Nói xấu trên mạng là tâm lý bình thường của tuổi teen
05/11/2018Hoạt Động Can Thiệp Trẻ Đặc Biệt tại Gia Đình
26/11/2018Có nhiều bậc phụ huynh khi con mình bị “chẩn đoán” là Tự kỷ thì thường có cảm giác như nhận một bản án chung thân và không biết đâu là biện pháp tốt nhất cho việc can thiệp cho con mình. Với thì giờ hạn hẹp có thể giành cho con và với những “kiến thức – kỹ năng” hạn chế, họ cho rằng mình không thể làm gì và điều cần làm là phải tìm ra một phương pháp thần kỳ nào đó, với những chuyên gia giầu kinh nghiệm hay một cơ sở can thiệp tốt nhất, có uy tín nhất (Thường được quảng cáo đầy trên mang ). Đó sẽ là lời giải đáp cho vấn đề của họ, vì thế họ không tiếc công, tiếc của để tìm kiếm những phương pháp can thiệp, từ đơn giản đến phức tạp, từ ít tiền đến cực kỳ tốn kém, thậm chí có thể cho con ra “điều trị” ở nước ngoài vì họ tin rằng với trình độ khoa học và giá trị “ đắt xắt ra miếng” thì con họ sẽ được “ chữa trị” một cách hiệu quả nhất trong thời gian ngắn nhất có thể !.
Họ không nghĩ rằng, điều mà đứa trẻ cần nhất chính là khả năng giao tiếp mà khởi đầu là sự giao tiếp với chính họ, để từ đó, qua bố mẹ như một chiếc cầu nối trẻ với thế giới bên ngoài, đứa trẻ dần dần mới có thể “ mở cửa” phá bỏ tình trạng “bế quan, tỏa cảng” về mặt tâm lý của mình để từng bước hòa nhập.
Nói cách khác, mục tiêu của các hoạt động can thiệp tại gia đình không phải là cố gắng vận dụng phương pháp này, kỹ thuật kia…được các chuyên gia huấn luyện giống như việc trẻ đến các cơ sở chuyên biệt để được hướng dẫn các kỹ năng theo nguyên tắc của ABA, của VB, của TEACH…hay More Than Words. Mà chỉ là các năng lực trong các hoạt động cá nhân hàng ngày và sự giao tiếp, tương tác với bố mẹ như một người bạn, một thành viên hay một đứa con đúng nghĩa chứ không phải là sự chăm sóc cưng chiều như một ông Hoàng trong vương quốc Gia đình. Đây chính là “ mấu chốt” của vấn đề, vì có thể nói rằng, hầu hết những kế hoạch can thiệp cho con tại gia đình bị phá sản là bởi vì :
- Nó không nghe lời tôi, mà chỉ biết đòi hỏi, nhõng nhẽo, nếu không được là lăn đùng ra.
- Nó không tập trung nổi đến 5 phút, trong khi đến lớp can thiệp tôi thấy nó có thể ngôi yên với giáo viên mấy chục phút.
- Nó thấy tôi đến để bắt đầu tập cho là nó chạy mất rồi.
Tại sao vậy ? Bởi vì khi cha mẹ can thiệp cho con, vẫn luôn giữ nguyên cái vị trí làm cha mẹ của mình, một vị trí luôn luôn áp đặt những mong đợi của mình lên đứa con nhưng lại sẵn sàng chiều chuộng các đòi hỏi của trẻ bất kể giờ giấc. Trong khi, bí quyết để can thiệp cho con, đó là hãy cùng chơi với con, hòa mình với con như một người bạn, với sự tôn trọng và kiên quyết trong những giờ giấc rõ ràng, cụ thể..
Khi tiếp cận trẻ để CHƠI , chứ không phải để DẠY, thì bố mẹ phải sửa soạn một tâm thế và một nhận thức như sau : “Bạn hãy chơi cùng tôi, chúng ta hãy vui và hãy tôn trọng nhau, chấp nhận các luật chơi và nếu không, thì tôi không đánh, không phạt bạn, cũng chẳng mang bánh kẹo, đồ chơi ra dụ khị, mà tôi chỉ nghỉ chơi với bạn thôi!” Đó chính là nguyên tắc “ hòa mình nhưng không hùa theo” Chúng ta sẽ hòa theo các sở thích, các hoạt động, các biểu hiện tích cực của trẻ. Nhưng không hùa theo các hành vi tiêu cực như nhảy nhót linh tinh, lăn đùng ra sàn hay cắn hay đánh người khác của trẻ. Điều quan trọng ở đây là chúng ta không ngăn cấm, trừng phạt, hay nhắc nhở để trẻ ngưng không làm các hành vi đó, vì các biện pháp đó chỉ là sự “đổ dầu vào lửa” , hoặc cắt đứt chính cái mối tương tác đang hình thành một cách mong mang với bố mẹ. Bởi vì nếu bố mẹ là một “ người bạn” thì sẽ không có quyền cấm đoán, trách phạt bạn mình, hạy dụ dỗ mà chỉ có thể lờ nó đi, chuyển hướng quan tâm của trẻ qua một hành động tích cực khác hoặc nghỉ chơi, bỏ đi chỗ khác ! ( trẻ nào cũng sợ bị nghỉ chơi ) . Chỉ khi nào chúng ta là “ thực sự là bạn với đứa trẻ gọi là con” và được đứa trẻ chấp nhận, thậm chí là “ say mê” dĩ nhiên là chỉ trong giờ can thiệp, hay giờ chơi với trẻ , thì chừng đó mới nên nghĩ đến chuyện can thiệp bằng cách này hay cách khác, để giúp trẻ có những tiến bộ về ngôn ngữ và giao tiếp.
Ngoài các hoạt động “can thiệp” hay đúng hơn là “ thiết lập các mối quan hệ thông qua trò chơi – đồ chơi” trong một số giờ nhất định trong ngày, thì hoạt động gọi là can thiệp, là giúp cho trẻ phát triển các năng lực cá nhân : Sự vận động khéo léo, khả năng tập trung, khả năng làm việc theo trình tự trước sau … khả năng phân tích tổng hợp, ghi nhớ …thông qua các hoạt động bình thường trong nhà. Đó là một lĩnh vực mà không có chương trình can thiệp nào ở bất kỳ một trung tâm nào có thể thực hiện được. Dù hiện nay, cũng có một số trung tâm đã nhận ra vai trò quan trọng của “ việc nhà trị liệu” để đưa vào kế hoạch can thiệp hàng ngày tại trung tâm mình những hoạt động tương tự tại gia đình. Ta có thể gọi đó là mô hình “ Trung tâm trong gia đình và gia đình trong trung tâm” nhưng đó không phải là một quan niệm “ dễ nuốt” hay dễ thực hiện và thường chỉ mang tính hình thức để chụp hình khoe trên FB!
Tuy nhiên, nếu xét về mặt tâm lý, thì việc một giáo viên trở thành một “bà mẹ” của một “đàn con” ngoài những ưu điểm như tạo sự gắn bó, sự vâng lời và khơi gợi được những cảm xúc tích cực của trẻ, điều này sẽ giúp trẻ có sự đáp ứng và tiến bộ. Nhưng nó vẫn không thể và không nên thay thế sự gắn bó và giao tiếp giữa chính người mẹ “thật” của trẻ tại chính gia đình của em. Bởi vì, có thể khi trẻ đã gắn bó với giáo viên, vâng lời giáo viên như một người mẹ thực sự, thì lúc đó “ người mẹ sinh lý” của trẻ bị cho ra rìa và cái bi kịch : Sao nó chỉ nghe lời cô mà không chịu nghe lời tôi lại xuất hiện! Thậm chí nếu phải nghỉ học là có khi trẻ lại bị stress! Vì nhớ “bà mẹ tâm lý” ở trường !
Vì thế, những hoạt động tương tác thông qua các sinh hoạt, các công việc trong gia đình dành cho trẻ tự kỷ vẫn nên diễn ra trong khuôn khổ một mái ấm gia đình, mà ngoài thời gian “can thiệp” bằng các kỹ thuật khác nhau, thì đứa trẻ sẽ dần dần “phục hồi” được vai trò một thành viên trong gia đình, qua những công việc các em đóng góp được, chứ không phải chỉ là một “ khách sạn” hay một nhà trọ, mà các em chỉ là một người khách ngơ ngác, chỉ biết ăn, ngủ và lăng xăng rồi cả bố mẹ lẫn con chỉ ngóng đến giờ đi học để con thì được chơi với cô và bố mẹ thì “trút gánh nặng” ! mà không hề nghĩ rằng – Bố mẹ đang rời xa con chứ không phải là đang xây dựng sự gắn bó cần thiết cho con phát triển !
Lê Khanh
TT – Kidstime Bình Thạnh