Quản lý tiền và việc dạy con.
05/01/2018
Học sinh treo cổ tự tử trong lớp học: Biểu hiện “báo động” nào bị bỏ qua?
10/01/2018
Quản lý tiền và việc dạy con.
05/01/2018
Học sinh treo cổ tự tử trong lớp học: Biểu hiện “báo động” nào bị bỏ qua?
10/01/2018

Thế nào là sự quân bình cảm giác

Sau khi sinh ra, hệ thống thần kinh của trẻ bắt đầu tiếp xúc với môi trường bên ngoài qua 5 giác quan : Nhìn – nghe – sờ chạm – nếm – ngửi và 2 năng lực : Khả năng thăng bằng và sự cảm nhận về bản thân. Chúng ta thấy rằng trẻ tiếp xúc với thế giới qua các giác quan, trẻ học tập qua giác quan và phát triển vận động để tự lập và khởi đầu trong mối quan hệ. Giai đoạn cảm giác vận động là giai đoạn khởi đầu của quá trình phát triển nhận thức (Piaget).

Với một trẻ bình thường, thì sự phát triển giác quan sẽ giúp cho trẻ có khả năng giao tiếp bằng cái nhìn, phân biệt được khuôn mặt của người mẹ và những người khác . Trẻ cũng nhận ra những âm thanh quen thuộc từ lời ru của mẹ, tỏ ra khó chịu với những âm thanh ồn ào và thư giãn với tiếng nhạc. Đặc biệt là xúc giác và vị giác giúp cho trẻ cảm thấy yên ổn, dễ chịu với sự ôm ấp vuốt ve của người mẹ. Thích thú hưởng thụ vị ngọt của sữa và phản ứng với các vị khác. Tất cả những phát triển đó giúp cho trẻ có được sự quân bình về giác quan và phát triển một cách hài hòa.

Thế nhưng, với trẻ có tình trạng tự kỷ thì không như vậy. Sự cảm nhận hay tiếp thu các cảm giác của các em không quân bình. Có trẻ thì quá nhạy cảm, có trẻ thì quá thờ ơ với những tác động của ánh sáng, âm thanh, sự sờ chạm và các hương vị của thức ăn, đồ uống.

Khi trẻ không có được sự quân bình về giác quan , ta gọi đó là tình trạng rối loạn chức năng hòa nhập cảm giác , hay tình trạng rối loạn quân bình cảm giác ( Sensory Processing Disoder ) hoặc ngắn gọn là rối loạn cảm giác.  Sự mất quân bình về cảm giác sẽ tạo ra những phản ứng và hành vi không bình thường. Điều này sẽ khó hiểu nếu không có sự quan tâm đến khả năng tiếp nhận cảm giác của trẻ.

Rối loạn cảm giác có thể hiện diện trong nhiều lãnh vực phát triển khác nhau của trẻ như nhận thức, vận động, xã hội/cảm xúc, âm ngữ/ngôn ngữ hay chú ý. Khi có khó khăn về cảm giác, trẻ không thể phản ứng một cách phù hợp với những cảm giác đã tiếp nhận cũng như sẽ có những khó khăn không thích nghi với môi trường bên ngoài.

Chính những rối loạn về giác quan  ( Nhìn /nghe / sờ chạm /sự quân bình và sự cảm thụ bản thân) đã góp phần quan trọng vào những khó khăn trong nhiều lĩnh vực khác nhau như:

  • Có những phản ứng quá mức hay dưới mức bình thường với các cảm giác thông qua các giác quan .
  • Có sự tăng động hoặc ngược lại, quá thụ động
  • Kém tập trung , có hành vi cẩu thả hay bốc đồng.
  • Vụng về và Kém khả năng thích nghi với môi trường
  • Chậm nói và chậm phát triển về vận động
  • Khó kiểm soát cảm xúc ( dễ cười/khóc hay cáu gắt ) và không có khả năng tự ổn định.

Như vậy, rõ ràng tình trạng mất quân bình về khả năng tiếp nhận cảm giác, đặc biệt là ở trẻ tự kỷ (ASD) cũng như tăng động – kém chú ý ( ADHD) đã là tác nhân đưa đến các rối loạn mà chúng ta thường cho rằng, đó là do các nguyên nhân khác về thần kinh hay tính khí.

Khi đứng trước một tác nhân hay một thông tin có liên quan đến giác quan – thì tiến trình nhận biết và phản ứng của trẻ sẽ như thế nào ? Giai đoạn đầu tiên của quá trình Xử lý cảm giác là Tiếp nhận, điều này diễn ra khi đứa trẻ có ý thức về cảm giác. Giai đoạn thứ hai là Chuyển hướng, khi đứa trẻ bắt đầu chú ý đến cảm giác. Giai đoạn tiếp đến là giai đoạn Diễn giải, khi đứa trẻ cảm nhận được điều gì đang xảy ra. Cuối cùng là giai đoạn Tổ chức, khi đứa trẻ sử dụng các thông tin để đưa ra một phản ứng. Phản ứng có thể là một hành vi biểu lộ cảm xúc, một hành động của cơ thể, hoặc một phản ứng về nhận thức.  Dĩ nhiên là hầu như các giai đoạn này sẽ diễn ra một cách tự động và nhanh chóng để đưa đến một phản ứng gần như là tức thời của đứa trẻ.

Khi chúng ta bật đèn, trẻ sẽ nheo mắt, gõ chuông, trẻ sẽ quay đầu tìm, chạm vào trẻ, trẻ sẽ co lại… đó là những phản ứng bình thường. Thế nhưng, với trẻ đặc biệt thì không như vậy . Có thể trẻ sẽ khó chịu với một ánh sáng bình thường hoặc thờ ơ trước một ánh sáng mạnh – và sự mất quân bình về thị giác cũng khiến cho trẻ né tránh cái nhìn của người khác.

Trẻ cũng có thể quá khó chịu hay sợ hãi với những âm thanh bình thường, đặ biệt là các tiếng động có phần bất ngờ và đều đều như tiếng nước chảy, tiếng máy khoan, tiếng máy nổ …ngược lại, có trẻ lại tỉnh bơ trước mọi tiếng động chung quanh.  Đặc biệt là với cảm giác da và khả năng thăng bằng trong vận động – trẻ thường có những biểu hiện rõ nét.

Khi đầu vào cảm giác không quân bình hoặc không thể thiết lập một cách trật tự trong não bộ, trẻ sẽ cảm nhận thế giới xung quanh với sự khác biệt. Trẻ sẽ không cảm nhận được hình ảnh chính xác, tin cậy về cơ thể và môi trường, và sự rối loạn tri giác này gây ra các khó khăn trong phát triển với mức độ khác nhau, đưa đến việc xử lý thông tin và hành vi khác nhau. Vì trẻ không có khả năng xử lý thông tin nhận được thông qua các giác quan, nên trẻ khó khăn trong việc thích nghi với các tình huống. Sinh học thần kinh của các hệ thống giác quan bị rối loạn chức năng, do đó bóp méo khả năng cảm nhận thế giới một cách chính xác của trẻ.

Như vậy, khi nhận thấy con em có những rối loạn về hành vi, những phản ứng không bình thường, chúng ta cần lưu ý là sẽ có rất nhiều khả năng trẻ bị tình trạng rối loạn cảm giác . Tuy nhiên, vấn đề về rối loạn cảm giác của trẻ không chỉ đơn giản là như thế, mà nó còn rắc rối hơn nhiêu ở một số trẻ .

Theo tác giả Carol Kranowitz trong The Out – of – Sync Child (Đứa trẻ rối loạn) thì có nhữngTrẻ vừa có thể phản ứng thái quá vừa kém phản ứng trong cùng một hệ thống cảm giác, hoặc cũng có thể phản ứng thái quá với một loại cảm giác này và kém nhạy cảm đối với loại cảm giác khác, hoặc có thể phản ứng khác nhau đối với cùng một kích thích phụ thuộc vào thời gian và hoàn cảnh, thay đổi liên tục. Hôm qua, sau một thời gian nghỉ dài, cậu bé chịu đựng khá tốt tiếng chuông báo cháy; hôm nay, không có thời gian nghỉ, cậu bé lại trở nên khó kiểm soát với tiếng đóng cửa nhẹ. Hoàn cảnh tạo nên sự khác biệt lớn”. Chính những phản ứng trái ngược nhau ở cùng một đứa trẻ đã khiến cho việc điều chỉnh các rối loạn về cảm giác là không hề dễ dàng.

Trẻ cần gì để có thể điều hòa cảm giác :

Đầu tiên đó là sự thăng bằng. Đây là yếu tố cần thiết cho sự vận động hằng ngày. Sau đó là sự Cảm thụ bản thân, đó là sự nhận biết về các cơ bắp, các khớp, sự cảm nhận của bản thân trong không gian. Cảm giác này không liên quan đến 5 giác quan mà liên quan đến chính các bộ phận của cơ thể để có thể điều hợp sự vận động. Tiếp theo là sự hoạch định vận động là sự chuẩn bị các vận động của cơ thể, mà khởi đầu chính là những cảm nhận của xúc giác.

Ngoài ra hệ thống tiền đình đem lại sự thăng bằng cho cơ thể và khả năng điều hợp vận động hai bên phải và trái cũng góp phần quan trọng vào khả năng điều hòa cảm giác hay đúng hơn là đem lại bình ổn cho cơ thể, từ đó đưa đến sự bình ổn trong tâm lý – hành vi – nhận thức.

Các hình thức rối loạn cảm giác :

Theo Ts Stanley I.Greenspan và Ts Lucy J.Miller thì tình trạng  rối loạn giác quan được chia làm ba nhóm triệu chứng chính.

Loại I. Rối loạn điều chỉnh cảm giác (SMD)

Tình trạng này khiến cho trẻ khó khăn trong việc đưa ra phản ứng phù hợp với mức độ của kích thích. Rối loạn này bao gồm tình trạng phản ứng quá mức khiến cho trẻ cảm thấy cần cảnh giác hơn người bình thường. “Ngay cả khi trẻ ngủ, “hệ thống” này vẫn làm việc tốt hệt như động cơ của ô tô được khởi động để chạy không tải. Điều này khiến trẻ cảm nhận âm thanh và các kích thích khác nhạy hơn nhiều so với trẻ bình thường. Thậm chí ngay cả những âm thanh vô hại như tiếng đóng cửa cũng có thể làm cho trẻ ngay lập tức và hoàn toàn trở nên cảnh giác hệt như bạn và tôi cảnh giác với tiếng nổ lò sưởi ở trong nhà vậy”

Loại II. Rối loạn vận động có liên quan đến cảm giác (SBMD)

Loại rối loạn này xuất hiện khi thông tin cảm giác đầu vào của hệ cảm thụ bản thân và hệ tiền đình bị sai lệch hoặc xử lý không chính xác. Hệ cảm thụ bản thân cho chúng ta biết rõ bộ phận cơ thể nào của chúng ta đang chuyển động như thế nào Hệ tiền đình cho chúng ta biết rằng cơ thể mình đang ở trạng thái nghiêng hay thăng bằng.

Khi hệ thần kinh trung ương của trẻ có khó khăn trong việc sử dụng thông tin cảm giác từ những hệ trên, trẻ có thể mắc Rối loạn phối hợp động tác – một dạng của SBMD khiến trẻ trở nên khó khăn trong việc thực hiện chuỗi hành động cần thiết để thực hiện điều trẻ muốn, chẳng hạn như bắt chước, chơi thể thao, đạp xe, hoặc trèo thang. Trẻ em bị chứng SBMD thường lóng ngóng, hay vô tình làm rơi vỡ đồ chơi, hoặc dẫm lên đồ vật. Những trẻ này thường thích ngồi chơi các trò tưởng tượng hơn là thích vận động thể thao.

Một dạng khác của rối loạn SBMD là rối loạn tư thế, khiến cho trẻ lúc nào cũng cảm thấy yếu ớt, dễ mệt mỏi và không định hình rõ tay thuận hay khó vận động qua đường giữa thân.

Loại III. Rối loạn phân biệt cảm giác (SDD)  

Rối loạn này khiến cho trẻ khó phân biệt được những cảm giác giống nhau. Khả năng Phân biệt cảm giác là quá trình mà theo đó chúng ta tiếp nhận thông tin từ các giác quan đưa tới và sẽ được hợp nhất, diễn giải, phân tích và kết hợp với toàn bộ dữ liệu chúng ta đã lưu trữ để sử dụng hiệu quả các thông tin tiếp nhận đó.

Điều này cho phép chúng ta nhận biết tay đang cầm vật gì mà không cần nhìn, hay có thể dùng tay sờ để tìm vật, hoặc hình dung ra cách viết trên một trang giấy, hoặc cho phép chúng ta phân biệt được các chất liệu và mùi vị, và nghe được cuộc trò chuyện của những người mà ta quan tâm dù xung quanh ồn ào. Rối loạn này có thể khiến cho trẻ trở nên mất tập trung, thiếu khả năng tổ chức và kết quả học tập tại trường bị sút kém.

Như thế các vấn đề về rối loạn cảm giác có thể được coi là một phổ rộng và khác biệt ở từng trẻ  giống như vân tay vậy. Điều này cũng tương tự như chính tình trạng tự kỷ hay tăng động kém chú ý ở mỗi trẻ. Đều mang tính cá biệt không trẻ nào giống trẻ nào..Vì vậy, rõ ràng là phải có một sự quan sát, tiếp cận và áp dụng các biện pháp can thiệp cá nhân cho từng trẻ. Điều này cho thấy những kinh nghiệm giáo dục từ trẻ này sang trẻ khác được trao đổi giữa các phụ huynh chỉ mang tính tham khảo, cũng như các “giáo án” chung cho các trẻ tự kỷ sẽ được xem là không phù hợp cho một chương trình can thiệp hiệu quả.

CvTL Lê Khanh

Tài liệu tham khảo :

Kỹ thuật Hòa Nhập Cảm Giác  và Những trò chơi Can thiệp sớm ( TG : Barbara Sher )

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý