Tác giả: Lê Khanh

  • Để thành công trong việc đồng hành cùng con .

    Để thành công trong việc đồng hành cùng con .

    DẪN NHẬP

    Từ khi con của bạn bộc lộ những hạn chế trong giao tiếp, ứng xử, hành vi, ngôn ngữ, điều lo âu nhất có lẽ không phải là vấn đề của cháu như thế nào, mà bạn có thể làm được gì cho con mình !       Hẳn là bạn cũng đã từng đưa bé đến những bệnh viện lớn, những trung tâm chẩn đoán quy mô, gặp những nhà chuyên môn có trình độ để được chẩn đoán phát hiện hay đánh giá mức độ nặng nhẹ của tình trạng và sau đó thường là những lời khuyên, nhắc nhở sự quan tâm về nhà chơi với bé, trò chuyện với bé nhiều hơn. Nếu tốt hơn nữa là giới thiệu cho bạn một vài đơn vị, trung tâm hay trường chuyên biệt để can thiệp cho con. Sau đó, bạn đã tìm đến các địa chỉ này, gửi con vào, và như vậy là xong ?

    Thực ra, đây mới chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình rất dài mà bạn vẫn phải tiếp tục đồng hành với con rất lâu, cho dù có sự hỗ trợ tích cực của nhà trường hay không.

    Trên thực tế là không thể có một phương pháp nào khả dĩ cải thiện hoàn toàn hay chữa khỏi tình trạng của con bạn, nhưng để làm cho tình trạng của trẻ khá hơn, có những biến chuyển tích cực đến mức độ gần như bình thường, tùy theo khả năng phát triển của từng cháu là điều có thể. Vấn đề chính ở đây, không phải là các trung tâm can thiệp hay các trường chuyên biệt có thể làm được điều này mà chính bạn sẽ làm cho tình trạng của con mình tốt hơn.

    Chính bạn, với những hiểu biết và kỹ năng mà bạn học hỏi được sẽ giúp con bạn có khả năng tái thiết lại các mối quan hệ ứng xử đã bị đánh mất trong thời gian qua, có thể có những nhận thức và hiểu biết để cải thiện tình trạng rối nhiễu của mình và giúp cho bạn không còn nhiều lo lắng trong cuộc sống với sự hỗ trợ của nhà trường và các nhà chuyên môn.

     day-be-tap-noi

    CÁC YẾU TỐ CẦN THIẾT :

    Trước khi bắt tay vào việc đồng hành cùng con, chúng ta cần phải thông qua một số những nhận định tổng quát như sau:

    Cần có thời gian: Cần phải có một thời gian để vượt qua từng giai đoạn theo một trình tự rõ ràng để giúp trẻ đạt được sự phát triển và khả năng độc lập, đó là con đường mà mọi người đều phải trải qua !

    Tình trạng khó khăn của con bạn là cá biệt, nhưng điểm chung trong chương trình can thiệp là những bài tập và những tác động cụ thể dựa trên năng lực của đứa trẻ. Không có những kinh nghiệm chung, những biện pháp có thể áp dụng cho mọi trẻ như nhau.

    Phải tin vào khả năng của trẻ:  Bạn có thể và cần phải đòi hỏi ở con những cố gắng hơn, không phải bằng bất cứ cách nào, nhưng cần tránh sự làm thay cho trẻ trong những mức độ mà bạn biết và tin rằng trẻ có thể làm được. Tất nhiên là nó không thể dễ dàng và nhanh chóng, nhưng đó là điều kiện quan trọng cho sự tiến bộ của con bạn.

    Bạn cần biết 3 yêu cầu trong nguyên tắc này là :

    • Không nói thay đứa trẻ : Khi trẻ không chịu nói, ta có thể tìm hiểu mong muốn của trẻ, và tập cho bé chỉ tay vào vật hay điều bé muốn, rồi chỉ nói một vài lần tên của vật đó ( VD : Ly, nước, bánh …) và khuyế khích bé nhắc lại.
    • Để cho trẻ tự vận động : Không tìm cách nâng đỡ mà cần khuyến khích trẻ tự làm thêm
    • Để tự trẻ chơi theo khả năng, Không tìm cách hướng trẻ vào một loại đồ chơi nào mà bạn cho rằng tốt cho bé, hãy dựa theo sự quan tâm hay sở thích của trẻ vào một thứ đồ chơi hay công cụ nào đó để nương theo đó mà đưa ra những tác động phù hợp.

    Phải biết sự giúp đỡ không đúng lúc của bạn có thể làm mất thêm thời gian cho khả năng phát triển của trẻ:

    Làm hộ những gì trẻ có thể làm được là vô tình làm trễ bước tiến triển của nó, đình trệ khả năng phát triển vận động, từ đó đưa tới sự chậm trễ về ngôn ngữ , sự năng động vì trẻ không cần phải cố gắng và làm trẻ không tự tin vào bản thân .

    Cái gì mà trẻ thực hiện một cách chậm chạp và khó khăn ngày hôm nay, nó có thể thực hiện một cách rõ ràng hơn vào ngày mai. Như thế, dù phải đánh đổi bằng những khổ sở cho trẻ trong ngày hôm nay, nhưng sẽ tốt hơn là sự phát triển chậm chạp của trẻ, làm khổ cả trẻ và cả bạn trong một thời gian dài !

    Luôn luôn chờ đợi trẻ bày tỏ ý muốn của nó :

    Một đứa trẻ chỉ cố gắng bầy tỏ ý muốn khi nó có nhu cầu. Nếu bạn cứ để cho trẻ bầy tỏ ý muốn, trẻ sẽ có những phản ứng với môi trường xung quanh, như đòi cái này, đòi cái kia và bạn cần phải khuyến khích hay tập cho trẻ cách bầy tỏ phù hợp.

    Chờ đợi không có nghĩa là không làm gì cả, mà trái lại là phải biết kích thích trẻ biết và muốn bầy tỏ cũng như giúp nó tìm cách diễn đạt nhu cầu của nó. Chúng ta đừng vội vàng đáp ứng ngay nhu cầu của trẻ, dù chỉ với những cử chỉ đơn giản. Vì nếu không trẻ sẽ không chịu phát triển thêm cách diễn tả nữa.

    Một động tác mới là một ngôn ngữ mới, cách thể hiện mới:

    Trẻ càng biết nhiều, trẻ càng dễ phát triển – phương pháp đơn giản nhưng cơ bản của vấn đề là dạy nó mọi điều  trong các hoạt động tại gia đình, một cách. Liên tục nhưng không phức tạp, đơn giản và luôn nhắc lại .

    Trẻ có thể không nhớ, không đáp ứng thậm chí có thể phản ứng, chống đối lại trong thời gian đầu. Nhưng với sự kiên trì thì nhiều khi chính những trẻ chống đối nhiều nhất lại là những trẻ tiến bộ tốt nhất.

    Phải cho trẻ biết sự giới hạn bằng những biện pháp kỷ luật rõ ràng:

    Nhiều bố mẹ, vì nghĩ rằng con mình là trẻ đáng thương, cần phải được chăm sóc, chiều chuộng ngay cả những yêu cầu phi lý của trẻ nên đã đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác và không đưa ra nổi một giới hạn về thời gian hay không gian nào. Điều đó sẽ ngày càng làm cho cuộc sống của bố mẹ và chính trẻ sa lầy !

     

    THẾ NÀO LÀ CAN THIỆP SỚM

    Can thiệp sớm là việc tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục tại gia đình dành cho trẻ có rối loạn về phát triển (Hội chứng Tự Kỷ, tình trạng chậm nói, Chậm Khôn, hiếu động kém chú ý…) với sự cộng tác giữa gia đình – nhà trường  và các chuyên gia dựa trên nhu cầu của trẻ .

    Can thiệp sớm nhằm giúp trẻ phát triển trong các lĩnh vực:

    1. Khả năng di chuyển, vận động, nhìn và nghe.( giác quan – vận động )
    2. Khả năng nhận thức và tiếp thu  ( tri thức)
    3. Khả năng hiểu lời, nói ra và diễn tả ( Ngôn ngữ )
    4. Khả năng tiếp xúc và chấp nhận người khác ( Quan hệ)
    5. Khả năng tự phục vụ ( ăn, uống, tắm) và tự giúp mình ( Thích ứng)

    Can thiệp sớm là đối kháng lại với sự chờ đợi thụ động, bằng những hoạt động từng bước một, định hướng phát triển cho trẻ. Đây  là những tác động giúp cho sự  tiến bộ mỗi ngày thêm một chút, là sự đấu tranh một cách khoa học, có phương pháp để đẩy lùi giới hạn của những khó khăn mà trẻ đang gặp phải. Can thiệp sớm giúp cho các cháu từ 2 – 4 tuổi có được những tiến bộ tại gia đình, nhưng ngay cả những trẻ lớn tuổi hơn cũng vẫn có được những tiến bộ đáng kể nếu bố mẹ áp dụng một cách tích cực và đầy đủ kế hoạch phát triển ngay sau khi có những chẩn đoán một cách đầy đủ và chính xác về tình trạng của trẻ.

    Phụ huynh có vai trò như thế nào trong chương trình Can thiệp sớm:

    Việc xây dựng chương trình là của các chuyên viên và giáo viên, nhưng vai trò của phụ huynh là trên hết. Sự can thiệp có được kết quả tích cực hay không là do sự tham gia của gia đình.

    Theo những thống kê chính thức ( của nước ngoài) một đứa trẻ được chăm sóc tại một cơ sở tập trung tiến bộ chậm hơn một đứa trẻ được chăm sóc tại môi trường trong gia đình. Nhưng sự chăm sóc ấy phải được vận dụng một cách thường xuyên, liên tục theo một kế hoạch đã định trước, và đứa trẻ phải được đối xử như một trẻ bình thường từ việc khen thưởng tới những biện pháp kỷ luật.

    Chúng ta sẽ tiến hành việc phối hợp với nhà trường như thế nào trong việc áp dụng chương trình can thiệp sớm ?

    • Hãy QUAN SÁT TRẺ MỘT CÁCH CẨN THẬN : Phụ huynh quan sát, ghi nhận tất cả những hành vi, thái độ, phản ứng của trẻ liên quan đến các Giác quan như khả năng nghe , nhìn, sờ chạm… Những bất thường trong việc ăn uống, ngủ nghỉ và chơi đùa.
    • Hãy XEM XÉT CÁC KỸ THUẬT – PHƯƠNG PHÁP KHÁC NHAU để cùng với nhà trường chọn lựa một phương pháp thích hợp nhất với con mình. Đây là mấu chốt của vấn đề khi mà hiện nay có rất nhiều phương pháp mới nhìn qua thì có vẻ khác nhau, nhưng thực chất thì có rất nhiều điểm tương đồng. Vì vậy, một phương pháp hiệu quả không phải là một phương pháp nổi tiếng, nhưng đó là 1 phương pháp phù hợp nhất với chính con mình.
    • Hãy ĐÁNH GIÁ MỘT CÁCH KHÁCH QUAN về tình trạng của con mình, không coi thường hay bi thảm hóa, không chỉ nhìn ra những mặt yếu của con, mà còn phải biết những mặt mạnh hay những năng lực, cho dù nếu so với những trẻ khác thì trẻ thật là kém cỏi, nhưng bé vẫn có được những ưu thế tiềm ẩn mà trong quá trình can thiệp chúng ta phải tìm cho ra.

    Để làm được điều này, chúng ta cùng trao đổi với nhà trường, sử dụng các bảng đánh giá về các lĩnh vực : Giác quan , vận động, ngôn ngữ, gia tiếp. Chúng ta có thể yêu cầu giáo viên hay nhà trường cung cấp, hỗ trợ chúng ta những kế hoạch can thiệp mà các giáo viên đang áp dụng tại trường lớp cho con em mình. Từ đó sẽ xem xét một cách cẩn thận điều gì phù hợp với con mình nhất trong giai đoạn này.

    HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ CHO TRẺ TẠI GIA ĐÌNH :

    Để việc can thiệp của giáo viên tại nhà trường hay trong các giờ can thiệp cá nhân đạt được những kết quả tốt hơn, thì những hoạt động hỗ trợ tại gia đình mà phụ huynh tác động lên trẻ là vô cùng cần thiết. Chúng ta có thể tác động như thế nào cho trẻ ?

    Điều mà chúng ta có thể làm một cách hiệu quả nhất là kích thích sự phát triển các GIÁC QUAN cho trẻ :

    KÍCH THÍCH THỊ GIÁC

    Một trong những điều làm bố mẹ các trẻ Đặc biệt cần quan tâm là khả năng nhìn của trẻ. Hầu như đứng trước mọi tác động của chúng ta, mọi sự kêu gọi, mọi sự kích thích đều được đáp trả bằng một cái nhìn thờ ơ, nhìn như không nhìn hay một cái nhìn lẩn tránh ánh mắt, vì vậy việc tập luyện mắt ( hay tạo hướng nhìn có chủ đích) là một trong những điều mà chúng ta cần làm trước tiên.

    Chúng ta cần có sự chuẩn bị gia tăng tiềm lực chú ý ở mắt của trẻ – Hãy trang trí phòng bằng cách đặt trên tường và cả dưới nền nhà những hình ảnh nhiều mầu sắc gợi sự chú ý . Tranh ảnh, có những màu sắc tươi sáng và mầu sơn tường ( mầu xanh rêu là thích hợp )

    Bạn nên có trong phòng một chiếc gương ( Có hai kích thước : Một cái tương tự như trong tủ áo đủ để cho trẻ nhìn thấy toàn bộ thân hình của bé , tấm gương này có thể là cánh cửa tủ hay một tấm gương gắn cố định trên tường  – Và một cái là gương để bàn, đủ để trẻ nhìn thấy trọn vẹn gương mặt của bé ).

    Trong phòng, bạn cũng nên có vài cái đèn khác nhau, từ chiếc đèn bàn cho đến các loại đèn pin và cả một ống kính vạn hoa để giúp trẻ có khả năng tập trung sự chú ý hơn.

    Bạn nên dùng ngay chính hình ảnh của bé ( bé đang chơi – bé đang dạo phố … ) và hình ảnh gia đình ( Bố mẹ dẫn tay bé đi chơi ) để trang trí bằng cách phóng lớn các tấm ảnh đó và treo lên tường . Trong quá trình chơi đùa với bé, bạn chỉ lên các bức tranh và đặt câu hỏi – cho dù bé có tỏ ra thờ ơ thì vẩn cứ hỏi và có thể tự trả lời – Bé đâu ? bé đây, bé làm gì ? Bé ăn cơm – bố đâu – bố đây, bố làm gì ? bố dẫn bé đi chơi .v.v.v

    Trang bị những đồ chơi – đồ dùng có mầu sắc :

    Bạn nên trang bị cho bé những dụng cụ có màu sắc thuần chất (trắng/ vàng/ đỏ/ xanh …) để vừa giúp trẻ nhận ra các đồ vật vừa có nhận thức về màu sắc. Các bàn, ghế tủ của bé nếu có điều kiện thì cũng nên có những mầu sắc tươi sáng để giúp bé cảm thấy thoải mái trong căn phòng của bé (phòng ngủ – phòng sinh hoạt chung của gia đình )

    Bạn cũng có thể mua cho cháu một cái bàn kiểu bàn uống trà Nhật với 4 chân có thể gấp lại được. và một tấm nệm dầy  hay mua cho cháu một cái ghế như hình bên, để có thể làm ghế ngôi ăn, bàn ngồi chơi…và cái thùng bên dưới để chứa đồ chơi.

    Bạn kết hợp các trang bị này với các bài tập giúp trẻ phát triển thị giác và hãy khuyến khích trẻ giao tiếp mắt ( nhìn vào bạn trực tiếp hay qua gương ) càng nhiều càng tốt.

    KÍCH THÍCH THÍNH GIÁC

    Bạn nên quan tâm đến các loại vật dụng,  đồ chơi phát ra tiếng động, bạn cũng có thể đeo cho bé một cái vòng, lục lạc – khi trẻ vận động, lục lạc sẽ kêu lên và điều đó khiến trẻ thích thú, sẽ lập lại và nó giúp ích cho sự phát triển vận động của trẻ.

    Khi chơi đùa với con, bạn nên bắt chước lại các loại tiếng động, bạn cũng có thể tìm mua những món đồ chơi tạo ra các loại tiếng động. Có những trò chơi giúp trẻ chú ý hơn vào các loại âm thanh khác nhau.

    Thường xuyên gọi tên trẻ:

    Hãy gọi tên trẻ bằng nhiều mức độ ( cao/thấp – lớn/nhỏ ) để kích thích sự chú ý của trẻ. Chơi các trò chơi gọi tên trẻ hay giả tiếng gà gáy từ lớn đến nhỏ rồi ở mức độ thì thầm.

    Khi trò chuyện với trẻ, bạn nên nói một cách NGẮN GỌN, RÕ RÀNG và dùng các từ ngữ ĐƠN GIẢN – nếu trẻ tỏ ra chưa chú ý thì bạn nói to hơn, nếu trẻ đã nhận ra thì bạn nói nhỏ lại, nhưng đừng kéo dài.

    Một số hoạt động kích thích thính giác:

    Bạn Thu thập một loạt các đồ vật phát ra âm thanh khác nhau (Các viên sỏi, cát rồi bỏ vào trong một cái hộp dán kín; chuông. Bạn cho các loại hạt ( Hạt sỏi, hạt đậu khô) vào trong 1 bình nhựa như chai nước suối, dùng giấy màu dán kín để trẻ không nhìn thấy các hạt sỏi hay đậu ở bên trong).

    Chơi các trò chơi giúp trẻ nghe những âm thanh khác nhau. Giúp trẻ tự lắc các đồ vật đó. Dùng các đồ vật tạo âm thanh. Lúc này, tạo nên các âm từ các hướng khác nhau. Khuyến khích con bạn tìm nơi phát ra âm thanh.

    Bế con bạn lên, ghé sát mồm bạn vào tai trẻ khi bạn nói chuyện với bé. Nói bằng một giọng êm ái rõ ràng, thay đổi âm sắc khác nhau để con bạn lắng nghe. Hát các bài hát cho trẻ nghe. Bế trẻ và nhún trẻ theo điệu của bài hát. Cho trẻ thấy cách gõ vào một cái chảo hoặc cái trống để tạo ra các âm thanh như thế nào. Giúp trẻ gõ nhẹ để tạo nên những âm thanh nhỏ và gõ mạnh để tạo nên những âm thanh to. Bé sẽ nhận ra là bé có thể tạo nên các âm thanh khi bé cử động tay.

    KÍCH THÍCH XÚC GIÁC

    Qua các nghiên cứu lâm sàng cho biết, một trong những nguy cơ làm gia tăng  tình trạng tự kỷ cho trẻ nhỏ là do các em bị sinh mổ. Lý do là khi sinh theo lối thông thường, làn da các em tiếp xúc một cách chặt chẽ và trong một thời gian tương đối dài với thành bên trong tử cung và đường sinh ra  (cổ tử cung) từ đó, hệ thống cảm xúc trên da được kích thích, giúp trẻ dễ dàng chấp nhận việc tiếp xúc, ôm ấp vuốt ve của người mẹ sau này. Còn với những trẻ sinh mổ, các em bị “bốc”thẳng từ trong dạ con ( là môi trường nước ) ra ngoài không khí, các hệ thần kinh xúc giác trên da (Da là một hệ thần kinh cảm xúc ) không được kích thích, do đó nhiều trẻ không thích ôm ấp, hay không có cảm nhận về xúc giác ( không cảm nhận về đau, không biết nóng ) phản ứng chậm với những tác động qua da.

    Vì thế, một trong những biện pháp giúp trẻ lấy lại các cảm giác qua da là việc massage và việc chơi đùa, vuốt ve dưới nước .

    Trong các trò chơi, bạn có thể giúp trẻ khám phá ra những chất liệu khác nhau bằng việc cho trẻ sờ lên các chất liệu khác nhau : Các chất liệu vải – Da – Nhựa simili – miếng chùi xoong – giấy nhám … Các chất liệu : Tượng đất sét – chén sành – ly nhựa – ly sứ ( cẩn thận kẻo vỡ ! )

    Bạn cho trẻ đi chân trần trên nền xi măng, nền đất, nền cỏ, nền gỗ, nền gạch … và khi trẻ tiếp xúc với các chất liệu trên bạn nên giới thiệu với trẻ. (thông qua các trò chơi ).

    Tìm nhiều đồ vật có kết cấu khác nhau như vải lụa, vải thô, len, giấy ráp, giấy, thảm, …. Cho trẻ chà xát tay vào các kết cấu đó và cảm nhận chúng. Cho trẻ cảm nhận bằng các bộ phận khác nhau của cơ thể.

    Trong giờ tắm hãy cho trẻ thưởng thức việc cảm nhận mọi thứ. Ví dụ, cho trẻ cảm nhận bánh xà phòng ướt, giúp trẻ vỗ nước, giúp trẻ cảm nhận nước ở các nhiệt độ khác nhau. Sau đó, khi lau khô cho bé, lấy khăn tắm lau tất cả các bộ phận trên cơ thể bé, lúc nhẹ nhàng, lúc mạnh tay. Quấn trẻ trong 1 chiếc khăn tắm và cho trẻ cảm nhận chiếc khăn đang quấn quanh người bé.

    Bạn cũng nên kích thích Vị giác và vận động của lưỡi bằng cách khi đút cháo, thay vì tim cách đút thẳng vào miệng, thì bạn nên rà rà chung quanh miệng, chạm lên môi để kích thích bé phải thè lưỡi ra. Bạn cũng có thể bôi kem, chocolate xung quanh miệng của trẻ để trè liếm nhằm tác đông đến lưỡi. Tạo cơ hội cho trẻ  trải nghiệm các vị khác nhau. Bạn hãy cho trẻ nếm thử các loại thức ăn chua, ngọt, mặn, đắng. Chú ý xem phản ứng của bé đối với các vị này như thế nào. Những phản ứng đó là cách bé nói cho bạn biết bé thích và không thích vị nào. Nên cho trẻ ăn các loại thức ăn có cấu trúc khác nhau, giúp bé làm quen với các loại thức ăn đa dạng.

    Tất cả các hoạt động kích thích giác quan bạn có thể đưa vào trong chương trình hoạt động hằng ngày. và nên tác động vào các thời điểm sau :

    Buổi sáng khi trẻ vửa thức dậy ( Tác động về khả năng nghe – Thính giác )

    Lúc làm vệ sinh cho trẻ ( tác động về vận động miệng )

    Lúc cho trẻ ăn sáng và ăn trưa ( tác động về Vị giác )

    Lúc chơi đùa ( Tác động về vận động  – thính và thị giác )

    Lúc tắm và lúc massage cho trẻ ( tác động về xúc giác )

    Lúc chuẩn bị cho trẻ đi ngủ  ( tác động về nghe – nhìn )

    HỔ TRỢ VỀ KHẢ NĂNG PHÁT TRIỂN VẬN ĐỘNG – NGÔN NGỮ.

    Mặc dù con bạn có khó khăn chủ yếu là ngôn ngữ, nhưng đó không phải là mục tiêu được đặt ra, trong giai đoạn đầu. Bởi vì ngôn ngữ hay đúng hơn là lời nói là kết quả của một loạt những tiến bộ về vận động thô, vận động tinh và các hoạt động bắt chước mà trẻ tiếp nhận được từ bạn. Qua đó, sẽ kích thích nhu cầu giao tiếp của trẻ. Chỉ khi nào trẻ có nhu cầu giao tiếp đến một mức độ nào đó, trẻ mới có động lực để học nói. Vì vậy, chúng ta cần đặt ra những mục tiêu về

    1/ VẬN ĐỘNG THÔ

    Một số khả năng vận động thô cần quan tâm:

    • Trước khi biết đi : Bạn xem lại quá trình phát triển vận động của trẻ, chú ý đến thời điểm trẻ biết bò ( 6 -8 tháng ) là chậm, sớm hay trẻ bỏ qua giai đoạn này. Nếu trẻ chưa biết hay bỏ qua giai đoạn này, bạn nên đưa vào chương trình can thiệp các bài tập bò (Dưới hình thức trò chơi ) Vì bò là một hoạt động phối hợp tay chân, do đó nó có những tác động tích cực đến việc phát triển não bộ.
    • Giữ thăng bằng, đi, chạy : Khi nào thì trẻ làm được – nêu chưa làm tốt, nên đưa vào chương trình can thiệp sớm thông qua các trò chơi vận động.
    • Lên xuống cầu thang, leo trèo: Trẻ lên xuống cầu thang như thế nào ? Nhanh hay chậm? có kiểm soát được các vận động hay không ?
    • Chơi với banh : Trẻ có biết đá banh ? Biết chơi một số trò chơi với banh ?
    • Nhảy : Trẻ có thể nhảy cao? Nhảy xa ? nhảy từ trên giường xuống đất?
    • Đi xe đạp 3 bánh : Trẻ có biết đi xe đạp ba bánh không ?

    Tất cả các hoạt động thô này nên được tổ chức dưới dạng trò chơi mà bạn và trẻ cùng chơi với nhau tại gia đình một cách thường xuyên.

    2/ VẬN ĐỘNG TINH:

    • Tìm kiếm : Các trò chơi tìm kiếm các vật dấu kín dưới các tấm nệm, tờ báo.. Các trò chơi tìm kiếm các con vật, các đồ dùng được dấu trong các bức tranh.
    • Nắm bắt: Tập cho trẻ nắm bắt những trái banh có kích thước khác nhau ( bóng bàn, tenis và banh nhựa ) bằng một tay, hai tay – Tập nắm các ly, chén , muỗng.
    • Đặt để : Tập cho trẻ biết đặt các vật lên bàn, chồng các khối gỗ lên nhau
    • Các kỹ năng thao tác bằng tay : Biết dùng kéo, tập dùng muỗng, đũa, cột và tháo các nút dây ( dây giầy, giây gói hàng …)
    • Vẽ : Biết vẽ các hình cơ bản ( Vuông, tròn, tam giác … )
    • Lật sách, đọc sách : Tùy theo trình độ, tập cho trẻ lật sách, biết chỉ vào các hình trong sách, với trẻ trên 5 tuổi thì tập đọc sách
    • Giải quyết vấn đề, các câu đố : Biết cách giải quyết các vấn đề đơn giản, biết chọn lựa (quần áo, tức ăn, chỗ đi chơi …), ra quyết định
    • Phân loại và kết nhóm: các đồ vật, các tranh ảnh: Tập cho trẻ phân loại bằng các bức tranh ( Tranh trái cây xếp chung tranh đồ vật rồi lựa ra ) sau đó phân loại bằng các mô hình ( hình bằng bông, nhựa …) rồi các vật thật.

    3/ NHẬN BIẾT NGÔN NGỮ.

    • Lắng nghe và dự vào : Tập cho trẻ nghe kể chuyện và tham dự ( chỉ vào các hình minh họa , nhắc lại các tên, hay hoạt động chính của câu chuyện)
    • Đáp ứng các cử chỉ, điệu bộ và cách hướng dẫn đơn giản : Tập cho trẻ biết bắt chước
    • Chọn lựa những cái khác nhau: đồ vật và tranh ảnh : Chơi các trò chơi tìm kiếm và chọn lựa trên các hình vẽ, các mô hình và các vật thật
    • Đáp ứng lại các hướng dẫn liên quan đến các từ mô tả hành động : Biết làm theo các yêu cầu, mệnh lệnh ( Đứng lên, ngồi xuống, đi ra sân, chạy lại đây … )
    • Đáp ứng lại các hướng dẫn liên quan đến các từ bổ nghĩa : Hiểu các yêu cầu mô tả (Lấy cho mẹ cái ly màu đỏ trên bàn )
    • Đáp ứng lại các hướng dẫn liên quan đến các từ chỉ vị trí : Hiểu các yêu cầu về vị trí các vật trong không gian – biết các giới hạn về không gian

    4/ CÁ NHÂN VÀ XÃ HỘI

    • Xã hội hoá và chơi đùa  : Biết chơi đùa với bố mẹ và sau đó là biết chơi với các trẻ cùng trang lứa . Đây là mục tiêu chính của chương trình hội nhập.
    • Ăn và uống: tập cho trẻ có thể tự xúc ăn và tự cầm ly uống nước.
    • Mặc – cởi : Trẻ cần được tập để cởi áo ( ao chui đầu và áo có cúc ) cởi quần. Sau đó là tập mặc áo và mặc quần – đi giầy, dép.
    • Vệ sinh cá nhân: trẻ dần dần có thể tự đi Tiêu, tiểu, đánh răng, xúc miệng, rửa tay chân một cách tự giác
    • Tắm rửa, chải chuốt : Đây là mục tiêu khó, nhưng vẫn phải kiên trì để tập cho trẻ có khả năng tự tắm rửa, chải đầu.

    Có các hoạt động nêu trên phù hợp với khả năng nhận thức và phát triển theo độ tuổi và tình trạng phát triển về nhận thức, hành vi.

    Như vậy, bên cạnh những hoạt động cung cấp cho trẻ những kiến thức, kỹ năng bằng các phương pháp chuyên biệt tại nhà trường trong các giờ can thiệp cá nhân, và đó là trách nhiệm của các giáo viên thì những hoạt động hỗ trợ phát triển cho trẻ tại gia đình, nếu được bố mẹ quan tâm áp dụng một cách kiên trì, thường xuyên và đi theo các kế hoạch từng bước một, sẽ giúp cho trẻ phát triển những năng lực một cách hiệu quả, vượt qua những khó khăn và đạt được những khả năng để hòa nhập với các hoạt động ngoài xã hội.

    Chuyên viên Tâm lý LÊ KHANH

    Cố vấn chuyên môn Công ty Giáo Dục KIDSTIME

    Tel : 0913946086 – Email : [email protected]

    Website : www.tamlytreem.com .

  • Vui chơi tạo sở thích – Sở thích tạo tài năng

    Vui chơi tạo sở thích – Sở thích tạo tài năng

    Người ta hiếm khi thành công

    nếu không làm điều mình thấy vui thích.

    Dale Carnegie

    Thế nào là sở thích?

    Khi trẻ bắt đầu biết cầm nắm, biết khám phá thế giới qua các món đồ chơi thì cũng là lúc mà bố mẹ lại có những phác thảo về nghề nghiệp qua việc trẻ thích chơi món gì. Nhìn chung thì trẻ thường thích chơi những món đồ sặc sỡ, mềm mại, phát ra tiếng kêu, có thể cầm nắm dễ dàng. Các món đồ chơi cũng dần dần thay đổi theo sự phát triển về thể chất và tâm lý của trẻ. Với trẻ, đó là những “bài học” để trẻ phát triển vốn từ, nhận biết ra các sự vật xung quanh, hình thành tư duy logic và xây dựng các mối quan hệ xã hội.  Nhưng cũng có một số trẻ tỏ ra gắn bó với một số món đồ chơi hơn hẳn những món khác. Trẻ đã có sự chọn lựa theo sở thích, và với những món này thì trẻ có thể chơi hàng giờ không chán, nhưng cũng có những món trẻ chỉ chơi một lúc khi còn mới, rồi sẽ bỏ sang một bên không quan tâm đến nữa..

    Việc chọn lựa món đồ chơi là một trong những hoạt động bộc lộ điều mà ta gọi là sở thích của trẻ em, và các bà mẹ thường dễ dàng nhận ra sở thích của con mình, nhưng để cắt nghĩa tại sao trẻ thích cái này mà không thích cái kia lại là một điều không dễ, vì có những lý do khá đơn giản như về mầu sắc, tiếng kêu vui tai có thể thu hút trẻ, nhưng cũng có những nguyên nhân sâu xa, đôi khi nằm trong vô thức, nhất là đối với những vật khiến trẻ sợ hãi hay có ác cảm. Có thể đó là vật mà trẻ nhận biết ngay và gây ra cho trẻ những tác động từ lúc còn sơ sinh, nhưng chỉ đến khi lớn hơn trẻ mới có khả năng bầy tỏ phản ứng với vật đó qua sự hứng thú hay ghét bỏ.  Chính việc trẻ thích chơi với món đồ chơi này, thích ăn món này, thích mặc cái áo này mà không thích món đồ chơi kia, món ăn kia dù cũng ngon lành không kém… cũng là một yếu tố tạo ra những sở thích khác nhau ở mỗi đứa trẻ.

    Nhìn một đứa trẻ thích chơi ô tô, hay các trò chơi xây dựng bố mẹ có thể nghĩ rằng đó là một kỹ sư tương lai, nhưng biết đâu trẻ chỉ có thể trở thành một thợ máy hay thợ xây dựng ? Cũng vì thế, nên nhiều người lại suy nghĩ  hơi “ngược chiều” là khi đã trưởng thành, nếu đứa trẻ lúc đó trở thành một kỹ sư thật, thì họ cho rằng tại hồi nhỏ, trẻ hay chơi trò xây dựng hay thích chơi với ô tô mà !

    B08-AI-048

    Việc trẻ thích chơi món này hay món kia cũng bộc lộ xu thế về phái tính, đó là trẻ trai thì thường chơi những trò chơi mạnh bạo, leo trèo, đa số thích chơi xe hơi, rô bốt hay những trò chơi đấm đá theo kiểu các hiệp sĩ, siêu nhân …với dao kiếm, súng ống. Còn trẻ gái thì thường thích chơi với búp bê, hay thích chơi trò nấu ăn, bán hàng … và nếu như một bé trai mà lại thích chơi với búp bê, một bé gái thích trở thành siêu nhân thì sẽ gây ra sự lo ngại không ít vì cái sở thích trái ngược “truyền thống phái tính” của mình ! Thậm chí đó có thể là dấu hiệu ban đầu của một giới tính thứ ba, thuộc loại “xăng pha nhớt” mà bậc cha mẹ nào cũng “hãi hùng” nếu con mình chẳng  may lại trở thành một kẻ đồng tính khi lớn lên! Tuy nhiên, đôi khi vấn đề lại đơn giản hơn vì có khi đó lại là ảnh hưởng của môi trường gia đình.

     

    Sở thích đem lại những giá trị gì ?

    Người ta có thể dựa trên sở thích để đánh giá khả năng phát triển hay những rối nhiễu về tâm lý của trẻ. Việc một đứa trẻ không thích bất cứ một món đồ chơi nào, không thích chơi với các loại đồ chơi mà lại chỉ tỏ ra quan tâm đến những món đồ thật, nhất là những vật có những  nút bấm như điện thoại di động, máy tính hay những vật bất kỳ như những cái hộp, cuốn băng video, thậm chí là trẻ có thể chỉ thích xếp những chiếc dép, giầy theo một trật tự nhất định, hoặc lại chỉ quan tâm đến những con số, có thể chỉ ra và đếm một cách dễ dàng từ 1 đến 100 hay hơn nữa… lại cho thấy, đó là những dấu hiệu của tình trạng Tự Kỷ, một hội chứng rối nhiễu tâm lý khiến cho trẻ không có khả năng quan hệ giao tiếp, không thể học tập và phát triển các kỹ năng như một đứa trẻ bình thường mà cho đến nay vẫn chưa có những liệu pháp trị liệu hiệu quả.

    Sở thích là yếu tố đánh giá Tài năng

    Sở thích không hẳn chỉ là những thứ hay những điều mà mình ưa thích mà nó còn là một yếu tố để đánh giá khả năng phát triển hay năng lực của một đứa trẻ. Sở thích cũng là một yếu tố quan trọng để đạt được những thành công trong các hoạt động của mình.

    Một nhà giáo dục Nhật Bản đã phát biểu: “Thiên tài chính là sự say mê một cách kiên trì với lòng ham thích” ông cũng nói: “Cách tạo ra một người tầm thường vô cùng đơn giản, đó là đừng để cho trẻ ưa thích một điều gì cả, chỉ cần thế thôi cũng đủ rồi !” Như vậy, chúng ta thấy chính sở thích được biểu lộ qua các trò chơi với những món đồ chơi, tuy không phải là một dự báo chính xác về thiên hướng nghề nghiệp sau này, nhưng nó lại là tiền đề cho một quá trình hình thành nhân cách và kỹ năng của một đứa trẻ.

    Nói cách khác là những bậc cha mẹ và những nhà giáo dục, chúng ta phải tìm kiếm và khơi gợi ở đứa trẻ lòng ham thích, trẻ có thể thích món này, thích món kia và dần dần sẽ tiến đến việc ưa thích vận động chơi đùa và tham gia những hoạt động trong gia đình, từ đó sẽ phát triển thành sự ham thích tìm hiểu, học tập. Ở đây, điều thúc đẩy và hình thành lòng ham thích của trẻ không gì khác hơn chính là sự ham thích của cha mẹ. Chính tấm gương qua sự bầy tỏ sự ham thích của người lớn, của các bậc cha mẹ là một yếu tố quan trọng hình thành sở thích nơi đứa trẻ. Như vậy, ngoài các yếu tố bẩm sinh thì sở thích cũng có thể được hình thành và phát triển qua sự bắt chước, qua việc tạo dựng cho trẻ những môi trường và điều kiện thích hợp và nhất là để cho trẻ có thể chọn lựa một cách tuỳ ý.

    Sở thích sẽ đem đến hạnh phúc

    Sở thích là bước đầu cho sự say mê, có thể trẻ thích nhiều thứ bởi vì hầu như tất cả đều mới mẻ với sự khám phá dần dần của trẻ. Nhưng qua sự sàng lọc, chỉ còn lại một vài hoạt động gây cho trẻ sự hứng thú thật sự, và dần dà phát triển lên thành mối đam mê, nhờ đó trẻ đạt được những kết quả khả quan nhất trong việc tập luyện cho mình những kỹ năng nhằm đáp ứng nhu cầu do sở thích đem lại, cho dù có phải vượt qua những trở ngại khó khăn trong cuộc sống. Chúng ta đã thấy biết bao nhiều người nhờ có sự hứng thú đặc biệt với một vật dụng hay một kỹ năng nào đó để dần dà hình thành những bộ sưu tập, đôi khi rất có giá trị và đem lại cho người sở hữu chúng những lợi ích từ tinh thần đến vật chất.

    Có thể nói, sở thích hay sự ham thích là người thày tốt nhất để đào tạo một con người, đi từ chỗ không biết cho đến chỗ thành thục, đi từ những điều tầm thường đến sự tinh xảo. Không những thế, sở thích cũng là một sự dẫn dắt có hiệu quả nhất trong sự hình thành một nghề nghiệp trong tương lai. Một đứa bé ham mê cây cỏ có thể trở thành một nhà khoa học về thực vật học, nhưng cũng có thể trở thành một người trồng hoa, ươm giống cây hay trồng cây cảnh và đạt được những thành công nhất định trong lĩnh vực mà mình ưa thích. Một trẻ ham mê nấu ăn có thể trở thành một nhà buôn bán thực phẩm nhưng cũng có thể trở thành một đầu bếp nổi tiếng. Chúng ta đã biết có nhiều thanh niên chấp nhận bỏ ngang việc học ở các đại học danh tiếng, trong những ngành học đầy tương lai để đi theo tiếng gọi của lòng say mê và đã đạt được những kết quả trong các công việc mà ngay cả những sinh viên tốt nghiệp hạng ưu cũng mong muốn. Nhưng, nếu chỉ với lòng say mê thì chưa đủ, mà còn phải có ý chí  kiên định, phải có những kỹ năng vững vàng và cả sự may mắn nữa.

    b08-ai-043

    Nếu nói sở thích hay sự say mê có tính bẩm sinh và nhờ những tấm gương của bố mẹ, hay có những môi trường thuận lợi để phát triển thì phải chăng bất cứ trẻ nào cũng có thể thành công với sự khởi đầu là các sở thích? ngược lại, nếu trẻ chẳng có một sở thích gì,chẳng có sự say mê hứng thú với bất cứ điều gì, thì phải chăng đó sẽ là con người triền miên thất bại khi lớn lên?  … Chúng ta thấy, trừ trẻ có những rối nhiễu về tâm lý hay chậm phát triển thì  trẻ nào cũng thích thú với trò chơi và đồ chơi, nhưng khi lớn hơn hầu hết vẫn là những học sinh bình thường, bởi vì từ sở thích muốn muốn nâng lên thành sự say mê thì không phải trẻ nào cũng đạt được và cũng chỉ có một tỷ lệ nào đó thành công với sự say mê duy trì được từ thủa còn thơ.  Thậm chí ngay cả với những trẻ có những sự ham thích và say mê rõ rệt về một lĩnh vực nào đó, thì cũng đâu phải ai  cũng có thể bước vào môi trường mà mình ưa thích mà có khi chính vì sự say mê không được đáp ứng đó, sẽ khiến cho trẻ trở thành một người bất đắc chí, luôn có sự chán nản với công việc và hoàn cảnh sống hiện tại của mình và không những không thể thành công, mà còn gặp phải những thất bại có thể “sờ thấy được” cho dù cũng có một sự say mê.

    Như vậy, chúng ta thấy sở thích là bước đầu cho sự say mê, sự say mê là bước đầu cho khuynh hướng nghề nghiệp và những bước tiếp theo là phải có sự góp sức của những yếu tố và năng lực khác. Nhưng nếu không có sở thích và sự say mê, thì đứa trẻ tuy cũng có thể đạt được những thành công khi có được những yếu tố khác, có khi chỉ nhờ may mắn hay “ gia đình có điều kiện!” Nhưng chắc chắn rằng đối với con người, nếu đạt được sự thành công trong cuộc sống nhờ vào yếu tố say mê, đó mới là niềm vui lớn nhất. Hay nói rõ hơn, nếu chúng ta làm được công việc mà mình say mê và  được sống trong môi trường mà mình ưa thích thì đó chính là hạnh phúc mà không phải ai cũng có được.

    Yếu tố hình thành nên sở thích

    Chúng ta biết rằng, ngay từ khi sinh ra trẻ đã có sự tò mò, muốn tìm biết khám phá thế giới quanh mình. Khi còn nằm trong nôi trẻ đã biết đưa mắt nhìn theo những vật lóng lánh, những thứ phát ra ánh sáng và âm thanh. Và trẻ khám phá thế giới bằng cái miệng, bất cứ vật gì trong tầm tay, nếu cầm nắm được, trẻ đều cho lên miệng để thử, vì thế giai đoạn từ sơ sinh đến 1 tuổi, người ta còn gọi đó là giai đoạn “môi miệng”.

    Khi lớn hơn, trẻ sẽ tỏ ra hết sức tò mò với những vật chung quanh, khi đã có thể đứng được trên hai chân, trẻ sẽ dùng tay để nhặt và ném các vật chung quanh, rồi lại đi kiếm, nhặt rồi lại ném…chúng ta đừng nghĩ đó là những hành vi vô ích hay ngẫu nhiên, mà đó là nhằm giải quyết câu hỏi bên trong của cái cơ thể nhỏ bé kia, nó là cái gì vậy? Với những vật cứng, trẻ sẽ ném ra xa xem nó có vỡ ra không, với nhũng cái hộp, cái lọ trẻ sẽ tìm cách mở ra xem thử bên trong có gì, nếu vật có nút bấm, trẻ sẽ bấm thử, và nếu vật có chỗ trống, trẻ sẽ tìm cách nhét vào một cái gì đó, trẻ cũng thử xếp chồng các vật lên nhau để rồi bật cười khi những vật ấy đổ xuống…. Đó là những bước cơ bản nhất để khám phá tính chất của một vật và trẻ cũng sẽ rút ra được những kinh nghiệm từ những sự thay đổi đó.

    Có thể nói, những đồ chơi là những vật đáp ứng tốt nhất nhu cầu tò mò của trẻ, vì nó không gây nguy hiểm cho trẻ, đó là yêu cầu đầu tiên của một món đồ chơi. Sau đó, nếu có hư hỏng do sự khám phá “quá tay” thì cũng không gây tốn kém nhiều cho gia đình, vì thế không nên mua những món đồ chơi đắt tiền cho trẻ để rồi lại cấm không cho trẻ chơi, hay lại lấy làm tiếc khi trẻ làm hỏng, để rồi có khi lại bị đòn oan vì cái tính tò mò và tinh thần khám phá !

    Nếu chúng ta muốn trẻ có sự ưa thích đối với các sự vật và sự kiện xung quanh, tiền đề cho sự ham mê và là khởi điểm cho việc hướng nghiệp sau này, hãy tìm cách kích thích tính tò mò của trẻ, tạo những cơ hội để trẻ khám phá, dù đôi khi cũng có những sự đáng tiếc như bể, vỡ, rách hay hư hỏng trong quá trình tìm kiếm và sử dụng. Thậm chí có thể làm cho trẻ bị tổn thương và chúng ta thì vừa bực mình vì những cái trò “nghịch ngợm” đó lại vừa xót con! Nhưng chính nhiều khi, những kinh nghiệm đau thương đó lại là những bài học có giá trị, để trẻ vừa tăng thêm kỹ năng, sự hiểu biết và cũng giảm đi phần nào tính kiêu ngạo ở trẻ.

    Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là ta cứ thả lỏng đứa trẻ, mặc cho nó tự do tìm tòi, khám phá, thử nghiệm vì đôi khi ngay cả trong những việc bình thường nhất vẫn tiềm ẩn những nguy cơ không lường trước được. Vì thế, trước khi để con tự do khám phá chúng ta cũng cần xem xét những yếu tố an toàn một cách tương đối trong các phòng của gia đình, lưu ý đến những nguy cơ có thể gây ra té ngã, cháy nổ hay điện giật … Nhưng điều quan trọng vẫn là phải tạo điều kiện và khuyến khích sự tìm tòi của trẻ.

    Ngoài đồ chơi thì các hoạt động trong nhà và các hoạt động ngoài thiên nhiên cũng là những yếu tố giúp cho phụ huynh xác định được sở thích của trẻ. Trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ, hầu hết các bậc phụ huynh đều quan tâm đến việc dinh dưỡng, cho con đi học và cung cấp cho trẻ những tiện nghi tốt nhất trong gia đình, điều đó nói lên tình yêu thương của bố mẹ dành cho con cái. Tuy nhiên, việc rèn tập cho con biết làm những việc đơn giản trong gia đình phù hợp với độ tuổi và năng lực của trẻ mới là một yếu tố để giúp con phát triển và hoàn thiện nhân cách. Chính khả năng tháo vát, biết nấu cơm, rửa chén, lau nhà, sắp xếp nhà cửa và tham gia vào những hoạt động chung của gia đình từ việc đi chợ, đi siêu thị cho đến chuẩn bị các buổi lễ, tết, kỷ niệm trong gia đình là những biện pháp rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ một cách tốt nhất, dễ nhất và có hiệu quả lâu dài nhất. Không những thế, đó cũng là một cách giúp trẻ nhận ra những mặt mạnh, yếu của mình để từ đó giúp bố mẹ dễ có sự định hướng cho quá trình phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

     Yếu tố tác hại đến sở thích

    Trong mấy năm nay, có một xu thế trang trí trong các lễ hội, đặc biệt là những ngày lễ Tết cổ truyền là đưa những mô hình, những yếu tố thiên nhiên, dân dã vào trong các khu vực được sắp xếp, quy hoạch một cách gọn gàng, đẹp mắt…trong không gian đô thị. Điều đó nếu xét về mặt mỹ quan, thì có thể đáp ứng phần nào nhu cầu của những người thích …chụp hình. Nhưng nếu xét về phương diện giáo dục trẻ em, thì đó là một biện pháp bóp méo những yếu tố kích thích sự khám phá và niềm vui của các em khi được đến với thiên nhiên một cách nhanh chóng nhất. Một vài vạt ruộng lúa be bé, một cái ao nước xinh xinh với chiếc cầu tre vắt ngang có thể là một hậu cảnh dễ thương cho một tấm ảnh kỷ niệm, nhưng lại làm cho những đứa trẻ ở thành thị, nhất là những em chưa bao giờ có dịp tung tăng bên ruộng lúa, mất dần đi cảm nhận về niềm vui của một con người khi đến với cỏ cây, hoa trái trong môi trường tự nhiên của nó với khoản không gian thoáng đãng, với mây trời, gió mát và tất cả sự bình dị. Trẻ sẽ không còn hứng thú với việc khám phá những bí ẩn của cánh đồng, của mùi thơm rơm rạ, của những hạt thóc “nạ đòng” vừa xanh “chanh cốm” …để hình thành những niềm vui thật sự đưa đến lòng yêu mến quê hương.

    Qua các lễ hội dàn dựng và trình diễn mang nặng tính giả tạo, nhà tổ chức thì thu được những khoản lợi nhuận. Người tham dự thì có được những tấm ảnh đẹp, có chỗ đi chơi. Nhưng nếu nói giá trị về văn hoá và tác động đến giáo dục nhận thức cho trẻ thì cách tổ chức như vậy lại làm mất đi những giá trị về tinh thần, không khơi gợi cho các em lòng yêu mến quê hương cũng như làm phai mờ  nhận thức đúng đắn về tính chân thực, một điều vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước.

    Cũng chính vì thế mà sở thích hay niềm đam mê của trẻ em tại các thành phố công nghiệp, đã không có được sự phong phú đa dạng về lĩnh vực lại nghèo nàn về hiểu biết do thiên nhiên đem lại. Các em chỉ còn biết say mê những trò chơi và đồ chơi điện tử, do bàn tay con người tạo ra và quanh quẩn trong bốn bức tường của các căn phòng, để rồi dần dà phải tự giải thoát bằng việc đắm mình vào trong cái thế giới ảo của chiếc máy vi tính. Các bậc phụ huynh thường than phiền hay lấy làm đau khổ vì những sở thích hay sự đam mê “máy móc, các thiết bị và các hình thức giải trí nhân tạo” của trẻ mà không biết rằng, qua việc đưa đến cho các em những điều không có thật, cũng như các phương tiện truyền thông nếu chỉ giới thiệu cho trẻ những “mô hình” mang tính mô phỏng hay làm mẫu, sẽ  góp phần đắc lực vào việc huỷ hoại nhu cầu hình thành những niềm vui qua những sở thích thật sự, để đem lại cho các em những động lực hiệu quả trong việc phát triển các kỹ năng nghề nghiệp sau này. Vì thế, việc đầu tư cho con, không phải là ép con học, hay định hướng con theo những mong muốn của mình, mà cần phải biết khơi gợi trong con những sở thích qua các hoạt động vui chơi, qua trò chơi, qua đồ chơi.

    Hãy để trẻ sống trong niềm vui của tuổi thơ qua hoạt động vui chơi, đó mới là nền tảng phát triển về nhân cách và năng lực thông qua các sở thích mà trẻ bộc lộ. Đó sẽ là khởi điểm của thành công .

    CvTl LÊ KHANH

  • Trò chơi Trong thế giới Trẻ em

    Trò chơi Trong thế giới Trẻ em

    Đối với phần lớn cha mẹ, nhiệm vụ chủ yếu của trẻ là phải học, nhưng hoạt động mà trẻ quan tâm đến nhất lại là được chơi. Sự mâu thuẫn đó nếu biết dung hòa hay phối hợp sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp cho khả năng phát triển của trẻ. Thế nhưng, đa phần thì sẽ dẫn đến những hậu quả mà cả cha mẹ lẫn con cái đều là nạn nhân.  Bởi vì ít ai nhận ra chính việc trẻ chơi đùa một cách thích thú, sẽ là cơ sở để trẻ học hỏi một cách tích cực.

    treem-choi

    Một đứa trẻ biết phát huy những sáng kiến trong khi chơi, biết chủ động tạo ra những tình huống, vận  dụng một cách linh hoạt các công cụ khi chơi, tưởng tượng ra nhiều nhân vật, phương cách … để trò chơi tăng thêm phần hấp dẫn. Đó sẽ là một học sinh thành công trong việc học, miễn là cháu được giáo dục trong một môi trường tích cực, có nhiều hoạt động thúc đẩy sự chủ động và sáng tạo.

    Vì vậy, trong môi trường gia đình, việc tạo điều kiện cho trẻ vui chơi và biết cách chơi đùa với con sẽ là những điều kiện cần thiết giúp cho trẻ phát triển cả về trí lực lẫn thể lực. Thông qua các đồ chơi và trò chơi, trẻ sẽ nhận thức được những mối tương quan giữa mình và môi trường bên  ngoài cũng như phát triển được những kỹ năng mà sau này sẽ giúp ích rất nhiều  cho việc tiếp thu các bài học.

    Việc cùng trẻ chơi đùa, dù chỉ trong một thời gian ngắn một cách vui vẻ sẽ có giá trị hơn nhiều giờ đưa con đến những khu vui chơi, hay vào siêu thị, mua cho con vài thẻ trò chơi còn mình thì đi mua sắm hoặc đứng ngó. Cha mẹ có thể nghĩ rằng, trẻ chỉ cần giải trí với những món đề chơi là đủ, nhưng thực ra ngoài việc giải trí thì trò chơi sẽ giúp cho việc phát triển mối “tương tác” giữa cha mẹ và con một cách tích cực. Đây mới là điều cần thiết cho sự hòa nhập của trẻ sau này, mà những biện pháp giáo dục qua sách vở không thể đem lại được.

     Giá trị của trò chơi

    Chơi là một hoạt động thiết yếu trong sự phát triển của mọi trẻ. Thông qua việc chơi các trò chơi và chơi với đồ chơi, trẻ phát triển các kỹ năng cần thiết và quan trọng như khả năng giao tiếp, tư duy trừu tượng, tương tác xã hội, phát triển sự tự trọng và cá tính, khả năng sáng tạo .

    Chơi là gì?

    Chơi là những hoạt động trong một thời gian mà qua đó trẻ được tự do khám phá mọi thứ theo cách riêng và theo những bước riêng của mình với sự vui thích và thoải mái. Các hoạt động do trẻ chủ động chọn lựa để chơi cái gì và chơi như thế nào. Trẻ có thể chơi một mình, chơi với cha mẹ hay với những bạn bè cùng trang lứa.

    Trò chơi có vai trò quan trọng vì nó đặt nền móng cho những kỹ năng mà trẻ dùng để áp dụng trong việc học của mình. Qua việc chơi đi chơi lại, trẻ có thể thực hành những kỹ năng cũ và phát triển những kỹ năng mới. Các hoạt động này giúp trẻ dần dầ tạo dựng sự hiểu biết về con người và mọi thứ xung quanh trẻ. Đó là nền tảng của sự giao tiếp.  Chơi cho phép trẻ thử nghiệm các kỹ năng mà không có nguy cơ bị thất bại, bởi vì thua trong trò chơi không để lại một hậu quả nào, mà đó chính là cơ hội để trẻ biết điều chỉnh và hoàn thiện về tính cách của mình. Trẻ sẽ có sự quyết tâm, có tinh thần kiên trì hơn, biết điều chỉnh các động tác, phối hợp khả năng vận động và nâng cao những phản ứng một cách nhanh nhẹn hơn trong các lượt chơi sau.

    Trong trò chơi, việc thắng – thua chỉ là một khái niệm rất tương đối. Điều này cũng phản ánh tính cách của trẻ, có nhiều cháu có máu “ăn thua” trong trò chơi chỉ muốn mình luôn luôn thắng, và khi thua là giận dỗi, “nghỉ chơi” Có những cháu khác thì biết chấp nhận “thua để làm lại” một cách vui vẻ. Đây cũng chính là những phản ứng mà bố mẹ cần giúp cho con có được, để sau này trong việc học, cũng như các hoạt động khác trong cuộc đời, biết xem đó là một “trò chơi” việc thắng thua, chỉ là một yếu tố kích thích trẻ cần có những cố gắng nhiều hơn, chứ không phải đó là những tổn thương khó hàn gắn.

    Hoạt động chơi bắt đầu từ khi nào ?

    Hoạt động chơi của trẻ bắt đầu từ sự tương tác giữa mẹ/bố với con ngay từ khi trẻ còn nằm trong nôi, thông qua ánh mắt nhìn, trẻ nhận ra khuôn mặt của mẹ, tập phân biệt với khuôn mắt của bố, và có thể đùa nghịch với các ngón tay khi bú mẹ. Sau đó trẻ sẽ mở rộng mối tương tác với những người khác và những đồ vật xung quanh trẻ bằng các vận động với hai bàn tay. Một trong những cách khám phá của trẻ là trò chơi cho vào miệng cắn hay mút tất cả những gì có trong tầm tay. Đây là một hoạt động mang tính khám phá, trẻ muốn biết về các vật chung quanh. Vì thế cha mẹ không nên ngăn cấm con bằng việc đeo găng cho bé, khiến cho việc cầm nắm trở nên khó khăn hơn. Điều cần làm là hãy chọn lọc những vật trong tầm tay của bé, không để những vật quá cứng hay dễ vỡ và lau chùi thật sạch sẽ. Sau một vài tháng thì bé sẽ chuyển qua cách tìm hiểu khác khi biết bò và nhất là khi biết đi thì hoạt động chơi của bé sẽ được mở rộng “phạm vi hoạt động” trẻ sẽ lon ton đi khắp nơi và nếu không biết cách vừa giới hạn, vừa kích thích sự phát triển vận động đúng cách, thì chuyện trở thành siêu quậy là ở trong tầm tay!

    Qua trò chơi, trẻ sẽ phát triển được năng lực và kỹ năng gì ?

    Chúng ta cần đảm bảo là trẻ được trải nghiệm mọi kiểu chơi. Bởi vì các hoạt động chơi có nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau. Các trò chơi giúp trẻ phát triển về 3 lĩnh vực cần thiết nhất đó là : Vận động, ngôn ngữ và trí nhớ. Đây là ba lĩnh vực  cần thiết giúp cho trẻ có khả năng tiếp thu tốt hơn những kiến thức và tạo cho trẻ khả năng hòa nhập  với môi trường xung quanh. Khi cho trẻ chơi, chúng ta phải lưu ý đến những nguyên tắc quan trọng:

    • Trò chơi là một hoạt động giúp cho trẻ vui vẻ và thoải mái, đó không phải là bài tập mà trẻ phải hoàn thành, cũng không phải cuộc thi mà trẻ phải chiến thắng. Không có kẻ thắng và người thua trong những trò chơi, việc đạt haykhông đạt đều có giá trị như nhau nếu nó là kết quả của một cố gắng, tham gia tích cực.
    • Trò chơi là cơ hội cho cha mẹ, con cái gần gũi nhau với tinh thần hoà đồng. Khi chơi thì tất cả đều bình đẳng và phải tôn trọng luật chơi, không ” lợi dụng” danh nghĩa hay quyền hạn làm cha mẹ để “ép” hay “nhường” con, mặc dù ta có thể tự đặt ra cho mình những “yêu cầu” cao hay khó hơn, nhưng tốt nhất, hãy là một đứa trẻ khi chơi cùng con trẻ.
    • Trò chơi mang tính sáng tạo và linh hoạt, nó có thể thay đổi kéo dài, thu ngắn, có thể làm cho dễ hơn hay khó hơn, nhưng nó vẫn có những nguyên tắc và luật lệ mà người chơi phải chấp hành. Đây cũng là một đặc điểm quan trọng, vì sự chấp hành các nguyên tắc trong trò chơi là tự nguyện, nhưng một đứa trẻ biết chấp hành tốt các nguyên tắc của một cuộc chơi, sẽ là một đứa trẻ biết tôn trọng những giá trị của cuộc sống và giá trị của bản thân sau này.

    Trẻ em tiếp thu những kiến thức, kỹ năng rất tốt khi chơi. Cha mẹ thường sốt ruột khi thấy có vẻ như các cháu chơi nhiều hơn học trong giai đoạn mẫu giáo. Đừng lo lắng, chơi là một phương pháp học rất hiệu quả. Tất cả các hoạt động vui chơi mà trẻ tham dự đều xây dựng cho trẻ khả năng nhận thức, tình cảm. Giúp trẻ phát triển thể lực, kỹ năng để làm nền tảng cho việc học tập sau này.

    Những vật hình khối giúp trẻ nhận thức đưọc không gian ba chiều. Trẻ có thể tưởng tượng rất nhiều hình ảnh, nhân vật thông qua các khối gỗ đơn giản ấy. Việc trẻ sử dụng các loại màu sáp, màu nước để nguyệc ngoạc  những hình thù vô nghĩa hay những hình con người thật kỳ lạ chính là cơ sở để giúp trẻ vừa phát huy nhận thức, vừa giải tỏa các ức chế về tâm lý. Không những thế, những hình vẽ về con người còn nói lên được mức độ phát triển trí tuệ của trẻ.

    Khi chơi các trò chơi ráp hình, trẻ sẽ phát triển khả năng suy luận về không gian, biết cách quan sát những kiểu mẫu và chi tiết, thực tập sự phối hợp tay và mắt. Các trò chơi nắn đất sét lại giúp cho trẻ phát huy trí tưỡng tượng cũng như kỹ năng khéo léo của bàn tay. Còn với các trò chơi vận động, điều này giúp trẻ phát triển thể lực, biết phối hợp sự vận động, tăng cường khả năng phản xạ, sự nhanh nhẹn…

    Trò chơi sẽ giúp cho trí tưởng tượng của các em bay bổng, các em có thể hình dung ra rất nhiều hoạt động trong xã hội thông qua trò chơi. Với trí tưởng tượng phong phú các em có thể biến cây gậy thành con ngựa, biến các ghế ngồi thành xe lửa hay xe …tăng.. Đó chính là niềm hạnh phúc lớn lao của tuổi thơ và đó cũng là tiền đề cho khả năng sáng tạo sau nay khi các em khôn lớn.

    Trò chơi cũng giúp cho các em nâng cao tính kỷ luật tự giác, thông qua việc ý thức được các vai trò trong cuộc chơi, chấp hành các quy định của trò chơi một cách tự nguyện. Dần dần điều đó sẽ hình thành ở trẻ một thói quen tốt là tự đặt ra cho mình những nguyên tắc về kỷ luật, làm nền tảng cho các hoạt động sau này.

    Tại gia đình, nếu phụ huynh biết cách chơi với con, không những giúp cho trẻ phát triển, để có thể thích nghi nhanh với các hoạt động tại nhà trường, mà còn giúp trẻ tự tin hơn trong việc giao tiếp với các bạn cùng lứa tuổi.

    Chắc chúng ta sẽ đồng ý rằng, ít khi nào trẻ chơi một mình? Trừ khi lúc trẻ gắn mình với chiếc máy vi tính qua những trò chơi chuyển động trên màn hình. Điều đó thường góp phần tạo nên tính thụ động và ích kỷ nơi trẻ. Còn trong hầu hết các trò chơi, trẻ đều cần có bạn chơi, có thể là một, hai hay nhiều trẻ cùng chơi đùa với nhau. Điều này sẽ giúp trẻ phát huy  được tính tương tác xã hội, đồng thời cũng giúp cho bé trở nên độc lập hơn, trẻ sẽ có khả năng giải quyết vấn đề, phát huy tính tập trung và trí tưởng tượng. Trò chơi còn giúp cho con bạn phát triển các kỹ năng cơ bản cần thiết cho cuộc sống và cho quá trình học tập ở nhà trường.

    Khi chơi trẻ sẽ dần dần ý thức được giá trị bản thân, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng để giúp trẻ hình thành nhân cách. Bạn có để ý các trẻ em có các hội chứng rối nhiễu về tâm lý không ? Các trẻ chậm khôn, hiếu động hay tự kỷ thường không biết chơi, cùng lắm là các em chỉ có thể chơi với một số đồ vật, không phải là đồ chơi và không thể chơi với bạn hay chơi cùng các trẻ khác.  Các nhà khoa học đã kết luận rằng, di truyền chỉ có thể quyết định các tiềm năng, nhưng chính môi trường và sự nuôi dưỡng mới có những tác động quan trọng đến trí thông minh của trẻ. Sự kích thích trí tuệ của trẻ trong những năm đầu đời – đặc biệt qua việc cho trẻ vui chơi đúng cách – là hết sức quan trọng hơn bất kỳ một giai đoạn nào khác. Trước đây, người ta thường cho rằng di truyền là yếu tố duy nhất quyết định sự thông minh của trẻ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các nhà khoa học qua những nghiên cứu đã nhận thấy rằng nếu trẻ nhận được những kích thích tích cực của môi trường trong giai đoạn từ 0 -3 tuổi thông qua các hoạt động vui chơi, sẽ giúp cho trẻ phát triển trí thông minh, hình thành những cảm xúc tích cực, tạo cho trẻ từ những khả năng phân tích cho đến các kỹ năng giao tiếp xã hội. Khi trẻ chơi đùa sẽ có sự thay đổi của sóng thần kinh trong não, các cơ quan thần kinh của trẻ sẽ được kích thích để tiếp nhận, xử lí và gửi đi cáctín hiệu. Các hoạt động này sẽ giúp cho hình thành và cố định nhiều hơn  các kết nối thần kinh, giúp gia tăng việc dẫn truyền các tín hiẹu thần kinh. Do đó, khi trẻ chơi các đồ chơi thì đó không đơn thuần chỉ là sự giải trí mà còn giúp cho việc gia tắng trí thông minh và sức khỏe cho trẻ, trẻ sẽ có khả năng học hỏi từ những tác động của môi trường xung quanh. Những trẻ không được vui chơi, chăm sóc thường xuyên sẽ bị hạn chế về khả năng phát triển trí nẵo.

    Chuyên gia tâm lý trường Đại học Yale – tiến sĩ Dorothy G. Singer cho rằng các yếu tố môi trường có những tác động nhất định lên trẻ. Việc trẻ tương tác với người lớn thông qua các trò chơi, cũng như viêc chơi với các bạn cùng trang lứa là rất quan trọng trong việc phát triển các kỹ năng  xã hội cho trẻ, bố mẹ cũng cần dành nhiều thời gian tiếp xúc, trò chuyện với trẻ càng nhiều càng tốt, cần phải phối hợp giữa sự an uỉ vỗ về và tính nghiêm khắc trong việc chăm sóc các em.

    Vì thế, bố mẹ cần có một thái độ tích cực đối với các hoạt động tương giao với trẻ mà trong đó thì  việc vui chơi của trẻ và với trẻ là một trong những hoạt động có giá trị tích cực nhất. Chúng ta phải dành cho trẻ thời gian để chơi cũng như phải có những giờ phút vui chơi cùng con trẻ. Đó mới là tình yêu thương đích thực của cha mẹ đối với con cái.

    Nhiều trẻ sau khi đã mệt nhoài vì việc học ở trường, lại bị tiếp tục nhồi nhét trong những giờ học thêm, nên trẻ không còn thời gian để chơi, tiếp xúc với các đồ chơi, trò chơi khiến trẻ không phát huy được trí tưởng tượng. Không những thế, thông qua các trò chơi, trẻ còn xây dựng được những nhận thức về mặt xã hội, thực hành được những bài học về từ ngữ, văn phạm, có những suy nghĩ tích cực, đa chiều và phân biệt được thực tại và tưởng tượng.


    Một số những kỹ năng cần thiết  được phát triển qua các trò chơi :

    1. Biết lắng nghe : Thông qua các câu chuyện cổ tích, các trò chơi âm nhạc, các bài ca dao, đồng dao, trò chơi gọi tên …Trẻ sẽ nghe và sau đó nhắc lại, kể lại …
    2. Biết tập trung : Các trò chơi xếp gạch, xếp logo, nắn đất sét … sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng này.Điều này sẽ giúp trẻ dễ dàng tập trung vào việc học sau này.
    3. Biết quan sát và phân biệt : Những trò chơi quan sát các điểm giống/khác nhau qua hai hình vẽ tương tự. Hay trò chơi xếp theo thứ tự một cái cây từ lúc mới mọc cho đến khi ra hoa, cách phân biệt hai cái lá tươi và lá khô…
    4. Phát triển sự phối hợp giữa mắt và bàn tay : Bạn có thể vạch hai đường song song, uốn lượn hay zíc zắc và yêu cầu trẻ kẻ một đường vào giữa hai con đường đó… Những trò chơi phát triển vận động, gia tăng sự phối hợp giữa mắt và tay là hết sức cần thiết cho trẻ trong việc tập viết.
    5. Biết nguyên tắc từ trái sang phải : Điều này có vẻ đơn giản, nhưng tập cho trẻ khả năng nhìn từ trái sang phải, rồi nhanh chóng trở lại điểm ban đầu là điều phải được tập luyện : Cầm viết gạch từ trái sang phải, tập đếm các đồ vật từ trái sang phải, chơi các trò chơi chuyền banh hay một món đồ từ trái sang phải… Điều này sẽ giúp trẻ dễ dàng hơn trong việc đọc từ trái sang phải.

     CvTl LÊ KHANH

     

  • Nguyên Tắc Can Thiệp Giáo dục Trẻ đặc biệt tại gia đình

    Nguyên Tắc Can Thiệp Giáo dục Trẻ đặc biệt tại gia đình

    me-va-con

    Khi có một đứa con có những khó khăn trong ngôn ngữ, giao tiếp, hành vi hay khả năng nghe – hiểu, thì cha mẹ cần xác định 3 vấn đề :

    1/ Tình trạng này không phải là một chứng bệnh mắc phải do những yếu tố từ bên ngoài, do đó không có bất kỳ một phương pháp điều trị nào có thể giải quyết được trong một thời gian ngắn hay dài.

    2/ Tình trạng này chỉ có thể can thiệp, giúp trẻ phát triển bằng các phương pháp giáo dục. Có rất nhiều các phương pháp giáo dục khác nhau, Cha mẹ hãy tìm kiếm, chọn lựa và học hỏi những phương pháp nào phù hợp với tình trạng của con mình, chứ không nên áp đặt con vào một phương pháp được cho là hay nhất.

    3/ Trong việc can thiệp và giáo dục con, thì cha mẹ có vai trò quan trọng thông qua những biện pháp, nguyên tắc được áp dụng tại gia đình, chứ không thể giao hết việc giáo dục can thiệp cho các giáo viên hay nhà trường chuyên biệt.

    1. Giúp trẻ Phát triển về ngôn ngữ :

    Với những trẻ chậm nói, bố mẹ hãy tạo nhiều  cơ hội cho trẻ có thể bật ra lời nói trong mọi giao tiếp hằng ngày tại gia đình, trong các sinh hoạt bình thường để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ.

    Trong việc tập nói cần dùng nhiều công cụ khác nhau :

     Dùng con rối, búp bê, tranh ảnh, đồ chơi tượng hình (Con thú, đồ vật, dụng cụ ) trong khi ngồi chơi ( mỗi ngày chừng 30 phút – 60 ) với trẻ.

    • Dùng các món đồ thật (ly, chén,  khăn, banh … ) không bể, vỡ gây nguy hiểm trong các sinh hoạt hằng ngày, vừa nói tên các đồ vật, vừa khuyến khích trẻ nhắc lại trong khả năng có thể.
    • Dùng các tranh ảnh kết hợp với các câu chuyện kể hay các bài hát ru, bài vè, đồng dao với các trò chơi.và một số phương tiện máy móc (Máy ghi âm. Băng dĩa, phần mềm vi tính…) trong các giờ nghỉ buổi trưa hay khi chuẩn bị đi ngủ.

    Nguyên tắc sử dụng :

    • Ngắn gọn, sinh động, lập lại thường xuyên với sự thay đổi hình thức, cách diễn tả.
    • Giới thiệu với những câu nói đơn giản, có các từ cụ thể
    • Trẻ được tham gia tích cực, được quyền “lái” câu chuyện theo ý mình, khuyến khích trẻ đặt câu hỏi, kích thích trí tò mò nơi trẻ.

    Hoạt động giúp trẻ phát triển khả năng quan sát và phát triển tư duy :

    • Bước 1 : Bỏ từ 3 – 5 vật khác nhau vào trong một cái túi
    • Cho trẻ thò tay vào cầm lấy vật và đoán (không được thấy ).
    • Cho trẻ nhìn vật bên ngoài túi (chỉ thấy một phần nổi lên) và phải đoán ra là vật gì

    Chúng ta có thể bầy trên bàn từ 3 – 5 vật khác nhau rồi lấy khăn che đi, sau đó giở ra cho trẻ xem, rồi đậy lại yêu cầu trẻ nhớ lại và đoán (nói đúng tên món đồ)

    Buổi tối nên có giờ kể chuyện cho trẻ nghe, khi trẻ tỏ ra chẳng chú ý gì vào câu chuyện, bố mẹ nên có sự kết hợp với tranh ảnh, con rối, búp bê cho thêm phần sinh động và không quá dài ( tối đa khoảng 5 phút).

    Nên có những câu chuyện mang tính mô tả, mà trong đó trẻ là nhân vật chính.( Có thể dựa vào một câu chuyện tranh, ta thay đổi nhân vật chính trong chuyện bằng trẻ ). Các phương tiện máy móc, nếu biết sử dụng một cách khéo léo, hợp lý thì cũng tạo ra những hiệu quả tốt, nhưng điều quan trọng là bố mẹ luôn phải là người tham gia, hướng dẫn , nhắc nhở, kích thích sự quan tâm của trẻ, động viên trẻ có những phản ứng lại. Việc để cho trẻ ngồi xem với các phương tiện nghe nhìn (TV/Vidéo) một mình là điều hết sức tai hại .

    1. Nguyên tắc Chăm sóc trẻ tại nhà:

    Trẻ đặc biệt là những trẻ có tình trạng rối nhiễu và có khó khăn về giác quan, cảm xúc và khả năng giao tiếp. Các trẻ này thường chỉ được phát hiện khi có tình trạng chậm nói, nhưng thực ra những khó khăn của trẻ đã có ngay từ trong bụng mẹ, vì vậy cần phải quan tâm đến các dấu hiệu bất thường của trẻ ngay từ lúc sơ sinh, và tác động can thiệp càng sớm càng tốt.

    Xây dựng một tập thể xung quanh: Việc chăm sóc trẻ là một công việc dễ gây mệt mỏi  và nhàm chán vì trẻ hầu như không đáp ứng lại các yêu cầu . Vì vậy cha mẹ hãy tìm kiếm những người có thể hỗ trợ mình như ông bà, vợ chồng, họ hàng. Nhưng điều quan trọng là các nhân tố này cần có những hiểu biết về tình trạng của trẻ và có cùng một cách tác động như nhau ( Điều gì cấm trẻ thì tất cả đều cấm, không được chiều chuộng nhưng cũng không quá nghiêm khắc với trẻ ) . Sau đó là các nhà chuyên môn để góp ý và hướng dẫn mục tiêu phù hợp , cùng với giáo viên dạy trẻ tại trường ( dành cho trẻ đặc biệt ) để phối hợp với nhau. Không có sự phối hợp thì việc can thiệp khó thành công.

    Tương tác với con bạn một cách hợp lý: Có những phụ huynh dù biết rằng việc tương tác với con là điều cần thiết, nhưng do công việc, nhu cầu kiếm sống họ đã không thể thu xếp thời gian  thích hợp .Những phụ huynh khác thì lại bỏ hết công ăn chuyện làm, để suốt ngày quanh quẩn bên con, họ ôm ấp đứa con và làm thay cho trẻ, điều này vô tình lại hạn chế khả năng phát triển mà đứa trẻ cần đạt được bằng sự nỗ lực của bản thân.

    Vì vậy, việc dành cho con một số giờ thích hợp trong ngày để tạo ra sự tương tác tích cực là điều mà bố mẹ cần hết sức quan tâm.

    Xây dựng những nguyên tắc và luật lệ : Chăm sóc con là một quá trình kéo dài, từ năm này qua năm khác vì vậy cần có những nguyên tắc và luật lệ rõ ràng, nó không những giúp trẻ biết được những yêu cầu mà trẻ cần đạt được và những giới hạn để nó không thể vượt qua, mà còn có thể giúp cho các phụ huynh kiểm soát được mức độ mà mình dành cho trẻ, giúp cho họ có sự ổn định trong việc tiến hành việc giáo dục cho trẻ.

    Chúng ta cũng nên biết rằng, việc nuôi dưỡng một trẻ có nhu cầu đặc biệt  sẽ có những tác động nhất định lên môi trường gia đình, đó là những áp lực  mạnh mẽ lên các mối tương giao của các thành viên gia đình, đó vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của những tan vỡ gia đình. Có những bất hòa, mâu thuẫn trong cách nuôi dạy và cả những tốn kém thái quá cũng có có thể dẫn đến những cãi vã, lo lắng và căng thẳng trong quan hệ giữa bố mẹ. Vì vậy, việc chăm sóc giáo dục trẻ không chỉ là những biện pháp tập trung vào trẻ, mà còn bao gồm cả những biện pháp tạo ra bầu khí lành mạnh và những phương pháp nâng đỡ thể chất và tinh thần cho chính bố mẹ của trẻ.

    Kỹ Thuật hướng dẫn trẻ học tập: Giáo dục trẻ đặc biệt bằng những bài tập ở nhà là một việc hết sức vất vả nhưng cần thiết, tuy nó không đòi hỏi những kỹ thuật đặc biệt nhưng một phương pháp đúng đắn, sự kiên nhẫn, vui vẻ và nhất quán là những yếu tố không thể thiếu trong một chương trình học tập tại gia đình.

    benh-tieu-chay4

    Các nguyên tắc chung trong việc giáo dục trẻ tại gia đình :

    1. Tính tiệm tiến: Chương trình giáo dục là một kế hoạch kéo dài từ năm này qua năm khác, vì vậy không thể rút gọn hay chồng chất những mục tiêu khác nhau trong 1 buổi can thiệp. Chương trình phải tiến hành từng chút một, qua từng giai đoạn, giải quyết từng mục tiêu một cách nhẹ nhàng và bền bỉ.
    2. Tính nhất quán : Phải xác định được mục tiêu cần đạt trong 1 ngày, 1 tuần, hay một tháng và kiên quyết tập trung vào mục tiêu đó bằng một số biện pháp ( Trò chơi, hình vẽ, bài hát… ) cho đến khi có thể đạt được mục tiêu. Chúng ta cũng có thể linh động điều chỉnh, một số công cụ, thời gian hay cách tiếp cận cho phù hợp, nhưng khi đã xác định mục đích cần đạt, thì đó là điều không thay đổi.
    3. Tính liên tục: Trong giai đoạn đầu việc can thiệp, cha mẹ thường rất hăng hái trong việc tập luyện cho con, nhưng sẽ có những ngày bận rộn, mệt mỏi , khi đó họ sẽ bỏ qua một vài buổi tập luyện vì cho rằng, điều đó chắc không ảnh hưởng gì. Nhưng việc bỏ qua một vài buổi học sẽ là khởi điểm cho việc bỏ qua ngày càng nhiều hơn, đôi khi hàng tuần lễ và điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ trở lại vạch xuất phát dù cho đã tiến hành được cả một năm rồi !
    4. Tính đơn giản: Một kế hoạch càng rõ ràng, càng đơn giản sẽ càng cho hiệu quả cao vì điều đó giúp cho cả người hướng dẫn lẫn đứa trẻ dễ tập trung vào nội dung và nắm bắt một cách nhẹ nhàng. Hãy sử dụng những công cụ đơn giản, những lời hướng dẫn ngắn gọn, một không gian học tập êm ả và vui vẻ. Đó là những điều đơn giản cần phải có trong một buổi can thiệp

    Trong việc can thiệp thì mọi kế hoạch mọi ý tưởng đều cần được bàn bạc, trao đổi rốt ráo. Có thể có những tranh luận, nhưng khi đã đưa ra được một chương trình, thì mọi người đều cùng thực hiện hay áp dụng các yêu cầu như nhau, có những trao đổi hay hướng dẫn trẻ giống nhau và theo chiều hướng tích cực.

    1. Thực hành việc can thiệp tại gia đình

    Trong quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ, cha mẹ phải có vai trò và trách nhiệm chính vì họ có điều kiện tiếp xúc rất nhiều với trẻ, kể cả các trẻ được đưa đi can thiệp tại các trường lớp chuyên biệt.

    Khi thực hiện một chương trình can thiệp, phụ huynh cần lưu ý các nguyên tắc sau

    1. Tiến hành từng bước một: Bất cứ một hoạt động nào trong nhà cũng cần chia ra từng bước một và tiến hành hướng dẫn cho trẻ từ những bước đơn giản nhất, chỉ khi nào trẻ làm được, mới tiến lên bước kế tiếp.
    1. Nhắc lại các hướng dẫn : Trẻ không thể nào nhớ những gì đã hướng dẫn mà cần phải nhắc đi nhắc lại trong khi trẻ đang thực hiện, và sau khi làm xong cũng cần nhắc lại. Đến lúc muốn trẻ làm cũng phải nhắc lại những điểm chính yếu.
    1. Để trẻ Tự làm:, Trẻ chỉ có thể đạt được các khả năng khi có thể tự làm, vì thế việc hướng dẫn trẻ phải luôn nhắm đến mục đích sao cho trẻ có thể tự làm, dù không thể làm tốt nhưng phải để trẻ có cố gắng trong việc tự hoàn thiện.
    2. ổn định trong các hoạt động: Việc tổ chức một nơi ngăn nắp , ít nhất là trong căn phòng của trẻ hay một khu vực nào đó, với những nghi thức, thói quen mang tính ổn định là điều cần phải đặt ra.
    3. Vận dụng nhiều Giác quan: Cần phải giúp trẻ có thể vận dụng càng nhiều giác quan trong việc học tập càng tốt, trẻ cần được nghe, nhìn, ngửi, nếm, sờ vào các dụng cụ, đồ vật khi học tập các kỹ năng trong cuộc sống.
    4. Tính cá nhân trong từng hoạt động: Sự phát triển của trẻ không trẻ nào giống trẻ nào, vì thế đó là một kế hoạch giáo dục cá nhân. Kế hoạch này xây dựng trên những nền tảng chung, nhưng phải được áp dụng một cách linh hoạt khác nhau tuỳ theo khả năng tiếp nhận của trẻ.
    1. Thường xuyên động viên: Trẻ cần có một khung cảnh giáo dục :
    • Không có sự sợ hãi và ép buộc, mà là một không khí thân thiện, lạc quan
    • Không có sự chán nản, mà là sự vui vẻ ham thích các hoạt động.
    • Không có sự trừng phạt cái sai mà chỉ có sự khuyến khích cái đúng.

    Giáo dục các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày

    Kỹ năng sinh hoạt hàng ngày chính là lĩnh vực trách nhiệm của các phụ huynh trong việc can thiệp cho trẻ. Đây là các hoạt động giúp trẻ tiến đến cuộc sống độc lập hơn. Các kỹ năng này bao gồm các hoạt động trong nhà, từ việc ăn uống, mặc quần áo, vệ sinh cơ thể cho đến các kỹ năng cao hơn như phụ việc nhà, sử dụng một số công cụ và các kỹ năng giao tiếp xã hội, ứng phó với những tình trạng nguy hiểm.

    Đây chính là mục tiêu của hoạt động chăm sóc và giáo dục chứ không phải những kiến thức hay khả năng về phương diện  văn hóa như khả năng vẽ, tô màu, đánh vần, nhớ mặt chữ, nhớ số … hay khả năng hát múa vì đây lại là trách nhiệm và sở trường của các giáo viên trong việc can thệp cho trẻ tại nhà trường

    Đây cũng là một hoạt động cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên và cha mẹ các em. Chỉ khi nào cả hai cùng tiến hành được những biện pháp giống nhau, xác định được các mục tiêu cần đạt đến thì chừng đó hoạt động giáo dục cho trẻ mới có thể có hiệu quả.

    Các kỹ năng trẻ cần đạt đến:

    • Kỹ năng ăn, uống: Cần giúp trẻ có thể tự ăn, uống một cách đon giản nhất
    • Kỹ năng Vệ Sinh: Biết khi nào cần vệ sinh, biết sử dụng nhà vệ sinh và một số công cụ vệ sinh : Vòi nuớc, Giấy vệ sinh, khăn lau, bàn chải…
    • Kỹ năng tắm rửa và chải tóc : Trẻ có thể sử dụng vòi sen, biết múc và dội nước, biết xoa xà bông, biết dùng lược chải tóc.
    • Kỹ năng mặc quần áo: Trẻ biết mặc quần lưng thun, biết tụt xuống, cởi ra, kéo lên, tròng vào, cài cúc áo. Nếu khá hơn là có thể dùng dây kéo.  Biết mặc bít tất, xỏ dây thắt lưng.
    • Kỹ năng vận động: Biết các kỹ năng vận động thô – vận động tinh phù hợp với độ tuổi phát triển.
    • Các kỹ năng xã hội và Giao tiếp : Đây là mục tiêu cao nhất mà các trẻ có thể đạt đến sau một thời gian dài được chăm sóc tích cực và đúng phương pháp. Các em biết phân biệt người lạ, quen, biết chào, biết hỏi ý trước khi làm, biết chấp nhận đám đông, biết hạn chế những hành vi thiếu ổn định ở chỗ đông người. Chấp nhận sự  chờ đợi ….

    Linh động và sáng tạo trong việc phối hợp, điều chỉnh các phương pháp giáo dục, điều gì phù hợp với trẻ thì làm, điều gì không hợp thì bỏ, không nhất thiết phải bám sát các nguyên tác cứng nhắc, cần phải bám sát các nguyên lý sau :

                                         PHÙ HỢP – ỔN ĐỊNH – LIÊN TỤC – THỐNG NHẤT !

     CV.TL LÊ KHANH

  • Phát Triển Tài năng cho con

    Phát Triển Tài năng cho con

    Chúng ta không  khuyến khích việc đào tạo thần đồng, nhưng phụ huynh lại cần phải có sự quan tâm để nhận biết những khả năng đích thực của trẻ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho trẻ phát triển được những tài năng của mình một cách chắn chắn với sự ham thích và tính tự nguyện.

    developing-life-skill

    Ngay từ khi trẻ biết đi thì đã bắt đầu bộc lộ những khả năng có thể là dấu hiệu báo trước những tài năng thiên phú. Đây là những dấu hiệu cho thấy khả năng phát triển tốt nơi trẻ :

    5 dấu hiệu tài năng ở trẻ dưới 3 tuổi

    1. Biết nói sớm Trẻ có thể học nhanh và nói được nhiều từ vựng, hay đặt ra các hỏi các sự việc đến tận gốc rễ và có khả năng nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc cạnh.
    1. Biết đọc sớm :Trẻ biết chú ý theo dõi quá trình nhận biết chữ và tranh ảnh, chỉ cần một sự gợi ý là nó biết chọn đúng quyển sách mà nó đã đọc và phát âm tốt các từ ngữ. Trẻ có sự ham thích trong việc xem các truyện tranh và cố gắng tìm kiếm cách hiểu các chữ ghi trong đó.
    1. Thích các con số :Trẻ rất thích các con số của các vật như: số bậc thang gác, biển số các xe máy ô tô thường qua lại nhà, nhớ được các số điện thoại của người thân, đọc được các con số trong sách vở. Tuy nhiên, việc quá gắn bó, say mê các con số mà không có ý thức về số lượng ( nhiều & ít ) thì lại là một dấu hiệu nguy cơ của tình trạng Tự Kỷ, một rối loạn giao tiếp rất khó chữa trị.
    1. Biết giải quyết vấn đề :Trẻ thích chơi các trò chơi của những đứa trẻ lớn tuổi hơn nó, tự tìm cách giải quyết các vấn đề khó của các trò chơi và đặc biệt hứng thú với các tình tiết nhỏ.
    1. Có khả năng tập trung sự chú ý :Trẻ có thể dành nhiều thời gian để chú ý tới một sự việc từ đầu đến cuối như chuyên tâm kiên nhẫn hoàn thành một trò chơi ghép hình khó hoặc có khả năng tập trung vào một hoạt động nào đó trong một thời gian trên 15 phút.

    Khi nhận ra trẻ có những dấu hiệu này, các bậc cha mẹ nên có những hỗ trợ thích hợp để giúp trẻ phát triển tốt hơn những khả năng sẵn có của mình và tìm hiểu xem cháu có xu hướng thiên về hướng nội hay hướng ngoại để định hướng phát triển cho phù hợp.

    Biện pháp giúp trẻ phát triển:

    Có rất nhiều những biện pháp khác nhau để giúp cho một cháu bé phát triển năng lực thông qua tập luyện, nhưng có hai biện pháp đơn giản kích thích một cách tự nhiên các năng lực của trẻ là:

    1. Tạo bầu khí thoải mái cho trẻ :Chúng ta không cần phải tốn tiền để mua các trò chơi đắt tiền, chỉ cần tạo cho trẻ một hoàn cảnh để nó phát huy được hết sức tưởng tượng của nó, cho dù xung quanh nó chỉ có các hộp giấy, thảm trải giường, chăn gối và các đồ vật có sẵn trong phòng.

    Trò chơi sáng tạo rất quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ, nhất là trẻ có kha năng lại rất cần có cơ hội để thể hiện mình, nó tự biết thông qua trí tưởng tượng để hình dung và tìm hiểu thế giới.

    1. Tạo hứng thú học tập :Trẻ nhỏ ham thích và hứng thú tham gia các loại trò chơi, có thể đối với bạn thì rất nhạt nhẽo đơn điệu nhưng với trẻ nhỏ lại có thể là một sự hứng thú ngoài ý muốn. Cho nên cần tạo cơ hội để trẻ nhỏ được rèn luyện trí lực trong cuộc sống thường ngày.

    Bên cạnh hai yếu tố trên, phụ huynh có thể áp dụng một số các kỹ thuật dưới đây để nâng cao khả năng cho trẻ:

    1. Cùng trẻ ghi nhớ và tính toán hoá đơn mua hàng :Khi dẫn trẻ đi siêu thị có thể cho trẻ tự chọn các loại rau và hoa quả hoặc để trẻ tính toán hôm nay tiêu mất bao nhiêu tiền, có thể trẻ sẽ rất hứng thú làm theo gợi ý của bạn.
    1. Nên sắp xếp thời gian cùng đọc và xem với trẻ :Sách không những là bậc thang trí thức mà còn là chiếc cầu nối cho mối quan hệ giữa bố mẹ và con, nên khi kể  chuyện cho trẻ bạn nên ngồi bên cạnh và ôm ấp trẻ, giây phút ấm áp đó sẽ làm cho trẻ càng hứng thú đọc và nghe bạn kể chuyện. Để cho trẻ tự chọn một quyển sách rồi nói cho trẻ cách xem tranh minh hoạ, quan hệ giữa tranh và lời trong sách.
    1. Cùng trẻ nhẩm lời ca của bài hát :Đa số trẻ nhỏ đều thích hát, có thể lợi dụng điểm này để giúp trẻ học tiết tấu và luật gieo vần trong các bài đồng dao, điều này sẽ giúp trẻ tăng cường khả năng ghi nhớ.
    1. Chơi trò chơi ghép hình :Trò chơi ghép hình đơn giản nhưng có thể tạo nên các phản ứng nhạy bén. Khi trẻ nhỏ tự nó hoàn thành một trò chơi ghép hình nó sẽ có một sự phấn khởi khác thường với thành tựu của mình.

    Kiểm tra khả năng phát triển

    Để có thể biết một cách chắc chăn là con mình có khả năng phát triển tốt, chúng ta có thể đưa ra các câu hỏi để xem trẻ có thể đáp ứng được một cách tốt nhất hay không ?  

    Các câu hỏi cho trẻ trên 5 tuổi

    1. Nhớ và thuộc một bài thơ, một đoạn văn.
    2. Chú ý tới sự thay đổi tính tình của bạn, quan sát thấy bạn lúc nào thì đau buồn hay vui sướng.
    3. Thường có những câu hỏi như tại sao, lúc nào sẽ bắt đầu, sao thế này mà không thế kia…?
    4. Ít khi thấy trống vắng, không biết làm gì. ( lúc nào cũng có thể nghĩ ra được việc để làm)
    5. Cử chỉ khéo léo, nhịp nhàng.
    6. Có thể múa và hát theo nhạc.
    7. Thường hỏi những câu như sấm chớp là cái gì, sao lại có mây…?
    8. Nếu bạn thay đổi một vài từ quen thuộc trong câu chuyện, trẻ lập tức sửa lại ngay.
    9. Tập đi xe đạp, trượt patin một cách dễ dàng.
    10. Rất thích đóng kịch, thích bịa ra một câu chuyện và đóng vai chính trong chuyện.
    11. Đi qua phố ngõ, nhận được ra nơi nào trẻ đã đi qua.
    12. Thích vẽ và vẽ được tranh, bản đồ.
    13. Thích nghe nhạc, dựa vào âm thanh đoán được nhạc cụ gì.
    14. Giỏi bắt chước động tác và cách diễn cảm của người khác.
    15. Thích phân loại đồ chơi theo kích thước to nhỏ và màu sắc, đồ chơi có hình dáng gì cũng hấp dẫn trẻ.
    16. Hay gắn liền hành động với tình cảm, ví dụ nói: “em bực nên mới làm thế”.
    17. Thích kể chuyện và kể rất sinh động.
    18. Có thể phân biệt được các tiếng động khác nhau.
    19. Mới gặp ai đó lần đầu, trẻ thường liên tưởng đến một khuôn mặt quen thuộc.
    20. Có thể phán đoán chính xác được rằng mình có thể làm được gì, không làm được gì.

    Nếu trẻ đạt được trên 10 trong tổng số 20 yêu cầu trên, trẻ đã có được mức thông minh trên trung bình và cần được quan tâm, bồi dưỡng để trẻ phát triển tốt hơn.

    Nếu trẻ đạt dưới 10 yêu cầu hay các yêu cầu chỉ ở mức trung bình, tạm được thì cũng là điều bình thường và chúng ta không nên đòi hỏi ở trẻ những yêu cầu cao.

    Các bậc phụ huynh cũng có thể dựa vào các khả năng này để có thể đưa ra một số những biện pháp tác động cho trẻ, nhưng nên nhớ rằng tất cả phải dựa trên sự khuyến khích, gợi ý và tự nguyện. Sự ép buộc hay dụ dỗ dưới bất cứ hình thức nào đều không đạt được kết quả tốt.

    CVTL. LÊ KHANH

  • Hướng dẫn Kỹ năng Xã hội cho trẻ Đặc biệt

    Hướng dẫn Kỹ năng Xã hội cho trẻ Đặc biệt

    Trong quá trình can thiệp và giáo dục cho các trẻ đặc biêt, đối với những em đã có thể đạt đến khả năng tham gia học tập tại các trường bình thường trong chương trình hòa nhập, thì vẫn còn có một số trở ngại về hành vi tương tác xã hội gây khó khăn cho các em. Do đó, cha mẹ và giáo viên cần quan tâm đến việc hướng dẫn những kỹ năng xã hội cho trẻ.

    trevui-9

    Với các trẻ khó kiểm soát cảm xúc , phụ huynh cần lưu ý giúp trẻ phát triển các kỹ năng để tạo được các mối quan hệ tốt với môi trường xung quanh – Đây là những kỹ năng xã hội cần thiết trong ba lãnh vực là :  lĩnh vực đàm thoại – Tương tác và cảm xúc.

     LĨNH VỰC ĐÀM THOẠI

    Trẻ đặc biệt thường kém trong việc phát biểu (lúc nhỏ thường có tình trạng chậm nói) vì thể ngoài việc khuyến khích trẻ đọc sách, báo và khích lệ trẻ phát biểu nhiều trong phạm vi gia đình với các biện pháp như:

    • Hỏi thăm trẻ về các việc trẻ làm khi đi học ( không phê phán chỉ đưa ra nhận định)
    • Khi trao đổi nên giới thiệu với trẻ cách dùng từ chính xác và phong phú hơn
    • Khi trẻ nói, cần chú ý và không cắt ngang mà khuyến khích trẻ nói cho hết ý.

    Chúng ta nên giúp trẻ phát triển các kỹ năng sau :

    1. Diễn tả thái độ tích cực: Nhiều trẻ không nhận thức được âm điệu, đặc điểm mặt, và cử điệu, Vì thế khi trò chuyện với trẻ, ta cũng nên diễn tả  một cách sinh động bằng ánh mắt, nụ cười, các cử chỉ của bàn tay và có thể cả các vật dụng để minh họa. Trẻ sẽ dần dần bắt chước để thể hiện điều đó.
    2. Nhìn vào mắt. Khuyến khích trẻ nhìn người nói và tập trung vào lời nói của họ. Ðối với trẻ nhỏ, dạy trò chơi ‘rađa’ để giúp trẻ tập trung như chiếu tia ‘rađa’ vào đôi mắt của người nói (nhưng với người ngoài thì nên nói trẻ nhìn vào trán).
    3. Tỏ ra thích thú. Khi trò chuyện với trẻ ta luôn bầy tỏ các xúc ( qua việc chuyển động các cơ trên mặt và ánh mắt) Khuyến khích trẻ cũng nên làm như thế vì các em thường gặp khó khăn khi cần phải tỏ ra thích thú với người khác. Giúp trẻ hiểu cách nhìn buồn chán diễn tả ‘Con không thích bạn’ hay ‘Con không muốn nghe những gì bạn nói.’
    4. Bắt đầu đàm thoại. Trẻ tăng động thiếu tập trung thường cảm thấy khó khăn trong việc gặp gỡ người khác. Chúng có thể không biết cách mở đầu đàm thoại. Vì thể ta khuyến khích trẻ tập nói những câu như : Cháu chào bác ( chú / cô/ dì …) bác có khỏe không ? – Chào bác, trông bác hôm nay vui quá ? Chào bác, cháu giúp gì được cho bác ? .v.v.v

    Trong việc đàm thoại, nhắc nhở trẻ khi trao đổi với người khác ( người trong gia đình cũng như người lạ ) không nên nói trống không mà cần phải có chủ từ :

    Ví dụ : Người khác hỏi : Cháu ăn cơm chưa – Không nên đáp : rồi !  Nên nói : Dạ rồi, hay cháu ăn rồi – Tốt nhất : Dạ, cám ơn, cháu ăn rồi !

    Tuy nhiên, chúng ta cũng không khuyến khích trẻ nói hay trả lời với một câu nói dài dòng nhiều từ ngữ thừa, không đi vào trọng tâm của câu chuyện.

     LĨNH VỰC TƯƠNG TÁC :

    Trong việc xây dựng quan hệ hay trao đổi với người khác, ngoài ngôn ngữ thì hành vi cũng là điều mà trẻ cần được hướng dẫn với các kỹ năng :

    1. Tôn trọng biên giới thể chất. Trẻ thường vô tình đứng quá xa ( trên 1 m ) hay quá gần (dưới 50cm) khi tiếp xúc với người khác . Chúng ta nên dạy trẻ tôn trọng khu vực an toàn cá nhân của người khác ( Có bán kính tùy dân tộc nhưng phần lớn là trong phạm vi 50 cm). Dạy trẻ ở đâu là gần quá và cách đứng bên cạnh người khác mà không chạm đến họ. Để giúp trẻ biết ước lượng, ta có thể dạy trẻ co tay sau đó đưa cánh tay ra cho đến khi chạm nhẹ vào cùi chỏ người đối diện là đủ để dừng lại, không tiến sát hơn nữa.
    2. Nhận ra cử điệu. Dạy trẻ nhận ra nhóm bạn nào có nhiều cử điệu cởi mở hơn để dễ vào hoạt động trong nhóm. Học phân biệt nhóm nào cởi mở và nhóm nào khép kín (thành viên đứng gần nhau cách khép kín). Nhóm cởi mở hơn sẽ tăng sự thành công trong vấn đề tiếp xúc.
    3. Ðương đầu với sự từ chối. Dạy những cách hiểu và đương đầu với sự từ chối. Diễn tập là một cách tốt nhất để luyện tập. Đây là điều khó khăn như ta có thể tập cho trẻ bằng cách chính mình hãy bầy tỏ sự từ chối một cách rõ ràng : Ta có thể Kết hợp việc lắc đầu với lời nói: Không, không được … bố/mẹ không muốn / không thích như vậy…
    4. Chấp nhận sự bất đồng ý kiến. Giúp trẻ biết cách đương đầu với sự bất đồng ý kiến và thỏa hiệp qua cách nói : Điều anh ( bạn/em – hay cô/chú …) nói có thể đúng nhưng tôi ( em, cháu..) nghĩ có phần khác hơn …

     LĨNH VỰC CẢM XÚC

    Việc nhận biết và quản lý cảm xúc là một hoạt động khó khăn với trẻ đặc biệt, do đó chúng ta cần giúp trẻ biết thực hiện các bài tập về cảm xúc một cách thường xuyên . Các bài tập này được chia làm 3 cấp độ :

    1. Nhận diện cảm xúc : Khi trẻ có thái độ hay biểu hiện vui buồn giận dữ, lo lắng .vv. chúng ta nên nói ra cho trẻ biết đó là cảm xúc gì .
    2. Chấp nhận cảm xúc : Hãy để trẻ tự nhiên bộc lộ, không ngăn cấm hay chế nhạo những cách biểu hiện cảm xúc của trẻ.
    3. Quản lý cảm xúc : Sau khi đã bộc lộ, ta nên hướng trẻ đến một hoạt động nào đó để trẻ có thể tự chủ được ( Đây là những biện pháp tập luyện thường xuyên )

    Cảm xúc của trẻ thường không ổn định và có những biểu hiện khác nhau. Triệu chứng tăng động thiếu tập trung có thể thay đổi hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Trẻ có thể có ‘ngày tốt’ khi trẻ  làm nhiều hơn những trẻ khác, và ‘ngày xấu’ khi coi như trẻ không làm gì cả . Nên giữ bình tĩnh hết sức để có thể giúp trẻ qua những giai đoạn khó khăn. Khi trẻ có ngày xấu, cố tự nhắc đây chỉ là một trong những ngày xấu và sẽ không luôn luôn như vậy. Dùng kỹ năng quản lý sự căng thẳng trong những lúc này.

    Tập thể dục thường xuyên có thể là một trị liệu thêm rất tốt đối với trẻ em (hay người lớn) có tình trạng này  Tập thể dục giúp giải phóng năng lượng, tập trung, và ích lợi trong việc phát triển thể chất cũng như sức khỏe. Nên làm những động tác thể dục vui để trẻ muốn làm.

    Cuối cùng, giữ sự vui tính và tha thứ. Bạn và trẻ sẽ phải vượt qua nhiều trở ngại và chắc chắn sẽ có những lúc rất bực bội và nhiều thử thách. Hãy chấp nhận cả điều tốt lẫn điều xấu. Tập trung vào mục tiêu dài hạn cho trẻ, cho bạn, và cho gia đình. Đừng lo lắng nhiều về những chuyện nhỏ.

     TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG PHẠM VI GIA ĐÌNH :

    • Treo bảng luật lệ, gồm những hành vi được và không được chấp nhận trong nhà.
    • Mỗi lần chỉ nói một nhiệm vụ hay một mệnh lệnh. Đưa ra những hướng dẫn, lựa chọn, và chương trình đơn giản.
    • Chia nhiệm vụ thành những phần nhỏ. Ðiều này rất quan trọng để tránh trẻ phản ứng ‘Con không thể làm được. Thêm vào đó, chúng ta có thể thay đổi bài vở với những bài dễ hơn hoặc cho trẻ nghỉ giữa chừng nhiều lần với những bài khó hơn. Ở nhà, trước khi bắt đầu làm bài, giúp trẻ chia mỗi bài ra nhiều phần nhỏ có thể làm được..
    • Tăng sự tập trung đối với những hướng dẫn bằng cách yêu cầu trẻ nhìn vào mắt bạn và lập lại những hướng dẫn của bạn. Viết ra những hướng dẫn và cho trẻ khoanh tròn hay gạch dưới những chữ quan trọng hoặc lập lại bằng lời nói..
    • Dùng dàn bài, dạy trẻ cách làm dàn bài, và dạy cách gạch dưới. Mặc dù áp dụng kỹ năng này không phải là dễ, sau khi học và dùng được, những kỹ năng này giúp rất nhiều vì chúng kết cấu và tạo hình dạng những gì đang học.
    • Viết nguyên câu và viết trên chỗ hẹp là việc khó đối với các em. Nếu có thể làm được, cho trẻ trình bày bằng lời hoặc viết mà không cần phải theo nguyên văn.
    • Cho trẻ dùng nhiều cách để trình bày ( Có thể bằng cách viết, nói hay vẽ ra).
    • Nên có chưong trình nhất định và rõ ràng cho trẻ. Treo chương trình trên bảng hay trên bàn học của trẻ.
    • Hỏi trẻ những gì sẽ giúp cho các em học bài mới cách tốt nhất. Nhiều lúc, chính trẻ có thể cho bạn biết. Nên ngồi xuống với trẻ và hỏi một cách đơn giản.
    • Khuyến khích trẻ đọc lớn tiếng. Ðiều này sẽ giúp trẻ giữ sự tập trung vào bài.

    MÔI TRƯỜNG CÓ TỔ CHỨC

    Trẻ thiếu tập trung cần sự tổ chức phối hợp. Trẻ cần môi trường có tổ chức ở bên ngoài vì chúng thiếu sự tổ chức ở bên trong tâm trí của mình. Phụ huynh cần làm danh sách những việc chính trong ngày ( Như một thời khóa biểu ) .

    Các nguyên tắc :

    • Nhắc trẻ nhiều lần. Cho trẻ biết trước những gì sẽ xảy ra. Trẻ cần sự lập lại nhiều lần.
    • Trẻ cần hướng dẫn rõ ràng, ngắn gọn và đơn giản. Trẻ cần những giới hạn về thời gian và không gian.
    • Bạn nên sắp xếp việc học phù hợp với giờ tốt nhất trong ngày. Có những môn học tốt hơn đối với trẻ ở giờ này hơn giờ khác trong ngày.
    • Mộn học khó hay môn học trẻ không thích nên dạy khi trẻ tập trung nhất
    • Thay đổi giờ làm bài /học bài. Tùy theo sự tập trung của trẻ.
    • Một số phụ huynh thấy giờ tốt nhất là ngay sau khi đi học về. Một số phụ huynh khác thấy trẻ cần nghỉ ngơi hoặc đi chơi sau khi đi học về. Một số phụ huynh khác nữa thấy trẻ làm tốt nhất khi công việc được chia ra nhiều phần nhỏ và tách ra với thời gian nghỉ ở giữa.

      Cv.Tl Lê Khanh

  • Quan sát Phát Hiện và Can thiệp cho trẻ đặc biệt

    Quan sát Phát Hiện và Can thiệp cho trẻ đặc biệt

    DẪN NHẬP

    Chúng ta biếttreem-b4 rằng sự tiếp thu thông tin sẽ thông qua các giác quan là  nhìn, nghe, sờ chạm, nếm, ngửi và sau đó các thông tin đó sẽ được chuyển lên các tế bào thần kinh có khả năng nhận thức, tập trung và phân tích để  ghi nhớ. Với một đứa trẻ, nếu có những khiếm khuyết về giác quan, thì sự ghi nhớ của bé sẽ hạn chế, và hơn thế nữa nếu bé không có khả năng tập trung, hay nhận biết thì những gì bé tiếp nhận lại càng hạn chế hơn, thậm chí là lộn xộn không rõ ràng, đầy đủ và hợp lý. Nhưng đứa trẻ đã bắt đầu cảm thụ các thông tin từ bao giờ ?

    Có phải chỉ sau khi sinh ra, trẻ mới có thể tiếp thu được các thông tin hay các kích thích qua các giác quan ?  Thực ra ngay khi còn trong bụng mẹ, một thai nhi đã bị nhấn chìm trong một thế giới tràn ngập màu sắc và âm thanh. Thai nhi như một miếng bọt biển có thể hấp thu các thông tin một cách đa dạng . Não bộ và các giác quan có một vai trò hết sức quan trọng, tuy nhiên sự tiếp thu này không đồng nhất, vì thế quá trình nhận biết của thai nhi cũng khác nhau cho từng khu vực và bộ phận. Đầu tiên là các thông tin về vị giác khi thai nhi phát triển được 13 tuần tuổi. Khi đến tuần thứ 7, vài nơi trên cơ thể thai nhi đã tỏ ra mẫn cảm với vài đụng chạm. Cả thân thể bé sẽ có phản ứng xúc giác vào tuần thứ 13 hay 14. Rồi đến Thính giác ở tuần thứ 18 và phát triển cho đến tháng thứ 5 . Còn  khứu giác ở tuần thứ 29 và hoàn thiện ở tuần thứ 36. Với thị giác thi thai nhi cảm nhận được ánh sáng từ tuần lễ thứ 20.

    Như vậy, chúng ta thấy ngay từ khi còn là bào thai thì việc tiếp nhận thông tin đã được hình thành và trở nên một yếu tố quan trọng cho sự phát triển của trẻ và cũng vì thế mà những khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin, đặc biệt là về mặt cảm xúc cũng sẽ gây ra những trở ngại về mặt phát triển cho trẻ khi còn trong bụng mẹ.

    Các chuyên gia cho rằng, ngay sau khi ra đời, bố mẹ nên nói chuyện với con một cách dịu dàng, xoa bóp vuốt ve và kích thích thị lực cho trẻ.  Chính vì thế, việc cho con bú sữa mẹ là một hoạt động cực kỳ quan trọng cho trẻ sơ sinh, vì hoạt động này đã kích thích toàn bộ con người của đứa trẻ,, từ giác quan đến nhận thức và cảm xúc.  Ngoài việc cho bú thì việc nói chuyện và chơi với trẻ sơ sinh là nền tảng tạo nên kỹ năng nhận thức và ngôn ngữ trong quá trình phát triển của bé , mặc dù trẻ sơ sinh chưa nói được, nhưng khi nghe được các âm thanh từ cha mẹ, thì bé đã có những phản ứng ban đầu.

    Đến đây, thì chúng ta thấy rằng, các trẻ có những khiếm khuyết về giác quan sẽ có nhửng hạn chế về mặt tiếp thu các thông tin đến từ bên ngoài, đến từ người thân và từ đó đưa đến những hạn chế về khả năng phát triển.

    Nhưng ngay cả với các trẻ không có các khuyết tật về giác quan, thì những hạn chế về khả năng nhận biết của não bộ, cũng sẽ là những rào cản rất lớn cho sự tiếp thu của trẻ. Điều này không khác gì việc ta nghe một ngôn ngữ, mà không biết được ý nghĩa thì cũng không thể hiểu được các thông tin hàm chứa bên trong.

    Như vây, ta sẽ có hai nhóm khiếm khuyết ngay từ khi trẻ mới sinh ra, thậm chí là những khiếm khuyết đã có ngay từ khi còn là thai nhi trong bụng mẹ, đó là các trẻ có những khuyết tật về giác quan ( Như khiếm thị, khiếm thính… ) và những trẻ có những khiếm khuyết về nhận thức (chậm phát triển trí tuệ, trẻ tự kỷ và tăng động kém tập trung ).

    THẾ NÀO LÀ TRẺ ĐẶC BIỆT

    Tùy theo các khó khăn của trẻ, người ta chia ra thành các nhóm :

    Trẻ khuyết tật về thể lý ( hay về các giác quan ) là những trẻ Khiếm thị, khiếm thính, bại liệt , bại não. Có những trẻ chỉ có 1 khuyết tật, nhưng cũng có trẻ có nhiều khuyết tật ( Đa tật ).

    Trẻ khuyết tật về tâm lý ( hay về khả năng tư duy, nhận thức ) chia ra 3 nhóm chính là :

    • Trẻ Rối nhiễu tâm lý : Trẻ có những tình trạng bất thường về tâm lý với nhiều mức độ khác nhau như :
    1. Trẻ Trầm cảm : Trẻ  lo lắng, căng thẳng, mất ngủ, khép kín.
    2. Trẻ Kém thích nghi : Hung hăng, quậy phá, nhút nhát, bỏ học, ăn cắp..
    3. Trẻ bệnh Tâm thể : Các triệu chứng bệnh về cơ thể do nguyên nhân tâm lý.
    • Trẻ có nhu cầu đặc biệt hay gọi vắn tắt là Trẻ Đặc biệt. Đây là nhóm trẻ bao gồm các tình trạng:
    1. Trẻ Tự kỷ ( có 5 dạng khác nhau ) là trẻ có khó khăn về giao tiếp, ứng xử.
    2. Trẻ Tăng động giảm chú ý ( Có 3 dạng ) là trẻ có khó khăn về hành vi.
    3. Trẻ chậm phát triển ( Có 3 dang ) là trẻ có khó khăn về nhận thức, trí nhớ .
    4. Trẻ Chậm nói : ( có nhiều mức độ ) Trẻ có khó khăn về ngôn ngữ, phát âm.

    –          Trẻ có khó khăn về học tập :  Là trẻ có khó khăn về những khả năng tiếp thu trong việc học như :

    1.  Trẻ có khó khăn trong việc đọc , viết
    2. Trẻ có khó khăn trong việc tính toán
    3. Trẻ có khó khăn trong việc tiếp nhận các hướng dẫn. 

    SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CÁC DẠNG TRẺ  :

    Tình trạng Nguyên Nhân Biện Pháp Hiệu quả
    Khuyết tật về thể lý Bẩm sinh – bệnh tật và tai nạn Vật lý trị liệu và Giáo dục phục hồi Trẻ có thể hòa nhập với xã hội, học tập như bình thường
    Trẻ rối nhiễu tâm lý Do các sang chấn tâm lý từ bên ngoài Giáo dục nhận thức và trị liệu tâm lý Trẻ có thể hồi phục hoàn toàn sau 1 thời gian
    Trẻ Đặc biệt Bẩm sinh và do các yếu tố nguy cơ sau sinh Giáo dục Can thiệp, Can thiệp sớm và chuyên biệt Trẻ cải thiện tình trạng và có khả năng học tập, giao tiếp trong mức độ nhất định tùy theo tình trạng.
    Trẻ khó khăn học tập Do bẩm sinh và các tác nhân bên ngoài Trị liệu tâm lý và giáo dục với những kỹ thuật tùy theo từng loại khó khăn của trẻ. Trẻ có thể hồi phục và hòa nhập.

    Nhìn bên ngoài thì các trẻ khuyết tật về tâm lý, trẻ đặc biệt và trẻ có khó khăn trong học tập có một số biểu hiện tương tự nhau, nhưng khi đi vào nguyên nhân và biện pháp tác động, chúng ta thấy có những khác biệt rất lớn. Ngay cả với trẻ Đặc biệt, Tuy có những nguyên nhân, biểu hiện tương tự nhau, nhưng lại cần có những biện pháp can thiệp khác nhau. Vì thế, sự phân chia rõ ràng và hợp lý là điều cần phải xác định.

    Như vậy, trẻ Đặc Biệt là một trẻ có những tình trạng khó khăn về ngôn ngữ, hành vi, giao tiếp một cách khác biệt với trẻ bình thường, và cần phải áp dụng những chương trình can thiệp chuyên biệt cho từng nhóm trẻ, thậm chí là cho từng trường hợp mà ta gọi là chương trình Can thiệp cá nhân, để giúp trẻ ổn định tâm lý, phát triển năng lực, hạn chế những khó khăn để có thể hòa nhập theo một chương trình giáo dục đặc biệt trong môi trường giáo dục bình thường và hội nhập trong một mức độ nào đó với cuộc sống trong xã hội.

    Việc Hội nhập xã hội, không có nghĩa là trẻ Đặc Biệt phải được trị liệu cho bình phục để trở nên Bình thường và hòa nhập với các trẻ bình thường khác, mà đó là sự hòa nhập 2 chiều : Trẻ đặc biệt được giáo dục để không còn các HÀNH VI ĐẶC BIỆT, nhưng vẫn có TÌNH TRẠNG ĐẶC BIỆT, trong khi đó ở chiều ngược lại, thì người bình thường ( người lớn và trẻ em ) phải có ý thức CHẤP NHẬN một số hành vi chưa bình thường và cần có những ỨNG XỬ ĐẶC BIỆT với các trẻ này, chứ không thể cư xử với trẻ đặc biệt như mọi trẻ bình thường khác. Nói cách khác, đó là chấp nhận tình trạng đặc biệt của trẻ trong một mức độ phù hợp với cố gắng hội nhập của trẻ đặc biệt và gia đình các em.

    tuvan-tl2

    CÁC DẠNG TRẺ ĐẶC BIỆT

    1. Hội chứng Tự kỷ được dịch từ chữ “Autism Spectrum Disorders”, ( Rối loạn phổ tự kỷ ) là một tình trạng gây ra những trở ngại ảnh hưởng đến sự phát triển của trí não, gây ra những rối loạn thần kinh ảnh hưởng đặc biệt đến khả năng giao tiếp với những người xung quanh.

    Tình trạng này xuất hiện trong tuổi thơ ấu với tỷ lệ 3.4/1.000 trẻ em. Còn theo một thống kê mới nhất tại Mỹ thì tỷ lệ lại gia tăng một cách khủng khiếp là 1/68 trẻ có dấu hiệu tự kỷ ( Về thống kê, có nhiều nguồn và tỷ lệ khác nhau do cách đánh giá và định nghĩa về tự kỷ khác nhau ) Cho đến nay, Tự Kỷ (Autistic Spectrum Disoder) vẫn còn là một trong những tình trạng rối nhiễu tâm lý phức tạp, khó xác định nguyên nhân và cũng khó xây dựng một kế hoạch trị liệu chuẩn mực. Trước đây, người ta thường nghiêng về những rối loạn trong quan hệ giao tiếp để cho rằng, sự thiếu quan tâm hay xa cách của người mẹ lúc ấu thơ là nguyên nhân chính. Từ đó, các biện pháp trị liệu thường đặt trọng tâm vào việc yêu cầu phụ huynh quan tâm đến việc chăm sóc nhiều hơn, và điều này cũng đồng nghĩa với việc “lên án” những sai lầm trong mối tương tác không lành mạnh với trẻ của phụ huynh, tạo thêm nhiều đau buồn không cần thiết. Nhưng đó chỉ là một yếu tố có thể làm tăng nặng thêm một tình trạng Tự Kỷ đã có mầm mống ngay từ khi trẻ sinh ra.

    Sự thiếu quan tâm chăm sóc con như vậy không phải là nguyên nhân chính gây ra tình trạng tự kỷ, nhưng việc quan tâm chăm sóc con một cách hợp lý, có sự đầu tư bằng các kỹ năng cần thiết của bố mẹ trẻ, phối hợp một cách hài hòa việc giáo dục và trị liệu bằng tâm lý và một số thuốc đặc trị lại là một yêu cầu hết sức cần thiết  trong việc trị liệu cho trẻ tự kỷ.

    Tự kỷ là một tình trạng rối loạn tâm lý thần kinh rất phức tạp, và là một rối loạn mang tính cá biệt rất cao, không có một trẻ Tự kỷ nào có tình trạng và khả năng giống nhau, dù chúng đều có những dấu hiệu chung. Cho đến nay, việc xác định nguyên nhân cũng còn là một điều tranh cãi giữa các nhà khoa học, nhưng nói chung thì đa số đều chấp nhận một số các nguyên nhân sau:

    • Quan điểm về tâm sinh lý : Cho rằng nguyên nhân là do những rối loạn của chức năng tâm lý thần kinh như khả năng nhận thức và tri giác. Từ bẩm sinh trẻ đã mất đi khả năng tư duy . Do những tổn thương về tâm sinh lý của bà mẹ khi mang thai là yếu tố quan trọng gây ra chứng tự kỷ. Dù cũng có những chứng cớ nhưng đây không phải là yếu tố duy nhất.
    • Quan điểm về sinh học : Theo quan điểm này thì người ta cho rằng những bất thường trong cấu trúc não bộ của trẻ là yếu tố gây ra tình trạng tự kỷ. Mặc dù cho đến nay quan điểm này vẫn chưa có được bằng chứng xác thực nào nhưng người ta cũng thấy một số yếu tố về di truyền hay những thai phụ bị bệnh Rubella, ngộ độc thực phẩm hay các chất hóa học thì có nguy cơ sinh con tự kỷ.

    Giáo dục can thiệp trẻ tự kỷ :

    Đây là một lĩnh vực với rất nhiều biện pháp kỹ thuật khác nhau, từ đơn giản trong kỹ thuật và công cụ cho đến rất phức tạp. Nhìn chung có 3 lĩnh vực được quan tâm trong rất nhiều các phương pháp khác nhau :

    • Lĩnh vực phát triển kỹ năng: Về ngôn ngữ, cải thiện hành vi, giao tiếp bằng các phương pháp Can thiệp sớm trong các hoạt động giáo dục.
    • Lĩnh vực cải thiện khả năng thần kinh bằng các phương pháp y học từ các biện pháp châm cứu, xoa bóp đến sử dụng các thiết bị y tế.
    • Lĩnh vực cải thiện thể trạng và tác động đến thần kinh bằng các kỹ thuật sinh học.

    Ngoài ra còn có các biện pháp sử dụng các con vật ( chủ yếu là chó, ngựa và cá heo ), các liệu pháp về âm nhạc, ánh sáng, nước và hội họa để tác động thêm. Điều này vừa chứng tỏ sự quan tâm hết sức tích cực của gia đình và xã hội đến tình trạng khó khăn này. Nhưng cũng nói lên những khó khăn, phức tạp trong việc cải thiện tình trạng cho trẻ Tự kỷ, vì cho đến nay chưa có một phương pháp can thiệp, giáo dục hay trị liệu nào có thể hoàn toàn giúp cho một trẻ tự kỷ trở về tình trạng phát triển bình thường. Vì vậy mà vẫn còn rất nhiều người còn mơ hồ về nhận thức. Họ chưa xác định  hay chưa muốn tin đây là một tình trạng rối loạn về thần kinh và tâm lý khó có thể hồi phục. Họ vẫn cố gắng bằng mọi cách để tìm ra các kỹ thuật hòng tìm cách “điều trị” hay “chạy chữa” cho trẻ tự kỷ có thể hồi phục hoàn toàn để trở về với cuộc sống bình thường.

    1. Hội chứng rối loạn hiếu động kém chú ý (Attention-Deficit-Hyperactivity Disorder) ở trẻ có khó khăn về hành vi là một tình trạng có những tổn thương về thần kinh mang tính di truyền mà nguyên nhân cơ bản là sự thiếu hụt về liều lượng nhũng chất dẫn truyền trong các tế bào não. Tình trạng rối loạn này còn có nhiều tên gọi khác nhau như:” hội chứng trẻ hiếu động” ,” không tập trung có kèm hoặc không kèm theo giảm sự chú ý” , “rối loạn hiếu động kém tập trung , “trẻ tăng động Giảm chú ý”

    Căn cứ trên cách biểu hiện người ta chia ra 3 nhóm trẻ :

    1. Nhóm thiên về tình trạng Hiếu động nhưng không kém về khả năng tập trung hay chú ý.
    2. Nhóm thiên về khả năng kém chú ý, thiếu tập trung nhưng không có hay ít có tình trạng hiếu động.
    3. Nhóm có cả hai tình trạng hiếu động lẫn kém tập trung.

    Đây là một loại rối loạn tính khí có nguyên nhân thần kinh, thường gặp ở trẻ em, chiếm 1,7% trong trẻ em. Trẻ không tập trung & hiếu động thường được chẩn đoán phát hiện ở lứa tuổi 4-6 tuổi, và bé trai bị nhiều hơn bé gái gấp 4-10 lần. Tuy nhiên, sau này tỉ lệ rối loạn này ở bé gái cũng tăng rõ rệt. Hội chứng này có thể do các nguyên nhân sau:

    Nguyên nhân thực thể :

    • Do Bệnh lý ở da, rối loại thị giác hay thính giác, do phản ứng với một số loại thuốc, ngộ độc chì.v.v
    • Tai biến lúc sinh: như sinh non tháng, thiếu oxi lúc sinh (bị ngạt) làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ.
    • Do di truyền: Nếu trong gia đình có thành viên mắc chứng này thì trẻ cũng có thể gặp phải. Sau này khi lớn lên thì 1/3 trẻ có thể có con mắc chứng này.
    • Rối loạn chức năng của não : Trẻ có những khó khăn về khả năng kiểm soát các hành vi của não phải ,

    Nguyên nhân tâm lý:

    Trẻ lớn hay trưởng thành nếu có tình trạng lo lắng kéo dài, rối loạn tâm thần, bị cưỡng bức, lạm dụng tình dục, gặp khó khăn trong học tập, lục đục trong gia đình cũng có thể đưa đến các rối loạn này.

    Các nguyên nhân khác:

    Các nhà nghiên cứu nhận thấy những vùng não của trẻ em và người lớn mắc chứng ADHD,  có sự kém hoạt động trong việc chi phối kiểm soát các cử động và sự tập trung, và cũng nhận thấy rằng những người này có mức dopamine thấp hơn người bình thường. mà dopamine là chất dẫn truyền thần kinh giúp kích thích những vùng não này.

    – Tiếp xúc với một số độc chất trong thời kỳ mang thai: như thuốc lá, rượu, ma túy, vì những chất này làm giảm sản xuất dopamine ở trẻ em và các độc chất trong môi trường như dioxine, hydrocarbure benzen…cũng làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra bị hiếu động, kém tập trung.

    – Tiếp xúc với kim lọai nặng như chì

    – Rối loạn giấc ngủ: người ta nhận thấy, trẻ ngủ ngáy dễ bị chứng rối loạn không tập trung-hiếu động gấp 2 lần so với trẻ không ngủ ngáy.

    – Chấn thương đầu, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương.

    Có nhiều mức độ hiếu động kém chú ý khác nhau. Có những trẻ chỉ hơi thiếu tập trung, hoặc chỉ khó kiểm soát được hành vi của mình. Các em này có thể theo học ở các trường bình thường với một số biện pháp can thiệp tại gia đình.  Nhưng cũng có những trẻ bị nặng hơn, sự mất kiểm soát bản thân diễn ra mọi lúc mọi nơi, các em này cần can thiệp trong các lớp đặc biệt với các phương pháp chuyên biệt trong một thời gian tủy theo mức độ và tác động của các biện pháp can thiệp.

    1. Chậm phát triển trí tuệ (Mental Retardation) là những khiếm khuyết hay chậm phát triển trí não xẩy ra ở trẻ em dưới 18 tuổi. Có tỷ lệ từ 2,5 – 3% dân số. Ðây là một rối loạn khá phổ biến. Các em có một số giới hạn về chức năng trí tuệ và về các khả năng khác như là đối thoại, tự chăm sóc, và hành xử xã hội. Một số em có thể học tập đến một giới hạn nào đó. Một số khác thì không thể theo học được ở cả những mức độ thấp nhất ( Biết đọc biết viết ). Các em cần được hướng đẫn để có thể tự chăm sóc bản thân, vệ sinh cơ thể trong một mức độ đơn giản nhất, chứ không nên cố gắng tập luyện cho các em này những kiến thức văn hóa mà các em không thể nào “tiêu hóa” nổi.

    Nguyên nhân

    Có nhiều nguy cơ đưa tới chậm khôn  nhưng 60% trường hợp nguyên nhân chưa được xác định. Sau đây là một số nguy cơ thường thấy.

    • Nguyên nhân di truyền.

    Rối loạn di truyền thông thường nhất và được biết nhất là Hội Chứng Down mà trước đây gọi là Mongolism với nhiễm thể 21 bất bình thường; rồi đến các tình trạng chậm phát triển khác như : Trẻ khiếm khuyết nhiễm thể giống tính X; trẻ có các hội chứng “tiếng kêu con mèo” Cri du Chat, Turner, Klinefelter … Đều là những tình trạng chậm phát triển trí tuệ nặng, hầu như không có khả năng học tập.

    2-Bất bình thường trong khi có thai.

    Thai nhi không phát triển bình thường trong thời gian còn ở trong bụng mẹ. Có thể là do sự phân bào bị rối loạn. Hoặc khi người mẹ ghiền rượu trong ba tháng đầu của thai nghén; mẹ mắc bệnh nhiễm ( rubella, cytomegalovirus); dưới tác dụng của dược phẩm, hóa chất, phóng xạ; mẹ bị cao huyết áp, suy dinh dưỡng. Mẹ có thai mà suy dinh dưỡng cộng với môi trường sống tồi tệ có thể là nguy cơ dẫn đến chậm khôn thường thấy nhất trên thế giới.

    3-Khó khăn khi sinh :

    Sinh thiếu tháng, xuất huyết, không đủ dưỡng khí, chấn thương não trong khi sanh.

    4- Nguyên nhân sau khi sinh .

    Não bị nhiễm vi khuẩn, virus, hóa chất ; suy dinh dưỡng trầm trọng, kém chăm sóc y tế, tiếp cận chất độc như chì, thủy ngân trong thực phẩm (cá). Trẻ sơ sinh bị bệnh cường tuyến giáp, ho gà, thủy đậu, ban sởi mà không được điều trị chu đáo cũng là những nguy cơ của chậm khôn.

    5- Yếu tố tâm lý xã hội.

    Trẻ em lớn lên trong khung cảnh không có tình người, không có sự tác động hay giáo dục cơ bản,  thiếu kích thích diễn tả ngôn ngữ, cảm xúc, thính thị giác cũng thường chậm trễ về kiến thức, hành vi xử thế.

    PHƯƠNG PHÁP CAN THIỆP:

    Cách đây khoản 20 năm, thì hầu như chưa có bao nhiêu người biết về tự kỷ chứ chưa nói đến là các phương pháp can thiệp. Thế rồi cho đến nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin thì những phương pháp khác nhau cũng phát triển một cách nhanh chóng, nếu loại trừ những phương pháp phản khoa học, hay chỉ có hiệu quả với những trường hợp chưa chắc là tự kỷ, hiếu động … thì cho đến nay người ta đã thống kê được khoảng 27 phương pháp khác nhau. Cũng vì thế mà vẫn còn rất nhiều người từ các chuyên gia đến các phụ huynh hay giáo viên vẫn còn gắn chặt việc can thiệp cho trẻ vào một vài kỹ thuật hay phương pháp nào đó.

    Nhưng thực ra, nếu chúng ta có một tầm nhìn khách quan hơn, thì điều đầu tiên mà chúng ta thấy được là bất kỳ phương pháp nào, từ ABA/VB, PRT, RDI, ESDM, Floortime cho đến TEACH , từng bước nhỏ… đều có thể rút ra đươc những điểm giống nhau :

    1. Mục tiêu dạy : Cho dù có dùng những thuật ngữ khác nhau thì cũng đều đặt mục tiêu theo từng cấp độ, chỉ cao hơn khả năng của trẻ một chút để các bé có cố gắng vượt lên chứ không bao giờ quá khó khiến trẻ phải nỗ lực mới đạt được.
    2. Phương pháp dạy : Tất cả các phương pháp đều có phần nhắc nhở hay gợi ý cho trẻ. Dù tên gọi khác nhưng bản chất thì giống nhau : Đó là sự làm mẫu để trẻ có thể đoán biết và cầm tay chỉ việc rồi giảm dần . Hay là sự nhắc nhở dựa vào những gợi ý của môi trường, như ban đầu thì đặt gần, rồi tăng dần khoảng cách .
    3. Các yếu tố tác động :
    • Yếu tố khích lệ ; Các chương trình đều có sự khích lệ một cách đa dạng , từ việc tương tác với trẻ, cho đến việc khen thưởng, cho vật hay điều trẻ muốn.. điều này khiến cho trẻ thấy mình có năng lực nhiều hơn.

    Ví dụ như hai mẹ con chơi trò chuyền bóng mà trẻ rất thích, thì khi trẻ thực hiện được một nội dung học nào đó (trẻ nhìn sang mẹ  hoặc trẻ nói “mẹ chuyền bóng cho con” – tùy mức độ của trẻ), mẹ sẽ truyền bóng. Việc được chơi với mẹ, được đến lượt chuyền bóng chính là yếu tố khích lệ cho con.

    • Yếu tố tương tác một cách phù hợp, và tận dụng các cơ hội dạy tự nhiên .Các tương tác phù hợp gồm nhiều yếu tố. Người can thiệp thường nói chuyện với trẻ theo qui tắc “cộng 1”, tức là hơn mức trẻ giao tiếp một chút.

    Ví dụ, nếu trẻ mới chỉ nói được từ đơn thì người can thiệp chỉ nên dùng từ đơn và cụm 2 từ. Cụ thể, thay vì hỏi “con muốn đọc sách không”, người can thiệp chỉ cần chỉ vào quyển sách, dùng giao tiếp mắt và cử chỉ khuôn mặt để hỏi “đọc sách”, rồi khi con đã bắt đầu nói được cả câu thì người can thiệp cũng nâng mức giao tiếp của mình thêm để vừa dễ hiểu cho con, lại cũng là người làm mẫu mức giao tiếp cao hơn để con học theo.

    1. Kỹ thuật tiệm tiến : tức là sự đan xen các kỹ năng trẻ đã học được với các kỹ năng mới đang học . Một phần để nhắc lại các điều mà trẻ đã học, nhưng chưa thật sự nhớ kỹ nhưng cũng để trẻ dân dần tiếp thu được các kỹ năng mới.
    2. Yếu tố nương theo trẻ : Đây là một yếu tố rất cần thiết và quan trọng đó là dựa vào sở thích của trẻ dể trẻ thích học hơn. Ví dụ, nếu trẻ thích Lego, có thể dùng Lego để dạy màu sắc, dạy bắt chước, dạy đếm, dạy chơi luân phiên.

    Việc  chơi của trẻ: rất nhiều trẻ lúc đầu chưa chú ý hoặc chơi không phù hợp với đồ vật. Các phương pháp đều bắt đầu với các trò chơi không có đồ chơi, chỉ tương tác giữa bố mẹ/người can thiệp với trẻ để trẻ xây dựng mối quan hệ, và hình thành những kỹ năng giao tiếp đầu tiên như giao tiếp mắt. Hanen gọi là “peole play”, ESDM thì có “sensory social routines” và rất nhiều hoạt động của RDI. Các trò chơi như ngựa phi trên chân bố mẹ, cưỡi ngựa trên lưng bố mẹ, đuổi bắt, chơi với loại ghế bập bênh v.v. thường hấp dẫn trẻ vì đáp ứng được những nhu cầu giác quan của trẻ (có trẻ thích chạy, thích xoay, v.v.) Các chương trình này cũng dễ kết nối với con hơn vì chỉ có tương tác hai chiều giữa con và bố mẹ/cô giáo. Khác với chơi trò chơi còn có sự tham chiếu với vật khác ngoài tương tác giữa con và bố mẹ/cô giáo. Sau khi trẻ đã hứng thú chơi và tương tác với bố mẹ, thì bắt đầu lồng vào chơi đồ chơi phù hợp chức năng, rồi lên chơi giả vờ, v.v.

    1. Loại bỏ các yếu tố xao nhãng: nhiều trẻ tự kỷ có kèm theo rối loạn giác quan, nên khả năng lọc các đầu vào giác quan của trẻ kém hơn. Đôi khi chỉ tiếng ro ro rất nhỏ của tủ lạnh, hoặc loại đèn không phù hợp cũng khiến trẻ không tập trung được. Thậm chí nếu người can thiệp hăng hái nói nhiều quá cũng khiến trẻ quá tải và không có cơ hội giao tiếp, v.v.. Vì vậy thì người can thiệp/bố mẹ thương phải quan sát để biết những đặc điểm riêng của con để điều chỉnh phù hợp, tạo cho con có một môi trường an toàn, thoải mái để tập trung học.

    Ngoài các yếu tố trên thì tất các phương pháp đều nhắm đến mục tiêu là Thiết lập mối quan hệ: Các phương pháp như RDI, PRT, ABA/VB, ESDM, Floortime đều bắt đầu từ việc giúp trẻ xây dựng mối quan hệ yêu thương, tin cậy với người dạy. Chỉ khi trẻ tin tưởng người dẫn dắt, có động lực để học hỏi khám phá, thì quá trình học của trẻ mới chủ động và tích cực, trẻ phát triển với tốc độ tốt hơn. Và người có thể thiết lập mối quan hệ tốt nhất với trẻ chắc chắn là bố mẹ, nên các chương trình can thiệp tốt đều nhắm tới việc truyền sức mạnh (kiến thức và kỹ năng) để bố mẹ trực tiếp can thiệp cùng với con và cùng với cả nhóm can thiệp.

    Ngoài ra  Trẻ còn phải tin tưởng và làm theo sự chỉ dẫn của người can thiệp, tham gia vào tương tác một cách có ý nghĩa. Đương nhiên không phải nghe theo một cách máy móc, áp đặt như những hiểu lầm thường có, mà sự hợp tác để đạt được mục tiêu học. Ngược lại, người dạy cũng tôn trọng và nương theo trẻ, và mở ra các biến thể để trẻ linh hoạt, cũng như tạo điều kiện cho trẻ được khởi xướng. Việc này không dễ, nhất là giai đoạn đầu can thiệp. Vì thường ở các gia đình có trẻ tự kỷ, trẻ gần như kiểm soát nhịp sinh hoạt của gia đình. Không phải trẻ cố tình gây ra điều đó, mà vì những rối loạn về ăn ngủ, các hành vi không phù hợp do con không thể giao tiếp hiệu quả, rồi căng thẳng trong gia đình, v.v.

    Các chương trình can thiệp này đều nhắm tới việc giúp trẻ khởi xướng hoạt động, chủ động tương tác, giao tiếp với mọi người. Các chương trình can thiệp cũng cần giúp trẻ làm chủ và lên kế hoạch cho các hoạt động của mình để giúp trẻ khắc phục về chức năng điều hành Ví dụ khi trẻ kết thúc một hoạt động, thì trẻ được phép chọn cho mình hoạt động tiếp theo, rồi dần lên kế hoạch lớn hơn. Trẻ có nhiều cơ hội khởi xướng các hoạt động, xây dựng các mối quan hệ tự chủ hơn.

    Một khiếm khuyết khác ở trẻ là trẻ thường cứng nhắc, bó hẹp các hoạt động, và khái quát kiến thức không tốt. Nên bất kể chương trình dạy nào cũng bắt đầu với một mục tiêu, sau khi trẻ đã đạt được mục tiêu đó thì mở rộng ra các biến thể của chính mục tiêu đó trước khi sang một mục tiêu mới để đảm bảo trẻ có thể linh hoạt sử dụng kiến thức vừa học được. Thống nhất nội dung dạy ở các môi trường khác nhau (trường học, ở nhà, v.v.), giữa những người dạy (cô giáo, phụ huynh) để cùng hỗ trợ phù hợp cho tiến triển của trẻ.

    Như vậy, chúng ta thấy rằng ngay cả khi áp dụng các phương pháp, điểm cốt yếu không phải là dựa vào từng đặc điểm của phương pháp và chỉ bó hẹp trong phương pháp đó mà là dựa vào 2 yếu tố vô cùng quan trọng đó là sự nhận biết một cách đầy đủ về đứa con và sự tác động tích cực của gia đình .

    Một nghiên cứu vừa được thực hiện trong năm 2015 để đo lường hiệu quả của chương trình đào tạo phụ huynh về các chiến lược quản lý hành vi cho trẻ em mắc chứng tự kỷ. Cuộc nghiên cứu được thực hiện trên 180 trẻ em mắc chứng tự kỷ, trong độ tuổi từ 3-7 và cha mẹ của các em. Phụ huynh của 180 trẻ tự kỷ này được chia làm 2 nhóm.

    Nhóm thứ nhất được tham dự 1 chương trình đào tạo về can thiệp hành vi. Chương trình đào tạo gồm 11 buổi đào tạo từ 60-90 phút, thực hiện trong vòng 16 tuần với 1 nhà chuyên môn. Họ được hướng dẫn các chiến lược quản lý hành vi đối với các hành vi không phù hợp như cơn bùng nổ, cáu giận, tự gây thương tích và từ chối hợp tác. Sau đó, phụ huynh được hỗ trợ thông qua việc tư vấn qua điện thoại trong vòng 2 tháng kể từ khi kết thúc khoá học.

    Nhóm phụ huynh thứ hai (gồm 91 người) được tham gia 1 chương trình khác, có tên là “đào tạo phụ huynh” gồm 12 buổi học và 1 buổi làm việc tại gia đình. Trong suốt các buổi học này, phụ huynh được dạy về các nội dung như thế nào là tự kỷ, các dịch vụ hỗ trợ trẻ tự kỷ, nhưng không có nội dung nào liên quan đến quản lý hành vi.

    Trước và sau đợt đào tạo cho phụ huynh, các chuyên gia thực hiện đánh giá về hành vi không phù hợp ở trẻ sử dụng hệ thống thang đo được tiêu chuẩn hoá.

    Kết quả là toàn bộ nhóm trẻ đều cho thấy sự cải thiện, tuy nhiên, nhóm trẻ có bố mẹ được đào tạo chuyên về quản lý hành vi đã có sự tiến bộ tốt hơn rõ rệt.

    Tiến sĩ Kara Reagon – 1 đại diện của Autism Speaks nhận xét “Đây thực sự là một bước tiến lớn, nghiên cứu này cho chúng ta thấy rằng việc chỉ dạy cho cha mẹ hiểu về tự kỷ là chưa đủ. Họ còn cần được trợ giúp tại nhà và trong cộng đồng và đang có một nhu cầu rất lớn trong việc triển khai các khoá đào tạo hiệu quả hơn dành cho phụ huynh”.

    Như vậy, rõ ràng là rất cần sự tham gia của các phụ huynh trong các khóa học, không phải chỉ là để biết về chứng tự kỷ, biết về các trẻ đặc biệt mà còn phải nhận biết các kỹ năng tác động vào đứa con của mình với sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn . Để can thiệp một cách có hiệu quả phải có sự phối hợp một cách tích cực của phụ huynh – giáo viên – chuyên viên, vì không phải chỉ là những kiến thức kỹ năng tại nhà trường mà là chính trong môi trường sống mà đứa trẻ phải được phát triển một cách đầy đủ nhất . Đó chính là gia đình các em .

    CVTL LÊ KHANH

  • Cùng chơi với con các trò chơi dân gian

    Cùng chơi với con các trò chơi dân gian

    trochoi vui 2

    Trò chơi nói chung từ dân gian đến hiện đại đều có rất nhiều hình thức, từ những trò chơi tập thể đến các trò chơi cá nhân, chơi 2 người, 3 người .. Rồi có những trò chơi Động, trò chơi tĩnh và các trò chơi ngoài sân, trong nhà, trong phòng…thậm chí là cả trên giường ( không phải trò chơi 2 người lớn nhé ). Vì vậy, không nên nghĩ rằng ở thành phố ( thậm chí là ở chung cư ) là không chơi được các trò chơi dân gian !
    Vấn đề chỉ là chúng ta có MUỐN chơi với trẻ hay không – có thể thu xếp THÌ GIỜ ĐỂ CHƠI , có thể chơi một cách vui vẻ thoải mái tự nhiên NHƯ TRẺ hay không mà thôi ! Khí đã muốn, đã thích thì ta sẽ tìm kiếm, sẽ chọn lựa những trò chơi thích hợp ( không chỉ là trò chơi dân gian ) cho việc chơi với con tại gia đình ( đã tìm là sẽ gặp )
    Thực ra thì cũng không cần nhiều nhặn gì, chỉ cần mươi trò “làm vốn lận lưng” rồi trong lúc chơi, tùy cơ ứng biến là đủ cho con mình zui rồi. Mỗi buổi chơi vài trò, xào tới xào lui, chế biến qua lại cũng đủ cho tuổi thơ của trẻ trôi qua trong niềm vui mà trẻ sẽ không còn gặp lại. Nhưng quan trọng nhất là với niềm hãnh diện : Con là người Việt, con chơi trò chơi Việt mà trước đây ông bà bố mẹ đã từng chơi. Đó chính là cái giá trị lớn nhất mà trò chơi dân gian đem lại cho các em, những công dân VN tương lai, mặc dù có thể ngay lúc đó, các em không ý thức được.
    Sở dĩ, chúng ta nên lưu tâm nhiều đến các trò chơi dân gian là vì hầu hết chúng ta đều có tư tưởng : Cái gì của VN cũng dở, cũng kém, cũng yếu, cũng thiếu. Đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta đã thấy là giáo dục Tây Phương có nhiều ưu điểm hơn hẳn cách GD truyền thống của VN . Và cũng trên tinh thần đó, chúng ta cũng sẽ suy ra rằng, các trò chơi của Tây ( cho trẻ em) cũng ngon lành và có giá trị hơn hẳn trò chơi Việt!

    trochoi vui
    TRong khi đó, sở dĩ các nguyên lý và phương pháp GD của Tây Phương có giá trị là vì nó được các chuyên gia nghiên cứu một cách nghiêm túc , được áp dụng trên một nền tảng rất quan trọng là sự tôn trọng trẻ em và những giá trị sống với những thiết kế khoa học . Bên cạnh đó là cả một đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản với tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp rất cao.
    Nhưng, với trò chơi thì khác, trò chơi của trẻ ở bất cứ đâu cũng có giá trị và chất lượng như nhau bởi vì ở Tây cũng như ta, đều đem lại cho trẻ niềm vui và sự tự tin. Vì thế, trò chơi dân gian và cả những giá trị sống qua các câu ca dao tục ngữ , nếu so sánh với những trò chơi phát triển trí tuệ và kỹ năng của Tây hay hiện đại thì không có gì là thua kém cả, mà nếu đứng về phương diện tinh thần thì nó lại có những giá trị mà các trò chơi hiện đại không thể có được.
    Chỉ tiếc một điều, cũng như nhiều giá trị và di sản văn hóa của cha ông truyền lại, trò chơi dân gian cũng bị “ mầu mè hóa” “hội chợ hóa” bằng những “tổ chức” những “phong trào” mang nặng tính hình thức, với những lễ hội “ đến hẹn lại làm” bởi những “thiên tài thiếu I ốt “ mà thừa tính “thực dụng” khiến cho những trò chơi vốn dĩ rất gần gũi với trẻ em, với gia đình bằng sự giản dị, hồn nhiên trở nên xa lạ bởi những kiểu hoạt động “về nguồn” ( mà càng làm thì lại càng khiến cho giới trẻ lạc lối vì chả biết đó là cái nguồn gì ! ) Vì vậy, trách nhiệm của các bậc cha mẹ ngày nay càng ngày càng nặng nề hơn và những hiểu biết về các loại trò chơi là một điều có khả năng hỗ trợ cho việc giáo dục con em rất nhiều.
    LÊ KHANH

  • Trẻ Đặc biệt và vai trò của phụ huynh

    Trẻ Đặc biệt và vai trò của phụ huynh

    lam do choi
    Cho đến nay, khi những hiểu lầm, hay hiểu sai về các phương pháp điều trị, can thiệp cho trẻ tự kỷ, đã dần dần bớt đi, thì vẫn còn những quan điểm mà không chỉ các nhà chuyên môn, các giáo viên và chủ yếu là phụ huynh cần có sự biến chuyển.
    Xuất phát từ quan điểm, tự kỷ là một “chứng bệnh” hay một “ hội chứng rối loạn” và nếu phát hiện sớm, can thiệp sớm thì sẽ có thể bình phục, hay giảm bớt để có thể hội nhập với xã hội mà cụ thể nhất là được đi học cùng các trẻ bình thường. Đây là suy nghĩ hoàn toàn hợp lý, nếu Tự kỷ thực sự là một “chứng bệnh” mắc phải do các nguyên nhân khác nhau sau khi trẻ sinh ra. Nhưng ác một cái, đây lại là một tình trạng mà các biện pháp can thiệp hay được “ y khoa hóa” bằng mỹ từ: Liệu pháp điều trị, chỉ có thể cung cấp cho trẻ VIP những kỹ năng để có thể tiếp nhận các yêu cầu từ người khác, có thể diễn đạt các nhu cầu của mình cho người khác hiểu, vì tình trạng này là một rối nhiễu thần kinh bẩm sinh. Trẻ sinh ra với chứng tự kỷ thì sẽ lớn lên với tình trạng tự kỷ, chỉ khác biệt ở khả năng giao tiếp và ứng xử mà trẻ học được qua các biện pháp tác động. Để đạt được điều này lại phải tùy vào tình trạng, hay mức độ nặng – nhẹ của trẻ cũng như cách tác động một cách liên tục về nhiều phương diện khác nhau.
    Vấn đề là mọi người đều cho rằng, việc can thiệp sớm hay các biện pháp tác động đều phải đến từ các phương pháp khoa học, đến từ các nhà chuyên môn và đến từ năng lực của các giáo viên đặc biệt chứ không phải đến từ sự rèn tập bằng những “ liệu pháp đặc biệt” là hoạt động vui chơi và “ việc nhà trị liệu”! Nói như thế thì các “chuyên viên” về các phương pháp can thiệp như ABA, TEACH, RDI hay chuyên viên về Âm ngữ trị liệu lại chuẩn bị gạch đá ngay và luôn! Thực sự là các phương pháp can thiệp về hành vi hay ngôn ngữ đều rất cần cho trẻ, nhưng nó chỉ phát huy được tác dụng khi bản thân đứa trẻ đã có được sự nối kết với bố mẹ, trẻ đã có được sự thoải mái vui vẻ sau khi được chơi đùa, được kích thích và chuẩn bị tâm thế để tiếp nhận các kỹ năng này vào đúng thời điểm cần thiết của nó !
    Chúng ta hãy thử nhìn một đứa trẻ bình thường, khi đi đến trường để tiếp nhận các kiến thức từ các giáo viên, thì trẻ đã là một đứa trẻ biết vận động tốt, có khả năng nghe hiểu và diễn đạt, trẻ không cần phải học để hiểu, để nói và có thể chấp nhận các yêu cầu về kỷ luật và tập trung một cách dễ dàng. Những năng lực này của trẻ đến từ đâu ? Nó đến từ những hoạt động bắt chước người lớn, nó đến từ sự tương tác gắn bó với bố mẹ, và nó đến từ những thói quen nề nếp mà trẻ học được từ gia đình. Trẻ có khả năng hoạt động cá nhân tại gia đình tốt, thì trẻ sẽ là một học sinh giỏi. Trẻ làm biếng, ngỗ nghịch, ỷ lại và đòi hỏi tại gia đình thì sẽ gặp những khó khăn trong việc học tập tại nhà trường , và ai sẽ là người chịu trách nhiệm về các hành vi này của trẻ nếu không phải là phụ huynh – Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà ! Bố mẹ có thể nói rằng, bởi vì tôi không được đào tạo về chuyên môn, không có khả năng sư phạm để dạy con, nên trăm sự nhờ cô trong tình huống này không ? Hay là sẽ được thầy cô mời lên văn phòng nhà trường, nhẹ hơn là trao đổi tại lớp, để nhờ phụ huynh về dạy cháu ngoan ngoãn, siêng năng hơn để có thể tiếp thu các kiến thức ?
    Đó là trẻ bình thường mà còn phải có sự “phân công” trong việc giáo dục và phụ huynh cũng phải bỏ thì giờ dạy con các kỹ năng thích ứng với môi trường để có thể tiếp nhận kiến thức. Nhưng vẫn có nhiều trẻ dù phụ huynh bỏ bê, hay lại tập cho các thói xấu … vẫn có thể phát triển và tiếp thu các kiến thức, nhờ vào khả năng nhận thức của bản thân. Trẻ “hiểu và biết” các hoạt động cơ bản tại gia đình chỉ bằng việc nghe – nhìn và làm theo và những tấm gương của bạn bè, thầy cô.
    Nhưng với trẻ VIP thì sao ? Ai cũng biết đó là đứa trẻ rối loạn về giao tiếp, hạn chế về nhận thức và khó khăn về ngôn ngữ. Ấy thế mà các phụ huynh vẫn thích “trăm sự nhờ cô” và các giáo viên đặc biệt vẫn hãnh diện là chỉ với các giờ “ can thiệp cá nhân” bằng các phương pháp “sư phạm đặc biệt” của mình vài giờ trong ngày cùng với tấm lòng yêu trẻ, là có thể tác động “toàn diện” đến nhận thức, hành vi và cung cấp cho các VIP nhà ta những kiến thức trong một thời gian kỷ lục ! Có giáo viên còn cam kết là chỉ 6 tháng, 1 năm trẻ có thể trở nên bình thường để có thể hội nhập ! Các bạn này hay các phụ huynh và cả các chuyên viên, đều nghĩ rằng chỉ cần “ can thiệp – trị liệu” cho đến khi trẻ nói được, diễn đạt được nhu cầu của mình, hiểu được các yêu cầu, có thể đọc, viết hay tính toán…là trẻ đã trở nên “ bình thường” ! Và tất cả hầu như đều thống nhất là để đạt được các điều này thì chỉ có một con đường là “ Học, học nữa và học mãi…” Trẻ đưa đi can thiệp, là đi học, giáo viên đến nhà cũng là để dạy học và thậm chí cho trẻ tập về ngôn ngữ hay “ can thiệp – trị liệu” tâm vận động cũng chỉ là học với người dạy là giáo viên hay chuyên viên. Trẻ sẽ được học theo kiểu cá nhân, một cô một trò, thậm chí là 2,3 cô một trò … và học liên tục từ sáng cho đến tối, để kịp thời gian vào lớp Một !
    Trong khi đó, một trẻ đặc biệt là một trẻ thiếu “đủ thứ” ! trẻ thiếu những kỹ năng cơ bản, thiếu những nhận thức về không gian, thời gian. Trẻ không biết chú ý, tập trung, vận động không ổn định, việc ăn uống, ngủ nghỉ đều có vấn đề … và tất cả những điều đó phải chăng có thể được giải quyết bằng ABA, bằng More Than Word, hay bằng các tấm thẻ Flash Card mà giáo viên ( và cả phụ huynh ) mỗi ngày đều nhắc đi nhắc lại, đều giơ ra trước mặt trẻ, buộc trẻ phải “ bé ngoan, ngồi đẹp” phải “ nhìn vào mặt nhau đi” trong bầu khí của một lớp học nghiêm túc với bàn, ghế , bảng, phấn và học cụ ?
    Hay trẻ sẽ có thể linh hoạt, vui vẻ, khéo tay hơn, biết tập trung chú ý, biết tương tác hơn, có các hành vi ổn định thông qua các hoạt động vui chơi với người thân hay tại các nhóm, lớp can thiệp biết giá trị của các trò chơi vận động mà trẻ có thể chơi một cách tự do, thoải mái không theo một quy định nào ? Trẻ cũng có thể phát triển khả năng giao tiếp hơn nếu được cùng làm một số công việc đơn giản trong gia đình với bố mẹ – đặc biệt là với các trẻ trên 4 tuổi, khi mà khả năng tương tác là hết sức cần thiết. Những hoạt động vui chơi và làm việc nhà đó, bố mẹ có cần phải được “ đào tạo bài bản” không hay đó là những điều dĩ nhiên ? Có bà mẹ nào chưa từng chơi đùa với con ? có bà mẹ nào chưa từng làm bếp hay chưa từng dọn dẹp nhà cửa ?

    lamviecnha
    Nói như thế không có nghĩa là mọi sự đều tự nhiên mà có, mà ngay cả việc tác động với con cũng có những nguyên tắc ứng xử cần phải được tôn trọng. Nhưng nếu được chia sẻ, hướng dẫn, trao đổi thì hẳn là không có bà mẹ nào mà không làm tốt được các điều này, bởi vì họ là mẹ !
    Có một thực tế là hiện nay, các bà mẹ có lẽ là những người “ bận rộn nhất hành tinh” khi phải vừa “dạy con chăm chồng” có khi lại “ chăm con dạy chồng” ! Nhưng nếu vì thế mà các “ siêu nhân” này cho rằng mình không thể chơi với đứa con VIP của mình, không có thì giờ để cùng con tham gia các hoạt động trong gia đình, dù có thể là sẽ mất công rất nhiều so với việc tự làm còn con thì phải ngồi học ! Thì với suy nghĩ đó, các bà đã tự làm khó mình, khi vừa phải vất vả đi tìm hết giáo viên này đến giáo viên khác, với tiêu chuẩn 3 tháng con chưa nói được thì cho nghỉ , vừa tốn kém tìm kiếm các trung tâm, các trường chuyên biệt hoành tráng, với 20 năm kinh nghiệm dạy trẻ, với mức phí không hề thấp, vừa bỏ công sức tiền của ra theo học các khóa chuyên môn về hành vi, về ngôn ngữ, về trị liệu… và cuối cùng thì thời gian và tiền bạc trôi đi, đứa con ViP của mình vẫn là những kẻ “ lạc lõng giữa dòng đời” !
    Các bà mẹ cần ý thức một điều, đó là tình trạng tự kỷ không phải là những rối loạn do các tác động từ bên ngoài, những rối nhiễu về nhận thức, hành vi của trẻ không thể dập tắt hay ngăn chặn bằng các biện pháp kỷ luật dưới bất cứ hình thức nào và những tiến bộ của đứa trẻ không phải chỉ do các phương pháp thần kỳ do các chuyên gia đi tu nghiệp nước ngoài về để can thiệp hay hướng dẫn. Mà nó chỉ có thể tiếp thu các điều này khi đã có được sự nối kết với bố mẹ, đã có sự ổn định về tâm lý, không còn những lo lắng, căng thẳng hay những cơn bùng nổ … và những điều này chỉ có thể đến từ gia đình, đến từ những tác động đơn giản nhất, thường xuyên và đều đặn như những cơn mưa nhẹ nhàng tưới mát cho một mảnh đất khô cằn, sỏi đá. Những hoạt động trong gia đình là sự dọn đất, bón phân để rồi trẻ sẽ có nhu cầu giao tiếp, phát triển ngôn ngữ với các phương pháp phù hợp với bản thân trẻ vào một thời điểm thích hợp.
    Xin đừng để mất 3 năm đưa con đi châm cứu, 2 năm đi can thiệp ngày 8 tiếng, hay đưa con đi cạo gió, bấm huyệt hoặc cấy tế bào gốc, mà hãy để thời gian hàng năm trời đó, với ngân sách hàng trăm triệu đó dùng vào việc cho con chơi, chơi tự do và chơi có định hướng, cho con làm việc nhà, từ những việc đơn giản nhất , cho con biết cùng mẹ, cùng bố đi mua sắm, đi du lịch …Cũng xin đừng tìm kiếm một “ bậc thầy” hay một “ giáo viên tận tâm và nhiều kinh nghiệm” để “trút” đứa con của mình cho các vị này bởi vì không phải là họ dở, họ thiếu trách nhiệm, mà là họ chỉ có thể giúp cho đứa con mình khi nó đã có được cái “tâm thế” muốn giúp, muốn học và muốn giao tiếp. Những cái muốn ấy, lại đến từ những điều đơn giản, bình thường nhất trong gia đình mà rất nhiều phụ huynh đã vô tình bỏ qua, vì nó đi ngược lại với cái tư duy logic – Trẻ chỉ có thể điều trị và giáo dục tại nhà trường chuyên biệt và do các giáo viên được đào tạo.
    Cũng xin đừng tìm kiếm những biện pháp “ mì ăn liền” đươc cung cấp một cách lẻ tẻ, đứt đoạn, không theo một tiến trình nào được phổ biến đầy dẫy trên các diễn đàn, các mạng xã hội… Không phải vì đó là những điều sai lệch, đó là những điều đúng, những kinh nghiệm tốt..nhưng nó chỉ đúng với chính người trình bầy hay chia sẻ điều đó, nó chỉ đúng với chính con của họ ( có khi cũng không đúng ! ) Họ chỉ là người chia sẻ, giới thiệu và hoàn toàn không có trách nhiệm gì nếu ai đó mang về áp dụng mà không hiệu quả . Đó là chưa kể, một vấn đề đưa ra thì có thể có đến hàng chục ý kiến khác nhau góp vào giải quyết mà ý kiến nào cũng cũng đúng ! Khiến cho người hỏi chỉ biết cám ơn và lại tiếp tục đi hỏi ..chỗ khác !
    Hãy biết tôn trọng sự tự do của con, hãy đến với con bằng chính tấm lòng của người mẹ, bằng sự hồn nhiên vui vẻ của trẻ thơ , nhưng đó là một sự ngây thơ sáng suốt ! bằng những biện pháp tự nhiên và đơn giản nhưng phù hợp với trẻ. Hãy làm bạn trước khi làm thầy đứa trẻ. Hãy cho trẻ những điêu bé cần, chứ không phải bắt con học những điều mà mình muốn vì đó mới là một sự can thiệp hợp tình và hợp lý nhất mà một người mẹ có thể đem đến cho con mình.
    Sài Gòn một chiều chủ nhật mưa buồn.
    Lê Khanh