Đối với trẻ hiếu động kém chú ý (ADHD) thì các nguyên tắc giúp trẻ gia tăng khả năng chú ý là điều rất cần thiết. Cha mẹ nên thường xuyên áp dụng các biện pháp dưới đây trong việc giao tiếp với trẻ:
1. Nguyên tắc về giao tiếp :
1.Chỉ ra một mệnh lệnh mỗi lần:
Khi yêu cầu trẻ làm một việc gì, chúng ta chỉ nên nói rõ một điều ( Lấy cho mẹ cái khăn trong nhà tắm – Con hãy lấy tập ra để học bài Tiếng Việt) không nên yêu cầu quá 3 việc một lúc (Con lên lầu lấy cái áo xuống đây, rồi ra sau rót cho mẹ ly nước sau đó đem bài tập ra làm …) Các yêu cầu cũng cần nói rõ tên của vật dụng, vị trí của vật dụng và cần làm gì để thực hiện điều đó. Đừng đưa ra yêu cầu không rõ về thời gian và vị trí (Chiều nay nhớ học bài nhé – lát nữa lấy cái áo cho mẹ …)
2.Chia nhỏ yêu cầu ra :
Nếu công việc có nhiều phần, chia ra thành từng phần nhỏ. Yêu cầu trẻ làm phần đầu, sau đó làm phần kế, rồi đến những phần sau.( Con hãy mang cái ly lại đây – sau khi trẻ đem ly lại – bây giờ hãy rót nước vào – sau khi trẻ rót nước vào – mang ra phòng khách mời bố nhé, cám ơn con .)
Nếu bạn muốn yêu cầu trẻ luôn làm cùng một công việc như dọn dẹp sau khi ăn, hãy làm một chương trình rõ ràng về những bước trẻ cần phải làm. Đánh số từng bước của công việc và treo lên ở nơi sinh hoạt xảy ra. Lập lại chương trình thường xuyên với trẻ và nói rõ hậu quả sẽ như thế nào nếu chương trình không được tuân theo (như những hậu quả tự nhiên hay hợp lý, thời gian tách biệt, hay mất quyền lợi).
3.Nên đứng đối diện và yêu cầu trẻ nhắc lại điều bạn nói.
Hãy nhớ rằng : Những luật lệ cho trẻ thiếu tập trung cần phải rõ, cụ thể, trực tiếp, và được áp dụng một cách nhất quán. Hướng dẫn cách ngắn gọn và mỗi lần chỉ tập trung vào một việc. Khi muốn thử thay đổi hành vi để theo luật lệ, thử từ một đến hai hành vi mỗi lần cho đến khi hành vi mới đã đạt được.
2. Nguyên tắc về củng cố hành vi:
Trẻ chỉ có thể lưu ý và nhận biết những sai sót của chúng nếu các điều đó được nói ra, nhưng không mang tính trách phạt mà chỉ có tính nhắc nhở ( Hôm nay con đã quên mang theo sách bài tập, vậy ngày mai hãy nhớ mang theo nhé )
Chúng ta cần tập cho trẻ hình thành thói quen ghi nhớ các yêu cầu theo ba bước :
Nghe yêu cầu và nhớ ( dùng trí nhớ ngắn hạn ) lập lại ( để ghi lại vào ký ức ) sau đó đến chiều hay sáng mai sẽ nhắc lại ( để lưu vào trí nhớ lâu dài )
Có các hoạt động củng cố:
Để giúp trẻ củng cố trí nhớ – cần có một Lịch Hoạt động mỗi ngày, ngoài các yêu cầu cụ thể cho từng hoạt động trong ngày theo từng buổi – thì cũng có một ô dành cho sự nhận xét : Biểu dương khi trẻ đã thực hiện tốt các điều cần nhớ trong ngày. ( Ghi cụ thể là đã làm được hay nhớ được điều gì )
Tạo sự phản hồi hai chiều :
Chúng ta không chỉ ra mệnh lệnh, yêu cầu trẻ phải làm hay phải nhớ mà con tạo cơ hội cho trẻ phản hồi : Con làm việc này như thế nào ?
Ðừng tiết kiệm lời khen cho những hành vi tốt nhưng cũng đừng khen giả bộ. Trẻ cần được phụ huynh chú tâm vào những ưu điểm, hành vi tốt, và sự thành công của trẻ qua đó, dần dần trẻ sẽ tự tin vào bản thân cũng như nâng cao khả năng tập trung hơn.
3. Hãy giúp trẻ củng cố các hành vi :
1. Làm gương : Bố mẹ cần làm gương về những hành vi tổ chức mà ta muốn trẻ học (chính bố mẹ nên sử dụng lịch hay ghi lên bảng những điều cần làm trong nhà.
2. Ghi ra : Sử dụng danh sách và treo những danh sách xung quanh nhà (lịch, sổ viết kế hoạch hàng ngày, sổ viết bài tập phải làm, miếng giấy nhỏ để nhắc nhở, v.v.). Làm những danh sách cho nhà vệ sinh và phòng ngủ. Treo lên ở cửa phòng ngủ.
3. Xem lại: Chắc chắn bạn và trẻ đều có lịch để viết kế hoạch, những ngày hẹn, bài vở, ngày thi và đánh dấu những ngày cần nhớ. Nên coi lịch hàng ngày hoặc nhiều lần trong ngày.
4. Trật tự: Xác định chỗ đựng đồ bằng cách xếp loại và luôn đựng đồ đúng chỗ khi trẻ về nhà. Nên có chỗ riêng cho cặp, đồ ăn trưa, chìa khóa, v.v.
5. Ngăn nắp: Làm một tủ cất bài vở của trẻ (xếp loại theo môn học, đồ chơi, hoạt động, v.v.)
6. Gọn gàng: Nên thường xuyên dọn dẹp tủ với trẻ (vứt đi những gì không cần và tổ chức bằng cách dán nhãn lên tủ).
7. Nhắc nhở: Dùng ‘hộp cuối tuần’ (đồ vật hay quần áo không cất đi, bỏ vào trong hộp này. Khi đầy, trẻ phải dọn dẹp những đồ trong hộp cuối tuần đó như hậu quả hợp lý để tập thói quen có tổ chức).
8. Dùng sổ tay: Khuyến khích trẻ có sổ ghi địa chỉ / số điện thoại khi trẻ còn nhỏ.
9. Lịch nhắc việc : Có lịch cho nguyên gia đình. Giữ buổi họp gia đình về những ngày lễ sắp đến.
10. Không bầy biện : Giới hạn những gì để ở trên bàn. Đừng để nhiều đồ ở trên bàn, và dọn dẹp bàn thường xuyên.
4.Thực hiện những thói quen
1. Tạo một loạt thói quen một cách cụ thể. Ví dụ: Sắp đặt giờ ngủ bao gồm thời gian nghỉ ngơi trước khi ngủ. Ghi lại tiến trình (chọn đồ ngủ, đánh răng, chọn truyện đọc, nằm trên giường, đọc truyện, tắt đèn). Thêm vào đó, nên chuẩn bị cặp vở đầy đủ để sẵn sàng mang theo sáng hôm sau. Chỗ để cặp tốt nhất là ngay bên ngoài cửa phòng ngủ của trẻ để phụ huynh kiểm soát lại đêm đó.
2. Tạo một chuỗi thói quen buổi sáng bao gồm chương trình cụ thể như thức dậy, tắm rửa, thay quần áo, ăn sáng, và đi học. Xác định những hậu quả khi không theo chương trình.
3. Trẻ thiếu tập trung cần sự giúp đỡ làm kế hoạch và đón chờ sự thay đổi trong sinh hoạt (từ nhà đến trường, từ phòng này đến phòng kia). Giúp trẻ chuẩn bị trước để biết nên chờ đợi gì. Mỗi sáng, trước khi ra khỏi nhà nên khuyến khích trẻ có phản ứng xem lại để trẻ xem lại coi có thiếu gì không. Trẻ nên tự coi lại bản thân về quần áo mặc và nhẩm lại trong đầu chương trình của ngày hôm đó. Khuyến khích trẻ xem lịch. Trẻ có thể nói lớn trẻ sẽ đi đến đâu hôm nay, trẻ sẽ làm gì, và trẻ có đầy đủ đồ dùng cho ngày hôm nay không. Khuyến khích trẻ tự hỏi thường xuyên ‘Con có quên gì không?’
5.Thực hiện những trị liệu hành vi
Trẻ thiếu tập trung cần những hướng dẫn và phản hồi có ý nghĩa, lập tức, và mạnh mẽ. Nên cho trẻ biết những kết quả tích cực và tiêu cực ngay lập tức để tạo sự liên kết rõ ràng giữa hành vi và kết quả. Mấy tiếng sau hay ngày sau, hành vi có thể bị quên, và tuần sau là quá xa xôi để trẻ hiểu. Nói ít và nhiều hành động là điều cần thiết đối với trẻ. Trẻ sẽ phản ứng tốt hơn với kết quả, chứ không có phản ứng tốt với lời nói hay lời khuyên.
Sử dụng lời khen và làm lơ một cách có hệ thống
- Bình luận ngắn gọn, cụ thể, tích cực và thường xuyên, cho trẻ biết những gì trẻ đang làm đúng.
- Khen hành vi thực tế vừa được quan sát (như ‘Mẹ rất thích cách làm toán không nhìn lên của con’ hoặc ‘Con đã ngồi im làm bài 10 phút rồi!’). Tránh câu khen tính tình hay lời khen chung chung như ‘Con giỏi quá.’
- Làm lơ những hành vi tiêu cực không thích hợp mà trẻ cố tình thực hiện để tạo sự sự chú ý của trẻ đối với cha mẹ. Chúng ta cần tỏ ra hoàn toàn không quan tâm đối với những hành vi tiêu cực bằng cách nhìn đi phía khác hoặc đi xa trẻ. Trẻ có thể bắt đầu những hành vi tệ hơn vì trẻ nghĩ rằng điều đó sẽ tạo được sự quan tâm nhiều hơn. Sau một thời gian chuyện này sẽ tiến bộ hơn. Có thể phạt bằng thời gian tách biệt hoặc mất đặc quyền đối với hành vi không thể làm lơ được. Khi trẻ ngừng hành vi tiêu cực và tỏ ra bất cứ hành vi tích cực nào, chú ý ngay đến hành vi tích cực. ( có thể khen những điều tích cực của trẻ).
- Khi trẻ có những hành vi lơ là, thiếu tập trung cần dùng ngay những lời khiển trách cụ thể một cách rõ ràng. Trước khi khiển trách, gây sự chú ý của trẻ bằng cách nhìn vào mặt trẻ. Chỉ nói về hành vi cụ thể, như ‘Con ra khỏi ghế khi đang trong giờ học. Ngồi xuống ngay’ hay ‘Ðừng đánh em, ngồi xuống, và làm bài toán ngay!’
Biện pháp kỷ luật nên áp dụng:
Khi trẻ phạm lỗi, cha mẹ có thể dùng biện pháp tách biệt hay còn gọi là giờ trống – Nghĩa là trẻ sẽ bị phạt phải ngồi vào một chiếc ghế ở góc phòng hay ở một phòng tách biệt cho hành vi quậy phá của mình. Khi áp dụng biện pháp này, cha mẹ cần:
- Chọn một vài hành vi trẻ sẽ bị phạt tách biệt. Ghi rõ những hành vi này và viết lên bảng ở nhà. Ðừng dùng hình phạt này cho mọi hành vi vì sẽ mất đi hiệu quả.
- Chọn chỗ cho biện pháp tách biệt có hiệu quả. Chọn vị trí an toàn và buồn chán như ghế ở góc phòng. Nếu là phòng của trẻ, hãy chắc chắn trẻ không chơi với đồ chơi, không coi tivi, hay chơi điện tử trong phòng.
- Thời gian tách biệt nên ngắn, chỉ ít phút là đủ. Một đề nghị là một phút cho một tuổi (thí dụ 5 tuổi bị phạt 5 phút, 10 tuổi bị phạt 10 phút). Dùng chuông để kết thúc việc bị phạt.
- Dùng biểu tượng rõ ràng khi ra hình phạt thời gian tách biệt. Dùng ngón tay của bạn đếm ‘một, hai, ba’ để tỏ ra sắp sửa bị phạt thời gian tách biệt. Lời cảnh cáo đầu tiên là vừa đưa một ngón tay vừa nói ‘một’, lần thứ hai là ‘hai’ và lần thứ ba là sẽ bị phạt thời gian tách biệt. Những hành vi nghiêm trọng hơn không cần được cảnh cáo mà phạt thời gian tách biệt liền.
- Nếu trẻ thử ra khỏi ghế đang khi bị phạt thời gian tách biệt, phạt thêm một phút nữa mỗi lần trẻ thử ra khỏi ghế. Trẻ nhỏ hơn có thể bị giữ trong ghế bằng cách giữ vai các em. Những trẻ lớn tuổi và một số trẻ khác không nên giữ lại như vậy. Chúng có thể bị phạt bằng cách mất đặc quyền.
Củng cố hành vi bằng thưởng đồng xu /điểm :
Bên cạnh việc áp dụng những biện pháp kỷ luật, nhắc nhở thì cha mẹ cũng cần áp dụng các biện pháp khen thưởng cho những điều trẻ làm được. Chúng ta có thể dùng biện pháp cho điểm ( Ghi vào sổ hay ghi thẳng trên Lịch hoạt động ) hay một vật liệu cụ thể như các hòn sỏi, khi trẻ làm được một điều đáng khen, ta sẽ bỏ một viên sỏi vào một cái lọ bằng tủy tinh – Mỗi ngày hay mỗi tuần sẽ kiểm tra, đếm lại số sỏi mà trẻ đạt được sau đó tùy theo số lượng mà quy ra những điều mà trẻ mong muốn. Như ghi rõ ràng hành vi nào trẻ có thể lấy được hòn sỏi/ điểm. Viết và treo những luật này như ‘Làm xong mỗi trang toán, được 1 hòn sỏi/ điểm.’ Lập lại thường xuyên. Thưởng hạt sỏi /điểm cho trẻ ngay sau hành vi mong muốn. Sau đó cho trẻ đổi điểm để lấy đồ vật thưởng (thức ăn thích nhất, đồ chơi, hoạt động, đặc quyền). Hòn sỏi /điểm cũng có thể sẽ bị lấy lại cho những hành vi tiêu cực. Lưu ý là hãy tạo cơ hội cho trẻ nên lấy được nhiều hòn sỏi/ điểm hơn là bị mất. Nếu không phương cách này sẽ không có hiệu quả.
Cv.Tl Lê Khanh
Để lại một bình luận