MỘT NĂM CỦA NHỮNG CHUYẾN ĐI – 2019
03/01/2020PHÒNG NGỪA BỆNH NGHỀ NGHIỆP – KHÓ MÀ DỄ !
13/03/2020Trong công việc của mình, do có cơ hội được đi đây đó, tiếp xúc với nhiều người …nhất là trong ngành tâm lý và giáo dục đặc biệt, tớ đã gặp gỡ, trao đổi ..chia sẻ và cùng làm việc với khá nhiều phụ nữ tài ba, có những người thật thú vị, có người thật dễ thương, có người lại đáng tôn trọng …. Nhưng người làm cho tôi khâm phục thì chỉ được vài người.
Tớ thuộc loại bình dân học vụ, dù cũng đã từng đi Tây đi Mỹ, tiếp chuyện với những bậc nữ lưu bằng cấp đầy người cũng không đến nỗi ấp úm… nhưng những tấm bằng và sự hiểu biết sâu sắc đó của họ không hề làm cho tớ nể trọng bởi chỉ mới ..nghe !.Thậm chí là khác với những gì mình thấy và biết Còn ngược lại, tớ cũng đã được nhiều người cho đi tàu bay giấy hay uống nước đường để khai thác khả năng chuyên môn … Tớ sẵn sàng chia sẻ tất cả và thường thì sau đó là họ đánh bài lơ khi đã có được cái mình muốn. Cũng không hề gì, vì như thế mới là đời.
Người ta thường nói : trai tài – gái sắc ! rõ ràng, nhan sắc của một người phụ nữ là điều đáng giá nhất, nhưng nếu chỉ có cái đẹp mà không có cái duyên thì chỉ là “hàng mẫu” , nếu chỉ có cái sắc bên ngoài mà không có cái tâm sâu lắng và thiện lành bên trong thì đôi khi lại trở nên tai họa ! Vì thế với tớ, nếu biết họ là những bậc “ hồng phấn giai nhân” thì mình đành “ kính nhi viễn chi” .
Từ trước tới giờ, tớ luôn có những đam mê cháy bỏng trong công việc, trong cái ngành mà tớ đã bén duyên gần 30 năm nay… nhưng vì bản thân là một kẻ ham…chơi nên khác với một số đồng nghiệp, cắm đầu vào sự nghiệp để mong có ngày trở thành đại nghiệp, tớ chỉ như một gã lang thang, đi đến những nơi mình thích, làm những điều mình muốn và sẵn sàng ..rong chơi ! Vì thế cái sự đam mê của mình nó cũng chỉ là những niềm vui trong công việc, chứ không đem lại danh vọng hay tiền tài. Ngược lại cũng không làm cho mình phải cay cú, gato với những ai giỏi hơn mình, tài hơn mình, kiếm tiền khá hơn mình và đẹp giai hơn mình ! Nhưng tớ lại hết sức khâm phục những người chịu khó ! Nhất là chịu khó cho cái đam mê của mình. Có điều là dù đi nhiều, gặp nhiều nhưng các vị nữ lưu này đúng là hàng quý hiếm.
May quá, đến cuối năm Heo, đầu năm Chuột – Tớ được gặp một người phụ nữ mà thoạt đầu, nhìn chị chẳng để lại cho mình một ấn tượng gì , không đẹp, không duyên dáng và cũng chẳng thấy có tài năng gì nổi trội … Nhưng càng tiếp xúc, tớ lại càng phục ! Trước hết, chị là mẹ của một bé Vip đã 10 tuổi, và cũng như các bà mẹ Vip khác, hết sức lo lắng, mệt mỏi để tìm đủ mọi cách “ chạy chữa” cho con – Với gia cảnh của chị, tuy không giàu có nhưng việc “tìm thầy tìm thuốc” cho con cũng không phải là điều khó. Nhưng điều làm cho tớ khâm phục là chị không chỉ nghĩ đến con mình, không muốn bỏ tiền triệu ra để đi học các kiểu can thiệp “cao cấp” để về để chỉ dạy con, hay thỉnh các chuyên gia “hàng đầu” về can thiệp cho con. Với trình độ một bác sĩ trưởng khoa như chị, việc tiếp thu các kiến thức giáo dục đặc biệt là không khó ! Nhưng sau một thời gian loay hoay khi tình trạng của bé tạm ổn, thì chị lại nghĩ đến những đứa trẻ khác, những gia đình khác… đặc biệt là nơi quê hương của chị, nơi mà những kiến thức về can thiệp sớm, về giáo dục hành vi hay âm ngữ trị liệu còn là những điều xa lạ. Thậm chí ngay cả việc nhận biết về tình trạng của con mình, để có thể định hướng can thiệp, cũng nhiều người có trình độ như chị mà vẫn còn mơ hồ ! Chứ nói gì đến những người dân quê.
Tớ đã từng đánh giá, tư vấn cho nhiều trường hợp ở vùng đồng bằng Cửu Long, đã từng gặp nhiều bà mẹ tuy cũng lo lắng về con nhưng lại khá ngây thơ và thờ ơ trước tình trạng của con mình. Đưa con đi khám, rồi tìm một cái trường mẫu giáo, tiểu học chấp nhận tình trạng của con để gửi vào …thế là xong Thêm một điều, cả một khu vực rộng lớn, nhưng các cơ sở can thiệp có điều kiện hay năng lực thì không phải là dễ tìm, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay !
Vì thế, cùng chồng cũng là một bác sĩ, hai anh chị đã “cày sâu cuốc bẫm” làm việc từ 6h sáng – 7h tối để kiếm tiên mua một miếng đất, xây dựng một trung tâm … Không phải là một căn nhà phố hai ba tầng như mọi nơi, mà là một trung tâm thực sự trên một khu đất rộng 3000 m2 ! Với một công trình như thế, một cá nhân khó có thể hoàn thành và với lãnh vực giáo dục đặc biệt thì cũng khó mà có thể kêu gọi đầu tư, góp vốn nếu không muố biến nó thành một cơ sở kinh doanh trên đầu những đứa trẻ ! Nhưng chỉ với công sức của hai người và sự hỗ trợ ( không xen vào ) của họ hàng, chị em ..mà một Trung tâm bề thế đã được xây dựng với tốc độ đáng kinh ngạc !
Tớ sẽ không nói gì nhiều về Trung tâm, ai muốn biết xin mời đến thăm ! tớ chỉ muốn nói đến sự mềm mỏng nhưng kiên trì, cùng sự chịu khó đáng kinh ngạc của chị ! Đứng nhìn chị đi lại làm lụng trên một cơ sở đang hình thành, tôi cứ ngỡ như nhìn một chị lao công tạp vụ nào đó, chứ không phải là một bà chủ của một cơ sở bề thế với các trang thiết bị trị giá hàng trăm triệu. Giữa trưa nắng, chị lặn lội đi mua từng chậu hoa, từng bụi cỏ để vể gieo trồng trong những luống đất với sự say mê . Chị chỉ cho tôi những điều chị đã làm, đã trang bị cho trung tâm một cách vui sướng và đơn sơ như một đứa trẻ trước món đồ chơi ưng ý của mình.
Chị mong muốn có một nơi mà con chị, cùng những trẻ đặc biệt khác có thể vui chơi, học tập … Không những thế, chi còn nghĩ đến cả những đứa trẻ lang thang kiếm sống chung quanh thị xã, gia đình không có tiền để đi học và cũng không có nhiều cơ hội kiếm tiền như các trẻ em thành phố. Chị nghĩ đến một lớp học tình thương cho các em, và điều này thì lại rất phù hợp để tạo một môi trường hòa nhập cho các trẻ đặc biệt, có cơ hội chơi và học tập cùng nhau trong một ngôi trường – nhưng khác lớp – Đây là điều không dễ thực hiện ngay cả với các trường gọi là hòa nhập, nhưng thực chất chỉ là đưa trẻ đặc biệt vào ngồi trong một lớp với cả chục học sinh bình thường để rốt cuộc thì hòa mà không nhập !.
Chị mong muốn, trung tâm của mình không chỉ là một ngôi trường chuyên biệt, hay chỉ mang cái vỏ giáo dục hòa nhập để nhận trẻ đặc biệt và thu phí, mà là một trung tâm của cộng đồng, nơi giúp cho những đứa trẻ và cả phụ huynh có thể đến vui chơi, học tập và sinh hoạt … Đây cũng chính là mơ ước của tớ, tớ đã đem mơ ước này trải dài từ một thành phố biển, cho đến vùng đất Bắc xa xôi trong hàng chục năm qua … nhưng vẫn chưa làm được gì mà đầu đã bạc ! Đến nay, với người phụ nữ nhỏ nhắn và kiên cường này, với một bà mẹ trẻ Vip cùng trái tim rộng mở… tớ hy vọng trước khi về vườn, được thấy giấc mơ của mình trở thành hiện thực.
Chỉ hơn một tháng nữa thì Trung tâm sẽ đi vào hoạt động, và còn rất ..rất nhiều thách thức đang chực chờ phía trước, nhưng với anh chị, nơi vùng đất hiền hòa sông nước và những con người chân chất, thấm đẫm giáo lý của Đức Huỳnh giáo chủ – hành đạo là nhập thế giúp người, thì tớ tin rằng Trung tâm sẽ tồn tại và phát triển. Tớ không tin vào những đề án như bánh vẽ, nhưng tớ tin và biết ơn những người thợ bình dị và tài ba đang miệt mài ngày đêm để hoàn thành một cơ sở cho trẻ đặc biệt vùng An Giang, họ đã cùng nhau làm việc với tất cả sự xuề xòa nhưng rất chuyên nghiệp! Năm nay, tớ ăn Tết với một ước mơ đang trở thành hiện thực !
Ngày 26 Tết Chú Chuột !
Lê Khanh