GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT KHÓ NHẤT LÀ GIÁO DỤC …PHỤ HUYNH
10/10/2022CÁCH DẠY CON CHƠI
14/04/2023Giáo dục Đặc Biệt là một hoạt động được tổ chức cho các trẻ có nhu cầu đặc biệt trong các trung tâm được mở ra ngày càng nhiều để đáp ứng cho các gia đình của trẻ . Hệ thống giáo dục này nhắm đến các mục tiêu giúp cho trẻ đặc biệt cải thiện được tình trạng của mình, có được khả năng về ngôn ngữ, cải thiện về hành vi và có những nhận thức phù hợp với lứa tuổi, để có thể tham gia vào môi trường bình thường dưới hình thức Giáo dục hòa nhập ở cấp độ Mẫu Giáo và Tiểu học. Tuy nhiên trẻ Đặc biệt không chỉ yếu kém về năng lực học tập mà ngay cả các kỹ năng sống thiết yếu cũng có rất nhiều hạn chế. Vì thế, ngoài việc học tập thì giáo dục đặc biệt còn phải có mục tiêu giúp các em phát triển được năng lực tự phục vụ bản thân và góp phần phục vụ người khác, trong phạm vi năng lực của mình.
Hiện nay, đa phần các trung tâm chỉ đặt ra một mục tiêu đơn giản là Can thiệp sớm và phục hồi ngôn ngữ, cải thiện hành vi cho các em trong một thời gian ngắn , rồi sau đó là chuyển các em đã có những tiến bộ nhất định sang các môi trường bình thường và xem như là hoàn tất sứ mệnh . Nhưng thực ra, hệ thống Giáo dục Đặc Biệt cần phải có những mục tiêu ngắn và dài hạn để có thể hỗ trợ cho các em, kề cả khi các em đã trưởng thành với nhiều hình thức tổ chức khác nhau . Vì thế chúng ta cần phải có 3 tầm nhìn về mục tiêu như sau/
MỤC TIÊU THIẾT YẾU :
- PHỤC HỒI CHỨC NĂNG : Các em cần đươc áp dụng một số kỹ thuật và phương pháp để cải thiện về 3 phương diện : . :
- Ngôn ngữ : Nghe hiểu, nhận biết và đáp ứng phản hồi tùy theo khả năng của trẻ.
- Vận Động : Các hoạt động của cơ thể ( vận động Thô ) của bàn tay, ngón tay ( Vận động tinh ) và sự thích nghi với môi trường .
- Nhận thức : Các em có nhận thức về bản thân, về gia đình và về môi trường xung quanh ( Cây trái / con vật/ đồ vật / nhân vật xã hội …)
- PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG SỐNG THIẾT YẾU : Các em cần được hướng dẫn về khả năng ăn uống, vệ sinh cá nhân, khả năng sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày.
- Kỹ năng ăn uống- vệ sinh : Các em cần biết tự ăn cơm, uống nước, tắm rửa , vệ sinh.. biết tự mặc và tự gấp quần áo, dọn dẹp chỗ ngủ …
- Kỹ năng thích nghi môi trường : Các em cần có khả năng thích nghi với môi trường học tập , biết tự lấy vật dụng cá nhân, biết bỏ rác vào thùng, biết xếp đặt chỗ chơi, chỗ học và tương tác tốt với các bạn với thầy cô và người lớn.
- PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG HỌC TẬP : Tùy vào mức độ, năng lực mà các em được xây dựng những kỹ năng học tập khác nhau, từ mức độ cơ bản là nhận biết khoa học, cho đến các kiến thức về đọc, viết, tính toán và các khả năng để có thể tham gia vào hệ thống giáo dục hòa nhập tại các cơ sở Giáo dục bình thường.
Đây được xem là chương trình Giáo dục Can thiệp sớm đã được tổ chúc khắp nơi để hỗ trợ cho các trẻ đặc biệt dưới 6 tuổi . Tuy nhiên, nếu có mong muốn xây dựng một hệ thống Giáo Dục Đặc Biệt có hiệu quả cho các em, thì chúng ta phải nghi đến 2 nhóm mục tiêu ngắn và dài hạn.
MỤC TIÊU NGẮN HẠN :
- Cải thiện và nâng cao năng lực về ngôn ngữ – hành vi : Để nâng cao khả năng ngôn ngữ, thì GV phải biết rõ về mức độ phát triển ngôn ngữ của trẻ, khả năng nghe hiểu và phản hồi các yêu cầu bằng lời nói, cử chỉ của mình. Để từ đó đưa ra các mức độ can thiệp dựa trên các kỹ thuật can thiệp phù hợp.
- Can thiệp và điều chỉnh các rối loạn về Giác Quan và cảm xúc : Trong nhiều trường hợp, trẻ có những rối loạn về khả năng xử lý cảm giác, điều này sẽ tạo ra những hành vi và phản ứng bất thường hay rối loạn ăn uống và giấc ngủ. Vì vậy một trong những mục tiêu ngắn hạn cần phải đặt ra là giúp cho trẻ ổn định về giác quan.
- Phát triển các kỹ năng sống thiết yếu. Các kỹ năng sống thiết yếu là khả năng tự ăn uống, tự vệ sinh cá nhân và khi lớn là có thể tham gia một số hoạt động trong gia đình. Đây cũng là những điều căn bản mà nhiều người không nghĩ là cần thiết cho trẻ đặc biệt, nhưng chính điều này lại góp phần quan trọng giúp cho trẻ sớm có khả năng hòa nhập trong mức độ cho phép đối với cộng đồng xung quanh.
MỤC TIÊU DÀI HẠN :
- Xây dưng khả năng hòa nhập với cộng đồng : Đây có thể nói là mục tiêu được đặt ra trong hầu hết mọi hoạt động có liên quan đến trẻ đặc biệt. Từ can thiệp trị liệu đến giáo dục năng lực, tất cả đều nhắm đến việc giúp cho trẻ có thể tham gia các sinh hoạt học tập và giao tiếp như một trẻ bình thường. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng có thể đặt ra mục tiêu này, mà nó còn tùy thuộc vào khả năng của trẻ, các phương pháp can thiệp và chính môi trường xung quanh, sẽ chấp nhận trẻ đến mức nào.
Việc xây dựng các lớp học hòa nhập trong các trường bình thường và tổ chức các trung tâm can thiệp trẻ đặc biệt là mong ước của xã hội và gia đình đối với các em. Tuy nhiên, dù muốn dù không chúng ta cũng phải thừa nhận, khả năng hòa nhập của các em chỉ có giới hạn Vì thế một môi trường có sự quan tâm và thân thiện để có thể chấp nhận và hỗ trợ thường xuyên cho các em trong cuộc sống đời thường ngay cả khi các em trưởng thành mới là điều cần phải đặt ra
- Phát triển các kỹ năng Giao tiếp Xã Hội : Đây chính là hạn chế lớn nhất của các em rối loạn phát triển, nhất là với trẻ Tự kỷ . Các em có thể có những kỹ năng và hành vi, phản ứng tốt đẹp trong môi trường quen thuộc tại gia đình. Nhưng khi bước ra ngoài xã hội, nhất là khi đứng trước các tình huống mới mẻ, đòi hỏi khả năng thích nghi, thì hầu hết các em sẽ bối rối, sẽ có những phản ứng vụng về hay tránh né,và nếu bị hối thúc hay yêu cầu, thì có khi các em sẽ có những phản ứng mất kiểm soát. Chính vì thế, mà một cộng đồng gồm những người hiểu em và những người bạn là điều kiện thuận lợi nhất, để các em có thể cải thiện được khả năng giao tiếp xã hội.
- Tổ chức các hoạt động Hướng nghiệp khi trưởng thành : Hiện nay, việc hướng nghiệp cho trẻ đặc biệt vị thành niên hay đã trưởng thành, là một nhu cầu cấp bách, đòi hỏi những định hướng và các tổ chức phù hợp. Đã không thiếu các cơ sở hướng nghiệp cho trẻ, chỉ hoạt động về mặt hình thức, đôi khi còn có sự lợi dụng, trong các phạm vi có liên quan đến các hoạt động dạy nghề và tạo việc làm cho trẻ đặc biệt.
Chúng ta thường có xu hướng muốn tập cho trẻ những ngành nghề thủ công, mỹ nghệ hay trồng trọt, chăn nuôi hay làm bánh , phụ việc trong một số dịch vụ … vì cho rằng đó là những hoạt động tay chân đơn giản có thể phù hợp với các em. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều thất bại hay không đem lại lợi ích thực sự cho trẻ cũng như cho gia đình trẻ. Điều này khác với trẻ khuyết tật, khi những ngành nghề thủ công mỹ nghệ, trồng trọt chăn nuôi đã đem lại những giá trị cao cho các trẻ khuyết tật trong cuộc sống.
Nhưng với trẻ đặc biệt thì khác, các em dĩ nhiên là không thể tham gia các hoạt động nghề nghiệp cao cấp, nhưng ngay cả những nghề đơn giản, tay chân..cũng không phải là dễ với các em vì các em thiếu hai yếu tố quan trọng :
- Yếu tố nỗ lực và kiên trì : Các em hầu như không có, các em chỉ làm để cho ..vui !
- Yếu tố ích lợi cho bản thân : Trẻ khuyết tật rất ý thức về ích lợi cho bản thân, các em làm việc để kiếm tiền để dành và có thể sử dụng vào nhiều nhu cầu khác cho bản thân. Nhưng trẻ đặc biệt thì hầu như không ý thức được các nhu cầu cho bản thân, nếu có thì cũng rât đơn giản. Vì thế không thể dùng điều này như một động lực để khuyến khích trẻ làm việc. Trẻ làm việc do thói quen được hướng dẫn và để làm cho mình cũng như những người thân vui lòng mà thôi.
Chính vì thế, không nên có quan điểm là cố gắng rèn luyện cho các em một nghề nghiệp hay công việc để các em có cơ hội tự nuôi sống bản thân vì các em thiếu một kỹ năng cốt lõi là kỹ năng Tự quản lý cuộc sống của mình. Chúng ta có thể rèn luyện cho các em kỹ năng giao tiếp và kỹ năng làm việc trong một giới hạn , nhưng chúng ta vẫn phải có những người hoặc là trong gia đình, họ hàng các em hay những người thân , những người quan tâm đến các em và một số tổ chức xã hội, đứng ra quản lý cho các em trong cuộc sống hàng ngày. Các em có thể làm việc để có thu nhập, nhưng thu nhập hay kết quả đó phải được quản lý với sự quan tâm và tôn trọng, để các em dụa vào đó mà có được cuộc sống như mọi người.
LÊ KHANH
Đầu Xuân Quý Mão