Hãy dạy con gái bạn biết chăm sóc tâm hồn
16/05/2012Các vấn đề về EQ của trẻ 3 – 6 tuổi
19/05/2012Chúng ta ai cũng biết, đã từ rất lâu, các em học sinh sau 9 tháng miệt mài học tập, thì các em sẽ có 3 tháng để nghỉ ngơi, một số thời gian để ôn luyện lại các bài học, rèn tập một số môn còn yếu kém còn phần lớn là để giải trí, để lên rừng, xuống biển, để về quê …
tận hưởng cái không gian thoáng đãng, lấy lại sức khỏe từ thể chất đến tinh thần sau một thòi gian vất vả sách đèn. Ngay cả người lớn cũng cần có những ngày nghỉ Hè cho riêng mình, tùy vào công việc, nhưng đều là những hoạt động nghỉ ngơi và giải trí một cách tích cực. Chính điều đó giúp cho chúng ta, và cho con em quân bình được sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần.
Thế nhưng, không biết từ bao giờ đã xuất hiện thêm từ học hè ! Có vẻ là một điều phi lý nhưng lại được nhiều người cho là thỏa đáng, khi buộc con cái mình phải học hè ! Biện minh cho sự “áp chế” đó, họ đưa ra vô số thứ để học – nào là năng khiếu, nào là Anh Văn, rồi Vi tính, rồi gần đây là đi học cả kỹ năng sống.
Đừng để học hè thành nỗi ám ảnh của trẻ
Hãy thử xem một phụ huynh muốn con mình “cái gì cũng phải biết”, nên đã đăng ký tất cả các môn cho con dù trước đó đứa con mếu máo: “Con không thích học gì hết, chỉ thích được bố mẹ dẫn đi chơi thôi”. Kết quả là lịch học hè của cậu bé 8 tuổi được đánh dấu chi chít từ thứ Hai đến Chủ nhật, thậm chí thứ Bảy và Chủ nhật bé phải học cả 2 ca, buổi sáng học năng khiếu, chiều đến trường học Anh văn. Khi được hỏi sao cho bé học nhiều thế, vị phụ huynh cho biết: “Nhỏ mà không học, lớn lên sẽ chẳng làm được gì. Ngày xưa mình không có điều kiện nên mới không được học, bây giờ mình có tiền thì cứ cho con đi học. Học, trước là để biết, sau là để thể hiện tài lẻ (đàn, hát, vẽ…) và để tự bảo vệ mình (võ, bơi lội…)”.
Theo thống kê của các nhà thiếu nhi trên địa bàn TP.HCM, trong dịp hè, trung bình mỗi bé được bố mẹ đăng ký từ 3 đến 5 môn năng khiếu, mà đôi khi những môn đó chẳng liên quan gì đến nhau như võ và thể dục nhịp điệu. Bố mẹ thường có tâm lý muốn con mình cái gì cũng phải biết mà không quan tâm con mình có năng khiếu môn gì hay có thích học những môn đó không, hoặc một số bậc phụ huynh cho biết do chưa phát hiện được năng khiếu của con nên cứ cho con học hết tất cả các môn đến khi nào tìm thấy được năng khiếu của con thì tập trung đầu tư cho bé môn đó. Hậu quả của tâm lý đó là những đứa trẻ sau 9 tháng học hành ở trường, lại phải tiếp tục 3 tháng học hè, dù những môn này thú vị và đỡ căng thẳng hơn, nhưng cũng làm các bé mất đi mùa hè thật sự của mình khi không còn thời gian vui chơi, giải trí.
Nhưng cũng có những phụ huynh biện minh là mình có được nghỉ hè đâu? Mà vẫn phải đi làm, đi kiếm ăn, vậy nếu không cho con đi học cái này cái kia, thì biết gửi con đi đâu, biết bầy ra cái gì để hết ngày hết giờ của con? Như vậy cái lý do phát triển năng khiếu hay hình thành kỹ năng sống chỉ là cái vỏ bên ngoài cho một cái mục đích rất “đời thường” đó là có thứ để học, có chỗ để gửi con thôi !
Điều đó không có gì sai – thế nhưng tại sao chỉ cần gửi con, chỉ cần có chỗ cho con hoạt động, nhưng cũng đòi hỏi con phải đạt được những kết quả thành tích hay bắt con theo học cả những thứ trái với sở thích của con ?
