Giúp trẻ phát triển Ngôn ngữ tại gia đình
23/11/2019Tế bào ung thư cực “ghét” 6 nhóm người này
02/12/2019Nếu là một phụ huynh của trẻ VIP, thì hầu như ai cũng đã từng trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau khi biết con mình…đặc biệt. Cảm xúc có thể đi từ sự phủ nhận, sốc, lo lắng hay giận dữ, sau đó là đổ lỗi cho bản thân hay cho …cả thế giới, để rồi có khi lại trầm cảm vì thương con và thương mình. Trong tất cả cảm xúc, hầu hết là tiêu cực và thường kéo dài trong một thời gian khá lâu mới có thể đi đến cảm xúc tích cực cần thiết nhất – đó là sự chấp nhận. Chúng ta phân biệt giữa sự chấp nhận việc chẩn đoán con mắc chứng tự kỷ trong giai đoạn đầu và việc chấp nhận tình trạng tự kỷ của con sau một thời gian. Khi chấp nhận chẩn đoán, điều đó chỉ có nghĩa là bố mẹ sẽ tìm hết cách để chạy chữa cho con, từ việc lặn lội tìm kiếm các cơ sở tốt, giáo viên giỏi để can thiệp…cho đến việc tham khảo đủ loại phương pháp khác nhau, từ phương pháp khoa học cho đến các phương pháp mơ hồ nhưng lại tự cho mình là hiệu quả, là thần kỳ…nhất. Nhưng có khi với tâm lý của một người ..mua vé số để cho rằng biết đâu cái phương pháp đó lại hiệu quả với con mình thì sao ?.
Chỉ đến khi nào, sau thời gian lên bờ xuống ruộng, nghe theo không biết bao nhiêu là lời khuyên, cái đúng cái sai, cái hợp lý, cái tầm bậy…và cũng tốn kém không biết bao nhiêu là công sức và tiền của, thì may ra bố mẹ mới đạt đến ..cảnh giới là sự chấp nhận tình trạng tự kỷ của con mình, đến lúc đó mới có thể bắt đầu sự can thiệp..cho bố mẹ để đem lại các giá trị cho đứa con.
Có những cơ sở, giáo viên và chuyên viên đã đề cập đến vai trò cần thiết của bố mẹ trong tiến trình can thiệp cho con, mà việc tham gia can thiệp cho con tại gia đình là quan trọng. Nhưng cũng không thiếu các cơ sở lại cho rằng phải cách ly gia đình, phải tập trung toàn thời gian vào việc rèn luyện bằng những biện pháp kỷ luật nghiêm khắc với những kỹ thuật lạ lùng như đứng trên con lăn, tung hứng banh và chai thủy tinh để trẻ phải tập trung cao độ, từ đó kích hoạt hệ thần kinh và có thể điều chỉnh được nhận thức, không những “chữa được bệnh tự kỷ” mà trẻ còn có thể làm được những điều thần kỳ chưa từng có trên thế giới. Còn những đơn vị khác thì nhận trẻ từ sáng đến chiều, bố mẹ khi đưa con về nhà thì chỉ cần cho con ăn ngủ là đủ, việc tập cho con tham gia các hoạt động trong là là điều không cần thiết , và chuyện dạy con như thế nào là phần của các nhà chuyên môn.
Tuy nhiên, nếu có đề cập đến vai trò của phụ huynh, thì đa phần cũng chỉ dựa vào kỹ thuật của các phương pháp tác động khác nhau mà bố mẹ phải được đi học, được tập huấn để trở thành một chuyên gia cho chính con của mình. Điều này không sai, bởi vì rõ ràng là khi tác động trên con, bố mẹ cần có những kỹ thuật thực hành đúng bài bản, đúng kỹ thuật – Nhưng vấn đề là phương pháp nào sẽ là tốt nhất cho con ? vì phương pháp nào thì cũng được xem là phương pháp tốt nhất, cần phải áp dụng trong thời gian nhiều nhất có thể, và dùng phương pháp này để hồi phục, để chữa trị, để cho con hòa nhập với cộng đồng là hiệu quả nhất. Bao nhiêu là thuật ngữ tốt đẹp được đưa ra và lần này thì phụ huynh không còn trầm cảm hay lo lắng nữa, mà bắt đầu hoang mang … bởi vì sau khi lần lượt đi học hết khóa huấn luyện này đến buổi tập huấn khác, bê về những kiến thức kỹ năng khác nhau… như một chục món ăn bầy lên để nấu nướng, phụ huynh không biết nấu cái gì trước, nấu cái gì sau ..chưa kể là 10 điều chuyên gia dạy, mang về tới nhà thì đã rụng bớt hơn một nửa ! Chưa kịp tiêu hóa xong thì lại tiếp đến kiến thức khác… Cuối cùng, phương pháp tốt nhất mà phụ huynh lựa chọn lại là ..nhờ giáo viên về dạy cho con mình cho yên tâm!
Tại sao lại phải chấp nhận tình trạng của con?
Trong hầu hết những cuộc hôn nhân tan vỡ, ngoài các lý do về kinh tế thì đa phần xuất phát từ những mong đợi sự thay đổi của…đối tác ! Ai cũng biết, khi mới đến với nhau thì hầu hết chỉ thấy được những điều tốt đẹp khiến cho mình say mê. Sau đó, khi lấy nhau về thì mới phát hiện là sự thật không như mình tưởng bở, thế là xuất hiện ảo tưởng là với sức mạnh của tình yêu và lòng kiên nhẫn, mình có thể thay đổi tính cách của đối tác, y như kiểu rèn luyện cho một con cá biết ..leo cây ! Và dĩ nhiên là thất bại nếu như chúng ta không biết chấp nhận tính cách của đối tác như là điều tất yếu, vốn có của cô ấy/anh ấy – nó chỉ có thể giảm bớt, biến chuyển phần nào chứ không thể thay đổi mà chính chúng ta phải biết thích nghi và chấp nhận.
Cũng thế, với tình trạng Tự kỷ, thì các kỹ thuật nếu tốt thì có thể làm biến đổi, cải thiện phần nào các vấn đề của trẻ đến một mức độ tốt nhất có thể, tùy vào tình trạng của con, chứ không thể “ kéo con ra khỏi” hay đưa con trở lại thiên đường …hay điều trị phục hồi… để con bình phục sau một cơn bệnh kéo dài như bao nhiêu thuật ngữ đã được sử dụng. Phương pháp điều trị dù được cho là thần kỳ đến đâu cũng hoàn toàn không thể biến một đứa trẻ thành kỷ lục gia, dù thực tế vẫn có những thiên tài tự kỷ. Nhưng các thiên tài ấy, chỉ có thể tỏa sáng băng năng lực tự có được khơi dậy trong tình trạng tự kỷ của mình. Họ vẫn là người tự kỷ với một tài năng nào đó, chứ không thể bước từ thế giới tự kỷ qua thế giới của những người bình thường mà còn có thể có thêm một tài năng thuộc nhóm “kỷ lục gia” như một thực thể đã được tô vẽ để lừa gạt phụ huynh !
Thế nào là cảm xúc tích cực ?
Chúng ta chấp nhận chứng tự kỷ để hình thành những cảm xúc tích cực nơi phụ huynh như yêu thương, tôn trọng, thấu cảm và lắng nghe , để từ đó tạo cho trẻ các niềm vui trong các hoạt động hàng ngày mà không quá tập trung vào việc rèn luyện các biện pháp để “cắt đứt” các hành vi kỳ cục – để dập tắt những cơn bùng nổ mà cần chuyển qua thái độ chấp nhận để nhìn nhận và phát huy những mặt tốt đẹp của trẻ dù có thể là rất ít ỏi trong thời gian đầu. Chỉ có thế thì việc vận dụng các kỹ thuật của phương pháp nào phù hợp với con mới có thể phát huy hiệu quả.
Nói một cách đơn giản, ai cũng biết giá trị của nụ cười – bằng 10 thang thuốc bổ , nhưng cũng có nhiều người đã thấy ở con hành vi bất bình thường là cái gì cũng có thể …cười ! Một nụ cười vô hồn hay một nụ cười của sự lo lắng, căng thẳng ! Bởi thế, không phải chỉ là nụ cười, mà là các giá trị của cảm xúc được đến từ niềm vui thực sự lan tỏa từ bên trong tâm hồn của bố mẹ để hàng ngày tiếp cận và thấu cảm đến tâm hồn của con.
Chúng ta biết rằng, trẻ đặc biệt, nhất là các bạn VIP là vô cùng nhạy cảm với những thái độ và phản ứng của phụ huynh. Nói cách khác, trẻ sẽ rất lo lắng khi cảm nhận được sự lo lắng của phụ huynh. Trẻ sẽ sợ hãi hay giận dữ khi nhận thấy sự sợ hãi hay giận dữ của phụ huynh ngay cả khi nó chưa bộc lộ ra thành các hành vi bên ngoài, điều đáng nói là trẻ chỉ cảm nhận mà không thể hiểu được bản chất hay nguyên do của sự lo lắng đó, vì thế trẻ sẽ rất căng thẳng, và sẽ có thể bộc lộ những hoảng loạn mà đến lượt chính phụ huynh lại không hiểu tại sao dù đã tìm hết cách để giải quyết.
Với tâm thế chấp nhận tình trạng của con, biết nhìn vào các mặt tích cực của trẻ, biết hình thành các niềm vui và sự an yên cho chính mình trong việc giao tiếp với con, thì phụ huynh đã tạo ra được các cảm xúc tích cực cho bản thân, từ đó sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, và những cảm xúc tích cực ấy, từ sự yêu thương cho đến sự thấu cảm , từ sự bình tĩnh cho đến thái độ tôn trọng… tất cả những điều ấy sẽ khiến trẻ yên tâm và sẽ có được các niềm vui mà bố mẹ mang đến thông qua các hoạt động trong gia đình. Cảm xúc tích cực là sự chủ động của bản thân, cho dù chúng ta có mệt mỏi vì cơm áo gạo tiền, có đau khổ khi thấy con không nói được, không giao tiếp được với ai… Nhưng điều đó đâu có giá trị gì nếu không làm cho con có thể thay đổi ? Đâu phải hoạt động lập đi lập lại hàng chục hay hàng trăm lời nói để trẻ phải nhắc lại, là có thể giúp con phát triển ngôn ngữ. Ngôn ngữ đâu chỉ là lời nói mà ngôn ngữ là sự tương tác một cách chủ động và thấu hiểu giữa hai con người , chỉ có thể kết nối với sự cảm thông và vui thích ! Chúng ta có muốn nói chuyện với người mà ta sợ hãi hay khó chịu không ? tại sao cứ phải buộc trẻ bật âm,phải nhắc lại và phải trả lời khi trẻ đã quá chán nản và mệt mỏi trong hàng giờ ngồi đối điện với một khuôn mặt mà sự căng thẳng có khi không cần che đậy, hoặc co khi là sự vui vẻ giả tạo bên ngoài ?
Làm sao để hình thành cảm xúc tích cực
Là bố mẹ, ai mà không yêu con – Nhưng tình yêu với con nếu không có sự dẫn lối của lý trí, sẽ trở nên mù quáng. Chúng ta yêu con, đó là điều cần thiết nhưng nếu vì điều đó mà cứ so sánh con mình với những đứa trẻ khác, cứ mong sao để con phải được đến trường, phải trở nên bình thường để có thể tự lo cho bản thân khi lớn lên. Từ đó lại cố gắng chữa trị bằng việc đi tìm giải pháp như cho con “thử nghiệm” hết cách này đến cách khác. Bất chấp khi con lả người đi vì cạo gió, bất chấp khi con gào khóc vì châm cứu, vì cấy chỉ hay hoảng loạn vì …lấy tủy để cấy tế bào gốc. Họ những tưởng, các nỗi đau mà con trẻ phải trải qua đó, rồi sẽ qua đi như chính bản thân họ, sau những đớn đau của phẫu thuật, bệnh tật, hay sau một tai nạn nào đó! Họ quên mất rằng họ là người lớn có quyết tâm và ý chí, còn các bé chỉ là những đứa trẻ con ngây thơ đầy cảm xúc, thậm chí luôn là một đứa trẻ dù thân xác đã cao to hơn cả bố mẹ ! Và với một đứa trẻ thì không thể dùng ý chí vượt qua cơn đau như người lớn, vì trẻ không có ý chí – nhất là với các bạn đặc biệt, thì phần bản năng và những nhu cầu về thân xác là nền tảng.
Những nỗi đau về cơ thể và cả những sự lo lắng, buồn phiền về mặt tinh thần, sẽ là những vết dao chí tử, khắc ghi vào trong tâm trí các bạn ấy những vết sẹo không bao giờ kéo da non. Chúng sẽ âm ỷ, biến chuyển thành những cơn bùng nổ mà những sự dỗ dành hay trấn áp của người lớn đành …bất lực. Tệ hại hơn, khi những điều đó kết hợp với những lo lắng không tương tác được sẽ làm xuất hiện những hành vi hoàn toàn bản năng mà không một phương pháp nào có thể điều chỉnh nổi.
Vì vậy, chỉ có những cảm xúc tích cực mà bố mẹ xây dựng trong tiến trình “sống vui cùng tự kỷ” mới có thể giúp con hình thành những niềm vui thực sự, trong các hoạt động như những trò chơi có chủ đích tại gia đình, hãy nhìn nhận các hành vi của trẻ một cách vui vẻ, hãy để trẻ trải nghiệm các hoạt động trong các việc bình thường nhất tại nhà, điều này sẽ dần dần tạo cho trẻ một sự thoải mái , an yên để tiếp nhận những kỹ thuật đơn giản, được tác động để tạo cho trẻ sự chủ động và sự mong muốn được giao tiếp.
Hãy nhìn một đứa trẻ thoải mái vui vẻ, chúng ta có thể ngồi chơi và giao tiếp với bé một cách dễ dàng, nhất là nếu chúng ta lại để cho trẻ được quyền “dẫn dắt” chúng ta “đi vào” cái thế giới của chúng. Có những cơ sở đã bước đầu thành công khi để cho niềm vui của trẻ dẫn lối – khi cho trẻ có tham gia những hoạt động “chơi tẹt ga” và trẻ được là chính mình – là một trẻ tự kỷ được thương yêu – tôn trọng, chứ không phải là đứa trẻ kỳ khôi, câm lặng, phải tìm hết cách để bật ra được một tiếng chào , để trở thành học sinh ngơ ngác, cô đơn trong một lớp học nhốn nháo mà chúng ta tìm hết cách buộc trẻ phải “ hội nhập với cộng đồng” !
Lê Khanh
Kẻ đi tìm niềm vui với trẻ em.