CÁI TÊN KHÔNG QUAN TRỌNG
25/12/2017
RỐI LOẠN CẢM GIÁC – NGUỒN GỐC DẤU MẶT
07/01/2018
CÁI TÊN KHÔNG QUAN TRỌNG
25/12/2017
RỐI LOẠN CẢM GIÁC – NGUỒN GỐC DẤU MẶT
07/01/2018

Một đôi bạn trẻ sau khi cưới nhau, bà mẹ vợ phàn nàn : Tiền mừng cưới, vàng vòng cho cô dâu, mẹ chồng gom hết , gửi tiết kiệm tuy cho con trai đứng tên nhưng giữ sổ, muốn lấy ra thì phải xin. Hai vợ chồng đều đi làm và trước khi lấy nhau, thì đều là những đứa con ngoan, có bao nhiêu mang nộp cho mẹ hết. Bây giờ lấy nhau, chàng về ở nhà nàng, thì bà mẹ chồng lại yêu cầu mỗi tháng gửi về cho bà ấy hơn một nửa tiền lương của con trai, để ..chơi hụi !

Ở đây, cả hai bà mẹ đã không “dạy con” biết quản lý tiền cho nên khi “ ra riêng” vẫn phụ thuộc vào bố mẹ, rốt cuộc thay vì  giúp con xây dựng một gia đình riêng để trưởng thành và có trách nhiệm thì  bà mẹ vợ lại phải nhận thêm một miệng ăn ! Vì thế  hai vợ chồng vẫn là hai đứa trẻ để 2 bà mẹ quản lý thu chi !

Việc giúp con biết quản lý tiền là điều mà các bậc cha mẹ Tây phương, đặc biệt là trong các gia đình người Do Thái đã tập cho con ngay từ bé, 7, 8 tuổi là đã có khả năng nhận biết giá trị của đồng tiền, biết để dành tiền và nhất là biết tiêu tiền một cách hợp lý. Còn gia đình VN chủ yếu chỉ tập trung vào việc dạy cho con ngoan ngoãn, chăm học và thông minh !

Có nhiều phụ huynh khi con có vấn đề về tâm lý, như nhút nhát hay chống đối , lười biếng và ỷ lại..hay hỗn láo, ích kỷ, đòi hỏi ..thậm chí có thể cãi hay đánh lại cả bố mẹ thì thường nghĩ đến ảnh hưởng của việc chơi games nhiều, bị ảnh hưởng của phim ảnh hay xã hội… khá hơn, thì có thể thấy rằng đó là hậu quả của việc chiều chuộng, bảo bọc, muốn gì được nấy từ nhỏ. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Vì ít ai ngờ rằng, việc không tập cho con biết giá trị đồng tiền và cách quản lý tiền lại có những tác động đến các vấn đề trên.

Nhiều bà mẹ thường nghĩ rằng việc  không cho con tiền túi, là để bảo vệ con khỏi việc mua sắm quà bánh linh tinh, đồ chơi tầm bậy… ngay cả khi con đã vào cấp 2, cũng rất hạn chế việc cho con tiền, chỉ khi nào có nhu cầu xin mua học cụ, sách vở thì mới cho. Còn tất cả các nhu cầu khác thì cần gì sẽ tự tay mua cho con, bao nhiêu cũng được.  Ngược lại, có nhiều mẹ lại cho con nhiều quá mức cần thiết, để muốn làm gì thì làm, chủ yếu là để chứng tỏ … gia đình có điều kiện !

Những quan điểm và cách cho con tiền như thế, thường sẽ đem lại hậu quả, nhẹ là khi lớn lên trẻ sẽ không tự chủ được trong việc dùng tiền, lãnh lương ra là có thể mua sắm cho hết trong vài tuần và sau đó là ăn mì gói ! Còn hậu quả trước mắt là không thể uốn nắn các hành vi sai trái của con, không thiết lập được mối quan hệ giữa bố mẹ và con một cách lành mạnh và giúp con có thể tự hào vào bản thân.

Chúng ta nên tập cho trẻ biết cách quản lý tiền ngay từ khi bước vào lớp Một. Không đơn giản chỉ là cho con một, hai chục để mua gì thì mua, mà phải theo một trình tự :

  • Giai đoạn 1 : Nhận biết tiền : Ngay từ khi trẻ vào mẫu giáo, đã phải tập cho trẻ nhận ra những con số trên các tờ giấy bạc từ 1000 – 5000 đồng. Chỉ cần nhận ra sự khác biệt, và sau đó khi đi mua hàng, hãy chỉ cho con biết là với các mệnh giá trên, có thể mua được gì. Bố mẹ có thể chơi trò chơi mua bán với trẻ, vừa là việc nối kết mối tình thân, vừa tập cho trẻ biết nhận dạng và cả việc tính toán khi mua sắm những món hàng dưới 5000.
  • Giai đoạn 2 : Biết cầm tiền và mua sắm – Khi con vào lớp Một hoặc lớp Hai, hãy cho trẻ từ 10000 trở xuống , hướng dẫn trẻ biết mua quà bánh, nước giải khát, kem hay đồ chơi rẻ tiền – Chắc hẳn bố mẹ sẽ lo lắng về vấn đề vệ sinh hay các nguy cơ khác. Điều đó là đúng, nhưng không phải việc ngăn ngừa trẻ ăn quà vặt, chơi các trò chơi “ mất vệ sinh” một chút mà có thể giữ an toàn cho trẻ. Chính điều đó lại giúp trẻ có sức đề kháng hơn, sau vài trận đau bụng… nếu chúng ta tập được cho trẻ hai thói quen : Luôn rửa tay trước khi ăn, sau khi đi học về và khi đi đâu về nhà thì thay ngay quần áo ra thì đó mới là cách đơn giản nhất để tránh những lây nhiễm từ môi trường.
  • Giai đoạn 3 : Biết kiếm tiền và để dành : Khi cho trẻ 10 hay 20 nghìn –ta yêu cầu trẻ hãy giữ lại ít nhất là 1/3 hay ½ – Số tiền đó mang về, ta sẽ cho thêm 1 khoản tiền bằng với số tiền mà trẻ giữ lại, sau đó bỏ vào trong 2 cái hộp, một cái để dành đến cuối tuần mở ra, gộp lại để trẻ có thể tự do mua sắm những món đồ mà trẻ ưa thích – ta sẽ không can thiệp vào. Còn 1 hộp ít hơn là để làm từ thiện. Trẻ cũng có thể kiếm tiền bằng cách tham gia một số công việc trong nhà. Lưu ý có những công việc là bổn phận, thì không tính. Bố mẹ cũng không dùng tiền để nhử trẻ làm việc, vì như thế sẽ tập cho trẻ thói quen coi trọng tiền bạc, làm điều gì cũng đòi phải trả công mới làm. Hãy giải thích và chỉ cho trẻ thấy sự khác biệt giữa thành quả được hưởng và sự đòi hỏi quyền lợi.
  • Giai đoạn 4 : Biết quản lý tiền : Hãy giải thích cho con về việc lập sổ tiết kiệm, biết cách tiêu tiền vào những món vật dụng cần thiết hữu ích và giá trị của việc làm từ thiện. Có thể để cho trẻ vài kinh nghiệm “đắng lòng” khi mua phải hàng giả, hay phí tiền vào các chuyện vô bổ, để rồi không còn tiền cho những nhu cầu thiết yếu nữa.
  • Giai đoạn 5 : Ý nghĩa sau việc quản lý tài chính : Khi trẻ đã biết cách tiêu tiền, có nhu cầu dùng tiền, thì bố mẹ có thể dùng ngay điều đó để quản lý hành vi của trẻ. Ta sẽ cho trẻ thấy, sống trong gia đình là phải có bổn phận với chính mình và trách nhiệm với những người chung quanh. Khi trẻ làm tốt thì các công sức của trẻ sẽ được nhìn nhận bằng sự khen thưởng về tinh thần và vật chất. Ngược lại thì trẻ không những phải chịu sự hạn chế về nhu cầu mà còn phải chịu sự bỏ rơi về mặt tinh thần. Trẻ sẽ hiểu niềm vui sướng lớn nhất của mỗi người là thấy mình trở thành một người có ích. Có ích cho bản thân trong việc có thể tự tay làm ra các giá trị vật chất và được mọi người chung quanh quan tâm và tôn trọng .

Những sai lầm về tiền bạc mà phụ huynh cần tránh

  • Không nói chuyện với con về tiền bạc
  • Không dám từ chối mọi yêu cầu của con
  • Cùng con “nói dối” về tiền bạc
  • Lời nói, hành vi của bố mẹ không thống nhất
  • Tiêu xài cho giải trí quá mức
  • Không dạy con biết dành dụm cho lúc nguy cấp
  • Bố mẹ mâu thuẫn, cãi vã vì tiền bạc trước mặt con

Như thế, khi chúng ta tạo ra nhu cầu dùng tiền của trẻ, chính là giúp cho trẻ biết giá trị của bản thân, của sự làm việc và lòng tự tin vào chính mình. Hơn nữa, nó cũng là 1 công cụ để quản lý trẻ, khi dựa vào nhu cầu lợi ích của trẻ để uốn nắn hành vi , chứ không phải là đòn roi, là quát mắng …những biện pháp kỷ luật đầy nước mắt để ép trẻ vào một khuôn khổ mà kết quả thường là sự thất vọng ngày càng nhiều về đứa con của mình.

CVTL. Lê Khanh  – Cty GD KidsTime Bình Thạnh.

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý