Biểu hiện các loại hình trí thông minh của trẻ
25/06/2017
VAI TRÒ CỦA SỞ THÍCH TRONG HƯỚNG NGHIỆP
08/07/2017
Biểu hiện các loại hình trí thông minh của trẻ
25/06/2017
VAI TRÒ CỦA SỞ THÍCH TRONG HƯỚNG NGHIỆP
08/07/2017

Hiện nay trong lĩnh vực giáo dục – can thiệp trẻ đặc biệt, tuy còn nhiều hạn chế và khác biệt để chẩn đoán xác định tình trạng và nhất là để đánh giá mức độ nặng nhẹ của các chứng rối loạn phát triển, nhưng đa phần chúng ta đều đồng tình là phải áp dụng các biện pháp can thiệp qua giáo dục chứ không phải qua việc điều trị bằng thuốc hay các kỹ thuật y khoa. Thế nhưng, để chọn ra một phương pháp  tốt nhất cho việc can thiệp trẻ thì chúng ta dường như đang đứng trước thách thức, đó là ta sẽ can thiệp dưới hình thức nào ? Điều trị – hướng dẫn hay tác động ?

Phải chăng khi đưa ra câu hỏi này là thừa? Bởi vì câu trả lời đã rõ ràng!  Ta sẽ can thiệp cá nhân ( 1 cô 1 trò ) can thiệp bằng phương pháp mà ta biết hay được học ( ABA /VB – TEACH – Floot time – RDI .v.v.v ) tại các trường chuyên biệt, các trung tâm hay lớp học tư gia.  Bởi vì chỉ có can thiệp sớm như thế, trẻ mới có thể “ tiến bộ” thậm chí là thoát khỏi tình trạng tự kỷ . Điều này có đúng không? câu trả lời vẫn là “may thầy – phước chủ” Có những trẻ tiến bộ về một số mặt nào đó, chủ yếu là “nói được”và biết vâng lời. Nhưng cũng không thiếu trẻ “không nhúc nhích” ! Lúc đó người dạy lại cho rằng tại trẻ hay tại bố mẹ không “hợp tác” ! Nhưng như thế nào là sự hợp tác của phụ huynh? lại là một thách thức, khi mà phụ huynh đã nói rõ: “Chúng tôi không có chuyên môn và  thời gian, thôi thì trăm sự nhờ các thầy, cô !”

Khi tiến hành việc can thiệp, tùy vào quan điểm và năng lực của nhà trường và giáo viên, mà những người có trách nhiệm sẽ chọn một hay vài kỹ thuật làm chủ đạo vì chắc chắn không thể chọn tất cả. Nhưng dù chọn bất cứ phương pháp nào, thì chúng ta cũng phải biết là không có một kỹ thuật nào hoàn hảo và kỹ thuật nào cũng phải dựa trên chính đứa trẻ. Nếu chúng ta có được một cái nhìn tổng quan thì sẽ thấy trong hầu hết các phương pháp can thiêp chính thống đều có những điểm chung, đó là :

MỤC TIÊU : Phải phù hợp với khả năng của từng trẻ, không thể đòi hỏi trẻ phải nỗ lực đáp ứng một yêu cầu cao hơn khả năng hiện có của trẻ.

PHƯƠNG PHÁP: Làm mẫu và nhắc nhở. Nhưng điều quan trọng là không phải làm mẫu như một dạy trẻ với sự áp đặt mà phải giống như một người bạn của trẻ.

KHÍCH LỆ : luôn cổ vũ sự cố gắng dù rất ít, rất kém của trẻ chứ không phê phán chê trách việc trẻ chưa đạt được kết quả

TIỆM TIẾN : Luôn nhắc nhở, lập lại những gì trẻ đã có thể làm được mà chưa hoàn thiện, chứ không đi theo một đường thẳng, những gì đã dạy thì không lập lại nữa.

NƯƠNG THEO TRẺ : Đây là yếu tố quan trọng nhất, chúng ta phải đi theo sự dẫn dắt của trẻ chứ không tìm mọi cách buộc trẻ phải đi theo sự chỉ dẫn của người dạy.

Như thế các hoạt động DẠY trẻ sẽ khó có thể đáp ứng một cách đầy đủ và tích cực các nguyên tắc trên, bởi vì khi dạy trẻ thì các GV ít nhiều gì cũng phải đáp ứng  một mục tiêu chung, đó là làm sao cho trẻ nói được trong thời gian sớm nhất theo kỳ vọng của bố mẹ. Còn về kỹ thuật dạy thì GV thường làm mẫu trong tư thể buộc trẻ phải làm theo, không ít GV trong khi dạy trẻ lại rất tiết kiệm lời khen (hay khen một cách chiếu lệ, vô cảm) bởi vì bé hầu như không thể tiến bộ theo mong đợi. GV thường dạy trẻ theo phương pháp từ thấp đến cao, ít khi muốn quay lại điều đã tập cho trẻ,  chỉ muốn dẫn dắt và tìm mọi cách để trẻ phải đi theo mình.

Trong khi đó thì hoạt động CHƠI với trẻ lại có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu trên. Hãy thử quan  sát một đứa trẻ, hay vài đứa trẻ đang chơi, chúng ta thấy gì ? Trẻ có thể chơi với bất kỳ mục tiêu nào miễn là phù hợp với nhu cầu và khả năng của nó. Trẻ kém thì chỉ cần làm được, trẻ giỏi mới đặt ra yêu cầu phải thắng! Trẻ chơi trong sự khích lệ cổ vũ nhiệt tình của bạn bè, bất kể là làm tốt hay chưa tốt ! Trẻ luôn lập lại các kiểu chơi mà mình đã biết, nhưng sẽ dần dần hoàn thiện với sự chú ý và tự chủ mà không cần phải có sự hướng dẫn hay thúc đẩy. Điều quan trọng nhất là trẻ hoàn toàn làm chủ cuộc chơi, không quan tâm gì đến những chi phối hay sự tác động từ bên ngoài vì thế sẽ nâng cao khả năng tập trung và tự tin!

Thế nhưng, tại sao từ các nhà chuyên môn, các giáo viên cho đến các phụ huynh của trẻ, đều xem việc can thiệp ( có khi còn gọi một cách quan trọng là trị liệu ) là việc DẠY CHO TRẺ chứ không phải là hoạt động CHƠI CÙNG TRẺ.

Chính suy nghĩ hay quan điểm là phải dạy và phải biết cách dạy trẻ  đã khiến cho phụ huynh ngần ngại, thậm chí là không dám hay không muốn bước vào một hoạt động mà họ nghĩ rằng rất khó khăn, đòi hỏi kinh nghiệm và chuyên môn cao: Đó là dạy con họ tiến bộ trong các kỹ năng thường ngày và giảm đi các hành vi tiêu cực. Cho dù họ đã từng hay chưa từng tham gia một khóa huấn luyện nào thì họ vẫn muốn có một nơi để gửi trẻ và một giáo viên để dạy trẻ.  Có nhiều phụ huynh đã chịu khó “sưu tầm” rất  nhiều tài liệu can thiệp đến từ nhiều nguồn khác nhau. Chăm chỉ tham gia hết khóa huấn luyện này đến khóa huấn luyện khác,  thì điều họ rút ra vẫn là gì ? Giáo viên và chuyên viên vẫn là vai trò chủ lực. Thậm chí có khi họ sẽ nhờ một GV về can thiệp và hướng dẫn cho GV cách dạy ! Cũng có khi họ tự đứng ra dạy trẻ. Lúc đó thì họ đã trở nên 1 giáo viên đúng nghĩa.

Ngay chính các giáo viên và không ít các “chuyên gia” vẫn tin rằng việc trị liệu hay can thiệp, giáo dục trẻ chỉ có thể diễn ra trong lớp học, sau cánh cổng của ngôi trường chuyên biệt hay một trung tâm can thiệp. Nếu tại nhà, thì phải ở trong một phòng riêng, gọi là lớp hay phòng can thiệp cá nhân với 1 cô và 1 trò. Phụ huynh không cần hay không thể tham gia vào tiến trình này chứ đừng nói là đóng vai trò “chủ chốt” !

Các giáo viên ( hay chuyên viên ) khi đến với các em trong các giờ can thiệp, thì trong tâm thức của họ, luôn nghĩ đến việc phải làm cách nào đó để dạy cho bằng được ( Bằng dọa dẫm hay bằng dụ dỗ), họ phải dạy trong tư thế đối diện – 1 – 1 , và sẽ “đánh vật” với trẻ trong 1 giờ can thiệp cá nhân để cố “nhồi vào đầu” các em các danh từ  ( Con gà, con vịt, con bò, cái xe, ông bố, bà mẹ …. ) hay các khái niệm về hình dáng, màu sắc, con chữ, con số …để buộc các em phải “bật âm” phải nói ra cho bằng được ! ( vì nói được mới học được , nói được mới được xem là tiến bộ ) . Tại sao lại khó có thể “ vượt ra khỏi cái hộp” là vượt ra khỏi quan điểm phải dạy mà không nghĩ rằng là mình chỉ đến “chơi với trẻ” ? cũng với mục tiêu là giúp trẻ tiến bộ !

Đùa à ? Phụ huynh họ bỏ ra mỗi tháng hàng triệu đồng cho mình chỉ để đến chơi với con họ chắc ? Điên à ? Mình cũng đã phải bỏ ra hàng 3, 4 năm trong trường sư phạm,  thậm chí đạt đến trình độ thạc sĩ. Phải bỏ ra bao nhiêu công sức thu thập tài liệu, bao nhiêu thì giờ và tiền bạc tham gia đủ các khóa tập huấn, biết rất nhiều kỹ thuật chuyên môn, mà nay lại đi lăn lê bò toài với trẻ, lại để cho 1 đứa trẻ ngu ngơ xỏ mũi dắt đi, phải nương theo nó, để cho nó chủ động muốn chơi gì thì chơi? Một đống đồ dùng dạy học màu sắc rực rỡ, đắt tiền lại không chịu học, một đống công cụ “tâm vận động” đủ các kiểu theo đúng “tiêu chuẩn” mà  không chịu để  mình hướng dẫn, lại chỉ thích nằm lăn ra, mân mê các thứ không phải là đồ chơi.  Đã thế lại còn chạy lung tung, bắt ngồi một chỗ thì  tự đấm vào đầu, cào vào mặt, nằm lăn ra ăn vạ. Chưa đập cho vài roi là may rồi ! Phải ấn chúng vào cái ghế, phải bắt chúng tập trung nhìn vào các bức ảnh đang ẩn hiện trước mắt, phải tập cho tới khi chúng chịu nhìn vào mắt mình., phải lập đi lập lại hàng chục thậm chí hàng trăm lần các danh từ để chúng phải nhớ và nhắc lại. Nghĩa là phải biết hết sức chú ý, tập trung ngồi yên gần 1 giờ đồng hồ để tập “Âm ngữ trị liệu”. Phải biết làm theo cho đúng các hướng dẫn của mình trong giờ “Tâm vận động”. Trẻ  có thể còn phải tập thở, đai chéo hàng trăm lần trong giờ phục hồi chức năng… Phải biết ..phải biết và ..phải biết ! Đó mới là giáo dục, đó mới là can thiệp !

Còn chơi ư ? đã có các giờ chơi ngoài sân hay trong phòng chơi với vài cái xích đu, cầu tuột, xe đạp ba bánh, cái sàn nhún, với các trái bóng trong nhà banh. Trong giờ chơi đó thì trẻ muốn làm gì thì làm, cô không quan tâm hay chỉ trông chừng, thậm chí là quát mắng hay ngăn cản khi trẻ quá hiếu động, chạy tới chạy lui, leo trèo rồi đánh bạn ..giật đồ chơi, ném đồ chơi vung vãi …không chịu ngồi yên để nghỉ mệt như cô. Có nơi lại còn bật TV cho trẻ xem để bớt quậy phá. Đó cũng là can thiệp mà ?

Gần đây, có một phương pháp hướng dẫn trẻ gọi là JASPER (viết tắt bởi cụm từ: Joint Attention – Symbolic Play – Engagement Regulation … ) nghĩa là : Cùng chú ý – Chơi biểu tượng – Cùng tham gia – và điều tiết.  Phương pháp này đưa ra những nguyên tắc như khuyến khích trẻ có được sự cùng chú ý; khả năng bắt chước và chơi biểu tượng; phát huy khả năng khởi xướng và duy trì sự tham gia với người khác. Các nguyên tắc này trẻ sẽ thâu nạp trong các hoạt động chơi với giáo viên, phụ huynh hay với một số trẻ khác trong một nhóm chơi.  Như vậy, các nhà chuyên môn đã chú ý đến yếu tố CHƠI CỦA TRẺ mà họ xem đó là một giá trị cốt lõi. Chính việc tạo một môi trường cho trẻ Chơi, khuyến khích việc cùng tham gia của trẻ sẽ thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ và khả năng giao tiếp.

Nói theo triết lý của TÂM VẬN ĐỘNG là trẻ biết chơi mới có thể học được, hay trẻ sẽ tiến bộ qua việc chơi chứ không phải qua việc học. Trẻ sẽ học được rất nhiều thứ qua chơi, với những cấp độ chơi khác nhau, và vì chơi có thể tiến hành bất cứ ở đâu, bất cứ thời điểm nào với bất cứ người nào chứ không phải chỉ là giáo viên hay chuyên viên trong một khuôn khổ chật hẹp của một phòng hay một lớp can thiệp.

Như thế, môi trường nào tốt nhất cho trẻ chơi ? Đó là ở nhà của trẻ hay ngoài sân hoặc một nơi thoáng đãng – Trẻ chơi như thế nào ? Chơi theo sở thích và năng lực – Trẻ chơi với ai ? với bố mẹ và với các trẻ khác – Trẻ chơi lúc nào ? khi nào cũng được – Trẻ chơi như thế nào ? Trẻ sẽ chơi những trò chơi mà cách chơi phù hợp với năng lực và sự hứng thú . Tại sao lại là chơi ? Vì đó là điều trẻ có thể làm được một cách tốt nhất !

Vậy thì tại sao không biến những buổi can thiệp trẻ thành những giờ phút vui chơi cùng trẻ, mà cứ phải vật vã hơn 1 tiếng đồng hồ với những tấm flash Card vô hồn (dưới sự theo dõi của camera cho PH an tâm ) rồi trong giờ DẠY trẻ thì GV phải tìm hết cách để “cắt đứt” những cơn bùng nổ của trẻ khi trẻ lo lắng, căng thẳng …Chấm dút sự lăng xăng của trẻ để buộc trẻ phải làm những điều mà người lớn cho là đúng và cần với trẻ, trong khi trẻ chỉ muốn và thích chơi ! Hãy cứ chơi với trẻ trong vui vẻ , đâu cần phải dạy trẻ trong hoang mang ..

Saigon Tháng 7 – 2017

CVTL. LÊ KHANH  –  KIDSTIME BÌNH THẠNH

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý