Lạm dụng tình dục ở trẻ em

betrai syria

Một trong những thông tin làm dậy sóng cộng đồng cư dân mạng gần đây là việc một danh hài VN bị cáo buộc vào tội lạm dụng tình dục trẻ em ở Mỹ, có nguy cơ đối diện một án phạt nặng nề, ở một đất nước coi trọng quyền trẻ em .

Vì sao lạm dụng tình dục ở trẻ em lại bị lên án một cách nặng nề ở hầu hết các quốc gia trên thế giới ? Bởi vì trẻ em là một thành phần trong xã hội có rất ít thậm chí là không có khả năng phản ứng lại với hầu hết các hành vi tấn công hay xâm hại bản thân. Hơn thế nữa, hành vi xâm hại bằng bạo lực hay tình dục sẽ để lại cho các em những tổn thương nghiêm trọng không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần một cách lâu dài, đôi khi không thể hồi phục.

Do lạm dụng tình dục trẻ em có nhiều mức độ và hình thức khác nhau nên cũng có những án phạt khác nhau. Có những quốc gia thì ngay cả việc gửi những tin nhắn, nói với trẻ những câu “có nguy cơ dẫn đến hành vi lạm dụng” cũng có thể bị truy tố. Ngay cả việc quan hệ tình dục với sự đồng tình của trẻ cũng bị trừng phạt ở những mức độ khác nhau, chứ chưa nói đến các hành vi tấn công, cưỡng bức. Điều này cho thấy, đây thực sự là một thảm kịch cho trẻ em.

Thế nhưng, tại sao cái thảm kịch đó vẫn diễn ra và thậm chí có chiều hướng gia tăng ? Bởi vì một trong những lý do  khiến trẻ em dễ bị rơi vào các tình huống tồi tệ là vì còn rất nhiều phụ huynh không có hay không biết cách hướng dẫn con em mình những biện pháp phòng tránh cơ bản nhất.

Tại sao hầu hết các phụ huynh đều lo lắng về việc này, nhưng lại không thể hướng dẫn cho con em mình ? Phải chăng đây là những điều quá khó ? Điều này vừa đúng vừa sai !

Đúng là vì ngay cả với các kiến thức cơ bản nhất về tâm sinh lý, sự phát triển về giới tính vẫn được nhiều phụ huynh xem đó là một “bí mật” , “nhạy cảm” với trẻ em không thể dạy cho trẻ.  Huống chi là những chuyện liên quan trực tiếp đến “bạo lực” và “dâm ô” ! Sai là vì đây chỉ là những kiến thức khá đơn giản nằm trong những nguyên tắc bảo vệ bản thân và xây dựng lòng tự tin mà bất cứ trẻ em nào cũng cần biết.

Về các biện pháp và kỹ năng phòng tránh xâm hại thì đã có rất nhiều thông tin trên mạng, qua sách vở báo chí nên chỉ xin tóm tắt các nguyên tắc cần dạy trẻ :

Ba không :

  • Không cho bất kỳ ai vào nhà trong tình huống phải ở một mình, không có người lớn
  • Không đi với bất cứ người lạ nào đến một nơi không biết mà không báo cho cha mẹ.
  • Không cho bất kỳ người nào chạm vào hay vuốt ve các vùng nhạy cảm trên cơ thể.

Ba cần :

  • Cần hướng dẫn trẻ một cách đơn giản theo độ tuổi và sự nhận biết, các kiến thức về cơ thể và chức năng của tất cả các bộ phận trên cơ thể.
  • Cần dạy trẻ biết cách chạy trốn, tìm đến các người lớn khác và kêu to khi thấy có các biểu hiện nguy hiểm của người khác đối với mình.
  • Cần báo ngay cho cha mẹ biết nếu đã bị người lạ tấn công hay xâm hại để có biện pháp chăm sóc phù hợp.

Trong trường hợp trẻ đã bị xâm hại, thì điều quan trọng là đừng quá bi quan về việc này, hãy khuyến khích trẻ hướng sự quan tâm qua các hoạt động khác trong việc học hay nghệ thuật với sự khích lệ lâu dài, giúp trẻ dần dần lấy lại sự tự tin và năng động để vượt qua cơn khủng hoảng vì tương lai của trẻ còn dài. Không nên tỏ ra đau khổ, oán trách ai hay đổ lỗi cho chính bản thân và nhục mạ trẻ vì đó cũng chỉ là một tai nạn, dù có đau thương đến mấy thì cũng có thể vượt qua với thời gian vì đã có rất nhiều tấm gương trong việc này.

Chúng ta đều biết, đây là những tổn thương khó hồi phục do đó trong một số trường hợp phụ huynh cần có sự tư vấn và hướng dẫn thêm từ các chuyên viên tư vấn hay chuyên viên trị liệu tâm lý vì ảnh hưởng của vấn đề này không chỉ để lại hậu quả trên bản thân trẻ, mà nó còn gây tổn thương đến cả phụ huynh của các trẻ đó, thậm chí có khi người đau khổ đến mức tự sát không phải là trẻ mà là các ông bố, bà mẹ không vượt qua được nỗi đau vì “danh dự của gia đình” . Chúng ta phải đối diện với sự thật vì cuộc sống là bất toàn, chỉ có quyết tâm và nghị lực cũng như chính tình yêu và trách nhiệm với con cái và với bản thân mình thì mới có thể giúp ta vượt qua những bất hạnh để có một cuộc đời đáng sống !

CVTL. LÊ KHANH

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *