TRẺ THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
07/12/2017Quản lý tiền và việc dạy con.
05/01/2018Đến nay, sau gần 2 thập niên ( 1990 – 2017 ) tình trạng rối loạn phát triển ở trẻ em vẫn còn những rối loạn trong việc gọi tên. Nhất là để xác định được đâu là những rối loạn đặc hiệu cho tình trạng này. Vẫn còn nhiều lẫn lộn giữa Tự kỷ với Tăng động giảm chú ý và chậm phát triển trí tuệ, dù 3 tình trạng này là khác nhau từ tên gọi đến triệu chứng..
Tự kỷ, chỉ hai âm tiết thôi mà không biết từ bao giờ đã biến thành một ông kẹ, hù dọa không phải những trẻ sợ ma sợ bóng tối, mà là các phụ huynh đủ mọi thành phần, lứa tuổi, trình độ … đặc biệt ở các cha mẹ, càng hiểu nhiều, càng đọc lắm thì lại càng …run Họ khủng hoảng, khiếp vía, lo lắng, bật khóc, suy sụp, chỉ muốn chết quách đi cho xong khi phải đối diện với cái nhãn VIP của một ngài bác sĩ, chuyên gia nào đó dán lên đầu đứa con khỏe mạnh xinh tươi của mình.
Bởi vậy, nhiều bác sĩ, chuyên gia, và cả các giáo viên, nhà giáo dục khi đánh giá, chẩn đoán, xem xét tình trạng của trẻ, đã ngại bố mẹ có thể lên cơn stress khi phải đối diện với sự thật, nên đã không gọi là tự kỷ, mà gọi là rối loạn phát triển lan tỏa, hay né tránh bằng cách gọi đó là trẻ tăng động – kém chú ý , trẻ chậm phát triển … vì họ cho rằng gọi như thế sẽ nhẹ nhàng hơn cho việc mô tả những hành vi kỳ lạ, sự chậm trễ về ngôn ngữ, những rối loạn trong giao tiếp … để bố mẹ có thể chấp nhận và bắt đầu một hành trình không có điểm..dừng !
Cũng có người cho rằng gọi tên chính xác cái chứng của con mình là gì không quan trọng, quan trọng là sự yêu thương, chăm sóc con hết lòng…dù con có là gì đi nữa , cứ ráo riết can thiệp cho con bằng đủ mọi biện pháp là con sẽ có thể tiến bộ, có thể hòa nhập với xã hội … thậm chí là có thể ..bình thường trở lại !
Đây là cách nghĩ tuy cần nhưng chưa đủ hay vô tình lại tạo ra những định hướng sai lệch trong tiến trình can thiệp rất dài của con. Tình yêu thương con một cách tràn đầy sẽ là một động lực mạnh mẽ không gì sánh được trong hành trình cùng con. Nhưng nó cũng sẽ là lý do thúc đầy bô mẹ bước vào mê cung của những phương pháp can thiệp với những kết quả đầy thuyết phục dù chẳng hề dựa trên một chứng cớ khoa học nào . Nào là cạo gió để trục cái khí lạnh ra khỏi con, con sẽ hồi phục lại trí tuệ sau vài chục lần chịu đựng sự “tra tấn” cào nát cơ thể để đưa đến kết quả cụ thể là trục được một khoản tiền không nhỏ ra khỏi túi của bố mẹ. Nào là chỉ dùng vài chục hộp Vương Não Khang thì sẽ giúp trẻ phát triển trí tuệ, ngôn ngữ mà không hề nghĩ đó chỉ là một loại thực phẩm chức năng vô thưởng vô phạt… Nguy hiểm hơn, giờ đây việc “chữa trị” cho trẻ Đặc biệt không chỉ ở các cá nhân như Bà Lang Nùng hay ông thần y nào đó.. mà là từ những cơ sở y tế chính thức như viện châm cứu, bệnh viên quốc tế, với tên tuổi của các Tiến sĩ, giáo sư đầy uy tín. Thậm chí với những con số cụ thể như hơn 1500 bệnh nhi mà khả năng phục hồi là 60% sau một số liệu trình châm cứu vài ba tháng hay vài ba năm…
Đúng là những biện pháp phẩu thuật khoa học như cấy tế bào gốc, kỹ thuật châm cứu, cấy chỉ là có tác dụng trên một số chứng bệnh về thần kinh … Nhưng ở đây, các cơ sở này đã cố tình dùng các thuật ngữ khoa học để đánh đồng các chứng rối loạn phát triển với những tổn thương về thần kinh của trẻ, đưa đến các khó khăn về vận động, mà những phương pháp trên đã tỏ ra có hiệu quả. Họ suy diễn theo kiểu là cứ hễ cái gì liên quan đến thần kinh, đến rối loạn là đều có thể dùng chung một số liệu pháp như nhau…
Đó cũng chính là việc xem các tình trạng rối loạn phát triển này đều có các biểu hiện tương tự nhau, nên cần gì phải phân biệt một cách rõ ràng. Cứ hễ chậm nói, kém giao tiếp xã hội, chậm nhận thức, hoạt động lăng xăng không ngừng nghỉ, chẳng thèm chú ý đến ai…thì gọi các VIP ấy là tự kỷ hay tăng động, giảm chú ý hay chậm phát triển cũng chẳng hề gì ! Miễn là cứ quan tâm, yêu thương con, cho con đi can thiệp sớm cho đến khi con nói được là xong, là có thể cho con đi học, và khi đã vào được trường là xong, con sẽ được hòa nhập !
Trong sách DSM 5 (Diagnostic and Statistical Manual Disorders – Cẩm Nang Thống Kê & Chẩn Bệnh Tâm Thần ) xuất bản năm 2003 đã đưa ra các chẩn đoán tự kỷ như sau :
Rối Loạn Phổ Tự Kỷ (Autism Spectrum Disorder) – có mã số 299.00 (F84.0) với các dấu hiệu đặc trưng trong 3 nhóm:
– Nhóm A :Trẻ có 3 dấu hiệu khiếm khuyết về ngôn ngữ , cảm xúc và giao tiếp xã hội
– Nhóm B: Trẻ có 3 dấu hiệu giới hạn, lặp lại, rập khuôn về hành vi, sở thích, và hoạt động. Ngoài ra trẻ còn có những rối loạn về giác quan .
Những tiêu chuẩn trong nhóm B của DSM -5 được áp dụng để chẩn đoán và phân định sự khác biệt giữa Rối Loạn Phổ Tự Kỷ (ASD) và dạng Rối Loạn Ngôn Ngữ trong Giao Tiếp Xã Hội (Social ‘Pragmatic’ Communication Disorder SCD). Tiêu chuẩn hay tiêu chí số 4 trong nhóm B về rối loạn cảm giác chưa từng có trong ấn bản cũ (DSM-IV). Nếu trẻ hội đủ 3 tiêu chuẩn của nhóm A nhưng không có những giới hạn, lặp lại, rập khuôn về hành vi, sở thích, và hoạt động thuộc nhóm B thì không phải là tự kỷ, và nên xếp vào dạng SCD .
Không những thế, khi chẩn đoán tự kỷ cần nêu rõ: – Trẻ ASD có kèm theo chứng chậm phát triển, Chậm nói hay không? Trẻ có cần một sự chăm sóc y tế hay kèm theo một chứng rối loạn phát triển khác như chứng tăng động giảm chú ý ( ADHD), thậm chí là có kèm theo bệnh tâm thần phân liệt (schizophrenia), rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder) hay không?
APA ( hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ ) cảnh báo: Những cá nhân đã có sự chẩn đoán bị rối loạn tự kỷ, rối loạn Asperger, hay rối loạn lan tỏa – không phân biệt rõ (PDD – NOS), dựa vào ấn bản cũ (DSM-IV), phải được xếp chung vào Rối Loạn Phổ Tự Kỷ (ASD) trong ấn bản mới (DSM 5). Riêng những cá nhân có những khiếm khuyết nghiêm trọng về ngôn ngữ, nhưng không hội đủ tiêu chuẩn tự kỷ trong DSM 5, sẽ được thẩm định lại để xếp vào dạng Rối Loạn Ngôn Ngữ trong Giao Tiếp Xã Hội (SCD).
Như vậy, rõ ràng các chứng rối loạn phát triển hay rối loạn ngôn ngữ trong giao tiếp xã hội và các chứng tâm thần trẻ em, đã được phân biệt rất rõ ràng – mặc dù chúng đều có những biểu hiện tương tự nhau.
Cũng theo sách DSM 5 thì rối loạn tăng động giảm chú ý có 3 nhóm khác nhau là :
– Nhóm thiên về Giảm chú ý với 9 dấu hiệu sau :
1/ Không chú ý đến các chi tiết .
2/ Dễ nhàm chán các hoạt động phải lặp lại .
3/ không quan tâm đến người đối diện trong giao tiếp ,
4/ không hoàn tất các yêu cầu về công việc và học tập.
5/ Gặp khó khăn khi phải tuân theo các yêu cầu của bố mẹ hay giáo viên.
6/ Khó tổ chức một hoạt động theo một trình tự nhất định trong một thời gian cụ thể.
7/ Không thích các công việc đòi hỏi sự tập trung.
8/ thường để mất đồ đạc, học cụ.
9/ dễ bị phân tâm bởi những kích động chung quanh
Trẻ dưới 17 tuổi cần đạt 6 tiêu chuẩn trở lên mới hội đủ điều kiện thuộc dạng rối loạn tăng động giảm chú ý .
Nhóm thiên về Tăng động với 9 dấu hiệu :
1/ Thích cựa quậy, đánh nhịp, vặn vẹo chân tay .
2/ Không thể ngồi yên một chỗ quá 5 phút
3/ Thường không thể chơi một cách nhẹ nhàng, êm thắm .
4/ Đứng ngồi không yên, đôi chân chỉ thích đi .
5) Nói nhiều .
6/ Trả lời trước khi người khác hỏi xong
8/ Không kiên nhẫn chờ đợi
9/ Ưa quấy rầy hoặc làm gián đoạn công việc của người khác .
Nhóm Kết Hợp bao gồm 9 tiêu chuẩn của dạng giảm chú ý (Inattention) và 9 tiêu chuẩn của dạng tăng động và bồng bột (Hyperactivity and Impulsivity).
( theo thông tin từ FB Danang Ho )
Như thế, nếu xét về bản chất và dấu hiệu thì rõ ràng tự kỷ – tăng động kém chú ý hay chậm phát triển – kém giao tiếp xã hội …dù có chung cái mũ là rối loạn phát triển. Thì đều có những dấu hiệu khác nhau và dĩ nhiên là từ đó, phải có những biện pháp và mục tiêu can thiệp khác nhau.
Không phải đơn giản mà ngay từ xa xưa, cha ông ta đã có câu : Tên gọi có đúng ( Danh chính ) thì lời nói mới phù hợp ( Ngôn thuận ) . Mà có sự phù hợp thuận lợi thì mới đạt kết quả. Đã biết bao nhiêu thứ trong thời đại này, do sự nhập nhằng, không chính danh, mà đã trở nên giả dối hay tạo ra những quan điểm sai lầm trong việc định hướng. Là Phụ huynh hay là nhà chuyên môn đều nên xem xét một cách rõ ràng về tình trạng của con em mình, để từ đó có thể định ra một lộ trình, một mục tiêu can thiệp một cách hợp lý và hiệu quả.
CVTL Lê Khanh
GĐ Chi Nhánh Cty GD KidsTime – TP HCM