NHẬN BIẾT VỀ TỰ KỶ
03/04/2020VÙNG TRỜI MƠ ƯỚC CỦA CON .
08/04/2020Trong những năm đầu thời học cử nhân, Tôi đi tìm hiểu về cảm xúc dạy học. Tôi hồ hởi bao nhiêu cho những tích góp kiến thức và những điều vui để dồn vào dạy trẻ. Thế rồi tôi choáng trong sự ảo về những việc thao tác bất tuyệt một chiều ấy. Đối diện với tôi là những em bé hết sức ngây thơ với “cảm xúc cứng”. Tôi đã tập lại cách “hi hô” những trạng thái cảm xúc của chính mình.
Khi dạy các bé Tự kỷ, tôi học được cân bằng cảm xúc, học cách lắng nghe chúng nhiều hơn để thấu hiểu mong muốn của chúng là gì? Tôi từng bước lần mò để là bạn tin cậy của các bé. Tôi biết cách hiệu chỉnh cảm xúc với chính tôi, biết chờ đợi sự đáp lại cảm xúc từ trẻ và những phút giây bên các bé là lúc mà tôi học cách quan sát cảm xúc nhiều nhất…
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cách trẻ thể hiện cảm xúc, thông qua cả lời nói và hành động như: cảm xúc mà trẻ học được từ cha mẹ, người chăm sóc hay giáo viên; do tính cách của trẻ; trẻ học được thông qua quan sát hay trải nghiệm; bầu khí đang tạo ra ở tại gia đình khiến căng thăng khác nhau mà gia đình và trẻ phải chịu….Các nhà tâm lý Pháp những năm cuối 90 của thế kỷ trước đã từng nhắc tới yếu tố tâm lý của các cha mẹ ảnh hưởng trực tiếp trong giáo dục cảm xúc cho trẻ rối loạn. Hay những nghiên cứu về liên kết mẹ – con, họ cũng nêu về những bà mẹ “băng giá” tác động trực tiếp tới phát triển tâm lý đứa trẻ,..vv..
“Cảm xúc hay xúc cảm là một hình thức trải nghiệm cơ bản của con người về thái độ của chính mình đối với sự vật, hiện tượng của hiện thực khách quan, với người khác và với bản thân. Sự hình thành cảm xúc là một điều kiện tất yếu của sự phát triển con người như là một nhân cách. Cảm xúc có nhiều loại: cảm xúc đạo đức, cảm xúc thẩm mỹ, cảm xúc trí tuệ… Một đặc trưng của cảm xúc là có tính đối cực: yêu và ghét, ưa thích và không ưa thích, xúc động và dửng dưng (https://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BA%A3m_x%C3%BAc)
Liệu chúng ta có thể phát triển các phương pháp hỗ trợ hiểu cảm xúc dành cho trẻ tự kỷ ở ngay tại nhà không?
Câu trả lời là có. Bạn có thực sự muốn làm điều ấy hay không mà thôi. Chính chúng ta còn đang rối bời trong việc gọi tên cảm xúc, hay sự thấu hiểu cảm xúc. Mức độ ảnh hưởng của cảm xúc đối với quá trình nhận thức trong ASD ( Rối loạn phổ tự kỷ) là rất lớn. Làm thế nào để trẻ ASD có những trải nghiệm cảm xúc tốt? Câu hỏi đặt ra để nhấn thêm rằng: sự tôn trọng trẻ, chấp nhận và tạo sân chơi dành cho trẻ ASD còn xa lạ với nhiều cha mẹ của con. Thấu hiểu Tự kỷ là để biết chấp nhận và cùng các bé vượt qua những khó khăn về cảm xúc. Cha mẹ, hay người chăm sóc cần những khả năng tạo cho trẻ có cơ hội trong thông minh về cảm xúc.
Có một số nghiên cứu chỉ dẫn về sự hỗ trợ phát triển cảm xúc của trẻ như Nhà tâm lý Gottman đưa ra 6 cách để cha mẹ “Huấn luyện cảm xúc” cho trẻ: 1. Lắng nghe thấu cảm: Hãy tập trung vào điều trẻ nói để hiểu điều trẻ đang cảm nhận, sau đó hãy chia sẻ với sự thấu hiểu; 2. Giúp trẻ đặt tên cảm xúc: Với sự hạn chế về từ vựng và sự hiểu biết sơ đẳng về nguyên nhân và hậu quả, trẻ thường gặp khó khăn khi diễn đạt điều đang cảm nhận; 3. Thừa nhận cảm xúc của trẻ ; 4. Chuyển tức giận thành công cụ để dạy; 5. Sử dụng xung đột để dạy kỹ năng giải quyết vấn đề :Luôn luôn đặt cho trẻ những giới hạn và hướng trẻ tới một giải pháp.; 6. Đánh giá vấn đề chứ không phê phán cá nhân
Sự phát triển cảm xúc trong giáo dục Montessori là giúp trẻ cảm nhận được đầy đủ cảm xúc tích cực khi công việc hoàn thành và kết quả đạt được mãn nguyện. Thông qua giáo cụ, trẻ học cách cân bằng cảm xúc một cách chủ động qua cảm nhận về sự trải nghiệm.
Để MỜI GỌI cảm xúc nơi con, với kinh nghiệm cá nhân thì tôi hay áp dụng những điều nhỏ nhoi sau:
1. ĐI BỘ NÓI VỀ CẢM XÚC. Chúng tôi lựa không gian tự nhiên để chào đón những cảm xúc nơi bé. Tạo cho bé cảm nhận những tôn trọng về sự tự do nơi bé. Bé sẽ thể hiện những vui buồn, thoải mái, lạ quen,…và bé sẽ có những cơ hội trải nghiệm các tình huống khi đi thực tế.
2. CHUYỂN HÓA CẢM XÚC. Từ cảm xúc mang “màu tối” sang màu sắc tươi sáng. Ví dụ như sợ con chó, bé Ốc Nam sẽ la hét, hoảng sợ,.. đây là lúc có thể chia sẻ để con có thể cảm nhận sự an toàn hiện diện ngay bên con là mẹ hay người trợ giúp. Gọi tên cảm xúc đó ra sau khi nhận diện được cảm xúc trong bé. Tạo bé cảm giác an toàn, trấn an, giúp bé vượt qua sợ hãi; Tập dần dần điều này. Và từ sợ hãi, không dám đi qua đoạn đường có nhà nuôi chó ấy kèm la lớn- đến dám đi qua nhưng có hét- rồi đi qua mà không hét, chỉ rình để ý trong sự cảnh giác- và đi thong dong mà chẳng thèm để ý tới con chó đó. Nhưng những tiến bộ ấy còn tùy thuộc vào sự hiệu chỉnh khéo léo của người mẹ đi cùng, biết tin tưởng rằng con sẽ vượt qua nỗ sợ ấy, đừng vì con sợ hãi điều gì thì tìm cách né tất cả là không nên. Có kiên trì và có sự hiểu cảm xúc nơi con để chuyển hóa những cảm xúc ấy lên trong một màu sắc tươi đẹp hơn.
3. THỰC HÀNH CÂN BẰNG HƠI THỞ. Khi trẻ không buồn, tức ở thời gian trung lập thì nên chủ động cùng trẻ tập hít thở. Mọi cơn giận, sự lo ấu, buồn chán,…nơi con rồi cũng như áng mây trôi, sẽ tan ra rất nhanh thôi. Nên mẹ hãy cùng con tạo sự bình tĩnh qua việc hít thở. Để đến khi cảm xúc tiêu cực tới mẹ không cần phải quá lo lắng hay “rối loạn” thay con mà chỉ ra cho con hít thở để bình tĩnh.
4. KẾT NỐI CẢM XÚC. Bất kể khi nào có thể thì hãy kết nối cảm xúc cùng con. Cảm xúc truyền nhau có thể là mỉm cười – biểu lộ sự hài lòng đối với con từ xa. Có thể cùng buồn khi con thấy mất mát một điều gì. Có thể cùng ngạc nhiên với con khi thấy đồ chơi mới hay cái thứ con khoái. Có thể cùng con vượt lên những bế tắc trong bộc lộ cảm xúc,…
5. TẠO MÔI TRƯỜNG GIA ĐÌNH GIÀU CẢM XÚC. Cái này đòi hỏi rất lớn từ việc hợp tác giữa các thành viên trong gia đình trẻ. Không dễ dàng gì khi chính những ông bố bà mẹ là những người thiếu thốn cảm xúc đẹp đẽ, bị tổn thương, hoặc thiếu hụt về sự bồi đáp cảm xúc thường nhật,… Phần lớn, những gia đình có con rối loạn lại hay có những yếu tố chưa ổn về bầu khí gia đình. Xuất phát từ gia đình yêu thương trong sự hài hòa cả bố và mẹ sẽ đưa ra những điều khả quan lớn trong can thiệp. Không phải cha mẹ nào cũng nắm bắt được cảm xúc của trẻ. Một số cảm xúc rất dễ nhận dạng, nhưng một số khác thì không rõ ràng như vậy. Để nắm bắt được cảm xúc của trẻ cần phải nhìn vào ngôn ngữ cơ thể của các bé, lắng nghe xem trẻ có nhu cầu gì và cung cấp những hướng dẫn cụ thể hơn để giúp trẻ kiểm soát cảm xúc của mình. Đặt ra những giới hạn cho việc thể hiện cảm xúc không phù hợp. Không hùa theo trẻ trong những cảm xúc không phù hợp.
6. TẠO HÌNH MẪU CHO TRẺ HỌC CẢM XÚC. Trẻ học về cảm xúc và cách thể hiện cảm xúc phù hợp thông qua việc quan sát người khác – đặc biệt là cha mẹ, người chăm sóc và nhân viên trong trường. Chỉ cho trẻ cách bạn hiểu và quản lý cảm xúc sẽ giúp trẻ học hỏi từ chính ví dụ của bạn. Có thể làm mẫu trong việc nói chuyện về cảm xúc.
7. SỬ DỤNG NGÔN NGỮ CƠ THỂ KÈM THEO SỰ “BÀNH TRƯỚNG” CẢM XÚC. Khi xuất hiện tình huống “sư phạm”, có thể dùng những biểu lộ cảm xúc mãnh liệt dành cho trẻ và thể hiện rõ nét trên khuôn mặt. Ví dụ như khi trẻ bị ngã, làm hư cái ô tô rất thích đang cầm, chúng ta quan sát nhận định tình hình về cảm xúc của trẻ xong là lập tức chấp nhận những cảm xúc ấy, gọi tên cảm xúc và bộc lộ cảm xúc ấy cùng trẻ với một nét mặt đầy sự buồn tiếc, gây chú ý của trẻ và để trẻ buông xả những cảm xúc ấy, hiểu cảm xúc ấy rồi mới trấn an trẻ. Ví dụ thì muôn vàn tùy sự thích nghi vận dụng ấy như thế nào cho phù hợp một cách uyển chuyển để trẻ có thể phát triển THÔNG MINH CẢM XÚC.
Bảo Hân 04/ 2020