Phát triển giá trị bản thân qua hoạt động trong nhà
07/03/2013
Trung tâm Rồng Việt chi nhánh Vũng Tàu
09/04/2013
Phát triển giá trị bản thân qua hoạt động trong nhà
07/03/2013
Trung tâm Rồng Việt chi nhánh Vũng Tàu
09/04/2013

Phát triển khả năng tư duy của trẻ trong độ tuổi từ 4 – 6 tuổi là một việc quan trọng, nhất là đối với trẻ kém thông minh hay có khó khăn trong giao tiếp vì các trẻ này rất kém trong khả năng bắt chước và hầu như không có khả năng suy luận theo sự liên tưởng hay so sánh để tự phát triển như trẻ bình thường.

Tuy nhiên, bạn không thể buộc trẻ học bằng những bài học khô khan hay áp đặt mà hãy biến nó thành một hoạt động nhẹ nhàng, thậm chí là một trong những trò chơi vui của gia đình. Từ đó trẻ sẽ dàn dần tiếp nhận và phát triển mà không cảm thấy gò bó hay khó chịu.

Để phát triển kỹ năng tư duy của trẻ, bạn nên đặt những câu hỏi dùng từ ngữ đơn giản, gần gũi và chính xác; và quan trọng nhất là bạn đừng yêu cầu quá cao ở trẻ, chỉ nên tập trung thực hiện từng bước một một cách hệ thống và đúng cách.

Có 6 hình thức phát triển về kỹ năng tư duy. Đây là các loại phổ biến đối với mọi người, nên khi áp dụng với mỗi trẻ, bạn cần phải chỉnh sửa câu hỏi linh hoạt sao cho phù hợp với khả năng tiếp nhận của bé, sao cho trẻ có thể hiểu một cách rõ ràng nhất.

 

  1. 1.Phát triển kỹ năng nhận biết:

Kỹ năng nhận biết bao gồm khả năng ghi nhớ, nhắc lại, sửa lại cho chính xác, phù hợp và cả nhận xét đúng – sai từ các dữ liệu có sẵn.

Phát triển kỹ năng này như thế nào?

Bạn nên sử dụng đúng những từ và cụm từ như: “khi nào”, “như thế nào”, “bao nhiêu”, “ở đâu”, “gì”… Những từ ngữ đơn giản và dễ hiểu sẽ giúp trẻ có được những câu trả lời chính xác.

Câu hỏi gợi ý:

– Trong dĩa này có bao nhiêu trái mận? ( Cho trẻ xem hình vẽ hoặc chụp 4-5 trái, sau đó cho trẻ xem hình chụp 5 vật khác và hỏi : Hai thứ này có bằng nhau không ? hoặc thứ nào nhiều hơn, thứ nào ít hơn )

– Cái này màu đỏ hay xanh? ( Cho xem ảnh chụp 2 vật màu đỏ, 2 vật màu xanh )

– Ngày Chủ nhật con có đi học không? ( Trẻ phải biết một tuần có 7 ngày )

Trước khi dạy trẻ nhận biết về số lượng – cần phải giúp trẻ phân biệt được 3 đại lượng là :
Một ( 1 ) Hai ( 2 ) và Ba (3 ) – trẻ phải hiểu rằng 3 thì lớn ( > ) hơn 2 – 2 thì lớn ( > )hơn 1

Hoặc 3 thì nhiều hơn 2 Còn 2 Thì Nhiều hơn 1 . Tập cho trẻ nhận ra 3 dấu : Bằng = ; Nhỏ hơn <   và lớn hơn : > .

Ngược lại : 1 thì nhỏ ( < ) hơn 2 – 2 thì nhỏ( < ) hơn 3 – 1 thì ít hơn 2 – 2 thì ít hơn 3.

Để hiểu được điều này, bạn cần sử dụng các hình ảnh mô tả, minh họa về số lượng và khối lượng. Hãy cho trẻ xem hai hình có độ lớn/nhỏ khác nhau : Trái banh lớn ( bóng đá ) trái banh nhỏ (bóng bàn) – Con voi lớn / con chó nhỏ – Cái bàn lớn/ cái ghế nhỏ.

Hãy cho trẻ xem các hình nhiều / ít : dĩa nhiều trái cây/ dĩa ít trái cây …Nếu có điều kiện nên cho trẻ em vật thực như khi đi chợ về, cho trẻ xem các loại bánh trái với số lượng khác nhau.

 

  1. 2.Phát triển kỹ năng nhận thức: 

Nhận thức tức là nắm vấn đề hoặc hiểu được chính xác ý nghĩa thực sự của vấn đề, trong đó bao gồm cả việc nhận biết các sự vật và chất liệu.

Phát triển kỹ năng này như thế nào?

Sử dụng các từ và cụm từ như: “giải thích”, “mô tả”, “đoán”, dự đoán”, “phát hiện”, “xác định”… để giúp con bạn có thể giải thích, mô tả và đoán được nhiều thứ trong thế giới tự nhiên.

Câu hỏi gợi ý:

– Con chỉ cho mẹ xem hình nào là hình ăn cơm – Hình nào là hình đi chơi ? ( Cho trẻ xem 5-7 hình khác nhau, trong đó có 2 hình mô tả hoạt động trên)

– Trời mưa thì ngoài đường như thế nào?

– Con có đoán được hình này là hình gì không? ( Cho trẻ xem một loạt 5 hình có các hoạt động khác nhau và chỉ vào một hình – tốt nhất là hình chụp )

 

  1. 3.Phát triển kỹ năng ứng dụng:

Kỹ năng này bao gồm việc vận dụng những thông tin hay chi tiết đã được học hoặc biết vào những điều mới lạ, chưa từng gặp trước đây.

Phát triển kỹ năng này như thế nào?
Sử dụng các từ để khuyến khích trẻ áp dụng vào các tình huống mới. Các từ này có thể là: “chứng minh”, “chỉ cho mẹ”, “nói cho mẹ”…

Câu hỏi gợi ý:
– Trái cam và quả bóng này có gì giống nhau? ( cùng có hình tròn )
– Chỉ cho mẹ xem cái cây to với bụi cây khác nhau thế nào. ( Cây to có 1 thân cây to , bụi cây có nhiều cành nhỏ )
– Nói cho mẹ nghe chó sủa thế nào nào?( gâu gâu )

Trẻ chỉ cần trả lời đúng ý – không cần phải đúng từ ngữ .

 

  1. 4.Phát triển kỹ năng phân tích: 

Kỹ năng này bao gồm việc tách thông tin thành nhiều phần, đoạn để xem xét một cách chi tiết. Đây là một kỹ năng quan trọng để giúp trẻ có thể học được các bài học dài có nhiều chi tiết khác nhau.

Phát triển kỹ năng này như thế nào?

Bạn có thể sử dụng những từ đơn giản và dễ hiểu như: “đâu là điểm khác nhau”, “giải thích”, “so sánh”… Khi được hỏi những câu có chứa các từ khóa này, bé sẽ bắt đầu suy nghĩ bằng cách chia tách câu hỏi thành nhiều phần.

Câu hỏi gợi ý :

Cho trẻ xem 2 hình : Hình em bé và hình một con vật ( hay một cái cây ) và hỏi trẻ :

Nói cho mẹ điểm khác biệt giữa em bé và cái cây ?

Chấp nhận mọi trả lời miễn là là hợp lý hay quan trọng hơn là trẻ hiểu được sự khác biệt là gì ?

 

  1. 5.Phát triển kỹ năng tổng hợp:

Đây là kỹ năng hơi khó để trẻ em có thể học và hiểu được, vì nó liên quan đến việc vận dụng các thông tin, kiến thức hay kỹ năng trẻ đã được học và kết dính chúng lại thành một hình ảnh rõ ràng mà trước đó chính trẻ cũng chưa nghĩ đến. Theo quy luật phát triển bình thường thì trẻ trên 5 tuổi mới có khả năng phát triển kỹ năng này.

Phát triển kỹ năng này như thế nào?

Bạn nên sử dụng những từ và cụm từ đơn giản giúp con mình kết hợp các thông tin mà bé biết để tạo nên một ý niệm mới thật rõ ràng.

Câu hỏi gợi ý:
– Chuyện gì sẽ xảy ra nếu con vứt bộ ghép hình này xuống sàn? ( nó sẽ tách ra từng mảnh )
– Điều gì sẽ xảy ra nếu cái ly nước bị đổ ? ( nước sẽ đổ ra sàn nhà )
– Theo con thì chúng ta nên để cái ghế này ở trước hay sau cái bàn? ( Sau cái bàn )

 

  1. 6.Phát triển kỹ năng đánh giá:

Kỹ năng này bao gồm việc xem xét, suy luận, quyết định và đưa ra kết luận dựa trên một tập hợp các điều kiện hoặc tiêu chuẩn, không nhất thiết đúng hay sai.

Phát triển kỹ năng này như thế nào?
Bạn có thể dùng các từ khóa như: “đánh giá”, “ước lượng”, “giải thích”, “so sánh”…

Câu hỏi gợi ý:

– Cái bàn và cái ghế có điểm gì giống nhau? ( cùng là gỗ – cùng là dụng cụ – có 4 chân ..vv.)
– Chuyện gì sẽ xảy ra nếu con mọc ra một đôi cánh? ( Con có thể bay như chim )
– Con có thể nói cho mẹ có chính xác bao nhiêu quả trứng trong giỏ không? ( Cho trẻ xem hình một rổ trứng có từ 3 – 5 quả trứng )

Mỗi kỹ năng cần tập thường xuyên và không phê phán khi trẻ trả lời sai – Chỉ cần hỏi lại và đưa ra một số gợi ý.

Tùy theo độ tuổi và trình độ nhận thức mà bạn tập cho trẻ phát triển từ 3 kỹ năng cơ bản là Nhận biết – Nhận thức và ứng dụng cho đến các kỹ năng khó hơn là Phân tích, tổng hợp và đánh giá. Nhưng tất cả đều là những kỹ năng mà bạn nên cố gắng tập cho trẻ từng bước một vì đây là những kiến thức nền tảng cần thiết cho mọi hoạt động sau này của trẻ.

 

LƯU Ý

Bạn không cần quá vội vã, hoặc nóng lòng khi trẻ trả lời rất ngắn gọn, thiếu lời … quan trọng là trẻ có tỏ ra HIỂU và đáp ứng bằng sự trả lời ( Đúng hay sai đều không quan trọng bằng thái độ hợp tác ) vì vậy, khi trẻ trả lời SAI, vẫn khen ngợi sự đáp ứng và nói rằng, chưa đúng lắm, chưa chính xác .v.v. chứ không nói rằng con dở quá, sai bét rồi … Sự VUI VẺ và HỢP TÁC mới là kết quả tốt nhất của các bài tập này.

                                                                                          Cv.TL Lê Khanh

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý