Tiếng khen và sự Trưởng Thành
26/04/2020Giáo dục đặc biệt tại Việt Nam: Một số vấn đề còn tồn tại và giải pháp
08/05/2020Sau khi đã phát hiện con có vấn đề về ngôn ngữ, giao tiếp, hành vi thì bố mẹ thường phân vân việc Test ( đánh giá ) trẻ . Đánh giá được xem là bước đầu cho việc can thiệp , nó bao gồm hai bước :
Đánh giá sàng lọc : Ở bước này, thì hầu như đa phần phụ huynh hay giáo viên, hoặc một nhân viên nào có hiểu biết về các dấu hiệu của tình trạng rối loạn phát triển ( Bao gồm Tự kỷ, tăng động kém chú ý và chậm phát triển trí tuệ ) đều có thể dùng các dấu hiệu sàng lọc để phát hiện tình trạng tự kỷ bằng bảng sàng lọc M- Chat. Hoạt động này không quá khó , miễn là chúng ta biết rõ các dấu hiệu quan trọng để nhận biết, chứ không phải là mới chỉ có vài dấu hiệu như chậm nói, hay xoay tròn, đi nhón gót, không tương tác mắt … là đã dán luôn cho cái mác tự kỷ . Nhưng có một thực tế là không chỉ có phụ huynh là còn mơ hồ về tình trạng của con mình, mà ngay cả một số nhà chuyên môn, hay giáo viên đặc biệt can thiệp trẻ tại các cơ sở, vẫn còn nhiều người không thể hay không dám đưa ra kết luận, dù chỉ mới ở bước sàng lọc là trẻ có tự kỷ, có tăng động hay có chậm phát triển hay không ? Dù điều đó được xem là sự hiểu biết tối thiểu để có thể là 1 giáo viên can thiệp cho trẻ chứ không nói là 1 chuyên viên .
Đánh giá mức độ : Sau bước sàng lọc, thì đối với phần lớn các chuyên viên, họ đều có thể đưa ra những đánh giá về mức độ nặng , nhẹ hay trung bình của trẻ để từ đó , có những định hướng cho trẻ trong việc xây dựng kế hoạch can thiệp ! Tuy nhiên cũng không thiếu các chuyên viên, giáo viên hay nhân viên Y tế, Tâm lý, Giáo dục – đặc biệt là ở các bệnh viện và các trung tâm có chức năng can thiệp cho trẻ, là họ ít khi nào có những nhận định đúng với tình trạng của trẻ, mà thông thường là sẽ dùng những thuật ngữ mơ hồ hay hiểu sao cũng được – cái thuật ngữ mà các Y bác sĩ hay dùng là cụm từ : Theo dõi tự kỷ – nó hàm ý là có dấu hiệu tự kỷ đó nhưng chưa dám xác định – cứ đem trẻ về, mang đi can thiệp cho yên tâm, còn ở mức độ nào thì ..biết chết liền ! Cái cụm từ khác mà các chuyên viên hay dùng là có dấu hiệu, hay có nét tự kỷ , có yếu tố tăng động … điều này thì không sai nhưng lại không xác định là trẻ tự kỷ có yếu tố tăng động hay trẻ tăng động có yếu tố tự kỷ ! Mới nghe qua thì thấy cũng thế, nhưng đi vào can thiệp thì sẽ thấy khác nhau ! Nếu là trẻ tự kỷ có yếu tố tăng động thì vấn đề chính của trẻ là khó khăn về giao tiếp và đó là mục tiêu chính yếu. Còn nếu là trẻ tăng động có yếu tố tự kỷ thì vấn đề lại nằm ở hành vi, và giảm thiểu hành vi tăng động sẽ là mục tiêu chính. Mọi thứ phải rõ ràng ở bước này.
Vì vây, việc đánh giá mức độ thường dễ bị bỏ qua , và điều đó sẽ gây khó khăn cho những bước kế tiếp trong tiến trình can thiệp ! Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Bước tiếp theo là khi phụ huynh muốn tìm cho con mình một cơ sở can thiệp tốt, có chất lượng, giáo viên có tâm, có tài, cơ sở vật chất cũng phải “vip” một chút. Đây mới là một cuộc “ Long trang hổ đấu” quyết liệt giữa các đơn vị !
Trước hết, đó là sự đấu tranh ngay tại gia đình – bố và mẹ sẽ mâu thuẫn nhau về việc đưa con đi can thiệp hay chưa cần, vì có khi ngay cả khi đã có những minh chứng rõ ràng về tình trạng của con – Đa phần là người bố vẫn không chấp nhận, họ tự an ủi mình là con chỉ chậm nói, chỉ nghịch ngợm quá mức, chỉ không chịu nghe lời và chỉ có vài hành vi không giống ai thôi. Ngay cả với người mẹ, cũng không dễ để có được sự chấp nhận về tình trạng và mức độ của con mình. Đến khi đưa con đi can thiệp, ngoại trừ các yếu tố như ở địa phương mình không có trường, trung tâm hay cơ sở can thiệp… thì các phụ huynh đành phải tìm các giáo viên đến can thiệp tại nhà hay đưa trẻ đến nhà cô với một vài trẻ khác. Còn phần lớn sẽ hỏi ý kiến các chuyên gia, hay đơn giản hơn là đưa mong muốn can thiệp của con lên FB, và thế là một đống các thông tin về một đơn vị nào đó được gửi đến PH. Cũng có PH tự mình lên mạng, tìm cơ sở cho con và bắt đầu rơi vào một môi trường “thập diện mai phục” của đủ mọi hình thức quảng cáo , mà chỉ đến khi cọ xát thực tế, mất đứt vài tháng, thậm chí cả năm cho con đi can thiệp mới nhận ra là những lời có cánh không phải là thực chất của đơn vị đó. Vậy làm thế nào để tìm cho mình một đơn vị tốt ? Ngoài yếu tố gần nhà ( đôi khi không có sự chọn lựa ) thì các yếu tố còn lại là gì ?
- Cơ sở vật chất hoành tráng hay ít ra thì cũng có các phòng can thiệp cá nhân, can thiệp nhóm, phòng ngôn ngữ, phòng tâm vận động. Thực chất, đây là vấn đề “ phải thông cảm” nhiều nhất , bởi vì ngoài những hạn chế về diện tích ( ở các TP lớn ) hạn chế về vốn đầu tư , thì cũng không thiếu các cơ sở mà người phụ trách hay chủ cơ sở không biết đầu tư như thế nào luôn ! Họ nghĩ đơn giản là cũng giống như một cái trường mẫu giáo với các dụng cụ học tập ( bàn ghế tủ kệ … ) và đồ chơi ( phần lớn là mua ở chợ hay các đồ chơi của trẻ mẫu giáo ) – có nhiều người bỏ hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu để trang bị nhưng nếu gọi là có thể dùng được cho trẻ đặc biệt thì chắc phải bỏ đi ít nhất 50% ! và bổ sung 50% các học cụ chuyên biệt ! Nhưng trang bị thế nào là phù hợp với trẻ đặc biệt ?đó cũng là một vấn đề đau đầu mà không phải chỉ có tiền nhiều là đủ, mà còn cần có sự hiểu biết thực sự về lãnh vực giáo dục đặc biệt mới có thể có các trang bị phù hợp và phát huy được hiệu quả trong việc giúp trẻ phát triển về các mặt. Có một cái chuẩn mà nhiều cơ sở tự đặt ra, đó là trang bị cho mình một phòng gọi là phòng Tâm Vận Động ! Khoan nói tới việc đã có rất nhiều hiểu lầm về thuật ngữ hay phương pháp Tâm vận động – mà việc bỏ ra vài chục triệu, thậm chí gần trăm triệu để trang bị ( có những công ty chuyên cung cấp trọn gói một phòng Tâm vận động ) thì cũng chưa chắc đó có đúng là công cụ tâm vận động hay không ? và cho dù có công cụ đầy đủ, mà giáo viên có không biết vận dụng đúng các nguyên tắc của Tâm vận động thì cũng như không.
- Vấn đề thứ hai là điều quan trọng để đánh giá một cơ sở – đó là kế hoạch can thiệp ! Đây là mấu chốt để xem xét các GV của cơ sở đó có đủ năng can thiệp cho trẻ hay không ? Bởi vì ai cũng biết, trẻ đặc biệt nhất là trẻ Tự Kỷ thì không có trẻ nào giống trẻ nào – Một chương trình can thiệp về mặt lý thuyết có thể giống nhau, các bài tập cũng có thể như nhau, Nhưng đến khi vận dụng vào trẻ là khác nhau – có thể áp dụng nguyên tắc này cho trẻ, nhưng trẻ khác thì lại là nguyên tắc khác cần chú ý nhiều hơn. Người GV giỏi là người GV biết vận dụng 1 cách linh hoạt các lý thuyết và bài tập dành cho học trò của mình. Vì thế, dù cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, dù mức độ của trẻ chưa thể được xác định ngay trong thời gian đầu, thì ở một cơ sở can thiệp tốt, GV hay người phụ trách chuyên môn phải đưa ra đươc định hướng, kế hoạch hàng tuần, hàng tháng và mục tiêu can thiệp cho trẻ . GV đó phải trao đổi, trình bầy với phụ huynh về những biện pháp ( bất kỳ theo phương pháp nào ) về mục tiêu trong tháng thứ 1, tháng thứ 2, tháng thứ 3 . Nếu chi tiết hơn thì sau 1 – 2 tháng gọi là là quen với trẻ, thì phải có kế hoạch hàng tuần. Muốn có điều này thì GV phải xác định được mức độ nặng hay nhẹ hay trung bình của trẻ mà mình phụ trách. Nếu sau 3 tháng mà GV chưa đưa ra được các định hướng can thiệp, chưa đánh giá được tình trạng và mức độ của trẻ thì PH cần xem xét lại việc gửi con tại đây !
- Vấn đề thứ ba tuy rất khó xác định, nhưng lại là điều không thể thiếu trong lãnh vực giáo dục đặc biệt ! Đó chính là khả năng biết chơi đùa với trẻ và tình yêu thương mà giáo viên dành cho các học sinh của mình . Một cơ sở vật chất thiếu thốn, có thể chấp nhận được, một kế hoạch can thiệp chưa thực sự rõ ràng, đầy đủ… cũng có thể du di để dần dần người GV sẽ hoàn thiện . Nhưng một giáo viên mà không biết chơi đùa với con, lúc nào cũng thờ ơ, hay nghiêm nghị ( cho trẻ sợ thì nói nó mới nghe ) hay một Gv không có tình yêu thương với các “ đứa con tinh thần” của mình. Đến dạy trẻ mà như đi làm công chức, trong giờ can thiệp thì lo chat chit, lướt FB hơn là lắng nghe để thấu cảm với những hành vi kỳ cục của trẻ ! Thích quát trẻ hơn là cười đùa, thích buộc trẻ phải làm theo các yêu cầu để nói, để giao tiếp hơn là mời gọi trẻ cùng ngồi, cùng ngả ngớn lăn lê bò toài . Giờ can thiệp, cô – trò đối điện gần 1 giờ đồng hồ, chỉ là những động tác, lời nói lập đi lập lại, được lập trình sẵn của GV để buộc cho trẻ phải nói cho bằng được… Thì đó chính là tiêu chí đánh giá tốt nhất mà phụ huynh có thể thấy được và nếu không có các yếu tố này thì cho dù mọi thứ khác là tốt, cơ sở vật chất ngon lành thì cũng nên nói lời tạm biệt.
Cuối cùng , thế nào là một chương trình can thiệp tốt nhất mà các cơ sở có thể đem lại cho trẻ đặc biệt ! Đó chính là một chương trình phụ huynh hoàn toàn có thể nắm bắt và có thể phối hợp một cách tốt nhất tại gia đình. Cơ sở nào có đủ khả năng thuyết phục, dụ dỗ, lôi kéo và bắt buộc..không phải dành cho trẻ mà là dành cho phụ huynh để có thể hợp tác với mình, đó mới là một cơ sở tốt nhất. Nếu một cơ sở không đưa được chính phụ huynh của trẻ vào chương trình can thiệp bằng việc tác động, hướng dẫn, trao đổi, chia sẻ… để cho các ông bố, bà mẹ biết cách về nhà dành thời gian cho con, ít nhất mỗi ngày 1 giờ ngồi chơi với con . Nếu cơ sở không chia sẻ các thông tin về cách dạy trẻ, để yêu cầu bố mẹ cùng tham gia tác động mà lại yêu cầu bố mẹ không cần phải quan tâm đến việc cơ sở đang dạy trẻ các gì, đang đặt ra mục tiêu gì và thậm chí tuyên bố ( điều phụ huynh rất thích nghe ) là can thiệp ở cơ sở là đủ rồi, bố mẹ chỉ cần đóng tiền hàng tháng mà không cần phải làm gì cho con thêm ở nhà – Thì đó chính là một cơ sở giáo dục tệ nhất mà PH nên tránh xa, hơn là bị chinh phục bởi các phòng học trải thảm, gắn máy lạnh và không yêu cầu gì về phía mình. Còn chuyện tuyên bố là 3 tháng hay 6 tháng thì con sẽ nói được là một điều tối kỵ ( nhưng nhiều PH cũng..thích nghe lắm ) Điều này khác hẳn với các chương trình giáo dục dành cho trẻ bình thường, bởi vì các em là VIP mà . Đã là VIP thì phải luôn luôn được tôn trọng, yêu thương, thấu hiểu , cảm thông và ..chấp nhận ! Đến đây thì các PH đã có thể chọn được cho mình và con một đơn vị rồi chứ ? Nếu chưa – xin giới thiệu 1 cơ sở tốt nhất của mọi địa phương, mọi thời đại : Cơ sở đó có tên là Gia Đình !
Lê Khanh