CẢM XÚC NƠI CON
08/04/2020
CHỈ CÓ THỂ LÀ TỰ KỶ !
13/04/2020
CẢM XÚC NƠI CON
08/04/2020
CHỈ CÓ THỂ LÀ TỰ KỶ !
13/04/2020

Trong tâm lý, ai cũng biết cảm xúc là gì ( không biết hỏi thầy Google ) , và hầu hết các biện pháp tư vấn hay trị liệu Tâm lý đều dựa vào yếu tố cảm xúc để tác động, nói cách khác là tìm cách chuyển hóa những cảm xúc xấu ( âm tính /tiêu cực) thành những cảm xúc tốt ( dương tính/tích cực..) . Trong giáo dục cũng thế, việc xây dựng cho trẻ sự tự tin, nắm bắt được nhiều kỹ năng sống và có khả năng thích nghi tốt với môi trường đó là mục tiêu của một nền Giáo dục Nhân bản, thông qua  những biện pháp tác động dựa trên các giá trị sống với các kỹ thuật hay phương pháp khác nhau.

Cảm xúc đúng là có một vai trò quan trọng trong cuộc sống, vì thế người ta đã đề cao trí thông minh cảm xúc ( EQ ) hơn cả trí thông minh kiến thức ( IQ ).  Với những ai quan tâm đến lĩnh vực giáo dục đặc biệt  đều hiểu rằng việc phát triển những giá trị  cảm xúc cho trẻ đặc biệt là điều cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên, đối với một số  kỹ thuật can thiệp ( gọi là phương pháp hay chiến lược ) thì người ta lại chú ý đến các biện pháp áp dụng theo những trình tự, khuôn khổ nhất định . Với quan điểm duy lý thì họ cho rằng, Kỹ thuật là quan trọng, đã áp dụng ABA là phải “chính hiệu” ABA, đã dùng RDI thì phải được đào tạo bài bản, có bằng cấp về RDI ! Điều này về phương diện học thuật là hoàn toàn đúng. Học phải ra học chứ không nói chơi được ! Thế nhưng, về hiệu quả tác động thì lại khác, vẩn phải tạo ra những cảm xúc tích cực trong tiến trình can thiệp mới có thể đem lại hiệu quả.  Các Bác sĩ trong can thiệp lâm sàng Y học cũng phải thừa nhận, ngoài thuốc men, mổ xẻ thì cái cảm xúc hay cái tâm lý tích cực, tin tưởng vào thầy thuốc chiếm đến 50% kết quả đạt được. Thậm chí, nếu có sự tin tưởng cao thì một liều thuốc vờ ( Giả dược – Placebo ) cũng có hiệu quả giống như một liều thuốc thật !

Vai trò tâm lý trong y học thực chứng cũng có giá trị như một phác đồ điều trị, thì tại sao những yếu tố tâm lý trong giáo dục đặc biệt lại có thể xem thường ? Bởi vì khác với các nguyên tắc và chiến lược can thiệp mà A thì phải là A và đều có thể lượng giá. Còn Tâm lý hay nói gọn hơn là cảm xúc trong việc can thiệp thì lại không cân đo, đong đếm được. Ai cũng đồng thanh hô lên : Cái tâm của người giáo viên là quan trọng – bố mẹ khi đi tìm người can thiệp cho con cũng chỉ mong tìm được người dạy có tâm. Giáo viên cũng “nghĩ rằng mình phải là người có tâm” – Nhưng thực sự kiếm được người có tâm có khi còn khó hơn tìm ra người có tầm !

Nhà Tâm lý Carl  Rogers với quan điểm trị liệu nổi tiếng : Thân chủ trọng tâm ( Client- Centered Therapy ) từ những năm 1951 đã cho thấy việc tôn trọng từ thân chủ đến bản thân mình là điều quan trọng như thế nào, quan điểm của ông đã đem lại một cuộc cách mạng trong ngành Tâm lý trị liệu vì sụ coi trọng những giá trị nội tại. Cũng thế, với ngành Giáo dục đặc biệt , thì một trong những nguyên lý quan trọng của việc can thiệp cho trẻ đặc biệt đã được phương pháp Son Rise xem là chủ đạo, đó là chấp nhận và tôn trọng ngay cả các hành vi bất thường của trẻ và phải biết bắt nhịp được các cảm xúc của trẻ . Chỉ khi nào chúng ta có thể “đi vào” đứa trẻ thì chúng ta mới có thể giúp được nó, chúng ta không nên bắt ép hay dụ dỗ đứa trẻ phải “đi ra” với chúng ta cho dù nó không thích ! Tuy nhiên, nên nhớ Son Rise chỉ là cái cửa, hay là một trong những chìa khóa để bước vào bên trong đứa trẻ, chứ không phải là một hệ thống can thiệp hoàn chỉnh, càng  không phải là một liệu pháp thần kỳ để phải mua với giá hàng ngàn dollars cho vài buổi nói chuyện!  Ngoài ra Nếu chúng ta bước vào được bên trong đứa trẻ, mà không có các công cụ của ABA, của TEACCH, của FloorTime  hay gì gì đó  hỗ trợ cùng các hoạt động giáo dục cụ thể có định hướng… thì sẽ có lúc chúng ta lủi thủi đi ra mà không biết tại sao !

Chính cái chuyện “ đi ra – đi vào” này đã đem đến những tranh luận ( có khi nảy lửa ) giữa các trường phái trị liệu trẻ đặc biệt. Có nhiều phương pháp lấy nguyên lý “ thoát khỏi tự kỷ” làm mục tiêu chủ đạo mà điều này lại thuyết phục được vô số các bà mẹ vốn rất giàu cảm xúc – Phải rồi, Tự kỷ là kinh khủng lắm, không thể có tương lai và bằng mọi giá phải “trị liệu” bằng những phương pháp từ khoa học đến phi khoa học  – Thế là đè thằng nhỏ ra cạo gió, là châm cứu, là uống thuốc VNK, là bắt thở Oxy cao áp, buộc phải ăn uống theo các thực phảm sinh học các kiểu rồi can thiệp liên tục từ sáng đến tối từ thứ hai cho đến chủ nhật!…, nó khóc la …nó hoảng hốt, nó bùng nổ ..nó mệt mỏi, chán chường ? Kệ xừ nó, miễn là nó hết tự kỷ là được. Khổ một cái lại không hết ! chỉ hết tiền và hết luôn..niềm tin mới bỏ xừ !

Lòng mẹ thương con là bao la, khi thấy đứa con ngơ ngác, không biết chơi với bạn, không biết kêu lên một tiếng Mẹ ơi, lòng bà tan nát ! và vì thế thì phải vái tứ phương thôi, phải “đi ra” tìm đủ cách để chạy chữa cho con, mà bà lại quên mất chuyện cần “ đi vào” để tìm lại chính mình trong nội tâm, tìm lại chính đứa con yêu quý trong chính nó, với những cảm xúc đích thực , mà ngay từ nhỏ có khi bà đã vô tình xóa sổ qua việc không biết xây dựng quan hệ mẹ con một cách đầy đủ – gắn bó !

Sao lạ vậy ? Tôi đã yêu thương nó hết mực, đã chiều chuộng nó đủ điều, đã tốn kém vì nó biết bao nhiêu, thậm chí là phải đi học không biết bao nhiêu giáo trình, bao nhiêu kỹ thuật với bao chuyên gia đầu ngành để giúp con tập nói… Vậy mà nó vẫn nỡ lòng không thèm ngó vào mặt tôi một cái, không thèm trả lời tôi một tiếng ! Đau !  Bà không ngờ chính tình yêu thương và sự nuông chiều sai cách đó đã tạo ra vô số cảm xúc âm tính nơi bà để bà chuyển giao gần như trọn vẹn cho đứa trẻ những điểu lo lắng căng thẳng một cách vô thức ! Bà vật vã, đau khổ, không còn nước mắt để khóc …. Bà hốt hoảng, hoang mang, lo lắng đi tìm các chuyên gia, các cô giáo có tâm để giúp con bà…. Bà mang cả một trời lo âu trong lòng mà lại mong muốn cho con mình sinh động và vui tươi ? Bà lo lắng ngay cả khi nó cười bởi vì nó cười không đúng lúc và cũng không hiểu tại sao nó cười , trong khi bà muốn nó phải biết cúi đầu xin lỗi cơ vì đang dạy nó lễ phép mà!

Các cô giáo cũng thế, có những cô có thể “ đi vào” đứa trẻ dễ dàng, bởi chính các cô cũng là một đứa trẻ khi chơi với học sinh bằng một tâm thế “yêu thương và sòng phẳng” không “giả vờ hay lên gân” cũng không “nói vậy mà không phải vậy” !  Cô “quyến rũ” và “chinh phục” đứa trẻ bằng niềm vui trong tâm hồn của chính mình vì chơi với trẻ là một nỗi hân hoan mà cô luôn khao khát! Nhưng tiếc thay, cũng có  những Giáo viên, đã trang bị tận răng bằng những tờ giấy chứng nhận các kiểu, tốt nghiệp loại ưu về Tâm lý và Giáo dục, lại tìm mọi cách, bằng mọi kỹ thuật “cao cấp” để tác động nhằm thay đổi đứa trẻ và cho thế là đủ ! cô vẫn tự nhận mình rất có Tâm (đưa lên FB đàng hoàng)  – để có thể lôi bằng được đứa trẻ phải “đi ra”  khỏi khung trời tự kỷ của nó. Đến khi đứa trẻ nói được, đi học “hòa nhập” được là cô đã thành công mỹ mãn. Trung tâm và gia đình làm một cái lễ tốt nghiệp hoành tráng, tiễn chân em giã từ sự nghiệp chuyên biệt, để bước vào nhà trường phổ thông ! Rõ ràng là em đã “ tiến bộ” rất nhiều qua các kiểu “trị liệu”trong một thời gian dài “gian khổ” cho cả cô lần trò !  Nhưng em có leo lên được các bậc thang đánh giá, để “ trở lại” cuộc sống của một đứa trẻ bình thường hay chưa?  – Hay, vẫn còn nguyên cái vẻ ngáo ngơ , lạc lõng của một thiên thần nơi chốn trần gian đầy gian dối! Rồi đến khi em buộc miệng “nói thẳng, nói thật” những cảm xúc của mình trong một hoàn cảnh giao tiếp xã hội nào đó,  thay vì biết nói dối kiểu xã giao – thì em vẫn chỉ là một “đứa tự kỷ” đáng thương ! Em không hề có được sự “Tôn trọng” từ những người chưa biết tôn trọng chính mình và tôn trọng người khác ( đầy ngoài đường )!

Người ta giải ngố về Tự kỷ bằng những dấu hiệu “nhận dạng”sàng lọc – đánh giá  – Nhưng để làm gì ? Để biết đó là một “đứa tự kỷ chính hiệu ? và phải “điều trị” cho “tiệt nọc” chăng ?  – đưa vào trường chuyên biệt ?  cũng tương tự như một bệnh nhân nghi ngờ nhiễm Virus Covid 19 phải cách ly xã hội hay sao?  – Nhưng trẻ Tự kỷ không chỉ phải cách ly trong 14 ngày, mà có khi cả một cuộc đời Bởi Tự kỷ đâu phải là một căn bệnh,  bị lây nhiễm bởi virus hay bị tác động bởi những sự bỏ bê của gia đình, mà nó là một phong cách, một tình trạng ở bên trong đứa trẻ , những bộc lộ ra bên ngoài chỉ là một phản ứng với những tác động không phù hợp đến với con – con có cái nhìn khác, cái hiểu khác và cả cái sở thích cũng khác biệt ! Nhưng có khi chính vì sự nhận dạng và dán nhãn đó đã khiến cho các bà mẹ kinh hoàng ! và phải tìm mọi cách chữa trị – thuốc men các kiểu vì bà và cả xã hội không chấp nhận cái bên trong của con ! Trong khi vẫn có những đứa con khác, chả có tí ti gì “Tự kỷ” nhưng khoảng cách tình cảm giữa trẻ và gia đình là …mênh mông ! Ngược lại có những trẻ Tự kỷ không ngôn ngữ, không biết xã giao , ngáo ngơ giữa dòng đời, nhưng lại thấu cảm những cảm xúc nơi mẹ mình một cách tuyệt vời và luôn là một đứa con ngoan hiền chỉ mỗi cái tội hơi… ngố ngố!

Chúng ta hãy thấu hiểu trẻ tự kỷ không phải bằng các dấu hiệu nhận dạng, bằng các logo thần thánh , mà bằng sự tôn trọng chân thành với những cảm xúc tích cực của mình khi đến với các em, bằng sự tôn trọng ngay cả những hành vi và sự lo lắng căng thẳng của các em ! Có như thế, chúng ta mới “xâm nhập” được vào “vùng phát triển gần” của trẻ , và bằng những cảm xúc tích cực đó, chúng ta sẽ khiến trẻ  biết chơi , vui cười và hạnh phúc dù trẻ vẫn là một đứa tự kỷ – Tại sao “ khi tôi có thể chấp nhận được một người khác, thì đó là một phần thưởng lớn lao” ( Carl Rogers ) Trong khi “người khác” ở đây lại chính là một đứa trẻ đáng yêu ? tại sao lại không thể được chấp nhận ?  Chấp nhận ở đây không phải là mặc kệ nó, muốn làm gì thì làm. Trẻ vẫn cần được hướng dẫn, quan tâm và chăm sóc như mọi đứa trẻ bình thường khác – Và chúng ta đừng quá lo về cái dáng đi nghiêng ngả, vì cái thói rập khuôn, hay vì sự khó khăn trong việc tìm đủ cách để nhồi vào đầu trẻ những kiến thức xã hội, biết đọc, biết viết, biết tính toán, biết dạ thưa..để rồi còn phải hướng nghiệp các kiểu – “ đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh!

Kệ nó đi, cùng đích của cuộc đời là niềm vui mà – Hãy thôi lo lắng mà hãy  vui cùng con trẻ, chơi cùng con để làm bạn với con” làm cho trẻ  vui thì nó cũng sẽ làm cho mình vui ! Và nếu mình giúp trẻ một cách vui vẻ thì trẻ cũng sẽ trở nên thoải mái thôi ! Hãy giúp cho mẹ con trở thành “đôi bạn cùng tiến” – Không phải tiến đến ngôi trường Tiểu Học để thành một học sinh tiên tiến, mà là tiến vào một vùng trời mơ ước – nơi chỉ có những giá trị của yêu thương, của chân thành và chấp nhận để trở nên một CON NGƯỜI được là CHÍNH MÌNH!

Lê Khanh

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý