Nâng cao khả năng chú ý cho trẻ
02/08/2014Kỹ năng dùng đồ chơi giúp bé phát triển ngôn ngữ
15/08/2014Kỷ luật là việc tuân thủ những nguyên tắc do người khác hay do chính mình đặt ra trong một số lĩnh vực để duy trì sự ổn định trong cuộc sống gia đình hay xã hội như đúng giờ, chấp hành việc giữ vệ sinh chung, biết xếp hàng khi mua sắm, đi lại có trật tự, tuân theo luật giao thông
…Đây là một tố chất cần thiết cho con người và được hình thành qua sự giáo dục. Điều này cần phải được tiến hành càng sớm càng tốt ngay từ khi còn bé, vì nếu không thì sẽ đến một độ tuổi nào đó, con người sẽ không còn khả năng nhận biết để tự giác chấp hành những nguyên tắc về kỷ luật nữa mà luôn luôn cần có sự giám sát và những biện pháp chế tài. Thậm chí, nếu biện pháp chế tài không hợp lý và đủ mạnh và sự giám sát không hợp lý, lúc thì quá gò bó, khi lại quá lỏng lẻo… thì lại càng làm cho tinh thần kỷ luật giảm sút nhanh hơn, dễ dàng đi đến mức độ vô kỷ luật và sẽ rất nguy hại nếu trẻ xem chuyện vô kỷ luật là chuyện …bình thường !
Nhưng kỷ luật không có nghĩa là sự áp đặt, buộc mọi người phải tuân theo những luật lệ do một vài người hay một tập thể nào đó đặt ra một cách độc đoán, mà không dựa vào các nguyên tắc cơ bản của xã hội và tình người. Đó phải là những nguyên tắc mang tính thỏa thuận, được chấp hành bằng sự ý thức và tôn trọng và phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Chính vì thế, khi muốn rèn luyện cho trẻ tính kỷ luật, thì người lớn phải là những tấm gương, và những nguyên tắc đặt ra thì tất cả mọi người từ trên xuống dưới đều phải hiểu và chấp hành. Từ đó, đứa trẻ mới hình thành được tinh thần tự giác về kỷ luật, còn nếu không sẽ hình thành một tính cách còn tệ hại hơn cả sự vô kỷ luật, đó là tính đạo đức giả hay hình thành sự dối trá, đóng kịch với nhau.
Các nguyên tắc về kỷ luật được đưa ra là nhằm xây dựng ý thức cho mỗi một con người qua các hình thức rèn luyện khác nhau trong những môi trường khác nhau, đặc biệt là tại gia đình và nhà trường và khi đã được đưa ra, thì phải áp dụng đúng mức, không mang tính làm gương ( phạt nặng ) hay thông cảm ( phạt nhẹ ) so với những gì đã quy định.
1.Ý thức chấp nhận :
Với trẻ 5 tuổi, mặc dù trẻ đã phân biệt được giữa bản thân và người khác nhưng trẻ chỉ có thể chấp nhận những yêu cầu được đặt ra cho trẻ, nếu như chính người lớn cũng tuân thủ các yêu cầu đó. Bố mẹ không thể dạy trẻ chấp nhận việc thức dậy sớm, giữ vệ sinh trong gia đình, ngồi vào bàn ăn uống đàng hoàng… khi bố mẹ cứ thản nhiên ngủ nướng (điều này thì chắc ít xảy ra trừ Chủ Nhật) Nhưng có thể do bố mẹ cứ lục đục bên máy vi tính hay xem phim đến nửa đêm, làm trẻ không ngủ sớm được và vì thế hôm sau chắc khó mà thức dậy sớm. Vì vậy, khi muốn thức khuya, chúng ta nên làm việc xa nơi trẻ ngủ hay đợi trẻ đã ngủ say, rồi muốn gì thì…muốn !
Ngoài ra, nếu ông bố cứ gác chân lên bàn khi xem phim, ăn uống ngồm ngoàm, vừa ăn vừa đọc báo thì việc dạy con những nguyên tắc về ăn uống chắc là hơi bị …khó, nếu không muốn nói là không thể! Ngược lại, nếu một bà mẹ quá kỹ tính, luôn luôn đòi hỏi nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ tinh tươm, ăn cơm thì không được rơi vãi…Chỉ cần một sai sót nhỏ là có thể “bão nổi lên rồi” thì điều đó thay vì đạt được kết quả như mong muốn thì sẽ có thể tạo cho con sự ức chế, chống đối ngấm ngầm và đưa đến những phản ứng như ù lì, làm việc gì cũng lề mề, tìm cách kéo dài thời gian một cách không cần thiết hay cũng “thừa hưởng” tính chất này mà trở nên một con người cầu toàn, khó tính và chỉ thích buộc người khác làm theo ý mình.
Như vậy, để dạy trẻ ý thức chấp nhận các nguyên tắc kỷ luật thì trước tiên bố mẹ phải là người làm gương đầu tiên. Sau đó mới có thể nhắc nhở, khuyến khích và nếu trẻ chấp hành tốt thì còn đợi gì mà không khen thưởng cho trẻ bằng một cái vỗ tay, ôm hôn “thắm thiết” ! Việc khen thưởng động viên phải dựa trên nguyên tắc: Trẻ làm tốt thì được khen, và chỉ khen trong thời gian đầu, khi đã trở nên thường xuyên thì thôi. Lúc đó sẽ chuyển việc khen ngợi qua các đòi hỏi cao hơn hay những yêu cầu khác, nhưng phải phù hợp với năng lực phát triển của trẻ.
Chúng ta không yêu cầu trẻ làm tốt để được khen thưởng, và càng không dùng việc khen thưởng như một việc trao đổi: Con làm điều này đi thì mẹ sẽ khen hay thưởng cho con điều con thích ! Thậm chí có nhiều phụ huynh còn ra giá:“ Nếu con viết xong trang tập viết này, mẹ sẽ mua cho que kem Chocolate , nếu con khoanh tay chào bác, mẹ sẽ cho con cái bánh quy kem..v.v Điều đó có thể khiến cho trẻ thi hành đúng theo “hợp đồng” để được phần thưởng, chứ không tập được ý thức tự giác. Nếu sau khi trẻ làm xong, thì điều tệ hại nhất là lại nói với con : “Con giỏi quá, con ráng viết thêm đi, mẹ sẽ cho con sau” hay “ Có gì lát nữa, hay ngày mai mẹ sẽ mua cho con, bây giờ mẹ chưa có tiền!” và sau đó thì lờ luôn, hay đến lúc đó nếu trẻ còn nhớ và nhắc nhở, mới miễn cưỡng đi mua cho con !
Điều đó sẽ làm cho trẻ không còn tin vào chúng ta nữa, hoặc việc vâng lời theo hợp đồng sẽ trở nên thường xuyên hơn, và lúc đó thì chúng ta đã biến trẻ thành một kẻ thực dụng ngay từ khi còn bé, và hậu quả về việc này đôi khi chính chúng ta là người lãnh đủ !
2.Ý thức tự giác:
Ý thức tự giác là một điều cần phải được rèn tập chứ không thể tự nhiên mà có. Điều này cần được tiến hành vào giai đoạn 4- 5 tuổi là tốt nhất, vì ở độ tuổi này các em mới có được khả năng liên kết các chuỗi sự kiện với nhau, và biết sắp xếp một cách hợp lý các thông tin, hình ảnh để hình thành một chuỗi các sự kiện theo thời gian. Trẻ sẽ biết rằng, muốn quét nhà phải đi tìm cái chổ, có chổi mới quét được nhà, quét nhà thì sẽ làm cho nhà sạch, mà nhà sạch thì bố mẹ tỏ ra vui thích. Điều này sẽ làm cho trẻ hãnh diện, và đó là khởi đầu cho sự tự tin, một kỹ năng sống hết sức quan trọng không chỉ với trẻ mà ngay cả với người lớn !
Việc tập cho trẻ ý thức tự giác tuy đơn giản nhưng không dễ, vì chúng ta thường có thói quen ra lệnh với trẻ, con phải làm cái này, con phải làm cái kia .v.v. Ngoài ra, chúng ta cũng thường cho rằng trẻ còn nhỏ, tay chân còn vụng về, nếu để trẻ tự làm vừa chậm lại có khi hỏng bét ! Điều đó là đúng nếu ta muốn trẻ cứ tiếp tục sự vụng về như thế cho đến khi vào lớp 1 thậm chí cho đến tuổi trưởng thành , bằng cách không yêu cầu trẻ phụ giúp việc nhà nữa.Ngược lại, nếu muốn giúp trẻ có khả năng tự lập sau này, thì ngay từ bé, hãy bắt đầu bằng những việc đơn giản nhất, để cho trẻ tự làm những việc trong khả năng có thể. Chính những vụng về ban đầu, sẽ giúp trẻ hoàn thiện dần dần các kỹ năng để từ đó đưa đến một nền tảng vững chắc cho khả năng tự lập sau này.
3.Khả năng tự chủ:
Tự chủ là có khả năng chỉ huy chính mình và giữ được sự ổn định về tâm lý trong mọi hoàn cảnh. Tự chủ được xem là một cảm xúc có giá trị vì đây là một trong những yêu cầu cơ bản nhất để xác định mức độ trưởng thành của một con người.
Khả năng tự chủ của một đứa trẻ thường phụ thuộc vào các yếu tố:
Tính khí của trẻ: Có những trẻ rất nóng nảy, hiếu động hoặc giàu cảm xúc, những trẻ này muốn đạt được khả năng tự chủ sẽ không phải là điều đơn giản. Ngược lại có những trẻ tính điềm đạm, thậm chí là lạnh lùng và vô tình thì khả năng tự chủ sẽ dễ dàng hơn.
Môi trường sống: Trẻ sinh ra và lớn lên trong một khu xóm lao động, hay nơi phố thị ồn ào náo nhiệt, thì sẽ khó có được sự tự chủ bằng những kẻ sinh ra và lớn lên ở những khu xóm yên tĩnh, hay vùng nông thôn, vùng núi cao vắng vẻ.
Môi trường giáo dục: Một hệ thống giáo dục ổn định, phù hợp với sự phát triển về tâm sinh lý của từng lứa tuổi và có những yếu tố kích thích tính sáng tạo sẽ giúp trẻ dễ dàng thu nạp và hình thành được khả năng tự chủ hơn một hệ thống giáo dục bất ổn, áp đặt theo những khuôn mẫu cho sẵn.
Tuy nhiên, cho dù một đứa trẻ có gặp phải những điều không thuận lợi về tính khí, về môi trường sống và môi trường giáo dục tại nhà trường, mà lại được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có một bầu không khí ấm cúng, vui tươi và ổn định thì chắc chắn trẻ cũng sẽ có khả năng hình thành sự tự chủ của mình một cách dễ dàng hơn, nhất là khi trẻ nhận được từ bố mẹ một sự chăm sóc, giáo dục đúng cách và phù hợp thì vẫn có thể phát triển được khả năng tự chủ ở một mức độ nào đó.
CvTl Lê Khanh