Hãy nghe tâm sự của một phụ huynh khi lên lịch học hè dày đặc cho cậu con trai hiện đang học lớp bốn của mình là: “Con trai tôi từ khi đi học lớp một luôn đứng trong top đầu lớp, tôi muốn con phát huy được tối đa khả năng của mình để hết tiểu học, cháu sẽ thi đỗ vào một trường điểm trung học cơ sở.” Nghe mẹ nói vậy, cậu con mếu máo: “Con chỉ có một ước mơ là được nghỉ hè thật sự như các anh, chị con ở quê nội, không phải nghĩ đến việc đi học hè. Con thích đi thả diều, thích đạp xe chứ không thích đi học giải toán trên máy tính. Nhưng năm nào con cũng phải đi học hè, hết ở trường, ở trung tâm ngoại ngữ, nhà văn hóa lại đến học gia sư tại nhà”
Hãy cho con một mùa hè bổ ích
Nhưng không phải phụ huynh nào cũng thế – Như hai phụ huynh này, họ đã giải bài toán học hè cho con như thế nào ?
Một vị sau nhiều năm cứ hè đến là đôn đáo khắp nơi tìm các trung tâm, khóa học cho con, đã nhận thấy, người dạy con tốt nhất là bố mẹ và phải làm hằng ngày. Nghĩ vậy, chị đã dành thời gian tìm hiểu tâm lý của các con ở từng độ tuổi, theo sát chương trình học của từng cháu ở trường rồi từ đó tổ chức nhiều hình thức giúp con tìm hiểu về những nội dung liên quan. Chỉ sau chưa đầy một năm, chị đã thấy các con tiến bộ hẳn. “Thỉnh thoảng vào ngày nghỉ mình cho các con về quê hay ra ngoại thành, cuốc đất, trồng rau, nhổ cỏ dại giúp người thân… Đứa nào cũng hào hứng lắm”,
Một vị khác cũng dạy con kỹ năng sống bằng cách, hằng ngày hướng dẫn con tự phục vụ bản thân và làm việc nhà phù hợp lứa tuổi. Mỗi dịp nghỉ hè, dù bận rộn thế nào, chị cũng sắp xếp để gia đình đi nghỉ cùng nhau ít nhất 3 ngày. Trước mỗi chuyến đi, các con của chị được giao nhiệm vụ tìm thông tin về lịch sử, địa lý… của địa danh sẽ tới và tự chuẩn bị hành lý của mình…
“Tất nhiên, mình cũng muốn cho các con tham gia các hoạt động ở trại hè hay học thêm những kỹ năng bổ ích từ cộng đồng, thế nhưng đó chỉ là cơ hội để bọn trẻ giao lưu, trải nghiệm, thay đổi không khí và thực hành những điều đã học, chứ không phải để chúng thay đổi”.
Như vậy, chúng ta đã thấy thay vì phải đi tìm kiếm những cơ sở trường lớp hay các khóa năng khiếu để gửi con theo học, vừa tốn tiền, tốn sức của cha mẹ mà lại có khi không phù hợp với sở thích và năng lực của trẻ, thì tại sao chúng ta không tìm hiểu ngay chính con mình để tìm ra những biện pháp giúp con “học” một cách vui vẻ, nhẹ nhàng ngay tại gia đình – và mỗi cuối tuần vẫn có thể cho các cháu đến các điểm sinh hoạt vui chơi thoải mái. Còn nếu nói về năng khiếu thì liệu một hai tháng có đủ để giúp trẻ phát triển được không, khi đó là một lĩnh phải được học hỏi và đào tạo lâu dài mới có thể đạt được những kết quả nhất định.
Còn về việc vui chơi – điều đó cũng giống như việc học bởi vì trẻ được vui chơi sẽ tạo điều kiện giao lưu về ngôn ngữ, thông tin, kiến thức. Từ đó, trẻ phát triển cả về thể chất và tinh thần, góp phần quan trọng cho sự hình thành nhân cách của trẻ. Thực tế cho thấy, những đứa trẻ được vui chơi hợp lý sẽ có khả năng giao tiếp tốt và tự tin hơn để có sự phát triển lành mạnh về mặt tâm lý. Do đó chúng ta cũng cần biết đến những hoạt động vui chơi nào có thể giúp trẻ phát triển. Có thể đó là những khóa đá banh, bơi lội, thể dục nhịp điệu hay những trại hè được tổ chức bởi những đơn vị có uy tín với mức chi phí hợp lý. Nếu có người thân ở quê, thì đây cũng là dịp thích hợp để cho các cháu về quê, vui chơi nghỉ ngơi một thời gian, vừa gắn kết tinh thần gia đình họ hàng, vừa giúp trẻ thay đổi không gian sống tích cực.
Điều quan trọng là sự quan tâm đến con trong các hoạt động vui chơi, quan tâm không có nghĩa là theo sát, nhưng là có sự hiểu biết về những sở thích của con để giúp con có các hoạt động vui chơi phù hợp.
Cv.Tl Lê Khanh