10 Sự thật về Bại Não có thể bạn chưa từng biết?
25/06/2017
6 mặt trái bất ngờ của việc quá thông minh
25/06/2017
10 Sự thật về Bại Não có thể bạn chưa từng biết?
25/06/2017
6 mặt trái bất ngờ của việc quá thông minh
25/06/2017

Đa phần các phụ huynh của trẻ đặc biệt (VIP) đều nghĩ rằng – Mình không thể can thiệp cho con một cách hiệu quả được, bởi vì mình không được đào tạo một cách bài bản về một phương pháp can thiệp nào đó , trong khi lại có nhiều phương pháp khác nhau được đưa ra và đều được cho là có giá trị hay hiệu quả cho trẻ.

Vậy thì làm thế nào để có thể học hết các phương pháp, hay ít ra là những phương pháp căn bản nhất. Nhưng phương pháp nào là căn bản ? Phương pháp tập nói ? hoặc tập cải thiện hành vi ? Hay tìm học phương pháp nào thịnh hành nhất ? nổi tiếng nhất ? cũng khó mà xác định.
Vì thế. điều tốt nhất có lẽ là hãy tìm hiểu các nguyên tắc chính của mỗi phương pháp để từ đó rút ra những điểm chung của các phương pháp và hãy áp dụng các điểm chung ấy vào kế hoạch can thiệp của mình.
Cách đây khoản 20 năm, thì hầu như chưa có bao nhiêu người biết về tự kỷ chứ chưa nói đến là các phương pháp can thiệp. Thế rồi cho đến nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin thì những phương pháp khác nhau cũng phát triển một cách nhanh chóng. Nếu loại trừ những phương pháp phản khoa học, hay chỉ có hiệu quả với những trường hợp chưa chắc là tự kỷ, tăng động – kém chú ý… thì cho đến nay người ta đã thống kê được khoảng 27 phương pháp khác nhau. Dĩ nhiên là không thể học hết, hay áp dụng hết mà phải chọn lọc những điều cần thiết cho tình trạng của con em .
Vì thế hầu hết các chuyên gia hay giáo viên, cho đến cả phụ huynh vẫn muốn gắn chặt việc can thiệp cho trẻ vào một vài kỹ thuật hay phương pháp nào đó mà mình tin là tốt nhất. Nhưng thực ra, nếu chúng ta có một cái nhìn khách quan hơn, thì điều đầu tiên thấy được là bất kỳ phương pháp nào, từ ABA/VB, PRT, RDI, ESDM, Floortime cho đến TEACH , từng bước nhỏ… đều có thể rút ra được những điểm giống nhau :

1. Mục tiêu dạy : Cho dù có dùng những thuật ngữ khác nhau thì cũng đều đặt mục tiêu theo từng cấp độ, chỉ cao hơn khả năng của trẻ một chút để các bé có cố gắng vượt lên chứ không bao giờ quá khó khiến trẻ phải nỗ lực mới đạt được.
2. Phương pháp dạy : Tất cả các phương pháp đều có phần nhắc nhở hay gợi ý cho trẻ. Dù tên gọi khác nhưng bản chất thì giống nhau : Đó là sự làm mẫu để trẻ có thể đoán biết và cầm tay chỉ việc rồi giảm dần sự tác động để bé bắt đầu tự làm. Hay là sự nhắc nhở dựa vào những gợi ý của môi trường, như ban đầu thì đặt gần, rồi tăng dần khoảng cách .
3. Các yếu tố tác động :

– Sự khích lệ: Các chương trình đều có sự khích lệ một cách đa dạng, từ việc tương tác vui vẻ với trẻ, cho đến việc khen thưởng, tặng cho vật hay điều trẻ muốn làm.. Điều này khiến cho trẻ vui và thấy mình có năng lực nhiều hơn.
Ví dụ như hai mẹ con chơi trò chuyền bóng mà trẻ rất thích, thì khi trẻ thực hiện được một nội dung nào đó (trẻ nhìn sang mẹ  hoặc trẻ nói “chuyền bóng” – tùy mức độ ngôn ngữ của trẻ), mẹ sẽ chuyền bóng. Việc được chơi với mẹ, được đến lượt chuyền bóng chính là yếu tố khích lệ cho con.
– Sự tương tác một cách phù hợp, và tận dụng các cơ hội dạy tự nhiên .Các tương tác phù hợp gồm nhiều yếu tố. Người can thiệp thường nói chuyện với trẻ theo qui tắc “cộng 1”, tức là hơn mức trẻ có thể giao tiếp một chút.
Ví dụ, nếu trẻ mới chỉ nói được từ đơn thì người can thiệp chỉ nên dùng từ đơn và cụm 2 từ. Cụ thể, thay vì hỏi “con muốn đọc sách không”, người can thiệp chỉ cần chỉ vào quyển sách, dùng giao tiếp mắt và cử chỉ khuôn mặt để hỏi “đọc sách”, rồi khi con đã bắt đầu nói được cả câu thì người can thiệp cũng nâng mức giao tiếp của mình thêm để vừa dễ hiểu cho con, lại cũng là người làm mẫu mức giao tiếp cao hơn để con học theo.

4. Kỹ thuật tiệm tiến : Là sự đan xen các kỹ năng trẻ đã học được với các kỹ năng mới đang học . Một phần để nhắc lại các điều mà trẻ đã học, nhưng chưa thật sự nhớ kỹ nhưng cũng để trẻ dần dần tiếp thu được các kỹ năng mới mà vẫn có cơ hội ôn lại cái đã biết.
5. Yếu tố nương theo trẻ : Đây là một yếu tố rất cần thiết và quan trọng đó là dựa vào sở thích của trẻ dể trẻ thích học hơn. Ví dụ, nếu trẻ thích Lego, có thể dùng Lego để dạy màu sắc, dạy bắt chước, dạy đếm, dạy chơi luân phiên.
Việc chơi của trẻ: rất nhiều trẻ lúc đầu chưa chú ý hoặc chơi không phù hợp với đồ vật. Các phương pháp đều bắt đầu với các trò chơi không có đồ chơi, chỉ tương tác giữa bố mẹ/người can thiệp với trẻ để trẻ xây dựng mối quan hệ, và hình thành những kỹ năng giao tiếp đầu tiên như giao tiếp mắt. Hanen gọi là “people play”, ESDM thì có “sensory social routines” và rất nhiều hoạt động của RDI. Các trò chơi như ngựa phi trên chân bố mẹ, cưỡi ngựa trên lưng bố mẹ, đuổi bắt, chơi với loại ghế bập bênh v.v. thường hấp dẫn trẻ vì đáp ứng được những nhu cầu giác quan của trẻ (có trẻ thích chạy, thích xoay, v.v.) Các chương trình này cũng dễ kết nối với con hơn vì chỉ có tương tác hai chiều giữa con và bố mẹ/cô giáo. Khác với chơi trò chơi còn có sự tham chiếu với vật khác ngoài tương tác giữa con và bố mẹ/cô giáo. Sau khi trẻ đã hứng thú chơi và tương tác với bố mẹ, thì bắt đầu lồng vào chơi đồ chơi phù hợp chức năng, rồi lên các trò chơi giả vờ, v.v.
6. Loại bỏ các yếu tố xao nhãng: nhiều trẻ đặc biệt có kèm theo rối loạn giác quan, nên khả năng tiếp nhận các tác động vào giác quan của trẻ kém hơn. Đôi khi chỉ tiếng ro ro rất nhỏ của tủ lạnh, hoặc loại ánh sáng đèn không phù hợp cũng khiến trẻ không tập trung được. Thậm chí nếu người can thiệp hăng hái nói nhiều quá cũng khiến trẻ quá tải và không có cơ hội giao tiếp, v.v.. Vì vậy thì người can thiệp phải quan sát những đặc điểm riêng của con để điều chỉnh phù hợp, tạo cho con có một môi trường an toàn, thoải mái để tập trung hơn.

Ngoài các yếu tố trên thì tất các phương pháp đều nhắm đến mục tiêu là Thiết lập mối quan hệ: Các phương pháp như RDI, PRT, ABA/VB, ESDM, Floortime đều bắt đầu từ việc giúp trẻ xây dựng mối quan hệ yêu thương, tin cậy với người dạy. Chỉ khi trẻ tin tưởng người dẫn dắt, có động lực để học hỏi khám phá, thì quá trình tiếp nhận của trẻ mới chủ động và tích cực, trẻ sẽ phát triển với tốc độ tốt hơn. Người có thể thiết lập mối quan hệ tốt nhất với trẻ chắc chắn là bố mẹ, nên các chương trình can thiệp tốt đều nhắm tới việc truyền sức mạnh (kiến thức và kỹ năng) để bố mẹ trực tiếp can thiệp cùng với con và cùng với cả nhóm can thiệp ( giáo viên và chuyên viên ).

Ngoài ra Trẻ còn phải tin tưởng và làm theo sự chỉ dẫn của người can thiệp, tham gia vào tương tác một cách có ý nghĩa. Đương nhiên không phải nghe theo một cách máy móc, áp đặt như những hiểu lầm thường có, mà sự hợp tác để đạt được mục tiêu. Ngược lại, người dạy cũng tôn trọng và nương theo trẻ, và mở ra các biến thể để trẻ linh hoạt, cũng như tạo điều kiện cho trẻ được khởi xướng. Việc này không dễ, nhất là giai đoạn đầu can thiệp. Vì thường ở các gia đình có trẻ đặc biệt, trẻ gần như kiểm soát nhịp sinh hoạt của gia đình. Không phải trẻ cố tình gây ra điều đó, mà vì những rối loạn về ăn ngủ, các hành vi không phù hợp do con không thể giao tiếp hiệu quả sẽ làm rối tung lên rồi còn tạo ra những căng thẳng trong gia đình nữa. Vì vậy, điều quan trọng nhất trong việc xây dựng một chương trình can thiệp tại gia đình là sự bình ổn về tâm lý của bố mẹ, trước khi muốn con được bình ổn để phát triển.

Các chương trình can thiệp này đều nhắm tới việc giúp trẻ khởi xướng hoạt động, chủ động tương tác, giao tiếp với mọi người. Các chương trình can thiệp cũng cần giúp trẻ làm chủ và biết cách thực hiện các hoạt động của mình để giúp trẻ tự chủ hơn Ví dụ khi trẻ kết thúc một hoạt động, thì trẻ được phép chọn cho mình hoạt động tiếp theo, rồi dần lên kế hoạch lớn hơn. Trẻ có nhiều cơ hội khởi xướng các hoạt động, xây dựng các mối quan hệ tự chủ hơn.
Một khiếm khuyết khác ở trẻ là sự cứng nhắc, bó hẹp các hoạt động, và khái quát kiến thức không tốt. Nên bất kể chương trình dạy nào cũng bắt đầu với một mục tiêu, sau khi trẻ đã đạt được mục tiêu đó thì mới mở rộng ra các biến thể của chính mục tiêu đó trước khi sang một mục tiêu mới để đảm bảo trẻ có thể linh hoạt sử dụng kiến thức vừa học được. Thống nhất nội dung dạy ở các môi trường khác nhau (trường học, ở nhà, v.v.), giữa những người dạy (giáo viên, phụ huynh) để cùng hỗ trợ phù hợp cho tiến triển của trẻ.
Như vậy, chúng ta thấy rằng ngay cả khi áp dụng một phương pháp nào đó, điểm cốt yếu không phải là dựa vào từng đặc điểm của phương pháp và chỉ bó hẹp trong phương pháp đó mà là dựa vào 2 yếu tố vô cùng quan trọng đó là sự nhận biết một cách đầy đủ về đứa con và sự tác động tích cực của gia đình.
Một nghiên cứu vừa được thực hiện trong năm 2015 để đo lường hiệu quả của chương trình đào tạo phụ huynh về các chiến lược quản lý hành vi cho trẻ em mắc chứng tự kỷ. Cuộc nghiên cứu được thực hiện trên 180 trẻ em từ 3-7 tuổi và cha mẹ của các em. Phụ huynh của 180 trẻ tự kỷ này được chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất được tham dự 1 chương trình đào tạo về can thiệp hành vi, gồm 11 buổi đào tạo từ 60-90 phút, thực hiện trong vòng 16 tuần với 1 nhà chuyên môn. Họ được hướng dẫn các chiến lược quản lý hành vi đối với các hành vi không phù hợp của trẻ như cơn bùng nổ, cáu giận, tự gây thương tích và từ chối hợp tác. Sau đó, phụ huynh được hỗ trợ tư vấn qua điện thoại trong vòng 2 tháng kể từ khi kết thúc khoá học.
Nhóm phụ huynh thứ hai (gồm 91 người) được tham gia 1 chương trình khác, có tên là “đào tạo phụ huynh” gồm 12 buổi học và 1 buổi làm việc tại gia đình. Trong suốt các buổi học này, phụ huynh được dạy về các nội dung như: Thế nào là tự kỷ, các dịch vụ hỗ trợ trẻ tự kỷ, nhưng không có nội dung nào liên quan đến quản lý hành vi.
Trước và sau đợt đào tạo cho phụ huynh, các chuyên gia thực hiện đánh giá về hành vi không phù hợp ở trẻ sử dụng hệ thống thang đo được tiêu chuẩn hoá.
Kết quả là toàn bộ nhóm trẻ đều cho thấy sự cải thiện, tuy nhiên, nhóm trẻ có bố mẹ được đào tạo chuyên về quản lý hành vi đã có sự tiến bộ tốt hơn rõ rệt.
Tiến sĩ Kara Reagon – 1 đại diện của Autism Speaks nhận xét “Đây thực sự là một bước tiến lớn, nghiên cứu này cho chúng ta thấy rằng việc chỉ dạy cho cha mẹ hiểu về tự kỷ là chưa đủ. Họ còn cần được trợ giúp tại nhà, và trong cộng đồng đang có một nhu cầu rất lớn trong việc triển khai các khoá đào tạo hiệu quả hơn dành cho phụ huynh”.
Như vậy, rõ ràng là rất cần sự tham gia của các phụ huynh trong các khóa học, không phải chỉ là để biết về chứng tự kỷ, biết về các trẻ đặc biệt mà còn phải nhận biết các kỹ năng tác động vào đứa con của mình với sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn. Để can thiệp một cách có hiệu quả phải có sự phối hợp một cách tích cực của phụ huynh – giáo viên – chuyên viên, vì không phải chỉ là những kiến thức kỹ năng tại nhà trường mà là chính trong môi trường sống mà đứa trẻ phải được phát triển một cách đầy đủ nhất . Đó chính là gia đình các em.
CVTL LÊ KHANH
( Tổng hợp )

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý