Tự kỷ – Tôi chưa hiểu – Còn bạn ?
04/04/2019
ĐỐI DIỆN VỚI TRẺ CÁ BIỆT
16/08/2019
Tự kỷ – Tôi chưa hiểu – Còn bạn ?
04/04/2019
ĐỐI DIỆN VỚI TRẺ CÁ BIỆT
16/08/2019

Trong cuộc hành trình đi tìm giá trị con người, để thấy và cảm những điều tốt đẹp – xấu xa. Sẽ có lúc chúng ta phải nhìn lại những điều được và chưa được trong cuộc sống của chính mình. Trong lĩnh vực tâm lý và giáo dục đặc biệt, cũng như những ngành khoa học khác, có những điều là giá trị hôm nay, thì ngày mai có thể lại bộc lộ ra những thiếu sót hay sai lầm, với những quan điểm can thiệp trẻ cũng thế, không có một cách tiếp cận nào có thể gọi là hoàn hảo, và cũng không có một phương pháp nào gọi là hiệu quả nhất. Bản thân người làm chuyên môn, không ai có thể tự nhận mình là số một trong một hay nhiều lĩnh vực khác nhau, và cũng không có ai là số một ! Ai cũng sẽ có những hạn chế, những sai lầm, thiếu sót, bất toàn. Điều cần thiết là phải thấy đươc, biết được và chấp nhận những điều ấy. Vì thế, khoa học luôn cần những phản biện, phê bình và góp ý đồng thời việc tự vấn và nội thị cũng là điều quan trọng mà mỗi nhà chuyên môn cần xem xét.


Với những người làm khoa học chân chính, thì các góp ý phản biện sẽ mang tính xây dựng và có sự tôn trọng, còn với những người không có thiện tâm, thì chỉ là những phê phán cay độc mang tính triệt hạ nhau. Nhưng dù tốt hay xấu, thì đều là cơ hội cho mình nhìn lại bản thân .
Trước hết, Trong các rối loạn về tâm lý thần kinh, thì rối loạn phát triển ở trẻ em được xem là một trong những triệu chứng phức tạp nhất và khó có một biện pháp chẩn đoán, đánh giá chuẩn mực nhất . Bởi vì hầu hết các chứng bệnh từ sinh lý đến tâm lý đều có thể tìm kiếm, nghiên cứu ra được nguyên nhân của nó. Trong khi đó cho đến nay, khoa học vẫn chưa tìm ra đâu là nguyên nhân chính, đâu là những triệu chứng chính để có thể xác định là các chứng rối loạn phát triển là do đâu ? dù ai cũng phải chấp nhận đó là một tình trạng rối loạn bẩm sinh ! Nhưng sau khi sinh thì tùy theo mức độ nặng hay nhẹ mà trẻ sẽ có những biểu lộ rõ ràng hay mơ hồ. Khó khăn nhất là với những trẻ không có những triệu chứng đầy đủ, mà chỉ là một vài yếu tố..Thậm chí trẻ còn có vẻ thông minh, nhanh nhẹn …nhưng rồi dần dà, khi đến giai đoạn phát triển vận động và ngôn ngữ, thì những khó khăn mới lộ ra, nhất là khi những hạn chế ấy lại được tiếp sức bằng các vấn đề đến từ bên ngoài, từ việc bố mẹ bận rộn kiếm ăn, không có nhiều thời gian chăm sóc, chơi đùa cùng con cho đến việc cho trẻ tiếp xúc quá sớm với các TV, điện thoại, Ipad mà mục đích đơn giản chỉ để trẻ ngồi yên, không quấy nghịch hay cho dễ đút ăn. Sau một thời gian như thế, bố me thấy trẻ chậm nói, thì lại nghĩ rằng là do các yếu tố này, và việc can thiệp chỉ đơn giản là đi tìm các giáo viên, các nhà chuyên môn để tập cho trẻ nói. Để khi trẻ “nói được” là vội vã cho đi học hòa nhập cho mau chóng trở nên “ bình thường” dù vẫn còn rất nhiều thứ “bất thường” nơi con !
Bắt đầu từ đó, những khó khăn của trẻ trở nên đa đạng thông qua các biện pháp cac thiệp với các mục tiêu khác nhau, đồng thời hình thành những quan điểm can thiệp khác nhau. Thế rồi, với suy nghĩ là tình trạng của bé do các tác động từ bên ngoài vào, hoặc nghĩ là bệnh thì phải có thuốc chữa, chí ít là các thuốc bổ thần kinh để trẻ dễ phát triển hơn và cũng bắt đầu từ đó, nhiều nghiên cứu thực và giả xuất hiện, nhiều biện pháp có kiểm chứng và chưa kiểm chứng xuất hiện như nấm sau mưa, ai cũng tìm cách thuyết phục những phụ huynh đang hoang mang, đang mong chờ những điều thần kỳ đến cho con mình bằng những lý luận có vẻ hấp dẫn và mang tính khoa học , để hứa hẹn với phụ huynh về hiệu quả chưa có chứng cớ hay thống kê đúng chuẩn mực !
Một vấn đề nữa là trong lĩnh vực “Rối loạn phát triển” thì đây là môt lĩnh vực đa ngành – bao gồm cả ngành Y , Giáo dục Đặc Biệt và tâm lý cùng các chuyên ngành hỗ trợ khác như Âm Ngữ – Vận Động – Nghệ thuật … đều có sự hiện hữu tùy vào từng thời điểm theo nhu cầu và mức độ của trẻ , vì thế cần có sự phối hợp với nhau và tôn trọng nhau. Với các trung tâm tại Pháp – Các CMPP là một trung tâm đa ngành ( Centre Medico – Psycho – Pedagogique ) Ở đó có 6 chuyên viên cùng làm việc với nhau trong một nhóm là Bác sĩ tâm thần nhi – chuyên viên tâm lý – chuyên viên Âm Ngữ, chuyên viên Tâm Vận Động, Giáo viên đặc biệt và Nhân viên Công tác xã hội – mà mỗi người có một vai trò, không ai quan trọng hơn ai, không ai là “số một ” luôn có sự tôn trọng, chấp nhận nhau.
Là một chuyên viên tâm lý , được đi sâu vào ngành tâm lý lâm sàng trẻ em và có những nghiên cứu về tình trạng rối loạn phát triển, thì rõ ràng trong gần 30 năm theo đuổi , tôi nhận thấy là có nhiều vấn đề mình đã lạc hậu, chưa theo kịp các quan điểm và kỹ thuật mới. Nhưng cũng chưa bao giờ tôi nghĩ mình là một chuyên gia “ đa ngành” hay là “ đỉnh cao” gì gì đó với 30 năm kinh nghiệm trong ngành. Quan điểm của tôi là lấy chính đứa trẻ làm trọng tâm và tất cả các biện pháp, kỹ thuật, tác động đều phải dựa theo sự phát triển và khả năng tiếp nhận của trẻ. Nói cách khác, khi chúng ta tiếp cận trẻ thì đứa trẻ sẽ là người cho chúng ta biết sẽ phải làm gì với trẻ . Việc quá tập trung vào một lĩnh vực nào đó, như ngôn ngữ, hành vi hay cảm xúc …thì phải dựa trên chính nhu cầu của trẻ, chứ không phải dựa trên sự mong muốn, dù chính đáng của phụ huynh, lại càng không nên dựa trên tài năng của một chuyên gia nào đó, trong một lĩnh vực nào đó. Là chuyên viên tâm lý, khi hướng dẫn các giáo viên hay phụ huynh, tôi không hướng dẫn họ với tư cách một chuyên viên trị liệu vận động ( OT ) để dạy họ kỹ thuật điều hòa cảm giác, không hướng dẫn họ trở thành chuyên viên Tâm vận động, hay chuyên viên Âm ngữ Trị Liệu, chuyên viên về hành vi ABA …vì tôi không có đủ khả năng và thẩm quyền ! mà tôi chỉ dựa trên cái nền phát triển tâm lý theo lứa tuổi để giới thiệu cho giáo viên và đặc biệt là phụ huynh cần hiểu rõ, hiểu đúng về các lĩnh vực này và biết quan sát, biết tiếp cận trẻ để cùng tìm ra những biện pháp đơn giản, ít tốn kém trong một quá trình đồng hành với trẻ một cách lâu dài. Nói một cách khác, là Phụ huynh cần phải hiểu về các rối loạn giác quan là gì, có ảnh hưởng gì đến hành vi, phàn ứng của trẻ hay không ? Vai trò của một hoạt động can thiệp về cảm giác là như thế nào ? Phụ huynh cũng cần biết các khó khăn về vận động ra sao, ảnh hưởng trên sự phát triển tâm lý của trẻ thế nào? Phương pháp giúp trẻ phát triển vận động là gì, nguyên lý của nó như thế nào Phụ huynh cần biết hạn chế về ngôn ngữ không phải chỉ là chậm nói, mà sự giao tiếp bằng lời và bằng ngôn ngữ cơ thể hay dấu hiệu cũng có vai trò quan trọng.
Trong bất kỳ thời điểm nào, trong bất kỳ buổi chia sẻ trao đổi hay hướng dẫn nào tôi đều đưa ra các kiến nghị như nhau, đó là :
– Phụ huynh chính là người có vai trò quan trọng nhất, cần thiết nhất trong việc giúp con bằng chính các hoạt động ngay tại gia đình mình. Phụ huynh cần tìm hiểu kỹ càng về những hạn chế và khả năng phát triển của con , để chọn ra những cách tiếp cận đơn giản, ít tốn kém và phù hợp với con mình. Sau đó có thể học hỏi, tìm kiếm các kiến thức để giúp con, chứ không phải là học trở thành “chuyên gia” để đi dạy lại cho các PH khác.
– Phụ huynh cần biết, trường hợp con mình là cá biệt, các nguyên tắc hay kỹ thuật là giống nhau, nhưng khi tác động cần phải biết rõ các điểm chính yếu để chọn ra sao cho phù hợp với con. Các kinh nghiệm đến từ các phụ huynh khác, ngay cả các kỹ thuật tác động đến từ các Giáo viên hay chuyên gia cũng chỉ là những kiến thức tham khảo, phải biết linh hoạt vận dụng tùy từng thời điểm, chứ không thể lấy những kiến thức, kinh nghiệm đã áp dụng cho trẻ này, trẻ kia để mang về áp dụng cho con mình theo kiểu đau đâu chữa đó, chỉ tập trung vào các hành vi tiêu cực cần dập tắt chứ không tìm kiếm các điều tích cực dù rất ít để phát triển lên.
– Giáo viên là những người hỗ trợ trong một số thời điểm trong ngày, giáo viên không phải là người dạy dỗ trẻ để có thể biết làm điều này, làm điều kia từ năm này sang năm khác … mà giáo viên với tấm lòng yêu thương, tôn trọng trẻ, giúp cho trẻ trong một thời gian có được những chuyển hóa với những biện pháp hoạt động vui chơi có chủ đích. Trẻ sẽ được khuyến khích phát triển giao tiếp, tự điểu chuyển các hành vi tiêu cực của mình, bằng không gian vui vẻ không ồn ào, yêu thương không chiều chuộng, bình yên không lạnh lùng và thoải mái không nghiêm khắc trong giờ can thiệp .
– Chuyên viên là những người định hướng, góp ý với giáo viên, tác động với trẻ dựa trên năng lực của trẻ để đưa ra những góp ý cho các biện pháp mà phụ huynh và giáo viên có thể áp dụng lên con, chứ không phải là người trực tiếp “ điều trị” cho trẻ, như các chứng bệnh về cơ thể mà bác sĩ là người can thiệp chính. Chuyên viên quan sát, đánh giá và đưa ra những tư vấn phù hợp với chuyên môn và nhận thức của mình, để chính phụ huynh nhận ra những điều gì cần làm và không nên làm cho con .
– Những tài liệu bài học, bài tập chỉ là các kiến thức cơ bản mà các chuyên viên đã tìm kiếm , đã điều chỉnh cho phù hợp với các trường hơp, mức độ khác nhau. Nó là các nguyên tắc chung, nên khi PH áp dụng cho con thì chính họ cần có sự nhận biết được khả năng tiếp nhận của con, để điều chỉnh và vận dụng một cách phù hợp nhất. Nó chắc chắn không phải là các kỷ thuật “thần thánh” để có thể “ điều trị hay can thiệp” cho con nói được sau một thời gian ngắn , cho con “trở lại bình thường” sau khi đã làm theo như lòng mong muốn của phụ huynh. Tài liệu, hay kiến thức nào cũng có những hạn chế nhất định và sẽ phải có những điều chỉnh theo thời gian.
Hành trình 30 năm trong lĩnh vực tâm lý, đủ cho tôi nghiệm ra những hạn chế, thiếu sót của mình và chắc chắn dù đã bước qua nữa phần sau của cuộc đời , thì mình vẫn phải biết chấp nhận những hạn chế trong nhận thức, trong chuyên môn, trong quan điểm để biết lắng nghe, chấp nhận và điều chỉnh. Điều quan trọng là vẫn phải tiếp tục học hỏi, từ các nhà chuyên môn, từ các giáo viên từ phụ huynh và ngay từ những đứa trẻ mà tôi có được cơ duyên tiếp xúc . Các em vừa là động lực cho bản thân, vừa là thách thức cần phải có những chiêm nghiệm. Biết chấp nhận những giới hạn của sự hiểu biết của bản thân để hiểu rằng thế giới của các em, của các trẻ đặc biệt là một thế giới với những khác biệt so với thế giới của chúng ta – Chỉ khi nào chúng ta hiểu về sự khác biệt đó, nhìn nhận như một thực thể để cùng nhau phát triển, chứ không phải bẻ gãy, uốn nắn để ép buộc trẻ bước vào thế giới bình thường để có thể làm được các điều bình thường một cách..không bình thường thì chừng đó chúng ta mới giúp cho trẻ phát triển được . Chúng ta không nên tìm cách can thiệp để thỏa mãn nhu cầu của bố mẹ, mà can thiệp để giúp con cái có được điều mà ai cũng mong đợi : Hạnh phúc được là chính mình !
Sau chuyến đi nhin lại bản thân
Lê Khanh

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý