Thụ thai và sinh trưởng

Tôi tên là Lê Hùng, nhưng ở nhà bố mẹ và cả cô em của tôi là Na cứ gọi tôi là Nic, vì vậy các bạn cứ gọi tôi là Nic nhé. Tôi cũng như em tôi đều do bố mẹ tôi sinh ra, đó là điều dĩ nhiên nhưng sinh ra như thế nào thì lại là một chuyện khác…

 

CHÚNG TA SINH RA NHƯ THẾ NÀO ?

Tôi tên là Lê Hùng, nhưng ở nhà bố mẹ và cả cô em của tôi là Na cứ gọi tôi là Nic, vì vậy các bạn cứ gọi tôi là Nic nhé. Tôi cũng như em tôi đều do bố mẹ tôi sinh ra, đó là điều dĩ nhiên nhưng sinh ra như thế nào thì lại là một chuyện khác, tôi đã đem thắc mắc biết hỏi ai này hỏi ngay …bố tôi, ông cho biết sau khi bố mẹ ăn ở với nhau, tôi đã được hình thành khi tinh trùng của ông tiếp xúc với trứng của mẹ tôi tại Tử cung. Đây là một việc không đơn giản, vì để đạt yêu cầu thì việc này chỉ có thể diễn ra trong một giai đoạn nhất định, xảy ra rất ngắn ngủi mỗi tháng một lần vào lúc rụng trứng mà thôi.

Tôi mới hỏi bố tôi, thế trứng là cái gì ? sao lại gọi là trứng thì được biết: Trứng có nơi bà mẹ là một khối tế bào nhỏ, tròn được bao bọc bởi một màn trong suốt và một cái nhân đường kính khoảng 0,1 – 0,2mm trông như quả trứng gà vậy. Đây là tế bào duy nhất của cơ thể mà chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Khi rụng, trứng sẽ được đưa đến điểm hẹn với tinh trùng giống như một trái banh trôi trên giòng nước.

Tế bào là đơn vị nhỏ nhất để kiến tạo cơ thể giống như những viên gạch kiến tạo nên cả một tòa nhà, điều này thì tôi đã biết, nhưng còn tinh trùng là cái gì vậy bố !

– À, con biết con nòng nọc không ? Tinh trùng cũng giống như con nòng nọc vậy, nhưng đó là một con nòng nọc tí hon, có một cái đuôi thật dài mà mắt ta không thể thấy được vì nó nhỏ hơn trứng đến 50 lần.Tinh trùng có cái đầu chứa các mã số di truyền, chính các mã số này sẽ quyết định mẹ sẽ cho ra đời  con  hay  em gái con  có những đặc điểm giống bố mẹ. Còn cái đuôi dài sẽ giúp cho chú nòng nọc này có thể lội đến điểm hẹn khoảng từ 10 – 15 cm (khoảng 10 km nếu tính theo tỷ lệ của con người ) sau khi được bố đưa vào người mẹ qua đường sinh dục. Bơi 10 km để đến điểm hẹn quả thực là một hành trình gian khổ, không những thế lại còn những trở ngại như bướu hay dị tật tử cung với hai nút chặn sàng lọc khắc nghiệt là cổ tử cung và đường ra vòi trứng vì vậy chỉ có chú tinh trùng nào khỏe mạnh mới có thể đến đích, và cũng chỉ có chú tinh trùng nào nhanh nhất, khỏe nhất mới có thể chui vào trong cái trứng để bắt đầu hình thành được một cái thai.

Trong điều kiện bình thường chỉ 30 phút sau khi xuất tinh, mọi chuyện đã giải quyết xong, thụ thai hay không thụ thai, ra con hay em gái con đều đã được quyết định. Và cho đến nay, thì việc thụ thai được hay không được vẫn còn là một bí ẩn y học .Trong thời gian này, từ hàng triệu chú tinh trùng ban đầu mới đổ bộ, chỉ còn khoảng 50 chú có khả năng tiếp cận trứng và chỉ có một chú duy nhất có thể chui vào bên trong !

Sau khi một chú tinh trùng đã lọt vào, thì ngay lập tức xuất hiện một luồng điện ức chế khoảng 30 giây và trứng tạo ra một lớp bảo vệ để ngăn cản không cho một chú nào vào nữa. Quy trình tiếp cận trứng chỉ 30 phút, nhưng quy trình thụ tinh củ a tinh trùng sau khi đã hòa nhập vào trứng lại kéo dài không dưới 24 giờ để hình thành một thụ thể mới mang tên hợp tử chứa 23 nhiễm sắc thể “ nội địa” của trứng và 23 nhiễm sắc thể “ngoại nhập” của tinh trùng với những đặc điểm di truyền của người cha.

Hai trong số nhiễm sắc thể đó gọi là nhiễm sắc thể giới tính, chính 2 nhiễm sắc thể  này sẽ quyết định phái tính của bào thai – Nhiễm sắc thể giới tính của mẹ luôn luôn mang giới tính X, còn nhiễm sắc thể của bố có thể mang giới tính X hay Y – Nếu là X, thì hợp tử sẽ là XX và bào thai trở thành gái, còn nếu tinh trùng là Y, hợp tử sẽ là XY và thế là thành con trai! Vì vậy, việc sinh trai hay gái là hoàn toàn do tinh trùng của bố quyết định – mẹ con không có trách nhiệm gì trong chuyện này.

Như vậy, thai phẩm là kết quả của sự gặp nhau của hai giao tử nam và nữ để cho ra một hợp tử, tại một địa điểm nhất định, để hình thành một phôi dâu, rồi trở thành phôi bào, sau đó gọi là bào thai và cuối cùng thì được gọi là  thai nhi trước khi mang chức danh là trẻ sơ sinh sau khi chui ra khỏi bụng mẹ.

Tuy nhiên, con biết không ! trên 100 lần gặp gỡ, chỉ có 84 lần có thể thụ tinh và chỉ một tuần sau còn 42% tồn tại. Cuối cùng, sẽ có khoảng 30% hình thành được bào thai. Vì vậy, để có một đứa con như con  không phải là điều dễ dàng, nên như con đã biết, chú con lấy thím con đã lâu rồi mà vẫn chưa sinh được đứa con nào cả !

Té ra sự hiện diện của tôi trên cõi đời này cũng có giá trị lắm chứ bộ ! Ô, đã đến giờ cơm rồi, thôi chào bạn tôi đi ăn cơm đấy, vì tôi phải giúp cho cơ thể mình đủ chất dinh dưỡng để phát triển nữa chứ .

PHÁT TRIỂN THAI NHI

Đến tối, tôi lại đến gặp mẹ tôi để hỏi tiếp là khi mới sinh ra thì tôi như thế nào – Bà cho biết :

Sau khi được mẹ sinh ra thì  nhu cầu chính của con là nhu cầu dinh dưỡng và gắn bó với mẹ. Con cũng như em con  phải được nuôi dưỡng bằng những thức ăn phù hợp, mà loại thức ăn tốt nhất là sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Bởi vì, ngoài những dưỡng chất. sữa mẹ còn có những chất kháng sinh tự nhiên giúp con có khả năng đề kháng với một số bệnh tật thông thường. Nhưng điều quan trọng là khi cho con bú, mẹ còn tạo ra được sự gắn bó với con. Điều này đáp ứng được nhu cầu phát trriển về mặt tâm lý cho con.

Về phương diện tâm lý, việc bồng ẵm của mẹ không chỉ giúp cho con được phát triển về vận động, mà còn giúp cho con được tiếp xúc trực tiếp với mẹ bằng các giác quan một cách thường xuyên , điều này giúp cho con có được những cảm nhận tinh tế và tích cực hơn, tạo được cảm giác an toàn.

Vì thế, mẹ tôi cho biết trong trường hợp thiếu sự bồng ẵm của bố mẹ, tôi có thể bị hội chứng vắng mẹ, cho dù được cho ăn uống đầy đủ nhưng tôi vẫn chậm phát triển về trí tuệ, suy nhược, có thể dẫn đến tử vong. Vì đây là giai đoạn cộng sinh giữa mẹ và con. Vì vậy, mẹ của tôi dù phải đi làm kiếm ăn, cũng vẫn cố gắng để chăm sóc cho tôi cho đến 18 tháng tuổi rồi mới tính đến việc  gửi nhà trẻ .Đó là một điều hết sức may mắn cho tôi phải không các bạn ?

Khi Tôi được 3 tuổi, thì mẹ tôi cho đi học ở trường Mẫu Giáo vì lúc này nhu cầu chính của tôi là sự phát triển các khả năng quan hệ  nói, nghe, nhìn và nhận thức – Các khả năng này chỉ có thể hình thành bằng việc giao tiếp với những người thân trong gia đình và những người khác ( trẻ khác – giáo viên …) thông qua các hoạt động vui chơi.

Các bạn biết không, thông qua các hoạt động vui chơi ở nhà và ở trường đã góp phần trong việc giúp cho tôi:

–          Luyện tập dáng đi thẳng đứng

–          Tiếp xúc và sử dụng các công cụ

Thông qua sự phát triển vận động tôi sẽ xây dựng các khả năng nhận thức :

–          Biết phân biệt bản thân và người khác

–          Tư duy mang tính trực giác toàn bộ, chưa biết phân tích.

–          Từ bỏ dần những khoái cảm xúc giác để hướng đến những nhu cầu tinh thần như được quan tâm, được trò chuyện …

Mẹ tôi cũng cho tôi biết, khi lên 4 tình cảm của tôi bắt đầu có sự phân hóa vừa mang tính ái kỷ (yêu bản thân) vừa yêu thương những người trong gia đình. Vì thế tôi dễ có những phản ứng ấm ức (vì không được tự do làm theo ý mình ) và hụt hẫng vì mong muốn được sự quan tâm toàn diện của bố mẹ. Tôi bắt đầu muốn được gọi bằng Nic và cũng tự xưng mình là Nic trong việc giao tiếp với mọi người.

Qua việc bồng ẵm, vuốt ve, chăm sóc của bố mẹ. Tôi cảm thấy rất  thích thú và được kích thích giống như người lớn. Đây là điều hoàn toàn bình thường cho sự phát triển giới tính ổn định – Ngay cả việc sờ mó bộ phận sinh dục mà với tôi, đó chỉ là một trò chơi thích thú, đơn giản là vì hệ thần kinh đã vận hành tốt. Khi bắt gặp các hành vi này, bố mẹ tôi lúc đầu cũng ngạc nhiên, do không biết đó cũng chỉ là một quy trình phát triển giới tính bình thường. Nhưng sau đó thì cũng biết rằng tôi có cảm giác khoan khoái khi nghịch ngợm nhưng không hiểu điều đó như một vấn đề đạo đức ở ngươi lớn vì thế không nên áp đặt chuyện tốt xấu trong vụ này.

Bố tôi đọc trong sách và được biết rằng: Theo nhà tâm lý học Shelma Freiberg thì: “Trẻ em đánh giá bản thân qua cảm giác của cơ thể. Nếu trẻ thấy rằng việc nghịch ngợm hay tò mò tìm hiểu “chỗ đó” là xấu xa, thì các em sẽ nghĩ cơ thể mình xấu xa và chính các em cũng là kẻ xấu xa !” Ngoài ra, nếu trẻ không được giải thích một cách đơn giản và rõ ràng về chức năng của bộ phận sinh dục, giống như giải thích về con mắt, cái miệng… mà lại được “giáo dục” bằng sự che dấu hay đùa giỡn, thì chính điều này sẽ cho các em một suy nghĩ, đó là những chuyện xấu xa của một bộ phận xấu xa, và điều này sẽ có thể đưa đến những hậu quả “xấu xa” khi các em bước vào lứa tuổi dậy thì.

Khi tôi lên 6 tuổi được đi học lớp 1 là giai đoạn mà tôi bắt đầu phải ép mình vào những nguyên tắc về kỷ luật, nếu không được chuẩn bị tốt trong lúc học mẫu giáo có thể tôi sẽ có những phản ứng như : Hiếu động, quậy phá, trầm cảm, đái dầm …

Bạn biết không, mẹ tôi còn cho biết khi tôi vào lớp 6 thì về mặt cơ thể, sự phát triển của tôi có vẻ chậm hơn lúc nhỏ, mỗi năm cao thêm khoảng 2-5 cm, nặng thêm từ 0,7 – 1kg. Tuy nhiên, diện mạo và dáng vẻ bên ngoài có sự biến đổi, tôi bắt đầu chú ý đến thân thể mình, sự khác biệt về phái tính, sự phối hợp các vận động trở nên khéo léo hơn.

Tôi có khả năng ghi nhớ, nếu được hướng dẫn bằng những hành động trực quan, cụ thể thì  sẽ nhớ lâu hơn. Trí tưởng tượng phát triển rất mạnh, vì vậy lúc đó tôi chưa phân biệt được giữa thực tế và ảo tưởng (thích xem phim hoạt hình, các trò chơi trên máy vi tính) .

Tôi bắt đầu có khả năng định hướng trong không gian, thời gian và xã hội, biết mình đang ở đâu, lúc này là sáng hay tối, bố tôi tên Nam, còn mẹ tôi tên Lan …bố đi làm còn mẹ đi buôn bán … Tôi có thể kiểm soát phần nào cảm xúc của mình, nhưng mỗi lần mếu máo sắp khóc là tôi lại được bố mẹ nhắc nhở: Là con trai thì đừng có mít ướt như thế chứ, điều này giúp tôi xác định được giới tính của mình nhưng nếu bố mẹ tôi áp dụng một cách cứng nhắc, không cho phép tôi khóc bằng nhiều cách, khiến cho tôi phải đè nén những xúc cảm, thì có thể làm cho tôi  trở nên lạnh lùng hay hung bạo khi trưởng thành, nhưng cũng thật là may, tôi được khóc thoải mái, nhưng vì tôi không thích hơi chút là nhè cái miệng ra như con nhỏ út Na, vì thế được bố khen là ra dáng nam nhi lắm, khiến tôi rất khoái!

Trước đây tôi thích quanh quẩn bên mẹ hay cứ bắt bố cõng đi khắp nhà, nhưng dần dần quan hệ bạn bè càng ngày càng chiếm một vị trí quan trọng hơn, có những ảnh hưởng nhất định đến tính cách của tôi và tôi bắt đầu có khuynh hướng thích làm thủ lĩnh trong lớp. Tôi đưa ra những kế hoạch đi chơi, nghịch ngợm, trong khi anh chàng Tí và Bo bạn của tôi trong lớp thì chỉ thích sai phái, bảo gì làm nấy.

Sự phát triển về phái tính trở nên rõ ràng hơn. tôi phát triển về thể lực nhanh hơn cô bé Bông nhà hàng xóm, nhưng tôi được biết trẻ gái lại phát triển về tâm lý nhanh hơn trẻ trai, điều này giải thích vì sao trẻ gái thường thích chơi với người lớn tuổi hơn và khi bước vào lứa tuổi dậy thì, các em vẫn xem những bạn trai cùng tuổi là “đồ con nít”. Trẻ trai thường cho nhu kết kết hợp lại thành từng nhóm nhỏ với những quy định riêng, còn trẻ gái thường chỉ thích kết bạn với một vài người và có khuynh hướng gắn bó lâu dài.Cũng lạ phải không các bạn !

Trong lứa tuổi này, tôi đã có những hiểu biết về sự khác biệt nam nữ, và cũng bắt đầu phát sinh những tò mò tìm hiểu được cụ thể hóa qua các trò chơi vợ chồng, đi khám bác sĩ nhằm “thám sát” bộ phận của nhau để tìm hiểu xem mình có khác gì những đứa khác hay không !

Những trò chơi giới tính đó, nếu được nhìn dưới nhãn quan của những bố mẹ có hiểu biết thì không có vấn đề gì, nhưng chính phản ứng gay gắt hay khắc nghiệt của người lớn sẽ tạo ra tình trạng không bình thường vì đứa trẻ không sao hiểu nổi, một trò chơi “hay” như vậy mà lại bị gán cho những từ như : “tầm bậy, tục tĩu, dơ dáy …” đây chính là cái nhìn của người lớn chứ không phải là của những đưá trẻ như tôi.

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *