Dạy con phẩm chất để thành công
02/08/2014
Xây dựng tính kỷ luật cho trẻ
02/08/2014
Dạy con phẩm chất để thành công
02/08/2014
Xây dựng tính kỷ luật cho trẻ
02/08/2014

Khả năng chú ý là một yếu tố để đánh giá sức học của trẻ sau này, việc thiếu chú ý không chỉ làm cho trẻ mất đi những cơ hội tiếp thu kiến thức, mà thực tế hơn là khiến trẻ sẽ cảm thấy thua sút bạn bè hay có khi nhận được những lời phê bình của giáo viên, ảnh hưởng đến học lực.

Trong lĩnh vực tâm lý thì chú ý là một yếu tố hết sức cần thiết, nó vừa giúp cho trẻ có khả năng tập trung, vừa loại trừ những ảnh hưởng xấu của môi trường xung quanh vừa giúp cho những quan hệ với những người xung quan trở nên tốt đẹp hơn vì chắc chắn, chúng ta thích gần gũi và giao tiếp với những người biết chú ý lắng nghe chúng ta !


1.Các yếu tố nâng cao khả năng chú ý:

Từ chú ý (attentive) có nguồn gốc từ tiếng La Tinh có nghĩa là “vươn ra” Nó gợi ý hình ảnh con ngựa xoay đôi tai hoặc con chim xoay đầu về hướng có tiếng động để nghe cho rõ hơn. Hướng chú ý tốt nhất cho một đứa trẻ là bé phải quay đầu về phía người đối diện, hay đang nói hoặc phải nhìn vào sự việc (Bài vở, hình ảnh ) có trước mắt. Sự chú ý của đôi mắt sẽ kéo theo sự tập trung hơn của đôi tai và cả những tư thế của cơ bắp.

Chúng ta chỉ có thể nâng cao khả năng chú ý khi biết vận dụng, hay huy động sự tham gia của càng nhiều giác quan càng tốt. Đây chính là “chìa khóa” để tập hợp các thông tin, hỗ trợ cho những tư duy logic liên kết các hình ảnh, âm thanh và ghi nhớ vào ký ức. Hãy giúp cho các em nghe trước, rồi nhìn, sau đó là đọc và viết hay vẽ lại những gì cần tiếp thu !

Khi nghe người khác nói, hãy chú ý đến chính mình” lời khuyên của George Washington cho thấy, muốn có sự chú ý phải có sự tập trung không chỉ là các giác quan, mà còn là cách ngồi, và có các hành vi vô thức như nhịp chân, gõ ngón tay xuống bàn… Điều này giải thích tại sao các chương trình TV thường lôi cuốn trẻ em ( vì nó kích thích nhiều giác quan cùng một lúc ) và cũng là cơ sở để chúng ta có thể giúp trẻ học tập tốt hơn bằng những biện pháp tác động thông qua nhiều hình thức khác nhau.

2.Những ảnh hưởng đến khả năng chú ý:

Khi tập cho trẻ ngồi vào bàn để bắt đầu chú ý vào việc học, chúng ta cần nhắc nhở trẻ ngồi ngay ngắn, người hơi vươn đến phía trước. Trên bàn ngoài cuốn vở, sách cần thiết cho sự tập trung thì không có những vật dụng linh tinh hay các loại sách khác, điều đó dễ khiến cho trẻ xao nhãng trong việc nhìn vào bài tập cần có sự chú ý.

Một chỗ ngồi học mà ồn ào với tiếng nhạc từ cassette, tiếng quảng cáo từ TV, tiếng người nhà nói chuyện, cười đùa hay cả tiếng xe cộ ngoài phố chắc chắn không phải là một môi trường tốt cho sự tập trung chú ý của trẻ. Ngoài ra chúng ta cũng nên biết rằng khả năng tập trung của trẻ thường khó mà kéo dài quá 30 phút. Vì vậy, trong khoảng thời gian từ 15 – 20 phút thôi, chúng ta nên cho trẻ nghỉ ngơi một chút trước khi tiếp tục việc học (Tập viết – vẽ ) hay trò chuyện (Tập đọc), và sau thời gian nghỉ ngơi độ 10 phút, chúng ta sẽ thay đổi cách dạy, như lúc nãy tập viết, thì bây giờ vẽ hay tô màu, tập đếm … Trong một buổi học, ít nhất là phải có 3 hoạt động khác nhau : Viết – vẽ hay tô màu – chơi quan sát ( Quan sát để nâng cao khả năng chú ý và tư duy logic ).

Để nâng cao khả năng chú ý của trẻ, chúng ta nên lồng ghép vào trong các hoạt động học tập một vài trò chơi như :

Quan sát và ghi nhớ nhanh: Cho trẻ xem qua trong 5 phút một cái khay trong đó có chứa 5 vật khác nhau ( ví dụ: Bút chì, gôm, chìa khóa, muỗng, kéo …) sau đó lấy một tờ giấy hay một cái khăn đậy lại, bảo trẻ kể tên những vật mà trẻ vừa thấy.

Thử xem là gì: Bỏ 5 – 7 vật vào trong một cái túi xách, cho trẻ thò tay vào trong sờ các vật trên và nói tên vật mình vừa sờ được . Tùy theo khả năng để tăng độ khó qua hình dáng các vật.

Xem thiếu ai: Cho trẻ nhìn lên kệ đồ chơi có xếp 5 – 7 món đồ chơi khác nhau. Sau đó cho trẻ chơi một trò chơi vui khác, hay quay đi và dấu bớt một vật. Trong 3 phút trẻ phải gọi tên được vật vừa mới biến mất.

Tìm xem có bao nhiêu: vẽ trên trang giấy 3 loại hình : Hình tròn, hình tam giác và hình vuông với 3 màu khác nhau nhưng đan xen vào nhau – mỗi loại hình có độ 5 – 10 hình ( với yêu cầu trẻ biết đếm đến 10) sau đó yêu cầu trẻ tìm ra có bao nhiêu hình tròn, hình tam giác và hình chữ nhật ( số các hình này khác nhau ).

Khi đưa trẻ đi chơi ngoài công viên, khu nghỉ mát… ta cũng nên khuyến khích và nâng cao khả năng chú ý của trẻ trong việc quan sát thiên nhiên chung quanh. Tất cả những hoạt động này vừa giúp cho trẻ tăng khả năng chú ý, vừa giúp thêm cho trẻ một số vốn từ ngữ cần thiết và đặc biệt là gieo vào trong lòng trẻ lòng yêu mến thiên nhiên và tôn trọng môi trường xung quanh.

 CvTl Lê Khanh

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý