Đã từ lâu việc lắp Camera trong lớp học, đặc biệt là Mẫu Giáo được xem là công cụ hữu ích giúp các ông bố bà mẹ theo dõi từ xa việc học tập của trẻ. Chủ yếu là để ngăn ngừa và giám sát việc giáo viên đánh mắng hay thiếu quan tâm đến trẻ Thỉnh thoảng, trên FB lại đưa ra vài trường hợp nhờ có camera mà bố mẹ phát hiện được chuyện Giáo viên hay bảo mẫu ngược đãi trẻ.
Từ các kết quả này, camera được xem là một công cụ giám sát hành vi hiệu quả, và các phụ huynh xem việc lắp camera trong phòng con để giám sát việc học hành, hay sử dụng máy tính của con cũng là chuyện bình thường. Thực ra hai việc này tuy giống nhau ở chỗ giám sát, nhưng lại khác nhau rất xa về tính cách và giá trị hay hiệu quả của nó.
Cũng không nên xem việc giám sát ở lớp học là cần thiết, vì điều đó chỉ chứng tỏ giữa phụ huynh và nhà trường không có sự tin tưởng lẫn nhau ! Những bé mầm non thì vô tư dưới sự quan sát của ống kính, nhưng các giáo viên có thể sẽ rất khó chịu, vì giống như nhân viên làm việc dưới sự theo dõi của người quản lý! Nếu muốn trừng phạt trẻ cho bõ ghét, thì GV vẫn có thể thực hiện khi lôi trẻ vào góc chết mà máy không quét được để phết cho vài roi. Các GV cũng không lạ gì việc đánh trẻ mà không để lại dấu vết !
Ở Trường học, thực ra rất cần camera theo dõi trẻ, nhưng không phải ở trong lớp, mà là ở nhà để xe , nhà kho, các hành lang, cầu thang, góc vườn ..để ngăn ngừa kẻ gian và tìm kiếm các trẻ ham chơi, có thể lẩn tránh Gv trong các khu vực này. Camera trong trường hợp này là để GV hay Ban Giám hiệu giám sát bảo vệ an toàn cho các em mà thôi.
Nhưng ở nhà nếu việc lắp camera các lối ra vào, nơi góc khuất có tác dụng theo dõi sự đột nhập của kẻ gian, thì khi nó được đặt trong phòng trẻ, nhất là các bạn trên 10 tuổi, khi các em đã ý thức được giá trị của sự riêng tư, quyền hoạt động cá nhân của mình..thì hành vi này quả là lợi bất cập hại !
Khi bước vào lứa tuổi tiền dậy thi hay dậy thì, sự phát triển về tâm sinh lý của trẻ có nhiều thay đổi xáo trộn. Trẻ vừa là trẻ con lại vừa là người …đang lớn ! Đặc biệt nhất là với một số em có tính hướng nội, đa cảm, coi cái TÔI của mình khá lớn, các em sẽ rất tự ái và khó chịu khi thấy rằng cái “vương quốc” hay “giang sơn” riêng tư của mình là cái góc học tập bị săm soi bởi sự giám sát của cái ống kinh lạnh lùng như những đôi mắt hình viên đạn.
Nó cũng như một tính cách mà người ta gọi là phụ huynh trực thăng – Nghĩa là giống như chiếc trực thăng của cảnh sát , lúc nào cũng bay vè vè bên trên và rọi đèn theo dõi các nghi phạm . Các phụ huynh này quan tâm con một cách thái quá, luôn theo dõi, nhắc nhở, kiểm tra, dò hỏi… Họ cho rằng đó là điều cần thiết để giữ cho con khỏi bị các kẻ xấu dụ dỗ lôi cuốn, hay sẽ chìm đắm trong các trò chơi trên máy tính, và chuyên môn tìm cách qua mặt bố mẹ, thầy cô.
Có thể nói, một trong những điều tệ hại nhất trong mối quan hệ bố mẹ – con cái, đó là sự thiếu vắng của niềm TIN ! Chúng ta không tin con em mình, thì làm sao có thể bắt trẻ phải tin mình ? và khi con cái không còn tin vào bố mẹ thì đúng là thảm họa !
Chính việc sử dụng camera đó là cách cho thấy sự không tin tưởng nhau một cách cụ thể nhất. Chắc hẳn phụ huynh nếu là nhân viên làm việc trong một công ty, mà luôn luôn phải hoạt động dưới sự giám sát của trưởng phòng, hay giám đốc thì sẽ rất khó chịu. Tuy nhiên, vì chúng ta là người lớn, có ý chí nên có thể thầm nghĩ, thôi vì miếng cơm manh áo mà ráng chịu vậy, miễn là mình không làm gì sai thì thôi. Nhưng trẻ con là trẻ con ! Ở đây không phải là sự bồng bột, háo thắng mà là khả năng kiểm soát cảm xúc của trẻ chưa được như người lớn. Trẻ có cảm giác bị hạ nhục , nhất là nếu “vụ gắn camera” này mà bị bạn bè hỏi thăm, châm chọc – chắc có lẽ cậu quậy quá nên mới phải theo dõi thì trẻ sẽ rất dễ mất kiểm soát và sẽ có những phản ứng, đôi khi rất tai hại.
Tại sao trẻ lại có thể “tự tử” một cách khá dễ dàng ? ngoài việc tổn thương cảm xúc đưa đến những suy sụp về niềm tin, thì có thể trẻ suy nghĩ khá đơn giản về cái chết. Nó giống như những cái chết trong phim ảnh, hay các nhân vật trong game online, có thể chết đi, rồi lại sống lại một cách dễ dàng. Vì vậy, trẻ tưởng cái chết cũng “ giống như chơi”, giận quá thì chết đi cho bố mẹ sợ – rồi mình sẽ sống lại thôi mà ! Ai có ngờ đâu là cái chết ngoài đời không giống cái chết trong game , một đi không trở lại !
Chính vì điều đó, chúng ta phải lưu ý đến tính cách của con mình. Với các trẻ em hướng ngoại, vô tư ….thì có thể la rầy, nhắc nhở và nếu trách phạt bằng vài roi cũng không sao. Nhưng với trẻ hướng nội, đa cảm , ít nói ..thì biện pháp chê trách, mắng nhiếc hay trừng phạt có thể để lại các tổn thương sâu sắc.
Đặc biệt với việc sử dụng camera trong phòng con, hãy cân nhắc và có thể hỏi ý kiến nhà chuyên môn về tâm lý, trước khi thực hiện. Điều tốt nhất là hãy xây dựng được niềm tin vào con. Ai cũng thế, khi được sự tin tưởng, tín nhiệm thì sẽ rất tự hào và thoải mái. Chúng ta không nhất thiết cứ phải giám sát nhắc nhở để rồi khoảng cách tình cảm giữa bố mẹ và con cái ngày càng xa . Tập cho con khả năng tự chủ là cách tốt nhất để bảo vệ con chứ không phải với sự theo dõi của chiếc camera lạnh lùng.
Virus Covid là một dịch bệnh nguy hiểm vì sự lây lan một cách vô hình và nhanh chóng của nó, trước kia thì HIV cũng là một loại virus nguy hiểm vì khả năng gây chết người và cách lây nhiễm, cho đến khi người ta “khoanh vùng” được các yếu tố lây nhiễm và phòng tránh được nó ! – Thế nhưng , có một căn bệnh đã lây nhiễm từ đời này qua đời khác, cũng đáng sợ không kém dù nó không trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân… Nhưng dưới ảnh hưởng của nó, con người có thể gây ra những hậu quả tai hại không chỉ cho mình , mà còn cho những người xung quanh.
Trong phạm vi gia đình – thì bệnh này là phổ biến ở những người “có ăn học” – càng mê “trình độ học vấn” thì bệnh càng dễ nhiễm . Có những người tuy không mê học hành, bằng cấp..nhưng lại lỡ sinh ra trong một “dòng họ danh giá” thì cũng thuộc đối tượng có nguy cơ cao bị lây nhiễm căn bệnh này ! Đặc biệt là căn bệnh này hầu như không có ở trẻ em, mà càng lớn tuổi thì khả năng bị lây nhiễm mới càng cao . Những người già về hưu, có một số bệnh mãn tính nhẹ.. là thuộc nhóm nguy cơ cao nhất – có đến 90% bị nhiễm mà có khi không biết , hay biết mà không chấp nhận mình đang bị bệnh !
Ở ngoài xã hội, thì trong các cơ quan, càng được sự quan tâm thì bệnh này càng phổ biến – từ các UBND cấp xã, huyện, tỉnh cho đến các trường Chuyên, các bệnh viện đầu ngành, các cơ quan nghiên cứu, các viện hàn lâm “thập cẩm ngũ vị” thì hầu như các cấp lãnh đạo là nhiễm 99.9 % căn bệnh này. Đừng tưởng là các bác bảo vệ, các chị lao công trong các cơ quan đó không mắc phải dịch bệnh này . Có hết, nó nằm trong máu huyết mà chỉ cần có cơ hội là bộc lộ ngay và luôn !
Trong gia đình, chính căn bệnh này của cha mẹ đã khiến cho con cái khổ sở, căn thẳng, suy kiệt và có nguy cơ trầm cảm cao, hay trở nên hung hăng, hỗn láo, có thể bùng nổ những bằng những phản ứng tiêu cực, bỏ học, bỏ nhà đi bụi, nghiện games, nghiện ma túy … mà cha mẹ không hề nghĩ rằng, chính tình trạng “ bệnh hoạn” của mình đã khiến cho con bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến như thế ! Họ cứ nghĩ là những yêu cầu, đòi hỏi hay phản ứng của họ trước những điểm yếu của con, hay những kỳ vọng mà họ áp đặt lên con, bất chấp khả năng và sở thích của nó, bất chấp những nhu cầu cảm xúc của nó, là xuất phát từ lòng thương yêu con !
Nhưng thực tế, thì chí do bị “nhiễm bệnh”, mà họ có những suy nghĩ lệch lạc, những ảo tưởng về một “tương lai hoành tráng” nếu như con em họ làm theo những yêu cầu, đáp ứng được những mong muốn của mình. Mà thực ra, dưới tác dụng của căn bệnh, họ lại có những suy nghĩ và hành động cực đoan ….gây ra cho con cái bao nhiêu là áp lực, sự ức chế …. Thậm chí, khi thấy con có những phản ứng tiêu cực…thì lại nghĩ con đang bị bệnh trầm cảm hay là lười biếng, hỗn láo, nghiện games, ham chơi… và mang đến các nhà tâm lý, để nhờ họ khuyên bảo, chữa trị … đến khi họ chẩn đoán là chính cha mẹ mới là người đang bị bệnh, đang có những quan điểm không đúng , những lời lẽ và hành vi cực đoan do ảnh hưởng của căn bệnh này, thì lại không chấp nhận… họ cho là những nhà chuyên môn nói sai, họ đâu có bệnh gì, hoàn toàn sáng suốt và lành mạnh… Chỉ có con họ là đang bị stress và hư hỏng, là do bị bạn bè xúi dục, ham chơi, mê lướt net, và không chịu nỗ lực học tập để đứng trong top ten của lớp, không chịu cố gắng để đạt được những thành tích cao trong học tập, không chịu thi vào các trường đại học danh giá để làm cho họ nở mày nở mặt. Vâng – sự tự hào của họ chính là dấu hiệu rõ ràng nhất của căn bệnh này .
Từ ông bố trong gia đình, cho đến thủ trưởng trong đơn vị …Từ một chú bảp vệ, anh dân phòng, cho đến các cán bộ lãnh đạo… Không nhìn ra vai trò của mình, chỉ là kẻ làm việc ăn lương, phải có trách nghiệm và nghĩa vu làm tròn bổn phận mà mình đã nhận lãnh – lại cứ tự huyễn hoặc vào vị trí của mình, vào “ sứ mệnh cứu dân độ thế” của mình để đưa ra những lời lẽ , những quyết định duy ý chí, chủ quan … thậm chí là quá đáng một cách ngông cuồng và ngu xuẩn ! vì thiếu kiến thức khoa học, thiếu lòng khiêm nhường và thiếu sự tự trọng. Nhưng lại dựa vào sức mạnh của quyền hạn, mà buộc mọi người phải chấp nhận, cúi đầu và hoan hô mình !.
Chỉ khi nào, mà từ các bậc làm cha mẹ, cho đến những kẻ tự nhận là “đầy tớ của nhân dân” Có được những liều Vaccine phòng ngừa và miễn nhiễm với căn bệnh này thì may ra, gia đình mới yên ổn, đất nước mới phát triển – Vâng, căn bệnh nguy hiểm đó chỉ có 1 từ thôi : Bệnh SỸ ! Nhưng khổ nỗi, mỗi người dân Việt đêu có một ông quan ở trong lòng, và đó chính là cơ chế lây lan không bao giờ khỏi !
Nói về tác giả Dale Carnegie với nghệ thuật Hướng dẫn con người thành công qua giao tiếp trong cuộc sống, và tác phẩm nổi tiếng : Đắc Nhân Tâm – một cuốn sách được dịch ra hàng chục thứ tiếng và phát hành hàng triệu bản trên thế giới thì chắc ai cũng biết. Phương pháp và sách của ông dựa trên một nguyên lý xưa như trái đất, từ Đông sang Tây đều biết : Tâm lý muốn được khen của con người ! và nguyên tắc giao tiếp ông giới thiệu để đem lại sự thành công cho cuốn sách chỉ là : Hãy tìm cách khen người – đừng chê bai chỉ trích ai hết và khi bất đắc dĩ phải chê thì nhận lỗi về mình trước đi, rồi hãy lựa lời mà nói sao cho người ta đừng mất lòng, không làm tổn thương tự ái của họ. Chỉ có nhiêu đó thôi mà không phải ai cũng áp dụng được , nên mới phải mua sách về đọc hoặc thám dự các khóa huấn luyện!
Đọc một bài viết của bác Tony Buổi sáng trên FB – người có nhiều bài bút ký dí dỏm và xác đáng về cách sống và cuộc sống, thì cũng như thế, nhưng bác ý lại cho rằng đặc tính thích được khen đó là của người Châu Á – vì thế, đừng dại mà tranh luận hơn thua với người da vàng mũi tẹt . Tony nhận xét cũng đúng luôn! Từ trong các lớp học cho đến các cơ quan đơn vị , thì cái tinh thần tranh luận để tìm ra điều hợp lý nhất hầu như không có ở Việt Nam. Nếu lướt một vòng trên FB thì chúng ta thấy ngay, những bài viết ít khi đưa đến sự tranh luận mà chủ yếu ai cũng tìm lời khen . Nếu có các yếu tố có thể dẫn đến tranh luận, thì ai cũng bảo vệ quan điểm của mình đến cùng, dù có khi rất áp đặt và ngụy biện, hoặc tìm cách cãi cho bằng được . Nếu cãi không lại thì một là nói ngang, cãi bướng, lý sự cùn hai là block luôn những người trái quan điểm với mình, chứ ít ai dám tự nhận là mình sai và càng hiếm người có thể xin lỗi công khai về những cái không đúng của mình.
Cái tâm lý thích được khen đó cũng thể hiện ra bằng những tấm hình “tự sướng” của những người đã đẹp và muốn đẹp – của những người thích khoe con và khoe các thứ tốt đẹp thuộc về mình – mọi người vào comment chỉ được quyền khen !không thì block ráng chịu ! Cũng như khi đưa ra một ý kiến và nhờ mọi người trả lời bằng câu hỏi : Đúng hay rất đúng ? không cho phép nói là sai !
… Nhưng đặc điểm thích khen đó đâu chỉ có ở người Á Châu . Bằng cớ là từ những năm 1912 – Dale Carnegie đã dựa vào cái tính thích được khen của người Tây Phương ( cụ thể là người Mỹ ) để mở đầu cho một hệ thống các khóa học cách lấy lòng người bằng tiếng khen, nổi tiếng cho đến nay.
Vì thế, cho nên phải tập ..khen và cũng chỉ nên đưa ra lời khen ! Nhưng nếu chỉ là khen nịnh, khen láo, khen theo định hướng và khen những điều không đáng kể, hoặc tìm cách thổi phồng lên để khen thì có khi bị hố hàng và có thể bị chửi sấp mặt hoặc bị vạch mặt là một hình thức tuyên truyền , quảng cáo không hơn không kém. Có nhiều quảng cáo trên TV thiếu tư duy, đã đưa ra những clip quảng cáo đẩy sản phẩm lên chín tầng mây mà không thấy được sự vô duyên của mình – Quảng cáo nước mắm mà gắn với hương sắc của một người đẹp duyên dáng thì quả thực là ngào ngạt luôn ! Chính tác giả sách “ Đắc nhân Tâm” cũng dặn dò : Những phương pháp này ( Lấy lòng người qua sự khen ngợi ) chỉ có kết quả khi nó được áp dụng một cách chân thành, xuất phát từ đáy lòng mà ra ! Hay nói cách khác là phải biết khen đúng – khen đủ và khen thực lòng !
Trong việc nuôi dạy con cũng thế ! Trẻ con cũng thích được khen , nếu được khen đúng và được bố mẹ cám ơn về những hoạt động trong công việc nhà, thì sẽ trở nên tự tin và mạnh dạn hơn. Có nhiều phụ huynh thì chỉ thích chê, và còn đem những điểm yếu của con ra so sánh với những đứa trẻ khác . Con lười học thì đem ra so với cái thằng giỏi nhất lớp, con ăn nói có phần vô duyên thì so sánh với cái đứa vô cùng lễ độ, chưa thấy mặt đã nghe tiếng chào ! Họ nghĩ rằng, nói như thế để con biết xấu hổ, biết tự ái mà cố gắng lên ! Thực ra Rất ít trẻ có được cái ý chí , biết chấp nhận cái sai để quyết tâm khắc phục . Điều này thường chỉ có ở những người đã trưởng thành. Sự trưởng thành ở đây không đo bằng tuổi tác, không phải cứ hễ có râu là thành trưởng lão. Bởi vì không thiếu gì người đầu hai thứ tóc mà cư xử giống như đứa trẻ ranh , dễ hờn giận, nhiều tự ái, cố chấp và không có ý chí tiến thủ ! Ngay cả khi người ta đã chỉ đúng những cái sai, cái yếu và cái thiếu của mình cũng vẫn không chấp nhận , có khi lại đổ thừa cho hoàn cảnh ! Đó vừa là tâm lý chung ( thích được khen – không thích chê ) nhưng cũng cho thấy sự chưa trưởng thành về nhân cách.
Vì vậy, bố mẹ nên tìm cách khen con, nhưng phải khen cho đúng những điều tốt mà trẻ làm được trong các hoạt động tại gia đình. Có thể chỉ là những điều đối với người lớn thì rất nhỏ nhặt, nhưng với đứa trẻ thì đó đã là một cố gắng to lớn. Cũng còn phải biết cách chê đúng – chê đúng là không chỉ trích cá nhân đứa trẻ, không hạ thấp lòng tự trọng của nó, không dán nhãn tiêu cực lên trán: mày là đứa lười biếng, là kẻ vụng về, là thằng nói láo ! Hãy chỉ ra những hậu quả do hành động sai lầm của trẻ thôi, và khích lệ trẻ cố gắng làm tốt hơn. Giáo dục con bằng sự tử tế tôn trọng và nghiêm khắc, chứ không bằng sự áp đặt và cưng chiều. Biết nhìn nhận những giá trị của người khác và khen ngợi một cách thực lòng, không xu nịnh lấy lòng, không dùng lối khen xã giao để mua chuộc cảm tình, đó mới gọi là người trưởng thành.
Ba năm, một thời gian không ngắn cho những đổi thay – Ngôi nhà 7 tầng của những đứa trẻ đặc biệt cùng với các thầy cô đặc biệt mang tên Bình Minh – Nơi của nụ cười thay cho những giọt nước mắt của các phụ huynh, mà mỗi lần trở lại tôi đều cảm nhận được ít nhiều thay đổi – Từ không gian lớp hoc, từ sân chơi của các em, từ các đồ dùng dạy học cho đến cái gian bếp – phòng ăn, nơi các thầy cô tụ họp chém gió…, Đều ít nhiều đổi mới. Những đầu tư mới thay cho các vật dụng chưa cũ, nhưng để đáp ứng cho nhu cầu của các PH gửi con và sự phát triển của trường.. Từ 30 – 50 và bây giờ là trên 70 em với những dạng tật khác nhau. Trẻ tự kỷ, tăng động kém chú ý, trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ chậm nói, có hội chứng Down, trẻ khó khăn trong học tập cho đến cả trẻ bại não… đều quy tụ với những nụ cười xung quanh cô chủ trường 9X – Cô Thạc sĩ GDĐB Đỗ Thị Nhị. Hay đơn giản hơn : Bảo Hân !
Là môt người phụ nữ nhỏ bé, đứng lên từ những gian khổ trong cuộc sống với nụ cười trên môi – Cô đã đem lại cho các trẻ khuyết tật ở đây một điều tưởng như rất dễ nói, nhưng rất khó thực hiện – Đó là tình yêu thương vô bờ mà cô đã xem các trẻ này – từ lớn đến bé, như con mình. Để can thiệp cho trẻ đặc biệt – điều mà ai cũng biết là cần phải có kiến thức về các phương pháp can thiệp Hành vi – can thiệp âm và lời nói, và mỗi trẻ lại có những kế hoạch can thiệp khác nhau. Thế nhưng đó chỉ mới là những điều cần thiết mà nếu không có một tấm lòng, một tình yêu thương, một sự quan tâm … thì vẫn chưa đủ.
Khi đứng trước một cháu bé xinh xắn, ngoan ngoãn, vui vẻ …thì thử hỏi ai mà không yêu ? Thế nhưng nếu đứa bé đó là một trẻ hỏi không thưa, gọi không quay lại, sẵn sàng cho mọi thứ vào miệng hay ném hết các vật trong tầm tay. Đến khi tiếp xúc mới nản lòng, trẻ không hề nhìn mình, trẻ luôn miện kêu những âm, từ vô nghĩa và nếu thử đến gần có khi lại còn bị ..đánh ! Quả thực là khó chấp nhận… Nhưng cái khó không chỉ thế thôi, mà ngay đến cả phụ huynh của các em, có mấy ai muốn nhìn vào sự thật, có mấy ai có thể dễ dàng chấp nhận những nghiệt ngã này nơi con em ? Họ chỉ mong sao, bằng một khả năng thần kỳ nào đó, để có thể thay đổi trong thời gian ngắn nhất , để trả lại cho họ một đứa trẻ bình thường, có thể đến lớp học, biết vòng tay chào hỏi ông bà… Chao ôi cái ước mơ nhỏ bé ấy sao mà lại trở nên khó khăn dường bao, khi đứng trước cái ánh mắt ngây dại mà mọi ngôn từ truyền thông dường như bất lực.
Nhưng tất cả dường như là một điều hết sức nhẹ nhàng với cô, chỉ với nụ cười từ trái tim, với những cử chỉ “nương theo trẻ” và những cách tác động như một trò chơi, cô đã có thể làm cho các em cảm thấy yên tâm và nụ cười lại nở trên môi. Có thể mọi thứ khó khăn vẫn còn đó, tiếng nói vẫn chưa xuất hiện, nhưng với những nụ cười nối kết hai trái tim, không sớm thì muộn, những thiên thần bất hạnh này sẽ có được niềm vui, và niềm vui sẽ dẫn lối các em đi.
Khi quay lại Bình Minh lần này, được ngồi ăn cơm với các thầy cô tôi lại thấy không chỉ có nụ cười của các em, mà còn là những tiếng cười sảng khoái của các thầy cô trong một bầu khí như một gia đình vui vẻ. Đó mới là điều nối kết được các em, khi mà thầy cô cũng cảm nhận được những niềm vui nơi đây , để cùng chung tay góp sức với cô – nơi Trường mầm non đặc biệt Bình Minh – mà ta có thể gọi một cách giản dị là Bình Minh’s Kids – Ngôi nhà của trẻ thơ.
Bà Elizabeth H. Blackburn, người đoạt giải Nobel sinh học đã chỉ ra rằng người ta sống thọ hay khỏe mạnh không phải do Ăn Uống tẩm bổ hay Vận Động tích cực; mà là do giữ được Tâm Lý Cân Bằng. ăn uống điều độ chiếm 25%, các hoạt động trong cuộc sống chiếm 25%,Tâm Lý Cân Bằng chiếm những 50%!
Một người hay nổi giận, sẽ phát sinh những hormone độc tính. Y học Cho thấy Các bệnh như ung thư, xơ cứng động mạch, cao huyết áp, loét hệ tiêu hóa, kinh nguyệt không đều, có từ 65-90% triệu chứng liên quan tới áp lực tâm lý. Có thế gọi đó là một dạng bệnh Tâm Thể ( tổn thương tâm lý đưa đến tổn thương cơ thể ).
Nếu con người hay cáu gắt, lo lắng, áp lực hormone luôn ở mức cao, hệ thống miễn dịch sẽ khiến huyết áp hoạt động quá nhiều trong thời gian dài dẫn đến mệt mỏi và sinh ra bệnh tật.
Khi vui, não bộ tiết ra hormone hưng phấn.. khiến con người thoải mái, cảm giác vui tươi, đưa đến trạng thái tốt, giúp điều tiết các cơ quan trong cơ thể cân bằng, khỏe khoắn.
Trong cuộc sống, chúng ta nên làm như thế nào mới có thể có được hormone hưng phấn, giảm hormone áp lực? 1. Có mục tiêu rõ ràng, nỗ lực để đạt được.
Trong cuộc sống, đam mê quyết định tâm thái con người, khi có nỗ lực đạt mục tiêu não bộ sẽ ở trong trạng thái thoải mái phát triển.
2. Lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui :
Nghiên cứu chỉ ra, giúp đỡ người khác về vật chất, có thể giảm tỉ lệ tử vong xuống 42%, giúp người khác ổn định tinh thần, có thể giảm tỉ lệ tử vong dưới 30%. Bởi vì tốt với người khác, hay làm việc thiện, sẽ có cảm giác vui tươi và tự hào, giảm hormone áp lực, thúc đẩy hormone hưng phấn..
3. Giữ mối tương giao lành mạnh.
Một công trình nghiên cứu trong vòng 20 năm của 2 nhà tâm lý người Mỹ đã cho thấy trong số các nhân tố quyết định tuổi thọ, đứng số 1 là ” quan hệ tốt giữa người với người “.. Họ cho rằng, quan hệ con người với con người quan trọng hơn dinh dưỡng, hơn cả việc thường xuyên luyện tập trong thời gian dài. Mối tương giao giữa người với người không chỉ bao gồm bạn bè, còn bao gồm quan hệ gia đình. Vì thế, gia đình hòa thuận, bạn bè tốt là một trong những yếu tố quyết định tuổi thọ con người.
4. Cho đi điều thiện sẽ nhận lại điều thiện.
Khi chúng ta cười với người khác, người khác cũng sẽ cười lại với chúng ta. Bất luận là ở cùng bạn bè hay là cùng những ngươi bạn cũ trò chuyện, hãy nhớ luôn giữ nụ cười, cho đi niềm vui.
5. Không tức giận, không sinh bệnh “
” Hiện nay, theo tổ chức y tế thế giới, trên 90% bệnh đều có liên quan tới tinh thần.
Chỉ cần chúng ta giữ tinh thần thoải mái, thì sẽ không mắc bệnh nghiêm trọng, .
6. ” Tâm phải TĨNH, Thân phải ĐỘNG ”
Biết giữ tinh thần thoải mái, là một cách dưỡng sinh, có thể không được mọi người quan tâm, vì thế mới xuất hiện ” những bệnh tiêu hóa khó chữa “, ” bệnh viêm cả đời không khỏi “..
Tâm Tĩnh thì Thân An, thân an thì khỏe mạnh, tâm an bách bệnh tiêu trừ…
Vì vậy đừng lo về ô nhiễm môi trường – Ngộ độc thực phẩm vì sự tức giận, oán ghét, ganh tỵ sẽ giết chúng ta trước khi chúng ta chết vì ..nhiễm độc !
Hiện nay, trong lĩnh vực giáo dục và chăm sóc trẻ em, có thể nói đó là một môi trường tràn ngập các thông tin về các phương pháp giáo dục cũng như các kỹ năng xử lý tình huống ngoại nhập. Nào là phương pháp Montessori, phương pháp Reggio Emilia, Glenn Doman, cho đến các kỹ năng phát triển trí tuệ cảm xúc EQ, phát triển tiềm năng nghệ thuật, phát triển 8 loại hình thông minh…
Đó là chưa kể đến hàng loạt các đầu sách hướng dẫn cha mẹ dạy con theo phương pháp của Nhật Bản, của Do Thái, của các nước có nền giáo dục nhân bản và tiên tiến đã lôi cuốn không ít gia đình để hiện diện trong các tủ sách tại nhà riêng và nhà trường.
Giữa các làn sóng kiến thức ấy, có bao giờ chúng ta tự nhủ là mình đã không để ý đến cấu trúc tâm lý trong gia đình của người Việt? để xem xét rằng các kiến thức ấy liệu mình có “tiêu hóa” nổi không ? Và nhất là có thể áp dụng một cách nhuần nhuyễn và hiệu quả khi mà chúng ta là những ông bố bà mẹ sinh ra và lớn lên trên dất nước Việt Nam, thấm đẫm những tính chất của người Việt, nhưng lại thấy rằng để dạy con trở nên một con người phát triển thì lại phải áp dụng các phương pháp của môt dân tộc nào đó, chứ trong môt đất nước có 4000 năm Văn Hiến, đâu có tìm ra một phương pháp nào khả dĩ giúp được con tôi đâu ? dù rằng đã có một kho tàng “văn hóa giáo dục” qua hàng ngàn câu ca dao – tục ngữ vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay!
Vâng quả thực không khó để tìm ra những tính cách ưu việt của các phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới, và cũng không khó để chỉ ra những hạn chế trong cách nuôi dạy con của các bà mẹ Việt Nam ! Nhưng đã có bậc phụ huynh nào có thể áp dụng một cách đầy đủ và hiệu quả các phương pháp Nhật Bản hay Do Thái cho con mình, trong một bầu không khi như một gia đình Nhật hay Gia đình Do Thái chưa ? Chắc chắn chúng ta không thể áp dung một cách toàn vẹn như người Nhật, người Do Thái những phương pháp của họ trên đất nước của chính họ. Chúng ta sẽ lý luận rằng, tôi chỉ chọn ra các yếu tố phù hợp thôi ! Nhưng phù hợp với cái gì ? Với văn hóa Việt, với suy nghĩ và nhận thức của bố mẹ hay phù hợp với khả năng phát triển của đứa trẻ cũng là dân Việt . Đây là một điều quan trọng vì rõ ràng các nền giáo dục của các nước đa phần là dựa trên sự phát triển của đứa trẻ chứ không dựa trên nhận thức của bố mẹ. Hơn thế nữa, có phải ai cũng có đủ năng lực sàng lọc được các giá trị nội tại trong các phương pháp giáo dục “ngoại nhập” – có khi cái hay thì không tìm ra, còn những cái không phù hợp với trẻ Việt, với văn hóa Việt thì cắm đầu áp dụng ! Đến khi gặp phản ứng tiêu cực từ đứa trẻ thì bắt đầu “hoang mang” hay đổi qua kiểu khác !
Thế nhưng làm sao để có thể nuôi dưỡng một đứa trẻ “thuần Việt” với những sự phát triển tâm sinh lý trong một gia đình mà từ những lời ăn tiếng nói, cách cư xử cho đến chế độ ăn uống cũng thuần Việt lại có thể tiếp nhận những tác động giáo dục của phương pháp giáo dục đến từ một nền văn hóa khác ? Hay chúng ta cho rằng, dạy con theo kiểu Nhật thì cứ dạy vì nó “ hay tuyệt” còn con cái thì cứ việc cư xử như một đứa trẻ Việt Nam, có sao đâu ? Hoặc cố gắng “Tây hóa” cho nó “ soang” ?
Hãy thử nhìn cách một đứa trẻ chào một người khác, chào một người bạn, cách đứa trẻ ăn uống và nói chuyện với bố mẹ … Trong một gia đình người Nhật, người Mỹ, người Pháp… với một gia đình người Việt… Không khó để nhận ra những sự khác biệt . Như vậy, cái nếp ăn, nếp ở đó có phải là giáo dục không ? Chúng ta liệu có thể dạy con ứng xử theo kiểu Nhật, kiểu Do Thái, kiểu Mỹ trong một bữa cơm gia đình Việt Nam hay khi tiếp xúc với một người Việt Nam khác, vừa đên chơi nhà ? Vậy nếu không thể ứng xử “ theo đúng phương pháp giáo dục” tiên tiến của nước ngoài vào các sinh hoạt hàng ngày tai nhà mình, thì chúng ta dạy trẻ bằng các phương pháp ấy để làm gì ?
Đã có khá nhiều sự xung đột văn hóa giữa giới trẻ và người lớn tuổi và cũng không ít sự xung đột trong các quan hệ bố mẹ và con cái, đôi khi dẫn đến các bi kịch vì chúng ta chưa tìm ra được cách dung hòa giữa các hệ tư tưởng mà chúng ta cho là văn minh, tiên tiến đến từ phương Tây với những triết lý mà chúng ta thường cho rằng lạc hậu, chậm tiến của nền văn Minh Đông phương hay bản địa. Có một điều ly thú là khá nhiều thế hệ khi còn là thanh thiếu niên, thì thường có những quan điểm rất Tây, tự cho là rất tiến bộ, văn minh .. thế nhưng sau khi lập gia đình, bắt đầu có con và trở nên lớn tuổi, thì lại dần dần quay lại các cách giáo dục áp đặt và lạc hậu của bố mẹ mình khi xưa lúc nào không biết, và chúng ta cho đó là tự nhiên !
Cũng có không ít gia đình Việt đã tây hóa rất nhiều trong cách sống, trong cách nuôi dạy con ..thậm chí là trò chuyện với nhau và với con bằng tiếng Pháp, tiếng Anh . Con cái đi học trường quốc tế , ăn uống theo kiểu Tây, ngủ phòng riêng, lên mạng chatchit với bạn bè khắp thế giới …chỉ thích đọc sách, xem phim, nghe nhạc nước ngoài ! Nhưng trong cách ứng xử vẫn còn có những suy nghĩ và hành động theo kiểu người Việt . Chính điều đó đã làm chúng ta khó xử và lúng túng trong cách giáo dục Vỏ tây ruột Việt để rồi vẫn vấp phải những chống đối của đứa con, hoặc có khi lại bị chúng “ leo lên đầu” hồi nào không biết ! vì Dady và Momy vẫn chỉ là hai ông bà với cái “ hồn Việt” lạc hậu hay chuyên chế của mình.
Hiện nay các phương pháp hay đúng hơn là tinh thần triết lý giáo dục của các phương pháp được du nhập trực tiếp qua các tài liệu dịch thuật mà chỉ cần dịch suông sẻ, đọc không sai văn phạm và ngữ pháp tiếng Viêt là đã hay lắm rồi, còn làm sao để Việt hóa được các sách đó thì ..đường còn xa lắm ! Do chưa Việt Hóa được cho nên dù có đọc thiên kinh vạn quyển, có nói ra các lý thuyết giáo dục rất chuẩn ISO, thì các chuyên gia giáo dục, tâm lý , đặc biệt là các chuyên gia tốt nghiệp từ nước ngoài ( đó là một cái chuẩn để đánh giá, nâng cao giá trị ) …khi tổ chức các khóa huấn luyện chuyên đề dù đã giảng rất hay . rất chuyên nghiệp..thế nhưng để đi được vào lòng người học là người Việt Nam, và hơn nữa là làm sao cho những học viên đó, khi tiếp nhận các kiến thức nuôi dạy con đó, có thể mang về dạy con cũng rất trơn tru mượt mà và có hiệu quả thì lại là một điều tưởng không khó – hóa ra khó không tưởng! Vì chuyên gia đó giảng rất đúng, nên không thể trách họ đươc, nên thường người học chỉ có trách mình là đầu đất, nên lại đợi đến các khóa sau, hay các khóa khác để học tiếp mà không nghĩ rằng việc chuyển hóa các phương pháp giáo dục từ nước ngoài để đồng hóa được với quan điểm sống của người Việt, trên đất Việt là điều không đơn giản chút nào nếu chính người dạy không có được một nền tảng triết lý giáo dục thuần Việt trong tâm hồn !
Vâng – đã đến lúc đi tìm lại cái dân tộc tính của mình với cái nhìn tích cực, để lấy lại các giá trị văn hóa mang bản sắc Việt. Không phải là ở các áo dài cách tân mà lại giống như áo Tàu hay áo Tây, không phải ở những cái Tên nửa tây nửa ta mà đọc lên không biết là người gì, cũng càng không phải ở các lời phát biểu phải chêm vào đó vài từ tiếng Anh để chứng tỏ đẳng cấp. Mà là ở các biện pháp Việt hóa các phương pháp giáo dục có giá trị từ bên ngoài đưa vào đất Việt, sao cho nó ăn ý với cái hồn Việt ở bên trong từng mái gia đình, sao cho nó hòa đồng được cái văn hóa gia đình “ Lệnh ông – Cồng bà” để “ đầu xuôi – đuôi lọt” nhắm giúp cho một đứa trẻ Việt Nam lớn lên với sự hãnh diện “ Tôi là người Việt Nam” thay vì cứ phải mãi cúi đầu đi trong một đêm dài bất tận tại một đất nước có đủ thứ nhập nhằng !
Chúng ta không khuyến khích việc đào tạo thần đồng, nhưng phụ huynh lại cần phải có sự quan tâm để nhận biết những khả năng đích thực của trẻ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho trẻ phát triển được những tài năng của mình một cách chắn chắn với sự ham thích và tính tự nguyện.
Ngay từ khi trẻ biết đi thì đã bắt đầu bộc lộ những khả năng có thể là dấu hiệu báo trước những tài năng thiên phú. Đây là những dấu hiệu cho thấy khả năng phát triển tốt nơi trẻ :
5 dấu hiệu tài năng ở trẻ dưới 3 tuổi
Biết nói sớm Trẻ có thể học nhanh và nói được nhiều từ vựng, hay đặt ra các hỏi các sự việc đến tận gốc rễ và có khả năng nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc cạnh.
Biết đọc sớm :Trẻ biết chú ý theo dõi quá trình nhận biết chữ và tranh ảnh, chỉ cần một sự gợi ý là nó biết chọn đúng quyển sách mà nó đã đọc và phát âm tốt các từ ngữ. Trẻ có sự ham thích trong việc xem các truyện tranh và cố gắng tìm kiếm cách hiểu các chữ ghi trong đó.
Thích các con số :Trẻ rất thích các con số của các vật như: số bậc thang gác, biển số các xe máy ô tô thường qua lại nhà, nhớ được các số điện thoại của người thân, đọc được các con số trong sách vở. Tuy nhiên, việc quá gắn bó, say mê các con số mà không có ý thức về số lượng ( nhiều & ít ) thì lại là một dấu hiệu nguy cơ của tình trạng Tự Kỷ, một rối loạn giao tiếp rất khó chữa trị.
Biết giải quyết vấn đề :Trẻ thích chơi các trò chơi của những đứa trẻ lớn tuổi hơn nó, tự tìm cách giải quyết các vấn đề khó của các trò chơi và đặc biệt hứng thú với các tình tiết nhỏ.
Có khả năng tập trung sự chú ý :Trẻ có thể dành nhiều thời gian để chú ý tới một sự việc từ đầu đến cuối như chuyên tâm kiên nhẫn hoàn thành một trò chơi ghép hình khó hoặc có khả năng tập trung vào một hoạt động nào đó trong một thời gian trên 15 phút.
Khi nhận ra trẻ có những dấu hiệu này, các bậc cha mẹ nên có những hỗ trợ thích hợp để giúp trẻ phát triển tốt hơn những khả năng sẵn có của mình và tìm hiểu xem cháu có xu hướng thiên về hướng nội hay hướng ngoại để định hướng phát triển cho phù hợp.
Biện pháp giúp trẻ phát triển:
Có rất nhiều những biện pháp khác nhau để giúp cho một cháu bé phát triển năng lực thông qua tập luyện, nhưng có hai biện pháp đơn giản kích thích một cách tự nhiên các năng lực của trẻ là:
Tạo bầu khí thoải mái cho trẻ :Chúng ta không cần phải tốn tiền để mua các trò chơi đắt tiền, chỉ cần tạo cho trẻ một hoàn cảnh để nó phát huy được hết sức tưởng tượng của nó, cho dù xung quanh nó chỉ có các hộp giấy, thảm trải giường, chăn gối và các đồ vật có sẵn trong phòng.
Trò chơi sáng tạo rất quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ, nhất là trẻ có kha năng lại rất cần có cơ hội để thể hiện mình, nó tự biết thông qua trí tưởng tượng để hình dung và tìm hiểu thế giới.
Tạo hứng thú học tập :Trẻ nhỏ ham thích và hứng thú tham gia các loại trò chơi, có thể đối với bạn thì rất nhạt nhẽo đơn điệu nhưng với trẻ nhỏ lại có thể là một sự hứng thú ngoài ý muốn. Cho nên cần tạo cơ hội để trẻ nhỏ được rèn luyện trí lực trong cuộc sống thường ngày.
Bên cạnh hai yếu tố trên, phụ huynh có thể áp dụng một số các kỹ thuật dưới đây để nâng cao khả năng cho trẻ:
Cùng trẻ ghi nhớ và tính toán hoá đơn mua hàng :Khi dẫn trẻ đi siêu thị có thể cho trẻ tự chọn các loại rau và hoa quả hoặc để trẻ tính toán hôm nay tiêu mất bao nhiêu tiền, có thể trẻ sẽ rất hứng thú làm theo gợi ý của bạn.
Nên sắp xếp thời gian cùng đọc và xem với trẻ :Sách không những là bậc thang trí thức mà còn là chiếc cầu nối cho mối quan hệ giữa bố mẹ và con, nên khi kể chuyện cho trẻ bạn nên ngồi bên cạnh và ôm ấp trẻ, giây phút ấm áp đó sẽ làm cho trẻ càng hứng thú đọc và nghe bạn kể chuyện. Để cho trẻ tự chọn một quyển sách rồi nói cho trẻ cách xem tranh minh hoạ, quan hệ giữa tranh và lời trong sách.
Cùng trẻ nhẩm lời ca của bài hát :Đa số trẻ nhỏ đều thích hát, có thể lợi dụng điểm này để giúp trẻ học tiết tấu và luật gieo vần trong các bài đồng dao, điều này sẽ giúp trẻ tăng cường khả năng ghi nhớ.
Chơi trò chơi ghép hình :Trò chơi ghép hình đơn giản nhưng có thể tạo nên các phản ứng nhạy bén. Khi trẻ nhỏ tự nó hoàn thành một trò chơi ghép hình nó sẽ có một sự phấn khởi khác thường với thành tựu của mình.
Kiểm tra khả năng phát triển
Để có thể biết một cách chắc chăn là con mình có khả năng phát triển tốt, chúng ta có thể đưa ra các câu hỏi để xem trẻ có thể đáp ứng được một cách tốt nhất hay không ?
Các câu hỏi cho trẻ trên 5 tuổi
Nhớ và thuộc một bài thơ, một đoạn văn.
Chú ý tới sự thay đổi tính tình của bạn, quan sát thấy bạn lúc nào thì đau buồn hay vui sướng.
Thường có những câu hỏi như tại sao, lúc nào sẽ bắt đầu, sao thế này mà không thế kia…?
Ít khi thấy trống vắng, không biết làm gì. ( lúc nào cũng có thể nghĩ ra được việc để làm)
Cử chỉ khéo léo, nhịp nhàng.
Có thể múa và hát theo nhạc.
Thường hỏi những câu như sấm chớp là cái gì, sao lại có mây…?
Nếu bạn thay đổi một vài từ quen thuộc trong câu chuyện, trẻ lập tức sửa lại ngay.
Tập đi xe đạp, trượt patin một cách dễ dàng.
Rất thích đóng kịch, thích bịa ra một câu chuyện và đóng vai chính trong chuyện.
Đi qua phố ngõ, nhận được ra nơi nào trẻ đã đi qua.
Thích vẽ và vẽ được tranh, bản đồ.
Thích nghe nhạc, dựa vào âm thanh đoán được nhạc cụ gì.
Giỏi bắt chước động tác và cách diễn cảm của người khác.
Thích phân loại đồ chơi theo kích thước to nhỏ và màu sắc, đồ chơi có hình dáng gì cũng hấp dẫn trẻ.
Hay gắn liền hành động với tình cảm, ví dụ nói: “em bực nên mới làm thế”.
Thích kể chuyện và kể rất sinh động.
Có thể phân biệt được các tiếng động khác nhau.
Mới gặp ai đó lần đầu, trẻ thường liên tưởng đến một khuôn mặt quen thuộc.
Có thể phán đoán chính xác được rằng mình có thể làm được gì, không làm được gì.
Nếu trẻ đạt được trên 10 trong tổng số 20 yêu cầu trên, trẻ đã có được mức thông minh trên trung bình và cần được quan tâm, bồi dưỡng để trẻ phát triển tốt hơn.
Nếu trẻ đạt dưới 10 yêu cầu hay các yêu cầu chỉ ở mức trung bình, tạm được thì cũng là điều bình thường và chúng ta không nên đòi hỏi ở trẻ những yêu cầu cao.
Các bậc phụ huynh cũng có thể dựa vào các khả năng này để có thể đưa ra một số những biện pháp tác động cho trẻ, nhưng nên nhớ rằng tất cả phải dựa trên sự khuyến khích, gợi ý và tự nguyện. Sự ép buộc hay dụ dỗ dưới bất cứ hình thức nào đều không đạt được kết quả tốt.
Khi nói đến trí thông minh ở trẻ em , chúng ta thường nghĩ đến một em học sinh mặt mày sáng sửa, học đâu nhớ đó, làm toán giỏi, viết văn hay, học bài nhanh thuộc … và dĩ nhiên là em học sinh đó, sau này khi lớn lên sẽ rất thành công trong cuộc sống.
Để đo lường được trí thông minh, người ta dùng hệ số IQ ( Intelligence Quotient ) – Hệ số này được đáng giá thông qua khả năng trí lực, năng lực học hỏi, khả năng hiểu và xử lý tình huống, năng lực suy nghĩ logic, phản biện, sự nhạy bén trong suy nghĩ… Trí thông minh có thể được đo tổng quát trong mọi lĩnh vực, và được đo theo từng lĩnh vực cụ thể. Khái niệm này được hình thành từ những năm 1912 và đã “ độc quyền thống trị” trong việc đánh giá phẩm chất dẫn đến sự thành công của con người trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, IQ không phải chỉ là một dạng thức duy nhất để nói về trí thông minh, Nhà Tâm lý hoc kiêm giáo sư thần kinh Howard Garner tại đại học Harward vào năm 1983 đã đưa ra thuyết Đa Thông Minh, cho thấy con người có đến 8 loại hình thông minh khác nhau. Như vậy, một trẻ được đánh giá là học kém, không thể đứng lên trả bài một cách nhanh chóng… vẫn có thể được xem là một đứa trẻ thông minh, nếu em đó giỏi về vận động hay có khả năng trong các hoạt động ngoài trời.
Đến năm 1990, nhà tâm lý học Peter Salovey ở ĐH Yale và John Mayer ở ĐH New Hampshire đã đưa ra thuật ngữ Trí thông minh cảm xúc (Emotional Intelligence, hoặc Emotional Quotient – EQ). đây là năng lực, khả năng hay kỹ năng của một người trong việc cảm nhận, đánh giá, và quản lý cảm xúc của bản thân, của người khác hay của một nhóm người.
Sau đó, trong một số nghiên cứu khoa học cho thấy chỉ 25% số người thành công là có chỉ số IQ cao hơn trung bình. Nghĩa là chỉ số IQ không giải thích được sự thành công vượt trội của 75% số người còn lại. Kết quả nghiên cứu đã loại yếu tố về năng lực chuyên môn. Cuối cùng những người nghiên cứu khẳng định rằng chỉ số EQ mới là yếu tố quyết định sự thành công trong cuộc sống và công việc của mỗi chúng ta. Có câu nói “Với IQ người ta tuyển lựa bạn, nhưng với EQ, người ta đề bạt bạn”. Những người thành đạt không phải là người có IQ cao nhất mà có EQ cao nhất.
Năng lực cảm xúc trong môi trường làm việc
Trong khi chỉ số thông minh IQ ít khi thay đổi theo thời gian, thì chỉ số thông minh cảm xúc EQ có thể được học tập và cải thiện vào bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời hay trong bất cứ môi trường nào. Để thành công trong môi trường làm việc, ông Daniel Goleman – người được xem là nhà nghiên cứu hàng đầu về EQ hiện nay đã đề xuất chúng ta phải có những năng lực xúc cảm cá nhân gồm:
năng lực tự nhận biết bản thân, năng lực tự điều chỉnh, năng lực tạo động lực;
và những năng lực thông minh xúc cảm xã hội gồm:
năng lực thấu cảm với người khác và năng lực giao tiếp xã hội..
EQ một phần là bẩm sinh nhưng cũng do giáo dục, rèn luyện mà có được. Việc giáo dục tình cảm phải được thực hiện từ khi trẻ còn nhỏ, hệ thần kinh chưa trưởng thành, có nhiều cơ hội tiếp nhận những cảm xúc mới.
EQ không đối lập với IQ, mà mục đích của giáo dục là phát triển song song hai chỉ số này. Có những người được thiên phú cả hai, nhưng không ít người lại thiếu cả hai.
Khác với IQ đã xây dựng được một hệ thống trắc nghiệm, đo bằng con số cụ thể, EQ chưa có được một công thức tính toán riêng, vì trí thông minh xúc cảm là một phẩm chất phức tạp, biểu hiện qua những cái khó thấy như sự tự ý thức, sự thấu cảm, tính kiên trì, lạc quan, tính quyết tâm và khả năng hoạt động xã hội.
Càng ngày, người ta càng cho rằng EQ quan trọng hơn IQ. Những người thành đạt không phải là người có IQ cao nhất mà có EQ cao nhất.
Ngoài ra, ngoài ra người ta còn thấy rằng, không chỉ là IQ hay EQ đã là đủ để đưa con em chúng ta đến sự thành công, mà còn phải có sự tác động của một yếu tố, đó là khả năng hay chỉ số vượt khó AQ
Hẳn là trong chúng ta, vẫn còn nhiều người nhớ đến em học sinh Trần Bình Gấm cư ngụ tại Sai Gòn, là một em học sinh nghèo vừa học vừa bán khoai, bán vé số, không những chỉ tốt nghiệp cấp 3 một cách xuất sắc, mà còn thi đậu vào cả 3 trường là trường Đại học Y Dược, Trung tâm đào tạo cán bộ y tế TP.HCM và trường Đại học Khoa học tự nhiên .
Trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay, tại Thanh Hóa, lại có một học sinh đặc biệt, em Lê Thị Thắm, một thiếu nữ bị khuyết tật cả hai tay đã kiên trì vượt qua tất cả những khó khăn trong việc học, em đã tập dùng viết bằng chân đê có thể dự thi xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học như hàng trăm thí sinh khác.
Chúng ta thấy, qua hai trường hợp trên đây, rõ ràng là các chỉ số IQ hay EQ cũng không thể giúp được các em nếu không có một sức mạnh xuất phát từ lòng kiên trì tập luyện, học tập đề vượt qua những gian khổ của khó nghèo hay tình trạng khuyết tật của bản thân .
Thế nào là Chỉ số vượt khó – AQ?
Năm 1997, nhà tâm lý học người Mỹ Paul Stoltz lần đầu tiên đưa ra 1 khái niệm mới: AQ (Adversity Quotient) trong cuốn sách “Adversity Quotient: Turning Obstacles into Opportunities” (AQ: Xoay chuyển trở ngại thành cơ hội). Trong đó, ông định nghĩa, AQ là đại lượng đo khả năng đối diện và xoay sở của một người trước các thay đổi, áp lực và các tình huống khó khăn.
Tại sao một số người trở nên xuất chúng, rất thành công, trong khi những người khác lại nản lòng, thất bại cho dù họ có thừa thông minh hoặc tư cách tốt? Điểm khác nhau giữa họ chính là sự chênh lệch về AQ – khả năng đương đầu và đương đầu có hiệu quả trước bất hạnh và nghịch cảnh.
Trong cuốn sách xuất bản sau đó, Adversity Quotient @ Work, bàn kỹ hơn về vấn đề tương tự, ông giải thích cụ thể hơn cách thức áp dụng khái niệm AQ, để có thể mang lại lợi ích.
Paul Sloltz đã phát triển khá nhiều ý tưởng của mình từ những nhà tâm lý học đi trước, như Abraham Maslow, tác giả của tháp Maslow nổi tiếng; từ Martin Seligman, tác giả của sách “Học lạc quan”, và Stephen R. Covey, tác giả của “7 thói quen của người thành đạt”.
Nhiều nhà tâm lý đã ủng hộ rất nhiệt tình cho thuyết AQ này. Điều này góp phần khẳng định, việc lượng hóa những phẩm chất tâm lý bậc cao là một điều có thề làm được như đã từng làm với trí tuệ (IQ) và cảm xúc (EQ).
Các dạng Thông minh vượt khó :
Paul Sloltz cho rằng, những người có AQ thấp thường dễ xúc động và dễ buông xuôi trước nhiều vấn đề trong cuộc sống. Trong khi, những người có AQ cao sẽ ít khi đầu hàng và dễ dàng trở thành lãnh đạo trong tương lai.
Ông phân định ra 3 dạng người dựa trên cách thức họ đối diện với những khó khăn, thử thách trong cuộc đời. Đó là: Quitter, Camper và Climber.
Quitter: ( người bỏ cuộc ) Là những người dễ buông xuôi. Họ dễ dàng nản chí, dễ dàng từ bỏ việc theo đuổi 1 công việc, 1 dự định và cao hơn là 1 mục đích sống. Và, kết quả là thường giữa đường đứt gánh, và nhận thất bại, hoặc kết quả không như ý.
Camper: ( người kiên trì ) Là những người chịu khó, làm việc chăm chỉ, có ý thức phấn đấu rèn luyện bản thân, và sẽ làm nhiều thứ để đạt tới 1 mức độ nhất định nào đó trong cuộc sống. Tuy nhiên, họ dễ hài lòng và thoả hiệp với bản thân để thấy như vậy là đủ.
Climber: ( người chinh phục ) Là những người có sự kiên định và hoài bão lớn. Họ luôn học hỏi, rèn luyện bản thân, nỗ lực cố gắng để đạt tới những mức độ tốt nhất có thể trong khả năng. Họ cũng thường là loại người không chấp nhận 1 tình thế sẵn có, và tìm cách xoay sở để cải thiện nó tốt hơn.
Theo đó, ông coi chỉ số đo khả năng vượt qua những điều kiện khó khăn là yếu tố lớn nhất trong những phẩm chất tạo nên sự thành công cho con người.
Theo Paul Sloltz, chỉ số AQ có thể đo mức độ hoài bão, nỗ lực, sự sáng tạo, năng lượng, sức khoẻ lý tính, xúc cảm và hạnh phúc của một người. Nó cũng chính là một chỉ báo về 4 mức độ cao thấp của bản lĩnh sống:
Đối diện khó khăn – Xoay chuyển cục diện
Vượt lên nghịch cảnh – Tìm được lối ra.
Làm sao rèn luyện được Ý chí vượt khó :
Theo quan niệm của nhiều người, IQ và EQ là những khái niệm “fix”, có nghĩa là phần nhiều thuộc về “thiên phú”, khó có khả năng thay đổi. Trong khi đó, AQ là đại lượng có thể được rèn luyện để “cải thiện, nâng cấp”.
Như vậy, làm sao để có thể có được khả năng vượt khó, chúng ta hãy áp dụng 6 nguyên tắc sau đây để rèn luyện AQ cho mình
Biết khả năng hạn chế của mình khi thật sự thua kém người khác .
Biết chấp nhận sự thất bại mà không đổ thừa hay thất vọng
Luôn kiên định lập trường trong mọi hoàn cảnh
Biết đặt ra mục tiêu và nhắc nhở mình phải cố gắng đạt được
Biết hãnh diện về những thành công của mình
Không trong chờ vào vận may của số phận
Đó là những nguyên tắc trong cuộc sống, còn với con em chúng ta, thì chúng ta hãy hướng dẩn các em trong công việc của mình, từ việc học cho đến các hoạt động trong cuộc sống, phải biết chia nhỏ các mục tiêu, chọn những mục tiêu dễ để thực hiện trước một cách kiên trì . Các em cũng cần phải hoạt động, vận động tập luyện thể lực một cách thường xuyên, biết mở rộng các mối quan hệ bạn bè và biết cách tưởng thưởng, khen ngợi với những thành công dù nhỏ bé của mình.
Chúng ta cũng nhớ rằng : Sự tự tin , biết định hướng cho mục tiêu, biết thích nghi với môi trường bên ngoài , biết học tập noi gương , có tinh thần trách nhiệm và nhất là có sự kiên nhẫn trong mọi hoạt động sẽ giúp cho các em phát huy được trí tuệ vượt khó một cách hiệu quả nhất .
Làm thế nào để nhận biết các các hệ số thông minh ?
Đến đây chúng ta đã thấy được tầm quan trọng của các hệ số thông minh như IQ, EQ, và AQ và cũng hiểu rằng có thể cải thiện được các hệ số này. Nhưng công cụ gì sẽ giúp cho chúng ta nhận biết một cách khoa hoc và chính xác nhất về các hệ số này.
Đó là việc áp dụng Sinh trắc Dấu vân tay – để có thể phân tích mối liên hệ giữa dấn vân tay vào não bộ, từ đó có thể phát hiện ra những tố chất và tính cách bẩm sinh của con người. Một bản báo cáo phân tích về dấu vấn tay của con em, sẽ là một bức tranh đầy dủ các chi tiết về các chỉ số IQ, EQ, AQ, CQ .. và 8 loại hình thông minh mà các em sở hữu.
Là cha mẹ, hẳn chúng ta đã từng băng khoăn về những vấn đề như :
Tại sao có trẻ hấp thụ kiến thức nhanh và dễ dàng, lại có trẻ lại khó khăn và chậm chạp. Có những trẻ thích thú với việc học, có trẻ lại lười biếng và cảm thấy bị ức chế ? Có trẻ không cần phải học thêm và cũng có những trẻ không thể tiến bộ nếu không có sự nhắc nhở hướng dẫn của gia sư ?
Cũng có trẻ có thể tập trung tốt, trong khí có trẻ lại quậy phá ? có trẻ rất nghe lời và có những trẻ luôn chống đối ? tại sao có trẻ luôn vui vẻ và cũng có trẻ luôn cáu gắt ?
Chúng tay hãy :
KHÁM PHÁ NGAY CHÌA KHÓA VÀNG ĐỂ MỞ CÁNH CỬA TỚI CON ĐƯỜNG THÀNH CÔNG CỦA CON BẠN TRONG CUỘC SỐNG VÀ SỰ NGHIỆP BẰNG PHƯƠNG PHÁP SINH TRẮC HỌC DẤU VÂN TAY.
Những Giá trị mà sinh trắc có thể đem lại cho con cái của bạn :
Phát hiện tố chất và tính cách bẩm sinh của trẻ.
Phân tích các chỉ số IQ, EQ, AQ, CQ mà trẻ sở hữu.
Phân tích 8 loại hình thông mình của trẻ trong thời kì vàng.
Phân tích chỉ số TFRC – Thể hiện mật độ tế bào thần kinh trên vỏ não – Giá trị tiềm năng của bộ não.
Phương pháp tiếp nhận thông tin hiệu quả VAK (Quan sát, nghe, vận động).
Phân tích chỉ số ATD – Thể hiện khả năng tiếp thu của trẻ (Mức độ nhanh chậm).
Thiên hướng nghề nghiệp phù hợp của trẻ.
Hiểu trẻ để nuôi và dạy trẻ được tốt.
Cấu trúc thùy não của trẻ (Thùy trước trán, thùy đỉnh, thùy chẩm, thùy trán, thùy thái dương).
Các phương thức phát triển não bộ cho trẻ.
Chỉ ra phương pháp học tập và rèn luyện phù hợp cho từng trẻ.
Phương pháp kích thích các chỉ số thông minh cho trẻ.
Không những thế , các em còn được tiến hành các trắc nghiệm ( Test ) Tâm lý để được phát hiện một cách đầy đủ các khả năng về trí tuệ – về nhậ thức – vận động – ngôn ngữ – giao tiếp qua đó sẽ đươc hướng dẫn những biện pháp tốt nhất dể giúp các em phát triển một cách tối đa tất cả các tiềm năng có sẵn trong con người của mình.
AQ (Adversity Quotient) là chỉ số đo khả năng đối xử/quản lý nghịch cảnh, khó khăn, stress, gọi tắt là chỉ số vượt khó.
Bên cạnh những đại lượng quá quen thuộc như IQ (chỉ số thông minh) hay EQ (chỉ số cảm xúc), AQ hiện được coi là một trong những chỉ số định lượng các phẩm chất tạo nên thành công của con người.
Bạn thuộc dạng thông minh nào?
IQ đã lỗi thời?
Bạn tự hào về chỉ số IQ (Intelligence Quotient – chỉ số thông minh) của mình. Nó có thể thể hiện trí thông minh “thô” của bạn, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, nó chỉ là 1 yếu tố nhỏ tạo nên thành công.
Manh nha hình thành từ năm 1912, khái niệm IQ đã “thống trị” khá lâu trong quan niệm về thước đo phẩm chất dẫn đến thành công của con người. IQ, theo quan niệm phổ thông, thường được mặc định song hành với khả năng tư duy. Tuy nhiên, sau này, nhà tâm lý học Howard Garner đã mở rộng khái niệm IQ, khi chứng minh sự tồn tại của 8 dạng thức thông minh khác nhau và các yếu tố này đều ảnh hưởng đến thành công của một người.
Năm 1995, Daniel Goleman đã giới thiệu 1 khái niệm mới: Năng lực xúc cảm (EQ – Emotional Intelligence) như một yếu tố cơ bản dẫn đến thành công. Sự phát hiện này giải thích tại sao 1 số người không thông minh lý tính (IQ) nhưng có sự nhạy cảm cao lại thành công hơn những người có chỉ số IQ cao.
Năm 1997, nhà tâm lý học người Mỹ Paul Stoltz lần đầu tiên đưa ra 1 khái niệm mới: AQ (Adversity Quotient) trong cuốn sách “Adversity Quotient: Turning Obstacles into Opportunities” (AQ: Xoay chuyển trở ngại thành cơ hội). Trong đó, ông định nghĩa, AQ là đại lượng đo khả năng đối diện và xoay sở của một người trước các thay đổi, áp lực và các tình huống khó khăn.
Trong cuốn sách xuất bản sau đó, Adversity Quotient @ Work, bàn kỹ hơn về vấn đề tương tự, ông giải thích cụ thể hơn cách thức áp dụng khái niệm AQ, để có thể mang lại lợi ích.
Tác giả khẳng định, AQ giải thích tại sao một số người không hẳn thông minh, hay được giáo dục tốt, đồng thời thiếu hiểu biết xã hội, mà lại thành công trong khi nhiều người khác thất bại.
Được viết ra trên cơ sở tích luỹ kinh nghiệm thực tế từ nhiều nghiên cứu với hàng ngàn giám đốc điều hành và nhân viên trong hàng trăm lĩnh vực kinh doanh đa dạng, cuốn sách này đã nhanh chóng trở thành handbook (sổ tay) bí quyết thành công ở nhiều tập đoàn, tổ chức.
Chỉ số thông minh (IQ INTELLIGENCE QUOTIENT)
IQ là chỉ số thông dụng nhất trong các loại chỉ số đánh giá về mặt nhân lực. Kiến thức kỹ thật cơ bản và kỹ thuật sống cơ bản liên quan đến lĩnh vực học tập để các chỉ số thông minh như : toán và khoa học ngày càng được nâng cao.
Chỉ số cảm xúc (EQ EMTIONAL QUOTIENT)
EQ là chỉ số được công nhận là công cụ quan trọng trong việc dự đoán khả năng thành đạt. Người có EQ tốt là người nhận thức và chế ngự tốt các cảm xúc của mình và của người khác, có lòng cảm thông, luôn luôn biết làm mới cảm xúc, biết phân biệt các cảm xúc tốt và xấu, có khả năng giao tiếp xã hội thuần thục. Từ đó mới có thể thúc đẩy tinh thần làm việc tập thể và thiết lập được các mối quan hệ giữa cá nhân với nhau nhằm đạt được hiệu quả như ý muốn
Chỉ số sáng tạo (CQ CREATIVITY QUOTIENT)
Sáng tạo là học hỏi, suy tư để tìm ra các giải pháp mới tốt hơn, hiệu quả hơn. Tinh thần sáng tạo là một tiền đề mũi nhọn cho cả quá trình đổi mới. CQ phục vụ cho những cải thiện và cách tân liên tục, có thể tạo ra và tăng thêm giá trị cho sản phẩm, cho dịch vụ, cho ngay chính công việc chúng ta đang làm. CQ là một nguồn lực vĩ đại cho lợi thế cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.
Chỉ số vượt khó (AQ ADVERSITY QUOTIENT)
AQ (Adversity Quotient) là chỉ số đo khả năng đối xử/quản lý nghịch cảnh, khó khăn, stress, gọi tắt là chỉ số vượt khó.
Paul Sloltz đã phát triển khá nhiều ý tưởng của mình từ những nhà tâm lý học đi trước, như Abraham Maslow, tác giả của tháp Maslow nổi tiếng; từ Martin Seligman, tác giả của sách “Học lạc quan”, và Stephen R. Covey, tác giả của “7 thói quen của người thành đạt”.
Nhiều nhà tâm lý đã ủng hộ rất nhiệt tình cho thuyết AQ này. Điều này góp phần khẳng định, việc lượng hóa những phẩm chất tâm lý bậc cao là một điều có thể làm được như đã từng làm với trí tuệ (IQ) và cảm xúc (EQ). Paul Sloltz cho rằng, những người có AQ thấp thường dễ buông xuôi trước nhiều vấn đề trong cuộc sống. Trong khi, những người có AQ cao sẽ ít khi đầu hàng và dễ dàng trở thành lãnh đạo trong tương lai.
Ông phân định ra 3 dạng người dựa trên cách thức họ đối diện với những khó khăn, thử thách trong cuộc đời. Đó là: Quitter, Camper và Climber.
Theo 1 cuộc điều tra xã hội học, với hơn 150.000 lãnh đạo doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực trên thế giới, có nhiều người thuộc tuýp Quitter (5 -20%), phần lớn thuộc dang Camper (65-90%), và chỉ có rất hiếm người thuộc dạng Climber.
Quitter: Là những người dễ buông xuôi. Họ dễ dàng nản chí, dễ dàng từ bỏ việc theo đuổi 1 công việc, 1 dự định và cao hơn là 1 mục đích sống. Và, kết quả là thường giữa đường đứt gánh, và nhận thất bại, hoặc kết quả không như ý.
Camper: Là những người chịu khó, làm việc chăm chỉ, có ý thức phấn đấu rèn luyện bản thân, và sẽ làm nhiều thứ để đạt tới 1 mức độ nhất định nào đó trong cuộc sống. Tuy nhiên, họ dễ hài lòng và thoả hiệp với bản thân để thấy như vậy là đủ.
Climber: Là những người có sự kiên định và hoài bão lớn. Họ luôn học hỏi, rèn luyện bản thân, nỗ lực cố gắng để đạt tới những mức độ tốt nhất có thể trong khả năng. Họ cũng thường là tuýp người không chấp nhận 1 tình thế sẵn có, và tìm cách xoay sở để cải thiện nó tốt hơn.
Theo đó, ông coi chỉ số đo khả năng vượt qua những điều kiện khó khăn là yếu tố lớn nhất trong những phẩm chất tạo nên sự thành công cho con người.
Theo Paul Sloltz, chỉ số AQ có thể đo mức độ hoài bão, nỗ lực, năng lượng, sức khoẻ lý tính, xúc cảm và hạnh phúc của một người. Nó cũng chính là một chỉ báo về 4 mức độ cao thấp của bản lĩnh sống:
Đối diện khó khăn
Xoay chuyển cục diện
Vượt lên nghịch cảnh
Tìm được lối ra
AQ là đại lượng có thể được rèn luyện để “cải thiện, nâng cấp”.
Còn bạn, đã bao giờ bạn tự định lượng chỉ số AQ của mình?
Bạn có thể làm:
Have tagets and goals – Sống có mục đích và đạt được mục đích
2. Smile always – Luôn luôn mỉm cười
3. Share the happiness with others – Hãy chia sẻ hạnh phúc với người khác
4. Willing to help others – Sẵn sàng giúp đỡ người khác
5. Keep a childlike heart – Hãy giữ cho tâm hồn luôn trong sáng
6. Get on well with different kinds of people – Hoà đồng với tất cả mọi người
7. Keep the sense of humor – Có được sự thông minh & hóm hỉnh
8. Keep calm when surprrise comes – Giữ được bình tĩnh trong mọi tình huống
9. Forgive others – Biết tha thứ cho người khác
10. Have some really good friends – Nên có một vài người bạn chân tình
11. Always work in a team – Luôn luôn làm việc với tinh thần đồng đội
12. Enjoy the family gathering time – Dành thời gian vui vẻ cùng gia đình
13. Be confident and proud of yourself – Có sự tự tin và kiêu hãnh của bản thân
14. Respect the weak – Đừng nghĩ mình hèn kém
15. Indulge yourself sometimes – Hãy đeo đuổi đam mê của mình
16. Work from time to time – Làm việc quên thời gian
17. Be brave and courageous – Có niềm tin và sự can đảm
18. Finaly don’t be a money grubber- Cuối cùng đừng lo lắng về tiền bạc
ST/2013