CHƠI VỚI TRẺ TỰ KỶ
22/04/2020
THẾ NÀO LÀ MỘT CƠ SỞ  CAN THIỆP TỐT ?
07/05/2020
CHƠI VỚI TRẺ TỰ KỶ
22/04/2020
THẾ NÀO LÀ MỘT CƠ SỞ  CAN THIỆP TỐT ?
07/05/2020

Nói về tác giả Dale Carnegie với nghệ thuật Hướng dẫn con người thành công qua giao tiếp  trong cuộc sống,  và tác phẩm nổi tiếng : Đắc Nhân Tâm – một cuốn sách được dịch ra hàng chục thứ tiếng và phát hành hàng triệu bản trên thế giới thì chắc ai cũng biết. Phương pháp và sách của ông dựa trên một nguyên lý  xưa như trái đất, từ Đông sang Tây đều biết : Tâm lý muốn được khen của con người ! và nguyên tắc giao tiếp ông giới thiệu để đem lại sự thành công cho cuốn sách chỉ là : Hãy tìm cách khen người – đừng chê bai chỉ trích ai hết và khi bất đắc dĩ phải chê thì nhận lỗi về mình trước đi, rồi hãy lựa lời mà nói sao cho người ta đừng mất lòng, không làm tổn thương tự ái của họ. Chỉ có nhiêu đó thôi mà không phải ai cũng áp dụng được , nên mới phải mua sách về đọc hoặc thám dự các khóa huấn luyện!

Đọc một bài viết của bác Tony Buổi sáng trên FB – người có nhiều bài bút ký dí dỏm và xác đáng về cách sống và cuộc sống, thì cũng như thế, nhưng bác ý  lại cho rằng đặc tính thích được khen đó là của người Châu Á – vì thế, đừng dại mà tranh luận hơn thua với người da vàng mũi tẹt . Tony nhận xét cũng đúng luôn! Từ trong các lớp học cho đến các cơ quan đơn vị , thì cái tinh thần tranh luận để tìm ra điều hợp lý nhất hầu như không có ở Việt Nam. Nếu lướt một vòng trên FB thì chúng ta thấy ngay, những bài viết ít khi đưa đến sự tranh luận mà chủ yếu ai cũng tìm lời khen . Nếu có các yếu tố có thể dẫn đến tranh luận, thì ai cũng bảo vệ quan điểm của mình đến cùng, dù có khi rất áp đặt và ngụy biện, hoặc tìm cách cãi cho bằng được . Nếu cãi không lại thì một là nói ngang, cãi bướng, lý sự cùn hai là block luôn những người trái quan điểm với mình, chứ ít ai dám tự nhận là mình sai và càng hiếm người có thể xin lỗi công khai về những cái không đúng của mình.

Cái tâm lý thích được khen đó cũng thể hiện ra bằng những tấm hình  “tự sướng” của những người đã đẹp và muốn đẹp – của những người thích khoe con và khoe các thứ tốt đẹp thuộc về mình – mọi người vào comment chỉ được quyền khen !không thì block ráng chịu !  Cũng như khi đưa ra một ý kiến và nhờ mọi người trả lời bằng câu hỏi : Đúng hay rất đúng ? không cho phép nói là sai !

…  Nhưng đặc điểm thích khen đó đâu chỉ có ở người Á Châu . Bằng cớ là từ những năm 1912 – Dale Carnegie đã dựa vào cái tính thích được khen của người Tây Phương ( cụ thể là người Mỹ ) để mở đầu cho một hệ thống các khóa học  cách lấy lòng người bằng tiếng khen, nổi tiếng cho đến nay.

Vì thế, cho nên phải tập ..khen và cũng chỉ nên đưa ra lời khen ! Nhưng nếu chỉ là khen nịnh, khen láo, khen theo định hướng và khen những điều không đáng kể, hoặc tìm cách thổi phồng lên để khen  thì có khi bị hố hàng và có thể  bị chửi sấp mặt hoặc bị vạch mặt  là một hình thức tuyên truyền , quảng cáo không hơn không kém.  Có nhiều quảng cáo trên TV thiếu tư duy, đã đưa ra những clip quảng cáo đẩy sản phẩm lên chín tầng mây mà không thấy được sự vô duyên của mình – Quảng cáo nước mắm mà gắn với hương sắc của một người đẹp duyên dáng thì quả thực là ngào ngạt luôn !  Chính tác giả sách “ Đắc nhân Tâm” cũng dặn dò : Những phương pháp này ( Lấy lòng người  qua sự khen ngợi ) chỉ có kết quả khi nó được áp dụng một cách chân thành, xuất phát từ đáy lòng mà ra ! Hay nói cách khác là phải biết khen đúng – khen đủ và khen thực lòng !

Trong việc nuôi dạy con cũng thế ! Trẻ con cũng thích được khen , nếu được khen đúng và được bố mẹ cám ơn về những hoạt động trong công việc nhà, thì sẽ trở nên tự tin và mạnh dạn hơn. Có nhiều phụ huynh thì chỉ thích chê, và còn  đem những điểm yếu của con ra so sánh với những đứa trẻ khác . Con lười học thì đem ra so với cái thằng giỏi nhất lớp, con ăn nói có phần vô duyên thì so sánh với cái đứa vô cùng lễ độ, chưa thấy mặt đã nghe tiếng chào !   Họ nghĩ rằng, nói như thế để con biết xấu hổ, biết tự ái mà cố gắng lên ! Thực ra Rất ít trẻ có được cái ý chí , biết chấp nhận cái sai để quyết tâm khắc phục . Điều này thường chỉ có ở những người đã trưởng thành.  Sự trưởng thành ở đây không đo bằng tuổi tác, không phải cứ hễ có râu là thành trưởng lão. Bởi vì không thiếu gì người đầu hai thứ tóc mà cư xử giống như đứa trẻ ranh , dễ hờn giận, nhiều tự ái, cố chấp và không có ý chí tiến thủ !  Ngay cả khi người ta đã chỉ đúng những cái sai, cái yếu và cái thiếu của mình cũng vẫn không chấp nhận , có khi lại đổ thừa cho hoàn cảnh ! Đó vừa là tâm lý chung ( thích được khen – không thích chê ) nhưng cũng cho thấy sự chưa trưởng thành về nhân cách.

Vì vậy, bố mẹ nên tìm cách khen con, nhưng phải khen cho đúng những điều tốt mà trẻ làm được trong các hoạt động tại gia đình. Có thể chỉ là những điều đối với người lớn thì rất nhỏ nhặt, nhưng với đứa trẻ thì đó đã là một cố gắng to lớn. Cũng còn phải biết cách chê đúng – chê đúng là không chỉ trích cá nhân đứa trẻ, không hạ thấp lòng tự trọng của nó, không dán nhãn tiêu cực lên trán: mày là đứa lười biếng, là kẻ vụng về, là thằng nói láo ! Hãy chỉ ra những hậu quả do hành động sai lầm của trẻ thôi, và khích lệ trẻ cố gắng làm tốt hơn.  Giáo dục con bằng sự tử tế tôn trọng và nghiêm khắc, chứ không bằng sự áp đặt và cưng chiều. Biết nhìn nhận những giá trị của người khác và khen ngợi một cách thực lòng, không xu nịnh lấy lòng, không dùng lối khen xã giao để mua chuộc cảm tình, đó mới gọi là người trưởng thành.

Lê Khanh

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý