Dạy trẻ về Giá Trị Sống
01/03/2012
Trí tuệ Cảm xúc – dễ có nhưng khó xây
05/03/2012
Dạy trẻ về Giá Trị Sống
01/03/2012
Trí tuệ Cảm xúc – dễ có nhưng khó xây
05/03/2012

Làm cha mẹ, ai cũng mong muốn con thành công, nhưng không chỉ là sự thành đạt về tài năng mà còn phải có được niềm vui trong cuộc sống và nhất là một nhân cách không bị ai xem thường, đó có phải là điều quá khó ?

Có tài là có tất cả ?

Hầu như ai cũng đồng ý là Người thành công là người có tài, nhưng nếu nói rằng có tài thì sẽ thành công lại là điều chưa chắc. Nhiều bậc cha mẹ mong muốn con cái thành công qua việc đào tạo cho trẻ trở thành một người có tài, càng sớm càng tốt, vì thế mới có chuyện “đào tạo thần đồng” hay mong muốn con mình sẽ là thần đồng. Nếu phát hiện trẻ có một vài khả năng nào đó, nhất là về năng lực ghi nhớ hoặc biết đọc sớm…thì lập tức xem đó là một “thần đồng”. Mặc dù thực tế đã cho thấy rằng những đứa trẻ phát triển tài năng quá sớm thì ngoài việc đem lại “tiếng tăm” thậm chí cả “tiền bạc” cho bố mẹ, thì đa số khi lớn lên đều không phải là những người thành công, thậm chí có thể là những người bất hạnh trong cuộc sống vì phải “gánh vác” cái “tài năng” của mình khi mình chưa hoàn toàn trưởng thành về nhân cách và từ đó cũng sẽ sớm lụi tàn!

Hiện nay nếu điều kiện kinh tế cho phép thì nhiều phụ huynh đều thích cho con “phát triển một cách toàn diện”. Trước hết là sinh ngữ, sau đó là tin học vì họ cho rằng đó là hai chiếc chìa khoá vạn năng có thể mở được rất nhiều cánh cửa vào tương lai. Sau đó là những khả năng về nghệ thuật … có nhiều bậc phụ huynh cho con em mình đi học vẽ, học múa, học đàn .v.v. không phải là vì họ đã khám phá ra năng khiếu của con hay để phát triển năng lực mà chỉ muốn con mình có tài hơn con người khác, thậm chí đơn giản hơn là để cho con không có thì giờ ở không, rảnh rỗi để có thể giải trí bằng những hoạt động mà họ cho là vô bổ, mặc dù đôi khi đó lại là sở thích đích thực của trẻ ! Họ không biết rằng, nếu muốn những đứa con tìm ra niềm đam mê đối với âm nhạc, thể thao, học thuật hay các lĩnh vực khác, cha mẹ chỉ cần làm một việc duy nhất.Đó là không can thiệp vào quyết định của chúng. “Niềm đam mê xuất phát từ sự tùy hứng của con người đối với một hoạt động nào đó. Bạn không thể tạo ra đam mê cho người khác. Mỗi người phải tự tìm ra niềm đam mê cho bản thân”, đó là ý kiến của Geneviève Mageau, giáo sư tâm lý của Đại học Montreal, Canada.

Với những phụ huynh khác thì tài năng cần có của một đứa trẻ chỉ là những khả năng về sinh ngữ, về văn, về toán …để có thể tham gia các cuộc thi học sinh giỏi cấp quận, cấp thành phố. Nếu không thì lại là kỹ năng về hát múa hay vóc dáng bên ngoài … để có thể tham dự các cuộc thi hát, thi người mẫu … Không ai phủ nhận sự nỗ lực của bản thân trẻ và gia đình để có được thành quả trong các cuộc thi, nhưng sau đó là gì ? là tiếng tăm, tiền bạc, và đó có phải là mục đích của cuộc sống khi ai cũng thấy rằng, mặt trái của những thành công này đôi khi còn tệ hại hơn là sự thất bại !

Vì thế, tài năng là điều mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng mong con cái mình có được, nhưng tài năng không chỉ là để …đi thi, mà nên xem là một công cụ để đạt đến những mục đích tốt đẹp, mà điều tốt đẹp nhất là một cuộc sống có ích, để có thể giúp ích cho chính bản thân và cho những người xung quanh. Đó mới chính là giá trị thật sự của tài năng.

Cần làm gì để phát triển tài năng cho trẻ ?

Chúng ta không chấp nhận hay khuyến khích việc đào tạo thần đồng, nhưng phụ huynh lại cần nhận biết những khả năng đích thực của trẻ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho trẻ phát triển với sự ham thích và tính tự nguyện.

Ngay từ khi trẻ biết đi thì đã bắt đầu bộc lộ những khả năng có thể là dấu hiệu báo trước những tài năng thiên phú. Đây là những dấu hiệu cho thấy khả năng phát triển tốt nơi trẻ :

          5 dấu hiệu tài năng ở trẻ dưới 3 tuổi

1. Biết nói sớm

Trẻ có thể học nhanh và nói được nhiều từ vựng, hay đặt ra các hỏi các sự việc đến tận gốc rễ và có khả năng nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc cạnh.

2. Biết đọc sớm

Trẻ biết chú ý theo dõi quá trình nhận biết chữ và tranh ảnh, chỉ cần một sự gợi ý là nó biết chọn đúng quyển sách mà nó đã đọc và phát âm tốt các từ ngữ. Trẻ có sự ham thích trong việc xem các truyện tranh và cố gắng tìm kiếm cách hiểu các chữ ghi trong đó.

3. Thích các con số

Trẻ rất thích các con số của các vật như: số bậc thang gác, biển số các xe máy ô tô thường qua lại nhà, nhớ được các số điện thoại của người thân, đọc được các con số trong sách vở. Tuy nhiên, việc quá gắn bó, say mê các con số mà không có ý thức về số lượng ( nhiều & ít ) thì lại là một dấu hiệu nguy cơ của tình trạng Tự Kỷ, một rối loạn giao tiếp rất khó chữa trị.

4. Biết giải quyết vấn đề

Trẻ thích chơi các trò chơi của những đứa trẻ lớn tuổi hơn nó, tự tìm cách giải quyết các vấn đề khó của các trò chơi và đặc biệt hứng thú với các tình tiết nhỏ.

5. Có khả năng tập trung sự chú ý

Trẻ có thể dành nhiều thời gian để chú ý tới một sự việc từ đầu đến cuối như chuyên tâm kiên nhẫn hoàn thành một trò chơi ghép hình khó hoặc có khả năng tập trung vào một hoạt động nào đó trong một thời gian trên 15 phút.

Khi nhận ra trẻ có những dấu hiệu này, các bậc cha mẹ nên có những hỗ trợ thích hợp để giúp trẻ phát triển tốt hơn những khả năng sẵn có của mình và tìm hiểu xem cháu có xu hướng thiên về hướng nội hay hướng ngoại để định hướng phát triển cho phù hợp.


Biện pháp giúp trẻ phát triển:

            Có rất nhiều những biện pháp khác nhau để giúp cho một cháu bé phát triển năng lực thông qua tập luyện, nhưng có hai biện pháp đơn giản kích thích một cách tự nhiên các năng lực của trẻ là:

1. Tạo bầu khí thoải mái cho trẻ

Chúng ta không cần phải tốn tiền để mua các trò chơi đắt tiền, chỉ cần tạo cho trẻ một hoàn cảnh để nó phát huy được hết sức tưởng tượng của nó, cho dù xung quanh nó chỉ có các hộp giấy, thảm trải giường, chăn gối và các đồ vật có sẵn trong phòng.

Trò chơi sáng tạo rất quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ, nhất là trẻ có kha năng lại rất cần có cơ hội để thể hiện mình, nó tự biết thông qua trí tưởng tượng để hình dung và tìm hiểu thế giới.

2. Tạo hứng thú học tập

Trẻ nhỏ ham thích và hứng thú tham gia các loại trò chơi, có thể đối với bạn thì rất nhạt nhẽo đơn điệu nhưng với trẻ nhỏ lại có thể là một sự hứng thú ngoài ý muốn. Cho nên cần tạo cơ hội để trẻ nhỏ được rèn luyện trí lực trong cuộc sống thường ngày.

Bên cạnh hai yếu tố trên, phụ huynh có thể áp dụng một số các kỹ thuật dưới đây để nâng cao khả năng cho trẻ:

  1. 1.Cùng trẻ ghi nhớ và tính toán hoá đơn mua hàng

Khi dẫn trẻ đi siêu thị có thể cho trẻ tự chọn các loại rau và hoa quả hoặc để trẻ tính toán hôm nay tiêu mất bao nhiêu tiền, có thể trẻ sẽ rất hứng thú làm theo gợi ý của bạn.

  1. 2.Nên sắp xếp thời gian cùng đọc và xem với trẻ

Sách không những là bậc thang trí thức mà còn là chiếc cầu nối cho mối quan hệ giữa bố mẹ và con, nên khi kể  chuyện cho trẻ bạn nên ngồi bên cạnh và ôm ấp trẻ, giây phút ấm áp đó sẽ làm cho trẻ càng hứng thú đọc và nghe bạn kể chuyện. Để cho trẻ tự chọn một quyển sách rồi nói cho trẻ cách xem tranh minh hoạ, quan hệ giữa tranh và lời trong sách.

  1. 3.Cùng trẻ nhẩm lời ca của bài hát

Đa số trẻ nhỏ đều thích hát, có thể lợi dụng điểm này để giúp trẻ học tiết tấu và luật gieo vần trong các bài đồng dao, điều này sẽ giúp trẻ tăng cường khả năng ghi nhớ.

  1. 4.Chơi trò chơi ghép hình

Trò chơi ghép hình đơn giản nhưng có thể tạo nên các phản ứng nhạy bén. Khi trẻ nhỏ tự nó hoàn thành một trò chơi ghép hình nó sẽ có một sự phấn khởi khác thường với thành tựu của mình.

Kiểm tra khả năng phát triển

            Để có thể biết một cách chắc chăn là con mình có khả năng phát triển tốt, chúng ta có thể đưa ra các câu hỏi để xem trẻ có thể đáp ứng được một cách tốt nhất hay không ?

Các câu hỏi cho trẻ trên 5 tuổi

1. Nhớ và thuộc một bài thơ, một đoạn văn.

2. Chú ý tới sự thay đổi tính tình của bạn, quan sát thấy bạn lúc nào thì đau buồn hay vui sướng.

3. Thường có những câu hỏi như tại sao, lúc nào sẽ bắt đầu, sao thế này mà không thế kia…?

4. Ít khi thấy trống vắng, không biết làm gì. ( lúc nào cũng có thể nghĩ ra được việc để làm)

5. Cử chỉ khéo léo, nhịp nhàng.

6. Có thể múa và hát theo nhạc.

7. Thường hỏi những câu như sấm chớp là cái gì, sao lại có mây…?

8. Nếu bạn thay đổi một vài từ quen thuộc trong câu chuyện, trẻ lập tức sửa lại ngay.

9. Tập đi xe đạp, trượt patin một cách dễ dàng.

10. Rất thích đóng kịch, thích bịa ra một câu chuyện và đóng vai chính trong chuyện.

11. Đi qua phố ngõ, nhận được ra nơi nào trẻ đã đi qua.

12. Thích vẽ và vẽ được tranh, bản đồ.

13. Thích nghe nhạc, dựa vào âm thanh đoán được nhạc cụ gì.

14. Giỏi bắt chước động tác và cách diễn cảm của người khác.

15. Thích phân loại đồ chơi theo kích thước to nhỏ và màu sắc, đồ chơi có hình dáng gì cũng hấp dẫn trẻ.

16. Hay gắn liền hành động với tình cảm, ví dụ nói: “em bực nên mới làm thế”.

17. Thích kể chuyện và kể rất sinh động.

18. Có thể phân biệt được các tiếng động khác nhau.

19. Mới gặp ai đó lần đầu, trẻ thường liên tưởng đến một khuôn mặt quen thuộc.

20. Có thể phán đoán chính xác được rằng mình có thể làm được gì, không làm được gì.

Nếu trẻ đạt được trên 10 trong tổng số 20 yêu cầu trên, trẻ đã có được mức thông minh trên trung bình và cần được quan tâm, bồi dưỡng để trẻ phát triển tốt hơn.

Nếu trẻ đạt dưới 10 yêu cầu hay các yêu cầu chỉ ở mức trung bình, tạm được thì cũng là điều bình thường và chúng ta không nên đòi hỏi ở trẻ những yêu cầu cao.

Các bậc phụ huynh cũng có thể dựa vào các khả năng này để có thể đưa ra một số những biện pháp tác động cho trẻ, nhưng nên nhớ rằng tất cả phải dựa trên sự khuyến khích, gợi ý và tự nguyện. Sự ép buộc hay dụ dỗ dưới bất cứ hình thức nào đều không đạt được kết quả tốt.


Cv.TL Lê Khanh

( trích : Hướng nghiệp từ thủa còn thơ )

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý