Khủng Hoảng Của tuổi TEEN
02/09/2022MỤC TIÊU CỦA GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT
26/01/2023Gia đình nào có một đứa con tự kỷ, tăng động kém chú ý hay chậm phát triển đều có mong ước : Đưa đến bệnh viện chẩn đoán , sau đó tìm được một trung tâm có uy tín để gửi con, tôt hơn nữa là sẽ gặp một giáo viên có kiến thức chuyên môn, có tấm lòng yêu trẻ để gửi gấm con – Trăm sự nhờ thầy nhờ cô… đến khi trung tâm, thầy cô nhận lời để tập trung giúp bé, coi như là …xong ! Phụ huynh lo kiếm tiền đóng học phí, có khi đóng luôn 3 tháng cho chắc ăn mà không hề nghĩ rằng đây mới là sự bắt đầu cho một hành trình đi cùng con ! Thời gian trôi qua …3 tháng , 6 tháng.. kiển tra lại, con chưa thấy tiến bộ theo mong muốn, bắt đầu sốt ruột rồi có khi lại cho con nghỉ đi tìm nơi trung tâm nào quảng cáo tốt hơn hoặc lên mạng tìm mua thuốc bổ não, thuốc cho trẻ chậm nói … và hỏi ý kiến mọi người , tôi phải làm sao , nhưng càng nghe chia sẻ lại càng..hoang mang vì những góp ý đủ thể loại của mọi người. Nhưng điều quan trọng nhất, cần thiết nhất và hiệu quả nhất là sự quan tâm, hỗ trợ, tập luyện cho con tại chính gia đình mình thì …bỏ qua vì nhiều lý do rất chính đáng !
Với các trung tâm, các giáo viên hay chuyên viên có ý thức trách nhiệm, thì hầu hết đều có lời khuyên là phụ huynh nên cùng phối hợp để tập luyện cho bé. Có nhiều trung tâm còn mở ra những buổi tư vấn hướng dẫn cho phụ huynh miễn phí … mời gọi PH tham gia để biết cách phối hợp. Phụ huynh nghe chia sẻ, hướng dẫn..gật gù tâm đắc nhưng …không áp dụng ! Vì vậy, việc can thiệp tác động để cải thiện hành vi, nhận thức , ngôn ngữ cho trẻ tuy khó, nhưng cũng còn có kết quả phần nào , còn việc tư vấn cho phụ huynh để biết cách can thiệp cho con tại nhà , rất nhiều trường hợp là một nhiệm vụ bất khả thi !
Có một nghịch lý là tình trạng trẻ càng nặng, thì phụ huynh càng chịu khó lắng nghe , yêu cầu về con cũng không cao, nhưng để cải thiện cho trẻ lại là điều cực khó. Nhưng với trường hợp nhẹ, việc can thiệp cho sự tiến bộ của trẻ sẽ thuận lợi hơn, thì việc phụ huynh chấp nhận và làm theo các yêu cầu của nhà chuyên môn lại khó khăn hay nghe mà không làm, và yêu cầu can thiệp, trị liệu sao cho con trở lại bình thường lại càng cao ! Nhưng nhìn chung, khi đưa con đi tư vấn và có mong muốn gửi con đến trung tâm, thì ít ai có suy nghĩ là chính mình cũng phải là một “thành viên” trong cái nhóm can thiệp cho con mình, không những thế còn phải là một thành viên tích cực! Các bậc cha mẹ thường có suy nghĩ là : Mình đã tìm được nơi có thể dạy hay chữa trị cho con, đã chấp nhận phải đưa đón cực khổ, đóng học phí cao gấp 3,4 lần trường bình thường. Thầy cô ở đây lại có chuyên môn, kỹ thuật và thời gian “ can thiệp trị liệu” cả ngày cho con mình, thì tại sao mình vẫn phải bỏ công sức học tập chuyên môn, bỏ thì giờ ra để can thiệp cho con tại nhà nữa ! Nếu vậy, thì mình cứ cho nó ở nhà để dạy có phải tốt hơn không ?
Tuy nhiên, điều làm cho Phụ huynh dạy con trong hoang mang nhất là nếu chịu khó bỏ công đi nghe, đi dự tập huấn các phương pháp, kỹ thuật can thiệp thì lại bị quá tải về thông tin , và cả những thuật ngữ chuyên môn mà mình không hiểu, cũng chưa biết làm như thế nào ! Đó là chưa kể mỗi phương pháp, mỗi chuyên viên lại có những quan điểm, những cách hướng dẫn khác nhau , phụ huynh không đi học thì không hiểu, mà càng học thì lại có nguy cơ “rối loạn nhận thức” Vì tiếp nhận quá nhiều thông tin chồng chất, trái chiều . Có nhiều phụ huynh mua một đống sách vở tài liệu về đọc, nhưng rốt cuộc chỉ đạt được mục tiêu là dễ ngủ hơn trong khi đọc , chứ hiểu thì cũng có thể nhưng để làm theo thì …đừng mơ ! Lên mạng hay FB thì toàn thấy quảng cáo bán học cụ, đồ chơi để “ trị liệu tự kỷ” rôi mua về chất đầy tủ mà cũng không biết các món đồ này trị liệu ở chỗ nào . Rôi loanh quanh một hồi lại gặp quảng cáo uống thuốc cho bổ não, cho mau biết nói … mừng như buồn ngủ gặp chiếu manh, tưởng là cứu cánh đây rồi mà hóa ra chỉ có tác dụng làm cho chính phụ huynh sáng mắt ra mà thôi .
Thế nhưng, tại sao phụ huynh có vai trò quan trọng và dù có cho con đi can thiệp hay không cũng phải tự mình “ra tay” thì con mới mong có sự tiến bộ ! Trước hết, các bé đặc biệt đâu chỉ là “chậm nói” và cứ tập trung vào kỹ thuật “mở miệng” cho trẻ biết nói là xong ? Ngoài ra tình trạng tự kỷ, tăng động kém chú ý, chậm phát triển nhận thức của trẻ cũng rất khác nhau. Một biện pháp áp dụng cho trẻ này có kết quả, thì chưa chắc áp dụng cho trẻ khác cũng có kết quả như thế . Điều này lý giải cho việc một giáo viên không thể dạy một lúc nhiều trẻ giống như dạy cho trẻ bình thường ! Thậm chí, nếu là giáo viên có trình độ, trách nhiệm và lương tâm, thì dạy mỗi trẻ lại phải có một kế hoạch can thiệp cá nhân khác nhau , không phải dạy trẻ tự kỷ nào cũng giống nhau . Nhiều bạn học được các kỹ thuật của phương pháp A BC gì đó, thấy hay quá thế là bé nào vào cũng lấy phương pháp đó ra dạy . Nhiều trường lại soạn một chương trình giáo dục đặc biệt chung cho mọi trẻ trong một cấp lớp của trường mình rồi giao cho Giáo viên áp dụng… điều đó sẽ có khả năng chỉ một vài trẻ đáp ứng với các kỹ thuật hay chương trình đó, còn những trẻ khác thì không .
Ngoài ra, các trẻ đặc biệt đâu chỉ có một số vấn đề về giao tiếp, ngôn ngữ, hành vi và sự kém nhận thức về các kỹ năng học đường như khả năng đọc, viết, tính toán ? Mà ngay các các kỹ năng ăn uống, vệ sinh cá nhân, chơi đùa và ngủ nghỉ cũng có những hạn chế, khó khăn. Với những lĩnh vực mà ta gọi là kỹ năng sống thiết yếu, thì chính các hoạt động tại gia đình mới là cơ hội và thời điểm tốt nhất để giúp các bạn này điều chỉnh và phát triển các kỹ năng này . Vậy thì AI sẽ dạy ở NHÀ, để trẻ bcó khả năng tự ăn, tự mặc, tự vệ sinh này ngoài chính phụ huynh ? Đó là những khả năng mà một trẻ bình thường sẽ tiếp thu một cách rất tự nhiên qua việc làm theo, bắt chước hay chỉ cần được hướng dẫn vài lần là có thể làm được, còn trẻ đặc biệt thì phải có những kỹ thuật riêng, phù hợp cho từng mức độ của trẻ mới có thể tác động được. Chính vì thế, nhiều phụ huynh cũng muốn dạy cho con, nhưng dạy sai cách, con không tiếp thu được, nên bỏ qua, làm thay trẻ cho xong , còn cho con đi can thiệp, chỉ là để tập cho con biết nói là được rồi .
Hoàn cảnh gia đình thì mỗi người mỗi khác, có những gia đình có nhiều thuận lợi, vừa có điều kiện tài chính, vừa có thể sắp xếp thời gian để ở nhà dạy con, Mẹ hay bố vừa có kiến thức và trí thức để biết học cái gì, dạy cái gì, dạy như thế nào với con . Nhưng cũng còn rất nhiều gia đình mà người mẹ tuy cũng rất thương con, nhưng chỉ biết làm thay và chiều chuộng con, chứ không đủ sức, đủ khả năng để bỏ ra một số thời gian để dạy con tại gia đình . Điều đó sẽ làm cho tình trạng của con không cải thiện được, kéo dài trong khi con ngày càng lớn nhưng chẳng khôn hơn mà chỉ có nhiều hành vi, nhiều vấn đề hơn.
Thực ra, việc tác động hay can thiệp cho con ở nhà không quá khó như nhiều phụ huynh nghĩ, cũng không phải mua đủ loại sách, hàng đống đồ chơi, tham gia đủ mọi khóa can thiệp , mà chỉ cần biết rõ con mình, chấp nhận những hạn chế khó khăn của con, đi tìm những hỗ trợ đơn giản từ các chuyên viên, các giáo viên và nhất là phải có sự kiên trì, nhẫn nại giúp con mỗi ngày một chút, từng bước một, từ ngày này qua ngày khác và luôn có sự tự tin, đừng “đẽo cầy giữa đường” đừng áp đặt, bắt buộc con hay can thiệp theo kiểu rảnh thì làm, bận thì nghỉ . Chỉ vậy thôi, nhưng không hề đơn giản và dễ theo . Vì thế công tác giáo dục đặc biệt khó khăn nhất chính là ..giáo dục cho phụ huynh thay đổi hành vi nhận thức và biết xắn tay áo lên để đồng hành cùng con.
CVTL LÊ KHANH – Phòng Tư vấn Tâm Lý GĐ & TE