NGHỆ THUẬT CHƠI VỚI CON
02/08/2022
GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT KHÓ NHẤT  LÀ GIÁO DỤC …PHỤ HUYNH
10/10/2022
NGHỆ THUẬT CHƠI VỚI CON
02/08/2022
GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT KHÓ NHẤT  LÀ GIÁO DỤC …PHỤ HUYNH
10/10/2022

Chuyên gia tâm lý chỉ ra các giai đoạn KHỦNG HOẢNG của trẻ: Giai đoạn 3 dễ gây HẬU QUẢ nếu cha mẹ không nắm rõ

Đây là giai đoạn tạo nhiều áp lực nhất và cũng khiến cha mẹ dễ lâm vào tình trạng “khủng hoảng” theo con nhất.

Nếu có con nhỏ, hẳn bạn quá quen thuộc với hai từ “Khủng hoảng”. “Tuần khủng hoảng của trẻ” (The Wonder Week) xuất hiện khi trẻ bắt đầu phát triển trí tuệ, kỹ năng trong khoảng 2 năm đầu đời. Trong thời gian này trẻ sẽ thường xuyên khó chịu, bức bối và dễ cáu giận.

Lý do được các chuyên gia tâm lý giải thích rằng, do cơ thể trẻ liên tục phải thích ứng với môi trường sống xung quanh. Ngoài ra, đây còn là giai đoạn quan trọng khi trẻ bắt đầu có sự phát triển mạnh mẽ về não bộ và điều này sẽ khiến cho trẻ mỏi mệt, cáu gắt.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Phòng Tư vấn Tâm lý – Gia đình và Trẻ em, trong quá trình phát triển của trẻ em, còn có hai giai đoạn có thể xếp vào nhóm “khủng hoảng” – đó là khủng hoảng tuổi lên 6 khi vào lớp Một và khủng hoảng tiền dậy thì từ 10 – 13 tuổi. 

Trong ba giai đoạn trên, có thể nói, giai đoạn tiền dậy thì tạo cho cha mẹ nhiều áp lực nhất và cũng khiến cha mẹ dễ lâm vào tình trạng “khủng hoảng” theo con nhất.

Giai đoạn những đứa trẻ thấy cả thế giới như bỏ rơi mình

Một trong những điều làm cha mẹ “hoảng vía” nhất là trẻ trở nên bướng bỉnh, không nghe lời, khép kín, học hành sa sút và có những suy nghĩ tiêu cực. Thậm chí, đôi khi vì những mâu thuẫn vô cùng nhỏ, những đứa trẻ ở thời kì ẩm ương vẫn có thể nảy sinh hành động dại dột, hậu quả không thể cứu vãn.

Theo chuyên gia Lê Khanh, trên thực tế, hậu quả của những bi kịch đau lòng chỉ như một giọt nước tràn ly, sau hàng loạt những tác động, những biện pháp ứng xử hay giáo dục chưa phù hợp của bố mẹ. Đứa trẻ vì thế từng bước trở nên khủng hoảng, cùng với những xáo trộn tâm sinh lý bên trong cơ thể và những tác động bên ngoài, mỗi thứ một chút khiến đứa trẻ chông chênh, có cảm giác như “cả thế giới” đang bỏ rơi mình.

“Có hai yếu tố khiến cô cậu thiếu niên nửa người lớn, nửa trẻ em này không chịu nổi những áp lực vô hình đó là việc bố mẹ không hiểu được những nhu cầu về mặt cảm xúc cùng những biến động về tâm sinh lý. Ở lứa tuổi của trẻ, chúng vẫn đang tìm hiểu mọi thứ và có thể cần một người bạn đồng hành không phán xét hơn là một người thuyết giảng về những gì chúng nên làm và phải làm.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh áp đặt, tạo áp lực về học hành, điểm số, cấm đoán bất chấp… chê bai và mắng mỏ, đánh đòn. Điều này khiến trẻ sinh ra chán nản, buông xuôi, dẫn đến các rối loạn về tâm lý. Nên nhớ, sức khỏe tinh thần, giống như sức khỏe thể chất, cần được chăm sóc và nuôi dưỡng hàng ngày. Nên chú ý các dấu hiệu và có biện pháp ngăn chặn trước khi vấn đề bùng phát nghiêm trọng hơn”, ông Khanh nói.

Chuyên gia Lê Khanh cũng chia sẻ, nhiều người thường cho rằng, trẻ con bây giờ nhạy cảm quá đáng. Bao nhiêu người hồi xưa bị bố mẹ mắng, đánh cho “lên bờ xuống ruộng” đâu dám phản đối gì, có khi nhờ vậy lại trở nên ngoan ngoãn và giỏi giang như bây giờ.

Thật ra nhiều khi, người ta chỉ nhớ về quá khứ những điều mình muốn nhớ, còn những chấn thương tâm lý thời thơ ấu có thể đã chìm trong vô thức và nó chỉ ngấm ngầm chỉ huy những hành vi mà chính phụ huynh cũng không giải thích được. Ý thức của phụ huynh thì nhắc nhở là không được đánh con, không được làm cho con hoảng sợ, thế nhưng cái vô thức bên trong lại khiến cho họ không kiềm chế được và “động tay, động chân” với ý nghĩ “hồi nhỏ mình cũng bị đối xử như vậy, có sao đâu?”.

Tuổi dậy thì, các em lớn lên về sinh lý nhưng về mặt tâm lý xã hội thì vẫn còn non nớt, muốn thể hiện chính kiến, muốn khẳng định cái tôi. Chỉ cần cha mẹ vô tâm không thấu hiểu, buông ra một lời xúc phạm, mắng mỏ hay đánh đập là khiến trẻ bị kích động, không kiềm chế được. Sự vô tình đó có thể sẽ thôi thúc trẻ bỏ đi để thoát khỏi vòng tay cha mẹ.

Muốn “chữa” cho đứa trẻ, trước tiên phải “chữa bệnh” tâm lý cho phụ huynh. Bởi sự đồng hành bằng chửi mắng, roi vọt không bao giờ là biện pháp được khuyến khích, nhất là ở giai đoạn ẩm ương của tuổi tiền dậy thì hay dậy thì.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Biện pháp phòng bệnh đầu tiên là sự thấu hiểu – dĩ nhiên không phải bố mẹ nào cũng là nhà tâm lý để có thể có sự thấu hiểu toàn diện với đứa trẻ, nhưng ít ra, cần nắm bắt những hiểu biết cơ bản nhất về năng lực, sở thích và nhu cầu của con mình.

Điều thứ hai là hãy lắng nghe, cũng chỉ đơn giản là đừng “truy vấn” đứa trẻ bằng những câu hỏi tại sao? muốn gì? Có hay không mà nên là những câu gợi mở để trẻ được nói ra những nhu cầu của mình. Cũng có khi không phải bằng lời nói mà chúng ta còn phải lắng nghe các ngôn ngữ cơ thể của các em, các dấu hiệu, các hành vi và nét mặt…

Điều thứ ba chính là sự tôn trọng. Tôn trọng chứ không phải chiều chuộng, không phải nể nang hay tránh né, mà đó là sự nhìn nhận những giá trị cần thiết về nhân cách của đứa trẻ. Cha mẹ cần coi con như bạn, trao đổi, đối thoại nhẹ nhàng, tuyệt đối không bạo hành tinh thần hay thể xác đối với con, để con cảm nhận được sự tin cậy, yêu thương và bao dung của mình.

Trường hợp trẻ bộc lộ những dấu hiệu “khủng hoảng” của tuổi tiền dậy thì, theo ông Khanh, cha mẹ đừng vội vàng tìm cách đương đầu, trấn áp. Cha mẹ nên đưa con ra khỏi nhà, có thể đi chơi đâu đó xa hoặc thậm chí chỉ là ra quán cà phê gần nhà để trò chuyện như hai người trưởng thành. Điều quan trọng nhất lúc này không phải là “lên lớp” con mà là lắng nghe. Đây không phải là lúc con muốn nghe những lời phán xét, quy tội hay phân tích…

Trong trường hợp cần thiết, đôi khi cha mẹ cần tham khảo góp ý của các nhà tâm lý để tìm ra những biện pháp, những “chiến lược” nhằm từng bước giải quyết vấn đề

Lê Khanh   ( Theo báo AFAMILY  )

 

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý