn tâm lý MÃ NGỌC THỂ

(Nguồn: nucuoitraitim.com )

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý