Tác giả: Lê Khanh

  • Có nên thuê con làm việc nhà ?

    Có nên thuê con làm việc nhà ?

    GiadinhNet – Nhiều cha mẹ hiện có thói quen dùng tiền để thưởng cho con trong mọi việc, từ học tập đến làm việc nhà… với suy nghĩ rằng, con sẽ biết phụ giúp bố mẹ công việc nhà và có động lực phấn đấu học tập. Liệu rằng dùng tiền “thuê” con như vậy có phải là đúng, dưới đây là lời khuyên của chuyên gia.

     

    “Thuê” con làm việc nhà, học tập

    Mới đây trên mạng xã hội lan truyền “bảng báo giá việc nhà” của một phụ huynh. Theo phụ huynh này, cậu con trai đã tích lũy được món tiền kha khá nhờ “lao động công ích ở nhà” và người mẹ lo sợ mình sẽ “mất khả năng thanh toán”. Theo “bảng báo giá” mọi công việc đều được trả công từng hạng mục như rửa bát, cắm cơm, dọn phòng, lấy đồ giúp… mất 20.000 đồng; đi siêu thị, phơi quần áo mất 30.000 đồng; học sinh giỏi kì I được 1 triệu đồng, kì II được 2 triệu…

    Cách làm này được anh chị áp dụng là hình thức cho con trai tiết kiệm. Người mẹ chia sẻ, từ khi có bảng giá, cu cậu ý thức hẳn, ăn xong tự rửa bát, đồ dùng tự dọn vì nếu ba mẹ cất giúp thì con phải trả tiền. Tiền công ngày nào được thanh toán ngày đấy để nhét lợn. Ngoài ra, cậu còn có thể ứng trước để làm tròn số tiền. Nếu hôm nay thu được 110.000 đồng, cu cậu sẽ xin ứng trước 40.000 đồng để thành 150.000 đồng.

    Câu chuyện này đang gây nhiều tranh cãi trên cộng đồng mạng. Cũng có người tỏ ý đồng tình, cho rằng cách này dạy con lao động và biết quý trọng lao động. Không ít người lại phản đối vì cách làm hoàn toàn sai bởi nó khiến con trẻ không nhìn thấy nghĩa vụ và trách nhiệm của mình với gia đình. Cũng có ý kiến cho rằng, điều này hình thành tính sòng phẳng, tất cả mọi cái làm cho nhau dù là người thân đều được quy đổi ra tiền.

    Đây không phải chuyện cá biệt bởi hiện có nhiều cha mẹ vẫn áp dụng cách này để thưởng cho con, song không phải ai cũng nhận được cái kết hoàn hảo. Anh Dũng (ở Hà Nội) cũng dùng tiền làm phần thưởng hy vọng đó sẽ là động lực để con phấn đấu học hành, tham gia vào công việc nhà. Vì vậy, từ nhỏ mỗi khi sai con làm việc gì dù rất nhỏ như quét nhà, dọn mâm bát hay thậm chí “dụ” con đi học, đi tắm… vợ chồng anh cũng lấy “tiền thưởng” làm động lực cho con. Khi bố mẹ anh biết chuyện cũng đã khuyên vợ chồng anh nên chấm dứt tuyệt đối cái việc thuê tiền cho con như vậy, nhưng anh chị gạt đi bảo: “Mỗi tháng mất một chút tiền để con siêng năng và chịu khó học chẳng đi đâu thiệt. Tiền mình bỏ sức ra mới kiếm được sẽ biết tiếc và không đòi mua lung tung nữa”.

    Đến giờ, khi con đã học cấp 2, cháu vẫn luôn đòi tiền mỗi khi làm việc nhà, học bài bởi nếu không có tiền, nhất định cháu không chịu làm. Anh Dũng chia sẻ, trước cháu rất chỉn chu nhưng gần đây mọi chuyện lại đâu vào đấy, cậu con trai của anh bắt đầu chểnh mảng trở lại. Không chỉ vậy, vợ chồng anh còn phát hiện con tìm mọi cách giấu không cho bố mẹ xem vở khi bị điểm kém. Anh chị đã rất vất vả để uốn lại con.

    Trẻ sẽ sống thực dụng

    Chuyên gia tâm lý Lê Khanh (Giám đốc Cty Giáo dục KIDSTIME Bình Thạnh, TP HCM) cho biết, có nhiều người trong các mối quan hệ xã hội, rất giỏi trong việc sử dụng sức mạnh của đồng tiền vì nghĩ tiền có thể khiến cho bất kỳ ai chấp nhận làm bất cứ điều gì, kể cả những điều họ không muốn. Từ đó, họ đã vận dụng luôn vào trong các mối quan hệ tại gia đình mình và sử dụng việc “thuê mướn” con thay vì sai bảo, hay nhờ cậy con của mình qua các bảng báo giá hay các mức phí trả công cho con từng vụ việc.

    Ngay cả với việc học tập của con, nhiều người cũng thích “treo thưởng” bằng tiền để thay cho những lời khích lệ, khen thưởng sáo rỗng không có giá trị thực tiễn. Đứa con cũng sẽ nỗ lực học tập hơn nhờ sức đẩy của đồng tiền. Tuy vậy, thưởng tiền khi con làm việc nhà hay đạt điểm cao thường mang tính tiêu cực hơn là tích cực.

    Trước mắt, việc làm này sẽ có hiệu quả khi trẻ tích cực làm việc hơn và sự đáp ứng ngay của con. Thế nhưng, đó là sự “lợi bất cập hại” khi bố mẹ vô tình lấy đi những giá trị tinh thần trong quan hệ gia đình, để thay vào đó các giá trị thực tiễn thường chỉ diễn ra trong các mối quan hệ xã hội. Khi bố mẹ ra giá với các “dịch vụ lao động” tại gia đình thì điều đạt được là kết quả như việc thuê mướn người ngoài (thường thì rẻ hơn).

    Có thể mọi người cho rằng, đó là sự công bằng khi trả công cho con, nhưng vô hình chung khiến đứa con lớn lên với cái tính thực dụng. Trẻ sẽ mất đi một giá trị hạnh phúc trong cuộc sống, đó là cái cảm nhận “được là người có ích cho người khác” hay niềm hãnh diện được người khác tôn trọng, bởi vì lúc đó trẻ sẽ có thể làm bất cứ điều gì miễn là được trả giá “sòng phẳng”. Đôi khi chính cha mẹ một mai khi về già, không còn đủ năng lực kiếm tiền để “trả công” cho con, sẽ mong đợi được gì ở đứa con mà bất cứ điều gì cũng phải trả công tương xứng? Hơn nữa, làm như vậy trẻ sẽ không nhận thức được những việc đó (việc nhà hay học tập) là trách nhiệm của mình, không tự giác làm.

    Theo nhà tâm lý, có nhiều cách khác tích cực để bố mẹ khuyến khích con làm việc nhà hay học tập. Thực tế, trẻ rất thích làm mọi việc nhưng thường không được như ý người lớn. Và bố mẹ sẽ chọn hoặc làm thay con hay tìm cách nào đó (trong đó có thưởng) để ép con làm theo ý mình.

    Trẻ sẽ vui vẻ làm việc nếu bố mẹ cũng làm việc. Trẻ sẽ không mệt mỏi, làm việc một cách vui vẻ nhẹ nhàng nếu trẻ được tập luyện cho làm việc nhà từ nhỏ, từ những việc đơn giản để dần dần trở nên một thói quen chứ không phải là những mệnh lệnh ngẫu hứng và kèm theo sự phê phán.

    Trẻ cũng được khen thưởng, khích lệ nhưng thay vì chỉ là những đồng tiền vô cảm, mà có thể đó sẽ là một sự tán thưởng, hay một món quà mà trẻ được tùy chọn vào trong dịp đi chơi cuối tuần. Bố mẹ cũng có thể thưởng tiền, nhưng đó là để đáp ứng một nhu cầu nào đó của trẻ chứ không đơn thuần là một sự trao đổi “tiền trao cháo múc” .

    “Chính sự quan tâm, hỏi han, cùng làm và chia sẻ công việc nhà của con với cha mẹ, những phần thưởng phù hợp với nhu cầu và tính cách của trẻ – mới là những “giá trị tích cực và hiệu quả” để giúp con phát triển. Không nên để trẻ trở thành một con người thực dụng, chỉ biết có “tiền” và những quyền lợi vật chất cho bản thân, con người phải biết yêu thương và tôn trọng những giá trị lao động mà con cái và cha mẹ đã cùng nhau xây dựng trong một cái “tổ ấm” được gọi là gia đình”, chuyên gia Lê Khanh khuyên.

    “Sự quan tâm, cùng làm và chia sẻ công việc nhà của con với cha mẹ, những phần thưởng phù hợp với nhu cầu và tính cách của trẻ – mới là những “giá trị tích cực và hiệu quả” để giúp con phát triển. Không nên để trẻ trở thành một con người thực dụng, chỉ biết có “tiền” và những quyền lợi vật chất cho bản thân, con người phải biết yêu thương và tôn trọng những giá trị lao động mà cha mẹ và con cái đã cùng nhau xây dựng trong một cái “tổ ấm” được gọi là gia đình”.

    Chuyên gia tâm lý Lê Khanh

    PHƯƠNG THUẬN

    ( Báo điện tử Gia Đình & Xã Hội )

  • Nghệ thuật bị hắt hủi và những điều khôn lường.

    Nghệ thuật bị hắt hủi và những điều khôn lường.

    TTCT- Trẻ em ngày càng có ít cơ hội tiếp cận nghệ thuật ở trường học và tại nhà – điều này sẽ để lại những hậu quả lâu dài.

    Trẻ MG Do Thái và Á Rập vẽ tranh trong trường song ngữ đầu tiên ở Jerusalem.

    “Ik ben ik” (Tôi là tôi) – là chủ đề lớp học khi con trai tôi bắt đầu đi học mẫu giáo tại Hà Lan cách đây hai năm. Nó đã vẽ chân dung mình, với chỉ hàm răng dưới và ba sợi tóc trên đầu. “Tóc khó vẽ lắm” – sau đó nó kể với tôi.

    Nó cũng miêu tả cuộc sống gia đình: ngôi nhà nhấp nhô và nằm nghiêng bên bờ kênh, cha nó và tôi đứng bên cạnh một con mèo không phải của chúng tôi, em gái đứng bên cạnh nó, trong khi chị gái – kẻ thù của nó lúc đó – lại không có mặt.

    Đó là vài nét thực tế đầu tiên chúng tôi có được về những trải nghiệm và sự ý thức về bản thân của con trai mình, vừa sâu sắc, vừa thú vị.

    Các tác phẩm nghệ thuật của ba đứa nhóc giăng khắp nhà. Chẳng hạn, chân dung của bé gái thứ hai với mái tóc đỏ thẫm vẽ bằng những nét sọc rộng, cùng con mắt thứ ba mà nó coi là mắt thần, được đóng khung và treo ngay ngắn trong phòng khách; hay bức tường phòng ngủ của cậu con trai thể hiện phác họa hình một chú hươu cao cổ.

    Chúng thích thú với việc chia sẻ những gì chúng không viết ra được qua những nét vẽ nguệch ngoạc.

    Một tỏ bày bản thân quan trọng 

    Nhiều bằng chứng cho thấy hội họa có những lợi ích phát triển đáng kể cho trẻ nhỏ. Hội họa tạo cho chúng không gian để diễn đạt những điều chúng nghĩ, qua đó, trẻ có thể phóng đại những gì quan trọng với bản thân, hoặc thể hiện những ý tưởng chúng không thể diễn tả được bằng lời.

    Thông qua nghệ thuật, trẻ nhỏ bộc lộ và mô tả các quan điểm của mình về bản thân, về thế giới và vị trí của chúng trong đó.

    Vai trò của hội họa trong việc tăng cường phát triển cho trẻ thời thơ ấu đã được ghi nhận kể từ khi giáo dục nghệ thuật bắt đầu trở thành một phần của chương trình giảng dạy tại các trường công lập ở các bang nước Mỹ vào năm 1870.

    Một nghiên cứu trên diện rộng cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa những nét vẽ nguệch ngoạc của trẻ mầm non với giai đoạn khởi đầu học đọc và ngôn ngữ viết của chúng.

    Theo một phân tích của các giáo sư Susan Steffani và Paula M. Selvester của Trường đại học California State, Chico, hội họa cũng tạo tiền đề cho những thành công của trẻ trong các lĩnh vực khác, bao gồm cả việc lĩnh hội và suy luận về toán học.

    Nhìn chung, việc được tiếp xúc với nghệ thuật trong trường học đem lại lợi ích lâu dài về học tập và xã hội cho trẻ em, đặc biệt đối với những trẻ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

    Một nghiên cứu về nghệ thuật năm 2012 của Quỹ tài trợ nghệ thuật quốc gia (National Endowment for the Arts) tại Mỹ cho thấy những học sinh thuộc gia đình thu nhập thấp học lớp 8 được tiếp xúc nhiều với nghệ thuật có nhiều khả năng đạt điểm cao và vào đại học hơn những bạn bè ít được tiếp xúc.

    Nhưng theo một nghiên cứu mới được các thanh tra trường học Hà Lan tiến hành tại chính nước này, khoảng thời gian trẻ em dành cho việc vẽ bằng tay ở trong và ngoài trường đang liên tục giảm dần.

    Nghiên cứu cũng cho thấy các tác phẩm nghệ thuật của trẻ đã giảm đáng kể về cả chất lượng và mức độ phức tạp kể từ một nghiên cứu tương tự được thực hiện cách đây 20 năm.

    Dự án này, tập trung vào trẻ từ 11 – 12 tuổi, xác định các xu hướng tương tự với những trẻ ở Mỹ, nhằm tìm hiểu kỹ hơn về hiệu quả của giáo dục nghệ thuật, bao gồm không chỉ hội họa mà còn cả âm nhạc, sân khấu và khiêu vũ.

    Trong hai lĩnh vực nhạc – họa, người thực hiện nghiên cứu nhận thấy sự suy giảm chất lượng trong các tác phẩm của học sinh.

    Xu hướng này có thể mang lại những hậu quả lớn hơn đối với sự thành công của các học sinh trong tương lai, bởi theo tạp chí trực tuyến The Conversation, “hội họa có thể được kết hợp với việc học bằng nhiều cách như tương tác hình ảnh, tư duy phản biện, tổ chức và trình bày thông tin và phương thức giao tiếp khác giúp vượt qua những rào cản về ngôn ngữ”.

    Là một phần của nghiên cứu tại Hà Lan, các học sinh được giao hai bài tập vẽ và được đánh giá về khả năng phát triển và kết hợp các ý tưởng, thực nghiệm và nỗ lực thuyết trình theo chặng.

    Các bức tranh cho thấy ít có sự gắn kết (nghĩa là các sự vật bị tách rời chứ không liên quan với nhau) và ít chi tiết hơn so với những gì các học sinh đã thể hiện trong nghiên cứu được tiến hành 20 năm trước đây.

    Theo các nhà nghiên cứu, nhiều thay đổi đã tác động tới các kết quả này. Tương tự số liệu của Mỹ, số giờ giáo dục nghệ thuật ở các trường tiểu học tại Hà Lan đã giảm và ngày càng có ít giáo viên chuyên dạy nghệ thuật hơn.

    Theo phát thanh viên Đài RTL của Hà Lan, việc chuẩn bị giáo viên chuyên dạy nghệ thuật không phải là “ưu tiên tại các trường sư phạm”.

    Công nghệ được chào đón, nghệ thuật bị tranh chỗ 

    Nhưng những biến đổi xã hội và tiến bộ kỹ thuật cũng là những yếu tố ảnh hưởng, ông Rafael Van Crimpen – giám đốc Học viện Breitner (Amsterdam) – phát biểu với dutchnews.nl rằng ngày nay, các trường học đang chào đón công nghệ số thay cho nghệ thuật và sáng tạo.

    “Trẻ em sẽ vẽ tốt hơn nếu chúng có nhiều thời gian cho việc đó – Van Crimpen nói – Giáo dục đang thay đổi theo thời gian và điều này được phản ánh trong các bức vẽ của chúng.

    Và tất nhiên, kỹ thuật số hóa có tác động”. Cũng có thể thấy rõ những xu hướng này ở Mỹ với nhiều lớp học thậm chí dựa vào công nghệ để dạy nghệ thuật.

    Folkert Haanstra – giáo sư giảng dạy nghệ thuật, một trong những cố vấn trong nghiên cứu tại Hà Lan – cho biết tác động của việc số hóa thể hiện rõ nhất ở bên ngoài lớp học, nơi trẻ em dành nhiều thời gian cho công nghệ hơn là hội họa, do đó chúng ít được thực hành hơn.

    Ông nói: “Hơn nữa, chất lượng hình ảnh kỹ thuật số được tạo ra trên các thiết bị điện tử có lẽ đáp ứng tốt hơn và chuyên nghiệp hơn so với các bản vẽ tay”.

    Việc ưu ái công nghệ như một phương tiện học tập nói chung cũng làm giảm tầm quan trọng của nghệ thuật thủ công.

    Theo các nhà nghiên cứu Shirley Brice Heath và Elisabeth Soep: “Khi nhà trường giảm ngân sách và các cơ hội việc làm đòi hỏi kiến thức về công nghệ và các kỹ năng liên quan, nghệ thuật dễ trở thành môn học tự chọn hoặc bị loại bỏ”.

    Brice Heath, nhà nhân loại học chuyên về ngôn ngữ và Soep, một chuyên gia về đàm luận của giới trẻ và nền văn hóa truyền thông kỹ thuật số, cho rằng nghệ thuật thậm chí còn dễ bị cắt giảm hơn các chương trình không phải là môn học.

    Nghịch lý là môn nghệ thuật thử thách học sinh thông qua việc kiểm tra giới hạn khả năng tưởng tượng và sáng tạo một cách toàn diện hơn so với các hoạt động được bảo vệ khác.

    “Tất cả các học sinh tập vẽ, đặc biệt học sinh nhỏ tuổi, phải đối mặt với những rủi ro đa dạng hơn so với học sinh tham gia những hoạt động khác, như bóng rổ hoặc hội đồng học sinh trường học – hai chương trình ít người nghi ngờ hoặc đánh giá thấp”.

    Ý kiến “nghệ thuật là một môn học được ưu tiên thấp hơn trong trường học” không phải là mới. Năm 1993, New York Times đã đưa tin việc cắt giảm ngân sách trong các trường học đặt nghệ thuật vào tình thế nguy hiểm, và hậu quả này quá dễ dàng được coi là phải chấp nhận.

    Cũng theo New York Times, “giáo dục nghệ thuật, từ lâu bị chối bỏ như một môn phụ, đang dần biến mất khỏi cuộc sống của học sinh – đặc biệt là các học sinh đô thị nghèo.

    Mặc dù các nghệ sĩ cũng như các nhà giáo dục tranh luận rằng trẻ em không được học nghệ thuật cũng kém cỏi như những đứa trẻ không học toán, ý kiến của họ vẫn không hề được lưu tâm trong khi các trường học vẫn phải đấu tranh với việc cắt giảm ngân sách”.

    Các chương trình nghệ thuật trong và ngoài trường học liên tục có nguy cơ bị cắt giảm. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos thậm chí còn đề xuất giảm ngân sách giáo dục liên bang thêm 9 tỉ USD, trong đó cắt giảm chương trình giáo dục nghệ thuật 27 triệu đôla.

    Trong khi việc ưu tiên cho nghệ thuật trong các trường công giảm đi và sự tương tác kỹ thuật số thế chỗ cho thời gian học vẽ của học sinh, tác động có thể sâu sắc hơn chúng ta nghĩ.

    Như W. G. Whitford đã viết trong bài “Lược sử về giáo dục nghệ thuật ở Hoa Kỳ” năm 1923: “Không có nghệ thuật sẽ để lại một sự thiếu sót không gì có thể thay thế.

    Thông qua mối tương quan và hợp tác hiệu quả, tác phẩm nghệ thuật trở thành sự trợ giúp, một sự kết nối giữa tất cả các môn học và làm cho mọi bài tập tại trường trở nên thú vị và có giá trị hơn”.

    (Zac Herman 
chuyển ngữ từ The Atlantic)

    Nguồn : Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 23/7/2017

  • Làm gì khi con suy sụp tinh thần khi biết được điểm thi

    Làm gì khi con suy sụp tinh thần khi biết được điểm thi

    GiadinhNet – Vào đại học hiện không còn là cánh cửa duy nhất để bước vào đời nhưng vẫn không ít những bạn trẻ chỉ vì không có tên trong danh sách một trường nào đó, đã suy sụp tâm lý nặng nề thậm chí tìm đến cái chết

    “Sốc” khi biết điểm thi

    Những ngày vừa qua, em Nguyễn Minh Hùng (ở Hà Nội) đã rất sốc sau khi biết điểm thi của mình. Hùng thi ban B, gia đình rất kỳ vọng vì nhiều năm liền em đạt học sinh giỏi. Thi xong THPT Quốc gia, Hùng chắc chắn mình được khoảng 8 điểm mỗi môn. Vậy mà vừa rồi có kết quả, khi tra điểm xong Hùng suy sụp hoàn toàn và không tin được vào mắt mình khi tổng điểm của em chỉ đạt đủ điểm sàn.

    Sau khi biết điểm, bố mẹ không hỏi han nói chuyện khiến Hùng càng buồn. Bản thân Hùng ăn uống qua loa xong lên phòng nhốt mình nằm khóc, không dám ra ngoài, tài khoản Facebook cũng khóa để tránh câu hỏi từ bạn bè. “Thật sự em cảm thấy mình kém cỏi và hoàn toàn suy sụp, chẳng thấy tương lai đâu nữa. Điểm thấp cơ hội vào đại học của em là rất khó. Ai cũng nói mang tiếng học giỏi mà cuối cùng chỉ làm được như thế”, Hùng buồn bã nói.

    Hàng năm sau khi có kết quả thi đại học, các bệnh viện như: Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện tâm thần Trung ương 1… lại tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị sang chấn tâm lý do thất bại trong thi cử. Bị trầm cảm và mắc chứng rối loạn tâm thần do áp lực học hành, thi cử đang trở thành vấn đề đáng báo động đối với học sinh, sinh viên.

    Đau lòng hơn trong những kỳ thi trước đã có nhiều em lựa chọn cái chết sau khi biết điểm thi, trượt đại học. Như em Đ.T.Tr (SN 1999) ở Bình Phước đã gieo mình xuống sông tự tử vì áp lực học tập. Trước đó, nữ sinh lớp 11 đã để lại 5 lá thư tuyệt mệnh được viết gửi cho bố mẹ, chị gái và bạn thân trong cặp sách…

    Đừng tạo áp lực

    Chuyên gia tâm lý Lê Khanh (Cty Giáo dục Kidstime Bình Thạnh TPHCM) cho rằng, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự suy sụp chính là sự thiếu tự tin vào bản thân, thiếu khả năng làm chủ cảm xúc và đôi khi, sau thời gian tập trung ôn thi, đã không chú ý đến việc bảo vệ sức khỏe để đến ngày thi lại không còn sức lực.

    Ngược lại, cũng có những bạn trẻ quá tự tin vào năng lực, kiến thức của mình, tự đặt ra những kỳ vọng khi thi, cho rằng chắc chắn mình phải thi đậu với thứ hạng cao, mà quên mất các kỹ thuật thi theo hình thức trắc nghiệm, không biết phân phối thời gian, tập trung năng lực giải đáp ngay cả những câu khó, để cuối cùng không đủ thời gian làm bài và khi thất bại thì lại rơi xuống hố sâu tuyệt vọng vì bất mãn với chính mình.

    Tuy nhiên, nếu chỉ vì nguyên nhân này thì chưa hẳn đã có thể dẫn đến cái chết cho các em. Chính sự kỳ vọng quá nhiều của bố mẹ, gia đình đã tạo ra một áp lực không hề nhẹ lên tâm lý các em. Đặc biệt là với những gia đình mà bố mẹ là những nhà trí thức, có học vị hay địa vị cao trong xã hội. Họ không chấp nhận được một đứa con thi rớt ngay từ kỳ thi tốt nghiệp. Điều mà đối với họ như một sự đương nhiên, khi con đánh mất đi sự kỳ vọng của gia đình, khi cánh cửa đại học đóng lại trước mắt thì hầu như với họ không còn con đường nào khác. Họ không thể chấp nhận việc bố mẹ là kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ, giáo sư… mà con lại trở thành công nhân, dù là công nhân bậc cao đi nữa.

    Những gia đình nông dân, cũng có khi đặt quá nhiều mong chờ vào con, đã hy sinh rất nhiều công sức, tiền của cho con ăn học cũng có thể đem đến những áp lực với con. Đặc biệt, ở các vùng nông thôn miền Bắc, nơi việc học là một điều vô cùng quan trọng, chỉ cần tốt nghiệp là đủ có cớ để mở tiệc ăn mừng, mời bà con làng xóm đến để… khoe. Như vậy, áp lực đến từ gia đình và đến từ những người xung quanh trong họ hàng, thôn xóm cũng là một áp lực nặng nề đưa đến sự sụp đổ của một “kẻ thất bại”.

    Để tránh tình trạng này, chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho rằng, ngay từ khi còn là học sinh cấp 2, 3 các em đã phải rèn luyện cho mình sự tự tin vào bản thân. Ở đây, sự tác động của gia đình là không hề nhỏ để xây dựng sự tự tin, nhận biết giá trị bản thân của các em.

    Bố mẹ không nên quá chú trọng đến việc bắt con phải học ngày học đêm, phải trở thành học sinh giỏi mà quên đi sự rèn luyện thân thể, quên đi sự gắn kết với gia đình, tham gia các hoạt động trong nhà. Những chuyện tưởng là nhỏ nhặt nhưng lại có giá trị góp phần to lớn vào việc phát triển kỹ năng sống cho con, để chính những yếu tố tích cực ấy sẽ giúp các em biết vượt qua những thất bại, với tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản”.

    Ngoài ra, việc đặt nhiều kỳ vọng vào con, mà không để ý đến tính cách, năng lực và sở thích để biết hướng con vào các môn học mà các em có hứng thú, biết tổ chức việc học cùng sự nghỉ ngơi, giải trí thích hợp sẽ khiến cho các em không đủ sức từ thể chất đến tinh thần để vượt qua những thách thức. Việc quan tâm đến khả năng, sở thích và biết hướng điều đó vào trong việc học tập sẽ đem đến những tư duy tích cực cho các em và không tạo nên cho các em những áp lực không hợp lý.

    Cha mẹ nên nghĩ rằng, bằng cấp chỉ là một điều kiện cần mà chưa đủ. Chính những hoạt động phù hợp với khả năng của các em mới là điều quan trọng giúp các em thành công trong việc định hướng cho tương lai.

    Bởi vậy khi con điểm thấp, trượt đại học, cha mẹ nên chấp nhận kết quả. Hãy là chỗ dựa vững chắc để con có thể vượt qua. Con sẽ cảm thấy được an ủi phần nào với đơn giản là những cái ôm chặt, lời động viên, sự an ủi của bố mẹ…

    Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh

    PHƯƠNG THUẬN ( Báo Gia Đình & Xã hội )

  • VAI TRÒ CỦA SỞ THÍCH TRONG HƯỚNG NGHIỆP

    VAI TRÒ CỦA SỞ THÍCH TRONG HƯỚNG NGHIỆP

    Người ta hiếm khi thành công

    nếu không làm điều mình thấy vui thích.

    Dale Carnegie

    Thế nào là sở thích?

    Ngày xưa, khi trẻ bắt đầu biết cầm nắm, biết khám phá thế giới qua các món đồ chơi thì nhiều gia đình lại dựa vào đó để suy đoán về nghề nghiệp tương lai qua việc trẻ thích chơi món gì. Điều đó như là một trò chơi nhưng có khi lại tạo ra một số các suy luận chủ quan . Nếu trẻ nắm lấy món đồ chơi là cây viết, thì suy đoán trẻ sẽ theo nghiệp văn chương ( có khi chĩ biết ký giấy nợ ! ) và lấy làm thích chí, nếu trẻ nắm lấy cây búa hay cái đục, thì lại lấy làm buồn bực vì cho rằng  sau này trẻ chỉ đi làm thợ ( có khi lại trở thành kỹ sư thì sao ? )

    Có một số trẻ thì món đồ chơi gì cũng chơi, cũng cầm lên nhưng có một số trẻ khác lại tỏ ra gắn bó với vài món đồ chơi nào đó. Trẻ đã có sự chọn lựa theo sở thích, với những món này thì trẻ có thể chơi hàng giờ không chán. Như vậy, sở thích là sự quan tâm đặc biệt của trẻ đến một món đồ chơi hay một món đồ dùng nào đó. Sở thích cũng là sự ham thích chơi trong một trò chơi, một hoạt động nào đó đã thu hút trẻ một cách say mê, hay rất tập trung.

    Các bà mẹ thường dễ dàng nhận ra sở thích của con mình, nhưng để trả lời là tại sao trẻ thích cái này mà không thích cái kia lại là một điều không dễ, có những lý do khá đơn giản như về mầu sắc, tiếng kêu vui tai có thể thu hút trẻ, nhưng cũng có những nguyên nhân sâu xa, đôi khi nằm trong vô thức, nhất là đối với những vật khiến trẻ sợ hãi hay có ác cảm. Có thể đó là vật đã gây ra cho trẻ những tác động từ lúc còn sơ sinh, nhưng chỉ đến khi lớn hơn trẻ mới có khả năng bầy tỏ phản ứng với vật đó qua sự hứng thú hay ghét bỏ.  Chính việc trẻ thích chơi với món đồ chơi này, thích ăn món này, thích mặc cái áo này mà không thích món đồ chơi kia, món ăn kia dù cũng ngon lành không kém… cũng là một yếu tố tạo ra những sở thích khác nhau ở mỗi đứa trẻ bắt nguồn từ những tác động khi còn sơ sinh.

    Việc trẻ thích chơi món này hay món kia cũng bộc lộ xu thế về phái tính, đó là trẻ trai thì thường chơi những trò chơi mạnh bạo, leo trèo, đa số thích chơi xe hơi, rô bốt hay những trò chơi đấm đá theo kiểu các hiệp sĩ, siêu nhân …với dao kiếm, súng ống. Còn trẻ gái thì thường thích chơi với búp bê, hay thích chơi trò nấu ăn, bán hàng … và nếu như một bé trai mà lại thích chơi với búp bê, một bé gái thích trở thành siêu nhân thì sẽ gây ra sự lo ngại không ít vì cái sở thích trái ngược “truyền thống phái tính” của mình ! Thậm chí đó có thể là dấu hiệu ban đầu của một giới tính thứ ba, thuộc loại “xăng pha nhớt” mà bậc cha mẹ nào cũng “hãi hùng” nếu con mình chẳng  may lại trở thành một kẻ đồng tính khi lớn lên! Tuy nhiên, đôi khi vấn đề lại đơn giản hơn vì có khi đó lại là ảnh hưởng của môi trường gia đình.

    Sở thích đem lại những giá trị gì ?

    Người ta có thể dựa trên sở thích để đánh giá khả năng phát triển hay những rối nhiễu về tâm lý của trẻ. Việc một đứa trẻ không thích bất cứ một món đồ chơi nào, không thích chơi với các loại đồ chơi mà lại chỉ tỏ ra quan tâm đến những món đồ thật, nhất là những vật có những  nút bấm như điện thoại di động, máy tính hay những vật bất kỳ như những cái hộp, cuốn băng video, thậm chí là trẻ có thể chỉ thích xếp những chiếc dép, giầy theo một trật tự nhất định, hoặc lại chỉ quan tâm đến những con số, có thể chỉ ra và đếm một cách dễ dàng từ 1 đến 100 hay hơn nữa… lại cho thấy, đó là những dấu hiệu của tình trạng Tự Kỷ, một hội chứng rối loạn phát triển khiến cho trẻ không có khả năng quan hệ giao tiếp, khó khăn khi học tập và phát triển các kỹ năng như một đứa trẻ bình thường mà cho đến nay vẫn chưa có những liệu pháp trị liệu hiệu quả.

    Sở thích là yếu tố đánh giá khả năng

    Sở thích không hẳn chỉ là những thứ hay những điều mà mình ưa thích mà nó còn là một yếu tố để đánh giá khả năng phát triển hay năng lực của một đứa trẻ. Sở thích cũng là một yếu tố quan trọng để đạt được những thành công trong các hoạt động của mình.

    Một nhà giáo dục Nhật Bản đã phát biểu: “Thiên tài chính là sự say mê một cách kiên trì với lòng ham thích” ông cũng nói: “Cách tạo ra một người tầm thường vô cùng đơn giản, đó là đừng để cho trẻ ưa thích một điều gì cả, chỉ cần thế thôi cũng đủ rồi !” Như vậy, chúng ta thấy chính sở thích được biểu lộ qua các trò chơi với những món đồ chơi, tuy không phải là một dự báo chính xác về thiên hướng nghề nghiệp sau này, nhưng nó lại là tiền đề cho một quá trình hình thành nhân cách và kỹ năng của một đứa trẻ.

    Nói cách khác là những bậc cha mẹ và những nhà giáo dục, chúng ta phải tìm kiếm và khơi gợi ở đứa trẻ lòng ham thích, trẻ có thể thích món này, thích món kia và dần dần sẽ tiến đến việc ưa thích vận động chơi đùa và tham gia những hoạt động trong gia đình, từ đó sẽ phát triển thành sự ham thích tìm hiểu, học tập. Ở đây, điều thúc đẩy và hình thành lòng ham thích của trẻ không gì khác hơn chính là sự ham thích của cha mẹ. Chính tấm gương qua sự bầy tỏ sự ham thích của người lớn, của các bậc cha mẹ là một yếu tố quan trọng hình thành sở thích nơi đứa trẻ. Như vậy, ngoài các yếu tố bẩm sinh thì sở thích cũng có thể được hình thành và phát triển qua sự bắt chước, qua việc tạo dựng cho trẻ những môi trường và điều kiện thích hợp và nhất là để cho trẻ có thể chọn lựa một cách tuỳ ý.

    Sở thích sẽ đem đến hạnh phúc

    Sở thích là bước đầu cho sự say mê, có thể trẻ thích nhiều thứ bởi vì hầu như tất cả đều mới mẻ với sự khám phá dần dần của trẻ. Nhưng qua sự sàng lọc, chỉ còn lại một vài hoạt động gây cho trẻ sự hứng thú thật sự, và dần dà phát triển lên thành mối đam mê, nhờ đó trẻ đạt được những kết quả khả quan nhất trong việc tập luyện cho mình những kỹ năng nhằm đáp ứng nhu cầu do sở thích đem lại, cho dù có phải vượt qua những trở ngại khó khăn trong cuộc sống. Chúng ta đã thấy biết bao nhiều người nhờ có sự hứng thú đặc biệt với một vật dụng hay một kỹ năng nào đó để dần dà hình thành những bộ sưu tập, đôi khi rất có giá trị và đem lại cho người sở hữu chúng những lợi ích từ tinh thần đến vật chất.

    Có thể nói, sở thích hay sự ham thích là người thày tốt nhất để đào tạo một con người, đi từ chỗ không biết cho đến chỗ thành thục, đi từ những điều tầm thường đến sự tinh xảo. Không những thế, sở thích cũng là một sự dẫn dắt có hiệu quả nhất trong sự hình thành một nghề nghiệp trong tương lai. Một đứa bé ham mê cây cỏ có thể trở thành một nhà khoa học về thực vật học, nhưng cũng có thể trở thành một người trồng hoa, ươm giống cây hay trồng cây cảnh và đạt được những thành công nhất định trong lĩnh vực mà mình ưa thích. Một trẻ ham mê nấu ăn có thể trở thành một nhà buôn bán thực phẩm nhưng cũng có thể trở thành một đầu bếp nổi tiếng. Chúng ta đã biết có nhiều thanh niên chấp nhận bỏ ngang việc học ở các đại học danh tiếng, trong những ngành học đầy tương lai để đi theo tiếng gọi của lòng say mê và đã đạt được những kết quả trong các công việc mà ngay cả những sinh viên tốt nghiệp hạng ưu cũng mong muốn. Nhưng, nếu chỉ với lòng say mê thì chưa đủ, mà còn phải có ý chí  kiên định, phải có những kỹ năng vững vàng và cả sự may mắn nữa.

    Chúng ta thấy, trẻ nào cũng thích thú với trò chơi và đồ chơi, nhưng khi lớn hơn hầu hết vẫn là những học sinh bình thường, bởi vì từ sở thích muốn muốn nâng lên thành sự say mê thì không phải trẻ nào cũng đạt được và cũng chỉ có một tỷ lệ nào đó thành công với sự say mê duy trì được từ thủa còn thơ.  Thậm chí ngay cả với những trẻ có những sự ham thích và say mê rõ rệt về một lĩnh vực nào đó, thì cũng đâu phải ai  cũng có thể bước vào môi trường mà mình ưa thích mà có khi chính vì sự say mê không được đáp ứng đó, sẽ khiến cho trẻ trở thành một người bất đắc chí, luôn có sự chán nản với công việc và hoàn cảnh sống hiện tại của mình và không những không thể thành công, mà còn gặp phải những thất bại có thể “sờ thấy được” cho dù cũng có một sự say mê.

    Như vậy, chúng ta thấy sở thích là bước đầu cho sự say mê, sự say mê là bước đầu cho khuynh hướng nghề nghiệp và những bước tiếp theo là phải có sự góp sức của những yếu tố và năng lực khác trong việc khám phá năng lực, tính cách , môi trường sống..để từ đó có những địh hướng tốt nhất cho nghề nghiệp tương lại của trẻ.

    Nếu không có sở thích và sự say mê, thì đứa trẻ tuy cũng có thể đạt được những thành công khi có được những yếu tố khác, có khi chỉ nhờ may mắn hay “ gia đình có điều kiện!” Nhưng chắc chắn rằng đối với con người, nếu đạt được sự thành công trong cuộc sống nhờ vào yếu tố say mê, đó mới là niềm vui lớn nhất. Hay nói rõ hơn, nếu chúng ta làm được công việc mà mình say mê và  được sống trong môi trường mà mình ưa thích thì đó chính là hạnh phúc mà không phải ai cũng có được.

    CVTL Lê Khanh – KIDSTIME BÌNH THẠNH.

  • CHƠI TRONG VUI VẺ HAY DẠY TRẺ TRONG HOANG MANG

    CHƠI TRONG VUI VẺ HAY DẠY TRẺ TRONG HOANG MANG

    Hiện nay trong lĩnh vực giáo dục – can thiệp trẻ đặc biệt, tuy còn nhiều hạn chế và khác biệt để chẩn đoán xác định tình trạng và nhất là để đánh giá mức độ nặng nhẹ của các chứng rối loạn phát triển, nhưng đa phần chúng ta đều đồng tình là phải áp dụng các biện pháp can thiệp qua giáo dục chứ không phải qua việc điều trị bằng thuốc hay các kỹ thuật y khoa. Thế nhưng, để chọn ra một phương pháp  tốt nhất cho việc can thiệp trẻ thì chúng ta dường như đang đứng trước thách thức, đó là ta sẽ can thiệp dưới hình thức nào ? Điều trị – hướng dẫn hay tác động ?

    Phải chăng khi đưa ra câu hỏi này là thừa? Bởi vì câu trả lời đã rõ ràng!  Ta sẽ can thiệp cá nhân ( 1 cô 1 trò ) can thiệp bằng phương pháp mà ta biết hay được học ( ABA /VB – TEACH – Floot time – RDI .v.v.v ) tại các trường chuyên biệt, các trung tâm hay lớp học tư gia.  Bởi vì chỉ có can thiệp sớm như thế, trẻ mới có thể “ tiến bộ” thậm chí là thoát khỏi tình trạng tự kỷ . Điều này có đúng không? câu trả lời vẫn là “may thầy – phước chủ” Có những trẻ tiến bộ về một số mặt nào đó, chủ yếu là “nói được”và biết vâng lời. Nhưng cũng không thiếu trẻ “không nhúc nhích” ! Lúc đó người dạy lại cho rằng tại trẻ hay tại bố mẹ không “hợp tác” ! Nhưng như thế nào là sự hợp tác của phụ huynh? lại là một thách thức, khi mà phụ huynh đã nói rõ: “Chúng tôi không có chuyên môn và  thời gian, thôi thì trăm sự nhờ các thầy, cô !”

    Khi tiến hành việc can thiệp, tùy vào quan điểm và năng lực của nhà trường và giáo viên, mà những người có trách nhiệm sẽ chọn một hay vài kỹ thuật làm chủ đạo vì chắc chắn không thể chọn tất cả. Nhưng dù chọn bất cứ phương pháp nào, thì chúng ta cũng phải biết là không có một kỹ thuật nào hoàn hảo và kỹ thuật nào cũng phải dựa trên chính đứa trẻ. Nếu chúng ta có được một cái nhìn tổng quan thì sẽ thấy trong hầu hết các phương pháp can thiêp chính thống đều có những điểm chung, đó là :

    MỤC TIÊU : Phải phù hợp với khả năng của từng trẻ, không thể đòi hỏi trẻ phải nỗ lực đáp ứng một yêu cầu cao hơn khả năng hiện có của trẻ.

    PHƯƠNG PHÁP: Làm mẫu và nhắc nhở. Nhưng điều quan trọng là không phải làm mẫu như một dạy trẻ với sự áp đặt mà phải giống như một người bạn của trẻ.

    KHÍCH LỆ : luôn cổ vũ sự cố gắng dù rất ít, rất kém của trẻ chứ không phê phán chê trách việc trẻ chưa đạt được kết quả

    TIỆM TIẾN : Luôn nhắc nhở, lập lại những gì trẻ đã có thể làm được mà chưa hoàn thiện, chứ không đi theo một đường thẳng, những gì đã dạy thì không lập lại nữa.

    NƯƠNG THEO TRẺ : Đây là yếu tố quan trọng nhất, chúng ta phải đi theo sự dẫn dắt của trẻ chứ không tìm mọi cách buộc trẻ phải đi theo sự chỉ dẫn của người dạy.

    Như thế các hoạt động DẠY trẻ sẽ khó có thể đáp ứng một cách đầy đủ và tích cực các nguyên tắc trên, bởi vì khi dạy trẻ thì các GV ít nhiều gì cũng phải đáp ứng  một mục tiêu chung, đó là làm sao cho trẻ nói được trong thời gian sớm nhất theo kỳ vọng của bố mẹ. Còn về kỹ thuật dạy thì GV thường làm mẫu trong tư thể buộc trẻ phải làm theo, không ít GV trong khi dạy trẻ lại rất tiết kiệm lời khen (hay khen một cách chiếu lệ, vô cảm) bởi vì bé hầu như không thể tiến bộ theo mong đợi. GV thường dạy trẻ theo phương pháp từ thấp đến cao, ít khi muốn quay lại điều đã tập cho trẻ,  chỉ muốn dẫn dắt và tìm mọi cách để trẻ phải đi theo mình.

    Trong khi đó thì hoạt động CHƠI với trẻ lại có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu trên. Hãy thử quan  sát một đứa trẻ, hay vài đứa trẻ đang chơi, chúng ta thấy gì ? Trẻ có thể chơi với bất kỳ mục tiêu nào miễn là phù hợp với nhu cầu và khả năng của nó. Trẻ kém thì chỉ cần làm được, trẻ giỏi mới đặt ra yêu cầu phải thắng! Trẻ chơi trong sự khích lệ cổ vũ nhiệt tình của bạn bè, bất kể là làm tốt hay chưa tốt ! Trẻ luôn lập lại các kiểu chơi mà mình đã biết, nhưng sẽ dần dần hoàn thiện với sự chú ý và tự chủ mà không cần phải có sự hướng dẫn hay thúc đẩy. Điều quan trọng nhất là trẻ hoàn toàn làm chủ cuộc chơi, không quan tâm gì đến những chi phối hay sự tác động từ bên ngoài vì thế sẽ nâng cao khả năng tập trung và tự tin!

    Thế nhưng, tại sao từ các nhà chuyên môn, các giáo viên cho đến các phụ huynh của trẻ, đều xem việc can thiệp ( có khi còn gọi một cách quan trọng là trị liệu ) là việc DẠY CHO TRẺ chứ không phải là hoạt động CHƠI CÙNG TRẺ.

    Chính suy nghĩ hay quan điểm là phải dạy và phải biết cách dạy trẻ  đã khiến cho phụ huynh ngần ngại, thậm chí là không dám hay không muốn bước vào một hoạt động mà họ nghĩ rằng rất khó khăn, đòi hỏi kinh nghiệm và chuyên môn cao: Đó là dạy con họ tiến bộ trong các kỹ năng thường ngày và giảm đi các hành vi tiêu cực. Cho dù họ đã từng hay chưa từng tham gia một khóa huấn luyện nào thì họ vẫn muốn có một nơi để gửi trẻ và một giáo viên để dạy trẻ.  Có nhiều phụ huynh đã chịu khó “sưu tầm” rất  nhiều tài liệu can thiệp đến từ nhiều nguồn khác nhau. Chăm chỉ tham gia hết khóa huấn luyện này đến khóa huấn luyện khác,  thì điều họ rút ra vẫn là gì ? Giáo viên và chuyên viên vẫn là vai trò chủ lực. Thậm chí có khi họ sẽ nhờ một GV về can thiệp và hướng dẫn cho GV cách dạy ! Cũng có khi họ tự đứng ra dạy trẻ. Lúc đó thì họ đã trở nên 1 giáo viên đúng nghĩa.

    Ngay chính các giáo viên và không ít các “chuyên gia” vẫn tin rằng việc trị liệu hay can thiệp, giáo dục trẻ chỉ có thể diễn ra trong lớp học, sau cánh cổng của ngôi trường chuyên biệt hay một trung tâm can thiệp. Nếu tại nhà, thì phải ở trong một phòng riêng, gọi là lớp hay phòng can thiệp cá nhân với 1 cô và 1 trò. Phụ huynh không cần hay không thể tham gia vào tiến trình này chứ đừng nói là đóng vai trò “chủ chốt” !

    Các giáo viên ( hay chuyên viên ) khi đến với các em trong các giờ can thiệp, thì trong tâm thức của họ, luôn nghĩ đến việc phải làm cách nào đó để dạy cho bằng được ( Bằng dọa dẫm hay bằng dụ dỗ), họ phải dạy trong tư thế đối diện – 1 – 1 , và sẽ “đánh vật” với trẻ trong 1 giờ can thiệp cá nhân để cố “nhồi vào đầu” các em các danh từ  ( Con gà, con vịt, con bò, cái xe, ông bố, bà mẹ …. ) hay các khái niệm về hình dáng, màu sắc, con chữ, con số …để buộc các em phải “bật âm” phải nói ra cho bằng được ! ( vì nói được mới học được , nói được mới được xem là tiến bộ ) . Tại sao lại khó có thể “ vượt ra khỏi cái hộp” là vượt ra khỏi quan điểm phải dạy mà không nghĩ rằng là mình chỉ đến “chơi với trẻ” ? cũng với mục tiêu là giúp trẻ tiến bộ !

    Đùa à ? Phụ huynh họ bỏ ra mỗi tháng hàng triệu đồng cho mình chỉ để đến chơi với con họ chắc ? Điên à ? Mình cũng đã phải bỏ ra hàng 3, 4 năm trong trường sư phạm,  thậm chí đạt đến trình độ thạc sĩ. Phải bỏ ra bao nhiêu công sức thu thập tài liệu, bao nhiêu thì giờ và tiền bạc tham gia đủ các khóa tập huấn, biết rất nhiều kỹ thuật chuyên môn, mà nay lại đi lăn lê bò toài với trẻ, lại để cho 1 đứa trẻ ngu ngơ xỏ mũi dắt đi, phải nương theo nó, để cho nó chủ động muốn chơi gì thì chơi? Một đống đồ dùng dạy học màu sắc rực rỡ, đắt tiền lại không chịu học, một đống công cụ “tâm vận động” đủ các kiểu theo đúng “tiêu chuẩn” mà  không chịu để  mình hướng dẫn, lại chỉ thích nằm lăn ra, mân mê các thứ không phải là đồ chơi.  Đã thế lại còn chạy lung tung, bắt ngồi một chỗ thì  tự đấm vào đầu, cào vào mặt, nằm lăn ra ăn vạ. Chưa đập cho vài roi là may rồi ! Phải ấn chúng vào cái ghế, phải bắt chúng tập trung nhìn vào các bức ảnh đang ẩn hiện trước mắt, phải tập cho tới khi chúng chịu nhìn vào mắt mình., phải lập đi lập lại hàng chục thậm chí hàng trăm lần các danh từ để chúng phải nhớ và nhắc lại. Nghĩa là phải biết hết sức chú ý, tập trung ngồi yên gần 1 giờ đồng hồ để tập “Âm ngữ trị liệu”. Phải biết làm theo cho đúng các hướng dẫn của mình trong giờ “Tâm vận động”. Trẻ  có thể còn phải tập thở, đai chéo hàng trăm lần trong giờ phục hồi chức năng… Phải biết ..phải biết và ..phải biết ! Đó mới là giáo dục, đó mới là can thiệp !

    Còn chơi ư ? đã có các giờ chơi ngoài sân hay trong phòng chơi với vài cái xích đu, cầu tuột, xe đạp ba bánh, cái sàn nhún, với các trái bóng trong nhà banh. Trong giờ chơi đó thì trẻ muốn làm gì thì làm, cô không quan tâm hay chỉ trông chừng, thậm chí là quát mắng hay ngăn cản khi trẻ quá hiếu động, chạy tới chạy lui, leo trèo rồi đánh bạn ..giật đồ chơi, ném đồ chơi vung vãi …không chịu ngồi yên để nghỉ mệt như cô. Có nơi lại còn bật TV cho trẻ xem để bớt quậy phá. Đó cũng là can thiệp mà ?

    Gần đây, có một phương pháp hướng dẫn trẻ gọi là JASPER (viết tắt bởi cụm từ: Joint Attention – Symbolic Play – Engagement Regulation … ) nghĩa là : Cùng chú ý – Chơi biểu tượng – Cùng tham gia – và điều tiết.  Phương pháp này đưa ra những nguyên tắc như khuyến khích trẻ có được sự cùng chú ý; khả năng bắt chước và chơi biểu tượng; phát huy khả năng khởi xướng và duy trì sự tham gia với người khác. Các nguyên tắc này trẻ sẽ thâu nạp trong các hoạt động chơi với giáo viên, phụ huynh hay với một số trẻ khác trong một nhóm chơi.  Như vậy, các nhà chuyên môn đã chú ý đến yếu tố CHƠI CỦA TRẺ mà họ xem đó là một giá trị cốt lõi. Chính việc tạo một môi trường cho trẻ Chơi, khuyến khích việc cùng tham gia của trẻ sẽ thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ và khả năng giao tiếp.

    Nói theo triết lý của TÂM VẬN ĐỘNG là trẻ biết chơi mới có thể học được, hay trẻ sẽ tiến bộ qua việc chơi chứ không phải qua việc học. Trẻ sẽ học được rất nhiều thứ qua chơi, với những cấp độ chơi khác nhau, và vì chơi có thể tiến hành bất cứ ở đâu, bất cứ thời điểm nào với bất cứ người nào chứ không phải chỉ là giáo viên hay chuyên viên trong một khuôn khổ chật hẹp của một phòng hay một lớp can thiệp.

    Như thế, môi trường nào tốt nhất cho trẻ chơi ? Đó là ở nhà của trẻ hay ngoài sân hoặc một nơi thoáng đãng – Trẻ chơi như thế nào ? Chơi theo sở thích và năng lực – Trẻ chơi với ai ? với bố mẹ và với các trẻ khác – Trẻ chơi lúc nào ? khi nào cũng được – Trẻ chơi như thế nào ? Trẻ sẽ chơi những trò chơi mà cách chơi phù hợp với năng lực và sự hứng thú . Tại sao lại là chơi ? Vì đó là điều trẻ có thể làm được một cách tốt nhất !

    Vậy thì tại sao không biến những buổi can thiệp trẻ thành những giờ phút vui chơi cùng trẻ, mà cứ phải vật vã hơn 1 tiếng đồng hồ với những tấm flash Card vô hồn (dưới sự theo dõi của camera cho PH an tâm ) rồi trong giờ DẠY trẻ thì GV phải tìm hết cách để “cắt đứt” những cơn bùng nổ của trẻ khi trẻ lo lắng, căng thẳng …Chấm dút sự lăng xăng của trẻ để buộc trẻ phải làm những điều mà người lớn cho là đúng và cần với trẻ, trong khi trẻ chỉ muốn và thích chơi ! Hãy cứ chơi với trẻ trong vui vẻ , đâu cần phải dạy trẻ trong hoang mang ..

    Saigon Tháng 7 – 2017

    CVTL. LÊ KHANH  –  KIDSTIME BÌNH THẠNH

  • Biểu hiện các loại hình trí thông minh của trẻ

    Biểu hiện các loại hình trí thông minh của trẻ

    1.Trí thông minh ngôn ngữ

    Những bé sở hữu loại hình trí thông minh này thường có sự yêu thích đặc biệt với từ ngữ. Bé có khả năng ghi nhớ tốt sự kiện, đọc nhanh, viết nhanh hơn những trẻ khác.

    Trẻ có thể học tập thông qua ngôn ngữ, lời nói
    – Nhạy cảm với ngữ nghĩa, nhịp điệu, âm thanh của các từ
    – Bé thích thú với việc kể chuyện và viết lách.
    – Thích đọc, thơ ca, truyện cười và thích thú khi chơi với các trò đố chữ, giải đáp các câu đố.

    Cha mẹ nên làm gì?
    – Hãy cùng đọc với con của bạn
    – Hãy lắng nghe con của bạn một cách chăm chú về những câu hỏi, những trải nghiệm của chúng
    – Khuyến khích con bạn kể cho bạn nghe những câu chuyện mà chúng vừa đọc hoặc chia sẻ với bạn.
    – Cho trẻ cơ hội đọc sách và thường đưa trẻ đến nhà sách.
    – Cho trẻ tham gia viết báo tường của lớp.

    2. Trí thông minh suy luận, tư duy

    Biểu hiện thường gặp ở những bé có khả năng về logic, toán học là khả năng tính toán và suy nghĩ logic. Những trò chơi yêu thích của bé thường thiên về những con số, đồ chơi xếp hình khối, lắp ghép…Trẻ có thể học tập thông qua phân tích logic, toán học (logical)

    – Thích chơi các trò chơi liên quan đến các con số, trò chơi ghép hình, làm các thử nghiệm.

    Có kỹ năng lập luận tốt và biết đặt các câu hỏi có tính logic.
    – Thích các trật tự và những chỉ dẫn tuần tự từng bước.

    Cha mẹ nên làm gì?
    – Hãy để cho trẻ được làm các thí nghiệm/ thử nghiệm
    – Chỉ cho con bạn cách sử dụng máy tính (calculator) máy tính bảng ( với trẻ trên 5 tuổi )
    – Chơi các loại cờ như cờ vua, cờ tướng, carô, …
    – Yêu cầu trẻ giải các bài toán mẫu cho lớp xem.
    – Hãy giải thích cho trẻ hiểu rằng những sự vật mà chúng quan sát được có thể sắp xếp theo nhóm về màu sắc, hình dáng hay các đặc điểm khác.
    – Hãy cùng bé chơi trò chơi xếp đồ vật thành các nhóm có đặc tính tương tự nhau và cụ thể hóa bằng cách giúp bé tạo ra những đồ thị, vẽ trên giấy hình ảnh các món vật dụng đó. Tiến xa hơn nữa, bạn hãy cùng trẻ thảo luận về nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau đó.

    3. Trí thông minh không gian, thị giác

    Loại hình trí thông minh không gian thường biểu hiện ở những bé thích thú với việc tìm đường trong mê cung, các mô hình kiến trúc, đồ chơi lắp ghép, xếp hình. Bé có khả năng cảm nhận, nhìn nhận mọi việc ở nhiều góc độ khác nhau, và đặc biệt “nhạy cảm” với những chi tiết trực quan cụ thể.

    Trẻ có thể học tập thông qua thị giác, hình ảnh (visual)
    – Thích tạo ra các hoa văn, hình vẽ và cần có sự kích thích về thị giác.

    – Hay mơ mộng
    – Có năng khiếu về nghệ thuật.

    Cha mẹ nên làm gì?
    – Hướng dẫn trẻ tập quan sát các hiện tượng xung quanh từ những sự vật đơn giản như những bông hoa mọc sau vườn khi bạn đi dạo cùng chúng hay những đồ chơi khi thả trong bồn tắm sẽ nổi hay chìm.
    – Hãy khuyến khích trẻ sử dụng hết các giác quan khi quan sát sự vật cũng như đứng từ nhiều góc độ khác nhau, khoảng cách để quan sát chúng. Sau đó, bạn hãy đưa ra những câu hỏi: Con thấy nó màu gì, nó có mùi gì, nó kêu như thế nào?

    4. Trí thông minh âm nhạc, thính giác

    Không cần thiết phải biểu hiện bằng khả năng ca hay hát giỏi, những bé sở hữu trí thông minh về âm nhạc có khả năng ghi nhớ và bắt chước giai điệu rất nhanh. Bé rất thích thú với âm thanh, và thường xuyên nhún nhảy theo nhạc.

    Bé là người có thể học tập thông qua âm nhạc (musical)
    – Thích chơi các nhạc cụ, thích hát hò, gõ trống
    – Thích các âm thanh như giọng nói, âm thanh tự nhiên, âm thanh từ nhạc cụ
    – Học dễ dàng hơn nếu có bật nhạc hoặc có các vật gì đó gõ nhịp, nhớ bài học tốt hơn nếu được nghe và được học bằng việc đọc thành lời.

    Cha mẹ nên làm gì?
    – Cho phép con bạn lựa chọn các bản nhạc tại cửa hàng bán băng đĩa nhạc
    – Khuyến khích trẻ hát theo hoặc vỗ tay theo nhịp điệu một bản nhạc.
    – Nếu có thể, cho trẻ tham gia vào các buổi học âm nhạc.

    – Cho trẻ có cơ hội được đi tham dự các buổi trình diễn âm nhạc hay hòa nhạc.
    – Cho trẻ cùng tham gia và hướng dẫn các bạn trong lớp hát một bài, hoặc tham gia đội văn nghệ.

    5. Trí thông minh vận động

     Xuất hiện ở những bé hiếu động, thường xuyên chạy nhảy, leo trèo. Những bé có khả nặng vận động tốt thường biết đi sớm hơn, khả năng cầm nắm, điều khiển hoạt động cơ thể cũng tốt hơn.

    Trẻ có thể học tập thông qua vận động (physical)
    – Bé khỏe mạnh và năng động.
    – Thích đóng kịch, khiêu vũ, thể hiện bản thân với những hành động và chuyển động của cơ thể.
    – Học tập thông qua các chuyển động của cơ thể và thông qua việc chạm vào và cảm giác về sự vật.
    – Sử dụng các chuyển động, cử chỉ, điệu bộ và các biểu hiện cơ thể để học hỏi và giải quyết vấn đề.
    Cha mẹ nên làm gì?
    – Cho trẻ tham gia vào các hoạt động khiêu vũ, đóng kịch, thể thao.
    – Cung cấp các hoạt động thực nghiệm lôi cuốn.
    – Đi bộ, chạy bộ, chơi tennis, đạp xe,…cùng gia đình.
    – Giáo viên thể dục có thể nhờ trẻ làm các động tác thể dục mẫu cho cả lớp.

    6. Trí thông minh tương tác

    Trẻ sở hữu loại hình trí thông minh này thường có khả năng giao tiếp tốt, nhanh chóng nắm bắt được cốt lõi vấn đề. Mẹ sẽ nhận thấy bé có khả năng hòa nhập và tương tác khá tốt với mọi người, thậm chí với những người lần đầu gặp mặt.

    Trẻ có thể học tập thông qua hoạt động hướng ngoại (extrovert)
    – Trẻ là người thích giao tiếp xã hội.
    – Có thể “đọc” được các cảm xúc và cách cư xử của người khác.
    – Là nhà lãnh đạo xuất sắc và thích tham gia đội nhóm.
    – Có thể giúp đỡ bạn cùng tuổi và làm việc hợp tác với những người khác.

    Cha mẹ nên làm gì?
    – Chơi những trò chơi gia đình.
    – Khuyến khích con bạn tham gia vào các hoạt động nhóm.
    – Khuyến khích thảo luận và giải quyết vấn đề.
    – Giao cho trẻ vai trò quản lý nhóm khi chia nhóm học tập trong lớp.

    7. Trí thông minh nội tâm

    Trẻ có trí thông minh nội tâm hay còn gọi là năng lực tự nhận biết bản thân thường hiểu rõ cảm xúc của bản thân và có thể biểu đạt mong muốn của mình thông qua nhiều cách diễn đạt cảm xúc khác nhau.

    Trẻ có thể học tập thông qua hoạt động hướng nội (introvert)
    – Thích làm việc độc lập
    – Biết tự động viên, khuyến khích bản thân và thích các hoạt động một mình.
    – Thường tách ra và không đi theo xu hướng của đám đông.
    – Có khả năng hiểu cảm xúc, động lực và tâm trạng của mình.

    Cha mẹ nên làm gì?
    – Cho trẻ có thời gian làm việc và chơi một mình.
    – Yêu cầu trẻ hãy tạo ra vài thứ gì đó cho toàn gia đình để trẻ có cơ hội làm việc mình thích.
    – Khuyến khích trẻ lưu giữ nhật ký hoặc các ghi chép hàng ngày.

    8. Trí thông minh tự nhiên

    Với loại hình trí thông minh này, bé sẽ thể hiện sự thích thú của mình với những loại động – thực vật tự nhiên, sự thay đổi thời tiết, khí hậu… Ngay từ nhỏ, bé cưng đã có thể ghi nhớ và nhận dạng rất nhiều loài cây cối, và động vật khác nhau.

    Trẻ có thể học tập thông qua hoạt động thực tế (existential).
    – Thích quan sát, tò mò về các hiện tượng xung quanh
    – Thích thử nghiệm các hoạt động mới mẻ.
    – Có khả năng thích ứng tốt với những môi trường khác nhau

    Cha mẹ nên làm gì?
    – Mở rộng hiểu biết về các hiện tượng khoa học cho trẻ bằng cách quan sát những hiện tượng tương tự như thế trong cuộc sống và trong tự nhiên.
    – Bạn hãy giúp trẻ lặp lại những thí nghiệm nhưng thay đổi đi các yếu tố tác động, ví dụ như bạn hãy cho trẻ quan sát cây sẽ phát triển ra sao dưới ánh sáng của bóng đèn điện?
    – Trước khi thay đổi các điều kiện tác động đó thì bạn hãy hướng dẫn trẻ tập phán đoán trước điều gì sẽ xảy ra trước khi thử nghiệm.

    Với những năng lực rất cơ bản này, bạn hãy theo dõi xem trẻ có thích những chủ đề mà bạn hương dẫn không? Thường xuyên đọc sách báo về khoa học để cho trẻ được tìm hiểu thêm những lĩnh vực mà chúng quan tâm, có thể giúp trẻ phát triển trí thông minh theo đúng thế mạnh của chúng.  

    @INTERNET

  • 6 mặt trái bất ngờ của việc quá thông minh

    6 mặt trái bất ngờ của việc quá thông minh

    Có lẽ đa số người ta nghĩ rằng cuộc đời sẽ dễ dàng, hạnh phúc và thỏa mãn hơn nếu chúng ta thông minh và có chỉ số IQ cao hơn. Nhưng có phải là như vậy?

    Câu hỏi “Khi nào thì trí thông minh trở thành lời nguyền?” trên Quora đã nhận được hơn 100 câu trả lời từ người đọc khắp thế giới. Họ chia sẻ về mọi thứ, từ việc kì vọng cao không tưởng của người khác đối với người thông minh, cho tới vấn đề dễ bị cho là kẻ ba hoa khoác lác.

    Dưới đây là 6 câu trả lời đáng suy ngẫm nhất từ Quora:

    Bạn thường suy nghĩ thay vì cảm nhận

    Người dùng Quora tên Marcus Geduld nói rằng anh ta thường hiểu rất rõ cảm xúc của mình và có thể chia sẻ với mọi người về điều đó – nhưng anh không bao giờ cảm thấy giải tỏa sau khi nói ra.

    “Đây là một vấn đề thường gặp đối với người thông minh, đặc biệt là người giỏi ăn nói. Họ dùng từ ngữ như một kiểu đánh lạc hướng, đặc biệt hiệu quả khi một số điều họ nói lại là đúng. Người ăn nói kém hơn thì hay dùng đến ngôn ngữ cơ thể. Họ la hét, đấm đá, chạy, khóc, hay nhảy quẫng lên vì vui…Tôi đã giải thích. Và khi nói xong, mọi thứ tôi đã giải thích vẫn còn vướng mắc ở bên trong, chỉ là chúng giờ đã có một cái nhãn ở bên ngoài.”

    Chia sẻ của Geduld làm nổi rõ sự khác biệt giữa kĩ năng tư duy và kĩ năng cảm xúc.

    Các nhà tâm lý chưa thể khẳng định 2 yếu tố này có liên quan với nhau như thế nào, nhưng một vài nghiên cứu cho thấy trí thông minh cảm xúc cao có thể bù trừ cho khả năng tư duy kém, ít ra là trong môi trường làm việc. Nói cách khác, dường như những người siêu thông minh thì không cần dựa vào kĩ năng cảm xúc để giải quyết vấn đề.

    Người ta thường kỳ vọng bạn đạt thành tích cao

    “Người ta tự động kỳ vọng rằng bạn sẽ dẫn đầu, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào,” người dùng Roshna Nazir cho biết. “Bạn chẳng có ai để chia sẻ về những khuyết điểm hay nỗi bất an.”

    Ngoài ra, bạn hoảng sợ về những điều có thể xảy ra nếu thành tích không được như kỳ vọng.

    “Điều làm bạn phải quá cẩn trọng, đó là bạn không dám mạo hiểm bởi vì lo sợ về viễn cảnh thua cuộc,” Saurabh Mehta viết.

    Trong bản tóm gọn quyển sách “Cha mẹ thông minh cho nuôi dạy con thông minh” đăng trên trang PsychologyToday, tác giả viết rằng thời điểm cha mẹ lo lắng nhất về thành tích của con cái là khi chúng thông minh và đã đang học tốt ở trường.

    “Đôi khi, điều này có thể làm họ quá tập trung vào thành tích chứ không phải cá nhân đứa trẻ,” tác giả viết.

    Bạn có thể không hiểu giá trị của nỗ lực

    Theo một vài người dùng Quora, người thông minh cảm thấy họ có thể xoay xở mà không phải nỗ lực nhiều như những người khác. Nhưng IQ cao không phải lúc nào cũng dẫn thẳng đến kết quả mỹ mãn, và người cực kỳ thông minh có thể không bao giờ học được tính kiên trì cần thiết của thành công.

    Người dùng Kent Fung viết, “Trí thông minh trở thành vấn đề khi những người sở hữu nó từ bé đã phát hiện ra rằng họ không cần phải nỗ lực như những người khác để theo kịp lớp học, và vì vậy không bao giờ rèn luyện được đạo đức làm việc mạnh mẽ.”

    Một nghiên cứu cho thấy, sự ngay thẳng và tận tâm thực ra tỷ lệ nghịch với một vài loại trí thông minh nhất định. Các nhà nghiên cứu đề xuất rằng những người cực kỳ thông minh có thể cảm thấy rằng họ không cần phải làm việc chăm chỉ đến vậy để đạt được mục tiêu.

    Người ta khó chịu khi bạn cứ “sửa lưng” họ trong cuộc trò chuyện

    Khi bạn biết ai đó vừa nói gì sai, thật khó để cưỡng lại mong muốn sửa sai cho họ.

    Nhưng bạn phải cực kỳ nhạy cảm, vì người ta có thể cảm thấy xấu hổ hay cảm thấy bị xúc phạm vì lời nói của bạn, tức là tình hữu nghị giữa đôi bên đang bị đặt vào nguy hiểm.

    Thông minh có thể trở thành phiền phức, người dùng Raxit Karramreddy nói, “Khi bạn cứ sửa sai người khác cho đến lúc họ không đi chơi hay nói chuyện với bạn nữa.”

    Bạn có xu hướng suy nghĩ quá nhiều

    Bạn có thể trở nên ủy mị khi cứ cố tìm ý nghĩa trong mọi khái niệm và trải nghiệm cuộc sống. “Bạn nhận ra rằng nền văn minh này đang suy tàn và chẳng có gì là có ý nghĩa cả. Bạn đi tìm câu trả lời và điều đó làm bạn phát điên,” Akash Ladha viết.

    Quả là vậy, một nghiên cứu sâu rộng năm 2015 cho thấy trí thông minh về mặt ngôn ngữ thực sự có liên quan tới nỗi lo lắng và sự suy tư.

    Từ quan điểm thực dụng, tất cả những sự tồn lưu đó làm cho người thông minh không thể ra quyết định. Người dùng Tirthankar Chakraborty viết: “Khi hiểu những suy tư có thể xảy ra khi bạn phải quyết định, đặc biệt là xu hướng phân tích quá kỹ về kết quả, bạn có thể không bao giờ ra quyết định được.”

    Bạn hiểu mình không hiểu nhiều đến mức nào

    Là người siêu thông minh cũng đồng nghĩa với việc hiểu được giới hạn của tư duy. Dù có cố gắng thế nào thì bạn cũng không thể học hay hiểu tất cả mọi thứ.

    Người dùng Mike Farkas đã viết: “Trí thông minh là một lời nguyền khi… bạn càng biết nhiều, bạn càng cảm thấy mình biết ít đi.”

    Quan điểm này làm gợi nhớ lại nghiên cứu kinh điển của Justin Kruger và David Dunning, rằng bạn càng ít thông minh thì sẽ càng đánh giá quá cao khả năng tư duy của bản thân – và ngược lại.

    Ví dụ, trong một thí nghiệm, những sinh viên thuộc nhóm 1/4 điểm thấp nhất trong một bài kiểm tra LSAT hiệu chỉnh, đã đánh giá quá cao số câu hỏi họ làm đúng tới gần 50%. Trong khi những học sinh thuộc nhóm 1/4 điểm cao nhất lại đánh giá quá thấp số câu hỏi họ trả lời đúng.

    Theo Business Insider, Quora,

    Phong Trần biên dịch

    Bài kiểm tra giúp bạn xác định não trái hay não phải phát triển

    Não của người chia làm hai phần: trái và phải. Thông thường não trái được cho là não ngôn ngữ, não phải là não hình ảnh.

    Vậy não trái hay não phải của bạn phát triển hơn? Cùng làm bài kiểm tra đơn giản dưới đây:

    Nhìn vào bức tranh, bạn thấy người phụ nữ màu đen hay màu trắng đầu tiên?

    Nếu nhìn thấy người phụ nữ màu đen đầu tiên thì bạn thuộc kiểu não trái phát triển.

    Não trái chịu trách nhiệm xử lý các chi tiết mang tính nhận thức, chủ yếu nhạy bén với ngôn ngữ hoặc phương diện định nghĩa, đa phần những người thuận tay phải đều có não trái phát triển hơn não phải.

    Não trái phát triển thì tính cách của bạn sẽ khá lý tính, đầy logic, khả năng phân tích rất mạnh.

    Kiểu tư duy có quy luật giúp bạn thể hiện được cảm giác toàn diện và nổi trội nhất khi xử lý mọi việc. Đồng thời với khả năng ngôn ngữ xuất sắc, bạn có khả năng thuyết phục tốt, dù là trên giấy hay bằng cách nói chuyện thì đều rất thu hút. Ngoài ra, khả năng lý giải con số, kí hiệu… của bạn cũng rất tốt, khả năng học thuộc lòng cũng rất cao.

    Nếu nhìn thấy người phụ nữ màu trắng đầu tiên thì bạn thuộc kiểu não phải phát triển.

    Não phải thường thực hiện công việc ghi nhớ hình ảnh, hình tượng, tốc độ phản ứng đối với những sự biến đổi rất nhanh, có khả năng tưởng tượng rất tốt. Đa phần những người thuận tay trái đều thuộc kiểu não phải khá linh hoạt.

    Não phải phát triển thì tính cách của bạn thiên về cảm tính, đầy sức sáng tạo. Bạn khá có tài về vĩnh vực nghệ thuật. Đồng thời, khi làm việc, đưa ra phán đoán độc lập, bạn thường có thể nghĩ ra rất nhiều tư duy mới mẻ có tính đột phá, sáng tạo. So với bề ngoài của sự vật, bạn xem trọng cái bên trong và toàn bộ sự vật hơn, bạn có khả năng quan sát rất tốt.

    Những người cùng lúc nhìn thấy hai người phụ nữ thuộc kiểu não kết hợp.

    Não trái chịu trách nhiệm xử lý chi tiết thông tin, chủ yếu nhạy bén với ngôn ngữ hoặc phương diện định nghĩa, còn não phải lại thực hiện công việc ghi nhớ hình ảnh, phản ứng khá nhanh với những sự biến đổi, có khả năng tưởng tượng cao. Nên với kiểu não kết hợp, hai phần não đều phát triển thì đều có tài năng và độ thuần thục khá tốt dù về mặt ngôn ngữ hay hình ảnh.

    Người có não trái phát triển sẽ có tính cách tương đối lý tính, đầy logic; não phải phát triển thì lại khá cảm tính, đầy sáng tạo. Còn kiểu não kết hợp thì lại đồng thời có những những ưu điểm trên và mỗi đặc tính đều phát triển khá đồng đều.

    Theo Secret China

    Minh Tâm

  • Cha mẹ có thể dạy con?

    Cha mẹ có thể dạy con?

    Đa phần các phụ huynh của trẻ đặc biệt (VIP) đều nghĩ rằng – Mình không thể can thiệp cho con một cách hiệu quả được, bởi vì mình không được đào tạo một cách bài bản về một phương pháp can thiệp nào đó , trong khi lại có nhiều phương pháp khác nhau được đưa ra và đều được cho là có giá trị hay hiệu quả cho trẻ.

    Vậy thì làm thế nào để có thể học hết các phương pháp, hay ít ra là những phương pháp căn bản nhất. Nhưng phương pháp nào là căn bản ? Phương pháp tập nói ? hoặc tập cải thiện hành vi ? Hay tìm học phương pháp nào thịnh hành nhất ? nổi tiếng nhất ? cũng khó mà xác định.
    Vì thế. điều tốt nhất có lẽ là hãy tìm hiểu các nguyên tắc chính của mỗi phương pháp để từ đó rút ra những điểm chung của các phương pháp và hãy áp dụng các điểm chung ấy vào kế hoạch can thiệp của mình.
    Cách đây khoản 20 năm, thì hầu như chưa có bao nhiêu người biết về tự kỷ chứ chưa nói đến là các phương pháp can thiệp. Thế rồi cho đến nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin thì những phương pháp khác nhau cũng phát triển một cách nhanh chóng. Nếu loại trừ những phương pháp phản khoa học, hay chỉ có hiệu quả với những trường hợp chưa chắc là tự kỷ, tăng động – kém chú ý… thì cho đến nay người ta đã thống kê được khoảng 27 phương pháp khác nhau. Dĩ nhiên là không thể học hết, hay áp dụng hết mà phải chọn lọc những điều cần thiết cho tình trạng của con em .
    Vì thế hầu hết các chuyên gia hay giáo viên, cho đến cả phụ huynh vẫn muốn gắn chặt việc can thiệp cho trẻ vào một vài kỹ thuật hay phương pháp nào đó mà mình tin là tốt nhất. Nhưng thực ra, nếu chúng ta có một cái nhìn khách quan hơn, thì điều đầu tiên thấy được là bất kỳ phương pháp nào, từ ABA/VB, PRT, RDI, ESDM, Floortime cho đến TEACH , từng bước nhỏ… đều có thể rút ra được những điểm giống nhau :

    1. Mục tiêu dạy : Cho dù có dùng những thuật ngữ khác nhau thì cũng đều đặt mục tiêu theo từng cấp độ, chỉ cao hơn khả năng của trẻ một chút để các bé có cố gắng vượt lên chứ không bao giờ quá khó khiến trẻ phải nỗ lực mới đạt được.
    2. Phương pháp dạy : Tất cả các phương pháp đều có phần nhắc nhở hay gợi ý cho trẻ. Dù tên gọi khác nhưng bản chất thì giống nhau : Đó là sự làm mẫu để trẻ có thể đoán biết và cầm tay chỉ việc rồi giảm dần sự tác động để bé bắt đầu tự làm. Hay là sự nhắc nhở dựa vào những gợi ý của môi trường, như ban đầu thì đặt gần, rồi tăng dần khoảng cách .
    3. Các yếu tố tác động :

    – Sự khích lệ: Các chương trình đều có sự khích lệ một cách đa dạng, từ việc tương tác vui vẻ với trẻ, cho đến việc khen thưởng, tặng cho vật hay điều trẻ muốn làm.. Điều này khiến cho trẻ vui và thấy mình có năng lực nhiều hơn.
    Ví dụ như hai mẹ con chơi trò chuyền bóng mà trẻ rất thích, thì khi trẻ thực hiện được một nội dung nào đó (trẻ nhìn sang mẹ  hoặc trẻ nói “chuyền bóng” – tùy mức độ ngôn ngữ của trẻ), mẹ sẽ chuyền bóng. Việc được chơi với mẹ, được đến lượt chuyền bóng chính là yếu tố khích lệ cho con.
    – Sự tương tác một cách phù hợp, và tận dụng các cơ hội dạy tự nhiên .Các tương tác phù hợp gồm nhiều yếu tố. Người can thiệp thường nói chuyện với trẻ theo qui tắc “cộng 1”, tức là hơn mức trẻ có thể giao tiếp một chút.
    Ví dụ, nếu trẻ mới chỉ nói được từ đơn thì người can thiệp chỉ nên dùng từ đơn và cụm 2 từ. Cụ thể, thay vì hỏi “con muốn đọc sách không”, người can thiệp chỉ cần chỉ vào quyển sách, dùng giao tiếp mắt và cử chỉ khuôn mặt để hỏi “đọc sách”, rồi khi con đã bắt đầu nói được cả câu thì người can thiệp cũng nâng mức giao tiếp của mình thêm để vừa dễ hiểu cho con, lại cũng là người làm mẫu mức giao tiếp cao hơn để con học theo.

    4. Kỹ thuật tiệm tiến : Là sự đan xen các kỹ năng trẻ đã học được với các kỹ năng mới đang học . Một phần để nhắc lại các điều mà trẻ đã học, nhưng chưa thật sự nhớ kỹ nhưng cũng để trẻ dần dần tiếp thu được các kỹ năng mới mà vẫn có cơ hội ôn lại cái đã biết.
    5. Yếu tố nương theo trẻ : Đây là một yếu tố rất cần thiết và quan trọng đó là dựa vào sở thích của trẻ dể trẻ thích học hơn. Ví dụ, nếu trẻ thích Lego, có thể dùng Lego để dạy màu sắc, dạy bắt chước, dạy đếm, dạy chơi luân phiên.
    Việc chơi của trẻ: rất nhiều trẻ lúc đầu chưa chú ý hoặc chơi không phù hợp với đồ vật. Các phương pháp đều bắt đầu với các trò chơi không có đồ chơi, chỉ tương tác giữa bố mẹ/người can thiệp với trẻ để trẻ xây dựng mối quan hệ, và hình thành những kỹ năng giao tiếp đầu tiên như giao tiếp mắt. Hanen gọi là “people play”, ESDM thì có “sensory social routines” và rất nhiều hoạt động của RDI. Các trò chơi như ngựa phi trên chân bố mẹ, cưỡi ngựa trên lưng bố mẹ, đuổi bắt, chơi với loại ghế bập bênh v.v. thường hấp dẫn trẻ vì đáp ứng được những nhu cầu giác quan của trẻ (có trẻ thích chạy, thích xoay, v.v.) Các chương trình này cũng dễ kết nối với con hơn vì chỉ có tương tác hai chiều giữa con và bố mẹ/cô giáo. Khác với chơi trò chơi còn có sự tham chiếu với vật khác ngoài tương tác giữa con và bố mẹ/cô giáo. Sau khi trẻ đã hứng thú chơi và tương tác với bố mẹ, thì bắt đầu lồng vào chơi đồ chơi phù hợp chức năng, rồi lên các trò chơi giả vờ, v.v.
    6. Loại bỏ các yếu tố xao nhãng: nhiều trẻ đặc biệt có kèm theo rối loạn giác quan, nên khả năng tiếp nhận các tác động vào giác quan của trẻ kém hơn. Đôi khi chỉ tiếng ro ro rất nhỏ của tủ lạnh, hoặc loại ánh sáng đèn không phù hợp cũng khiến trẻ không tập trung được. Thậm chí nếu người can thiệp hăng hái nói nhiều quá cũng khiến trẻ quá tải và không có cơ hội giao tiếp, v.v.. Vì vậy thì người can thiệp phải quan sát những đặc điểm riêng của con để điều chỉnh phù hợp, tạo cho con có một môi trường an toàn, thoải mái để tập trung hơn.

    Ngoài các yếu tố trên thì tất các phương pháp đều nhắm đến mục tiêu là Thiết lập mối quan hệ: Các phương pháp như RDI, PRT, ABA/VB, ESDM, Floortime đều bắt đầu từ việc giúp trẻ xây dựng mối quan hệ yêu thương, tin cậy với người dạy. Chỉ khi trẻ tin tưởng người dẫn dắt, có động lực để học hỏi khám phá, thì quá trình tiếp nhận của trẻ mới chủ động và tích cực, trẻ sẽ phát triển với tốc độ tốt hơn. Người có thể thiết lập mối quan hệ tốt nhất với trẻ chắc chắn là bố mẹ, nên các chương trình can thiệp tốt đều nhắm tới việc truyền sức mạnh (kiến thức và kỹ năng) để bố mẹ trực tiếp can thiệp cùng với con và cùng với cả nhóm can thiệp ( giáo viên và chuyên viên ).

    Ngoài ra Trẻ còn phải tin tưởng và làm theo sự chỉ dẫn của người can thiệp, tham gia vào tương tác một cách có ý nghĩa. Đương nhiên không phải nghe theo một cách máy móc, áp đặt như những hiểu lầm thường có, mà sự hợp tác để đạt được mục tiêu. Ngược lại, người dạy cũng tôn trọng và nương theo trẻ, và mở ra các biến thể để trẻ linh hoạt, cũng như tạo điều kiện cho trẻ được khởi xướng. Việc này không dễ, nhất là giai đoạn đầu can thiệp. Vì thường ở các gia đình có trẻ đặc biệt, trẻ gần như kiểm soát nhịp sinh hoạt của gia đình. Không phải trẻ cố tình gây ra điều đó, mà vì những rối loạn về ăn ngủ, các hành vi không phù hợp do con không thể giao tiếp hiệu quả sẽ làm rối tung lên rồi còn tạo ra những căng thẳng trong gia đình nữa. Vì vậy, điều quan trọng nhất trong việc xây dựng một chương trình can thiệp tại gia đình là sự bình ổn về tâm lý của bố mẹ, trước khi muốn con được bình ổn để phát triển.

    Các chương trình can thiệp này đều nhắm tới việc giúp trẻ khởi xướng hoạt động, chủ động tương tác, giao tiếp với mọi người. Các chương trình can thiệp cũng cần giúp trẻ làm chủ và biết cách thực hiện các hoạt động của mình để giúp trẻ tự chủ hơn Ví dụ khi trẻ kết thúc một hoạt động, thì trẻ được phép chọn cho mình hoạt động tiếp theo, rồi dần lên kế hoạch lớn hơn. Trẻ có nhiều cơ hội khởi xướng các hoạt động, xây dựng các mối quan hệ tự chủ hơn.
    Một khiếm khuyết khác ở trẻ là sự cứng nhắc, bó hẹp các hoạt động, và khái quát kiến thức không tốt. Nên bất kể chương trình dạy nào cũng bắt đầu với một mục tiêu, sau khi trẻ đã đạt được mục tiêu đó thì mới mở rộng ra các biến thể của chính mục tiêu đó trước khi sang một mục tiêu mới để đảm bảo trẻ có thể linh hoạt sử dụng kiến thức vừa học được. Thống nhất nội dung dạy ở các môi trường khác nhau (trường học, ở nhà, v.v.), giữa những người dạy (giáo viên, phụ huynh) để cùng hỗ trợ phù hợp cho tiến triển của trẻ.
    Như vậy, chúng ta thấy rằng ngay cả khi áp dụng một phương pháp nào đó, điểm cốt yếu không phải là dựa vào từng đặc điểm của phương pháp và chỉ bó hẹp trong phương pháp đó mà là dựa vào 2 yếu tố vô cùng quan trọng đó là sự nhận biết một cách đầy đủ về đứa con và sự tác động tích cực của gia đình.
    Một nghiên cứu vừa được thực hiện trong năm 2015 để đo lường hiệu quả của chương trình đào tạo phụ huynh về các chiến lược quản lý hành vi cho trẻ em mắc chứng tự kỷ. Cuộc nghiên cứu được thực hiện trên 180 trẻ em từ 3-7 tuổi và cha mẹ của các em. Phụ huynh của 180 trẻ tự kỷ này được chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất được tham dự 1 chương trình đào tạo về can thiệp hành vi, gồm 11 buổi đào tạo từ 60-90 phút, thực hiện trong vòng 16 tuần với 1 nhà chuyên môn. Họ được hướng dẫn các chiến lược quản lý hành vi đối với các hành vi không phù hợp của trẻ như cơn bùng nổ, cáu giận, tự gây thương tích và từ chối hợp tác. Sau đó, phụ huynh được hỗ trợ tư vấn qua điện thoại trong vòng 2 tháng kể từ khi kết thúc khoá học.
    Nhóm phụ huynh thứ hai (gồm 91 người) được tham gia 1 chương trình khác, có tên là “đào tạo phụ huynh” gồm 12 buổi học và 1 buổi làm việc tại gia đình. Trong suốt các buổi học này, phụ huynh được dạy về các nội dung như: Thế nào là tự kỷ, các dịch vụ hỗ trợ trẻ tự kỷ, nhưng không có nội dung nào liên quan đến quản lý hành vi.
    Trước và sau đợt đào tạo cho phụ huynh, các chuyên gia thực hiện đánh giá về hành vi không phù hợp ở trẻ sử dụng hệ thống thang đo được tiêu chuẩn hoá.
    Kết quả là toàn bộ nhóm trẻ đều cho thấy sự cải thiện, tuy nhiên, nhóm trẻ có bố mẹ được đào tạo chuyên về quản lý hành vi đã có sự tiến bộ tốt hơn rõ rệt.
    Tiến sĩ Kara Reagon – 1 đại diện của Autism Speaks nhận xét “Đây thực sự là một bước tiến lớn, nghiên cứu này cho chúng ta thấy rằng việc chỉ dạy cho cha mẹ hiểu về tự kỷ là chưa đủ. Họ còn cần được trợ giúp tại nhà, và trong cộng đồng đang có một nhu cầu rất lớn trong việc triển khai các khoá đào tạo hiệu quả hơn dành cho phụ huynh”.
    Như vậy, rõ ràng là rất cần sự tham gia của các phụ huynh trong các khóa học, không phải chỉ là để biết về chứng tự kỷ, biết về các trẻ đặc biệt mà còn phải nhận biết các kỹ năng tác động vào đứa con của mình với sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn. Để can thiệp một cách có hiệu quả phải có sự phối hợp một cách tích cực của phụ huynh – giáo viên – chuyên viên, vì không phải chỉ là những kiến thức kỹ năng tại nhà trường mà là chính trong môi trường sống mà đứa trẻ phải được phát triển một cách đầy đủ nhất . Đó chính là gia đình các em.
    CVTL LÊ KHANH
    ( Tổng hợp )

  • 10 Sự thật về Bại Não có thể bạn chưa từng biết?

    10 Sự thật về Bại Não có thể bạn chưa từng biết?

    Bại não được đánh giá là một trong những hội chứng mãn tính khó điều trị nhất thế giới, dù nhiều tài liệu nghiên cứu về bại não được phát hành rộng rãi nhưng 10 sự thật dưới đây có thể khiến các bậc phụ huynh giật mình.

    1. Bại não là không phải là một bệnh
    Thuật ngữ thích hợp cho bại não là một nhóm các rối loạn do tổn thương não gây nên. Cách gọi “bại não” được dịch chưa thực sự đúng tình trạng thực tế, từ gốc Cerebral Palsy nên hiểu là “tổn thương não” hoặc “não mất kiểm soát”.
    Bại não không phải là một dị tật bẩm sinh và nó chắc chắn không lây nhiễm nhưng bệnh thường khởi phát rất sớm từ khi trẻ còn nhỏ.

    2. Không có cách chẩn đoán chính xác về bại não
    Mặc dù thực tế rằng bại não là dạng khuyết tật vận động phổ biến nhất ở trẻ em nhưng không có một cách chính xác để chẩn đoán. Hầu hết các bác sĩ có thể chẩn đoán trẻ em bằng cách nghiên cứu sự vận động, phát triển của trẻ và khả năng giao tiếp của trẻ với cha mẹ.
    3. Không có một tình trạng chung
    Không phải mọi trẻ được chẩn đoán bại não đều ở cùng một mức độ tổn thương. Trong khi một số trẻ có thể đi lại bình thường và phát âm diễn đạt tốt thì nhiều trẻ khác phải dùng đến xe lăn và rất khó khăn để bật được âm thành một từ.
    4. Ảnh hưởng đến tất cả các nhóm cơ
    Hầu hết mọi người không nghĩ về điều này nhưng bị bại não có thể ảnh hưởng đến tất cả các cơ liên quan đến điều khiển vận động, ngay cả việc nuốt.
    5. Có thể thay đổi theo thời gian
    Các rối loạn không phải là bất biến. Mức độ nghiêm trọng có thể bị thay đổi theo tâm trạng hoặc ảnh hưởng thời tiết, nếu không trị liệu can thiệp hành vi sớm trẻ có thể mắc phải trầm cảm. Theo độ tuổi chứng bại não có thể cải thiện tốt hay xấu đi phụ thuộc vào sự tích cực trong điều trị.
    6. Số lượng trẻ bại não do sinh non ngày một tăng
    Ai cũng biết việc sinh non có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Có thể bạn sẽ giật mình khi biết 50% trẻ bại não là do sinh non.
    7. Bại não có chữa được không? Có hay không thuốc điều trị bại não?
    Mặc dù bại não chiếm tỉ lệ cao nhưng không có nhiều nghiên cứu về thuốc điều trị được thực hiện, y học hiện nay xác định các tổn thương não là không thể phục hồi và không có thuốc đặc trị. Trong các phương pháp điều trị hiện nay chỉ có phục hồi chức năng là được y khoa thế giới công nhận về hiệu quả điều trị.
    8. Bại não không ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ em
    Bạn có thể nhìn thấy một trẻ bại não la hét lớn và cho rằng trẻ hoàn toàn mất kiểm soát về tính cách. Tuy nhiên, đó có thể là hệ lụy do gia đình không hiểu được hết tâm trạng, cảm xúc của trẻ mà chỉ quan tâm đến vận động. Chúng ta cần hiểu rằng bại não chỉ ảnh hưởng đến những vận động bên ngoài của trẻ, phải đối xử công bằng với trẻ bại não như mọi đứa trẻ bình thường khác. Việc phát triển cũng cần phải toàn diện chứ không chỉ riêng về vận động, đừng bỏ quên những nhu cầu phát triển về kỹ năng cá nhân, giao tiếp hòa nhập xã hội của một đứa trẻ.
    9. Nhạy cảm với sự thương hại và kỳ thị
    Tất nhiên rồi, ngay cả chúng ta – những người khỏe mạnh còn không muốn điều đó. Từ vận động đến biểu lộ cảm xúc hay giao tiếp của người bại não đều rất khó khăn nhưng đó là một phần cuộc sống của họ, họ phải chiến đấu liên tục để có được cuộc sống hạnh phúc hơn, thay vì tỏ ra thương hại hay kỳ thị chúng ta hãy dành cho họ những điều “bình thường nhất” để họ cảm thấy được sống như bao người khác.
    10. Bại não không có nghĩa là kém thông minh
    Như chúng tôi đã nói, cách gọi “bại não” thường gây hiểu lầm về sự phát triển của trí tuệ. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết có đến 60% người mắc bại não có IQ cao hơn mức trung bình (theo báo cáo khảo sát từ Đại học Y tế Michigan – Hoa Kỳ).
    Chúng tôi hy vọng 10 sự thật trên về chứng bại não giúp ích được cho bạn trong việc điều trị chứng bại não!

    Trung tâm Phục hồi chức năng – Trị liệu ngôn ngữ Hà Nội
    Hà Nội: Số 139 Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội
    SĐT: 0937.566.333
    Email: [email protected]