Sức khỏe có từ nước
04/01/2013
Đôi điều về games sex trên smartphone
07/01/2013
Sức khỏe có từ nước
04/01/2013
Đôi điều về games sex trên smartphone
07/01/2013

Trong xã hội hiện nay, ngoài nhu cầu ăn uống, học tập và vui chơi, thì một trong những nỗi lo lắng lớn nhất của các bậc cha mẹ là làm sao cho con cái mình được an toàn cả về tinh thần và thể chất.


Đối với trẻ nhỏ, thì mối lo đó càng nặng nề hơn vì những nguy cơ, tai nạn luôn rình rập trẻ thơ không chỉ ở ngoài đường mà ngay cả trong nhà cho đến học đường, đều tiềm ẩn những yếu tố, chỉ cần một chút bất cẩn, coi thường những dấu hiệu cảnh báo hay thiếu sự quan tâm của người lớn là đã có thể đưa đến những tai nạn, mà hậu quả thật khó lường đôi khi không còn có thể khắc phục.

Để đối phó với các nguy hiểm thì có nhiều gia đình lại có sự bảo vệ thái quá, không dám cho con tiếp xúc với những thử thách và tìm mọi biện pháp cách ly con khỏi các môi trường mà họ cho rằng độc hại. Nhưng điều đó chỉ góp phần biến con thành những “chú gà công nghiệp” không còn sức đề kháng với những tác nhân xấu đến từ bên ngoài, và chỉ cần một vài thay đổi nhỏ của môi trường là đã đủ làm cho trẻ bị tổn thương.

            Vì thế, một trong những giải pháp tốt nhất chính là việc tập luyện cho con trẻ những kỹ năng tự bảo vệ bản thân và biết ứng xử với những tình huống nguy hiểm. Để làm được điều này, bố mẹ cần phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản và cả tinh thần tự tin, tin vào năng lực của mình cũng như tin vào khả năng của trẻ.

            Kỹ năng tự bảo vệ cũng cần phải đi đôi với kỹ năng thích nghi với môi trường, chúng ta cần mạnh dạn cho con bước ra ngoài thiên nhiên, vui chơi và té ngã, nghịch ngợm và lấm lem… không phải vì đã có sữa thông minh hay bột giặt siêu sạch, mà là để cho trẻ trải nghiệm, vì không có kỹ năng nào mà không cần sự thực hành, không có niềm vui nào mà không phải trải qua bằng mồ hôi và nước mắt.

            Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cứ “thả nổi” những hoạt động vui chơi của trẻ em, mà chúng ta phải tạo cho trẻ một môi trường tương đối an toàn và luôn để ý đến trẻ, không phải là để ngăn cản hay làm thay, mà để can thiệp khi trẻ vô tình hay cố ý vượt khỏi những giới hạn của sự an toàn.

            Việc tập cho trẻ khả năng tự bảo vệ mình cũng phải tùy theo từng độ tuổi, với trẻ dưới 3 tuổi thì trẻ cần có một chỗ chơi an toàn trong nhà, chỉ cần một góc phòng hay một căn phòng nhỏ, có trải thảm hay chiếu, tấm nhựa … cùng những sự che chắn các góc cạnh và không có những vật dụng quá cứng trong khu vực này. Cũng cần lưu ý là trẻ thường hay cho lên miệng cắn, và có thể nuốt… Chúng ta không ngăn cản vì đó là sự tìm tòi, khám phá của bé nhưng phải làm sạch các món đồ chơi này, và không có những hạt, hay những loại đồ chơi quá nhỏ.

Tuyệt đối không cho trẻ chơi đùa trong nhà bếp, không được tự ý vào nhà tắm. Việc có một không gian chơi tự do, và những khu vực cấm ( phòng khách, phòng ăn, bếp, phòng tắm …) không chỉ là vì sự an toàn mà còn là tập cho trẻ nhận biết về không gian.

            Với trẻ từ 3 – 5 tuổi thì hãy cẩn thận với các loại thuốc, hóa chất, xăng dầu… hay các chỗ cắm điện. Hãy tập cho trẻ nhận ra những dấu hiệu nguy hiểm ( ghi rõ bằng hình vẽ ) trên các chai lọ, và không được đựng xăng dầu, chất tẩy rửa…vào các chai nước suối và phải luôn vặn nắp thật chặt. Tập cho trẻ biết cách phòng tránh các nguy cơ cháy nổ. Các biện pháp này có thể thực hiện như một loại trò chơi và lập lại thường xuyên để trở thành một phản xạ.

            Với trẻ trên 5 tuổi chúng ta cần tập cho trẻ cách dùng dao, kéo, dù có thể trả giá bằng vài lần đứt tay.. Hãy tập cho trẻ làm quen với nước ở các bồn nước trong nhà và hồ bơi cho trẻ em, để đến khi trẻ trên 7 tuổi thì nhất thiết là phải tập cho trẻ biết bơi. Đã có rất nhiều tai nạn thương tâm không chỉ cho trẻ em mà ngay cả thanh thiếu niên và người lớn vì không biết bơi và hơn nữa, phải biết những mối nguy hiểm từ nước cũng như một số biện pháp cứu người bị đuối nước đối với thanh thiếu niên.



Để có thể dạy con thì không có gì tốt hơn, là chính bố mẹ cần biết qua những kỹ năng bảo vệ bản thân và thoát hiểm. Chúng ta có thể tự học với các kiến thức qua các phương tiện truyền thông, hay trong các khóa học được tổ chức trong các cơ sở có uy tín và kinh nghiệm. Nhưng điều quan trọng là phải có thực hành. Hãy thực tập cùng trẻ trong những buổi đi chơi cùng nhau, điều này không chỉ giúp cho trẻ học hỏi những kỹ năng tự vệ từ cha mẹ mà còn làm cho mối quan hệ trong gia đình thêm nồng ấm. Nếu có thể thì nên cho con tham gia các nhóm kỹ năng sinh hoạt ngoài trời.

Hãy bỏ ra một chút giờ, có thể vào buổi tối để cùng chơi với con và trong các hoạt động vui chơi đó, có thể lồng ghép vào các tình huống cần đến khả năng tự vệ. Chỉ là những trò chơi vui vẻ thôi, nhưng nếu lập đi lặp lại nhiều lần thì sẽ thành những thói quen tốt hay những phản xạ nhanh nhẹn, rất hữu ích cho trẻ trong việc tự bảo vệ mình.

Có nhiều bậc cha mẹ vì quá chú ý đến việc rèn luyện kiến thức văn hóa cho con,mà quên đi việc giúp con trang bị những kỹ năng thích nghi hay tự vệ và thoát hiểm. Chúng ta không nhất thiết là buộc con phải đi học võ, hay học các môn thể thao nếu trẻ không thích, vì việc trang bị các kỹ năng này, cách tốt nhất là thông qua các hoạt động sinh hoạt ngoài trời với các đoàn thể, tổ chức hay đơn vị có kinh nghiệm. Tuy nhiên, chúng ta hãy cân nhắc trước những khóa học ngắn hạn với chi phí cao. Vì các kinh nghiệm hay kỹ năng sống không thể có được bằng những biện pháp “mì ăn liền” Không có cái giá cao cho một khóa học chất lượng cao trong vài ba buổi hay vài tuần, dù nó được trình diễn dưới bất cứ hình thức gì.

Khả năng tự bảo vệ chỉ có được từ ý thức và những thói quen được tập luyện thường xuyên, thực hiện hằng ngày trong các hoạt động rất bình thường tại gia đình. Hãy để cho trẻ trải nghiệm bằng những năng lực bản thân, từ những chuyện nhỏ cho đến những chuyện “lớn” như học bơi, đi xe đạp… và cả những kinh nghiệm đối phó với người lạ. Việc nhận biết về giá trị bản thân, hiểu rõ về cấu tạo và chức năng của các bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là bộ phận sinh dục…cũng là một biện pháp giúp con biết tự bảo vệ mình.

Chúng ta hãy hướng dẫn con dựa trên nhiều biện pháp khác nhau, từ việc đi chơi chung, tìm hiểu thông tin trên mạng…hay tham gia các nhóm sinh hoạt ngoài trời..Nhưng tất cả phải dựa trên các nguyên tắc : Khuyến khích – tự nguyện – đơn giản và nhất là phải thường xuyên. Tập cho trẻ bước đi trên chính đôi chân của mình, trải nghiệm và khám phá môi trường xung quan với tinh thần lạc quan và tự tin chính là biện pháp tốt nhất để bảo vệ con trong xã hội ngày nay.

Cv.TL Lê Khanh

P.GĐ TT Rồng Việt

( Tạp chí Người Bảo Trợ số 200 tháng 11/2012)

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý