Hoạt động phát triển năng lực tư duy cho trẻ
31/05/2015Cho con mùa hè khi cha mẹ bận rộn
11/06/2015Là cha mẹ một bé trai, ai cũng mong muốn con nên người hữu ích cho xã hội, Nhưng đó là một điều không dễ dàng. Vì thế, không phải phụ huynh nào cũng có thể đạt được kết quả nếu không biết đến những nguyên tắc căn bản. Điều đầu tiên là tránh 3 điều sai lầm cơ bản là :
– Lầm tưởng rằng cứ cho con học đủ thứ, đủ loại để chúng toàn tài mới tốt. Chúng ta nên biết rằng, có đến 7 loại năng lực khác nhau mà một người dù là thần đồng đi chăng nữa, cũng khó có thể tiếp thu được hết 7 phẩm chất này. Ngoài ra trong lĩnh vực nghệ thuật, năng lực phải được hỗ trợ bằng sự đam mê, hay sở thích. Ta có thể bắt một đứa trẻ học đàn, nhưng không thể ép nó trở thành nhạc sĩ ! Vì vậy, cần phải biết rõ năng lực và sở thích của con để giúp cho sự phát triển của trẻ đi đúng hướng.
– Lầm tưởng rằng phải gằn giọng khi nói chuyện mới khiến con ngoan ngoãn, biết vâng lời. Ai cũng biết “ Nói ngọt lọt đến xương” nhưng dĩ nhiên không phải lúc nào cũng phải dỗ dành ngon ngọt, mà là một lời lẽ rõ ràng, nhẹ nhàng và cương quyết sẽ là điều mà trẻ chấp nhận.
– Lầm tưởng rằng bao bọc con thật kỹ để con không rơi vào cạm bẫy xấu xa mới an toàn…Chính những khó khăn mà trẻ phải đương đầu, và những thất bại mà trẻ phải chấp nhận sẽ là những kinh nghiệm quý báu giúp cho trẻ vững vàng hơn.
Những sai lầm ấy có thể tước đi khả năng và sức mạnh giải quyết vấn đề, cũng như lòng tự tin… của các bé trai, biến chúng thành những đứa trẻ yếu ớt về thể chất và lệ thuộc về tâm hồn.
Chúng ta biết rằng, người đàn ông được ví như cây đại thụ, sẽ ‘đứng mũi chịu sào’ và phải chịu áp lực cũng như gánh nặng gia đình rất lớn. Nếu họ không quyết đoán và mạnh mẽ thì chỉ cần một cơn sóng nhỏ, hạnh phúc gia đình sẽ vuột khỏi tầm tay. Vì vậy, để ‘đào luyện’ những người đàn ông đích thực, cha mẹ đừng chờ đến khi con đã dậy thì mới bắt đầu uốn nắn. Hãy dạy bé trai những đức tính tạo bước đệm thành công dưới đây, càng sớm càng tốt.
6 đức tính cần dạy cho trẻ:
1. Quyết đoán
Một đứa trẻ độc lập, quyết đoán, sẽ có cơ hội thành công cao hơn và có nhiều khả năng trở thành người lãnh đạo cốt cán, tài năng.
Hãy nhớ rằng những biện pháp giáo dục tích cực trong 6 năm đầu của một đứa trẻ sẽ đặt nền móng cho tuổi trưởng thành của mình, và vì thế điều quan trọng là bạn cần bắt đầu đào tạo trẻ thông qua hành vi tích cực và tư duy độc lập càng sớm càng tốt. Do đó, để giúp con rèn tính này, cha mẹ hãy cho phép và khuyến khích con thể hiện cảm xúc trung thực, đưa ra các ý kiến cá nhân, thay vì trừng phạt mỗi lần con dám cãi lại hay tỏ ra giận dữ…Hãy cho phép trẻ có thể chọn lựa, quyết định trong một số vấn đề như ăn uống, trang phục hay nhu cầu giải trí.
2. Biết đồng cảm
Tôi từng tận mắt chứng kiến một bé trai chừng 4 – 5 tuổi khi thấy bạn ngã chảy máu tay đã đến kéo bạn đứng lên, phủi tay cho bạn và an ủi: “Tớ cũng đau khi chảy máu giống cậu”. Bản thân tôi cho rằng, đây chính là sự đồng cảm mà không phải đứa trẻ nào tuổi này cũng học được. Có đồng cảm, cậu bé mới khéo dỗ bạn đến thế, mới biết quan tâm, sẻ chia với bạn bè, người thân… Nhưng để làm được điều đó, thì không có gì tốt hơn là sự làm gương của bố mẹ trong việc biểu lộ sự đồng cảm, biết quan tâm đến những người xung quanh.
3. Biết tôn trọng người khác
Khi trẻ vi phạm các quy tắc mà bạn thiết lập ở trong gia đình, bắt đầu từ việc nói một từ ngữ nào đó không hay hoặc làm điều gì đó mà cha mẹ cấm đoán, hãy giải thích và đưa ra hậu quả của lời nói và hành vi đó. “Đứa trẻ sẽ tôn trọng sự quyết đoán của người lớn trong lời nói, nguyên tắc, chứ không phải là cách người lớn sử dụng bạo lực để áp dụng các quy tắc đó“, (Michael Gurian, trong tác phẩm The Purpose of Boys)
Ngược lại, nếu người lớn luôn thông cảm và bỏ qua cho hành động của trẻ, hoặc cho trẻ biết hệ quả nhưng sau đó lại có sự khoan nhượng thường xuyên, đứa trẻ sẽ phát triển thành một người có tính ỷ lại, thiếu trách nhiệm, và không quan tâm đến bất cứ ai khác.
4. Biết kiểm soát cảm xúc
Sự mạnh mẽ, điềm tĩnh và biết kiểm soát cảm xúc là đức tính tuyệt vời của đàn ông. Tuy nhiên, nếu cậu con trai của bạn có những bức bối và khó chịu trong người, hãy khuyến khích bé biểu lộ cảm xúc và rằng con trai cũng được quyền khóc, được quyền có những phút giây yếu đuối. Nhưng sau những phút giây đó, con phải mạnh mẽ để vươn lên và vượt qua thử thách.
Nếu con trai bạn có thái độ gắt gỏng sau khi đi học về, bạn đừng vội phản ứng lại bằng những câu hỏi dồn dập cho con. Đơn giản bạn chỉ cần nói: “trông con mệt mỏi quá! Mẹ/cha có thể giúp con điều gì không?’ hay “con có nhiều bài tập về nhà quá sao con trai?’…con trai của bạn sẽ mở lòng khi nhận thấy thái độ quan tâm của cha/mẹ và trẻ sẽ thoải mái tâm sự cùng cha/mẹ.
5. Kỹ năng giải quyết vấn đề
Trước những rủi ro mà trẻ có thể gặp phải hay những xích mích giữa trẻ với bạn bè, cha mẹ không nên can thiệp ngay mà nên để trẻ tự ứng biến và nghĩ cách xử trí. Chúng ta chỉ nên góp ý và hướng dẫn trẻ một số biện pháp giải quyết. Dĩ nhiên không phải trẻ nào cũng có được năng lực này và cần phải giúp trẻ có những cơ hội học hỏi, bắt đầu từ những việc đơn giản nhất trong gia đình. Việc làm này sẽ giúp trẻ nhanh nhạy và ứng biến nhanh hơn khi gặp khó khăn.
6. Bại không nản
Khái niệm đàn ông đồng nghĩa với sự chiến thắng đôi khi tạo ra áp lực cho con trai. Không phải ngẫu nhiên mà nhà tâm lý Myrna B.Shure lại khẳng định rằng trở thành người thất bại là một trải nghiệm để trưởng thành và bước đệm cho thành công.
Khi được trải nghiệm cả hai cảm giác thất bại và chiến thắng, trẻ sẽ dễ dàng lấy lại cân bằng hơn cho cuộc sống và cũng không có những ảo vọng vượt quá khả năng của bản thân. Điều quan trọng là, sau những thất bại trẻ sẽ hiểu và rút ra những bài học cho mình.
CVTL Lê Khanh