CHƠI TRONG VUI VẺ HAY DẠY TRẺ TRONG HOANG MANG
08/07/2017
Làm gì khi con suy sụp tinh thần khi biết được điểm thi
19/07/2017
CHƠI TRONG VUI VẺ HAY DẠY TRẺ TRONG HOANG MANG
08/07/2017
Làm gì khi con suy sụp tinh thần khi biết được điểm thi
19/07/2017

Người ta hiếm khi thành công

nếu không làm điều mình thấy vui thích.

Dale Carnegie

Thế nào là sở thích?

Ngày xưa, khi trẻ bắt đầu biết cầm nắm, biết khám phá thế giới qua các món đồ chơi thì nhiều gia đình lại dựa vào đó để suy đoán về nghề nghiệp tương lai qua việc trẻ thích chơi món gì. Điều đó như là một trò chơi nhưng có khi lại tạo ra một số các suy luận chủ quan . Nếu trẻ nắm lấy món đồ chơi là cây viết, thì suy đoán trẻ sẽ theo nghiệp văn chương ( có khi chĩ biết ký giấy nợ ! ) và lấy làm thích chí, nếu trẻ nắm lấy cây búa hay cái đục, thì lại lấy làm buồn bực vì cho rằng  sau này trẻ chỉ đi làm thợ ( có khi lại trở thành kỹ sư thì sao ? )

Có một số trẻ thì món đồ chơi gì cũng chơi, cũng cầm lên nhưng có một số trẻ khác lại tỏ ra gắn bó với vài món đồ chơi nào đó. Trẻ đã có sự chọn lựa theo sở thích, với những món này thì trẻ có thể chơi hàng giờ không chán. Như vậy, sở thích là sự quan tâm đặc biệt của trẻ đến một món đồ chơi hay một món đồ dùng nào đó. Sở thích cũng là sự ham thích chơi trong một trò chơi, một hoạt động nào đó đã thu hút trẻ một cách say mê, hay rất tập trung.

Các bà mẹ thường dễ dàng nhận ra sở thích của con mình, nhưng để trả lời là tại sao trẻ thích cái này mà không thích cái kia lại là một điều không dễ, có những lý do khá đơn giản như về mầu sắc, tiếng kêu vui tai có thể thu hút trẻ, nhưng cũng có những nguyên nhân sâu xa, đôi khi nằm trong vô thức, nhất là đối với những vật khiến trẻ sợ hãi hay có ác cảm. Có thể đó là vật đã gây ra cho trẻ những tác động từ lúc còn sơ sinh, nhưng chỉ đến khi lớn hơn trẻ mới có khả năng bầy tỏ phản ứng với vật đó qua sự hứng thú hay ghét bỏ.  Chính việc trẻ thích chơi với món đồ chơi này, thích ăn món này, thích mặc cái áo này mà không thích món đồ chơi kia, món ăn kia dù cũng ngon lành không kém… cũng là một yếu tố tạo ra những sở thích khác nhau ở mỗi đứa trẻ bắt nguồn từ những tác động khi còn sơ sinh.

Việc trẻ thích chơi món này hay món kia cũng bộc lộ xu thế về phái tính, đó là trẻ trai thì thường chơi những trò chơi mạnh bạo, leo trèo, đa số thích chơi xe hơi, rô bốt hay những trò chơi đấm đá theo kiểu các hiệp sĩ, siêu nhân …với dao kiếm, súng ống. Còn trẻ gái thì thường thích chơi với búp bê, hay thích chơi trò nấu ăn, bán hàng … và nếu như một bé trai mà lại thích chơi với búp bê, một bé gái thích trở thành siêu nhân thì sẽ gây ra sự lo ngại không ít vì cái sở thích trái ngược “truyền thống phái tính” của mình ! Thậm chí đó có thể là dấu hiệu ban đầu của một giới tính thứ ba, thuộc loại “xăng pha nhớt” mà bậc cha mẹ nào cũng “hãi hùng” nếu con mình chẳng  may lại trở thành một kẻ đồng tính khi lớn lên! Tuy nhiên, đôi khi vấn đề lại đơn giản hơn vì có khi đó lại là ảnh hưởng của môi trường gia đình.

Sở thích đem lại những giá trị gì ?

Người ta có thể dựa trên sở thích để đánh giá khả năng phát triển hay những rối nhiễu về tâm lý của trẻ. Việc một đứa trẻ không thích bất cứ một món đồ chơi nào, không thích chơi với các loại đồ chơi mà lại chỉ tỏ ra quan tâm đến những món đồ thật, nhất là những vật có những  nút bấm như điện thoại di động, máy tính hay những vật bất kỳ như những cái hộp, cuốn băng video, thậm chí là trẻ có thể chỉ thích xếp những chiếc dép, giầy theo một trật tự nhất định, hoặc lại chỉ quan tâm đến những con số, có thể chỉ ra và đếm một cách dễ dàng từ 1 đến 100 hay hơn nữa… lại cho thấy, đó là những dấu hiệu của tình trạng Tự Kỷ, một hội chứng rối loạn phát triển khiến cho trẻ không có khả năng quan hệ giao tiếp, khó khăn khi học tập và phát triển các kỹ năng như một đứa trẻ bình thường mà cho đến nay vẫn chưa có những liệu pháp trị liệu hiệu quả.

Sở thích là yếu tố đánh giá khả năng

Sở thích không hẳn chỉ là những thứ hay những điều mà mình ưa thích mà nó còn là một yếu tố để đánh giá khả năng phát triển hay năng lực của một đứa trẻ. Sở thích cũng là một yếu tố quan trọng để đạt được những thành công trong các hoạt động của mình.

Một nhà giáo dục Nhật Bản đã phát biểu: “Thiên tài chính là sự say mê một cách kiên trì với lòng ham thích” ông cũng nói: “Cách tạo ra một người tầm thường vô cùng đơn giản, đó là đừng để cho trẻ ưa thích một điều gì cả, chỉ cần thế thôi cũng đủ rồi !” Như vậy, chúng ta thấy chính sở thích được biểu lộ qua các trò chơi với những món đồ chơi, tuy không phải là một dự báo chính xác về thiên hướng nghề nghiệp sau này, nhưng nó lại là tiền đề cho một quá trình hình thành nhân cách và kỹ năng của một đứa trẻ.

Nói cách khác là những bậc cha mẹ và những nhà giáo dục, chúng ta phải tìm kiếm và khơi gợi ở đứa trẻ lòng ham thích, trẻ có thể thích món này, thích món kia và dần dần sẽ tiến đến việc ưa thích vận động chơi đùa và tham gia những hoạt động trong gia đình, từ đó sẽ phát triển thành sự ham thích tìm hiểu, học tập. Ở đây, điều thúc đẩy và hình thành lòng ham thích của trẻ không gì khác hơn chính là sự ham thích của cha mẹ. Chính tấm gương qua sự bầy tỏ sự ham thích của người lớn, của các bậc cha mẹ là một yếu tố quan trọng hình thành sở thích nơi đứa trẻ. Như vậy, ngoài các yếu tố bẩm sinh thì sở thích cũng có thể được hình thành và phát triển qua sự bắt chước, qua việc tạo dựng cho trẻ những môi trường và điều kiện thích hợp và nhất là để cho trẻ có thể chọn lựa một cách tuỳ ý.

Sở thích sẽ đem đến hạnh phúc

Sở thích là bước đầu cho sự say mê, có thể trẻ thích nhiều thứ bởi vì hầu như tất cả đều mới mẻ với sự khám phá dần dần của trẻ. Nhưng qua sự sàng lọc, chỉ còn lại một vài hoạt động gây cho trẻ sự hứng thú thật sự, và dần dà phát triển lên thành mối đam mê, nhờ đó trẻ đạt được những kết quả khả quan nhất trong việc tập luyện cho mình những kỹ năng nhằm đáp ứng nhu cầu do sở thích đem lại, cho dù có phải vượt qua những trở ngại khó khăn trong cuộc sống. Chúng ta đã thấy biết bao nhiều người nhờ có sự hứng thú đặc biệt với một vật dụng hay một kỹ năng nào đó để dần dà hình thành những bộ sưu tập, đôi khi rất có giá trị và đem lại cho người sở hữu chúng những lợi ích từ tinh thần đến vật chất.

Có thể nói, sở thích hay sự ham thích là người thày tốt nhất để đào tạo một con người, đi từ chỗ không biết cho đến chỗ thành thục, đi từ những điều tầm thường đến sự tinh xảo. Không những thế, sở thích cũng là một sự dẫn dắt có hiệu quả nhất trong sự hình thành một nghề nghiệp trong tương lai. Một đứa bé ham mê cây cỏ có thể trở thành một nhà khoa học về thực vật học, nhưng cũng có thể trở thành một người trồng hoa, ươm giống cây hay trồng cây cảnh và đạt được những thành công nhất định trong lĩnh vực mà mình ưa thích. Một trẻ ham mê nấu ăn có thể trở thành một nhà buôn bán thực phẩm nhưng cũng có thể trở thành một đầu bếp nổi tiếng. Chúng ta đã biết có nhiều thanh niên chấp nhận bỏ ngang việc học ở các đại học danh tiếng, trong những ngành học đầy tương lai để đi theo tiếng gọi của lòng say mê và đã đạt được những kết quả trong các công việc mà ngay cả những sinh viên tốt nghiệp hạng ưu cũng mong muốn. Nhưng, nếu chỉ với lòng say mê thì chưa đủ, mà còn phải có ý chí  kiên định, phải có những kỹ năng vững vàng và cả sự may mắn nữa.

Chúng ta thấy, trẻ nào cũng thích thú với trò chơi và đồ chơi, nhưng khi lớn hơn hầu hết vẫn là những học sinh bình thường, bởi vì từ sở thích muốn muốn nâng lên thành sự say mê thì không phải trẻ nào cũng đạt được và cũng chỉ có một tỷ lệ nào đó thành công với sự say mê duy trì được từ thủa còn thơ.  Thậm chí ngay cả với những trẻ có những sự ham thích và say mê rõ rệt về một lĩnh vực nào đó, thì cũng đâu phải ai  cũng có thể bước vào môi trường mà mình ưa thích mà có khi chính vì sự say mê không được đáp ứng đó, sẽ khiến cho trẻ trở thành một người bất đắc chí, luôn có sự chán nản với công việc và hoàn cảnh sống hiện tại của mình và không những không thể thành công, mà còn gặp phải những thất bại có thể “sờ thấy được” cho dù cũng có một sự say mê.

Như vậy, chúng ta thấy sở thích là bước đầu cho sự say mê, sự say mê là bước đầu cho khuynh hướng nghề nghiệp và những bước tiếp theo là phải có sự góp sức của những yếu tố và năng lực khác trong việc khám phá năng lực, tính cách , môi trường sống..để từ đó có những địh hướng tốt nhất cho nghề nghiệp tương lại của trẻ.

Nếu không có sở thích và sự say mê, thì đứa trẻ tuy cũng có thể đạt được những thành công khi có được những yếu tố khác, có khi chỉ nhờ may mắn hay “ gia đình có điều kiện!” Nhưng chắc chắn rằng đối với con người, nếu đạt được sự thành công trong cuộc sống nhờ vào yếu tố say mê, đó mới là niềm vui lớn nhất. Hay nói rõ hơn, nếu chúng ta làm được công việc mà mình say mê và  được sống trong môi trường mà mình ưa thích thì đó chính là hạnh phúc mà không phải ai cũng có được.

CVTL Lê Khanh – KIDSTIME BÌNH THẠNH.

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý