Can thiệp sớm tại gia đình
10/05/2011
Trẻ bại liệt
12/05/2011
Can thiệp sớm tại gia đình
10/05/2011
Trẻ bại liệt
12/05/2011

Tuổi mầm non là bậc thang đầu tiên, làm nền móng cho những bậc thang tiếp theo của cuộc đời người, nhiều nhà khoa học đã nói đến sự cần thiết và vai trò của trường mầm non trong việc phát triển của trẻ

 

 

 I. Chuẩn bị tâm thể cho trẻ 5 tuổi vào lớp một

. Để vào lớp 1, trẻ cần được chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đi học – hay còn gọi là “độ chín muồi”. Vì thế một trong những yêu cầu quan trọng để giúp trẻ vào học tốt chương trình tiểu học là cần chuẩn bị cho trẻ:

  • Về mặt thể chất
  • Về mặt trí tuệ
  • Về tình cảm – xã hội
  • Về mặt ngôn ngữ
  • Một số kỹ năng cần thiết cho hoạt động học tập

* Để đáp ứng những yêu cầu trên đòi hỏi khi chuyển tiếp giữa mầm non và tiểu học phải đảm bảo sự kế thừa, tính khoa học, những kiến thức đã được  hình thành ở lứa tuổi mầm non cần phải được củng cố và mở rộng, hoàn thiện ở mức độ cao hơn giúp trẻ không bị những thay đổi đột ngột khi chuyển hoạt động chủ đạo từ hoạt động vui chơi sang hoạt động học tập trong nhà trường phổ thông. Chính vì thế việc chuẩn bị tốt cho trẻ về thể chất, tâm lý từ tuổi mẫu giáo là yêu cầu quan trọng giúp trẻ thích ứng tốt với việc học tập ở bậc học phổ thông.

 

1/ Chuẩn bị về mặt thể lực:

“Một tâm hồn minh mẫn trong một cơ thể cường tráng”, thật vậy một điều kiện quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập của học sinh là thể lực. Thể lực phát triển tốt tạo điều kiện thuận lợi cho những tư chất, những yếu tố sinh học với tư cách là tiền đề vật chất của sự phát triển nhân cách.

Chuẩn bị về mặt thể lực cho trẻ không đơn thuần là sự chuẩn bị về lượng phát triển chiều cao và trọng lượng cơ thể mà còn là sự chuẩn bị về chất, năng lực làm việc bền bỉ, dẻo dai, có khả năng chống lại sự mệt mỏi của thần kinh, cơ bắp, độ khéo léo của bàn tay, tính nhanh nhạy của các giác quan ….. Để có được phẩm chất đó, cần tạo một chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập,….. cho trẻ một cách khoa học và hợp lý cả về thời gian cũng như phù hợp với đặc điểm phát triển riêng của từng trẻ.

 

2/ Chuẩn bị về mặt phát triển trí tuệ:

Giáo dục mầm non có một ý nghĩa quan trọng đối với việc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đi học cũng như tập cho trẻ làm quen với những sinh hoạt gần gũi với hoạt động học tập.Vì vậy trẻ cần phải có sự rèn luyện về các thao tác trí tuệ, có sự hiểu biết vể bản thân, gia đình, môi trường xung quanh, các biểu tượng về thời gian, không gian đồng thời có kỹ năng thực hiện hoạt động trí óc như biết so sánh, phân tích, tổng hợp,….

Trẻ cần được quan tâm để phát triển về :

  • Khả năng nhận thức : Đây là những hiểu biết nhất định của trẻ về các sự vật, hiện tượng xung quanh như nắng, mưa, nóng, lạnh, thứ bậc trong gia đình,….
  • Khả năng hình dung qua các biểu tượng: Biểu tượng là những hình ảnh của các sự vật hiện tượng mà trẻ hình dung được ở trong đầu mỗi khi được nhắc đến. Ví dụ khi ta nói ô tô trẻ sẽ hình dung được ở trong đầu rằng đó là cái gì, dùng để làm gì.
  • Kỹ năng hoạt động trí óc: Đây là những hành động trí óc đơn giản như so sánh sự giống nhau hay khác nhau của 2 hay nhiều sự vật, hiện tượng, đối chiếu về kích thước hỏi và thử trả lời, đếm,…..
  • Khả năng định hướng trong không gian và thời gian Đây cũng là một biểu hiện của sự phát triển trí tuệ, trẻ biết xác định được không gian trên, dưới, trước, sau, phải, trái và thời gian như sáng, trưa, chiều, tối, hôm qua, hôm nay,…. Là điều kiện cần thiết để trẻ tiếp thu, lĩnh hội chương trình học tập ở trường phổ thông.

 

3/ Chuẩn bị về mặt tình cảm – xã hội:

Sự phát triển các mặt tình cảm – xã hội là tiền đề quan trọng cho việc học và phát triển toàn diện nhân cách của trẻ. Chính việc phát triển tính tự tin, tự trọng, thực hiện nhiệm vụ một cách độc lập; khả năng tập trung, chấp hành những qui định chung và sự chỉ dẫn của người lớn (phù hợp với lứa tuổi của trẻ) là vô cùng thiết yếu giúp trẻ học tập tốt ở trường phổ thông sau này. Khi trẻ tự tin vào chính bản thân mình, trẻ sẽ học được cách chủ động độc lập trong việc thực hiện các nhiệm vụ đến cùng. Vì vậy hãy để trẻ tự làm và người lớn chúng ta là khích lệ trẻ.

Gia đình cần phải làm gì ?

Giúp cho trẻ ý thức về bản thân như đặt các câu hỏi để kích thích trẻ biểu lộ những suy nghĩ, cảm xúc của mình thông qua tranh ảnh, hình vẽ, thơ, chuyện. Khuyến khích trẻ tự tổ chức các trò chơi,  đặc biệt là trò chơi phân vai theo chủ đề. Hướng dẫn cho trẻ có thói quen tự phục vụ bản thân.

Giúp trẻ tự lựa chọn và tham gia các hoạt động chơi nhằm phát triển tính tự tin, tự lực và sáng tạo của trẻ.

Nhắc nhở trẻ ý thức và thái độ cư xử phù hợp đối với người thân trong gia đình như ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em, chú, bác,…..


4/ Chuẩn bị về mặt ngôn ngữ:

Tất cả những nội dung, kiến thức nói cho đến cùng đều phải thông qua tiếng mẹ đẻ. Vì vậy việc chuẩn bị cho trẻ sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt hàng ngày là việc quan trọng nhất để chuẩn bị cho trẻ vào lớp một.

Trẻ có ngôn ngữ mạch lạc phát triển tốt, thì đồng thời các quá trình tâm lý như tư duy, tưởng tượng, trí nhớ, tri giác,…. của trẻ cũng phát triển tốt.

Tìm cách phát triển ở trẻ khả năng sử dụng ngôn ngữ trong cuộc sống hàng ngày một cách phong phú; hình thành một số kỹ năng chuẩn bị cho việc đọc, viết, thông qua các hoạt động sinh hoạt, học tập, vui chơi, các buổi tham quan, mở rộng vốn từ về thế giới xung quanh, tập cho trẻ biết diễn đạt một cách rõ ràng, mạch lạc, không nói ngọng, nói lắp, nói lí nhí.

 

5/ Chuẩn bị một số kỹ năng cần thiết cho hoạt động học tập:

Hiện nay việc sử dụng phương pháp dạy học tích cực trong các bậc học đã giúp trẻ chuyển hoạt động chủ đạo từ hoạt động vui chơi sang hoạt động học tập một cách thuận lợi.

Để đạt được những hiệu quả trên cần tạo điều kiện cho trẻ rèn luyện một số kỹ năng cơ bản của hoạt động học tập như việc sắp xếp bàn ghế, cách cầm bút, cầm sách, mở sách, tư thế ngồi đúng,… giúp trẻ thích ứng với hoạt động mới. Bố mẹ cần cho trẻ làm quen với các đồ dùng học tập ở trường phổ thông, thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với sách, truyện tranh.

* Bên cạnh đó trẻ phải biết cách điều khiển, vận động bàn tay nhỏ bé của mình để thực hiện một cách gọn gàng, dẻo dai các thao tác vận động trong học tập.

Trong các bữa ăn  nên tập cho trẻ biết sử dụng những đồ dùng sinh hoạt một cách gọn gàng khéo léo. Các nhà khoa học đã khẳng định “Những vận động bằng tay của trẻ càng khéo léo, càng phong phú bao nhiêu càng dễ hình thành các thao tác trí tuệ bấy nhiêu”.



II.Hoạt động cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi làm quen với đọc, viết.

Để giúp trẻ làm quen với việc đọc – viết, chúng ta sẽ dạy trẻ như thế nào?

Chuẩn bị cho việc học đọc

Cho trẻ làm quen với chữ cái trong các hoạt động vui chơi. Trẻ biết gọi tên, tô và tập viết các chữ cái.

Làm quen cách đọc các từ, câu đơn giản như hướng dẫn trẻ đọc tên trẻ, gọi tên một số đồ vật được ghi trên những đồ dùng cá nhân, bảng chữ ghi tên đồ vật thường dùng (như bút chì, giấy, góc sách ….), nhận biết và viết tên của bản thân.

Cha mẹ  nên đọc sách cho trẻ nghe thường xuyên, có thể sử dụng các giờ như dạo chơi ngoài trời, trước giờ ăn,….Khi trẻ nghe và nhìn cách mẹ đọc sách trẻ có thể học được những kiến thức từ nội dung sách, cách sử dụng sách và nguyên tắc đọc, hướng dẫn trẻ ý thức giữ gìn và bảo vệ sách. Cần lựa chọn những sách có hình ảnh sinh động ngoài bìa nhằm gây hứng thú cho trẻ đối với sách.

Thông qua việc đọc sách trẻ khám phá các ký hiệu và mẫu chữ khác nhau, kích thích sự tò mò tìm hiểu các từ và chữ.

 

Chuẩn bị cho việc học viết

Chơi các trò chơi luyện ngón tay nhằm rèn luyện vận động của các cơ nhỏ và sự khéo léo của các ngón tay, sự phối hợp tay mắt như chơi buộc dây, cài cúc, xếp hột hạt, chơi lăn bóng, chuyền bóng, ném trúng đích,…

Tổ chức các hoạt động tạo hình như vẽ tranh, nặn, xé dán, đồ, in hình, vò giấy,… đặc biệt các hoạt động có sử dụng bút, giấy như làm sách, hoàn thiện bức tranh

+ Hướng dẫn trẻ biết làm một số đồ chơi đơn giản từ nguyên vật liệu thiên nhiên (quấn kèn từ lá cây, làm con chuồn chuồn, gấp tàu, máy bay, bè….).

Lê Khanh

Biên soạn theoTài liệu của sở Giáo Dục Tiền Giang

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý