Khả năng của bạn ra sao ?
10/05/2011Chuẩn bị cho con vào lớp Một
11/05/2011Phương pháp Can thiệp sớm tại gia đình còn được gọi là Giáo dục Cá nhân là một chương trình sử dụng các nguyên tắc cơ bản như nhau, nhưng được thiết kế tùy theo tình trạng cho từng trẻ…
Chuyên gia tâm lý khi xây dựng chương trình, sẽ căn cứ vào các thông tin có được từ việc quan sát trẻ, các bảng đánh giá hay các kết quả test (nếu xét thấy có nhu cầu) và các thông tin về tiền sử sinh nở và năng lực thực tế của trẻ tại gia đình; để đưa ra một kế hoạch sẽ được chính bố mẹ thực hiện trong một thời gian từ 3 -6 tháng. Sau đó, sẽ có những đánh giá, nhận xét của nhà chuyên môn, để có những điều chỉnh kịp thời sau một thời gian áp dụng (thường là từ 1 – 3 tháng)
Thế nào là can thiệp sớm ?
Can thiệp sớm là việc tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục tại gia đình dành cho trẻ rối nhiễu tâm lý ( Bao gồm các tình trạng Chậm nói – hiếu động kém chú ý – Chậm phát triển trí tuệ và các tình trạng nguy cơ Tự Kỷ ) với sự cộng tác giữa gia đình và chuyên gia dựa trên nhu cầu của trẻ và sự quan tâm của mỗi gia đình.
Can thiệp sớm nhằm giúp cho đứa trẻ phát triển:
- Khả năng di chuyển, vận động, nhìn và nghe.(Thể chất)
- Khả năng nhận thức và tiếp thu (tri thức)
- Khả năng hiểu lời, nói ra và diễn tả (Ngôn ngữ )
- Khả năng tiếp xúc và chấp nhận người khác (Quan hệ)
- Khả năng tự phục vụ (Cá nhân)
- Khả năng hòa nhập với môi trường (Thích ứng)
Can thiệp sớm là đối kháng lại với sự chờ đợi thụ động, bằng những hoạt động từng bước một, xây dựng đường đi, định hướng phát triển cho trẻ. Đây là những tác động giúp cho sự tiến bộ mỗi ngày thêm một chút, là sự đấu tranh một cách khoa học, có phương pháp để đẩy lùi giới hạn của những khó khăn mà trẻ đang gặp phải. Nói cách khác, đó chính là sự tham gia tích cực và có kế hoạch của bạn dành cho con mình.
Chúng ta nên biết rằng Can thiệp sớm giúp cho các cháu bé từ 2 – 4 tuổi có được những tiến bộ tại gia đình, nhưng ngay cả những trẻ lớn tuổi hơn cũng vẫn có được những tiến bộ đáng kể nếu bố mẹ áp dụng một cách tích cực và đầy đủ mọi kế hoạch phát triển.
Vai trò của phụ huynh trong chương trình Can thiệp sớm:
Trong chương trình Can thiệp sớm thì việc can thiệp có được kết quả tích cực hay không là do sự tham gia của gia đình. ( của chính bố và mẹ )
Cần phải biết rằng, theo những thống kê chính thức (của nước ngoài) một đứa trẻ được chăm sóc tại một cơ sở tập trung tiến bộ chậm hơn một đứa trẻ được chăm sóc tại môi trường trong gia đình. Nhưng sự chăm sóc ấy phải được vận dụng một cách thường xuyên, liên tục theo một kế hoạch đã định trước, và đứa trẻ phải được đối xử như một trẻ bình thường từ việc khen thưởng tới những biện pháp kỷ luật.
Với một trẻ có những khó khăn về giao tiếp và ngôn ngữ thì việc tác động cần giúp cho trẻ phát triển nhiều khả năng về thị giác, thính giác, và cả xúc giác để giúp cho trẻ có những nhận thức đa đạng hơn về môi trường xung quanh.
Chúng ta nên biết là trong giai đoạn đầu, chưa nên đặt mục tiêu về ngôn ngữ, vì chỉ khi nào trẻ có được sự thoải mái và chấp nhận những sự tiếp xúc chung quanh cũng như có được một số “vốn liếng” về âm ngữ thì lúc đó, trẻ sẽ có nhu cầu để giao tiếp bằng ngôn ngữ.
HOẠT ĐỘNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH
CAN THIỆP – GIÁO DỤC CÁ NHÂN CGC:
Chương trình CGC có nhiều hoạt động khác nhau, được tiến hành trong những thời điểm khác nhau và có sự tham gia của nhiều người để tác động bằng nhiều hình thức đến đứa trẻ.
1/ Hoạt động tại gia đình :
Đây là hoạt động chủ yếu được cha/mẹ tác động lên đứa trẻ. Chúng ta sẽ tác động như thế nào – Các bậc cha mẹ hãy tác động vào đứa trẻ trong các thời điểm sau đây:
Đây là một LỊCH HOẠT ĐỘNG – mẫu, có tính tham khảo để tuỳ theo điều kiện thực tế và năng lực của trẻ, phụ huynh có thể thêm – bớt cho phù hợp:
- Thời điểm trẻ vừa thức giấc : Hãy cho trẻ thấy hình một em bé đang nằm trên giường (Tốt nhất là hãy dùng chính ảnh chụp của trẻ được in to cỡ 15 X20 cm = khổ A5) , chỉ tay vào và nói với trẻ : Con ( hoặc nói tên ) vừa thức dậy . ( Sau một thời gian thì hãy để cho chính trẻ chỉ tay vào, khi bố mẹ đặt câu hỏi : Con đang làm gì ? )
- Thời điểm trẻ ăn sáng: Hãy cho trẻ xem hình chụp ly sữa ( để so sánh với ly sữa thật đang có trên bàn ăn) hãy hỏi trẻ : Ly sữa đâu? ( yêu cầu trẻ nhận ra ly sữa trong hình chụp) – Có thể cho trẻ xem và so sánh với các thức ăn khác như bánh mì, xôi …. Sau khi trẻ ăn sáng xong ( trẻ tự ăn hoặc được người lớn cho ăn ) Hãy cho tre xem hình hoạt động tiếp theo ( nếu trẻ đi học – hãy chỉ hoạt động chuẩn bị đi học của bé )
- Thời điểm ăn trưa : Nếu trẻ ăn ở nhà – hãy giới thiệu các món ăn cho bé xem và hỏi bé thích món nào ( trẻ chỉ cần chỉ tay vào ) với trẻ trên 4 tuổi ( hay có nhận thức khá ) hãy cho trẻ so sánh sự lớn/nhỏ giữa các vật dụng dùng để ăn /uống ( Hỏi bé : Ly nào lớn – ly nào nhỏ hơn, tô nào lớn hơn/ tô nào nhỏ hơn )
- Thời điểm chuẩn bị đi tắm và trong khi tắm : Cho trẻ chơi các trò chơi với các con vật phát ra tiếng kêu bằng cao su ( có thể thả trong chậu nước hay bồn tắm ) cho trẻ chơi trò chơi phun nước qua ống hút, dùng ống hút để thổi vào các quả bóng nhỏ trên mặt nước ..
- Thời điểm học thêm ở nhà ( với Giáo viên hay với cha /mẹ ) : Tập các bài tập trong chương trình can thiệp sớm – khích lệ việc trẻ nói, chạy nhảy, chơi đùa bằng các trò chơi giáo dục – tập tô mầu, xếp chồng các khối gỗ lên nhau – việc chơi đùa và học tập này không kéo dài quá 90 phút ( với trẻ dưới 5 tuổi ) và có ít nhất 1 – 2 lần nghỉ 10 – 15 phút.
- Thời điểm tối trước khi đi ngủ : Hãy cho trẻ xem các tập sách có in hình ( các đồ vật trong nhà – hình người – hình đồ vật chung quanh và một số các con gia súc … ) để giúp trẻ có thêm vốn từ – Chỉ cần chỉ cho trẻ xem, nói cho trẻ nghe chứ chưa yêu cầu trẻ phải nói lại , trừ các em đã có sẵn khả năng nhận ra và nói tên được các hình ảnh này.
Ngoài các thời điểm này, chúng ta có thể tác động thêm một số thời điểm khác như khi cho trẻ đi chơi công viên, hay khi dẫn trẻ đi mua hàng trong siêu thị. Như vậy, chúng ta thấy chương trình CGC là một chương trình can thiệp liên tục tại gia đình từ ngày này sang ngày khác vào nhiều thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, trẻ vẫn có thì giờ tự do và bố mẹ cũng không quá vất vả tồn nhiều thời gian và sức lực cho trẻ.
Chúng ta can thiệp hay tác động tùy theo mức tiếp nhận của trẻ, với sự nhẹ nhàng, vui vẻ và hết sức kiên nhẫn, vì có thể trong một vài tháng đầu hầu như trẻ không đáp ứng hay không có một tiến bộ nào ( vì trẻ chưa thiết lập được mối quan hệ qua lại với người dạy ) Nhưng hãy kiên trì đừng sốt ruột mà bắt trẻ phải tập nói ngay tronbg giai đoạn này, trẻ có thể sẽ khó chịu, dị ứng với việc nói và sẽ ỳ ra, không chịu thay đổi nữa.
2/ Hoạt động tại nhà trường :
Chương trình CGC chủ trương không tách trẻ ra khỏi cộng đồng qua việc đưa trẻ vào các trường chuyên biệt – trong trường hợp các em còn khả năng can thiệp và có thể theo học tại các trường bình thường, nhất là trong lứa tuổi mẫu giáo ( dưới 5 tuổi ) thì việc đưa trẻ vào các trường chuyên biệt sẽ vô tình cản trở khả năng hội nhập của trẻ. Việc cho trẻ theo học tại các trường bình thường tuy có khó khăn là các GV sẽ không có chuyên môn và năng lực tác động đến trẻ, nhưng chỉ cần được chấp nhận thì trẻ sẽ dần dần có được sự hội nhập cần thiết. Nói cách khác, nhà trường là nơi trẻ áp dụng những gì mà trẻ đã nhận được tại gia đình thông qua cha mẹ hay giáo viên đặc biệt bằng chương trình Can thiệp sớm tại gia đình ( CGC ) chứ không phải nhà trường ( các trường bình thường ) là nơi dạy trẻ những kỹ năng trong cuộc sống.
Hiện nay mô hình giáo dục hoà nhập còn được vận dụng một cách rất hạn chế và đôi khi được áp dụng không đúng với ý nghĩa và giá trị của nó. Giáo dục hoà nhập không chỉ là việc nhận vào một số trẻ rối nhiễu tâm lý trong một lớp bình thường rồi để mặc trẻ muốn làm gì thì làm. Mà cần phải có thêm một giáo viên có kinh nghiệm và chuyên môn tham gia hướng dẫn cho các em này. Các GV này có thể được đào tạo trong khoa giáo dục đặc biệt hoặc đã trải qua các khoá tập huấn về giáo dục trẻ rối nhiễu tâm lý để biết cách ứng xử trước các phản ứng của trẻ.
Việc đưa trẻ đến học tại một lớp bình thường ( từ 3 – 5 em có mức độ rối nhiễu tâm lý nhẹ) , hay có một lớp đặc biệt ( từ 7 – 10 em có mức độ rối nhiễu tâm lý trung bình ) trong một ngôi trường bình thường là điều nên quan tâm tổ chức. Đây là xu thế giáo dục tiến bộ trên thế giới, thay cho mô hình giáo dục chuyên biệt đón nhận tất cả các mức độ rối nhiễu của trẻ. Với các em có mức độ rối nhiễu nặng thì nên tổ chức các trung tâm điều dưỡng, chủ yếu là chăm sóc và hướng dẫn các kỹ năng tự chăm sóc cơ bản và đơn giản nhất.
Khi cho các em có mức độ rối nhiễu nhẹ và trung bình tập trung trong một ngôi trường chuyên biệt, nhất là với trẻ hiếu động và tự kỷ trong một thời gian vài ba năm, là chúng ta đã vô tình lãng phí một khoản thời gian quý báu cho việc phát triển của trẻ mà việc can thiệp cá nhân tại gia đình có thể đem lại cho các em.
3/ Hoạt động tại các phòng chuyên môn :
Hai hoạt động chuyên môn mà trẻ rối nhiễu tâm lý cần được tham dự là hoạt động Tâm vận Động ( ở cấp độ Can thiệp và trị liệu Tâm vận động ) và hoạt động chỉnh âm ( hay còn gọi là trị liệu ngữ âm) . Đây là công việc của Chuyên viên tâm vận động (Psychomotricien) và chuyên viên chỉnh âm (Orthophoniste). Hiện nay tại VN chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu về 2 lĩnh vực này mà mới chỉ có những khoá tập huấn ngắn hạn để đào tạo các giáo dục viên tâm vận động cũng như hướng dẫn một số kỹ năng tập nói cho các giáo viên dạy trẻ khuyết tật và trẻ đặc biệt.
Chúng ta cần lưu ý là hiện nay có một số mô hình Phòng Tâm vận Động (cho nhóm và cá nhân) nhưng chỉ mới ở cấp độ Giáo dục tâm vận động ( đây là cấp độ dành cho trẻ bình thường và có rối nhiễu nhẹ ) và có áp dụng một số biện pháp ở cấp độ Can thiệp tâm vận động chứ chưa tổ chức được hoạt động ở cấp độ Trị liệu tâm vận động. Phương pháp tâm vận động có nhiều mô hình khác nhau, nhưng chủ yếu là phương pháp tâm vận động Aucouturier. Đây là một hệ thống giáo dục đặc biệt do Nhà tâm lý Bernand Aucouturier sáng lập với những Triết lý, nhận thức, kỹ thuật và dụng cụ trang bị chuyên biệt, vì thế việc tổ chức cũng như tham gia cần phải tuân theo những yêu cầu cần thiết và người tác động nhất thiết phải là một chuyên viên tâm vận động đã được đào tạo qua một chương trình của hệ thống trường ASEFOP (Association Européenne des Écoles de Formation à la Pratique Psychomotrice: Hiệp hội các trường Đào tạo Thực hành Tâm vận động tại Châu Âu ) mới có thể vận dụng một cách đúng đắn phương pháp này.
Trong tiến trình can thiệp, trẻ có thể được đưa đến các phòng Tâm vận động và Chỉnh âm mỗi tuần 1 buổi ( 1 buổi cho tâm vận động và 1 buổi cho Chỉnh âm – mỗi buổi 90 phút ) tuỳ theo chỉ định của chuyên gia tâm lý ( có trẻ chỉ cần tập 1 trong 2, có trẻ cần tập cả 2 trong các thời điểm khác nhau ) với yêu cầu các phòng chuyên môn này phải có các chuyên viên đã qua đào tạo và được trang bị những dụng cụ phù hợp.
Trong trường hợp không có điều kiện tham gia, bố mẹ cần tham khảo một số biện pháp để chơi với trẻ theo chiều hướng của phương pháp tâm vận động tại gia đình, không nhất thiết phải đưa trẻ đến những phòng được gọi là tâm vận động mà thực chất chỉ là các phòng cho trẻ chơi tự do, dưới sự giám sát của một số giáo viên hay điều dưỡng tại các khoa tâm lý. Các hoạt động này chỉ có những tác động rất hạn chế, không làm thay đổi hay cải thiện được tình trạng rối nhiễu của trẻ.
Cv.Tl Lê Khanh