NƠI CÓ NHỮNG NỤ CƯỜI
26/10/2019
Hãy để niềm vui dẫn lối
23/11/2019
NƠI CÓ NHỮNG NỤ CƯỜI
26/10/2019
Hãy để niềm vui dẫn lối
23/11/2019

Một trong những vấn đề mà trẻ đặc biệt thường gặp. Đó là tình trạng chậm nói. Điểu này sẽ khiến trẻ khó khăn trong diễn đạt lời nói và hạn chế khả năng giao tiếp, đưa đến những hành vi tiêu cực. Sau khi phát hiện thì bố mẹ thường nghĩ rằng, việc tập nói cho trẻ phải có kiến thức và kỹ năng chuyên môn và phải được can thiệp ở các đơn vị chuyên môn. Tuy nhiên đó không phải là biện pháp duy nhất mà trên thực tế, thì ngay trong các hoạt động thường ngày tại gia đình là môi trường thuận lợi giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, mà người hỗ trợ  không ai khác hơn là bố mẹ.

Bố mẹ sẽ phải làm gì ?

Điểu đầu tiên mà bố mẹ cần làm, đó là phải cho trẻ đi đánh giá để tìm hiểu khả năng  nói và giao tiếp ở mức độ nào ? Trẻ chưa có âm và chưa nói được một từ nào hay đã nói được các từ đơn, trẻ có thể nói được các từ đôi hoặc trẻ có thể nói được các câu ngắn. Đó là những mức độ phát triển lời nói khác nhau, để có thể áp dụng những biện pháp can thiệp phù hợp.

Điều thứ hai là bố mẹ cần lưu ý đến các sở thích của trẻ. Đây chính là cơ sở để tạo sự hứng thú cho các em. Trẻ ưa thích món đồ chơi gì ? ưa thích hoạt động với vật dụng gì và trong thời điểm nào. Chúng ta phải biết dựa vào sở thích của trẻ để lôi kéo trẻ vào các hoạt động vui chơi, thông qua các trò chơi đó tạo sự gắn kết với trẻ.  Sở dĩ GV dạy trẻ, có thể tác động tốt với các phương pháp can thiệp về  ngôn ngữ và giao tiếp cho trẻ là vì cô đã tạo được niềm vui, sự ưa thích ngồi khi chơi với cô. Vì vậy, nếu muốn can thiệp tốt, PH cũng phải tạo cho trẻ niềm vui và sự ham thích khi ngồi chơi với mình. Có quan điểm cho rằng khi dạy trẻ cần nghiêm khắc, và nên áp dụng các biện pháp cứng rắn để uốn nắn những hành vi không tốt hay phản ứng của trẻ. Điều này khiến trẻ có thể phải chấp nhận các yêu cầu vì sợ cô, nhưng sẽ trở nên thụ động, chỉ trả lời với cô mà không hợp tác được với bố mẹ.

Muốn có được sự vui thích để hợp tác, bố mẹ phải sắp xếp thời gian vào một thời điểm nhất định trong ngày, tạo cho trẻ nhiều cơ hội ngồi chơi với bố mẹ một cách thoải mái, không ép buộc. Trẻ được tự chọn món đồ chơi, cách chơi theo sở thích.. Phụ huynh chỉ nương theo các hoạt động vui chơi để từng bước dẫn dắt, tạo hứng thú và dần đần chuyển hướng sự quan tâm của trẻ vào chủ đề mà mình muốn hướng dẫn với sự chủ động của trẻ. Không có sự bắt buộc hay đe dọa nào trong khung giờ này, chỉ có niềm vui và nụ cười mới có thể tạo được sự tập trung một cách hiệu quả.

Bố mẹ sẽ thực hiện như thế nào ?

Khi ngồi chơi với trẻ, bố mẹ cần thu hút sự chú ý của trẻ  qua các món đồ chơi hay vật dụng  đơn giản trước khi nói với trẻ về các điều đó ! Nói cách khác là hãy dùng các cử chỉ, điệu bộ để tạo sự chú ý hơn là dùng những câu nói dài và nhanh để yêu cầu trẻ phải chú ý. Khi cần dùng lời với trẻ, thì cần nói rõ ràng, chậm rãi, nhấn mạnh vào các từ trọng tâm và nếu cần thì nên nhắc lại vài lần. để trẻ có thể ghi nhớ.

Nói ngắn – chậm – nhấn mạnh và lập lại – Đó là các nguyên tắc ban đầu. Bố mẹ cũng cần phải nói một cách đơn giản, sử dụng vốn từ và ngôn ngữ sao cho phù hợp với mức độ nhận biết của trẻ  nhưng vẫn giới thiệu được những khái niệm và từ mới. Hãy nhớ là trẻ hiểu nhiều hơn những gì bé có thể nói.

Hãy giúp cho con  nghe và làm theo chỉ dẫn bằng cách chỉ cho trẻ thấy bố mẹ  muốn gì vừa bằng lời nói, vừa bằng điệu bộ một cách vui vẻ . Khi con tỏ ra không hiểu, hãy nói theo cách khác thay vì chỉ lặp lại câu đó để mong trẻ phải hiểu được.

Bố mẹ sẽ nói  với trẻ khi nào  ?

Trong một ngày, có nhiều thời điểm khác nhau mà bố mẹ có thể giúp con phát triển ngôn ngữ. Chúng ta hãy nói với con về những gì bé thấy trong các bữa ăn  (thức ăn, đồ uống, hoạt động) trong  giờ tắm (các bộ phận của cơ thể, các hoạt động chơi với nước ) hay khi Thay quần áo (các bộ phận của áo quần, bộ phận cơ thể, các y phục dùng trong các loại  thời tiết khác nhau ) . Trong khi chơi với trẻ, ta có thể giới thiệu các loại đồ chơi . Ngay cả khi đưa trẻ đi chơi, cũng có thể nói cho trẻ một số thông tin về môi trường xung quanh.  Hãy nói với con về những gì bạn sẽ làm trong ngày và khuyến khích trẻ  tham gia.

Với những trẻ lớn hơn, có khó khăn về ngôn ngữ ta có thể giúp trẻ phát triển qua các hoạt động thường ngày tại gia đình như trong các hoạt động dọn bàn ăn sau khi ăn xong,  trong việc đưa trẻ đi mua sắm  những thứ lặt vặt. Hay khi làm vườn  hoặc trong lúc dọn dẹp nhà cửa, phụ làm bếp với mẹ.

Bố mẹ phát triển ngôn ngữ cho trẻ như thế nào ?

Khi trẻ đã nói được các từ đơn ( ăn, đi , chơi , nước … )  thì hãy mở rộng những gì con bạn nói bằng cách lặp lại các từ của bé và thêm các từ khác vào. Nếu con bạn nói “thêm nữa”, hãy đáp ứng yêu cầu của bé và nói thêm “cho con thêm nữa à”, hoặc “uống nữa à”, v.v Nếu con bạn nói “muốn bóng”, hãy đáp ứng yêu cầu của bé và nói thêm “Con muốn quả bóng này à”, “con muốn lấy quả bóng”, hoặc “muốn quả bóng màu xanh” .

Hãy lặp đi lặp những từ và âm mới. ví dụ khi đếm, sử dụng giới từ, gọi tên các đồ vật, màu sắc, v.v . Việc tập nói cần phải tạo hứng thú cho trẻ. Hãy cố gắng khuyến khích trẻ nói mà không đặt ra quá nhiều yêu cầu. Hãy nghe một cách chăm chú khi bé nói với bạn và hãy cho bé thấy bạn hiểu bằng cách trả lời bằng hành động hoặc lời nói.

Các biện pháp giúp cho việc giao tiếp thuận lợi hơn

1/ Tạo điều kiện cho trẻ lựa chọn: hãy cho con bạn lựa chọn giữa hai thứ và hãy cố gắng giúp bé sử dụng từ để cho bạn biết bé muốn gì.

2/ Học có chỉ dẫn: Bạn cần phải mô tả những hoạt động chơi  của trẻ. Qua đó, chúng ta có thể giúp trẻ hiểu được mối quan hệ giữa hành động và từ mô tả hành động.

3/ Bắt chước: Hãy bắt chước một cái gì đó con bạn bắt đầu. Con bạn sẽ đặc biệt thấy thú vị với sự bắt chước đó .

4/ Làm mẫu: Hãy khuyến khích con bạn sử dụng các từ để nói về những gì bé đang làm bằng cách làm mẫu.

5/ Vật mới lạ: giới thiệu một cái gì đó mới lạ vào môi trường của bé.

6/ Tường thuật:. Hãy mô tả từng thứ mà con bạn làm, sử dụng ngôn ngữ ở mức độ mà bạn muốn con bạn nói hoặc hiểu.

7/ Diễn giải ngắn gọn và rõ ràng hơn: nếu con bạn dường như không hiểu những gì bạn nói, hãy thử diễn giải bằng những từ khác.

8/ Kích thích bằng tranh ảnh: có thể sử dụng các bức tranh ảnh về đồ vật và các hoạt để giúp trẻ giao tiếp.

9/ Từng mảnh một:. Đừng cho con bạn tất cả các mảnh đồ chơi  ngay lập tức. Hãy giữ một số mảnh lại để khuyến khích bé giao tiếp.

10/ Đặt câu hỏi: đặt các câu hỏi phù hợp với tình huống.

11/ Ngôn ngữ ký hiệu:. Ngôn ngữ ký hiệu thường giúp lời nói phát triển tốt hơn. Đối với một số trẻ khác, có thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu lâu hơn..

12/ Hỗ trợ lời nói của người lớn bằng ký hiệu/điệu bộ: nhằm giúp con bạn hiểu những gì bạn đang nói,qua việc  dùng cử chỉ điệu bộ và/hoặc chỉ tay khi bạn nói.

13/ Dùng đồ vật cùng/thay cho lời nói: nếu mục tiêu là ngôn ngữ biểu đạt, nhưng con bạn chưa thể nói tốt, hãy khuyến khích con bạn chỉ vào vật đồng thời nói hoặc thay cho việc nói từ.

14/ Giữ lại một đồ vật để nhận được phản ứng mong muốn: nếu bạn muốn con mình tăng cường ngôn ngữ biểu đạt (ví dụ điệu bộ, dấu hiệu, các hệ thống tranh, từ ngữ), đừng đưa cho trẻ những gì trẻ muốn cho đến khi trẻ cho bạn phản ứng mong muốn.

Đây là những biện pháp đơn giản  để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ mà bố mẹ hoàn toàn có thể thực hiện tại gia đình. Hãy chịu khó và kiên trì  bé của bạn sẽ phát triển tốt.

CVTL  LÊ KHANH

Phòng Tư vấn Tâm Lý – Gia Đỉnh & Trẻ em.

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý