Trầm cảm tuổi Teen
20/10/2017
TRẺ THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
07/12/2017
Trầm cảm tuổi Teen
20/10/2017
TRẺ THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
07/12/2017

Hiện nay, trong lĩnh vực giáo dục và chăm sóc trẻ em, có thể nói đó là một môi trường tràn ngập các thông tin về các phương pháp giáo dục cũng như các  kỹ năng xử lý tình huống ngoại nhập. Nào là phương pháp Montessori, phương pháp Reggio Emilia, Glenn Doman, cho đến các kỹ năng phát triển trí tuệ cảm xúc EQ, phát triển tiềm năng nghệ thuật, phát triển 8 loại hình thông minh…

Đó là chưa kể đến hàng loạt các đầu sách hướng dẫn cha mẹ dạy con theo phương pháp của Nhật Bản, của Do Thái, của các nước có nền giáo dục nhân bản và tiên tiến đã lôi cuốn không ít gia đình để hiện diện trong các tủ sách tại nhà riêng và nhà trường.

Giữa các làn sóng kiến thức ấy, có bao giờ chúng ta tự nhủ là mình đã không để ý đến cấu trúc tâm lý trong gia đình của người Việt? để xem xét rằng các kiến thức ấy liệu  mình có “tiêu hóa” nổi không ? Và nhất là có thể áp dụng một cách nhuần nhuyễn và hiệu quả khi mà  chúng ta là những ông bố bà mẹ sinh ra và lớn lên trên dất nước Việt Nam, thấm đẫm những tính chất của người Việt, nhưng lại thấy rằng để dạy con trở nên một con người phát triển thì lại phải áp dụng các phương pháp của môt dân tộc nào đó, chứ trong môt đất nước có 4000 năm Văn Hiến, đâu có tìm ra một phương pháp nào khả dĩ giúp được con tôi đâu ? dù rằng đã có một kho tàng “văn hóa  giáo dục” qua hàng ngàn câu ca dao – tục ngữ vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay!

Vâng quả thực không khó để tìm ra những tính cách ưu việt của các phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới, và cũng không khó để chỉ ra những hạn chế trong cách nuôi dạy con của các bà mẹ Việt Nam ! Nhưng đã có bậc phụ huynh nào có thể áp dụng một cách đầy đủ và hiệu quả các phương pháp Nhật Bản hay Do Thái cho con mình, trong một bầu không khi như một gia đình Nhật hay Gia đình Do Thái chưa ? Chắc chắn chúng ta không thể áp dung một cách toàn vẹn như người Nhật, người Do Thái những phương pháp của họ trên đất nước của chính họ. Chúng ta sẽ lý luận rằng, tôi chỉ chọn ra các yếu tố phù hợp thôi ! Nhưng phù hợp với cái gì ? Với văn hóa Việt,  với suy nghĩ và nhận thức của bố mẹ hay phù hợp với khả năng phát triển của đứa trẻ cũng là dân Việt . Đây là một điều quan trọng vì rõ ràng các nền giáo dục của các nước đa phần là dựa trên sự phát triển của đứa trẻ chứ không dựa trên nhận thức của bố mẹ. Hơn thế nữa, có phải ai cũng có đủ năng lực sàng lọc được các giá trị nội tại trong các phương pháp giáo dục “ngoại nhập” – có khi cái hay thì không tìm ra, còn những cái không phù hợp với trẻ Việt, với văn hóa Việt thì cắm đầu áp dụng ! Đến khi gặp phản ứng tiêu cực từ đứa trẻ thì bắt đầu “hoang mang” hay đổi qua kiểu khác !

Thế nhưng làm sao để có thể nuôi dưỡng một đứa trẻ “thuần Việt” với những sự phát triển tâm sinh lý trong một gia đình mà từ những lời ăn tiếng nói, cách cư xử  cho đến chế độ ăn uống cũng thuần Việt lại có thể tiếp nhận những tác động giáo dục của phương pháp giáo dục đến từ  một nền văn hóa khác ?  Hay chúng ta cho rằng, dạy con theo kiểu Nhật thì cứ dạy vì nó “ hay tuyệt” còn con cái thì cứ việc cư xử như một đứa trẻ Việt Nam, có sao đâu ? Hoặc cố gắng “Tây hóa” cho nó “ soang” ?

Hãy thử nhìn cách một đứa trẻ chào một người khác, chào một người bạn, cách đứa trẻ ăn uống và nói chuyện với bố mẹ … Trong một gia đình người Nhật, người Mỹ, người Pháp… với một gia đình người Việt… Không khó để nhận ra những sự khác biệt . Như vậy, cái nếp ăn, nếp ở đó có phải là giáo dục không ? Chúng ta liệu có thể dạy con ứng xử theo kiểu Nhật, kiểu Do Thái, kiểu Mỹ  trong một bữa cơm gia đình Việt Nam hay khi tiếp xúc với một người Việt Nam khác, vừa đên chơi nhà ? Vậy nếu không thể ứng xử “ theo đúng phương pháp giáo dục” tiên tiến của nước ngoài vào các sinh hoạt hàng ngày tai nhà mình, thì chúng ta dạy trẻ  bằng các phương pháp ấy để làm gì ?

Đã có khá nhiều sự xung đột văn hóa giữa giới trẻ và người lớn tuổi và cũng không ít sự xung đột trong các quan hệ bố mẹ và con cái, đôi khi dẫn đến các bi kịch vì chúng ta chưa tìm ra được cách dung hòa giữa các hệ tư tưởng mà chúng ta cho là văn minh, tiên tiến đến từ phương Tây với những triết lý mà chúng ta thường cho rằng lạc hậu, chậm tiến của nền văn Minh Đông phương hay bản địa. Có một điều ly thú là khá nhiều thế hệ  khi còn là thanh thiếu niên, thì thường có những quan điểm rất Tây, tự cho là rất tiến bộ, văn minh .. thế nhưng sau khi lập gia đình, bắt đầu có con và trở nên lớn tuổi, thì lại dần dần quay lại các cách giáo dục áp đặt và lạc hậu của bố mẹ mình khi xưa lúc nào không biết, và chúng ta cho đó là tự nhiên !

Cũng có không ít gia đình Việt đã tây hóa rất nhiều trong cách sống, trong cách nuôi dạy con ..thậm chí là trò chuyện với nhau và với con bằng tiếng Pháp, tiếng Anh . Con cái đi học trường quốc tế , ăn uống theo kiểu Tây, ngủ phòng riêng, lên mạng chatchit với bạn bè khắp thế giới …chỉ thích đọc sách, xem phim, nghe nhạc nước ngoài ! Nhưng trong cách ứng xử vẫn còn có những suy nghĩ và hành động theo kiểu người Việt . Chính điều đó đã làm chúng ta khó xử và lúng túng trong cách giáo dục Vỏ tây ruột Việt để rồi vẫn vấp phải những chống đối của đứa con, hoặc có khi lại bị chúng “ leo lên đầu” hồi nào không biết ! vì Dady và Momy vẫn chỉ là hai ông bà  với cái “ hồn Việt” lạc hậu hay chuyên chế của mình.

Hiện nay các phương pháp hay đúng hơn là tinh thần triết lý giáo dục của các phương pháp được du nhập trực tiếp qua các tài liệu dịch thuật mà chỉ cần dịch suông sẻ, đọc không sai văn phạm và ngữ pháp tiếng Viêt là đã hay lắm rồi, còn làm sao để Việt hóa được các sách đó thì ..đường còn xa lắm !  Do chưa Việt Hóa được cho nên dù có đọc thiên kinh vạn quyển, có nói ra các lý thuyết giáo dục rất chuẩn ISO, thì các chuyên gia giáo dục, tâm lý , đặc biệt là các chuyên gia tốt nghiệp từ nước ngoài ( đó là một cái chuẩn để đánh giá, nâng cao giá trị ) …khi tổ chức các khóa huấn luyện chuyên đề dù đã giảng rất hay . rất chuyên nghiệp..thế nhưng để đi được vào lòng người học là người Việt Nam, và hơn nữa là làm sao cho những học viên đó, khi tiếp nhận các kiến thức nuôi dạy con đó, có thể mang về dạy con cũng rất trơn tru mượt mà và có hiệu quả  thì lại là một điều tưởng không khó – hóa ra khó không tưởng! Vì chuyên gia đó giảng rất đúng, nên không thể trách họ đươc, nên thường người học chỉ có trách mình là đầu đất, nên lại đợi đến các khóa sau, hay các khóa khác để học tiếp mà không nghĩ rằng việc chuyển hóa các phương pháp giáo dục từ nước ngoài để đồng hóa được với quan điểm sống của người Việt, trên đất Việt là điều không đơn giản chút nào nếu chính người dạy không có được một nền tảng triết lý giáo dục thuần Việt trong tâm hồn !

Vâng – đã đến lúc đi tìm lại cái dân tộc tính của mình với cái nhìn tích cực, để lấy lại các giá trị văn hóa mang bản sắc Việt. Không phải là ở các áo dài cách tân mà lại giống như áo Tàu hay áo Tây, không phải ở những cái Tên nửa tây nửa ta mà đọc lên không biết là người gì, cũng càng không phải ở các lời phát biểu phải chêm vào đó vài từ tiếng Anh  để chứng tỏ đẳng cấp. Mà là ở các biện pháp Việt hóa các phương pháp giáo dục có giá trị từ bên ngoài đưa vào đất Việt, sao cho nó ăn ý với cái hồn Việt ở bên trong từng mái gia đình, sao cho nó hòa đồng được cái văn hóa gia đình “ Lệnh ông – Cồng bà” để “ đầu xuôi – đuôi lọt” nhắm giúp cho một đứa trẻ Việt Nam lớn lên với sự hãnh diện “ Tôi là người Việt Nam” thay vì cứ phải mãi cúi đầu đi trong một đêm dài bất tận tại một đất nước có đủ thứ nhập nhằng !

CVTL LÊ KHANH

GĐ Cty Giáo Dục Kidstime Bình Thạnh

Lưu

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý