ĐỐI DIỆN VỚI TRẺ CÁ BIỆT
16/08/2019
Đánh vợ là biểu hiện của kẻ yếu kém – bất lực
30/08/2019
ĐỐI DIỆN VỚI TRẺ CÁ BIỆT
16/08/2019
Đánh vợ là biểu hiện của kẻ yếu kém – bất lực
30/08/2019

Hàng ngày theo dõi tâm tư của các phụ huynh, đọc được bao nhiêu là nhu cầu, là lo lắng về tình trạng của con mình, đại khái như :
Con gọi biết quay lại nhưng vẫn còn những hành vi chưa dứt đượf như là hay ngó nghiêng và còn có hành vi thường xuyên nắm chặt 2 bàn tay lại ,đưa lên trước miệng rồi la hét …
Hôm nay là buổi đầu con đi học trường công, con 3 tuổi.các cô kêu quá trời.các bạn nói được hết rồi mà con em chưa biết gì.k chịu ngủ. nghịch phá đủ các kiểu .Có lẽ em cho con nghỉ trường công thôi !
Cháu nhà mình 22 tháng tuổi , giờ cháu đang có biểu hiện gọi ko thưa , ko quay lại và ít giao tiếp bằng ánh mắt , cháu chưa nói đượd từ nào và hay chạy đi chơi 1 mình .


Ngoài ra còn có Phụ huynh inbox ngay từ sáng sớm, hỏi miên man về các hành vi và tình trạng của trẻ từ câu này qua câu khác trong khi tớ chỉ biết về bạn qua vài thông tin và một cái video clip quay lại một số hành vi của trẻ thì làm sao có thể xử lý được hết các hành vi của trẻ ?
Tất cả các lo lắng ấy thực sự khó có thể trao đổi, chia sẻ một cách đầy đủ. Nếu chỉ trả lời qua loa hay như một số các góp ý khác thì cũng chỉ là sự đồng cảm, hoặc có khi là một vài biện pháp không phù hợp ! Còn nếu góp ý thì lại phải đi vào cái lộ trình : Sai đâu sửa đó bằng kinh nghiệm của các trẻ khác ! và chắc chắn là không thể có hiệu quả bởi vì phụ huynh cần phải biết là: Trẻ không thể tiến bộ hay thay đổi bằng cách dùng các biện pháp để “uốn nắn hành vi” hay “dập tắt” các thái độ tiêu cực.
Các hành vi mà trẻ bộc lộ ra bên ngoài – từ chuyện ngó nghiêng, nắm chặt tay, la hét hay không chịu đi ngủ đúng giờ, nghịch phá quá trời hoặc không nói được từ nào…. Chỉ là sự bộc lộ một phần rất nhỏ trong muôn ngàn những khó khăn về môi trường xung quanh đã tác động lên trẻ từ ngày này sang ngày khác, ngay từ khi mới sinh ra …có khi vài ba tháng, có khi một hai năm … và dĩ nhiên, không có một biện pháp nào có thể giải quyết được các hành vi ấy và hơn thế nữa, cũng không thể chỉ cần giải quyết các hành vi ấy, “trị liệu” các khó khăn ấy mà trẻ có thể “ trở lại bình thường” hay “ ngoan ngoãn” hơn.
Phụ huynh cũng luôn băn khoăn là không biết nên đưa con đi can thiệp như thế nào, 1 h mỗi ngày hay theo học bán trú ( sẽ được can thiệp 4 h một ngày chăng ? ) và đi học chuyên biệt gặp phải các trẻ có nhiều hành vi tiêu cực hơn, liệu trẻ có bắt chước mà “hư hơn” không ? Rồi đâu là một trung tâm có uy tín, có thể giúp cho con họ một cách hiệu quả nhất ? rồi nên can thiệp với 1 GV hay 2 GV và phương pháp nào là tốt nhất để điều trị cho con ? Đều là những lo lắng chính đáng. Nhưng có lẽ, PH vẫn còn nghĩ rằng, với những giờ can thiệp từ bên ngoài, đến từ các giáo viên bằng các kỹ thuật khác nhau ( có khi nhiệt tình, có khi hời hợt ) trong một thời gian ngắn, từ 3 – 6 tháng … ( nếu không thì sẽ đổi trường, đổi GV khác ) lại có thể đem lại kết quả cho một tình trạng đã ở tận bên trong đứa trẻ ngay từ khi mới sinh ra, mà những bộc lộ ra bên ngoài dù nhiều hay ít, cũng chỉ nói lên được phần nào những khó khăn về nhiều mặt trong tiến trình phát triển của chính bản thân đứa trẻ.
Nói cách khác phụ huynh chỉ chú ý đến các biểu hiện của các rối loạn phát triển, và cũng chỉ quan tâm đến các kỹ thuật để điều chỉnh các rối loạn ấy. Trẻ chưa biết nói thì tập nói, trẻ có nhiều hành vi thì ngăn cản, cấm đoán, trừng phạt một cách nghiêm khắc để trẻ sợ mà không làm điều đó nữa ! Liệu rằng khi trẻ đã nói được, kể cả việc nói được cả một câu dài, liệu rằng khi trẻ không dám thể hiện ra một hành vi tiêu cực nào nữa, nói đứng là đứng, nói chào là chào, hỏi đâu nói đó, sai gì làm nấy ..sau một thời gian rèn luyện theo kiểu phản xạ có điều kiện… thì trẻ đã được gọi là bình thường hay chưa ? đã đủ để tốt nghiệp trường “chuyên biệt” mà đi học “hòa nhập” ở các trường bình thường chưa ? Câu trả lời thì hầu hết ai cũng biết, nhưng cũng hầu hết là không ai chấp nhận điều đó !
Cho đến nay – với bao nhiêu nỗ lực nghiên cứu, tìm kiếm về nguyên nhân và liệu pháp can thiệp của các nền khoa học tiên tiến trên thế giới , vẫn chưa có một câu trả lời thỏa đáng. Nhưng theo tuyên bố của thứ trưởng bộ Y Tế, thì xem như tự kỷ là rối loạn do gen và như thế thì có thể có thuốc điều trị ! vì vậy nên gọi đó là bệnh chứ không phải là một tình trạng. Đến ngay một nhà chuyên môn cấp cao mà còn nghĩ như thế, thì trách sao các phụ huynh không ngày đêm mong chờ một liệu pháp thần kỳ để “điều trị hiệu quả” cái “bệnh Tự kỷ “ cho con mình để rồi cứ rót tiền vào các phương pháp và trung tâm “nói như đúng rồi” !
Nói như thế, không phải là không cần giải quyết các hành vi, không cần quan tâm đến các triệu chứng, nhưng không thể mong muốn một “phép mầu” qua các kỹ thuật để cất đi ngay và luôn cái gánh nặng nghìn cân mà mỗi ông bố, bà mẹ đang ngày đêm nghiến răng gánh vác. Chúng ta cần nghĩ đến một giải pháp nhiều mặt, với nhiều cách tiếp cận khác nhau trong một thời gian dài một cách kiên trì , mà mục tiêu đầu tiên là hãy làm cho trẻ trở nên thoải mái và biết tiếp nhận!
Hãy nghĩ xem, chính chúng ta khi mệt mỏi, khó chịu, nóng giận, lo sợ, thì có bộc lộ ra những hành vi tiêu cực hay không ? Chính những cảm xúc tiêu cực làm bộc lộ các hành vi tiêu cực, và đến phiên các hành vi tiêu cực đó quay lại để “củng cố, nuôi dưỡng” các cảm xúc tiêu cực ! Với người lớn, có lý trí, có nhận thức về giá trị đạo đức, mà lắm khi còn hành động như một người điên, không kiểm soát được. Huống chi đây là một đứa trẻ, chỉ biết phản ứng theo bản năng và sự cảm nhận trực giác chứ không phải là tư duy logic, sao lại cứ phải chăm chăm buộc cho trẻ phải nói và nghĩ như mình, để tìm mọi cách làm cho trẻ phải biết “đè nén” các cảm xúc đó, để được xem là “ngoan, là biết vâng lời ? “ Hãy tạo cho trẻ một môi trường tự nhiên tại gia đình một cách vui vẻ, thoải mái,có sự cảm thông và tôn trọng, điều đó có khó hơn là dùng sự quát mắng, hay dỗ dành chiều chuộng mang tính đối phó?
Điều gì cũng phải học – chỉ để biết một số kiến thức về toán, về văn, về ngoại ngữ … mà phải học phờ người từ năm này qua năm khác, để biết một ngành nghề thì không chỉ là học mà còn phải trải nghiệm và tiếp nhận bao nhiêu là kinh nghiệm đôi khi rất chua xót mà chính mình phải trải qua và trả giá !
Thế thì tại sao trong ngôi trường đại học “ Học làm cha mẹ” để có thể giáo dục chính đứa con yêu thương của mình có khả năng phát triển toàn diện, chúng ta lại cứ thích học lóm các chiêu mì ăn liền, cứ thích đi tắt, đón đầu, học qua các kinh nghiệm của người khác mà chưa chắc là đã áp dụng được ! Sao không nghĩ đến những biện pháp phù hợp với môi trường gia đình của mình mà tiến hành một cách bài bản và kiên trì ? Tại sao khi đứng trước một nhân cách toàn vẹn là đứa trẻ, chúng ta chỉ nhìn thấy các mặt hạn chế và chỉ nghĩ đến việc sửa lỗi, mà không có sự cảm thông để tạo cho đứa trẻ có được nụ cười? Ở đây, hãy phân biệt một cách rõ ràng sự nghiêm khắc trong hành động chứ không phải là quát mắng và áp đặt. sự chiều chuộng, dụ dỗ mua chuộc với sự chấp nhận, cảm thông và nâng đỡ.
Các phụ huynh sẽ hỏi : Vậy thì tôi sẽ bắt đầu từ đâu ? hãy bắt đầu từ chính thái độ và nhận thức của bản thân, đừng đi hỏi thăm người khác cách “đối phó” với con mình, mà hãy ngồi xuống, chơi với con bằng nụ cười một cách vui vẻ ! Sao tôi nói nó không nghe nên phải quát lên mới chịu ? Trẻ không thèm chơi với tôi làm sao tôi dạy nó ? Nó cần phải ngồi vào bàn học nghiêm túc, chứ những trò chơi lưng tưng thì có ích gì ? Vâng, nếu nghĩ theo tư duy của người lớn thì như thế, nhưng phải biết suy nghĩ như trẻ con thì mới có thể chơi một cách hiệu quả với trẻ em. Để từ các trò chơi lưng tưng ấy, đứa trẻ sẽ được thoải mái, biết hợp tác và sẽ có những thay đổi từ bên trong. Chơi với trẻ là một nghệ thuật và đó là một nghệ thuật trị liệu cần phải hiểu rõ về các nguyên lý chứ chẳng phải ..chơi đâu !
CVTL. Lê Khanh – TT Kidstime Bình Thạnh

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý