Đôi điều về games sex trên smartphone
07/01/2013
Chương trình can thiệp sớm
22/01/2013
Đôi điều về games sex trên smartphone
07/01/2013
Chương trình can thiệp sớm
22/01/2013

Sự phát triển của trẻ là một quá trình đa dạng và liên tục, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong cách nuôi dưỡng và chăm sóc. Trong quá trình phát triển trẻ sẽ gặp nhiều yếu tố khó khăn tác động cần có sự quan tâm và hiểu biết của bố mẹ để giúp bé phát triển tốt.


1.Khả năng phát triển vận động

Khi bé được 6 tháng đến 1 năm, khả năng vận động có một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển tâm lý. Trẻ sẽ dần dần ý thức được sự hiện hữu của các bộ phận trên cơ thể và học cách làm chủ được sự vận động qua việc phối hợp giữa các bộ phận đó. Một bước quan trọng là đến tháng thứ 7-8, trẻ bắt đầu nhìn thấy và chú ý đến hình ảnh của mình trong gương. Bố mẹ khi chơi với con, thường đặt ra những câu hỏi với con, đại loại như: tay đâu, mắt đâu, miệng đâu …và khi đứa trẻ chỉ đúng, thì được xem là phát triển tốt. Nhưng, chính sự phối hợp vận động của các bộ phận mới nói lên được khả năng phát triển của trẻ. Ngoài việc phối hợp giữa mắt, môi miệng thì các sự vận động sẽ dần dần phát triển theo thời gian, chúng ta sẽ xem xét theo các khả năng dưới đây:

Khả năng ngồi:

Trong thời gian đầu, vào tháng thứ 5 trẻ chỉ có khả năng ngồi yên, và phải chống bằng 2 tay dưới sự giúp đỡ của người lớn. Sau đó sẽ có thể vận động hai tay và cái đầu. Khi đến tháng thứ 8, trẻ sẽ làm chủ hoàn toàn được khả năng ngồi và dễ dàng chuyển sang các tư thế khác.

Khả năng sử dụng bàn tay:

Trẻ có khả năng cầm nắm các đồ vật từ tháng thứ 6 và qua tháng thứ 7 thì biết chuyển các món đồ từ tay này sang tay kia. Đến tháng thứ 8 thì biết dùng 2 ngón tay cái và tay trỏ để kẹp đồ vật. Trong lứa tuổi này, trẻ sẽ bắt đầu có sự bộc lộ rõ rệt khả năng thuận tay phải hay tay trái của mình.

Khả năng trườn và bò:

Từ tháng thứ 4 trẻ đã có thể ngẩng đầu và tập trườn nhưng đến tháng thứ 6 hay 8 trẻ mới có khả năng tự lật để trườn và chống hai cánh tay, hai cẳng chân lên để bắt đầu bò. Có một số trẻ không trải qua giai đoạn này, ta gọi là bỏ bò hay trốn bò, từ tư thế ngồi trẻ sẽ đứng thẳng và tập đi luôn, hoặc không biết bò mà chỉ biết trườn trước khi biết đi. Đây là tình trạng cho thấy trẻ có sự yếu kém về thần kinh, cần phải lưu ý để kích thích sự phát triển ngôn ngữ sau đó.

Khả năng đứng:

Khi đến tháng thứ 9, trẻ sẽ học cách đứng lên. Ban đầu có thể phải vịn vào tay người mẹ hay một món đồ nào đó, dần dần sẽ có khả năng đứng một mình. Trẻ chưa có ý thức về sự giới hạn và nguy hiểm, nên có thể bỏ vào miệng bất cứ thứ gì và có khả năng té ngã rất cao.

Vì vậy, luôn phải có một người để mắt đến trẻ Tuy nhiên, khi trẻ đã ở trong phạm vi an toàn thì chúng ta nên để trẻ tự do vận động và khám phá, những cú ngã hay sự đau đớn không quá nặng sẽ giúp trẻ biết rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn khả năng vận động của mình.

Khi trẻ đã đứng được trên hai chân mình, thì đây là giai đoạn bắt đầu cho một tiến trình tự khẳng định mình, trẻ bắt đầu phân biệt giữa cái tôi và những người xung quanh. Một mặt, trẻ ý thức được sự ràng buộc giữa bản thân và người mẹ, vẫn bám mẹ nhưng mặt khác đã có những dấu hiệu cho thấy ý hướng tách rời khỏi sự bế bồng của mẹ, trẻ muốn tự mình bước đi, tìm cách đẩy tay người mẹ ra để tự đứng trên đôi chân dù chưa vững vàng.

Trẻ đã ý thức được cái tôi khi biết rằng, nếu kêu lên thì mẹ sẽ đến, khóc thì sẽ được chú ý, cười thì sẽ được hưởng ứng và nếu nắm lấy một món đồ chơi rung lên, nó sẽ phát ra tiếng động, nếu nắm một sợi dây cột một món đồ rồi kéo đến, nó sẽ lại gần trong tầm tay. Trẻ cũng sẽ biết rằng, mẹ có thể đi ra khỏi tầm nhìn của mình nhưng rồi mẹ sẽ trở lại, một món đồ có thể bị che đi nhưng vẫn không bị mất mà có thể thấy lại được. Đây cũng là những yếu tố để đánh giá khả năng phát triển của trẻ và cũng là cơ sở để mẹ hay người chăm sóc đưa ra các trò chơi với cấp độ thích hợp.

Như vậy, ban đầu những cử động đầu tiên của trẻ chỉ là những xung động tràn lan, không phân biệt tay chân và không có mục đích, sau đó trẻ dần dần hình thành những vận động có phân định vào một bộ phận rõ rệt (tay sờ, nắm, cầm, ném…chân co duỗi, bước đi, đá…) rồi sau đó là những hoạt động mang tính phối hợp có chủ đích rõ ràng và các chuỗi hành động này gọi là hoạt động có định hướng.

Những ý thức này khiến cho phạm vi hoạt động của trẻ được mở rộng, bà mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ được phát huy khả năng tự chủ ngày càng nhiều hơn. Chúng ta nên nhớ: Trẻ phải xa lìa khỏi mẹ trước 3 tháng là quá sớm, nhưng trẻ chỉ xa lìa mẹ sau một năm là quá muộn. Vì vậy, nếu không vì hoàn cảnh bắt buộc, thì không nên gửi con đi nhà trẻ trước 3 tháng tuổi, và cũng không nên giữ con ở nhà mà không cho con đi nhà trẻ khi con đã hơn 1 tuổi.

2.khả năng giao tiếp -phát âm

Giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi được xem là một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, từ một trẻ sơ sinh, với sự phát triển khá nhanh từ những bước chập chững trong năm đầu cho đến khi có thể chạy lon ton vào năm 3 tuổi. Phạm vi quan sát được mở rộng nhờ khả năng di chuyển, nên trẻ tiếp thu nhiều thông tin bằng mọi giác quan và cũng chịu nhiều tác động cả tốt lẫn xấu đến từ bên ngoài.

Trẻ bắt đầu có khả năng hình dung và tưởng tượng, biết dùng vật này thay cho vậy khác (dùng các khối gỗ để tưởng tượng thành chiếc xe hay cái tủ…) Trẻ biết chơi bên cạnh nhau, bắt chước nhau nhưng chưa có khả năng cộng tác hay phối hợp để cùng chơi với nhau.

Trong lứa tuổi này, trẻ có khả năng hiểu những mệnh lệnh đơn giản, có thể đưa tay chỉ điều mình muốn, hay nắm tay người lớn để yêu cầu lấy cho một vật gì, và bắt đầu phát âm từ những âm, tiếng rời rạc, dần dần thành những câu ngắn, ba – bốn từ.

Lúc đầu còn ngọng nghịu, dần dần sẽ rõ hơn nhưng có thể còn sai ngữ pháp, chúng ta cũng không nên bắt trẻ phải nói chính xác, nhưng cũng không nên bỏ qua những câu nói ngọng khiến trẻ quen với cách nói sai, lớn lên sẽ khó điều chỉnh.

Trong khi cho trẻ ăn, việc giao tiếp bằng ánh mắt và lời nói giữa mẹ và con là rất cần thiết, bà mẹ (hay người cho trẻ ăn) nên ngồi đối diện nếu cho trẻ ngồi trên ghế ăn. Khi vừa bế vừa cho trẻ ăn thì nên ở trong tư thế đối mặt, hoặc tạo điều kiện sao cho trẻ thấy được khuôn mặt của mẹ, nụ cười, ánh mắt yêu thương, cái miệng chuyển động và những lời nói êm dịu sẽ được trẻ “hấp thụ” kèm theo những muỗng thức ăn. Điều này giúp cho trẻ được nuôi dưỡng cả thể xác lẫn tâm hồn và có vai trò quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ sau này của trẻ.

Tình trạng nói lắp và nói ngọng

Nên phân biệt giữa nói ngọng nói lắp. Nói ngọng là nói sai các phụ âm đầu như L thành N ( long lanh thành nong nanh ) hay ngược lại. Việc nói ngọng thường là do nghe cha mẹ, người xung quanh nói sai rồi bắt chước, lâu ngày thành một cố tật khó sửa, có những địa phương rất nhiều người nói ngọng giống nhau. Đây là một tác động mang tính địa phương, rất khó thay đổi hay điều chỉnh mà chỉ có thể làm giảm nhẹ.

Còn nói lắp là một tật chứng, thường do trẻ không đủ vốn từ để diễn tả nên cứ lập đi lập lại một vài từ đầu câu : con..con..con …muốn ăn, có khi chỉ nói lắp một từ đầu, có khi nói lắp nhiều từ trong một câu. Khi trẻ bắt đầu nói sẽ lắp bắp tìm chữ và thường tự thúc hối nói cho nhanh những gì mình đang nghĩ ra mà chữ thì không có sẵn. Hiện tượng này thường tự khỏi khi trẻ lớn lên có đủ vốn từ. Trong những trường hợp nói lắp kéo dài sau 12 tháng, có thể là do sự phát triển không bình thường của não bộ. Ngoài ra nói lắp cũng có thể do một khúc mắc nào đó giữa trung tâm ngôn ngữ trong não bộ và hệ cơ của môi lưỡi và hộp phát âm. Do đó có sự trục trặc trong việc sắp xếp câu cú. Trong trường hợp nhẹ, chỉ cần sự quan tâm và điều chỉnh theo những biện pháp dưới đây, còn trong trường hợp nặng phải có sự can thiệp của các nhà chuyên môn về tâm lý và chỉnh âm.

Tình trạng Chậm nói

Khi một trẻ đã đi được mà chưa nói được những từ hay câu đơn giản, đó là tình trạng Chậm nói. Đây là một biểu hiệu cho biết trẻ có thể có những khó khăn về phát triển (Chậm Khôn) về vận động (Hiếu động kém chú ý) hay có những khó khăn trong quan hệ ứng xử (Tự kỷ) vì vậy, cần có sự thăm khám của những nhà chuyên môn về tâm lý trẻ em để xác định tình trạng và mức độ nặng/nhẹ của từng trường hợp

Phân biệt các tình trạng chậm nói:

          Có nhiều người coi việc chậm nói là một tình trạng và thường cho rằng đó là hậu quả của việc thiếu quan tâm chăm sóc của bố mẹ. Điều đó tuy không sai nhưng đó chỉ là một khía cạnh trong nhiều khía cạnh khác nhau của sự chậm nói.

            Chúng ta nên biết rằng, ngoài những tình trạng như hội chứng Tự Kỷ, Hiếu động kém chú ý, Chậm khôn… đều có biểu hiện là chậm nói, thì các trẻ có tình trạng trầm cảm, lo hãi hay hung hăng, thích gây hấn cũng có tình trạng chậm nói, nhưng nguyên nhân gây ra sự chậm nói của các trẻ này lại khác với các trẻ Tự Kỷ, Hiếu động và vì thế biện pháp can thiệp, tập luyện cũng khác biệt. Như thế, việc chậm nói có thể do các nguyên nhân:

  1. 1.Chậm nói do kém phát triển về trí khôn, có khó khăn về khả năng nghe hay khó khăn về khả năng phát âm
  2. 2.Chậm nói do không phát triển được về khả năng giao tiếp ứng xử,có khó khăn trong sự chú ý, có tình trạng hiếu động.
  3. 3.Chậm nói do không muốn nói vì tình trạng lo hãi, trầm cảm, có ác cảm với những người xung quanh.

Vì thế, cần phải xác định được đâu là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng chậm nói cho trẻ. Từ đó mới có thể áp dụng những phương pháp can thiệp thích hợp.

3.Khả năng ứng xử & tính tự chủ

Đa số trẻ trong độ tuổi này, nhất là các bé trai đều có tác phong hiếu động, thích cầm nắm, đụng tay vào mọi vật và chưa có khả năng tập trung chú ý vào một việc gì lâu trên 10 phút. Trẻ dễ bị kích thích và dễ kích động, điều quan trọng là trẻ bắt đầu biết phân biệt giũa bản thân và người khác. Chính vì vậy, để chứng minh cho khả năng tự chủ, trẻ thường hay từ chối các yêu cầu của người khác mà đôi khi chính trẻ cũng không hiểu rõ đó là yêu cầu gì, cứ nói không cái đã. Nếu không hiểu, chúng ta có thể gây ra những căng thẳng hay ức chế cho trẻ vì cho rằng đó là thái độ cứng đầu, khó bảo hay không chịu nghe lời (vì không tập trung vào chuyện ghi nhớ các mệnh lệnh) và dẫn đến sự trừng phạt không hợp lý.

Cũng có người cho rằng trẻ rất ích kỷ, chỉ biết có mình nhưng thực ra đây là bản tính ái kỷ, đó là một tiến trình phát triển tự nhiên. Ái kỷ là hay nói đơn giản là thái độ chỉ quan tâm đến những nhu cầu của bản thân và chưa nhận biết được tính đạo đức trong các hành vi, cái gì mà trẻ đã nắm trong tay thì cái đó là của trẻ và trẻ không muốn chia sẻ những cái gì mình có. Vì điều đó, trẻ bắt đầu có những va chạm với những quy định và sự giới hạn hoạt động, gây ra những xung đột với những trẻ khác và người trong nhà. Vì thế chúng ta phải giúp trẻ có ý thức trong 3 phạm vi mang tính sở hữu:

Khu vực được tự do: (đáp ứng các nhu cầu cá nhân, và vui chơi trong một khu vực nhất định ), trẻ cần có một khu vực “oanh kích tự do” có thể làm mọi điều miễn là được bố trí các biện pháp an toàn ( trải thảm hay nệm mỏng, không có các cạnh bàn, cạnh tủ nguy hiểm, không có ổ cắm điện…) Đây là phòng của trẻ hay một góc phòng ngủ, phòng sinh hoạt chung của gia đình.

Khu vực có thể: (sử dụng các món đồ và chơi trong các khu vực được phép khi có mặt người lớn). Đây là phần lớn các khu vực trong nhà, như phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, khi trẻ chơi cần có sự cho phép và lưu ý của người lớn.

Khu vực không được phép: (không được chạm vào các món đồ quý hay có thể nguy hiểm cho trẻ, không được chơi trong các khu vực cấm…) Đây có thể là nhà bếp, phòng tắm …Trẻ chỉ có thể vào các nơi này khi có mặt người lớn.

Ý thức được các phạm vi sở hữu này rất cần thiết, một mặt giúp cho trẻ phát triển và tự do hoạt động ở khu vực được phép, mặt khác trẻ sẽ biết được những giới hạn để tuân theo các yêu cầu của người lớn. Điều này sẽ có tác dụng khi trẻ đi vào các khu vực công cộng, trẻ sẽ chấp nhận sự ngăn cấm của bố mẹ mà không dở trò ăn vạ, tự ý làm những trò phá rối hay gây nguy hiểm cho bản thân.

4.Trở ngại về quan hệ ứng xử:

Đôi khi có những trẻ không có một khuyết tật nào về các giác quan, trông bề ngoài rất bình thường, khỏe mạnh nhưng lại có những vấn đề rối nhiễu về nhận thức, giao tiếp và hành vi mà tiêu biểu là hội chứng rối loạn hiếu động kém chú ý, tình trạng tự kỷ và các vấn đề chậm trễ về ngôn ngữ.

Có thể nói, những trở ngại về quan hệ ứng xử, về hành vi tương tác là những trở ngại phức tạp và khó khắc phục nhất, điều này thường khó tạo được sự chấp nhận của phụ huynh vì thế họ thường dễ rơi vào hai thái độ tiêu cực: Quá bi quan về tình trạng con mình, tìm kiếm một cách mù quáng những biện pháp chăm chữa khác nhau và thường xuyên đau khổ, dằn vặt bản thân cũng như những người xung quanh. Hay sẽ có thái độ coi thường, đánh giá thấp những vấn đề của trẻ, không nhìn ra những nhu cầu đặc biệt của trẻ, thờ ơ trước những phương pháp giáo dục đặc biệt mà cứ cố gắng tạo ra một ảo tưởng là trẻ sẽ có khả năng phát triển bình thường sau một thời gian nữa, khi trẻ lớn khôn hơn vì thế vẫn cứ cố gắng gán ghép trẻ theo học các trường lớp bình thường mà không kèm theo một biện pháp chăm sóc nào khác.

Các trở ngại về quan hệ ứng xử cũng khó có được sự chấp nhận và thông cảm của những người xung quanh, mọi người thường dễ xúc động trước hình ảnh của một trẻ khuyết tật về thể chất, các trẻ này dễ gợi lên cho họ một sự quan tâm, những tình cảm yêu thương vì tội nghiệp, từ đó có rất nhiều trường học, trung tâm, cơ sở chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật. Còn với những trẻ như Tự kỷ, hiếu động …thì đôi khi lại khiến mọi người khó chịu vì các hành vi thiếu ổn định của trẻ và đưa đến tình trạng khó chấp nhận sự hòa nhập của các em với cộng đồng, và việc dạy dỗ để giúp trẻ phát triển và thay đổi hành vi là điều rất khó khăn đòi hỏi những trang thiết bị chuyên biệt cũng như trình độ chuyên môn của giáo viên, chuyên viên.

Chúng ta nên biết rằng,các trẻ có vấn đề về quan hệ ứng xử như Tự Kỷ, hiếu động… có những vấn đề về phát triển và giao tiếp hoàn toàn cá biệt, không có một trẻ Tự kỷ hay hiếu động kém chú ý nào có những vấn đề, khả năng và nhu cầu giống nhau. Việc xây dựng một kế hoạch can thiệp trị liệu phải dựa vào những khả năng và tình trạng riêng biệt của trẻ. Ngoài ra, việc vận dụng các nền tảng lý luận và đưa vào ứng dụng như thế nào là trách nhiệm của các nhà chuyên môn (Bác sĩ, chuyên viên tâm lý) đã qua đào tạo và kinh nghiệm lâm sàng nhiều năm chứ không thể dựa vào kinh nghiệm bản thân trong việc giáo dục cho con mình để phổ biến như một phương pháp giáo dục đại trà có thể vận dụng cho bất kỳ trẻ Tự kỷ hay hiếu động kém chú ý nào một cách hiệu quả, dù những biện pháp đó có hiệu quả cho chính con em mình.

 Cv.TL Lê Khanh

P.Giám đốc Trung tâm Rồng Việt

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý