Giúp Con Thành công
05/03/2012
Hành vi tích cực ở trẻ nhỏ
09/03/2012
Giúp Con Thành công
05/03/2012
Hành vi tích cực ở trẻ nhỏ
09/03/2012

Theo quan điểm của các nhà tâm lý hiện nay thì tình cảm hay cảm xúc của con người cũng được xem là một loại trí tuệ và có thể đánh giá , thậm chí có thể phát triển được.

Trí tuệ cảm xúc là gì ?

            Trên thực tế có những người không thể nhận biết và cũng không thể hiểu các trạng thái tình cảm của họ. Từ đó họ thường đưa ra những quyết định tồi, không sử dụng được sức mạnh của não bộ mà họ có. Mặt khác, những người biết cách điều chỉnh hay quản lý cảm xúc của bản thân thì dễ được mọi người chấp nhận để có thể đạt được những thành công trong cuộc sống.

Nếu chúng ta lại quay lại với các loại tính cách, và sẽ nhận ra rằng những biểu lộ cá tính trong nhóm tính hướng nội hay hướng ngoại như đam mê, điềm tĩnh, nhiệt tình, lãnh đạm …v..Chính là những trạng thái cảm xúc mà những người đó thường thể hiện trong các mối quan hệ hay thái độ sống của mình.

Tuy nhiên, đó chỉ là những tính cách về cảm xúc mà họ có và đủ để đại diện cho cá tính. Nhưng vấn đề là khả năng nhận ra và kiểm soát các loại tính cách đó. Nếu một người để cho cảm xúc thoát khỏi sự kiểm soát thì họ dễ rơi vào những tình huống khó khăn hay khó xử ! như trong cơn phẫn nộ hoặc tức giận, họ thường nói ra những lời mà sau đó lại phải ân hận. Đã có những trí thức, những quan chức cao cấp.. chỉ vì không kiểm soát được cảm xúc, buột miệng những câu nói hớ hênh một cách ngớ ngẩn hoặc thái quá, tuy chỉ là sự thiếu tự chủ nhưng có thể đủ cho họ bị mang tai tiếng, bị chế diễu hay thậm chí bị mất chức!

Hậu quả của những hành động thiếu kiểm soát khó mà lường trước được. Do đó các nhà tâm lý càng ngày càng đánh giá cao vai trò của cảm xúc và ảnh hưởng của nó đến đời sống con người. Cũng may mắn là vẫn có thể kiểm soát cảm xúc và hướng nó một cách đúng đắn bằng những biện pháp giáo dục trí tuệ cảm xúc !

Theo nhà tâm lý Ewa Chalimoniuk thì “Trí tuệ cảm xúc là khả năng cảm thấy được cảm xúc, nhận biết nó và đặt tên cho nó một cách đúng đắn”. Những người có trí tuệ cảm xúc tốt thường biết cách thể hiện tình cảm của mình sao cho phù hợp với hoàn cảnh, thậm chí có khả năng điều khiển nó mà đôi khi chúng ta gọi đó là đóng kịch! Nhưng thật ra đó là khả năng thích nghi, và điều đó cho phép họ hoạt động tốt hơn ngay cả trong những môi trường xa lạ, thậm chí là thù nghịch.

Sự phân biệt được cảm xúc của bản thân cũng như của người khác là điều cơ bản trong mối quan hệ với mọi người, mà người nắm bắt được cảm xúc của mình đồng thời biết kiềm chế nó, sẽ hiểu được cảm xúc của người khác tốt hơn. Khả năng này được gọi là sự đồng cảm. Một tính chất quan trọng nữa của trí tuệ cảm xúc là khả năng tập trung tình cảm vào những mục đích mà họ muốn đạt được. Tình cảm và sự đồng cảm giúp họ nhưng không có nghĩa là bỏ qua lý trí. Người có trí tuệ cảm xúc biết giữ sự cân bằng giữa tình cảm và lý trí.

Theo nhà tâm lý học Howard Gardner, có hai dạng trí tuệ cảm xúc khác nhau. Một dạng là khả năng hiểu, nhận biết và điều khiển các cảm xúc của chính bản thân, gọi là trí thông minh cá nhân của một người ( intrapersonal intelligence). Một dạng là khả năng hiểu và ảnh hưởng đến tình cảm của người đó, gọi là trí thông minh giữa các cá nhân với nhau (interpersonal intelligence).

Mặc dù các loại trí tuệ cảm xúc thường đi kèm với nhau, nhưng có loại thông minh tình cảm này chưa chắc đã đảm bảo rằng bạn có loại trí tuệ cảm xúc kia. Thực tế cho thấy một số người tài giỏi trong mối quan hệ với người khác (trí thông minh giữa cá nhân với nhau), nhưng họ lại không hiểu thấu được cuộc sống nội tâm của họ. Một số người khác biết các cảm xúc của bản thân rất tốt nhưng hiếm khi nhận thấy các cảm xúc của người khác.


Tại sao trí tuệ cảm xúc lại quan trọng?

            Một người dù rất thông minh, nhưng nếu không có khả năng làm chủ cảm xúc, để giữ được sự bình tĩnh trong hoàn cảnh khó khăn hay có thể nhận ra cảm xúc của người khác để từ đó có những đáp ứng thích hợp thì sẽ khó đạt được những thành công trong giao tiếp. Chúng ta cũng biết là khả năng giao tiếp là một kỹ năng quan trọng trong rất nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau. Điều này cho thấy:

  • Trẻ em cần trí tuệ cảm xúc cá nhân để được bạn bè chấp nhận và có khả năng đàm phán với bạn bè.
  • Trẻ vị thành niên cần trí tuệ cảm xúc cá nhân để tạo ra các cuộc hẹn hò và giữ bạn bè.
  • Người lớn cần trí tuệ cảm xúc trong công việc và trong các mối quan hệ. Đó là trí tuệ cảm xúc liên cá nhân.

            Nếu bạn không thể hiểu và điều khiển chính tình cảm của bản thân, bạn sẽ không bao giờ thực sự hành động trong thế giới này, mà tất cả những gì bạn có thể làm là phản ứng. Trên thực tế, có nghiên cứu cho rằng trí tuệ cảm xúc có giá trị hơn trí thông minh trí lực (IQ) trong công việc và sự toại nguyện trong cuộc sống.

Trí thông minh cảm xúc là một quá trình xử lý thông tin và phản ứng với các thông tin đó qua các trạng thái tình cảm. Các trạng thái này cũng là một dạng thông tin về cơ thể và cách cơ thể chúng ta phản ứng với thế giới và với các ý tưởng.

Các trạng thái tình cảm bao gồm hai phần:

Phần thứ nhất là những thay đổi vật lý của cơ thể (nhịp tim, đổ mồ hôi tay, tình trạng căng cơ) Phần thứ hai là các cảm xúc (như cảm xúc lo âu hay kinh sợ). Ngoài ra còn có những thay đổi vật lý ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, nhưng nếu não bộ tỉnh táo vẫn có thể thừa nhận các thay đổi của cơ thể là dấu hiệu của sự thay đổi tình cảm và đưa ra các quyết định cần phản ứng như thế nào.

Vì thế, trí tuệ cảm xúc chính là năng lực tiếp nhận và đáp ứng hầu hết mọi tác động đến từ bên ngoài, để từ đó đưa ra những nhận định và ứng xử phù hợp. Nếu yếu kém thì không chỉ là sự kém thích nghi, mà nó còn đưa đến những tác hại khiến cho ta bị loại trừ ra khỏi các mối quan hệ, từ đó dẫn đến những suy sụp về tinh thần.

 

Ngôn ngữ là chìa khoá của trí tuệ cảm xúc

Có một cách mà não bộ điều khiển hành vi của con người là sử dụng ngôn ngữ, chuyển các cảm xúc thành từ ngữ. Một em bé 4 tuổi khi giận có thể nói “Con ghét mẹ!”. Nhưng một em bé 2 tuổi chỉ có thể kêu khóc và đấm đá. Nhưng trí tuệ cảm xúc không bắt đầu ở tuổi lên 4 mà đã có những biểu hiện ngay từ lúc sơ sinh.Chúng ta thấy rằng ngay trước khi trẻ biết nói, thì trẻ sơ sinh cũng đã có những cố gắng kiềm chế các trạng thái tình cảm của mình.

Ví dụ: Một em bé bị kích thích sẽ nhắm mắt lại và ngủ, để tránh sự kích thích. Một em bé 9 tháng tuổi sẽ lăn qua lăn lại trong vòng 5 phút trước khi ngủ, coi như đó là một cách giúp bé bình tĩnh lại. Một số em bé khác giật một lọn tóc hoặc mút ngón tay. (Đây là hai thói quen giúp cho trẻ cảm thấy an tâm nhưng nhiều phụ huynh lại không hài lòng và tìm nhiều biện pháp “cắt” thói quen này, điều này có thể gây ra những ức chế tâm lý nặng hơn cho trẻ). Ngay cả khi đã trưởng thành, chúng ta vẫn sử dụng nhiều phương pháp kiềm chế cảm xúc qua các hành vi của cơ thể (khoanh tay trước ngực, đi tới đi lui, hút thuốc,…hay thậm chí vò đầu bứt tai)

Ngôn ngữ cho chúng ta một công cụ linh động và đầy sức mạnh để kiểm soát các trạng thái tình cảm, bao gồm một số trạng thái tình cảm phức tạp như lòng ghen tị, thái độ thất vọng và niềm khát khao. Chúng ta có thể nói với chính mình, hay viết nhật ký, làm thơ để qua đó dần dần kiểm soát được những cảm xúc, nhất là những cảm xúc có thể gây ra hậu quả không tốt trong các mối quan hệ.

Chính vì thế mà cha mẹ hãy từng bước giải thích với con trẻ  về ý nghĩa của các từ chỉ cảm xúc như cáu giận, buồn, vui, bị kích thích, thất vọng, lo lắng,…khi trẻ lên 5 hay 6 tuổi, bắt đầu chuẩn bị vào bậc tiểu học, trong một môi trường không còn được sự tự do thoải mái như ở cấp mẫu giáo. Trẻ càng sớm hiểu ý nghĩa của các từ đó thì trẻ càng sớm có khả năng quản lý trí tuệ cảm xúc.


Trí tuệ cảm xúc bắt đầu như thế nào

Nếu bạn hiểu trí tuệ cảm xúc nội tâm là quan trọng thì việc thừa nhận và điều chỉnh trí tuệ cảm xúc của những người xung quanh cũng quan trọng không kém. Mới nhìn qua điều đó có vẻ là một công việc khó khăn, bởi vì bạn chắc khó có thể “đi guốc trong bụng” người khác. Nhưng trên thực tế, trí tuệ cảm xúc giữa các cá nhân phát triển sớm hơn trí thông mình tình cảm về chính bản thân mình. Chúng ta thấy rằng các em bé mới sinh rất giỏi gây ảnh hưởng đến trạng thái tình cảm của người khác (đó là khi bé khóc). Nhưng các em bé không nhận thức được những gì bé làm chính là sự tác động bằng trí tuệ cảm xúc liên cá nhân !

Khoảng 9 đến 10 tháng tuổi, các bé trở nên phức tạp hơn. Bé biết cách “đọc” nét mặt của mẹ, nét mặt đó có thể khiến bé hiểu rằng mẹ đang thư giãn hay lo âu, mẹ đang vui hay buồn, mẹ đang vui thích hay buồn rầu, và tuỳ vào đó mà bé có các phản ứng khác nhau. Khả năng nhận ra phản ứng tình cảm của người khác và có thể đáp ứng bằng những phản ứng cụ thể trong mỗi trường hợp thường bắt đầu trong năm thứ hai. Khi em bé ở lứa tuổi tập đi (từ 12 đến 24 tháng) tự giác làm một việc gì đó như nhặt sách lên và sẽ bắt đầu “đọc” phản ứng của bạn. Nếu như bạn không có những đáp ứng hay phản ứng trước hành vi đó, trẻ sẽ có những phản ứng không “đáng yêu” chút nào như sẽ ném phăng cuốn sách đi. Ngược lại, nếu chúng ta tỏ ra vui vẻ, đáp ứng lại cái nhìn dò hỏi của trẻ, thì trẻ sẽ có thể vui vẻ đưa cuốn sách cho chúng ta. Đó chính là một cách xây dựng mối quan hệ dựa trên trí tuệ cảm xúc.

Làm thế nào để xây dựng trí tuệ cảm xúc

Như chúng ta đã biết – Trí tuệ cảm xúc được hình thành ngay từ nhỏ, nhưng nó khác với trí thông minh thường mang tính bẩm sinh – Trong khi trí tuệ cảm xúc thì có thể được rèn tập thông qua việc giáo dục. Nói cách khác, các phụ huynh có thể từng bước rèn luyện trí tuệ cảm xúc cho các đứa con trong gia đình ngay từ khi trẻ còn nhỏ cũng như giúp những người thân trong gia đình có khả năng làm chủ cảm xúc.

Chúng ta làm thế nào để nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc cá nhân (intrapersonal intelligence) và trí tuệ cảm xúc giữa các cá nhân với nhau (interpersonal intelligence) cho các thành viên trong gia đình ? Chuyên gia tâm lý Robert Needlman đưa ra hai lời khuyên:

Lời khuyên thứ nhất

Tạo ra môi trường tình cảm an toàn trong ngôi nhà của chúng ta. Các thành viên trong gia đình bao gồm cả bố mẹ lẫn con cái nếu phải sống trong một môi trường thường xuyên có tình trạng bạo hành về thể chất và tinh thần giữa cha mẹ với nhau hay giữa cha mẹ và các con, sẽ học cách kìm nén trí tuệ cảm xúc, coi đó như một phương pháp để tự bảo vệ và dần dần sẽ mất đi khả năng kiểm soát cảm xúc.

Nếu các đứa trẻ bị đối xử tồi tệ hay bị bỏ rơi, ít được chăm sóc ngay từ nhỏ thì các kỹ năng về ngôn ngữ thường kém phát triển, đặc biệt là trong cách sử dụng các từ chỉ cảm xúc. Các đứa trẻ đó không thể nhận biết các khuôn mặt thể hiện vui, buồn, lo lắng nhưng trẻ lại có thể nhận biết được khuôn mặt thể hiện sự tức giận. Tuy nhiên, môi trường tình cảm an toàn không có nghĩa là trẻ cần được bảo vệ khỏi tất cả các xung đột, vì một số cuộc tranh giành nhất định – ví dụ, tranh ngồi vào bàn ăn với anh chị em của bé – lại có thể kích thích trí tuệ cảm xúc của nhiều trẻ. Nhưng sự căng thẳng và xung đột giữa các thành viên nếu xảy ra thường xuyên hay vượt qua một giới hạn nào đó sẽ không có lợi cho việc hình thành trí tuệ cảm xúc.

Lời khuyên thứ hai

Hãy là người biết bày tỏ trí tuệ cảm xúc. Mỗi người trong gia đình sẽ học hỏi với người khác qua các hành vi bộc lộ cảm xúc một cách chân thành.

Thí dụ: Khi những người lớn trong gia đình cảm thấy giận, hãy cố giữ bình tĩnh bằng cách hít thở thật sâu và tự nói với mình một số từ giúp bản thân cảm thấy bình tĩnh và thư giãn. Đồng thời nói ra những từ diễn tả trạng thái cảm xúc như : “bố rất bực mình vì … mẹ rất tức giận do …Một ngày nào đó, họ sẽ ngạc nhiên và thích thú khi thấy các thành viên khác trong gia đình cũng bắt chước giống họ.

Phụ huynh nên chú ý đến các trạng thái tình cảm mà họ muốn diễn tả thông qua các ngôn ngữ không lời và muốn cho những đứa con thấy. Điều quan trọng hơn, phụ huynh hãy tạo nhiều cơ hội để nói về các cảm xúc của bản thân. Để làm được như vậy bố mẹ hãy là người luôn sẵn sàng lắng nghe những suy nghĩ của người khác.

Hãy để các thành viên khác trong gia đình như những đứa con quan sát bố mẹ “kiểm soát” các trạng thái tình cảm bằng cách lắng nghe và trả lời bình tĩnh. Điều đó sẽ giúp cho chúng nhận ra những giá trị của trí tuệ cảm xúc để bắt đầu hình thành sự phát triển năng lực này. Đạt được khả năng về trí tuệ cảm xúc là công việc của cả đời người, và công việc này bắt nguồn từ thời ấu thơ.

Cv.TL Lê Khanh

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý