Vui chơi tạo sở thích – Sở thích tạo tài năng
14/12/2016
Ảo vọng hay Hy Vọng !
24/12/2016
Vui chơi tạo sở thích – Sở thích tạo tài năng
14/12/2016
Ảo vọng hay Hy Vọng !
24/12/2016

DẪN NHẬP

Từ khi con của bạn bộc lộ những hạn chế trong giao tiếp, ứng xử, hành vi, ngôn ngữ, điều lo âu nhất có lẽ không phải là vấn đề của cháu như thế nào, mà bạn có thể làm được gì cho con mình !       Hẳn là bạn cũng đã từng đưa bé đến những bệnh viện lớn, những trung tâm chẩn đoán quy mô, gặp những nhà chuyên môn có trình độ để được chẩn đoán phát hiện hay đánh giá mức độ nặng nhẹ của tình trạng và sau đó thường là những lời khuyên, nhắc nhở sự quan tâm về nhà chơi với bé, trò chuyện với bé nhiều hơn. Nếu tốt hơn nữa là giới thiệu cho bạn một vài đơn vị, trung tâm hay trường chuyên biệt để can thiệp cho con. Sau đó, bạn đã tìm đến các địa chỉ này, gửi con vào, và như vậy là xong ?

Thực ra, đây mới chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình rất dài mà bạn vẫn phải tiếp tục đồng hành với con rất lâu, cho dù có sự hỗ trợ tích cực của nhà trường hay không.

Trên thực tế là không thể có một phương pháp nào khả dĩ cải thiện hoàn toàn hay chữa khỏi tình trạng của con bạn, nhưng để làm cho tình trạng của trẻ khá hơn, có những biến chuyển tích cực đến mức độ gần như bình thường, tùy theo khả năng phát triển của từng cháu là điều có thể. Vấn đề chính ở đây, không phải là các trung tâm can thiệp hay các trường chuyên biệt có thể làm được điều này mà chính bạn sẽ làm cho tình trạng của con mình tốt hơn.

Chính bạn, với những hiểu biết và kỹ năng mà bạn học hỏi được sẽ giúp con bạn có khả năng tái thiết lại các mối quan hệ ứng xử đã bị đánh mất trong thời gian qua, có thể có những nhận thức và hiểu biết để cải thiện tình trạng rối nhiễu của mình và giúp cho bạn không còn nhiều lo lắng trong cuộc sống với sự hỗ trợ của nhà trường và các nhà chuyên môn.

 day-be-tap-noi

CÁC YẾU TỐ CẦN THIẾT :

Trước khi bắt tay vào việc đồng hành cùng con, chúng ta cần phải thông qua một số những nhận định tổng quát như sau:

Cần có thời gian: Cần phải có một thời gian để vượt qua từng giai đoạn theo một trình tự rõ ràng để giúp trẻ đạt được sự phát triển và khả năng độc lập, đó là con đường mà mọi người đều phải trải qua !

Tình trạng khó khăn của con bạn là cá biệt, nhưng điểm chung trong chương trình can thiệp là những bài tập và những tác động cụ thể dựa trên năng lực của đứa trẻ. Không có những kinh nghiệm chung, những biện pháp có thể áp dụng cho mọi trẻ như nhau.

Phải tin vào khả năng của trẻ:  Bạn có thể và cần phải đòi hỏi ở con những cố gắng hơn, không phải bằng bất cứ cách nào, nhưng cần tránh sự làm thay cho trẻ trong những mức độ mà bạn biết và tin rằng trẻ có thể làm được. Tất nhiên là nó không thể dễ dàng và nhanh chóng, nhưng đó là điều kiện quan trọng cho sự tiến bộ của con bạn.

Bạn cần biết 3 yêu cầu trong nguyên tắc này là :

  • Không nói thay đứa trẻ : Khi trẻ không chịu nói, ta có thể tìm hiểu mong muốn của trẻ, và tập cho bé chỉ tay vào vật hay điều bé muốn, rồi chỉ nói một vài lần tên của vật đó ( VD : Ly, nước, bánh …) và khuyế khích bé nhắc lại.
  • Để cho trẻ tự vận động : Không tìm cách nâng đỡ mà cần khuyến khích trẻ tự làm thêm
  • Để tự trẻ chơi theo khả năng, Không tìm cách hướng trẻ vào một loại đồ chơi nào mà bạn cho rằng tốt cho bé, hãy dựa theo sự quan tâm hay sở thích của trẻ vào một thứ đồ chơi hay công cụ nào đó để nương theo đó mà đưa ra những tác động phù hợp.

Phải biết sự giúp đỡ không đúng lúc của bạn có thể làm mất thêm thời gian cho khả năng phát triển của trẻ:

Làm hộ những gì trẻ có thể làm được là vô tình làm trễ bước tiến triển của nó, đình trệ khả năng phát triển vận động, từ đó đưa tới sự chậm trễ về ngôn ngữ , sự năng động vì trẻ không cần phải cố gắng và làm trẻ không tự tin vào bản thân .

Cái gì mà trẻ thực hiện một cách chậm chạp và khó khăn ngày hôm nay, nó có thể thực hiện một cách rõ ràng hơn vào ngày mai. Như thế, dù phải đánh đổi bằng những khổ sở cho trẻ trong ngày hôm nay, nhưng sẽ tốt hơn là sự phát triển chậm chạp của trẻ, làm khổ cả trẻ và cả bạn trong một thời gian dài !

Luôn luôn chờ đợi trẻ bày tỏ ý muốn của nó :

Một đứa trẻ chỉ cố gắng bầy tỏ ý muốn khi nó có nhu cầu. Nếu bạn cứ để cho trẻ bầy tỏ ý muốn, trẻ sẽ có những phản ứng với môi trường xung quanh, như đòi cái này, đòi cái kia và bạn cần phải khuyến khích hay tập cho trẻ cách bầy tỏ phù hợp.

Chờ đợi không có nghĩa là không làm gì cả, mà trái lại là phải biết kích thích trẻ biết và muốn bầy tỏ cũng như giúp nó tìm cách diễn đạt nhu cầu của nó. Chúng ta đừng vội vàng đáp ứng ngay nhu cầu của trẻ, dù chỉ với những cử chỉ đơn giản. Vì nếu không trẻ sẽ không chịu phát triển thêm cách diễn tả nữa.

Một động tác mới là một ngôn ngữ mới, cách thể hiện mới:

Trẻ càng biết nhiều, trẻ càng dễ phát triển – phương pháp đơn giản nhưng cơ bản của vấn đề là dạy nó mọi điều  trong các hoạt động tại gia đình, một cách. Liên tục nhưng không phức tạp, đơn giản và luôn nhắc lại .

Trẻ có thể không nhớ, không đáp ứng thậm chí có thể phản ứng, chống đối lại trong thời gian đầu. Nhưng với sự kiên trì thì nhiều khi chính những trẻ chống đối nhiều nhất lại là những trẻ tiến bộ tốt nhất.

Phải cho trẻ biết sự giới hạn bằng những biện pháp kỷ luật rõ ràng:

Nhiều bố mẹ, vì nghĩ rằng con mình là trẻ đáng thương, cần phải được chăm sóc, chiều chuộng ngay cả những yêu cầu phi lý của trẻ nên đã đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác và không đưa ra nổi một giới hạn về thời gian hay không gian nào. Điều đó sẽ ngày càng làm cho cuộc sống của bố mẹ và chính trẻ sa lầy !

 

THẾ NÀO LÀ CAN THIỆP SỚM

Can thiệp sớm là việc tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục tại gia đình dành cho trẻ có rối loạn về phát triển (Hội chứng Tự Kỷ, tình trạng chậm nói, Chậm Khôn, hiếu động kém chú ý…) với sự cộng tác giữa gia đình – nhà trường  và các chuyên gia dựa trên nhu cầu của trẻ .

Can thiệp sớm nhằm giúp trẻ phát triển trong các lĩnh vực:

  1. Khả năng di chuyển, vận động, nhìn và nghe.( giác quan – vận động )
  2. Khả năng nhận thức và tiếp thu  ( tri thức)
  3. Khả năng hiểu lời, nói ra và diễn tả ( Ngôn ngữ )
  4. Khả năng tiếp xúc và chấp nhận người khác ( Quan hệ)
  5. Khả năng tự phục vụ ( ăn, uống, tắm) và tự giúp mình ( Thích ứng)

Can thiệp sớm là đối kháng lại với sự chờ đợi thụ động, bằng những hoạt động từng bước một, định hướng phát triển cho trẻ. Đây  là những tác động giúp cho sự  tiến bộ mỗi ngày thêm một chút, là sự đấu tranh một cách khoa học, có phương pháp để đẩy lùi giới hạn của những khó khăn mà trẻ đang gặp phải. Can thiệp sớm giúp cho các cháu từ 2 – 4 tuổi có được những tiến bộ tại gia đình, nhưng ngay cả những trẻ lớn tuổi hơn cũng vẫn có được những tiến bộ đáng kể nếu bố mẹ áp dụng một cách tích cực và đầy đủ kế hoạch phát triển ngay sau khi có những chẩn đoán một cách đầy đủ và chính xác về tình trạng của trẻ.

Phụ huynh có vai trò như thế nào trong chương trình Can thiệp sớm:

Việc xây dựng chương trình là của các chuyên viên và giáo viên, nhưng vai trò của phụ huynh là trên hết. Sự can thiệp có được kết quả tích cực hay không là do sự tham gia của gia đình.

Theo những thống kê chính thức ( của nước ngoài) một đứa trẻ được chăm sóc tại một cơ sở tập trung tiến bộ chậm hơn một đứa trẻ được chăm sóc tại môi trường trong gia đình. Nhưng sự chăm sóc ấy phải được vận dụng một cách thường xuyên, liên tục theo một kế hoạch đã định trước, và đứa trẻ phải được đối xử như một trẻ bình thường từ việc khen thưởng tới những biện pháp kỷ luật.

Chúng ta sẽ tiến hành việc phối hợp với nhà trường như thế nào trong việc áp dụng chương trình can thiệp sớm ?

  • Hãy QUAN SÁT TRẺ MỘT CÁCH CẨN THẬN : Phụ huynh quan sát, ghi nhận tất cả những hành vi, thái độ, phản ứng của trẻ liên quan đến các Giác quan như khả năng nghe , nhìn, sờ chạm… Những bất thường trong việc ăn uống, ngủ nghỉ và chơi đùa.
  • Hãy XEM XÉT CÁC KỸ THUẬT – PHƯƠNG PHÁP KHÁC NHAU để cùng với nhà trường chọn lựa một phương pháp thích hợp nhất với con mình. Đây là mấu chốt của vấn đề khi mà hiện nay có rất nhiều phương pháp mới nhìn qua thì có vẻ khác nhau, nhưng thực chất thì có rất nhiều điểm tương đồng. Vì vậy, một phương pháp hiệu quả không phải là một phương pháp nổi tiếng, nhưng đó là 1 phương pháp phù hợp nhất với chính con mình.
  • Hãy ĐÁNH GIÁ MỘT CÁCH KHÁCH QUAN về tình trạng của con mình, không coi thường hay bi thảm hóa, không chỉ nhìn ra những mặt yếu của con, mà còn phải biết những mặt mạnh hay những năng lực, cho dù nếu so với những trẻ khác thì trẻ thật là kém cỏi, nhưng bé vẫn có được những ưu thế tiềm ẩn mà trong quá trình can thiệp chúng ta phải tìm cho ra.

Để làm được điều này, chúng ta cùng trao đổi với nhà trường, sử dụng các bảng đánh giá về các lĩnh vực : Giác quan , vận động, ngôn ngữ, gia tiếp. Chúng ta có thể yêu cầu giáo viên hay nhà trường cung cấp, hỗ trợ chúng ta những kế hoạch can thiệp mà các giáo viên đang áp dụng tại trường lớp cho con em mình. Từ đó sẽ xem xét một cách cẩn thận điều gì phù hợp với con mình nhất trong giai đoạn này.

HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ CHO TRẺ TẠI GIA ĐÌNH :

Để việc can thiệp của giáo viên tại nhà trường hay trong các giờ can thiệp cá nhân đạt được những kết quả tốt hơn, thì những hoạt động hỗ trợ tại gia đình mà phụ huynh tác động lên trẻ là vô cùng cần thiết. Chúng ta có thể tác động như thế nào cho trẻ ?

Điều mà chúng ta có thể làm một cách hiệu quả nhất là kích thích sự phát triển các GIÁC QUAN cho trẻ :

KÍCH THÍCH THỊ GIÁC

Một trong những điều làm bố mẹ các trẻ Đặc biệt cần quan tâm là khả năng nhìn của trẻ. Hầu như đứng trước mọi tác động của chúng ta, mọi sự kêu gọi, mọi sự kích thích đều được đáp trả bằng một cái nhìn thờ ơ, nhìn như không nhìn hay một cái nhìn lẩn tránh ánh mắt, vì vậy việc tập luyện mắt ( hay tạo hướng nhìn có chủ đích) là một trong những điều mà chúng ta cần làm trước tiên.

Chúng ta cần có sự chuẩn bị gia tăng tiềm lực chú ý ở mắt của trẻ – Hãy trang trí phòng bằng cách đặt trên tường và cả dưới nền nhà những hình ảnh nhiều mầu sắc gợi sự chú ý . Tranh ảnh, có những màu sắc tươi sáng và mầu sơn tường ( mầu xanh rêu là thích hợp )

Bạn nên có trong phòng một chiếc gương ( Có hai kích thước : Một cái tương tự như trong tủ áo đủ để cho trẻ nhìn thấy toàn bộ thân hình của bé , tấm gương này có thể là cánh cửa tủ hay một tấm gương gắn cố định trên tường  – Và một cái là gương để bàn, đủ để trẻ nhìn thấy trọn vẹn gương mặt của bé ).

Trong phòng, bạn cũng nên có vài cái đèn khác nhau, từ chiếc đèn bàn cho đến các loại đèn pin và cả một ống kính vạn hoa để giúp trẻ có khả năng tập trung sự chú ý hơn.

Bạn nên dùng ngay chính hình ảnh của bé ( bé đang chơi – bé đang dạo phố … ) và hình ảnh gia đình ( Bố mẹ dẫn tay bé đi chơi ) để trang trí bằng cách phóng lớn các tấm ảnh đó và treo lên tường . Trong quá trình chơi đùa với bé, bạn chỉ lên các bức tranh và đặt câu hỏi – cho dù bé có tỏ ra thờ ơ thì vẩn cứ hỏi và có thể tự trả lời – Bé đâu ? bé đây, bé làm gì ? Bé ăn cơm – bố đâu – bố đây, bố làm gì ? bố dẫn bé đi chơi .v.v.v

Trang bị những đồ chơi – đồ dùng có mầu sắc :

Bạn nên trang bị cho bé những dụng cụ có màu sắc thuần chất (trắng/ vàng/ đỏ/ xanh …) để vừa giúp trẻ nhận ra các đồ vật vừa có nhận thức về màu sắc. Các bàn, ghế tủ của bé nếu có điều kiện thì cũng nên có những mầu sắc tươi sáng để giúp bé cảm thấy thoải mái trong căn phòng của bé (phòng ngủ – phòng sinh hoạt chung của gia đình )

Bạn cũng có thể mua cho cháu một cái bàn kiểu bàn uống trà Nhật với 4 chân có thể gấp lại được. và một tấm nệm dầy  hay mua cho cháu một cái ghế như hình bên, để có thể làm ghế ngôi ăn, bàn ngồi chơi…và cái thùng bên dưới để chứa đồ chơi.

Bạn kết hợp các trang bị này với các bài tập giúp trẻ phát triển thị giác và hãy khuyến khích trẻ giao tiếp mắt ( nhìn vào bạn trực tiếp hay qua gương ) càng nhiều càng tốt.

KÍCH THÍCH THÍNH GIÁC

Bạn nên quan tâm đến các loại vật dụng,  đồ chơi phát ra tiếng động, bạn cũng có thể đeo cho bé một cái vòng, lục lạc – khi trẻ vận động, lục lạc sẽ kêu lên và điều đó khiến trẻ thích thú, sẽ lập lại và nó giúp ích cho sự phát triển vận động của trẻ.

Khi chơi đùa với con, bạn nên bắt chước lại các loại tiếng động, bạn cũng có thể tìm mua những món đồ chơi tạo ra các loại tiếng động. Có những trò chơi giúp trẻ chú ý hơn vào các loại âm thanh khác nhau.

Thường xuyên gọi tên trẻ:

Hãy gọi tên trẻ bằng nhiều mức độ ( cao/thấp – lớn/nhỏ ) để kích thích sự chú ý của trẻ. Chơi các trò chơi gọi tên trẻ hay giả tiếng gà gáy từ lớn đến nhỏ rồi ở mức độ thì thầm.

Khi trò chuyện với trẻ, bạn nên nói một cách NGẮN GỌN, RÕ RÀNG và dùng các từ ngữ ĐƠN GIẢN – nếu trẻ tỏ ra chưa chú ý thì bạn nói to hơn, nếu trẻ đã nhận ra thì bạn nói nhỏ lại, nhưng đừng kéo dài.

Một số hoạt động kích thích thính giác:

Bạn Thu thập một loạt các đồ vật phát ra âm thanh khác nhau (Các viên sỏi, cát rồi bỏ vào trong một cái hộp dán kín; chuông. Bạn cho các loại hạt ( Hạt sỏi, hạt đậu khô) vào trong 1 bình nhựa như chai nước suối, dùng giấy màu dán kín để trẻ không nhìn thấy các hạt sỏi hay đậu ở bên trong).

Chơi các trò chơi giúp trẻ nghe những âm thanh khác nhau. Giúp trẻ tự lắc các đồ vật đó. Dùng các đồ vật tạo âm thanh. Lúc này, tạo nên các âm từ các hướng khác nhau. Khuyến khích con bạn tìm nơi phát ra âm thanh.

Bế con bạn lên, ghé sát mồm bạn vào tai trẻ khi bạn nói chuyện với bé. Nói bằng một giọng êm ái rõ ràng, thay đổi âm sắc khác nhau để con bạn lắng nghe. Hát các bài hát cho trẻ nghe. Bế trẻ và nhún trẻ theo điệu của bài hát. Cho trẻ thấy cách gõ vào một cái chảo hoặc cái trống để tạo ra các âm thanh như thế nào. Giúp trẻ gõ nhẹ để tạo nên những âm thanh nhỏ và gõ mạnh để tạo nên những âm thanh to. Bé sẽ nhận ra là bé có thể tạo nên các âm thanh khi bé cử động tay.

KÍCH THÍCH XÚC GIÁC

Qua các nghiên cứu lâm sàng cho biết, một trong những nguy cơ làm gia tăng  tình trạng tự kỷ cho trẻ nhỏ là do các em bị sinh mổ. Lý do là khi sinh theo lối thông thường, làn da các em tiếp xúc một cách chặt chẽ và trong một thời gian tương đối dài với thành bên trong tử cung và đường sinh ra  (cổ tử cung) từ đó, hệ thống cảm xúc trên da được kích thích, giúp trẻ dễ dàng chấp nhận việc tiếp xúc, ôm ấp vuốt ve của người mẹ sau này. Còn với những trẻ sinh mổ, các em bị “bốc”thẳng từ trong dạ con ( là môi trường nước ) ra ngoài không khí, các hệ thần kinh xúc giác trên da (Da là một hệ thần kinh cảm xúc ) không được kích thích, do đó nhiều trẻ không thích ôm ấp, hay không có cảm nhận về xúc giác ( không cảm nhận về đau, không biết nóng ) phản ứng chậm với những tác động qua da.

Vì thế, một trong những biện pháp giúp trẻ lấy lại các cảm giác qua da là việc massage và việc chơi đùa, vuốt ve dưới nước .

Trong các trò chơi, bạn có thể giúp trẻ khám phá ra những chất liệu khác nhau bằng việc cho trẻ sờ lên các chất liệu khác nhau : Các chất liệu vải – Da – Nhựa simili – miếng chùi xoong – giấy nhám … Các chất liệu : Tượng đất sét – chén sành – ly nhựa – ly sứ ( cẩn thận kẻo vỡ ! )

Bạn cho trẻ đi chân trần trên nền xi măng, nền đất, nền cỏ, nền gỗ, nền gạch … và khi trẻ tiếp xúc với các chất liệu trên bạn nên giới thiệu với trẻ. (thông qua các trò chơi ).

Tìm nhiều đồ vật có kết cấu khác nhau như vải lụa, vải thô, len, giấy ráp, giấy, thảm, …. Cho trẻ chà xát tay vào các kết cấu đó và cảm nhận chúng. Cho trẻ cảm nhận bằng các bộ phận khác nhau của cơ thể.

Trong giờ tắm hãy cho trẻ thưởng thức việc cảm nhận mọi thứ. Ví dụ, cho trẻ cảm nhận bánh xà phòng ướt, giúp trẻ vỗ nước, giúp trẻ cảm nhận nước ở các nhiệt độ khác nhau. Sau đó, khi lau khô cho bé, lấy khăn tắm lau tất cả các bộ phận trên cơ thể bé, lúc nhẹ nhàng, lúc mạnh tay. Quấn trẻ trong 1 chiếc khăn tắm và cho trẻ cảm nhận chiếc khăn đang quấn quanh người bé.

Bạn cũng nên kích thích Vị giác và vận động của lưỡi bằng cách khi đút cháo, thay vì tim cách đút thẳng vào miệng, thì bạn nên rà rà chung quanh miệng, chạm lên môi để kích thích bé phải thè lưỡi ra. Bạn cũng có thể bôi kem, chocolate xung quanh miệng của trẻ để trè liếm nhằm tác đông đến lưỡi. Tạo cơ hội cho trẻ  trải nghiệm các vị khác nhau. Bạn hãy cho trẻ nếm thử các loại thức ăn chua, ngọt, mặn, đắng. Chú ý xem phản ứng của bé đối với các vị này như thế nào. Những phản ứng đó là cách bé nói cho bạn biết bé thích và không thích vị nào. Nên cho trẻ ăn các loại thức ăn có cấu trúc khác nhau, giúp bé làm quen với các loại thức ăn đa dạng.

Tất cả các hoạt động kích thích giác quan bạn có thể đưa vào trong chương trình hoạt động hằng ngày. và nên tác động vào các thời điểm sau :

Buổi sáng khi trẻ vửa thức dậy ( Tác động về khả năng nghe – Thính giác )

Lúc làm vệ sinh cho trẻ ( tác động về vận động miệng )

Lúc cho trẻ ăn sáng và ăn trưa ( tác động về Vị giác )

Lúc chơi đùa ( Tác động về vận động  – thính và thị giác )

Lúc tắm và lúc massage cho trẻ ( tác động về xúc giác )

Lúc chuẩn bị cho trẻ đi ngủ  ( tác động về nghe – nhìn )

HỔ TRỢ VỀ KHẢ NĂNG PHÁT TRIỂN VẬN ĐỘNG – NGÔN NGỮ.

Mặc dù con bạn có khó khăn chủ yếu là ngôn ngữ, nhưng đó không phải là mục tiêu được đặt ra, trong giai đoạn đầu. Bởi vì ngôn ngữ hay đúng hơn là lời nói là kết quả của một loạt những tiến bộ về vận động thô, vận động tinh và các hoạt động bắt chước mà trẻ tiếp nhận được từ bạn. Qua đó, sẽ kích thích nhu cầu giao tiếp của trẻ. Chỉ khi nào trẻ có nhu cầu giao tiếp đến một mức độ nào đó, trẻ mới có động lực để học nói. Vì vậy, chúng ta cần đặt ra những mục tiêu về

1/ VẬN ĐỘNG THÔ

Một số khả năng vận động thô cần quan tâm:

  • Trước khi biết đi : Bạn xem lại quá trình phát triển vận động của trẻ, chú ý đến thời điểm trẻ biết bò ( 6 -8 tháng ) là chậm, sớm hay trẻ bỏ qua giai đoạn này. Nếu trẻ chưa biết hay bỏ qua giai đoạn này, bạn nên đưa vào chương trình can thiệp các bài tập bò (Dưới hình thức trò chơi ) Vì bò là một hoạt động phối hợp tay chân, do đó nó có những tác động tích cực đến việc phát triển não bộ.
  • Giữ thăng bằng, đi, chạy : Khi nào thì trẻ làm được – nêu chưa làm tốt, nên đưa vào chương trình can thiệp sớm thông qua các trò chơi vận động.
  • Lên xuống cầu thang, leo trèo: Trẻ lên xuống cầu thang như thế nào ? Nhanh hay chậm? có kiểm soát được các vận động hay không ?
  • Chơi với banh : Trẻ có biết đá banh ? Biết chơi một số trò chơi với banh ?
  • Nhảy : Trẻ có thể nhảy cao? Nhảy xa ? nhảy từ trên giường xuống đất?
  • Đi xe đạp 3 bánh : Trẻ có biết đi xe đạp ba bánh không ?

Tất cả các hoạt động thô này nên được tổ chức dưới dạng trò chơi mà bạn và trẻ cùng chơi với nhau tại gia đình một cách thường xuyên.

2/ VẬN ĐỘNG TINH:

  • Tìm kiếm : Các trò chơi tìm kiếm các vật dấu kín dưới các tấm nệm, tờ báo.. Các trò chơi tìm kiếm các con vật, các đồ dùng được dấu trong các bức tranh.
  • Nắm bắt: Tập cho trẻ nắm bắt những trái banh có kích thước khác nhau ( bóng bàn, tenis và banh nhựa ) bằng một tay, hai tay – Tập nắm các ly, chén , muỗng.
  • Đặt để : Tập cho trẻ biết đặt các vật lên bàn, chồng các khối gỗ lên nhau
  • Các kỹ năng thao tác bằng tay : Biết dùng kéo, tập dùng muỗng, đũa, cột và tháo các nút dây ( dây giầy, giây gói hàng …)
  • Vẽ : Biết vẽ các hình cơ bản ( Vuông, tròn, tam giác … )
  • Lật sách, đọc sách : Tùy theo trình độ, tập cho trẻ lật sách, biết chỉ vào các hình trong sách, với trẻ trên 5 tuổi thì tập đọc sách
  • Giải quyết vấn đề, các câu đố : Biết cách giải quyết các vấn đề đơn giản, biết chọn lựa (quần áo, tức ăn, chỗ đi chơi …), ra quyết định
  • Phân loại và kết nhóm: các đồ vật, các tranh ảnh: Tập cho trẻ phân loại bằng các bức tranh ( Tranh trái cây xếp chung tranh đồ vật rồi lựa ra ) sau đó phân loại bằng các mô hình ( hình bằng bông, nhựa …) rồi các vật thật.

3/ NHẬN BIẾT NGÔN NGỮ.

  • Lắng nghe và dự vào : Tập cho trẻ nghe kể chuyện và tham dự ( chỉ vào các hình minh họa , nhắc lại các tên, hay hoạt động chính của câu chuyện)
  • Đáp ứng các cử chỉ, điệu bộ và cách hướng dẫn đơn giản : Tập cho trẻ biết bắt chước
  • Chọn lựa những cái khác nhau: đồ vật và tranh ảnh : Chơi các trò chơi tìm kiếm và chọn lựa trên các hình vẽ, các mô hình và các vật thật
  • Đáp ứng lại các hướng dẫn liên quan đến các từ mô tả hành động : Biết làm theo các yêu cầu, mệnh lệnh ( Đứng lên, ngồi xuống, đi ra sân, chạy lại đây … )
  • Đáp ứng lại các hướng dẫn liên quan đến các từ bổ nghĩa : Hiểu các yêu cầu mô tả (Lấy cho mẹ cái ly màu đỏ trên bàn )
  • Đáp ứng lại các hướng dẫn liên quan đến các từ chỉ vị trí : Hiểu các yêu cầu về vị trí các vật trong không gian – biết các giới hạn về không gian

4/ CÁ NHÂN VÀ XÃ HỘI

  • Xã hội hoá và chơi đùa  : Biết chơi đùa với bố mẹ và sau đó là biết chơi với các trẻ cùng trang lứa . Đây là mục tiêu chính của chương trình hội nhập.
  • Ăn và uống: tập cho trẻ có thể tự xúc ăn và tự cầm ly uống nước.
  • Mặc – cởi : Trẻ cần được tập để cởi áo ( ao chui đầu và áo có cúc ) cởi quần. Sau đó là tập mặc áo và mặc quần – đi giầy, dép.
  • Vệ sinh cá nhân: trẻ dần dần có thể tự đi Tiêu, tiểu, đánh răng, xúc miệng, rửa tay chân một cách tự giác
  • Tắm rửa, chải chuốt : Đây là mục tiêu khó, nhưng vẫn phải kiên trì để tập cho trẻ có khả năng tự tắm rửa, chải đầu.

Có các hoạt động nêu trên phù hợp với khả năng nhận thức và phát triển theo độ tuổi và tình trạng phát triển về nhận thức, hành vi.

Như vậy, bên cạnh những hoạt động cung cấp cho trẻ những kiến thức, kỹ năng bằng các phương pháp chuyên biệt tại nhà trường trong các giờ can thiệp cá nhân, và đó là trách nhiệm của các giáo viên thì những hoạt động hỗ trợ phát triển cho trẻ tại gia đình, nếu được bố mẹ quan tâm áp dụng một cách kiên trì, thường xuyên và đi theo các kế hoạch từng bước một, sẽ giúp cho trẻ phát triển những năng lực một cách hiệu quả, vượt qua những khó khăn và đạt được những khả năng để hòa nhập với các hoạt động ngoài xã hội.

Chuyên viên Tâm lý LÊ KHANH

Cố vấn chuyên môn Công ty Giáo Dục KIDSTIME

Tel : 0913946086 – Email : [email protected]

Website : www.tamlytreem.com .

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý