Một nền giáo dục tuyệt vời
17/06/2013
Để trẻ tự tin hơn trong cuộc sống
24/06/2013
Một nền giáo dục tuyệt vời
17/06/2013
Để trẻ tự tin hơn trong cuộc sống
24/06/2013

Trước đây, việc kém chăm sóc, bỏ bê hoặc ôm ấp thái quá của cha mẹ thường được xem là nguyên nhân chủ yếu gây ra những trở ngại tâm lý cho trẻ. Đặc biệt là những trở ngại trong giao tiếp.

Ngày nay, điều này không còn đúng nữa mặc dù vẫn chưa xác định được đâu là nguyên nhân chủ yếu, vì với các nhà thần kinh hay sinh học thì các nguyên nhân về thần kinh và sinh học dĩ nhiên là yếu tố quan trọng. Còn các nhà di truyền học cũng góp phần để đưa ra các nguyên nhân về di truyền dẫn đến những yếu tố phức tạp tạo ra tình trạng rối nhiễu của trẻ em.

   Ngay nay, việc tranh luận về các nguyên nhân chủ yếu vẫn không ngã ngũ nhưng chúng ta có thể chấp nhận một yếu tố dung hòa, đó là tùy theo tình trạng của từng trẻ mà nguyên nhân về sinh học, thần kinh, di truyền hay tâm lý sẽ góp phần quan trọng hơn trong việc hình thành những rối nhiễu. Tuy nhiên, dù bất kỳ vì lý do gì, thì rối nhiễu tâm lý, đặc biệt trong các rối nhiễu về quan hệ ứng xử, việc tìm kiếm các nguyên nhân không phải là một yêu cầu quan trọng, mà điều cần thiết là đánh giá được mức độ rối nhiễu và thuyết phục được bố mẹ trong việc xây dựng một Tiến trình Chăm sóc – giáo dục và trị liệu cho trẻ.

Hơn nữa, khi đứng trước các rối nhiễu tâm lý, bố mẹ của các em thường rất bối rối. Họ không hiểu là tình trạng này khác với các bệnh tật thông thường mà những biện pháp can thiệp tích cực từ các nhà chuyên môn thường đem lại kết quả tốt . Họ vẫn mong muốn tìm được một liệu pháp đến từ các nhà chuyên môn chứ họ không nghĩ rằng, chính sự điều chỉnh trong cách ứng xử và chăm sóc của mình mới là yếu tố cần thiết để giúp cho trẻ lấy lại được sự quân bình.

Các bậc cha mẹ cũng thường có những đánh giá thiếu chính xác về tình trạng của con mình, có người thì cho rằng trẻ không có vấn đề gì, có người lại rất bi quan về tình trạng mà họ cho là rất nghiêm trọng của con. Nhưng dù nhẹ hay nặng, họ đều mong muốn có một liệu pháp, hay một vài loại thuốc thần kỳ nào đó có thể biến đổi đứa con rối nhiễu của họ trở thành một đứa trẻ bình thường như bao nhiêu trẻ em khác.

1.Các nguyên nhân đưa đến tình trạng rối nhiễu:

Chúng ta đã biết nguyên nhân của rối nhiễu tâm lý có thể xuất phát từ một trong ba lý do chính, nhưng cũng có thể bao gồm cả ba là:

1/ Di truyền: Trong một số rối nhiễu, như Tự Kỷ hay chậm phát triển thì di truyền là một yếu tố cần được xem xét,

2/ Sinh học: Ngoài hội chứng Down mà người ta đã biết rõ là do sự bất thường của nhiệm sắc thể – Dư một cặp ADN – Thì trong tình trạng Tự Kỷ cũng có những tổn thất rất nhỏ nơi các tế bào thần kinh của trẻ.

3/ Tâm lý: Những yếu kém trong quan hệ mẹ con là nguyên nhân của khá nhiều tình trạng tổn thương tâm lý của trẻ. Sự cải thiện trong quan hệ ứng xử là yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển tốt về nhiều mặt.

Chính vì vậy, trong một tiến trình trị liệu những rối nhiễu tâm lý của trẻ em, ngoài những can thiệp và chương trình trị liệu của các nhà chuyên môn như Chuyên viên Tâm lý, bác sĩ Tâm thần nhi hay giáo viên đặc biệt … thì các biện pháp giáo dục thích hợp của phụ huynh áp dụng cho trẻ tại gia đình có một vai trò quan trọng trong việc làm giảm nhẹ những nguy cơ cũng như nâng cao hiệu quả trị liệu, góp phần quan trọng trong việc giúp trẻ có những khả năng hội nhập với cuộc sống bình thường.

Tóm lại, do rối nhiễu tâm lý chịu tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau, nên việc chăm sóc, giáo dục và trị liệu không thể là một tiến trình đơn giản giữa một thày thuốc và bệnh nhân, mà đó là một cuộc hành trình của một ê kíp, một nhóm người đi cùng đứa trẻ, giúp đỡ và hỗ trợ cho trẻ tuỳ theo nhu cầu của nó và năng lực chuyên môn của mình. Bên cạnh đó, là sự cộng tác chặt chẽ của phụ huynh trong việc vận dụng các phương pháp, kỹ thuật giáo dục trong gia đình và một môi trường phát thuận lợi cho trẻ để đạt được kết quả tốt đẹp.

2.Ảnh hưởng của môi trường

Trước đây, khi chưa có những nghiên cứu sâu về những ảnh hưởng lên hệ thần kinh của thai nhi ngay từ khi còn trong bụng mẹ, thì đa phần mọi người, kể cả những nhà chuyên môn đều cho rằng, đứa trẻ sinh ra vốn bình thường nhưng do yếu tố môi trường, đặc biệt là sự thiếu vắng việc chăm sóc của bà mẹ, hay do sự chăm sóc không đúng cách đã tạo ra những rối nhiểu tâm lý cho trẻ, nhất là với những trẻ chậm nói hay có rối nhiễu trong quan hệ ứng xử như tình trạng Tự kỷ, thì sự thiếu chăm sóc, trò chuyện của bố mẹ thường được xem là nguyên nhân chính.

Điều này không sai, nhưng nó không thể giải thích cho những trường hợp dù bị bỏ bê ngay từ khi mới sinh cho đến suốt quá trình phát triển hoặc sự chăm sóc thiếu thốn đủ mọi phương diện, trẻ vẫn phát triển bình thường, và dù được chăm sóc tận tình ngay từ khi sinh ra, trẻ vẫn bị tự kỷ hay hiếu động, chậm nói như thường ! Vì thế, mặc dù yếu tố môi trường có một ảnh hưởng rõ ràng đến quá trình phát triển của trẻ, nhưng nó chỉ là yếu tố làm giảm phần nào nguy cơ rối nhiễu ở nơi những trẻ có tình trạng Tự Kỷ hay chậm nói, nếu được chăm sóc tốt và làm tăng nặng tình trạng này hơn, nếu thiếu sự quan tâm.

Điều đó có nghĩa là, yếu tố môi trường góp phần vào việc làm cho tình trạng rối nhiễu đã có sẵn ngay từ khi sinh ra ở nơi trẻ trở nên rõ ràng hơn, kéo dài hơn và khó điều chỉnh hơn, chứ việc ít giao tiếp trò chuyện quan tâm đến trẻ không thể tạo ra tình trạng chậm nói hay tự kỷ cho trẻ em.

Tuy nhiên, có một yếu tố rõ ràng gây ra cho trẻ những ảnh hưởng bất lợi về phát triển ngôn ngữ đó là việc cho trẻ xem TV quá sớm, quá nhiều ! Đây là điều hết sức đáng tiếc, vì là một điều có thể dễ dàng điều chỉnh, nhưng vì không để ý hay có những suy nghĩ sai lầm là cho trẻ xem TV sẽ mau biết bắt chước các hình ảnh, âm thanh mà các chương trình quảng cáo, ca nhạc thiếu nhi đem lại. Hay, đơn giản hơn, đó là việc cho trẻ xem TV để dễ dàng hơn trong việc cho ăn, và dần dần trẻ sẽ không thể nào cho ăn nếu không được xem TV !

Việc giao con cho ông bà, hay cho người giúp việc ít nói, không biết cách chơi đùa với trẻ cũng là một yếu tố nguy cơ, tuy không nặng như xem TV, nhưng thường điều đó lại là yếu tố dẫn đến chuyện cho trẻ xem TV! Bởi vì, ông bà hay người giúp việc không biết cách chơi với trẻ, mở TV ra thấy trẻ ngồi im, chăm chú xem thì lấy làm yên tâm là đã tìm ra cách làm cho trẻ vui, hay có thể dễ dàng cho trẻ ăn cháo, ăn bột hơn. Họ không biết rằng, đó là một điều hết sức tai hại cho trẻ trong quá trình phát triển và vì thế đã để lại những hậu quả rất khó khắc phục khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu của tình trạng rối nhiễu tâm lý khi bắt đầu bước vào tuổi lên hai hay lên ba !

3.Ảnh hưởng của những người thân

Ngoài môi trường, thì cách ứng xử và chăm sóc của những người thân, đặc biệt là bố mẹ cũng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành những rối nhiễu tâm lý ở trẻ em.

Trước hết, đó là tính cách của bà mẹ. Ngoài những tình trạng có thể gây ra những bệnh tâm thể nơi đứa trẻ, thì việc không biết cách cho con bú, không có những kiến thức và kỹ năng chăm sóc con, hay những cách ứng xử quá cứng rắn hay quá chiều chuộng, cũng sẽ gây ra những tác động đến tình trạng tâm lý của trẻ.

Ngoài ra, những kỳ vọng quá nhiều nơi đứa con như mong muốn nó được thông minh, phát triển mọi thứ năng khiếu, thậm chí là trở thành “thần đồng” cũng tạo ra những áp lực không nhỏ nơi trẻ, khiến cho những em mà hệ thần kinh không vững vàng sẽ bị ngã gục với những gánh nặng chất lên vai,.

Ngay cả đối với chính những trẻ rối nhiễu tâm lý thì việc quá nuông chiều và ôm ấp con, cho rằng nó bị khuyết tật hay có những tình trạng tổn thương tâm lý như thế, thì rất cần một sự chăm sóc tận tình, bảo bọc hết mức và vì thế, bà mẹ đã làm thay cho trẻ rất nhiều việc từ những chuyện đơn giản cho đến những điều phức tạp, khiến trẻ không còn khả năng để thoát khỏi sự ôm ấp bảo bọc mà lớn lên về tâm lý.

Có những bà mẹ thì lại quá tuyệt đối, khi có một đứa trẻ rối nhiễu, bà không bao giờ chấp nhận tình trạng đó, và tìm đủ mọi cách để mong rằng sẽ tác động bằng đủ mọi biện pháp cho trẻ khỏi “bệnh” mà trở lại tình trạng bình thường. Bà sẽ mải miết đi tìm hết phương pháp này đến phương pháp khác, mà không biết rằng, không bao giờ có một phương pháp nào hoàn hảo cả ! Mỗi phương pháp đều có cái hay, cái dở của nó, mà người chuyên viên hay các bậc bố mẹ có hiểu biết, sẽ TÙY CƠ ỨNG BIẾN, tùy theo tình trạng của trẻ để chọn lọc ra những phương pháp thích hợp nhất cho tình trạng của con mình cũng như không có thái độ đòi hỏi một sự toàn hảo trong bất cứ phương pháp nào.

Vì thế, khi có một trẻ rối nhiễu tâm lý thì thái độ ứng xử của người bố, hay mẹ đối với trẻ là một yếu tố quan trọng. Chính những nhận thức hợp lý, sự kiên trì trong việc vận dụng các bài tập, các kỹ năng cho trẻ sẽ góp phần rất lớn vào việc giúp trẻ có những biến chuyển tích cực trong việc ổn định tâm lý và phát triển khả năng ngôn ngữ.

CvTl LÊ KHANH

TT. Tư vấn tâm lý & Đào tạo kỹ năng RỒNG VIỆT

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý