Trẻ phát triển nhờ biết làm việc nhà
11/09/2016
Cùng chơi với con các trò chơi dân gian
14/09/2016
Trẻ phát triển nhờ biết làm việc nhà
11/09/2016
Cùng chơi với con các trò chơi dân gian
14/09/2016

lam do choi
Cho đến nay, khi những hiểu lầm, hay hiểu sai về các phương pháp điều trị, can thiệp cho trẻ tự kỷ, đã dần dần bớt đi, thì vẫn còn những quan điểm mà không chỉ các nhà chuyên môn, các giáo viên và chủ yếu là phụ huynh cần có sự biến chuyển.
Xuất phát từ quan điểm, tự kỷ là một “chứng bệnh” hay một “ hội chứng rối loạn” và nếu phát hiện sớm, can thiệp sớm thì sẽ có thể bình phục, hay giảm bớt để có thể hội nhập với xã hội mà cụ thể nhất là được đi học cùng các trẻ bình thường. Đây là suy nghĩ hoàn toàn hợp lý, nếu Tự kỷ thực sự là một “chứng bệnh” mắc phải do các nguyên nhân khác nhau sau khi trẻ sinh ra. Nhưng ác một cái, đây lại là một tình trạng mà các biện pháp can thiệp hay được “ y khoa hóa” bằng mỹ từ: Liệu pháp điều trị, chỉ có thể cung cấp cho trẻ VIP những kỹ năng để có thể tiếp nhận các yêu cầu từ người khác, có thể diễn đạt các nhu cầu của mình cho người khác hiểu, vì tình trạng này là một rối nhiễu thần kinh bẩm sinh. Trẻ sinh ra với chứng tự kỷ thì sẽ lớn lên với tình trạng tự kỷ, chỉ khác biệt ở khả năng giao tiếp và ứng xử mà trẻ học được qua các biện pháp tác động. Để đạt được điều này lại phải tùy vào tình trạng, hay mức độ nặng – nhẹ của trẻ cũng như cách tác động một cách liên tục về nhiều phương diện khác nhau.
Vấn đề là mọi người đều cho rằng, việc can thiệp sớm hay các biện pháp tác động đều phải đến từ các phương pháp khoa học, đến từ các nhà chuyên môn và đến từ năng lực của các giáo viên đặc biệt chứ không phải đến từ sự rèn tập bằng những “ liệu pháp đặc biệt” là hoạt động vui chơi và “ việc nhà trị liệu”! Nói như thế thì các “chuyên viên” về các phương pháp can thiệp như ABA, TEACH, RDI hay chuyên viên về Âm ngữ trị liệu lại chuẩn bị gạch đá ngay và luôn! Thực sự là các phương pháp can thiệp về hành vi hay ngôn ngữ đều rất cần cho trẻ, nhưng nó chỉ phát huy được tác dụng khi bản thân đứa trẻ đã có được sự nối kết với bố mẹ, trẻ đã có được sự thoải mái vui vẻ sau khi được chơi đùa, được kích thích và chuẩn bị tâm thế để tiếp nhận các kỹ năng này vào đúng thời điểm cần thiết của nó !
Chúng ta hãy thử nhìn một đứa trẻ bình thường, khi đi đến trường để tiếp nhận các kiến thức từ các giáo viên, thì trẻ đã là một đứa trẻ biết vận động tốt, có khả năng nghe hiểu và diễn đạt, trẻ không cần phải học để hiểu, để nói và có thể chấp nhận các yêu cầu về kỷ luật và tập trung một cách dễ dàng. Những năng lực này của trẻ đến từ đâu ? Nó đến từ những hoạt động bắt chước người lớn, nó đến từ sự tương tác gắn bó với bố mẹ, và nó đến từ những thói quen nề nếp mà trẻ học được từ gia đình. Trẻ có khả năng hoạt động cá nhân tại gia đình tốt, thì trẻ sẽ là một học sinh giỏi. Trẻ làm biếng, ngỗ nghịch, ỷ lại và đòi hỏi tại gia đình thì sẽ gặp những khó khăn trong việc học tập tại nhà trường , và ai sẽ là người chịu trách nhiệm về các hành vi này của trẻ nếu không phải là phụ huynh – Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà ! Bố mẹ có thể nói rằng, bởi vì tôi không được đào tạo về chuyên môn, không có khả năng sư phạm để dạy con, nên trăm sự nhờ cô trong tình huống này không ? Hay là sẽ được thầy cô mời lên văn phòng nhà trường, nhẹ hơn là trao đổi tại lớp, để nhờ phụ huynh về dạy cháu ngoan ngoãn, siêng năng hơn để có thể tiếp thu các kiến thức ?
Đó là trẻ bình thường mà còn phải có sự “phân công” trong việc giáo dục và phụ huynh cũng phải bỏ thì giờ dạy con các kỹ năng thích ứng với môi trường để có thể tiếp nhận kiến thức. Nhưng vẫn có nhiều trẻ dù phụ huynh bỏ bê, hay lại tập cho các thói xấu … vẫn có thể phát triển và tiếp thu các kiến thức, nhờ vào khả năng nhận thức của bản thân. Trẻ “hiểu và biết” các hoạt động cơ bản tại gia đình chỉ bằng việc nghe – nhìn và làm theo và những tấm gương của bạn bè, thầy cô.
Nhưng với trẻ VIP thì sao ? Ai cũng biết đó là đứa trẻ rối loạn về giao tiếp, hạn chế về nhận thức và khó khăn về ngôn ngữ. Ấy thế mà các phụ huynh vẫn thích “trăm sự nhờ cô” và các giáo viên đặc biệt vẫn hãnh diện là chỉ với các giờ “ can thiệp cá nhân” bằng các phương pháp “sư phạm đặc biệt” của mình vài giờ trong ngày cùng với tấm lòng yêu trẻ, là có thể tác động “toàn diện” đến nhận thức, hành vi và cung cấp cho các VIP nhà ta những kiến thức trong một thời gian kỷ lục ! Có giáo viên còn cam kết là chỉ 6 tháng, 1 năm trẻ có thể trở nên bình thường để có thể hội nhập ! Các bạn này hay các phụ huynh và cả các chuyên viên, đều nghĩ rằng chỉ cần “ can thiệp – trị liệu” cho đến khi trẻ nói được, diễn đạt được nhu cầu của mình, hiểu được các yêu cầu, có thể đọc, viết hay tính toán…là trẻ đã trở nên “ bình thường” ! Và tất cả hầu như đều thống nhất là để đạt được các điều này thì chỉ có một con đường là “ Học, học nữa và học mãi…” Trẻ đưa đi can thiệp, là đi học, giáo viên đến nhà cũng là để dạy học và thậm chí cho trẻ tập về ngôn ngữ hay “ can thiệp – trị liệu” tâm vận động cũng chỉ là học với người dạy là giáo viên hay chuyên viên. Trẻ sẽ được học theo kiểu cá nhân, một cô một trò, thậm chí là 2,3 cô một trò … và học liên tục từ sáng cho đến tối, để kịp thời gian vào lớp Một !
Trong khi đó, một trẻ đặc biệt là một trẻ thiếu “đủ thứ” ! trẻ thiếu những kỹ năng cơ bản, thiếu những nhận thức về không gian, thời gian. Trẻ không biết chú ý, tập trung, vận động không ổn định, việc ăn uống, ngủ nghỉ đều có vấn đề … và tất cả những điều đó phải chăng có thể được giải quyết bằng ABA, bằng More Than Word, hay bằng các tấm thẻ Flash Card mà giáo viên ( và cả phụ huynh ) mỗi ngày đều nhắc đi nhắc lại, đều giơ ra trước mặt trẻ, buộc trẻ phải “ bé ngoan, ngồi đẹp” phải “ nhìn vào mặt nhau đi” trong bầu khí của một lớp học nghiêm túc với bàn, ghế , bảng, phấn và học cụ ?
Hay trẻ sẽ có thể linh hoạt, vui vẻ, khéo tay hơn, biết tập trung chú ý, biết tương tác hơn, có các hành vi ổn định thông qua các hoạt động vui chơi với người thân hay tại các nhóm, lớp can thiệp biết giá trị của các trò chơi vận động mà trẻ có thể chơi một cách tự do, thoải mái không theo một quy định nào ? Trẻ cũng có thể phát triển khả năng giao tiếp hơn nếu được cùng làm một số công việc đơn giản trong gia đình với bố mẹ – đặc biệt là với các trẻ trên 4 tuổi, khi mà khả năng tương tác là hết sức cần thiết. Những hoạt động vui chơi và làm việc nhà đó, bố mẹ có cần phải được “ đào tạo bài bản” không hay đó là những điều dĩ nhiên ? Có bà mẹ nào chưa từng chơi đùa với con ? có bà mẹ nào chưa từng làm bếp hay chưa từng dọn dẹp nhà cửa ?

lamviecnha
Nói như thế không có nghĩa là mọi sự đều tự nhiên mà có, mà ngay cả việc tác động với con cũng có những nguyên tắc ứng xử cần phải được tôn trọng. Nhưng nếu được chia sẻ, hướng dẫn, trao đổi thì hẳn là không có bà mẹ nào mà không làm tốt được các điều này, bởi vì họ là mẹ !
Có một thực tế là hiện nay, các bà mẹ có lẽ là những người “ bận rộn nhất hành tinh” khi phải vừa “dạy con chăm chồng” có khi lại “ chăm con dạy chồng” ! Nhưng nếu vì thế mà các “ siêu nhân” này cho rằng mình không thể chơi với đứa con VIP của mình, không có thì giờ để cùng con tham gia các hoạt động trong gia đình, dù có thể là sẽ mất công rất nhiều so với việc tự làm còn con thì phải ngồi học ! Thì với suy nghĩ đó, các bà đã tự làm khó mình, khi vừa phải vất vả đi tìm hết giáo viên này đến giáo viên khác, với tiêu chuẩn 3 tháng con chưa nói được thì cho nghỉ , vừa tốn kém tìm kiếm các trung tâm, các trường chuyên biệt hoành tráng, với 20 năm kinh nghiệm dạy trẻ, với mức phí không hề thấp, vừa bỏ công sức tiền của ra theo học các khóa chuyên môn về hành vi, về ngôn ngữ, về trị liệu… và cuối cùng thì thời gian và tiền bạc trôi đi, đứa con ViP của mình vẫn là những kẻ “ lạc lõng giữa dòng đời” !
Các bà mẹ cần ý thức một điều, đó là tình trạng tự kỷ không phải là những rối loạn do các tác động từ bên ngoài, những rối nhiễu về nhận thức, hành vi của trẻ không thể dập tắt hay ngăn chặn bằng các biện pháp kỷ luật dưới bất cứ hình thức nào và những tiến bộ của đứa trẻ không phải chỉ do các phương pháp thần kỳ do các chuyên gia đi tu nghiệp nước ngoài về để can thiệp hay hướng dẫn. Mà nó chỉ có thể tiếp thu các điều này khi đã có được sự nối kết với bố mẹ, đã có sự ổn định về tâm lý, không còn những lo lắng, căng thẳng hay những cơn bùng nổ … và những điều này chỉ có thể đến từ gia đình, đến từ những tác động đơn giản nhất, thường xuyên và đều đặn như những cơn mưa nhẹ nhàng tưới mát cho một mảnh đất khô cằn, sỏi đá. Những hoạt động trong gia đình là sự dọn đất, bón phân để rồi trẻ sẽ có nhu cầu giao tiếp, phát triển ngôn ngữ với các phương pháp phù hợp với bản thân trẻ vào một thời điểm thích hợp.
Xin đừng để mất 3 năm đưa con đi châm cứu, 2 năm đi can thiệp ngày 8 tiếng, hay đưa con đi cạo gió, bấm huyệt hoặc cấy tế bào gốc, mà hãy để thời gian hàng năm trời đó, với ngân sách hàng trăm triệu đó dùng vào việc cho con chơi, chơi tự do và chơi có định hướng, cho con làm việc nhà, từ những việc đơn giản nhất , cho con biết cùng mẹ, cùng bố đi mua sắm, đi du lịch …Cũng xin đừng tìm kiếm một “ bậc thầy” hay một “ giáo viên tận tâm và nhiều kinh nghiệm” để “trút” đứa con của mình cho các vị này bởi vì không phải là họ dở, họ thiếu trách nhiệm, mà là họ chỉ có thể giúp cho đứa con mình khi nó đã có được cái “tâm thế” muốn giúp, muốn học và muốn giao tiếp. Những cái muốn ấy, lại đến từ những điều đơn giản, bình thường nhất trong gia đình mà rất nhiều phụ huynh đã vô tình bỏ qua, vì nó đi ngược lại với cái tư duy logic – Trẻ chỉ có thể điều trị và giáo dục tại nhà trường chuyên biệt và do các giáo viên được đào tạo.
Cũng xin đừng tìm kiếm những biện pháp “ mì ăn liền” đươc cung cấp một cách lẻ tẻ, đứt đoạn, không theo một tiến trình nào được phổ biến đầy dẫy trên các diễn đàn, các mạng xã hội… Không phải vì đó là những điều sai lệch, đó là những điều đúng, những kinh nghiệm tốt..nhưng nó chỉ đúng với chính người trình bầy hay chia sẻ điều đó, nó chỉ đúng với chính con của họ ( có khi cũng không đúng ! ) Họ chỉ là người chia sẻ, giới thiệu và hoàn toàn không có trách nhiệm gì nếu ai đó mang về áp dụng mà không hiệu quả . Đó là chưa kể, một vấn đề đưa ra thì có thể có đến hàng chục ý kiến khác nhau góp vào giải quyết mà ý kiến nào cũng cũng đúng ! Khiến cho người hỏi chỉ biết cám ơn và lại tiếp tục đi hỏi ..chỗ khác !
Hãy biết tôn trọng sự tự do của con, hãy đến với con bằng chính tấm lòng của người mẹ, bằng sự hồn nhiên vui vẻ của trẻ thơ , nhưng đó là một sự ngây thơ sáng suốt ! bằng những biện pháp tự nhiên và đơn giản nhưng phù hợp với trẻ. Hãy làm bạn trước khi làm thầy đứa trẻ. Hãy cho trẻ những điêu bé cần, chứ không phải bắt con học những điều mà mình muốn vì đó mới là một sự can thiệp hợp tình và hợp lý nhất mà một người mẹ có thể đem đến cho con mình.
Sài Gòn một chiều chủ nhật mưa buồn.
Lê Khanh

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý