Làm gì khi con gây ” Tội” !
19/09/2020
THIỀN VÀ THỞ
25/10/2020
Làm gì khi con gây ” Tội” !
19/09/2020
THIỀN VÀ THỞ
25/10/2020

Chuyện đứa trẻ được cả nhà cưng chiều trở thành ông vua con trong nhà, được các nhà chuyên môn gọi là hội chứng con cưng – là tình trạng không xa lạ trong xã hội Việt Nam. Mặc dù cũng có nhiều ông gia trưởng không xuất thân từ hàng ngũ “con cưng” bởi vì cái tính khí đó đã là một bản chất bẩm sinh, nhưng từ những “rối nhiễu tâm lý” do hội chứng này gây ra khiến cho nhiều trẻ nam khi lớn lên thành một người đàn ông có tính gia trưởng là điều xem ra khá đúng …quy trình.

Cho đến nay, dù nữ quyền có được đề cao và người phụ nữ đã trở nên độc lập, tự chủ hơn và cũng không thiếu các “nữ gia trưởng” mà các ông chồng sợ chết khiếp. Nhưng Tinh cách gia trưởng, độc đoán ở người chồng vẫn còn là một điều khá phổ biến trong xã hội chúng ta vì tinh thần “trọng nam khinh nữ” vẫn còn phổ biến trong nhiều gia đình và cả trong các tổ chức xã hội.

Cũng như hội chứng con cưng hay con vua, đã mang đến cho trẻ những phiền toái, khó khăn trong khả năng giao tiếp, ngôn ngữ và dần dà với thời gian, những điều đó đã khiến cho trẻ trở thành một cậu thiếu niên ích kỷ, kém thích nghi, có nhiều đòi hỏi và cả những ảo tưởng về năng lực bản thân, cũng như rất dễ rơi vào những thú vui thấp kém thậm chí là bệnh trầm cảm. Thì tính cách gia trưởng cũng đẩy người đàn ông vào hoàn cảnh bất lợi, dễ đưa đến những mâu thuẫn, khủng hoảng trong cuộc sống gia đình và có thể đi đến những rạn nứt không thể hàn gắn trong các mối quan hệ giữa vợ chồng hay giữa bố mẹ và con cái.

Một hiểu lầm không hề nhẹ, là có người cho rằng chứng tự kỷ ở trẻ em và hội chứng con cưng là một. Đây cũng là một quan điểm sai lầm dễ hiểu khi có nhiều trẻ do chậm nói, có những hành vi không phù hợp, kém khả năng giao tiếp đồng thời cũng là một “cục cưng” trong nhà. Đến khi mang đi đánh giả, chẩn đoán thì lại “lòi ra” cái chứng Tự kỷ ! Nhưng rõ ràng, nhiều trẻ tự kỷ không  biết đòi hỏi, yêu sách như đứa trẻ được cưng chiều mà chỉ có sự thu mình và rối loạn giao tiếp. Có điều, việc “làm thay” cho con, đáp ứng ngay và luôn mọi yêu cầu mà trẻ không cần nói ra, giống như một “ông vua con” chỉ cần liếc mắt là cả nhà nháo nhào lên để phục vụ, thì lại là một sự cản ngại không hề nhỏ trong tiến trình can thiệp cho một bạn VIP !

Việc đáp ứng quá nhanh, chăm sóc tận răng và “che chắn” cho trẻ trước mọi thử thách cũng như việc thờ ơ bỏ mặc không quan tâm đến con như kiểu “bà mẹ tủ lạnh” đều là những nguy cơ khiến cho trẻ có yếu tố tự kỷ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc xây dựng các mối tương tác với những người xung quanh –  trog khi đây lại là yếu tố quan trọng để trẻ trở nên ổn định và thích nghi hơn.

Trẻ tự kỷ hay chậm nói, có tình trạng tăng động kém chú ý, hay chậm phát triển trí tuệ là những tính chất bẩm sinh, ngay từ khi sinh ra đã có các yếu tố rối loạn phát triển này rồi. Đến giai đoạn phát triển về ngôn ngữ và hành vi từ 1 tuổi đến 3 tuổi, thì các khó khăn đó mới lộ ra một cách rõ ràng, điều này khiến cho nhiều bà mẹ cho rằng, con mình sinh ra là bình thường , khi lớn lên mới mắc “bệnh tự kỷ” hay chứng tăng động trong tiến trình phát triển ở giai đoạn này.  Đặc biệt là việc cho xem TV hay chơi điện thoại quá sớm và quá nhiều, cũng có người cho rằng đó là nguyên nhân gây ra tình trạng chậm nói hay chứng tự kỷ. Khi được cảnh báo thì lập tức cắt luôn, không cho xem nữa và nghĩ rằng chắc là trẻ sẽ có thể “hồi phục” về ngôn ngữ, giao tiếp ! Hay đơn giản hơn, là cho trẻ đi cắt thắng lưỡi ( dây chằng phía dưới lưỡi ) và cho rằng, đó là nguyên nhân gây chậm nói, chỉ cần cắt là trẻ có thể nói lại – Đó là những nhận định không chính xác . Bởi vì  việc tập nói cho trẻ không đơn giản và sẽ mất rất nhiều thời gian với các kỹ thuật khác nhau và phải được áp dụng một cách đúng đắn.

Điều này tương tự như với tình trạng gia trưởng ở người chồng hay ông bố , nếu không biết “phát hiện sớm và can thiệp sớm”, để đến khi “ván đã đóng thuyền, gạo đã thành cơm” và người hùng của lòng em đã hiện nguyên hình là một “ông vua “ không ngai trong gia đình, nhất là khi xem lại tiền sử thì  trước kia anh ấy cũng đã từng là một ông vua con trong gia đình ! Thì người phụ nữ thường phải cúi đầu chịu trận hoặc sẽ đến một lúc đành phải “bỏ của chạy lấy người” bởi vì các “liệu pháp can thiệp” nếu không đủ mạnh, sớm  và lâu dài thì sẽ không thể khiến cho “ông vua” ấy chịu từ bỏ ngai vàng!

Chính vì thế, trong thời gian quen biết sơ giao, nếu có cơ hội tìm hiểu về “tình yêu của em” thì hãy xem xét thái độ của anh ấy đối xử với bố mẹ, và chính trong cách ứng xử với người yêu, nếu có những “di chứng” của họi chứng con cưng hay những biểu hiện về quyền lực độc đoán  thì tam thập lục kế là tốt nhất !

Trong việc can thiệp sớm cho một trẻ chậm nói, có yếu tố tự kỷ thì tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ – nếu được dẫn đường bằng lý trí, để không quá chiều chuộng con mình, mà có những tác động phù hợp, có tính khoa học và chuyên môn đúng,   thì  có thể cải thiện được rất nhiều, thậm chí ngay cả “hội chứng con cưng” cũng có thể giảm thiểu hay chấm dứt sau một thời gian can thiệp.  Thế nhưng, với tính cách gia trưởng, thì việc “can thiệp uốn nắn hành vi” có thể là một hành trình vô vọng !  Có nhiều người, sau một thời gian yêu nhau, đã bộc lộ tính cách gia trưởng, độc đoán…Thế nhưng khi đứng trước yêu cầu của người yêu bé bỏng, thì đã hứa hẹn trước mọi đấng “thần linh” là sẽ thay đổi, sẽ “phục vụ” mọi yêu cầu, mọi lúc mọi nơi … Hay luôn miệng xin lỗi về những hành vi thái quá và độc đoán. Thế nhưng, đó chỉ là những lời hứa “cá trê chui ống” thậm chí có thể  giữ được trong  một thời gian ngắn, đến khi có một vấn đề gì đó xẩy ra, thì “vị gia trưởng” lập tức lại tái hiện nhanh như chớp!

Với một đứa con đặc biệt, dù có khó khăn cỡ nào, thì người mẹ cũng khó có thể bỏ được, vì đó là máu mủ của bà, đó là tình yêu và cũng là sức mạnh để bà vượt qua muôn trùng sóng gió trong cuộc sống, bà sẵn sàng đạp lên mọi thị phi, kỳ thị để bao bọc và lo lắng cho con. Còn với một ông chồng gia trưởng, thì càng yêu thương, càng chấp nhận, càng chịu đựng thì đừng bao giờ hy vọng, với sự hy sinh và nhẫn nhục của mình có thể khiến “anh ấy” hồi tâm, để có thể trở lại là một người chồng đúng nghĩa.

Tình yêu là sự tôn trọng chứ không chỉ là sự hy sinh hay nhẫn nhịn. Từ những ông vua con trong gia đình,có hội chứng con cưng  cho đến các ông vua không ngai với “hội chứng gia trưởng” thì phải làm  cho các ông vua này biết tôn trọng người mẹ và người vợ của mình, bằng những chiến thuật phù hợp. Đã từng có những người con đánh đập, mắng nhiếc mẹ – và không thiếu những người chồng bạo hành người cùng giường với mình. Với các bạn ấy, khi sự tôn trọng không còn, thì không có một sức mạnh nào có thể khiến cho họ quy phục. Và chuyện cao chạy xa bay  là hành động tất yếu. Hãy biết quý trọng chính bản thân mình trong các mối quan hệ gia đình, nếu mình không quý trọng mình, thì ai sẽ có thể quý trọng mình ? Nhưng người phụ nữ  phải biết trở thành một người vợ với tất cả giá trị của nó, chứ không phải lại trở thành một bà chủ quyền lực hay cô o sin đa năng, phục vụ “ông chủ” từ nhà bếp đến phòng ngủ một cách vô điều kiện !

Lê Khanh

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý