Ba mươi năm Nhìn Lại
06/08/2019Xử Lý Hành Vi hay Can thiệp Nhận Thức
19/08/2019Trước mặt tôi là một cậu thiếu niên mà người mẹ hết sức lo lắng, mang con đến để mong tìm ra một phương pháp nào đó, có thể cải thiện được tình trạng của em, trẻ học giỏi hiện đang học lớp 12 – không có vấn đề gì về học tập, trừ việc không thích trả lời các câu hỏi, mà chỉ có thể viết ra . Nhưng không có ai là bạn, khả năng diễn đạt ngôn ngữ kém, ứng xử vụng về, hay nổi nóng và có những hành vi rất tách biệt với môi trường xung quanh….
Đó là một trong nhiều trường hợp được xem là một trẻ “cá biệt” . Các em không quá khó khăn trong việc phát triển như các trẻ tự kỷ nhưng cũng là mối lo âu cho bố mẹ, khi thấy con không thích hòa đồng với mọi người, không biết chào hỏi ai, nói năng thì cụt lủn, không thích ra ngoài xã hội. Trừ những thời gian học ở trường thì trẻ chỉ quanh quẩn trong phòng, trong bốn bức tường và thường có những sự chống đối, phản ứng lại với các yêu cầu của người khác.
Trẻ cá biệt là một thuật ngữ thường dùng để ám chỉ những trẻ hư hỏng, chống đối, bỏ học hoặc có cách sống trầm cảm, thu rút và là mối băng khoăn cho bố mẹ – phải chăng con là một trẻ tự kỷ ? Thực ra cũng có một tình trạng rối nhiễu tâm lý là rối loạn giao tiếp xã hội – cũng từng được xem là một dạng tự kỷ. Thế nhưng, các trẻ này lại không hẳn như thế vì mà chỉ là những hành vi “chống đối” có chủ đích, khác với các rối loạn hành vi của trẻ tự kỷ là những điều mà chính trẻ cũng không muốn và cũng không thể kiểm soát được – Trẻ Cá biệt cũng là những trẻ thường gắn liền với hai vấn đề lớn mà bố mẹ nào cũng lo lắng : Trẻ không thích đi học, và lại rất mê chơi games. Đây cũng là điều “nhầm lẫn” của bố mẹ khi mang con đến tư vấn tâm lý, đó là mong sao cho các “chuyên viên” có thể dùng các “liệu pháp chuyên môn” để thuyết phục hay giảng giải, thậm chí là “chữa trị” ngay và luôn cho trẻ khói cái chứng lười học và mê game, cộng thêm cái tính dễ nổi nóng, chuyên môn cãi lại bố mẹ. Hầu như 10 người thì hết 9 đều nghĩ tình trạng của trẻ là do những tác động từ bên ngoài ( do xã hội, do bạn bè xấu, do ảnh hưởng của phim ảnh…) mà ít ai nghĩ chính cách ứng xử của những người thân trong gia đình mới là nguyên nhân và đã diễn ra trong thời gian dài.
Các vấn đề này tuy tập trung ở đứa trẻ, nhưng để giải quyết thì không phải là chữa cho trẻ, giống như uống thuốc hay điều trị theo một phác đồ để khỏi bệnh ! Mà tình trạng của trẻ chỉ có thể cải thiện từng bước khi có sự thay đổi trong cách ứng xử trong gia đình, mà khi nói ra thì hầu hết mới nhận ra là do mình đã quá cưng chiều, bảo bọc nhưng lại luôn ..áp đặt và đánh, mắng !
Thực ra, việc cưng chiều con thì 10 phụ huynh có lẽ cũng đến 11 người là có, nhưng sự cưng chiều có nhiều cách khác nhau, mức độ khác nhau và cũng không phải trẻ nào được cưng chiều cũng trở thành cá biệt ! Mà ở đây cá tính của trẻ mới là yếu tố quyết định – Có nhiều trẻ bố mẹ vẫn dạy dỗ và quan tâm một cách nghiêm túc, nhưng vẫn “hư” dưới con mắt của người lớn, hay không được như những gì mà bố mẹ kỳ vọng ! Có trẻ được ăn học tử tế, giáo dục đàng hoàng nhưng vẫn lười, vẫn ích kỷ và vẫn có những hành vi không phù hợp. Đó chính là điều mà ta thường nói : Cha mẹ sinh con – trời sinh tính ! Và đây cũng là những điều mà chúng ta phải chấp nhận : Những giới hạn của lòng mong đợi.
Hẵn là sẽ có nhiều người lấy làm thất vọng về con, nhưng nếu chúng ta biết tôn trọng sự cá biệt, và biết những giới hạn của lòng mong ước… thì hẳn là chúng ta thôi khó chịu và lo lắng cho tương lai của con, vì nghĩ rằng, nếu nó đi “lệch hướng” cái con đường mình đã công phu sửa soạn cho nó với bao tâm huyết , thì chỉ có thể là sự bất hạnh, thất bại đang chờ nó ! Thế nhưng, chính cái tương lai mà chúng ta vẽ ra đó, liệu nó có đúng là một điều hạnh phúc cho trẻ hay không khi đứa trẻ không được là chính nó.
Theo quan điểm giáo dục Tây Phương, thì một đứa trẻ trên 18 tuổi là phải chịu trách nhiệm về bản thân mình. Trẻ phải tự đi trên con đường mà chính nó đã vạch ra, có thể nó sẽ thất bại, gục ngã trong một thời điểm nào đó bởi sự chủ quan, nhưng nó sẽ không thể trách cứ, đổ thừa cho ai về những gì đã xẩy ra cho mình, nó dám nhận trách nhiệm và sẽ có khả năng đứng lên để tiếp tục hành trình. Còn với giáo dục Đông Phương, củng có ưu điểm là sự quan tâm, bảo bọc, thương yêu và hỗ trợ con vô điều kiện. Nhưng cũng chính vì sự gắn bó đó, mà đứa trẻ có khi sẽ không được đi theo cách của nó, mà phải đi theo định hướng của gia đình, nếu có thất bại thì gia đình cũng sẽ gánh phần trách nhiệm. Điều này có thể giúp cho trẻ không quá tổn thương, nhưng lại dễ tạo nên những kẻ vô trách nhiệm và chuyên đổ thừa sự sai lầm cho người khác.
Với những trẻ cá biệt – cũng như những trẻ đặc biệt, khi gặp những khó khăn và hạn chế trong các năng lực học tập, thì tại sao bố mẹ không nhìn ra những khả năng khác rất “cá biệt” của em ? Có thể em sẽ trở thành một người giỏi về một lĩnh vực nào đó, nếu được quan tâm, bỏ qua cái thành kiến mà ai cũng cho là hợp lý – Đó là xem con đường học tập như là một cứu cánh duy nhất , xem trình độ học vấn là thước đo của con người, xem bằng cấp là giá trị mà con người phải đạt được. Trong khi đó, ai cũng thừa biết là cái quan điểm “ cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng nhiều tiền” ! đã gần như là một điều “ chủ đạo” trong giáo dục và trong cả cuộc sống ngày nay. Nhưng tiền thì lại không mua được nhân cách, năng lực bản thân và lòng tự trọng. Đây mới là điều mà đứa trẻ cần phải có.
Chúng ta nên nhìn lại chính cách cư xử và thái độ của mình đối với con cái, không có điều gì có thể dạy con hiệu quả cho bằng sự làm gương, và thay vì chỉ nhìn ra những lỗi lầm của đứa trẻ để tìm mọi cách uốn nắn, bẻ gãy hay ngăn cấm, thì hãy tìm ra những điểm “cá biệt” của trẻ và xem đó chính là những điểm mạnh để hỗ trợ, khuyến khích và tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm và phát triển theo cách riêng. Chúng ta phải cho trẻ cái “quyền thất bại” phải biết chịu trách nhiệm với chính bản thân qua những hoạt động cá nhân tại gia đình. Chính sự bảo bọc, ôm ấp làm thay cho con từ cái ăn, cái mặc cho đến việc “dọn ổ” cho con trong các hoạt động học tập , không dám cho con bước ra ngoài cái “vỏ bọc an toàn” để tự thân vận động, đã khiến cho trẻ không thể rời khỏi “ vòng tay mẹ” để trưởng thành.
Có nhiều người cũng đã nhìn ra các vấn đề của con, nhưng họ lại không biết rằng giải pháp là ở những hoạt động trong gia đình, là hành vị tự giác của đứa trẻ, chứ không phải những khóa “ Kỹ năng sống hàng hiệu” mà họ bỏ tiền triệu ra mua cho con, tưởng rằng sẽ giúp trẻ phát triển “ toàn diện” bằng những khóa học “ cưỡi ngựa xem hoa” mà thực chất chỉ là việc ném tiền qua cửa sổ. Giải pháp chính là những điều tưởng như rất bình thường, đó là một nếp nhà trong bầu khí quan tâm, tôn trọng và chấp nhận nhau tai chính gia đình mình. Những công việc thường ngày, từ việc dọn dẹp, lau chùi, nấu ăn, phơi đồ mà trẻ được hướng dẫn ngay từ nhỏ, để có thể thực hiện một cách tự giác, sẽ giúp cho trẻ tự tin, có các hoạt động tự chủ và lớn lên sẽ có khả năng tự lập chứ không còn là một trẻ “cá biệt” cần phải “ điều trị tâm lý” !
Lê Khanh