Danh mục: Quan hệ Gia đình

  • GIA ĐÌNH LÀ CHIẾC NÔI BÌNH YÊN

    GIA ĐÌNH LÀ CHIẾC NÔI BÌNH YÊN

    Người mẹ mệt mỏi dẫn một cậu thiếu niên dáng vẻ hiền lành đến tư vấn. Vấn đề là cậu có tình trạng nhổ tóc và học trước quên sau .Khi hỏi đến gia cảnh, thì thấy vấn đề là ở đây. Hai vợ chồng đã ký đơn ly dị dưới áp lực của bên nội, và hơn nữa ông chồng lại thích phở hơn cơm. Mặc dù vẫn sống chung nhưng hồn ai nấy giữ. Chính  vì tình trạng bất ổn trong gia đình, với một bầu khí lạnh lùng mà cậu bé trở nên sa sút trong việc học và có tình trạng rối nhiễu tâm lý .

    Sau khi lắng nghe, chuyên viên đi tìm những yếu tố tích cực để giúp cho cậu bé, hay đúng hơn là giúp cho người mẹ lấy lại được niềm vui, sự hy vọng để xây dựng lại tổ ấm đã nguội lạnh . Bà nội ban đầu là yếu tố gây ra tình trạng ly hôn, nhưng lại sợ mang tiếng với mọi người nên không muốn đẩy 3 mẹ con ra đường, và sau 2 năm thì giờ đây lại muốn ông con trai quay đầu lại. Đó là yếu tố tích cực thứ nhất, người mẹ với 2 con , mà cậu thiếu niên là anh lại rất yêu thương nhau và đây chính là yếu tố tích cực thứ hai và chủ yếu để từ đó nhen lên ngọn lửa của cảm xúc, xóa đi sự lạnh nhạt đã khiến cho người con suy sụp.

    Có thể nói, phần lớn các vấn đề suy sụp cảm xúc, về sự tự cô lập của những đứa trẻ, đặc biệt là trong lứa tuổi teen, không còn tìm thấy niềm vui trong gia đình. Mái nhà che nắng mưa giờ đây giống như một nhà trọ miễn phí ! Không ai thấy được vai trò cần thiết của mình trong gia đình, và mất đi ý thức trách nhiệm, kể cả trách nhiệm với bản thân. Mỗi người vì điều này, điều  kia.. đã tự xây cho mình một cái hàng rào vô hình, mà hành vi đi học về, lên thằng phòng riêng đóng cửa lại … vùi đầu vào game và mạng xã hội, có khi bỏ cả cơm nước và gây ra đủ trò làm bố mẹ lo lắng, chỉ là các biểu hiện cho bề nổi của một tảng băng cô đơn đang trôi dạt trong vùng biển băng giá !

    Lấy lại cảm xúc gia đình có khó lắm không ? không hề ! Người ta thường nghĩ rằng, tình trạng trầm cảm, cô độc, thu rút ( mà nhiều người gọi là tự kỷ ) chi có thể giải quyết với các chuyên gia bằng những nghiệp vụ chuyên môn, chữa trị cho bệnh nhân biết “nghe lời” và ổn định trở lại. Điều đó không sai, nhưng chuyên viên chỉ làm công việc là lắng nghe, phân tích các yếu tố bất lợi, thuận lợi và đưa ra cho bố mẹ của trẻ và cho chính đứa trẻ những chọn lựa. Sự chấp nhận và tự điều chỉnh hành vi của bản thân mới là yếu tố quyết định. Việc xây dựng lại các cám xúc tích cực hay đúng hơn là mối quan hệ lành mạng giữa các thành viên trong gia đình, chỉ là những hoạt động tưởng chừng rất  bình thường : Các công việc vặt trong gia đình, bữa cơm tối cùng nhau, ngày chủ nhật dành thời gian cho nhau … Bình thường nhưng không đơn giản, vì cũng không dễ để tạo lại những thói quen đã mất, khi mà giòng xoáy của công việc, của học tập, của các hoạt động ngoài xã hội đã lấy đi hết sinh khí của các thành viên trong gia đình. Căn nhà giờ đây chỉ là một nhà trọ, thậm chí là 1 khách sạn hạng sang, mà người ta chỉ về để ngủ và ăn uống trong nỗi cô đơn !

    Trầm cảm hay stress không phải là một bệnh nặng, mặc dù có những mức độ cần phải dùng đến thuốc. Nhưng cũng không đơn giản mà chỉ cần  nhấc điện thoại lên, alo với chuyên gia một vài cuộc là mọi thứ đâu vào đấy ! Có không ít các bậc cha mẹ, gọi điện tư vấn, chỉ nói ra vài tình trạng của đứa con ( Mê chơi game, bỏ học, lười biếng, hỗn láo, tự cô lập ..hay có một số tật xấu , nhưng lại mong đợi một “liệu pháp” mì ăn liền ngay lập tức , chỉ cần vài chiêu là có thể giải quyết vấn đề.

    Trên thực tế thì hầu hết các trường hợp đưa đến phòng tư vấn, thì việc điều chỉnh hành vi cho đứa trẻ – cho “bệnh nhân chỉ định” lại không quan trọng bằng việc điều chỉnh hành vi cho bố mẹ và cho những người xung quanh. Vì thế, việc tư vấn, cần tiếp xúc trực tiếp để có thể vừa thu thập những “thông tin” không được nói ra,( ngôn ngữ cơ thể )  vừa xem xét các yếu tố nguy cơ và yếu tố hỗ trợ mà nhiều khi phải chú ý lắm mới có thể phát hiện. Để rồi từ đó, cùng với chính bố mẹ cùng đứa trẻ, vạch ra những chiến lược nhằm điều chỉnh hành vi, nhận thức… Đó mới là giá trị của việc tư vấn trực tiếp.

    Sau khi đã cùng nhau tìm kiếm, chuyên viên đã góp ý cho mẹ những “chiến thuật” sưởi ấm gia đình, lấy lại bầu khí vui tươi và lạc quan, tìm cách lôi kéo người cha “tung cánh chim tìm về tổ ấm” đồng thời vạch ra cho cậu học sinh thiếu tập trung, những biện pháp tổ chức lại việc học, nâng cao khả năng ghi nhớ và xây dựng lòng tự tin. Khi cả hai thấy ra được vấn đề và những tia hy vọng long lanh trong mắt của hai người, thì quả thực ..một niềm vui khôn tả đến với người tư vấn.

    Một cô bé lớp 7, đến với nỗi thất vọng tràn trề về bạn học và về cả người cha trong gia đình…cũng đã tìm lại được sự thoải mái, tự tin sau hơn 1 tiếng đồng hồ cùng nhau đi tìm những yếu tố tích cực với chuyên viên.  Có thể nói, trong một buổi chiều đã góp ý và tạo được sự thoải mái, vui vẻ cho cả hai cô cậu học sinh và hai bà mẹ… quả là một niềm vui không nhỏ cho công việc..chém gió ! Đó chỉ là mới chỉ là một định hướng, còn thực hiện được hay không lại tùy vào năng lực của chính bố mẹ và các bạn trẻ, tất cả vẫn còn ở phía trước. Nhưng hiện tại, đã là một niềm vui.

    CVTL Lê Khanh.

  • Từ Hội chứng Con cưng đến tính cách Gia trưởng.

    Từ Hội chứng Con cưng đến tính cách Gia trưởng.

    Chuyện đứa trẻ được cả nhà cưng chiều trở thành ông vua con trong nhà, được các nhà chuyên môn gọi là hội chứng con cưng – là tình trạng không xa lạ trong xã hội Việt Nam. Mặc dù cũng có nhiều ông gia trưởng không xuất thân từ hàng ngũ “con cưng” bởi vì cái tính khí đó đã là một bản chất bẩm sinh, nhưng từ những “rối nhiễu tâm lý” do hội chứng này gây ra khiến cho nhiều trẻ nam khi lớn lên thành một người đàn ông có tính gia trưởng là điều xem ra khá đúng …quy trình.

    Cho đến nay, dù nữ quyền có được đề cao và người phụ nữ đã trở nên độc lập, tự chủ hơn và cũng không thiếu các “nữ gia trưởng” mà các ông chồng sợ chết khiếp. Nhưng Tinh cách gia trưởng, độc đoán ở người chồng vẫn còn là một điều khá phổ biến trong xã hội chúng ta vì tinh thần “trọng nam khinh nữ” vẫn còn phổ biến trong nhiều gia đình và cả trong các tổ chức xã hội.

    Cũng như hội chứng con cưng hay con vua, đã mang đến cho trẻ những phiền toái, khó khăn trong khả năng giao tiếp, ngôn ngữ và dần dà với thời gian, những điều đó đã khiến cho trẻ trở thành một cậu thiếu niên ích kỷ, kém thích nghi, có nhiều đòi hỏi và cả những ảo tưởng về năng lực bản thân, cũng như rất dễ rơi vào những thú vui thấp kém thậm chí là bệnh trầm cảm. Thì tính cách gia trưởng cũng đẩy người đàn ông vào hoàn cảnh bất lợi, dễ đưa đến những mâu thuẫn, khủng hoảng trong cuộc sống gia đình và có thể đi đến những rạn nứt không thể hàn gắn trong các mối quan hệ giữa vợ chồng hay giữa bố mẹ và con cái.

    Một hiểu lầm không hề nhẹ, là có người cho rằng chứng tự kỷ ở trẻ em và hội chứng con cưng là một. Đây cũng là một quan điểm sai lầm dễ hiểu khi có nhiều trẻ do chậm nói, có những hành vi không phù hợp, kém khả năng giao tiếp đồng thời cũng là một “cục cưng” trong nhà. Đến khi mang đi đánh giả, chẩn đoán thì lại “lòi ra” cái chứng Tự kỷ ! Nhưng rõ ràng, nhiều trẻ tự kỷ không  biết đòi hỏi, yêu sách như đứa trẻ được cưng chiều mà chỉ có sự thu mình và rối loạn giao tiếp. Có điều, việc “làm thay” cho con, đáp ứng ngay và luôn mọi yêu cầu mà trẻ không cần nói ra, giống như một “ông vua con” chỉ cần liếc mắt là cả nhà nháo nhào lên để phục vụ, thì lại là một sự cản ngại không hề nhỏ trong tiến trình can thiệp cho một bạn VIP !

    Việc đáp ứng quá nhanh, chăm sóc tận răng và “che chắn” cho trẻ trước mọi thử thách cũng như việc thờ ơ bỏ mặc không quan tâm đến con như kiểu “bà mẹ tủ lạnh” đều là những nguy cơ khiến cho trẻ có yếu tố tự kỷ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc xây dựng các mối tương tác với những người xung quanh –  trog khi đây lại là yếu tố quan trọng để trẻ trở nên ổn định và thích nghi hơn.

    Trẻ tự kỷ hay chậm nói, có tình trạng tăng động kém chú ý, hay chậm phát triển trí tuệ là những tính chất bẩm sinh, ngay từ khi sinh ra đã có các yếu tố rối loạn phát triển này rồi. Đến giai đoạn phát triển về ngôn ngữ và hành vi từ 1 tuổi đến 3 tuổi, thì các khó khăn đó mới lộ ra một cách rõ ràng, điều này khiến cho nhiều bà mẹ cho rằng, con mình sinh ra là bình thường , khi lớn lên mới mắc “bệnh tự kỷ” hay chứng tăng động trong tiến trình phát triển ở giai đoạn này.  Đặc biệt là việc cho xem TV hay chơi điện thoại quá sớm và quá nhiều, cũng có người cho rằng đó là nguyên nhân gây ra tình trạng chậm nói hay chứng tự kỷ. Khi được cảnh báo thì lập tức cắt luôn, không cho xem nữa và nghĩ rằng chắc là trẻ sẽ có thể “hồi phục” về ngôn ngữ, giao tiếp ! Hay đơn giản hơn, là cho trẻ đi cắt thắng lưỡi ( dây chằng phía dưới lưỡi ) và cho rằng, đó là nguyên nhân gây chậm nói, chỉ cần cắt là trẻ có thể nói lại – Đó là những nhận định không chính xác . Bởi vì  việc tập nói cho trẻ không đơn giản và sẽ mất rất nhiều thời gian với các kỹ thuật khác nhau và phải được áp dụng một cách đúng đắn.

    Điều này tương tự như với tình trạng gia trưởng ở người chồng hay ông bố , nếu không biết “phát hiện sớm và can thiệp sớm”, để đến khi “ván đã đóng thuyền, gạo đã thành cơm” và người hùng của lòng em đã hiện nguyên hình là một “ông vua “ không ngai trong gia đình, nhất là khi xem lại tiền sử thì  trước kia anh ấy cũng đã từng là một ông vua con trong gia đình ! Thì người phụ nữ thường phải cúi đầu chịu trận hoặc sẽ đến một lúc đành phải “bỏ của chạy lấy người” bởi vì các “liệu pháp can thiệp” nếu không đủ mạnh, sớm  và lâu dài thì sẽ không thể khiến cho “ông vua” ấy chịu từ bỏ ngai vàng!

    Chính vì thế, trong thời gian quen biết sơ giao, nếu có cơ hội tìm hiểu về “tình yêu của em” thì hãy xem xét thái độ của anh ấy đối xử với bố mẹ, và chính trong cách ứng xử với người yêu, nếu có những “di chứng” của họi chứng con cưng hay những biểu hiện về quyền lực độc đoán  thì tam thập lục kế là tốt nhất !

    Trong việc can thiệp sớm cho một trẻ chậm nói, có yếu tố tự kỷ thì tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ – nếu được dẫn đường bằng lý trí, để không quá chiều chuộng con mình, mà có những tác động phù hợp, có tính khoa học và chuyên môn đúng,   thì  có thể cải thiện được rất nhiều, thậm chí ngay cả “hội chứng con cưng” cũng có thể giảm thiểu hay chấm dứt sau một thời gian can thiệp.  Thế nhưng, với tính cách gia trưởng, thì việc “can thiệp uốn nắn hành vi” có thể là một hành trình vô vọng !  Có nhiều người, sau một thời gian yêu nhau, đã bộc lộ tính cách gia trưởng, độc đoán…Thế nhưng khi đứng trước yêu cầu của người yêu bé bỏng, thì đã hứa hẹn trước mọi đấng “thần linh” là sẽ thay đổi, sẽ “phục vụ” mọi yêu cầu, mọi lúc mọi nơi … Hay luôn miệng xin lỗi về những hành vi thái quá và độc đoán. Thế nhưng, đó chỉ là những lời hứa “cá trê chui ống” thậm chí có thể  giữ được trong  một thời gian ngắn, đến khi có một vấn đề gì đó xẩy ra, thì “vị gia trưởng” lập tức lại tái hiện nhanh như chớp!

    Với một đứa con đặc biệt, dù có khó khăn cỡ nào, thì người mẹ cũng khó có thể bỏ được, vì đó là máu mủ của bà, đó là tình yêu và cũng là sức mạnh để bà vượt qua muôn trùng sóng gió trong cuộc sống, bà sẵn sàng đạp lên mọi thị phi, kỳ thị để bao bọc và lo lắng cho con. Còn với một ông chồng gia trưởng, thì càng yêu thương, càng chấp nhận, càng chịu đựng thì đừng bao giờ hy vọng, với sự hy sinh và nhẫn nhục của mình có thể khiến “anh ấy” hồi tâm, để có thể trở lại là một người chồng đúng nghĩa.

    Tình yêu là sự tôn trọng chứ không chỉ là sự hy sinh hay nhẫn nhịn. Từ những ông vua con trong gia đình,có hội chứng con cưng  cho đến các ông vua không ngai với “hội chứng gia trưởng” thì phải làm  cho các ông vua này biết tôn trọng người mẹ và người vợ của mình, bằng những chiến thuật phù hợp. Đã từng có những người con đánh đập, mắng nhiếc mẹ – và không thiếu những người chồng bạo hành người cùng giường với mình. Với các bạn ấy, khi sự tôn trọng không còn, thì không có một sức mạnh nào có thể khiến cho họ quy phục. Và chuyện cao chạy xa bay  là hành động tất yếu. Hãy biết quý trọng chính bản thân mình trong các mối quan hệ gia đình, nếu mình không quý trọng mình, thì ai sẽ có thể quý trọng mình ? Nhưng người phụ nữ  phải biết trở thành một người vợ với tất cả giá trị của nó, chứ không phải lại trở thành một bà chủ quyền lực hay cô o sin đa năng, phục vụ “ông chủ” từ nhà bếp đến phòng ngủ một cách vô điều kiện !

    Lê Khanh

     

  • ĐỐI DIỆN VỚI TRẺ CÁ BIỆT

    ĐỐI DIỆN VỚI TRẺ CÁ BIỆT

    Trước mặt tôi là một cậu thiếu niên mà người mẹ hết sức lo lắng, mang con đến để mong tìm ra một phương pháp nào đó, có thể cải thiện được tình trạng của em, trẻ học giỏi hiện đang học lớp 12 – không có vấn đề gì về học tập, trừ việc không thích trả lời các câu hỏi, mà chỉ có thể viết ra . Nhưng không có ai là bạn, khả năng diễn đạt ngôn ngữ kém, ứng xử vụng về, hay nổi nóng và có những hành vi rất tách biệt với môi trường xung quanh….

    Đó là một trong nhiều trường hợp được xem là một trẻ “cá biệt” . Các em không quá khó khăn trong việc phát triển như các trẻ tự kỷ nhưng cũng là mối lo âu cho bố mẹ, khi thấy con không thích hòa đồng với mọi người, không biết chào hỏi ai, nói năng thì cụt lủn, không thích ra ngoài xã hội. Trừ những thời gian học ở trường thì trẻ chỉ quanh quẩn trong phòng, trong bốn bức tường và thường có những sự chống đối, phản ứng lại với các yêu cầu của người khác.

    Trẻ cá biệt là một thuật ngữ thường dùng để ám chỉ những trẻ hư hỏng, chống đối, bỏ học hoặc có cách sống trầm cảm,  thu rút và là mối băng khoăn cho bố mẹ – phải chăng con là một trẻ tự kỷ ? Thực ra cũng có một tình trạng rối nhiễu tâm lý là rối loạn giao tiếp xã hội – cũng từng được xem là một dạng tự kỷ. Thế nhưng, các trẻ này lại không hẳn như thế vì mà chỉ là những hành vi “chống đối” có chủ đích, khác với các rối loạn hành vi của trẻ tự kỷ là những điều mà chính trẻ cũng không muốn và cũng không thể kiểm soát được – Trẻ Cá biệt cũng là những trẻ  thường gắn liền với hai vấn đề lớn mà bố mẹ nào cũng lo lắng : Trẻ không thích đi học, và lại rất mê chơi games. Đây cũng là điều “nhầm lẫn” của bố mẹ khi mang con đến tư vấn tâm lý, đó là mong sao cho các “chuyên viên” có thể dùng các “liệu pháp chuyên môn” để thuyết phục hay giảng giải, thậm chí là “chữa trị” ngay và luôn cho trẻ khói cái chứng lười học và mê game, cộng thêm cái tính dễ nổi nóng, chuyên môn cãi lại bố mẹ. Hầu như 10 người thì hết 9 đều nghĩ tình trạng của trẻ là do những tác động từ bên ngoài ( do xã hội, do bạn bè xấu, do ảnh hưởng của phim ảnh…) mà ít ai nghĩ chính cách ứng xử của những người thân trong gia đình mới là nguyên nhân và đã diễn ra trong thời gian dài.

    Các vấn đề này tuy tập trung ở đứa trẻ, nhưng để giải quyết thì  không phải là chữa cho trẻ, giống như uống thuốc hay điều trị theo một phác đồ để khỏi bệnh ! Mà tình trạng của trẻ chỉ có thể cải thiện từng bước khi có sự thay đổi trong cách ứng xử trong gia đình, mà khi nói ra thì hầu hết mới nhận ra là do mình đã quá cưng chiều, bảo bọc  nhưng lại luôn ..áp đặt và đánh, mắng !

    Thực ra, việc cưng chiều con thì 10 phụ huynh có lẽ cũng đến 11 người là có, nhưng  sự cưng chiều có nhiều cách khác nhau, mức độ khác nhau và cũng không phải trẻ nào được cưng chiều cũng trở thành cá biệt ! Mà ở đây cá tính của trẻ mới là yếu tố quyết định – Có nhiều trẻ bố mẹ vẫn dạy dỗ và quan tâm một cách nghiêm túc, nhưng vẫn “hư” dưới con mắt của người lớn, hay không được như những gì mà bố mẹ kỳ vọng ! Có trẻ được ăn học tử tế, giáo dục đàng hoàng nhưng vẫn lười, vẫn ích kỷ và vẫn có những hành vi không phù hợp. Đó chính là điều mà ta thường nói : Cha mẹ sinh con – trời sinh tính !  Và đây cũng là những điều mà chúng ta phải chấp nhận : Những giới hạn của lòng mong đợi.

    Hẵn là sẽ có nhiều người lấy làm thất vọng về con, nhưng nếu chúng ta biết tôn trọng sự cá biệt, và biết những giới hạn của lòng mong ước… thì hẳn là chúng ta thôi khó chịu và lo lắng cho tương lai của con, vì nghĩ rằng, nếu nó đi “lệch hướng” cái con đường mình đã công phu sửa soạn cho nó với bao tâm huyết , thì chỉ có thể là sự bất hạnh, thất bại đang chờ nó ! Thế nhưng, chính cái tương lai mà chúng ta vẽ ra đó, liệu nó có đúng là một điều hạnh phúc cho trẻ hay không khi đứa trẻ không được là chính nó.

    Theo quan điểm giáo dục Tây Phương, thì một đứa trẻ trên 18 tuổi là phải chịu trách nhiệm về bản thân mình. Trẻ phải tự đi trên con đường mà chính nó đã vạch ra, có thể nó sẽ thất bại, gục ngã trong một thời điểm nào đó bởi sự chủ quan, nhưng nó sẽ không thể trách cứ, đổ thừa cho ai về những gì đã xẩy ra cho mình, nó dám nhận trách nhiệm và sẽ có khả năng đứng lên để tiếp tục hành trình. Còn với giáo dục Đông Phương, củng có ưu điểm là sự quan tâm, bảo bọc, thương yêu và hỗ trợ con vô điều kiện. Nhưng cũng chính vì sự gắn bó đó, mà đứa trẻ có khi sẽ không được đi theo cách của nó, mà phải đi theo định hướng của gia đình, nếu có thất bại thì gia đình cũng sẽ gánh phần trách nhiệm. Điều này có thể giúp cho trẻ không quá tổn thương, nhưng lại dễ tạo nên những kẻ vô trách nhiệm và chuyên đổ thừa sự sai lầm cho người khác.

    Với những trẻ cá biệt – cũng như những trẻ đặc biệt, khi gặp những khó khăn và hạn chế trong các năng lực học tập, thì tại sao bố mẹ không nhìn ra những khả năng khác rất “cá biệt” của em ? Có thể em sẽ trở thành một người giỏi về một lĩnh vực nào đó, nếu được quan tâm, bỏ qua cái thành kiến mà ai cũng cho là hợp lý – Đó là xem con đường học tập như là một cứu cánh duy nhất , xem trình độ học vấn là thước đo của con người, xem bằng cấp là giá trị mà con người phải đạt được. Trong khi đó, ai cũng thừa biết là cái quan điểm “ cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng nhiều tiền” ! đã gần như là một điều “ chủ đạo” trong giáo dục và trong cả cuộc sống ngày nay. Nhưng tiền thì lại không mua được nhân cách, năng lực bản thân và lòng tự trọng. Đây mới là điều mà đứa trẻ cần phải có.

    Chúng ta nên nhìn lại chính cách cư xử và thái độ của mình đối với con cái, không có điều gì có thể dạy con hiệu quả cho bằng sự làm gương, và thay vì chỉ nhìn ra những lỗi lầm của đứa trẻ để tìm mọi cách uốn nắn, bẻ gãy hay ngăn cấm, thì hãy tìm ra những điểm “cá biệt” của trẻ và xem đó chính là những điểm mạnh để hỗ trợ, khuyến khích và tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm và phát triển theo cách riêng. Chúng ta phải cho trẻ cái “quyền thất bại” phải biết chịu trách nhiệm với chính bản thân qua những hoạt động cá nhân tại gia đình. Chính sự bảo bọc, ôm ấp làm thay cho con từ cái ăn, cái mặc cho đến việc “dọn ổ” cho con trong các hoạt động học tập , không dám cho con bước ra ngoài cái “vỏ bọc an toàn” để tự thân vận động,  đã khiến cho trẻ không thể rời khỏi “ vòng tay mẹ” để trưởng thành.

    Có nhiều người cũng đã nhìn ra các vấn đề của con, nhưng họ lại không biết rằng giải pháp là ở những hoạt động trong gia đình, là hành vị tự giác của đứa trẻ, chứ không phải những khóa “ Kỹ năng sống hàng hiệu” mà họ bỏ tiền triệu ra mua cho con, tưởng rằng sẽ giúp trẻ phát triển “ toàn diện” bằng những khóa học “ cưỡi ngựa xem hoa” mà thực chất chỉ là việc ném tiền qua cửa sổ.  Giải pháp chính là những điều tưởng như rất bình thường, đó là một nếp nhà trong bầu khí quan tâm, tôn trọng và chấp nhận nhau tai chính gia đình mình. Những công việc thường ngày, từ việc dọn dẹp, lau chùi, nấu ăn, phơi đồ mà trẻ được hướng dẫn ngay từ nhỏ, để có thể thực hiện một cách tự giác, sẽ giúp cho trẻ tự tin, có các hoạt động tự chủ và lớn lên sẽ có khả năng tự lập chứ không còn là một trẻ “cá biệt” cần phải “ điều trị tâm lý” !

    Lê Khanh

  • Hiểu con để gần con – Gần con để giúp con

    Hiểu con để gần con – Gần con để giúp con

    Có nhiều bậc phụ huynh khi con mình bị “chẩn đoán” là Tự kỷ  thì thường có cảm giác như nhận một bản án chung thân và không biết  đâu là biện pháp tốt nhất cho việc can thiệp cho con mình. Với thì giờ hạn hẹp có thể giành cho con và với những “kiến thức – kỹ năng” hạn chế, họ cho rằng mình không thể làm gì và điều cần làm là phải tìm ra một phương pháp thần kỳ nào đó, với những chuyên gia giầu kinh nghiệm hay một cơ sở can thiệp tốt nhất, có uy tín nhất (Thường được quảng cáo đầy trên mang ). Đó sẽ là lời giải đáp cho vấn đề của họ, vì thế họ không tiếc công, tiếc của để tìm kiếm những phương pháp can thiệp, từ đơn giản đến phức tạp, từ ít tiền đến cực kỳ tốn kém, thậm chí có thể cho con ra “điều trị” ở nước ngoài vì họ tin rằng với trình độ khoa học và giá trị “ đắt xắt ra miếng” thì con họ sẽ được “ chữa trị” một cách hiệu quả nhất trong thời gian ngắn nhất có thể !.

    Họ không nghĩ rằng, điều mà đứa trẻ cần nhất chính là khả năng giao tiếp mà khởi đầu là sự giao tiếp với chính họ, để từ đó, qua bố mẹ như một chiếc cầu nối trẻ với thế giới bên ngoài, đứa trẻ dần dần mới có thể “ mở cửa” phá bỏ tình trạng “bế quan, tỏa cảng” về mặt tâm lý của mình để từng bước hòa nhập.

    Nói cách khác, mục tiêu của các hoạt động can thiệp tại gia đình không phải là cố gắng vận dụng phương pháp này, kỹ thuật kia…được các chuyên gia huấn luyện giống như việc trẻ đến các cơ sở chuyên biệt để được hướng dẫn các kỹ năng theo nguyên tắc của ABA, của VB, của TEACH…hay More Than Words. Mà chỉ là các năng lực trong các hoạt động cá nhân hàng ngày và sự giao tiếp, tương tác với bố mẹ như một người bạn, một thành viên hay một đứa con đúng nghĩa chứ không phải là sự chăm sóc cưng chiều như một ông Hoàng trong vương quốc Gia đình.  Đây chính là “ mấu chốt” của vấn đề, vì có thể nói rằng, hầu hết những kế hoạch can thiệp cho con tại gia đình bị phá sản là bởi vì :

    • Nó không nghe lời tôi, mà chỉ biết đòi hỏi, nhõng nhẽo, nếu không được là lăn đùng ra.
    • Nó không tập trung nổi đến 5 phút, trong khi đến lớp can thiệp tôi thấy nó có thể ngôi yên với giáo viên mấy chục phút.
    • Nó thấy tôi đến để bắt đầu tập cho là nó chạy mất rồi.

    Tại sao vậy ? Bởi vì khi cha mẹ can thiệp cho con, vẫn luôn giữ nguyên cái vị trí làm cha mẹ của mình, một vị trí luôn luôn áp đặt những mong đợi của mình lên đứa con nhưng lại sẵn sàng chiều chuộng các đòi hỏi của trẻ bất kể giờ giấc. Trong khi, bí quyết để can thiệp cho con, đó là hãy cùng chơi với con, hòa mình với con như một người bạn, với sự tôn trọng và kiên quyết trong những giờ giấc rõ ràng, cụ thể..

    Khi tiếp cận trẻ để CHƠI , chứ không phải để DẠY, thì bố mẹ phải sửa soạn một tâm thế và một nhận thức như sau : “Bạn hãy chơi cùng tôi, chúng ta hãy vui và hãy tôn trọng nhau, chấp nhận các luật chơi và nếu không, thì tôi không đánh, không phạt bạn, cũng chẳng mang bánh kẹo, đồ chơi ra dụ khị,  mà tôi chỉ nghỉ chơi với bạn thôi!”   Đó chính là nguyên tắc “ hòa mình nhưng không hùa theo”  Chúng ta sẽ hòa theo các sở thích, các hoạt động, các biểu hiện tích cực của trẻ. Nhưng không hùa theo các hành vi tiêu cực như nhảy nhót linh tinh, lăn đùng ra sàn hay  cắn hay đánh người khác của trẻ. Điều quan trọng ở đây là chúng ta không ngăn cấm, trừng phạt, hay nhắc nhở để trẻ ngưng không làm các hành vi đó, vì các biện pháp đó chỉ là sự  “đổ dầu vào lửa” , hoặc cắt đứt chính cái mối tương tác đang hình thành một cách mong mang với bố mẹ. Bởi vì nếu bố mẹ là một “ người bạn” thì sẽ không có quyền cấm đoán, trách phạt bạn mình, hạy dụ dỗ mà chỉ có thể  lờ nó đi, chuyển hướng quan tâm của trẻ qua một hành động tích cực khác hoặc nghỉ chơi, bỏ đi chỗ khác ! ( trẻ nào cũng sợ bị nghỉ chơi ) . Chỉ khi nào chúng ta là “ thực sự là bạn với đứa trẻ gọi là con”  và được đứa trẻ chấp nhận, thậm chí là “ say mê” dĩ nhiên là chỉ trong giờ can thiệp, hay giờ chơi với trẻ , thì chừng đó mới nên nghĩ đến chuyện can thiệp bằng cách này hay cách khác, để giúp trẻ có những tiến bộ về ngôn ngữ và giao tiếp.

    Ngoài các hoạt động “can thiệp” hay đúng hơn  là “ thiết lập các mối quan hệ thông qua trò chơi – đồ chơi”  trong một số giờ nhất định trong ngày, thì hoạt động gọi là can thiệp, là giúp cho trẻ phát triển các năng lực cá nhân : Sự vận động khéo léo, khả năng tập trung, khả năng làm việc theo trình tự trước sau … khả năng phân tích tổng hợp, ghi nhớ …thông qua các hoạt động bình thường trong nhà. Đó là một lĩnh vực mà không có chương trình can thiệp nào ở bất kỳ một trung tâm nào có thể thực hiện được. Dù hiện nay, cũng có một số trung tâm đã nhận ra vai trò quan trọng của “ việc nhà trị liệu” để đưa vào kế hoạch can thiệp hàng ngày tại trung tâm mình những hoạt động tương tự tại gia đình. Ta có thể gọi đó là mô hình “ Trung tâm trong gia đình và gia đình trong trung tâm” nhưng đó không phải là một quan niệm “ dễ nuốt” hay dễ thực hiện và thường chỉ mang tính hình thức để chụp hình khoe trên FB!

    Tuy nhiên, nếu xét về mặt tâm lý, thì việc một giáo viên trở thành một “bà mẹ” của một “đàn con” ngoài những ưu điểm như tạo sự gắn bó, sự vâng lời và khơi gợi được những cảm xúc tích cực của trẻ,  điều này sẽ giúp trẻ có sự đáp ứng và tiến bộ. Nhưng nó vẫn không thể và không nên thay thế sự gắn bó  và giao tiếp giữa chính người mẹ “thật” của trẻ tại chính gia đình của em.  Bởi vì, có thể khi trẻ đã gắn bó với giáo viên, vâng lời giáo viên như một người mẹ thực sự, thì lúc đó “ người mẹ sinh lý” của trẻ bị cho ra rìa và cái bi kịch : Sao nó chỉ nghe lời cô mà không chịu nghe lời tôi lại xuất hiện! Thậm chí nếu phải nghỉ học là có khi trẻ lại bị stress! Vì nhớ “bà mẹ tâm lý” ở trường !

    Vì thế, những hoạt động tương tác thông qua các sinh hoạt, các công việc trong gia đình dành cho trẻ tự kỷ vẫn nên diễn ra trong khuôn khổ một mái ấm gia đình, mà ngoài thời gian “can thiệp” bằng các kỹ thuật khác nhau, thì đứa trẻ sẽ dần dần “phục hồi” được vai trò một thành viên trong gia đình, qua những công việc  các em đóng góp được, chứ không phải chỉ là một “ khách sạn” hay một nhà trọ, mà các em chỉ là một người khách ngơ ngác, chỉ biết ăn, ngủ và lăng xăng  rồi cả bố mẹ lẫn con chỉ ngóng đến giờ đi học để con thì được chơi với cô và bố mẹ thì “trút gánh nặng” ! mà không hề nghĩ rằng – Bố mẹ đang rời xa con chứ không phải là đang xây dựng sự gắn bó cần thiết cho con phát triển !

    Lê Khanh

    TT – Kidstime Bình Thạnh

  • Người Cha ở Đâu ?

    Người Cha ở Đâu ?

    Trong việc tổ chức và quản lý gia đình, người cha hầu như được mặc định cho việc ra ngoài kiếm tiền mang về nhà, xây dựng cái “đại cục”,  còn người mẹ lo việc chăm sóc con cái và tề gia nội trợ. Cho dù trong xã hội ngày nay thì người phụ nữ đã có một vị trí không thể thiếu trong một số lĩnh vực, đặc biệt là trong ngành giáo dục, quý bà đã có những vị trí từ cao đến thấp, từ lãnh đạo đến điều hành, giảng dạy và chăm sóc trẻ từ mẫu giáo cho đến hết cấp tiểu học mới thấy bóng dáng của các thầy.

    Nhưng không phải vì thế mà quý bà được “nhẹ gánh gia đình” ngoài những giờ lăn xả trong công việc thì khi về nhà người vợ, người mẹ vẫn hai tay hai kiếm, vừa chăm sóc, dạy dỗ từ đứa 3 tuổi đến “đứa 30 tuổi”, vừa lo quản lý tiền bạc, vừa lo nồi niêu xoong chảo đảm bảo các bữa cơm trong nhà. Chính vì đa năng như thế và nhất là vì thiên chức làm mẹ, mà trong lĩnh vực chăm sóc giáo dục trẻ đặc biệt, một môi trường “ khắc nghiệt” đầy mồ hôi và nước mắt, thì hầu như hoạt động chăm sóc, can thiệp cho con, người cha lại càng có một vai trò “ không thể biết” của tay điệp viên Không không thấy !

    Tuy nhiên, điều quan trọng trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, đứa trẻ VIP không chỉ cần được đưa đến trường hay trung tâm  nhằm tiếp nhận những kiến thức, kỹ năng, để biết đọc, biết viết, biết nhận thức và để có thể “nên người” như các bạn bình thường . Với các trẻ bình thường thì chỉ cần một lớp học, một giáo viên làm đúng trách nhiệm của mình với các chương trình giáo dục có sẵn trong các sách giáo khoa. Còn anh bạn VIP của chúng ta không chỉ cần bao nhiêu đó, hay đúng hơn là chưa cần thiết lắm. Cái mà anh ta cần là những kỹ năng sống căn bản nhất của con người. Các kỹ năng sống này, có thể nói không một cơ sở giáo dục ngoài gia đình nào có thể đáp ứng một cách đầy đủ và hiệu quả ! Kể cả một số trường bán trú hay nội trú “hoành tráng và nổi tiếng” trong lĩnh vực GDĐB.

    Có những điều một đứa trẻ bình thường có thể tiếp thu một cách nhẹ nhàng, có khi bố mẹ không cần chỉ bảo, thầy cô không cần tác động, bé vẫn có thể hoàn thiện trong một thời gian ngắn nhờ các kỹ năng quan sát, ghi nhớ, liên tưởng, hình dung và ..bắt chước ! Trẻ còn có khả năng tưởng tượng, thích nghi, tương tác …tùy theo mức độ nhận biết và trí thông minh của mình. Trẻ có thể trở nên ngoan ngoãn hay hỗn láo, chăm chỉ hay lười biếng là do những tác động đôi khi rất vô tình của bố mẹ và qua sự quan sát hành vi ngôn ngữ của những người lớn chung quanh.  Nhưng tất cả những điều đó, những kỹ năng không cần dạy mà vẫn thấm với trẻ bình thường đó, lại là một thách thức không hề nhẹ với các bạn VIP nhà ta ! Tất cả các kỹ năng đó đều phải dạy, tác động, can thiệp liên tục, dạy bài bản, dạy sôi nước mắt, dạy toát mồ hôi, trầy vi tróc vẩy thì bạn mới có thể biết …sơ sơ !

    Giáo viên nào có thể giúp trẻ “ phát triển ngôn ngữ – cải thiện hành vi” sau vài tháng can thiệp?  Chuyên gia nào có thể giúp trẻ biết giao tiếp một cách chủ động, có nhận thức,  có chừng mực và phù hợp ngữ cảnh trong vài buổi “ trị liệu” hàng tuần ? Có chăng là những phản xạ có điều kiện , lặp đi lặp lại với những khen thưởng và trừng phạt, để trẻ có thể “ nói được” “ làm được” có thể “biết đọc, biết viết, biết dạ thưa” theo mệnh lệnh.   Có thể với các bé có tình trạng nhẹ, thì trẻ sẽ tiến bộ khá nhanh, đặc biệt là về ngôn ngữ – hành vi. Nhưng  với những trẻ nặng hơn, hay có những rối loạn đặc thù nào đó về giác quan, vận động và tư duy thì có thể nói là “ may thầy – phước chủ” hoặc botay.com.

    Nhưng vượt lên tất cả, những bà mẹ “thép” đã có thể biến sỏi đá thành cơm – đã có thể biến những đứa trẻ ngu ngơ thành những anh bạn biết chào hỏi, gửi thưa … Đó là một thử thách không đơn giản. Thế nhưng, không phải bà mẹ nào cũng thành công và nếu hỏi lại thì trong hầu hết các trường hợp trẻ có tiến bộ là nhờ có sự tham gia của các ông bố. Có thể nói không ngoa, nếu không có sự tiếp sức của các ông bố, không phải chỉ là sự chia sẻ trong việc dạy con mà hình ảnh cương quyết, mạnh mẽ, tự tin của một người đàn ông, đã khơi dậy trong trẻ là những âm hưởng của các tố chất đó. Trẻ sẽ được “nam hóa” nhờ những giờ phút tiếp xúc với người bố trong một môi trường giáo dục đa phần là phái nữ – có lẽ chỉ trừ bác bảo vệ , nếu có ! Có thể nói rằng – Nếu trẻ được chăm sóc bởi người mẹ và được chơi đùa với người cha – thì trẻ chắc chắn sẽ tiến bộ không nhiều thì ít nhờ hoạt động “song kiếm hợp bích” đó.

    Chúng ta đã biết rằng, trong những gia đình đơn thân, chỉ có bố hoặc mẹ thì việc dạy dỗ con cái trở nên khó khăn bội phần, nhiều trẻ đã trở nên ông vua độc tài mà thần dân không ai khác là bà mẹ hay ông bố tội nghiệp. Còn trong các gia đình VIP. Có khi vẫn còn đủ cả hai – nhưng thái độ không chấp nhận sự thật hay sự thất vọng về đứa con đặc biệt của mình, đã “ lấy đi”người bố một cách vô thức ! Ông vẫn có đó, vẫn chăm sóc gia đình tử tế, vẫn “nộp phí” cho các trạm “ thu giá” một cách đầy đủ, không biểu tình phản đối gì hết. Nhưng ông trở nên “vô hình” trước mặt con ! Ông không có phản ứng, thái độ gì cả với tất cả những gì mà bà mẹ đã bỏ công “ khuân về”, từ các dụng cụ “Tâm vận động” cho đến các kiến thức kỹ năng mà bà đã học được từ các chuyên gia ! ( hầu như trong các khóa huấn luyện PH thì các bà cũng chiếm một tỷ lệ đôi khi là tuyệt đối ) Có khi không phải là ông vô trách nhiệm, vô tâm đâu mà là ông không chịu nổi khi phải đối diện với đứa con VIP – Tay sát thủ đầu mưng mủ đã hủy diệt trong ông bao nhiêu là hy vọng, là ước mơ, là hoài bão về một khát vọng thầm kín “ con hơn cha là nhà có phúc” . Ông có thể khổ sở, lam lũ bao nhiêu cũng được mà, để có được một đứa con học giỏi, thông minh, lớn lên và thành đạt. Nhưng với một VIP, thì ông không biết phải làm sao ? Phải ước mơ gì ở một đứa con “ ăn không nên đọi, nói không nên lời” . Vì thế, hãy giúp ông “ tìm lại chính mình” khi có thể góp phần, góp công góp sức vào công việc “dựng lại..người” cho đứa con, bằng tất cả thế mạnh của phái mạnh !  Các bà mẹ “thép” là vô cùng đáng quý, nhưng nếu biết cách giúp các ông bố cùng tham gia trong việc dạy con thì mới là điều cực kỳ đáng tôn trọng ! Ông không chỉ cần có lòng yêu thương mà ông còn phải được hỗ trợ  để vượt qua một điều mà không phải ai cũng có thể vượt qua được ! Đó là sĩ diện, đó là danh dự, đó là tất cả lòng tự hào về một đứa con. Nhưng, nếu ông có thể cùng con chơi đùa, có thể cùng con tập nói, cùng con tham gia các hoạt động phát triển kỹ năng trong gia đình, thì ông sẽ có được một niềm hạnh phúc không hề nhẹ, khi trẻ có thể chạy đến ôm ông, hôn ông và nói lên những câu đầy sự yêu thương mà chưa chắc một đứa con bình thường có thể thốt nên lời.

    Tôi có một đứa cháu VIP ở bên Mỹ, khi bé 11 tuổi, dù chưa có ngôn ngữ nhưng mẹ đã tập cho bé có được  một trong những công việc quan trọng nhất trong ngày, mà trẻ không bao giờ quên, đó là biết xới cơm, canh, thức ăn vào cái cặp lồng để xếp tất cả “yêu thương” của mình vào túi cha, để cha đi làm theo ca từ trưa đến tối có bữa ăn chiều. Một công việc dễ dàng nhưng không hề đơn giản với một đứa trẻ VIP! Chính điều đó là trái ngọt mà người cha có được khi biết quan tâm đến con, để “ có mặt” trong hành trình nuôi dạy con hơn 11 năm dài. Cho đến nay, “ bé” đã là một cậu con trai 20 tuổi dù chưa có nhiều ngôn ngữ – nhưng cả bố mẹ đều chấp nhận và hài lòng về con mình.

    Xin gửi đến các ông bố VIP, một sự kính trọng về những gì quý ngài đã có thể làm cho con, khi không quên đứa con VIP của mình và sẽ cùng đồng hành, đồng trải nghiệm để có những thành công và thất bại trong hành trình dài thăm thẳm mà ông sẽ với người vợ của mình nắm tay con cùng tiến đến tương lai.

    CVTL Lê Khanh

    GĐ Cty GD KidsTime Bình Thạnh

  • Chúng ta Có Nên Tin vào Con

    Chúng ta Có Nên Tin vào Con

    Trong những ca tư vấn, ngoài việc tiếp nhận các bé đặc biệt ( tự kỷ, ADHD, chậm khôn , chậm nói ) Thì việc “ gặp gỡ” các bạn “ cá biệt” trong lứa tuổi teen là chuyện thường ngày. Hầu hết đều có “tội danh” tương tự nhau : Lười, kém tập trung, tự cô lập, tiêu cực, dễ nổi nóng, và thường thích dọa bố mẹ về chuyện tự sát hay bỏ nhà đi. Dù độ tuổi khác nhau, có bạn mới 6, 7 tuổi , có bạn  đến 16, 17… Nhưng đa phần nằm trong lứa tuổi ẩm ương từ 10 – 14 và đa phần đều có dính dáng đến 2 yếu tố : Mê chơi game (trên máy tính hay trên điện thoại ) và lười làm việc nhà. Hai yếu tố này thường đã đạt đến mức “ung thư giai đoạn 3 hay 4”  và thường thì bố mẹ đều đã áp dụng “ hết cách” mà không giải quyết được cái vấn nạn này. Khi đó mới chịu đưa con đến nhà tâm lý.

    Thực ra, sự  hết cách của đa phần bố mẹ ở đây chỉ là  tịch thu điện thoại – cài pass trên máy tính, cắt net và la rầy , đánh mắng hay ..mua chuộc !  và dĩ nhiên là không ăn thua nên mới nhờ tới ‘chuyên gia” để “nói cho nó nghe ra” hay có một biện pháp thần kỳ nào đó khiến nó “hết bệnh” ngay và luôn !

    Có một cô bé học lớp 8 – mẹ đưa tới với những tội danh rất nặng nề – lười biếng, không tập trung, không chịu chép bài, học kém ..không chịu làm việc nhà.. ngay cả việc ăn uống cũng không quan tâm, quần áo thay ra vất tứ tung, lại rất sợ bẩn … Cho cô làm thử một số test về tư duy logic và vẽ hình. Qua đó mới thấy là cô có tư duy logic, khả năng suy luận rất tốt, nhưng mối quan hệ với bố mẹ trong gia đình lại không được ổn, rất tự ti về bản thân… Việc phân tích các vấn đề của cô không khó , nhưng để thuyết phục được bà mẹ chịu thay đổi cách suy nghĩ và ứng xử với con mới là vấn đề. Chuyện của con chỉ giải quyết trong 30 phút, nhưng để giúp cho mẹ nhận ra vấn đề nằm ở chỗ nào và phải làm gì để giúp con cải thiện bằng sự thay đổi của chính mình thì hơn 60 phút mà có lẽ là mới chỉ ..tạm chấp nhận.

    Có một bé khác cũng học lớp 8, ông bố hết sức lo lắng vì thấy con “giống như trầm cảm” không biết chơi với bạn trong lớp,lúc nào cũng lo lắng buồn rầu…  rất tự ti về sự kém cỏi trong giao tiếp của mình mặc dù em rất giỏi văn . Chỉ cần lắng nghe, giúp ém thấy được những ưu điểm của mình và góp ý với em về việc xây dựng mục tiêu học tập…  khoảng 30 phút là xong. Nhưng để cho ông bố yên tâm là con mình không trầm cảm, không tâm thần… cũng mất gần 30 phút nữa .

    Một đôi vợ chồng khác lại rất hoang mang vì sao thấy cậu con trai lớn của mình giống …bê đê quá – Trong lớp chỉ thích chơi với con gái, thích đọc sách tình cảm, có những cử chỉ rất ..ẻo lả … Phải giải thích cho bố mẹ yên tâm và chấp nhận về nữ tính và bản chất hướng nội của em . Giúp họ phân biệt giữa nữ tính và khuynh hướng đồng tính luyến ái và chỉ cho thấy các ưu điểm của em để giúp em mạnh dạn, tự tin hơn, bởi vì hình vẽ gia đình của em đã cho thấy sự cảm nhận về giá trị bản thân của em rất thấp .

    Bố mẹ đưa con đến tư vấn, hầu hết chỉ nghĩ rằng, con không thích bộc lộ tâm tư, không muốn giao tiếp với mình, và chỉ có chuyên gia mới có “chuyên môn” để “thuyết phục” và “ trị liệu” cho các con của mình, mà không nghĩ rằng chính cách cư xử, hành vi, lời nói của bố mẹ mới là chìa khóa để mở được “cánh cửa tâm hồn” của các con. Chính thái độ “áp đặt và chiều chuộng” kéo dài từ nhỏ cho đến nay, đã tập cho các con thói quen lệ thuộc và chống đối trong cuộc sống tại gia đình – Chính việc chỉ muốn con tập trung vào việc học, không cần quan tâm đến các công việc” lặt vặt”  trong gia đình đã khiến cho các em xem gia đình như “nhà trọ” mà mình có quyền ăn nghỉ “miễn phí” ! Ngoài ra, áp lực học tập, lúc nào cũng muốn con vào trường chuyên, lớp chọn, lọt vào Top 10 của lớp. Thường đem các gương “ thành tích học tập” của các “siêu nhân” ra để trách móc con em mình không bằng một góc con nhà người ta, đã khiến cho các em không còn những giờ giải trí thoải mái “chơi ra chơi” và rốt cuộc thì các em cũng chẳng có thể “học ra học” nổi. Những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi trong ngày thì chỉ đủ ngồi bấm điện thoại và xem TV…còn bố mẹ thì cắm đầu vào công việc. Đến khi “sực tỉnh” khi nhà trường nhắc nhở, giáo viên cảnh báo thì ..đã muộn.

    Bố mẹ thường thấy con nhà người ta thì hoạt bát, đa ngôn, đa sự, giỏi giang, là học sinh giỏi “ toàn diện” còn con mình thì như một đứa tâm thần hay tự kỷ ! Ngoài giờ đi học “sấp mặt” về nhà thì chỉ biết chúi đầu vào games ! Có thể nói  games và internet là con dao hai lưỡi. Nếu biết cách dùng thì sẽ có những hiêu quả tốt, nếu không thì sẽ có những hậu quả xấu. Thế nhưng, hai thứ đó không phải là thủ phạm làm hư hỏng con, mà chỉ là “phương tiện” để “tiêu cực hóa” đứa trẻ. Còn việc tịch thu điện thoại – cấm sử dụng vi tính, không bao giờ là giải pháp tốt, mà nó chỉ là những biện pháp đổ dầu vào lửa.

    Là bố mẹ, ai cũng thương con, lo cho con nhưng thường chỉ biết chiều chuộng và áp đặt con theo ý muốn của mình, dù cho đó là những ý tốt đi chăng nữa, thì cũng không thể “nhào nặn” con thành một mẫu người mong muốn của mình – vì con là một cá thể độc đáo với những khác biệt mà bố mẹ phải biết chấp nhận và tôn trọng. Điều này có vẻ như trái ngược với quan điểm của người Việt và Á Đông, nơi mà con cái được xem là tài sản của bố mẹ. Nhưng thực tế đã cho thấy, càng quản lý chặt chẽ cái “tài sản của mình” bao nhiêu, thì việc đứa con vuột ra khỏi tầm kiểm soát của mình lại  càng dễ dàng bấy nhiêu.

    Có thể nói việc chăm sóc giáo dục con chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhưng cũng không phải là nan giải nếu chúng ta biết đối xử với con một cách tử tế và kiên quyết. Chúng ta dù sống như thế nào, là người có trình độ học vấn cao, giầu có hay chỉ là một người lao động bình thường thì vẫn phải là một tấm gương, không phải về những giá trị đạo đức để rao giảng cho con, mà  là những phẩm chất đơn giản trong cuộc sống đời thường để có thể giúp con tin mình và mình cũng tin vào con. Niềm tin – đó là giá trị tốt nhất để một gia đình ổn định và hạnh phúc.

    Lê Khanh

    Cty GD KidsTime – chi nhánh Bình Thạnh

     

  • LÌ XÌ NGÀY TẾT  – Cho tiền hay mừng tuổi ?

    LÌ XÌ NGÀY TẾT – Cho tiền hay mừng tuổi ?

    Tết Nguyên Đán là một nghi lễ cổ truyền với rất nhiều tục lệ khác nhau, từ việc gói bánh dày , bánh chưng , làm mâm cỗ cho đến việc trang hoàng nhà cửa , mua sắm …. Cho đến nay , không nói đến những tục lệ đã mai một theo thời gian như dựng cây nêu , hoặc bị cấm vì sự an toàn như việc đốt pháo . Thì một trong những tục lệ ai cũng thích, cũng muốn duy trì nhưng có lẽ 10 người thì hết 9 là vận dụng không đúng ý nghĩa đích thực của nó.


    Ai cũng biết lì xì là việc tặng một số tiền mới, giá trị nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn là mừng cho người nhận được thêm một tuổi. Đặc biệt với các cháu nhỏ thì nó còn mang ý nghĩa lời khen thưởng vì đã đến chúc thọ người lớn, và được mừng cho một phong bao tượng trưng cho sự may mắn.
    Cũng như nhiều tục lệ , thì việc mừng tuổi đã có từ rất lâu và thường có nguồn gốc từ bên Tàu ! Tuy nhiên, cũng như Tết Nguyên Đán thì hầu hết các tục lệ xuất phát từ Trung Hoa khi sang đến Việt Nam đều bị hay được biển đổi cho phù hợp với tính cách của người Việt. Lì xì cũng thế, từ chuyện bố mẹ gói những đồng tiền xu bỏ vào phong bao để đầu giường trẻ em để phòng chống yêu quái vào buổi tối giao thừa của Tàu, khi qua Việt Nam thì lại biến thành một món tiền nhỏ tặng cho con cháu để mừng tuổi vào sáng ngày mùng Một Tết. Nhưng theo thời gian và cũng theo tinh thần thực dụng của người Việt, thì việc mừng một vài tờ tiền mới để lấy hên ( tờ tiền đó sẽ để dành không tiêu ) của ông bà , bố mẹ tặng cho con cháu đã dần dần biến thành một việc “cho tiền càng nhiều càng tốt” cho trẻ . Từ đó việc lì xì bị biến tướng với những ý nghĩa tích cực hay tiêu cực.
    Về mặt tích cực, thì nhiều người xem việc lì xì tiền cho trẻ là một cơ hội để tập cho trẻ biết tiêu tiền, và bố mẹ sẽ “khuyến cáo” hay “ răn đe” thậm chí là “chỉ đạo” cho trẻ phải mua cái gì, không được mua cái gì, không được dùng tiền mang đi lắc bầu cua , chơi bài hay mua đồ chơi “tầm bậy tầm bạ” mà phải dùng để mua học cụ, sách vở …dù rõ ràng đó là tiền túi của trẻ . Hay tốt hơn hết là “ để dành” và trẻ buộc phải bỏ ống tiết kiệm dù không muốn chút nào.
    Về mặt tiêu cực, thì nhiều người lại xem đây là một cơ hội để tập cho con biết “làm tiền” ông bà hay họ hàng người quen bằng nhiều chiêu khác nhau. Trẻ sẽ thi nhau chúc tết người lớn bằng những câu sáo rỗng, liếng thoắng, chỉ với mục đích là được lì xì, và phải lì xì bằng “tiền to” chứ không thèm tiền lẻ ! Người lớn cũng “ tranh thủ” để khoe tiền hay có khi lại là một hình thức hối lộ ngầm cho con của các sếp!
    Chính vì những biến thể của việc Lì xì mà từ một phong tục tốt đẹp, trong nhiều trường hợp đã biến thành những chuyện không hay, khi đứa trẻ tự nhiên lại có trong tay một số tiền khá lớn, để rồi một là tiêu xài phung phí, hai là lại ấm ức vì bố mẹ đã “thu gom” hết sạch với các lý do rất “chính đáng”.
    Thực ra việc tập cho con biết quản lý tiền, hay biết tiêu tiền đúng cách không phải là đợi đến Tết, khi con có một món tiền lớn mới “ra tay” để rèn luyện. Vì cho dù với mục đích tốt hay không, thì việc chỉ đạo hay góp ý với con về cách tiêu tiền đã không đúng với nguyên tắc giáo dục trẻ bằng sự yêu thương và tôn trọng. Vì việc tập cho con biết giá trị đồng tiền, biết tiêu và quản lý tiền là một tiến trình lâu dài và thường xuyên trong năm.
    Có những người thì thay vì cho Tiền, mà lại lì xì cho trẻ một vật phẩm gì đó. Cho dù vật phẩm đó có giá trị tốt đẹp đến bao nhiêu thì nó cũng không đem lại cho Trẻ những ý nghĩa và giá trị như một chiếc phong bao lì xì !
    Vì thế, để có thể gìn giữ bản sắc dân tộc qua các tục lệ tốt đẹp của ngày Tết Nguyên Đán , các bậc cha mẹ và cả người lớn chúng ta, nên vận dụng chuyện lì xì theo đúng ý nghĩa giá trị của hoạt động này. Việc này không những giúp cho trẻ hiểu được các giá trị truyền thống mà còn giúp cho chúng ta bớt đi một “nỗi lo cạn túi” nếu chẳng may có khá nhiều “con cháu” hay những “món nợ” ân tình phải trả qua những chiếc phong bao ngày Tết.

    Lê Khanh – những ngày đón Tết !

  • Trầm cảm tuổi Teen

    Trầm cảm tuổi Teen

    Với những áp lưc trong cuộc sống hiện nay, tình trạng trầm cảm không còn là một điều xa lạ ở bất cứ độ tuổi nào. Trong giai đoạn ban đầu khi trẻ bắt đầu có những xáo trộn trong các sinh hoạt, nghỉ học hay trở nên xa cách, thì lại ít nhận được sự hiểu biết và cảm thông, mà có khi trẻ lại phải hứng chịu thêm những la mắng, hay ngươc lại là chiều chuộng thái quá. Chỉ đến khi các em có những dấu hiệu căng thẳng rõ ràng, thường thấy nhất là tình trạng tự cô lâp, buồn chán không còn hứng thú học tập, dễ nóng giận, sinh hoạt cá nhân trở nên thất thường…có những ám ảnh hay hành vi tự hành hạ bản thân, thậm chí là đe dọa tự sát, thì cha mẹ mới tìm đến chuyên viên tâm lý Khi đối diện với nhà tâm lý, các em thường có thái độ dè dặt, phòng thủ và rất ít tự bộc bạch, chỉ trả lời một cách đơn điệu các câu hỏi thăm dò… dần dần với thái độ cởi mở, nhẹ nhàng..nếu cần thì kết hợp với một số test về nhân cách, tư duy logic…các em mới có được sự tự nhiên hơn để bộc lộ, chia sẻ …một số bạn gái thì bắt đầu …khóc ! và đó là môt dấu hiệu tích cực.

    Đối với thiếu niên , ngoài những xáo trộn về tâm sinh lý theo lứa tuổi, thì  những áp lực về học tập, cảm xúc và nhất là trong quan hệ ứng xử đối với bố mẹ, thầy cô và bạn bè là những yếu tố có thể dẫn đến các rối loạn tâm lý, mà trầm cảm là trạng thái tiêu biểu. Khi các em có những bộc lộ khá rõ ràng qua các hành vi không bình thường… đến mức bố mẹ hay người thân không chấp nhận được nữa, họ lo lắng hay khó chịu vì không thể hiểu hay tiếp cận được với trẻ, và thường có những suy diễn đôi khi sai lệnh về các phản ứng hay thái độ trong cách ứng xử của các em. Nhưng cũng có những trường hợp, bố mẹ lại lo lắng trước các tuyên bố mang tính đe dọa  và cho rằng trẻ có thể bị các rối loạn tâm thần. Sự lo lắng được biểu lộ qua việc hỏi han, nhắc nhở đôi khi lại quá nhiều,  ngược lại với việc thiếu quan tâm trước kia, điều này thay vì giúp cho trẻ có thể bôc lộ, lại khiến cho các em khó chịu hay khép kín hơn… bởi vì phụ huynh thường yêu cầu trẻ phải  trả lời các câu hỏi tại sao và phê bình hành vi của trẻ dưới góc độ đạo đức hay nghĩa vụ làm con mà quên rằng, điều đó lại đặt con vào tư thế đối lập, hoặc khiến cho trẻ trở nên khó chịu hơn, có những phản ứng thiếu kiểm soát hơn.  Đây chính là điều nguy hiểm nếu cha mẹ hay nhà trường thiếu sự cảm thông và nhận biết các yếu tố tiêu cực của tình trạng trầm cảm, sẽ khiến cho trẻ cảm thấy cô đơn, lo lắng hay tức giận hơn và có những phản ứng mang tính thách thức đôi khi rất tai hại.

    Yếu tố đầu tiên trong tiến trình trị liệu là lắng nghe – lắng nghe những tâm tư của bố mẹ và cảm thông với những phản ứng của các em . Thông thường, cha mẹ hay yêu cầu sự hỏi han, khuyên nhủ của nhà tâm lý. Nhưng các lời khuyên hay dạy dỗ trẻ, nếu không đưa vào đúng lúc, đúng thời điểm có thể gây tác dụng ngược. Sự lo lắng lớn nhất của trẻ là không tìm được sư cảm thông và tôn trọng. Hơn thế nữa, phải dùng môt số biện pháp thông qua các test tâm lý để hiểu được những ưu và khuyết điểm về tính cách và năng lực của trẻ, để từ đó hướng trẻ vào việc nhận ra những mặt mạnh, có giá trị tích cực để chính các em sẽ hiểu cần phải làm gì để thoát ra khỏi vấn đề của mình.  Ngoài ra, việc giúp cha mẹ nhận ra, những biện pháp đối phó hay ứng xử không phù hợp với trẻ, từ đó những thay đổi này sẽ tác động đến trẻ, giúp cha mẹ có đươc những ứng xử phù hợp hơn, hàn gắn một cách nhẹ nhàng những mối quan hệ trong gia đình. Đó là mấu chốt trong tiến trình trị liệu, là giúp trẻ nhận ra nội lực của mình và cha mẹ chấp nhận thực tế cũng như thay đổi cách ứng xử , sẽ giúp trẻ thoát ra khỏi tình trạng cô lập và lo lắng của mình.

    Ngày nay, áp lực học tập và những tác động xấu của xã hội rất nhiều, ngày đêm bào mòn những năng lực và ý chí của trẻ. Do vậy, thái độ tích cực nhất của cha mẹ là không đợi đến khi trẻ bộc phát tình trạng trầm cảm mới lo đi kiếm “ thầy chữa bệnh tâm lý” , mà hãy thôi đặt những áp lưc lên con, và giành thời gian trong ngày, ít nhiều để tạo ra những quan hệ tốt đẹp, cũng như tìm cách giúp trẻ được học tập và phát triền những lĩnh vực trẻ thích , chứ không phải là buộc trẻ theo những gì cha mẹ muốn. Đó là cách tốt nhất để tránh được tình trạng trầm cảm, một căn bệnh ngày càng phổ biến trong xã hội.

    CvTL Lê Khanh

    GĐ Cty Giáo Dục Kidstime Bình Thạnh.

     

  • Những vị hoàng đế không ngai

    Những vị hoàng đế không ngai

    Hiện nay xu thế hạn chế sinh con, thậm chí là không hay chỉ sinh một con đã là xu thế chung của phụ nữ nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nước đã phải báo động về tình trạng hạn chế sinh sản đưa đến việc lão hóa dân cư trong nhiều thập kỷ qua.

    (more…)