Tác giả: Lê Khanh

  • Hãy để niềm vui dẫn lối

    Hãy để niềm vui dẫn lối

    Nếu là một phụ huynh của trẻ VIP, thì hầu như ai cũng đã từng trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau khi biết con mình…đặc biệt. Cảm xúc có thể đi từ sự phủ nhận, sốc, lo lắng hay giận dữ, sau đó là đổ lỗi cho bản thân hay cho …cả thế giới, để rồi có khi lại trầm cảm vì thương con và thương mình. Trong tất cả cảm xúc, hầu hết là tiêu cực và thường kéo dài trong một thời gian khá lâu mới có thể đi đến cảm xúc tích cực cần thiết nhất – đó là sự chấp nhận. Chúng ta phân biệt giữa sự chấp nhận việc chẩn đoán con mắc chứng tự kỷ trong giai đoạn đầu và việc chấp nhận tình trạng tự kỷ của con sau một thời gian. Khi chấp nhận chẩn đoán, điều đó chỉ có nghĩa là bố mẹ sẽ tìm hết cách để chạy chữa cho con, từ việc lặn lội tìm kiếm các cơ sở tốt, giáo viên giỏi để can thiệp…cho đến việc tham khảo đủ loại phương pháp khác nhau, từ phương pháp khoa học cho đến các phương pháp mơ hồ nhưng lại tự cho mình là hiệu quả, là thần kỳ…nhất. Nhưng có khi với tâm lý của một người ..mua vé số để cho rằng biết đâu cái phương pháp đó lại hiệu quả với con mình thì sao ?.

    Chỉ đến khi nào, sau thời gian lên bờ xuống ruộng, nghe theo không biết bao nhiêu là lời khuyên, cái đúng cái sai, cái hợp lý, cái tầm bậy…và cũng tốn kém không biết bao nhiêu là công sức và tiền của, thì may ra bố mẹ mới đạt đến ..cảnh giới là sự chấp nhận tình trạng tự kỷ của con mình, đến lúc đó mới có thể bắt đầu sự can thiệp..cho bố mẹ để đem lại các giá trị cho đứa con.

    Có những cơ sở, giáo viên và chuyên viên đã đề cập đến vai trò cần thiết của bố mẹ trong tiến trình can thiệp cho con, mà việc tham gia can thiệp cho con tại gia đình là quan trọng. Nhưng cũng không thiếu các cơ sở lại cho rằng phải cách ly gia đình, phải tập trung toàn thời gian vào việc rèn luyện bằng những biện pháp kỷ luật nghiêm khắc với những kỹ thuật lạ lùng như đứng trên con lăn, tung hứng banh và chai thủy tinh để trẻ phải tập trung cao độ, từ đó kích hoạt hệ thần kinh và có thể điều chỉnh được nhận thức, không những “chữa được bệnh tự kỷ” mà trẻ còn có thể làm được những điều thần kỳ chưa từng có trên thế giới. Còn những đơn vị khác thì nhận trẻ từ sáng đến chiều, bố mẹ khi đưa con về nhà thì chỉ cần cho con ăn ngủ là đủ, việc tập cho con tham gia các hoạt động trong là là điều không cần thiết , và chuyện dạy con như thế nào là phần của các nhà chuyên môn.

    Tuy nhiên, nếu có đề cập đến vai trò của phụ huynh, thì đa phần cũng chỉ dựa vào kỹ thuật của các phương pháp tác động khác nhau mà bố mẹ phải được đi học, được tập huấn để trở thành một chuyên gia cho chính con của mình. Điều này không sai, bởi vì rõ ràng là khi tác động trên con, bố mẹ cần có những kỹ thuật thực hành đúng bài bản, đúng kỹ thuật – Nhưng vấn đề là phương pháp nào sẽ là tốt nhất cho con ? vì phương pháp nào thì cũng được xem là phương pháp tốt nhất, cần phải áp dụng trong thời gian nhiều nhất có thể, và dùng phương pháp này để hồi phục, để chữa trị, để cho con hòa nhập với cộng đồng là hiệu quả nhất. Bao nhiêu là thuật ngữ tốt đẹp được đưa ra và lần này thì phụ huynh không còn trầm cảm hay lo lắng nữa, mà bắt đầu hoang mang … bởi vì sau khi lần lượt đi học hết khóa huấn luyện này đến buổi tập huấn khác, bê về những kiến thức kỹ năng khác nhau… như một chục món ăn bầy lên để nấu nướng, phụ huynh không biết nấu cái gì trước, nấu cái gì sau ..chưa kể là 10 điều chuyên gia dạy, mang về tới nhà thì đã rụng bớt hơn một nửa ! Chưa kịp tiêu hóa xong thì lại tiếp đến kiến thức khác… Cuối cùng, phương pháp tốt nhất mà phụ huynh lựa chọn lại là ..nhờ giáo viên về dạy cho con mình cho yên tâm!

    Tại sao lại phải chấp nhận tình trạng của con?
    Trong hầu hết những cuộc hôn nhân tan vỡ, ngoài các lý do về kinh tế thì đa phần xuất phát từ những mong đợi sự thay đổi của…đối tác ! Ai cũng biết, khi mới đến với nhau thì hầu hết chỉ thấy được những điều tốt đẹp khiến cho mình say mê. Sau đó, khi lấy nhau về thì mới phát hiện là sự thật không như mình tưởng bở, thế là xuất hiện ảo tưởng là với sức mạnh của tình yêu và lòng kiên nhẫn, mình có thể thay đổi tính cách của đối tác, y như kiểu rèn luyện cho một con cá biết ..leo cây ! Và dĩ nhiên là thất bại nếu như chúng ta không biết chấp nhận tính cách của đối tác như là điều tất yếu, vốn có của cô ấy/anh ấy – nó chỉ có thể giảm bớt, biến chuyển phần nào chứ không thể thay đổi mà chính chúng ta phải biết thích nghi và chấp nhận.

    Cũng thế, với tình trạng Tự kỷ, thì các kỹ thuật nếu tốt thì có thể làm biến đổi, cải thiện phần nào các vấn đề của trẻ đến một mức độ tốt nhất có thể, tùy vào tình trạng của con, chứ không thể “ kéo con ra khỏi” hay đưa con trở lại thiên đường …hay điều trị phục hồi… để con bình phục sau một cơn bệnh kéo dài như bao nhiêu thuật ngữ đã được sử dụng. Phương pháp điều trị dù được cho là thần kỳ đến đâu cũng hoàn toàn không thể biến một đứa trẻ thành kỷ lục gia, dù thực tế vẫn có những thiên tài tự kỷ. Nhưng các thiên tài ấy, chỉ có thể tỏa sáng băng năng lực tự có được khơi dậy trong tình trạng tự kỷ của mình. Họ vẫn là người tự kỷ với một tài năng nào đó, chứ không thể bước từ thế giới tự kỷ qua thế giới của những người bình thường mà còn có thể có thêm một tài năng thuộc nhóm “kỷ lục gia” như một thực thể đã được tô vẽ để lừa gạt phụ huynh !

    Thế nào là cảm xúc tích cực ?
    Chúng ta chấp nhận chứng tự kỷ để hình thành những cảm xúc tích cực nơi phụ huynh như yêu thương, tôn trọng, thấu cảm và lắng nghe , để từ đó tạo cho trẻ các niềm vui trong các hoạt động hàng ngày mà không quá tập trung vào việc rèn luyện các biện pháp để “cắt đứt” các hành vi kỳ cục – để dập tắt những cơn bùng nổ mà cần chuyển qua thái độ chấp nhận để nhìn nhận và phát huy những mặt tốt đẹp của trẻ dù có thể là rất ít ỏi trong thời gian đầu. Chỉ có thế thì việc vận dụng các kỹ thuật của phương pháp nào phù hợp với con mới có thể phát huy hiệu quả.

    Nói một cách đơn giản, ai cũng biết giá trị của nụ cười – bằng 10 thang thuốc bổ , nhưng cũng có nhiều người đã thấy ở con hành vi bất bình thường là cái gì cũng có thể …cười ! Một nụ cười vô hồn hay một nụ cười của sự lo lắng, căng thẳng ! Bởi thế, không phải chỉ là nụ cười, mà là các giá trị của cảm xúc được đến từ niềm vui thực sự lan tỏa từ bên trong tâm hồn của bố mẹ để hàng ngày tiếp cận và thấu cảm đến tâm hồn của con.

    Chúng ta biết rằng, trẻ đặc biệt, nhất là các bạn VIP là vô cùng nhạy cảm với những thái độ và phản ứng của phụ huynh. Nói cách khác, trẻ sẽ rất lo lắng khi cảm nhận được sự lo lắng của phụ huynh. Trẻ sẽ sợ hãi hay giận dữ khi nhận thấy sự sợ hãi hay giận dữ của phụ huynh ngay cả khi nó chưa bộc lộ ra thành các hành vi bên ngoài, điều đáng nói là trẻ chỉ cảm nhận mà không thể hiểu được bản chất hay nguyên do của sự lo lắng đó, vì thế trẻ sẽ rất căng thẳng, và sẽ có thể bộc lộ những hoảng loạn mà đến lượt chính phụ huynh lại không hiểu tại sao dù đã tìm hết cách để giải quyết.

    Với tâm thế chấp nhận tình trạng của con, biết nhìn vào các mặt tích cực của trẻ, biết hình thành các niềm vui và sự an yên cho chính mình trong việc giao tiếp với con, thì phụ huynh đã tạo ra được các cảm xúc tích cực cho bản thân, từ đó sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, và những cảm xúc tích cực ấy, từ sự yêu thương cho đến sự thấu cảm , từ sự bình tĩnh cho đến thái độ tôn trọng… tất cả những điều ấy sẽ khiến trẻ yên tâm và sẽ có được các niềm vui mà bố mẹ mang đến thông qua các hoạt động trong gia đình. Cảm xúc tích cực là sự chủ động của bản thân, cho dù chúng ta có mệt mỏi vì cơm áo gạo tiền, có đau khổ khi thấy con không nói được, không giao tiếp được với ai… Nhưng điều đó đâu có giá trị gì nếu không làm cho con có thể thay đổi ? Đâu phải hoạt động lập đi lập lại hàng chục hay hàng trăm lời nói để trẻ phải nhắc lại, là có thể giúp con phát triển ngôn ngữ. Ngôn ngữ đâu chỉ là lời nói mà ngôn ngữ là sự tương tác một cách chủ động và thấu hiểu giữa hai con người , chỉ có thể kết nối với sự cảm thông và vui thích ! Chúng ta có muốn nói chuyện với người mà ta sợ hãi hay khó chịu không ? tại sao cứ phải buộc trẻ bật âm,phải nhắc lại và phải trả lời khi trẻ đã quá chán nản và mệt mỏi trong hàng giờ ngồi đối điện với một khuôn mặt mà sự căng thẳng có khi không cần che đậy, hoặc co khi là sự vui vẻ giả tạo bên ngoài ?

    Làm sao để hình thành cảm xúc tích cực
    Là bố mẹ, ai mà không yêu con – Nhưng tình yêu với con nếu không có sự dẫn lối của lý trí, sẽ trở nên mù quáng. Chúng ta yêu con, đó là điều cần thiết nhưng nếu vì điều đó mà cứ so sánh con mình với những đứa trẻ khác, cứ mong sao để con phải được đến trường, phải trở nên bình thường để có thể tự lo cho bản thân khi lớn lên. Từ đó lại cố gắng chữa trị bằng việc đi tìm giải pháp như cho con “thử nghiệm” hết cách này đến cách khác. Bất chấp khi con lả người đi vì cạo gió, bất chấp khi con gào khóc vì châm cứu, vì cấy chỉ hay hoảng loạn vì …lấy tủy để cấy tế bào gốc. Họ những tưởng, các nỗi đau mà con trẻ phải trải qua đó, rồi sẽ qua đi như chính bản thân họ, sau những đớn đau của phẫu thuật, bệnh tật, hay sau một tai nạn nào đó! Họ quên mất rằng họ là người lớn có quyết tâm và ý chí, còn các bé chỉ là những đứa trẻ con ngây thơ đầy cảm xúc, thậm chí luôn là một đứa trẻ dù thân xác đã cao to hơn cả bố mẹ ! Và với một đứa trẻ thì không thể dùng ý chí vượt qua cơn đau như người lớn, vì trẻ không có ý chí – nhất là với các bạn đặc biệt, thì phần bản năng và những nhu cầu về thân xác là nền tảng.

    Những nỗi đau về cơ thể và cả những sự lo lắng, buồn phiền về mặt tinh thần, sẽ là những vết dao chí tử, khắc ghi vào trong tâm trí các bạn ấy những vết sẹo không bao giờ kéo da non. Chúng sẽ âm ỷ, biến chuyển thành những cơn bùng nổ mà những sự dỗ dành hay trấn áp của người lớn đành …bất lực. Tệ hại hơn, khi những điều đó kết hợp với những lo lắng không tương tác được sẽ làm xuất hiện những hành vi hoàn toàn bản năng mà không một phương pháp nào có thể điều chỉnh nổi.

    Vì vậy, chỉ có những cảm xúc tích cực mà bố mẹ xây dựng trong tiến trình “sống vui cùng tự kỷ” mới có thể giúp con hình thành những niềm vui thực sự, trong các hoạt động như những trò chơi có chủ đích tại gia đình, hãy nhìn nhận các hành vi của trẻ một cách vui vẻ, hãy để trẻ trải nghiệm các hoạt động trong các việc bình thường nhất tại nhà, điều này sẽ dần dần tạo cho trẻ một sự thoải mái , an yên để tiếp nhận những kỹ thuật đơn giản, được tác động để tạo cho trẻ sự chủ động và sự mong muốn được giao tiếp.

    Hãy nhìn một đứa trẻ thoải mái vui vẻ, chúng ta có thể ngồi chơi và giao tiếp với bé một cách dễ dàng, nhất là nếu chúng ta lại để cho trẻ được quyền “dẫn dắt” chúng ta “đi vào” cái thế giới của chúng. Có những cơ sở đã bước đầu thành công khi để cho niềm vui của trẻ dẫn lối – khi cho trẻ có tham gia những hoạt động “chơi tẹt ga” và trẻ được là chính mình – là một trẻ tự kỷ được thương yêu – tôn trọng, chứ không phải là đứa trẻ kỳ khôi, câm lặng, phải tìm hết cách để bật ra được một tiếng chào , để trở thành học sinh ngơ ngác, cô đơn trong một lớp học nhốn nháo mà chúng ta tìm hết cách buộc trẻ phải “ hội nhập với cộng đồng” !
    Lê Khanh
    Kẻ đi tìm niềm vui với trẻ em.

  • Giúp trẻ phát triển Ngôn ngữ tại gia đình

    Giúp trẻ phát triển Ngôn ngữ tại gia đình

    Một trong những vấn đề mà trẻ đặc biệt thường gặp. Đó là tình trạng chậm nói. Điểu này sẽ khiến trẻ khó khăn trong diễn đạt lời nói và hạn chế khả năng giao tiếp, đưa đến những hành vi tiêu cực. Sau khi phát hiện thì bố mẹ thường nghĩ rằng, việc tập nói cho trẻ phải có kiến thức và kỹ năng chuyên môn và phải được can thiệp ở các đơn vị chuyên môn. Tuy nhiên đó không phải là biện pháp duy nhất mà trên thực tế, thì ngay trong các hoạt động thường ngày tại gia đình là môi trường thuận lợi giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, mà người hỗ trợ  không ai khác hơn là bố mẹ.

    Bố mẹ sẽ phải làm gì ?

    Điểu đầu tiên mà bố mẹ cần làm, đó là phải cho trẻ đi đánh giá để tìm hiểu khả năng  nói và giao tiếp ở mức độ nào ? Trẻ chưa có âm và chưa nói được một từ nào hay đã nói được các từ đơn, trẻ có thể nói được các từ đôi hoặc trẻ có thể nói được các câu ngắn. Đó là những mức độ phát triển lời nói khác nhau, để có thể áp dụng những biện pháp can thiệp phù hợp.

    Điều thứ hai là bố mẹ cần lưu ý đến các sở thích của trẻ. Đây chính là cơ sở để tạo sự hứng thú cho các em. Trẻ ưa thích món đồ chơi gì ? ưa thích hoạt động với vật dụng gì và trong thời điểm nào. Chúng ta phải biết dựa vào sở thích của trẻ để lôi kéo trẻ vào các hoạt động vui chơi, thông qua các trò chơi đó tạo sự gắn kết với trẻ.  Sở dĩ GV dạy trẻ, có thể tác động tốt với các phương pháp can thiệp về  ngôn ngữ và giao tiếp cho trẻ là vì cô đã tạo được niềm vui, sự ưa thích ngồi khi chơi với cô. Vì vậy, nếu muốn can thiệp tốt, PH cũng phải tạo cho trẻ niềm vui và sự ham thích khi ngồi chơi với mình. Có quan điểm cho rằng khi dạy trẻ cần nghiêm khắc, và nên áp dụng các biện pháp cứng rắn để uốn nắn những hành vi không tốt hay phản ứng của trẻ. Điều này khiến trẻ có thể phải chấp nhận các yêu cầu vì sợ cô, nhưng sẽ trở nên thụ động, chỉ trả lời với cô mà không hợp tác được với bố mẹ.

    Muốn có được sự vui thích để hợp tác, bố mẹ phải sắp xếp thời gian vào một thời điểm nhất định trong ngày, tạo cho trẻ nhiều cơ hội ngồi chơi với bố mẹ một cách thoải mái, không ép buộc. Trẻ được tự chọn món đồ chơi, cách chơi theo sở thích.. Phụ huynh chỉ nương theo các hoạt động vui chơi để từng bước dẫn dắt, tạo hứng thú và dần đần chuyển hướng sự quan tâm của trẻ vào chủ đề mà mình muốn hướng dẫn với sự chủ động của trẻ. Không có sự bắt buộc hay đe dọa nào trong khung giờ này, chỉ có niềm vui và nụ cười mới có thể tạo được sự tập trung một cách hiệu quả.

    Bố mẹ sẽ thực hiện như thế nào ?

    Khi ngồi chơi với trẻ, bố mẹ cần thu hút sự chú ý của trẻ  qua các món đồ chơi hay vật dụng  đơn giản trước khi nói với trẻ về các điều đó ! Nói cách khác là hãy dùng các cử chỉ, điệu bộ để tạo sự chú ý hơn là dùng những câu nói dài và nhanh để yêu cầu trẻ phải chú ý. Khi cần dùng lời với trẻ, thì cần nói rõ ràng, chậm rãi, nhấn mạnh vào các từ trọng tâm và nếu cần thì nên nhắc lại vài lần. để trẻ có thể ghi nhớ.

    Nói ngắn – chậm – nhấn mạnh và lập lại – Đó là các nguyên tắc ban đầu. Bố mẹ cũng cần phải nói một cách đơn giản, sử dụng vốn từ và ngôn ngữ sao cho phù hợp với mức độ nhận biết của trẻ  nhưng vẫn giới thiệu được những khái niệm và từ mới. Hãy nhớ là trẻ hiểu nhiều hơn những gì bé có thể nói.

    Hãy giúp cho con  nghe và làm theo chỉ dẫn bằng cách chỉ cho trẻ thấy bố mẹ  muốn gì vừa bằng lời nói, vừa bằng điệu bộ một cách vui vẻ . Khi con tỏ ra không hiểu, hãy nói theo cách khác thay vì chỉ lặp lại câu đó để mong trẻ phải hiểu được.

    Bố mẹ sẽ nói  với trẻ khi nào  ?

    Trong một ngày, có nhiều thời điểm khác nhau mà bố mẹ có thể giúp con phát triển ngôn ngữ. Chúng ta hãy nói với con về những gì bé thấy trong các bữa ăn  (thức ăn, đồ uống, hoạt động) trong  giờ tắm (các bộ phận của cơ thể, các hoạt động chơi với nước ) hay khi Thay quần áo (các bộ phận của áo quần, bộ phận cơ thể, các y phục dùng trong các loại  thời tiết khác nhau ) . Trong khi chơi với trẻ, ta có thể giới thiệu các loại đồ chơi . Ngay cả khi đưa trẻ đi chơi, cũng có thể nói cho trẻ một số thông tin về môi trường xung quanh.  Hãy nói với con về những gì bạn sẽ làm trong ngày và khuyến khích trẻ  tham gia.

    Với những trẻ lớn hơn, có khó khăn về ngôn ngữ ta có thể giúp trẻ phát triển qua các hoạt động thường ngày tại gia đình như trong các hoạt động dọn bàn ăn sau khi ăn xong,  trong việc đưa trẻ đi mua sắm  những thứ lặt vặt. Hay khi làm vườn  hoặc trong lúc dọn dẹp nhà cửa, phụ làm bếp với mẹ.

    Bố mẹ phát triển ngôn ngữ cho trẻ như thế nào ?

    Khi trẻ đã nói được các từ đơn ( ăn, đi , chơi , nước … )  thì hãy mở rộng những gì con bạn nói bằng cách lặp lại các từ của bé và thêm các từ khác vào. Nếu con bạn nói “thêm nữa”, hãy đáp ứng yêu cầu của bé và nói thêm “cho con thêm nữa à”, hoặc “uống nữa à”, v.v Nếu con bạn nói “muốn bóng”, hãy đáp ứng yêu cầu của bé và nói thêm “Con muốn quả bóng này à”, “con muốn lấy quả bóng”, hoặc “muốn quả bóng màu xanh” .

    Hãy lặp đi lặp những từ và âm mới. ví dụ khi đếm, sử dụng giới từ, gọi tên các đồ vật, màu sắc, v.v . Việc tập nói cần phải tạo hứng thú cho trẻ. Hãy cố gắng khuyến khích trẻ nói mà không đặt ra quá nhiều yêu cầu. Hãy nghe một cách chăm chú khi bé nói với bạn và hãy cho bé thấy bạn hiểu bằng cách trả lời bằng hành động hoặc lời nói.

    Các biện pháp giúp cho việc giao tiếp thuận lợi hơn

    1/ Tạo điều kiện cho trẻ lựa chọn: hãy cho con bạn lựa chọn giữa hai thứ và hãy cố gắng giúp bé sử dụng từ để cho bạn biết bé muốn gì.

    2/ Học có chỉ dẫn: Bạn cần phải mô tả những hoạt động chơi  của trẻ. Qua đó, chúng ta có thể giúp trẻ hiểu được mối quan hệ giữa hành động và từ mô tả hành động.

    3/ Bắt chước: Hãy bắt chước một cái gì đó con bạn bắt đầu. Con bạn sẽ đặc biệt thấy thú vị với sự bắt chước đó .

    4/ Làm mẫu: Hãy khuyến khích con bạn sử dụng các từ để nói về những gì bé đang làm bằng cách làm mẫu.

    5/ Vật mới lạ: giới thiệu một cái gì đó mới lạ vào môi trường của bé.

    6/ Tường thuật:. Hãy mô tả từng thứ mà con bạn làm, sử dụng ngôn ngữ ở mức độ mà bạn muốn con bạn nói hoặc hiểu.

    7/ Diễn giải ngắn gọn và rõ ràng hơn: nếu con bạn dường như không hiểu những gì bạn nói, hãy thử diễn giải bằng những từ khác.

    8/ Kích thích bằng tranh ảnh: có thể sử dụng các bức tranh ảnh về đồ vật và các hoạt để giúp trẻ giao tiếp.

    9/ Từng mảnh một:. Đừng cho con bạn tất cả các mảnh đồ chơi  ngay lập tức. Hãy giữ một số mảnh lại để khuyến khích bé giao tiếp.

    10/ Đặt câu hỏi: đặt các câu hỏi phù hợp với tình huống.

    11/ Ngôn ngữ ký hiệu:. Ngôn ngữ ký hiệu thường giúp lời nói phát triển tốt hơn. Đối với một số trẻ khác, có thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu lâu hơn..

    12/ Hỗ trợ lời nói của người lớn bằng ký hiệu/điệu bộ: nhằm giúp con bạn hiểu những gì bạn đang nói,qua việc  dùng cử chỉ điệu bộ và/hoặc chỉ tay khi bạn nói.

    13/ Dùng đồ vật cùng/thay cho lời nói: nếu mục tiêu là ngôn ngữ biểu đạt, nhưng con bạn chưa thể nói tốt, hãy khuyến khích con bạn chỉ vào vật đồng thời nói hoặc thay cho việc nói từ.

    14/ Giữ lại một đồ vật để nhận được phản ứng mong muốn: nếu bạn muốn con mình tăng cường ngôn ngữ biểu đạt (ví dụ điệu bộ, dấu hiệu, các hệ thống tranh, từ ngữ), đừng đưa cho trẻ những gì trẻ muốn cho đến khi trẻ cho bạn phản ứng mong muốn.

    Đây là những biện pháp đơn giản  để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ mà bố mẹ hoàn toàn có thể thực hiện tại gia đình. Hãy chịu khó và kiên trì  bé của bạn sẽ phát triển tốt.

    CVTL  LÊ KHANH

    Phòng Tư vấn Tâm Lý – Gia Đỉnh & Trẻ em.

  • NƠI CÓ NHỮNG NỤ CƯỜI

    NƠI CÓ NHỮNG NỤ CƯỜI

    Ba năm, một thời gian không ngắn cho những đổi thay – Ngôi nhà 7 tầng của những đứa trẻ đặc biệt cùng với các thầy cô đặc biệt mang tên Bình Minh – Nơi của nụ cười thay cho những giọt nước mắt của các phụ huynh, mà mỗi lần trở lại tôi đều cảm nhận được ít nhiều thay đổi – Từ không gian lớp hoc, từ sân chơi của các em, từ các đồ dùng dạy học cho đến cái gian bếp – phòng ăn, nơi các thầy cô tụ họp chém gió…, Đều ít nhiều đổi mới. Những đầu tư mới thay cho các vật dụng chưa cũ, nhưng để đáp ứng cho nhu cầu của các PH gửi con và sự phát triển của trường.. Từ 30 – 50 và bây giờ là trên 70 em với những dạng tật khác nhau. Trẻ tự kỷ, tăng động kém chú ý, trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ chậm nói, có hội chứng Down, trẻ khó khăn trong học tập cho đến cả trẻ bại não… đều quy tụ với những nụ cười xung quanh cô chủ trường 9X – Cô Thạc sĩ GDĐB Đỗ Thị Nhị. Hay đơn giản hơn : Bảo Hân !

    Là môt người phụ nữ nhỏ bé, đứng lên từ những gian khổ trong cuộc sống với nụ cười trên môi – Cô đã đem lại cho các trẻ khuyết tật ở đây một điều tưởng như rất dễ nói, nhưng rất khó thực hiện – Đó là tình yêu thương vô bờ mà cô đã xem các trẻ này – từ lớn đến bé, như con mình.  Để can thiệp cho trẻ đặc biệt – điều mà ai cũng biết là cần phải có kiến thức về các phương pháp can thiệp Hành vi – can thiệp âm và lời nói, và mỗi trẻ lại có những kế hoạch can thiệp khác nhau. Thế nhưng đó chỉ mới là những điều cần thiết mà nếu không có một tấm lòng, một tình yêu thương, một sự quan tâm … thì vẫn chưa đủ.

    Khi đứng trước một cháu bé xinh xắn, ngoan ngoãn, vui vẻ …thì thử hỏi ai mà không yêu ? Thế nhưng nếu đứa bé đó là một trẻ hỏi không thưa, gọi không quay lại, sẵn sàng cho mọi thứ vào miệng hay ném hết các vật trong tầm tay. Đến khi tiếp xúc mới nản lòng, trẻ không hề nhìn mình, trẻ luôn miện kêu những âm, từ vô nghĩa và nếu thử đến gần có khi lại còn bị ..đánh ! Quả thực là khó chấp nhận… Nhưng cái khó không chỉ thế thôi, mà ngay đến cả phụ huynh của các em, có mấy ai muốn nhìn vào sự thật, có mấy ai có thể dễ dàng chấp nhận những nghiệt ngã này nơi con em ? Họ chỉ mong sao, bằng một khả năng thần kỳ nào đó, để có thể thay đổi trong thời gian ngắn nhất , để trả lại cho họ một đứa trẻ bình thường, có thể đến lớp học, biết vòng tay chào hỏi ông bà… Chao ôi cái ước mơ nhỏ bé ấy sao mà lại trở nên khó khăn dường bao, khi đứng trước cái ánh mắt ngây dại mà mọi ngôn từ truyền thông dường như bất lực.

    Nhưng tất cả dường như là một điều hết sức nhẹ nhàng với cô, chỉ với nụ cười từ trái tim, với những cử chỉ “nương theo trẻ” và những cách tác động như một trò chơi, cô đã có thể làm cho các em cảm thấy yên tâm và nụ cười lại nở trên môi. Có thể mọi thứ khó khăn vẫn còn đó, tiếng nói vẫn chưa xuất hiện, nhưng với những nụ cười nối kết hai trái tim,  không sớm thì muộn, những thiên thần bất hạnh này sẽ có được niềm vui, và niềm vui sẽ dẫn lối các em đi.

    Khi quay lại Bình Minh lần này, được ngồi ăn cơm với các thầy cô tôi lại thấy không chỉ có nụ cười của các em, mà còn là những tiếng cười sảng khoái của các thầy cô trong một bầu khí như một gia đình vui vẻ. Đó mới là điều nối kết được các em, khi mà thầy cô cũng cảm nhận được những niềm vui nơi đây , để cùng chung tay góp sức với cô – nơi Trường mầm non đặc biệt Bình Minh – mà ta có thể gọi một cách giản dị là Bình Minh’s Kids – Ngôi nhà của trẻ thơ.

    Những ngày cuối Thu  2019

    LÊ KHANH

  • Ý nghĩa lễ hội Halloween

    Ý nghĩa lễ hội Halloween

    Ý NGHĨA LÊ HỘI HALLOWEEN

    Halloween (viết rút gọn từ “All Hallows’ Evening”) là một lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 31 tháng 10 hàng năm, vào buổi tối trước Lễ Các Thánh trong Kitô giáo Latinh. Đây là ngày bắt đầu Tuần Tam nhật Các Thánh (Allhallowtide) – khoảng thời gian trong năm phụng vụ dành để tưởng nhớ những người đã chết, gồm các vị thánh, các vị tử đạo và tất cả các tín hữu trung kiên đã qua đời.

    Trọng tâm theo truyền thống của Halloween xoay quanh chủ đề sử dụng “sự hài hước và chế giễu để đối đầu với quyền lực của cái chết”.Cách nhìn phổ biến cho rằng nhiều truyền thống của Halloween bắt nguồn từ các lễ hội thu hoạch của người Celt mà có thể mang gốc rễ ngoại giáo, đặc biệt là lễ hội Samhain của người Gael, và rằng lễ hội này đã được Giáo hội thời sơ khởi Kitô giáo hóa. Tuy nhiên, một số nhà hàn lâm ủng hộ quan điểm rằng Halloween phát triển độc lập với Samhain và chỉ có nguồn gốc Kitô giáo.

    Các hoạt động phổ biến trong lễ hội Halloween là trick-or-treat (trẻ con hoá trang đến gõ cửa nhà hàng xóm để xin bánh kẹo), dự tiệc hóa trang, đốt lửa, khắc bí ngô thành jack-o’-lantern, đớp táo, các trò đùa cợt, xem phim hoặc kể chuyện kinh dị. Theo thời gian, lễ Halloween đã du nhập sang rất nhiều nước khác nhau, nhưng mỗi nước đều biến tấu nó đi để có ngày lễ Halloween của riêng mình. Và cho đến ngày nay, lễ hội này đã trở nên phổ biến với nhiều quốc gia trên thế giới.


    1- Ý nghĩa lễ hội Halloween

    Gắn liền với truyền thuyết của người Ai-len về anh chàng Jack, một chàng thiếu niên đã chết nhưng linh hồn không được phép vào Thiên Đàng vì lúc sống, anh ta vốn là một người tham lam, bủn xỉn, thường cất giấu tiền bạc, keo kiệt không hề bố thí cho ai một chút gì. Thế nhưng anh ta cũng không thể vào Địa Ngục vì lúc còn sống anh ta đã từng chơi đùa với ma quỷ, nên quỷ không thể bắt anh.

    2- Ý nghĩa giáo dục của lễ hội Halloween

    Hành động và cuộc đời của Jack đã trở thành những kinh nghiệm để tuổi trẻ rút ra một bài học làm người, đó là:

    -Sống không nên tham lam, bủn xỉn, keo kiệt

    -Phải có lòng bác ái, từ bi, biết giúp đỡ kẻ khó khăn

    -Không nên chơi đùa với ma quỷ. Ma quỷ hiểu theo nghĩa bóng là những trò lừa lọc, đe dọa, làm cho người khác sợ hãi, những việc làm tinh quái do trí thông minh và tưởng tượng của tuổi trẻ sáng tạo ra có khi làm hại đến người, đến xã hội…

    -Chơi đùa, giao du với ma quỷ sẽ dễ bị cám dỗ đi vào đường tối tăm và tội lỗi.

    Tuy nhiên, chuyện anh chàng Jack trong đêm Halloween cũng ghi nhận một thái độ sòng phẳng của quỷ, đó là “ân đền, oán trả” và “giữ lời hứa”. Dù rằng sự “giữ lời hứa” này đã làm cho Jack rơi vào thân phận cô hồn lang thang vất vưởng. đối với các xã hội Âu, Mỹ, Halloween đã trở thành lễ hội vui chơi hằng năm cho trẻ em và cả người lớn. Ít người quan tâm tìm hiểu ý nghĩa nhân bản của nó.

    Nếu đào sâu hơn, có lẽ sẽ tìm thấy tính cách nhân bản trong câu chuyện. Thử đặt câu hỏi: Tại sao dưới ánh sáng khoa học và kỹ thuật mà các nước Âu, Mỹ vẫn dành một ngày lễ hội cho người của “cõi Âm” mà đại diện là chàng Jack?

    Jack là nhân vật tưởng tượng nhưng đã thực sự hiện thân trong cuộc đời, trong thân phận làm người… mà lại là một người cô đơn. Khi chết, Jack trở thành cô hồn, không chỗ dung thân… Thiên Đàng và Địa Ngục đều từ chối. Truyền thống lễ hội Âu Mỹ đã dành cho Jack một ngày. Một ngày được trở lại với cõi dương. Trong ngày đó, Jack có thể sống vui chơi thoải mái, vì người sống đã hóa trang thành ma quỷ để linh hồn Jack có chỗ trà trộn vào cho đỡ cô đơn. Đây là ý nghĩa nhân bản của lễ hội Halloween. Với ý nghĩa nhân bản này, ngày lễ Halloween và Rằm tháng Bảy Âm lịch của nước ta có thể xem như là ngày hai cõi Âm, Dương hội ngộ trong niềm thương cảm bao la.

    3- Những thứ không thể thiếu trong lễ hội Halloween

    Bí ngô: Đứng đầu trong danh sách chắc chắn không ai khác sẽ là ma bí ngô Jack-o’-Lantern, biểu tượng truyền thống của Halloween. Đây là nhân vật nổi tiếng xuất hiện trong các truyền thuyết cổ xưa của người Celts – tộc người sáng tạo ra ngày lễ này.

    Phù Thủy: Những kẻ dị giáo, có năng lực tà ác, hay xuất hiện cùng chiếc chổi bay ma quái và giọng cười sởn tóc gáy. Vì vậy lễ hội Halloween không thể thiếu phù thủy.

    Zombie: Theo quan niệm phương Tây, vào đêm Halloween, tất cả các loại ma quỷ đều vào thị trấn lởn vởn, quấy nhiễu cuộc sống của người dân, Zombie – xác chết di động ăn thịt người cũng không phải ngoại lệ.

    Ma cà rồng: Người ta thường nói vào đêm Halloween, các linh hồn ma quỷ thường hóa thân thành động vật để không bị người dân phát hiện, tha hồ quậy phá. Và một trong những “ông trùm” cải trang ma mãnh đó chính là ma cà rồng.

    Lê Thanh Trông

    (Tổng hợp các nguồn)

    #nlvlethanhtrong #halloween #bingo #hoatrang

  • Ba năm trong nước mắt – Ba tháng với nụ cười

    Ba năm trong nước mắt – Ba tháng với nụ cười

    Sáng nay, Chủ nhật 22/9/2019 – Trung Tâm GDĐB Năng Khiếu Sài Gòn đã tổ chức buổi ra mắt cơ sở mới, ( 12 BH tòa nhà Sky Center – 5B Phổ Quang Tân Bình TPHCM) Khi đến dự với những giọt mưa rả rích từ sáng sớm và không khí se lạnh như mùa Thu ngoài Bắc – Chúng tôi thầm nghĩ chắc ít có PH đến dự, và đúng là có 5 người không đến được, nhưng không phải vì mưa gió mà là do hôm nay cũng là buổi Đại hội PHHS của nhiều trường, mà PH phải đến dự vì con em của mình. Còn với trẻ đặc biệt thì luôn là ưu tiên thứ hai !

    Thế nhưng với mẹ của cháu M.A – Một cô bé xinh xắn, ở cái tuổi 11, mà vẫn chưa thể nhớ được các chữ cái ABC ! Thì việc đến dự cùng con, xem con biểu diễn múa để minh họa cho các chữ cái, mà còn đã có thể nhận biết, chỉ sau 3 tháng tham gia can thiệp tại TT. GDĐB Năng Khiếu SG, sau một quá trình học 3 năm ở trường quốc tế vẫn không thể nào nhớ, thì đó là một điều quan trọng nhất trong ngày hôm nay.

    Chị đến dự, không chỉ để chung vui với các giáo viên của trường, để nhìn con múa với niềm vui không tả, mà với những lời tâm tình của một người mẹ đơn thân, nuôi 3 đứa con mà MA là một trong 3 cháu – Đã đem lại một động lực mạnh mẽ cho chúng tôi – Những người đã đưa ra quan điểm dùng nghệ thuật để hỗ trợ cho hoạt động can thiệp các bạn trẻ đặc biệt.
    Bằng lời lẽ giản dị, không hề chuẩn bị trước chị đã chia sẻ niềm vui của một người mẹ, mà cách đây 1 năm , sau khi đã phải đưa con đi học 1 ngôi trường Quốc Tế trong 3 năm – “Ba năm đó, trong gia đình tôi chỉ có nước mắt, nước mắt của người mẹ khi thấy con không thích đi học, mà vẫn phải đi, và đi học miệt mài mà vẫn không đưa được các con chữ vào trong đầu” …. . Cuối cùng, mẹ đành phải cho con nghỉ một năm trong hoang mang, đau khổ … Để rồi, chỉ sau 3 tháng khi đưa con đến với các thầy, cô của trường Năng Khiếu Sài Gòn. Các cô đã tìm được cách giúp cho con nhớ mặt chữ, con vui vẻ và hơn thế nữa, con còn tự tin, mạnh dạn, biết trả lời những câu hỏi mà trước đây, với bất cứ điều gì thì câu trả lời duy nhất của con là : Con không biết !

    Chị đã cám ơn nhà trường, cám ơn các thầy cô – nhưng thực ra chúng tôi, những người làm công tác tư vấn tâm lý, can thiệp Giáo dục Đặc biệt phải cám ơn chị, cám ơn người đã đem lại nguồn động lực mạnh mẽ cho chúng tôi, đã minh chứng cho quan điểm giáo dục tích cực bằng niềm vui và nghệ thuật của chúng tôi là đúng đắn, là hiệu quả.

    Không chỉ có M.A – Mà còn bạn B – một cậu bé 4 tuổi bị chứng đầu nhỏ, chậm ngôn ngữ và nhận thức, cậu ấy không chỉ tự tin, mạnh dạn hơn mà khả năng nhận thức cũng có những bước tiến bộ đáng kể, khi được kết hợp với các hoạt động vẽ tranh và sinh hoạt ngoài trời. Ngoài ra còn có bạn TH., Bạn PH. Là những bạn có yếu tố tự kỷ, qua việc thể hiện cảm xúc, tư duy bằng nét vẽ, bằng những buổi nghe nhạc, chơi nhạc… và phương pháp Giáo dục tích cực, cũng đã có những bước tiến chỉ sau 6 tháng can thiệp.

    Chúng tôi cũng vô cùng tiếc cho các bạn học sinh đầu tiên của trường – Bạn S ( 12 tuổi ) và bạn H ( 15 tuổi) . đã có những tiến bộ đáng kể, đặc biệt là S. Một cậu bé chậm phát triển, không thể học qua lớp 4 – đã bộc lộ một tài năng về hội họa, mà thầy Hoàng, người dạy vẽ cho các em đã vô cùng hứng thú, muốn đưa em vào đội ngũ làm việc với mình trong nhóm vẽ . Các bạn ấy phải nghỉ vì hoàn cảnh gia đình, phải chuyển ra ngoài Bắc, gia đình các em cũng rất tiếc nhưng đành phải chịu.

    Chỉ mới tròn 1 năm trong giai đoạn thể nghiệm, chỉ với 3, 4 Học sinh ban đầu nhưng các Thầy Xuân Đăng, cô Hiền Lương, cô Nhung, cô Yến, cô Thanh… cùng các giáo viên Múa – Nhạc và Vẽ đã hết sức nhiệt tình với tình yêu dành cho các bạn đặc biệt. Chúng tôi hãnh diện vì có được các giáo viên như thế. Cũng như với cô Trang, Giám Đốc Trung tâm , người đã nhiệt tình bỏ công sức, đầu tư để có được một ngôi trường khang trang hiện đại, với những trang bị có hiệu quả cho hoạt động giáo dục hòa nhập và tiền hướng nghiệp cho các em ( Phòng học múa, vẽ, nhạc , phòng bếp, phòng vi tính và phòng hoạt động Tâm vận động, các góc can thiệp cá nhân…) . Điều đáng quí là chị cũng đã tự trang bị cho mình những hiểu biết cần thiết trong lĩnh vực này, đủ để tư vấn cho phụ huynh cũng như quản lý một cách hiệu quả các hoạt động nhà trường.

    Đây chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình dài, nhưng có thể nói đó là một niềm vui không nhỏ với chúng tôi, những người làm việc trong lĩnh vực Tâm lý – Giáo dục đặc biệt trong gần 30 năm ( từ 1991), đã miệt mài đi tìm những phương hướng phát triển cho các trẻ đặc biệt, với quan điểm là tìm kiếm những năng lực tiềm ẩn và ít ỏi để phát triển thay vì cứ cố gắng can thiệp, uốn nắn hành vi để sửa chữa các điểm yếu kém và tiêu cực của các em. Việc xây dựng một cơ sở không chỉ đơn giản là tìm một địa điểm, mở ra một ngôi trường, tìm kiếm những người cùng làm việc và thu nhận học sinh qua các chiêu trò truyền thông…. Mà điều quan trọng là phài có sự định hướng phát triển cho các em học sinh của mình.

    Điều này rất khác với các trường giáo dục bình thường và cũng khác với cả các trường giáo dục chuyên biệt. Chúng tôi không chỉ chú trọng đến việc can thiệp ngôn ngữ, hành vi, nhận thức, để khi các em biết nói, không còn nhiều các hành vi bất thường, là đã cho ..ra trường, chuyển qua học hòa nhập với các bạn bình thường. Điều này đúng là mong muốn của các PH, luôn muốn con mình “khỏi bệnh” “ nói được” “ học được” và rất vui khi con của mình mặc được bộ đồng phục của một ngôi trường tiểu học… mà không nghĩ rằng các em dù được xem là học sinh, vẫn đến trường, đến lớp nhưng thực sự các em vẫn chưa thể bình thường, hay không thể đuổi kịp các bạn khác trên con đường học vấn, để rồi sau đó, có thể cố gắng đeo đuổi lên đến lớp 4, lớp 5 … thậm chí là lớp 9, lớp 10 với cái giấy chứng nhận “trẻ khuyết tật trí tuệ” , thì cũng sẽ đên một lúc nào đó em sẽ lại …hòa nhập tại gia đình, vì không thể học thêm được hay không còn muốn đến trường nữa.

    Con đường còn dài, nhưng khi đã vạch ra cho mình một định hướng, một mục tiêu… lại có được những người bạn đồng hành tuyệt vời, và nhất là với sự hợp tác tích cực của phụ huynh, thì chúng tôi tin rằng, sẽ thực sự làm được một điều gì đó cho các trẻ đặc biệt yêu quý của mình.
    Lê Khanh.

  • Niềm Vui Của Thầy Cô

    Niềm Vui Của Thầy Cô

    Sau ba tháng can thiệp – từ một cô bé nhút nhát, tự ti, không biết mặt chữ, với rất nhiều cơn bùng nổ khi bố mẹ không đáp ứng các nhu cầu và đặc biệt là sợ đi học, qua các hoat động can thiệp dành cho trẻ Chậm phát Triển kết hợp với âm nhạc, hội họa, vũ điệu… Trẻ đã có những tiến bộ vượt bậc , trở thành  niềm vui cho cả gia đình và cho các thầy cô trường Giáo dục Đặc Biệt Năng Khiếu Sài Gòn.

    Sáng nay, được tiếp đón phụ huynh của bé, trong chuỗi lịch tiếp các phụ huynh để trao đổi tình hình can thiệp, đánh giá các mặt được và chưa được, cũng như đưa ra các mục tiêu gần – xa trong 3 tháng kế tiếp. Với vai trò phụ trách chuyên môn, được tiếp chị với niềm vui đong đầy về những gì mà giáo viên trường GDĐB Năng Khiếu Sài Gòn đã làm được cho bé – Chị nói về những thay đổi của trẻ, chị kể trước đây sau 1 thời gian đi học trường quốc tế, thì bé dứt khoát không chịu đến trường, cô giáo đưa xe đến tận nhà đón, năn nỉ hết lời mà cũng không đi. Trong một vài lần bố bắt buộc đưa lên xe thì bùng nổ một cách khủng khiếp, đạp tung cửa xe …. Thậm chí ngay cả khi lúc đầu đến với trường mới, bé chỉ cần nghe nói đến từ học, là lật đật chui xuống gầm bàn trốn. Thế nhưng, gió đã xoay chiều, cô bé không những chỉ thích đi học, còn biết tự chuẩn bị quần áo ( học múa) , sách vở và nói về các thầy các cô của trường với sự quan tâm đặc biệt – biết kể cho mẹ nghe chuyện thầy dạy nhạc đi chơi Đà Lạt – Cô phụ trách bé bị mất xe, phải đến trường bằng xe buýt. Thậm chí còn về nhắc mẹ là ngay mai mẹ đi họp phụ huynh cho con.

    Mẹ kể lại trong sự hồ hởi về những điều bé đạt được, biết chơi đùa với em, không còn đánh em, biết những điều đã làm, điều sẽ làm … Biết giúp bà ngoại trong việc nhà … và đã đem về cho gia đình một bầu không khí vui vẻ thay cho sự lo lắng,mệt mỏi trước đây của bố mẹ.

    Bé cũng đã nhớ được các mặt chữ qua việc học kết hợp với múa, dùng cơ thể tạo ra những mẫu tự và ghi nhớ một cách tích cực. Điều quan trọng là bé đã có được một điều, mà đó chính là mục tiêu của nhà trường : tạo cho trẻ sự hứng thú học tập qua các hoạt động vui chơi và nghệ thuật – Tạo có trẻ sự tự tin trong các sinh hoạt như đi chơi công viên, đi mua sắm trong shop bách hóa và biết đùa giỡn với bạn trong việc đi bơi hàng tuần ….

    Hình minh họa là 1 tác phẩm bé tự sáng tác bằng việc vẽ bằng bàn tay và ngón tay . Cô giáo chỉ giúp bé gắn thêm 2 con mắt cho chú cá – Việc cho bé tự do thể hiện bằng màu sắc, chính là một cách tác động tốt nhất  qua hình vẽ để trẻ đạt được niềm vui sáng tạo và giải tỏa các ức chế, không cần phải lên gân với từ ngữ như hội họa trị liệu hay âm nhạc trị liệu – mà chỉ là những giờ vui đùa với màu sắc và cây đàn, để bây giờ trẻ không chi biết đánh đàn một vài bài, mà còn về nhà hứng thú dạy lại cho em … Điều đạt được chính là sự tự tin, mạnh dạn, không còn những câu cửa miệng : Con không biết, con không nhớ trước kia….

    Trường còn nhỏ, học sinh còn ít nhưng chỉ trong một thời gian từ 8 tháng hoạt động, đã đạt được những kết quả tốt nhất cho 3/5 trẻ Chậm Phát triển ( trong lứa tuổi từ 8 – 15 tuổi ) và với các bạn VIP can thiệp sớm ( 3 -5 tuổi) cũng có những tiến bộ nhất định . Trong tháng 9, trường sẽ chuyển qua một không gian mới, với diện tích gấp đôi hiện nay… với thiết kế các phòng nghệ thuật múa, vẽ, nhạc và phòng chơi ( hoạt động vận động ) Phòng can thiệp vận động – ngôn ngữ … Hy vọng sẽ giúp trẻ ngày càng tốt hơn theo mục tiêu đã đề ra theo phương hướng Can thiệp cá nhân và hỗ trợ bằng nghệ thuật.  Để đạt được niềm vui như hôm nay xin cám ơn nỗ lực của các thầy cô của trường, đã có những gắn bó để cùng đồng hành với phụ huynh và ban giám hiệu trong thời gian qua để đem đến kết quả bước đầu cho hôm nay. Chúng ta sẽ tiếp tục nhé , niềm vui đang chờ trước mặt !

    SONG KHUÊ

  • Đánh vợ là biểu hiện của kẻ yếu kém – bất lực

    Đánh vợ là biểu hiện của kẻ yếu kém – bất lực

    Khi nói đến bạo lực gia đình là nói đến sự thể hiện sức mạnh một chiều: Kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu, thường là chồng ăn hiếp vợ. Nguyên nhân sâu xa là do chúng ta chịu ảnh hưởng của triết lý Nho giáo, lấy việc học làm đầu và lấy sĩ phu hay người đàn ông làm trọng: “Nhất nam viết hữu – thập nữ viết vô”. Người xưa quan niệm chỉ có con trai mới có thể nối dõi tông đường, làm rạng danh dòng họ. Quan niệm xa xưa đó đã trao cho người đàn ông quyền làm chủ gia đình, là gia trưởng.

    Điều này đã được lập trình từ khi đứa trẻ còn nhỏ. Ngay từ bé, đứa trẻ trai đã có nhiều đặc quyền, đặc lợi hơn trẻ gái và chính môi trường xã hội chung quanh cũng công nhận điều đó. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích thể hiện nắm đấm với người “bạn cùng giường” của mình bởi qua nhiều thế hệ, họ đã chắt lọc được cách sống tự tin, biết tôn trọng bản thân và người khác.

    Phụ nữ hãy kiên quyết, đừng cam chịu

    Khi người đàn ông đưa ra nắm đấm chính là lúc họ bộc lộ một tâm thế bất an, thiếu tự tin vào bản thân. Họ chỉ dám ra nắm đấm với những kẻ yếu hơn mình.

    Trong bất cứ cuộc tranh cãi nào thì mâu thuẫn luôn đến từ hai phía. Mâu thuẫn vợ chồng có một phần nguyên nhân từ phía người vợ tạo ra những cơ hội cho ông chồng bạo lực của mình thể hiện. Nói vậy không phải là khuyên người phụ nữ một điều nhịn, chín điều lành mà là phải có cách ứng xử phù hợp. Sức mạnh của người đàn ông sẽ bị vô hiệu hóa bởi sự dịu dàng của người phụ nữ nhưng đó phải là một sự dịu dàng kiên quyết, chứ không phải là một sự dịu dàng nhu nhược hay cam chịu.

    Điều này không dễ thực hiện với số đông phụ nữ. Nếu ngay từ nhỏ, bé gái không được giáo dục khả năng tự chủ thì khi lớn lên, việc lệ thuộc người chồng là điều khó tránh khỏi. Chính vì thế, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con cái là vô cùng quan trọng. Cha mẹ cần truyền trao cho con trai mình sự coi trọng phái nữ, cho con gái sự tự tin vào năng lực bản thân.

    Chúng ta không nên tập cho con tinh thần phụ thuộc vào cha mẹ bằng sự chiều chuộng và áp đặt. Bởi điều đó không những tốt cho con ở hiện tại mà còn giúp con không rơi vào tình trạng gia trưởng hay nhu nhược trong cuộc sống gia đình sau này.

    Chính sự lắng nghe và biết tôn trọng giá trị, tính cách của từng thành viên trong gia đình là yếu tố tốt nhất để tránh khỏi tình trạng bạo hành. Đồng thời, cũng chính sự quan tâm nhưng kiên quyết trong cách ứng xử có khả năng dập tắt mọi ý định bạo hành ngay từ lúc manh nha của đối tác.

    Nạn nhân của chính mình

    Một người phải sống trong bầu không khí bạo lực thì chắc chắn sẽ xuất hiện một thái độ tự bảo vệ mình bằng sự ích kỷ và vô tâm. Đứa trẻ phải chứng kiến những hành động bạo lực từ cha mẹ thường dần dần trở nên vô cảm trước nỗi đau của người khác, chỉ biết sống cho quyền lợi của bản thân. Chúng cũng sẽ trở nên những con người hoặc nhu nhược hoặc thích thú với việc sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề sau này khi lớn lên.

    Vì thế, những bậc cha mẹ sử dụng bạo lực với nhau và với con cái rất có khả năng khi về già sẽ lại trở thành nạn nhân của sự bạo lực ngay trong gia đình mình. Người gây ra bạo lực chính là những đứa con mà mình đã “tập huấn” cho chúng khi còn bé đã biết thế nào là sức mạnh của nắm đấm.

    Để tránh điều này, các bậc cha mẹ phải biết tự giáo dục bản thân và giáo dục con cái trong một bầu không khí gia đình đích thực mà ở đó con cái và cha mẹ tin nhau với lòng tôn trọng.

    Bạo lực gia đình cũng phản ánh một phần hiện thực xã hội. Nếu mỗi người trong chúng ta quá chú tâm vào các hoạt động kiếm tiền, kiếm danh cũng như tìm mọi cách hủy diệt những người có thể ảnh hưởng đến mục tiêu của mình thì bạo lực sẽ là điều không bao giờ chấm dứt. Bạo lực ở đây không chỉ là nắm đấm mà còn là sự phỉ báng, hãm hại lẫn nhau trong sự vô tâm, dửng dưng trước nỗi đau của kẻ khác.

    Đó còn là sự hủy hoại xã hội lớn hơn cả những nỗi đau do bạo lực nắm đấm đem lại đối với mỗi người.

    Cách thoát khỏi vòng tròn bạo lực

    Thống kê của Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL) cho thấy trong năm năm trở lại đây, số vụ bạo lực gia đình được ghi nhận khoảng 20.000 vụ/năm.

    Một khi đứa trẻ đã phải sinh ra và lớn lên trong bạo lực thì chúng dễ hình thành trong vô thức thái độ coi thường giá trị bản thân, sẵn sàng sống chung với bạo lực.

    Giải pháp quan trọng cho những người này là xây dựng cho mình một năng lực về bất cứ lĩnh vực nào mà mình có hứng thú, từ việc học thêm một ngoại ngữ, học thêm một vài môn nghệ thuật (vẽ, nhạc, múa…) hay các bộ môn khéo tay (cắm hoa, làm bếp…), tham gia một vài hoạt động xã hội từ thiện…

    Tất cả điều đó không chỉ đem lại cho chúng ta lòng tự tin mà còn gia tăng được sức mạnh nội tâm và củng cố một giá trị lớn nhất: Trở nên hữu ích cho chính mình và cho người khác.

    Chính điều đó sẽ giúp chúng ta thoát khỏi sự ám ảnh của bạo lực để có thể trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân.

    Lê Khanh

    Báo Pháp Luật  số ra ngày 30/9/2019

  • Xử Lý Hành Vi hay Can thiệp Nhận Thức

    Xử Lý Hành Vi hay Can thiệp Nhận Thức

    Hàng ngày theo dõi tâm tư của các phụ huynh, đọc được bao nhiêu là nhu cầu, là lo lắng về tình trạng của con mình, đại khái như :
    Con gọi biết quay lại nhưng vẫn còn những hành vi chưa dứt đượf như là hay ngó nghiêng và còn có hành vi thường xuyên nắm chặt 2 bàn tay lại ,đưa lên trước miệng rồi la hét …
    Hôm nay là buổi đầu con đi học trường công, con 3 tuổi.các cô kêu quá trời.các bạn nói được hết rồi mà con em chưa biết gì.k chịu ngủ. nghịch phá đủ các kiểu .Có lẽ em cho con nghỉ trường công thôi !
    Cháu nhà mình 22 tháng tuổi , giờ cháu đang có biểu hiện gọi ko thưa , ko quay lại và ít giao tiếp bằng ánh mắt , cháu chưa nói đượd từ nào và hay chạy đi chơi 1 mình .


    Ngoài ra còn có Phụ huynh inbox ngay từ sáng sớm, hỏi miên man về các hành vi và tình trạng của trẻ từ câu này qua câu khác trong khi tớ chỉ biết về bạn qua vài thông tin và một cái video clip quay lại một số hành vi của trẻ thì làm sao có thể xử lý được hết các hành vi của trẻ ?
    Tất cả các lo lắng ấy thực sự khó có thể trao đổi, chia sẻ một cách đầy đủ. Nếu chỉ trả lời qua loa hay như một số các góp ý khác thì cũng chỉ là sự đồng cảm, hoặc có khi là một vài biện pháp không phù hợp ! Còn nếu góp ý thì lại phải đi vào cái lộ trình : Sai đâu sửa đó bằng kinh nghiệm của các trẻ khác ! và chắc chắn là không thể có hiệu quả bởi vì phụ huynh cần phải biết là: Trẻ không thể tiến bộ hay thay đổi bằng cách dùng các biện pháp để “uốn nắn hành vi” hay “dập tắt” các thái độ tiêu cực.
    Các hành vi mà trẻ bộc lộ ra bên ngoài – từ chuyện ngó nghiêng, nắm chặt tay, la hét hay không chịu đi ngủ đúng giờ, nghịch phá quá trời hoặc không nói được từ nào…. Chỉ là sự bộc lộ một phần rất nhỏ trong muôn ngàn những khó khăn về môi trường xung quanh đã tác động lên trẻ từ ngày này sang ngày khác, ngay từ khi mới sinh ra …có khi vài ba tháng, có khi một hai năm … và dĩ nhiên, không có một biện pháp nào có thể giải quyết được các hành vi ấy và hơn thế nữa, cũng không thể chỉ cần giải quyết các hành vi ấy, “trị liệu” các khó khăn ấy mà trẻ có thể “ trở lại bình thường” hay “ ngoan ngoãn” hơn.
    Phụ huynh cũng luôn băn khoăn là không biết nên đưa con đi can thiệp như thế nào, 1 h mỗi ngày hay theo học bán trú ( sẽ được can thiệp 4 h một ngày chăng ? ) và đi học chuyên biệt gặp phải các trẻ có nhiều hành vi tiêu cực hơn, liệu trẻ có bắt chước mà “hư hơn” không ? Rồi đâu là một trung tâm có uy tín, có thể giúp cho con họ một cách hiệu quả nhất ? rồi nên can thiệp với 1 GV hay 2 GV và phương pháp nào là tốt nhất để điều trị cho con ? Đều là những lo lắng chính đáng. Nhưng có lẽ, PH vẫn còn nghĩ rằng, với những giờ can thiệp từ bên ngoài, đến từ các giáo viên bằng các kỹ thuật khác nhau ( có khi nhiệt tình, có khi hời hợt ) trong một thời gian ngắn, từ 3 – 6 tháng … ( nếu không thì sẽ đổi trường, đổi GV khác ) lại có thể đem lại kết quả cho một tình trạng đã ở tận bên trong đứa trẻ ngay từ khi mới sinh ra, mà những bộc lộ ra bên ngoài dù nhiều hay ít, cũng chỉ nói lên được phần nào những khó khăn về nhiều mặt trong tiến trình phát triển của chính bản thân đứa trẻ.
    Nói cách khác phụ huynh chỉ chú ý đến các biểu hiện của các rối loạn phát triển, và cũng chỉ quan tâm đến các kỹ thuật để điều chỉnh các rối loạn ấy. Trẻ chưa biết nói thì tập nói, trẻ có nhiều hành vi thì ngăn cản, cấm đoán, trừng phạt một cách nghiêm khắc để trẻ sợ mà không làm điều đó nữa ! Liệu rằng khi trẻ đã nói được, kể cả việc nói được cả một câu dài, liệu rằng khi trẻ không dám thể hiện ra một hành vi tiêu cực nào nữa, nói đứng là đứng, nói chào là chào, hỏi đâu nói đó, sai gì làm nấy ..sau một thời gian rèn luyện theo kiểu phản xạ có điều kiện… thì trẻ đã được gọi là bình thường hay chưa ? đã đủ để tốt nghiệp trường “chuyên biệt” mà đi học “hòa nhập” ở các trường bình thường chưa ? Câu trả lời thì hầu hết ai cũng biết, nhưng cũng hầu hết là không ai chấp nhận điều đó !
    Cho đến nay – với bao nhiêu nỗ lực nghiên cứu, tìm kiếm về nguyên nhân và liệu pháp can thiệp của các nền khoa học tiên tiến trên thế giới , vẫn chưa có một câu trả lời thỏa đáng. Nhưng theo tuyên bố của thứ trưởng bộ Y Tế, thì xem như tự kỷ là rối loạn do gen và như thế thì có thể có thuốc điều trị ! vì vậy nên gọi đó là bệnh chứ không phải là một tình trạng. Đến ngay một nhà chuyên môn cấp cao mà còn nghĩ như thế, thì trách sao các phụ huynh không ngày đêm mong chờ một liệu pháp thần kỳ để “điều trị hiệu quả” cái “bệnh Tự kỷ “ cho con mình để rồi cứ rót tiền vào các phương pháp và trung tâm “nói như đúng rồi” !
    Nói như thế, không phải là không cần giải quyết các hành vi, không cần quan tâm đến các triệu chứng, nhưng không thể mong muốn một “phép mầu” qua các kỹ thuật để cất đi ngay và luôn cái gánh nặng nghìn cân mà mỗi ông bố, bà mẹ đang ngày đêm nghiến răng gánh vác. Chúng ta cần nghĩ đến một giải pháp nhiều mặt, với nhiều cách tiếp cận khác nhau trong một thời gian dài một cách kiên trì , mà mục tiêu đầu tiên là hãy làm cho trẻ trở nên thoải mái và biết tiếp nhận!
    Hãy nghĩ xem, chính chúng ta khi mệt mỏi, khó chịu, nóng giận, lo sợ, thì có bộc lộ ra những hành vi tiêu cực hay không ? Chính những cảm xúc tiêu cực làm bộc lộ các hành vi tiêu cực, và đến phiên các hành vi tiêu cực đó quay lại để “củng cố, nuôi dưỡng” các cảm xúc tiêu cực ! Với người lớn, có lý trí, có nhận thức về giá trị đạo đức, mà lắm khi còn hành động như một người điên, không kiểm soát được. Huống chi đây là một đứa trẻ, chỉ biết phản ứng theo bản năng và sự cảm nhận trực giác chứ không phải là tư duy logic, sao lại cứ phải chăm chăm buộc cho trẻ phải nói và nghĩ như mình, để tìm mọi cách làm cho trẻ phải biết “đè nén” các cảm xúc đó, để được xem là “ngoan, là biết vâng lời ? “ Hãy tạo cho trẻ một môi trường tự nhiên tại gia đình một cách vui vẻ, thoải mái,có sự cảm thông và tôn trọng, điều đó có khó hơn là dùng sự quát mắng, hay dỗ dành chiều chuộng mang tính đối phó?
    Điều gì cũng phải học – chỉ để biết một số kiến thức về toán, về văn, về ngoại ngữ … mà phải học phờ người từ năm này qua năm khác, để biết một ngành nghề thì không chỉ là học mà còn phải trải nghiệm và tiếp nhận bao nhiêu là kinh nghiệm đôi khi rất chua xót mà chính mình phải trải qua và trả giá !
    Thế thì tại sao trong ngôi trường đại học “ Học làm cha mẹ” để có thể giáo dục chính đứa con yêu thương của mình có khả năng phát triển toàn diện, chúng ta lại cứ thích học lóm các chiêu mì ăn liền, cứ thích đi tắt, đón đầu, học qua các kinh nghiệm của người khác mà chưa chắc là đã áp dụng được ! Sao không nghĩ đến những biện pháp phù hợp với môi trường gia đình của mình mà tiến hành một cách bài bản và kiên trì ? Tại sao khi đứng trước một nhân cách toàn vẹn là đứa trẻ, chúng ta chỉ nhìn thấy các mặt hạn chế và chỉ nghĩ đến việc sửa lỗi, mà không có sự cảm thông để tạo cho đứa trẻ có được nụ cười? Ở đây, hãy phân biệt một cách rõ ràng sự nghiêm khắc trong hành động chứ không phải là quát mắng và áp đặt. sự chiều chuộng, dụ dỗ mua chuộc với sự chấp nhận, cảm thông và nâng đỡ.
    Các phụ huynh sẽ hỏi : Vậy thì tôi sẽ bắt đầu từ đâu ? hãy bắt đầu từ chính thái độ và nhận thức của bản thân, đừng đi hỏi thăm người khác cách “đối phó” với con mình, mà hãy ngồi xuống, chơi với con bằng nụ cười một cách vui vẻ ! Sao tôi nói nó không nghe nên phải quát lên mới chịu ? Trẻ không thèm chơi với tôi làm sao tôi dạy nó ? Nó cần phải ngồi vào bàn học nghiêm túc, chứ những trò chơi lưng tưng thì có ích gì ? Vâng, nếu nghĩ theo tư duy của người lớn thì như thế, nhưng phải biết suy nghĩ như trẻ con thì mới có thể chơi một cách hiệu quả với trẻ em. Để từ các trò chơi lưng tưng ấy, đứa trẻ sẽ được thoải mái, biết hợp tác và sẽ có những thay đổi từ bên trong. Chơi với trẻ là một nghệ thuật và đó là một nghệ thuật trị liệu cần phải hiểu rõ về các nguyên lý chứ chẳng phải ..chơi đâu !
    CVTL. Lê Khanh – TT Kidstime Bình Thạnh

     

  • ĐỐI DIỆN VỚI TRẺ CÁ BIỆT

    ĐỐI DIỆN VỚI TRẺ CÁ BIỆT

    Trước mặt tôi là một cậu thiếu niên mà người mẹ hết sức lo lắng, mang con đến để mong tìm ra một phương pháp nào đó, có thể cải thiện được tình trạng của em, trẻ học giỏi hiện đang học lớp 12 – không có vấn đề gì về học tập, trừ việc không thích trả lời các câu hỏi, mà chỉ có thể viết ra . Nhưng không có ai là bạn, khả năng diễn đạt ngôn ngữ kém, ứng xử vụng về, hay nổi nóng và có những hành vi rất tách biệt với môi trường xung quanh….

    Đó là một trong nhiều trường hợp được xem là một trẻ “cá biệt” . Các em không quá khó khăn trong việc phát triển như các trẻ tự kỷ nhưng cũng là mối lo âu cho bố mẹ, khi thấy con không thích hòa đồng với mọi người, không biết chào hỏi ai, nói năng thì cụt lủn, không thích ra ngoài xã hội. Trừ những thời gian học ở trường thì trẻ chỉ quanh quẩn trong phòng, trong bốn bức tường và thường có những sự chống đối, phản ứng lại với các yêu cầu của người khác.

    Trẻ cá biệt là một thuật ngữ thường dùng để ám chỉ những trẻ hư hỏng, chống đối, bỏ học hoặc có cách sống trầm cảm,  thu rút và là mối băng khoăn cho bố mẹ – phải chăng con là một trẻ tự kỷ ? Thực ra cũng có một tình trạng rối nhiễu tâm lý là rối loạn giao tiếp xã hội – cũng từng được xem là một dạng tự kỷ. Thế nhưng, các trẻ này lại không hẳn như thế vì mà chỉ là những hành vi “chống đối” có chủ đích, khác với các rối loạn hành vi của trẻ tự kỷ là những điều mà chính trẻ cũng không muốn và cũng không thể kiểm soát được – Trẻ Cá biệt cũng là những trẻ  thường gắn liền với hai vấn đề lớn mà bố mẹ nào cũng lo lắng : Trẻ không thích đi học, và lại rất mê chơi games. Đây cũng là điều “nhầm lẫn” của bố mẹ khi mang con đến tư vấn tâm lý, đó là mong sao cho các “chuyên viên” có thể dùng các “liệu pháp chuyên môn” để thuyết phục hay giảng giải, thậm chí là “chữa trị” ngay và luôn cho trẻ khói cái chứng lười học và mê game, cộng thêm cái tính dễ nổi nóng, chuyên môn cãi lại bố mẹ. Hầu như 10 người thì hết 9 đều nghĩ tình trạng của trẻ là do những tác động từ bên ngoài ( do xã hội, do bạn bè xấu, do ảnh hưởng của phim ảnh…) mà ít ai nghĩ chính cách ứng xử của những người thân trong gia đình mới là nguyên nhân và đã diễn ra trong thời gian dài.

    Các vấn đề này tuy tập trung ở đứa trẻ, nhưng để giải quyết thì  không phải là chữa cho trẻ, giống như uống thuốc hay điều trị theo một phác đồ để khỏi bệnh ! Mà tình trạng của trẻ chỉ có thể cải thiện từng bước khi có sự thay đổi trong cách ứng xử trong gia đình, mà khi nói ra thì hầu hết mới nhận ra là do mình đã quá cưng chiều, bảo bọc  nhưng lại luôn ..áp đặt và đánh, mắng !

    Thực ra, việc cưng chiều con thì 10 phụ huynh có lẽ cũng đến 11 người là có, nhưng  sự cưng chiều có nhiều cách khác nhau, mức độ khác nhau và cũng không phải trẻ nào được cưng chiều cũng trở thành cá biệt ! Mà ở đây cá tính của trẻ mới là yếu tố quyết định – Có nhiều trẻ bố mẹ vẫn dạy dỗ và quan tâm một cách nghiêm túc, nhưng vẫn “hư” dưới con mắt của người lớn, hay không được như những gì mà bố mẹ kỳ vọng ! Có trẻ được ăn học tử tế, giáo dục đàng hoàng nhưng vẫn lười, vẫn ích kỷ và vẫn có những hành vi không phù hợp. Đó chính là điều mà ta thường nói : Cha mẹ sinh con – trời sinh tính !  Và đây cũng là những điều mà chúng ta phải chấp nhận : Những giới hạn của lòng mong đợi.

    Hẵn là sẽ có nhiều người lấy làm thất vọng về con, nhưng nếu chúng ta biết tôn trọng sự cá biệt, và biết những giới hạn của lòng mong ước… thì hẳn là chúng ta thôi khó chịu và lo lắng cho tương lai của con, vì nghĩ rằng, nếu nó đi “lệch hướng” cái con đường mình đã công phu sửa soạn cho nó với bao tâm huyết , thì chỉ có thể là sự bất hạnh, thất bại đang chờ nó ! Thế nhưng, chính cái tương lai mà chúng ta vẽ ra đó, liệu nó có đúng là một điều hạnh phúc cho trẻ hay không khi đứa trẻ không được là chính nó.

    Theo quan điểm giáo dục Tây Phương, thì một đứa trẻ trên 18 tuổi là phải chịu trách nhiệm về bản thân mình. Trẻ phải tự đi trên con đường mà chính nó đã vạch ra, có thể nó sẽ thất bại, gục ngã trong một thời điểm nào đó bởi sự chủ quan, nhưng nó sẽ không thể trách cứ, đổ thừa cho ai về những gì đã xẩy ra cho mình, nó dám nhận trách nhiệm và sẽ có khả năng đứng lên để tiếp tục hành trình. Còn với giáo dục Đông Phương, củng có ưu điểm là sự quan tâm, bảo bọc, thương yêu và hỗ trợ con vô điều kiện. Nhưng cũng chính vì sự gắn bó đó, mà đứa trẻ có khi sẽ không được đi theo cách của nó, mà phải đi theo định hướng của gia đình, nếu có thất bại thì gia đình cũng sẽ gánh phần trách nhiệm. Điều này có thể giúp cho trẻ không quá tổn thương, nhưng lại dễ tạo nên những kẻ vô trách nhiệm và chuyên đổ thừa sự sai lầm cho người khác.

    Với những trẻ cá biệt – cũng như những trẻ đặc biệt, khi gặp những khó khăn và hạn chế trong các năng lực học tập, thì tại sao bố mẹ không nhìn ra những khả năng khác rất “cá biệt” của em ? Có thể em sẽ trở thành một người giỏi về một lĩnh vực nào đó, nếu được quan tâm, bỏ qua cái thành kiến mà ai cũng cho là hợp lý – Đó là xem con đường học tập như là một cứu cánh duy nhất , xem trình độ học vấn là thước đo của con người, xem bằng cấp là giá trị mà con người phải đạt được. Trong khi đó, ai cũng thừa biết là cái quan điểm “ cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng nhiều tiền” ! đã gần như là một điều “ chủ đạo” trong giáo dục và trong cả cuộc sống ngày nay. Nhưng tiền thì lại không mua được nhân cách, năng lực bản thân và lòng tự trọng. Đây mới là điều mà đứa trẻ cần phải có.

    Chúng ta nên nhìn lại chính cách cư xử và thái độ của mình đối với con cái, không có điều gì có thể dạy con hiệu quả cho bằng sự làm gương, và thay vì chỉ nhìn ra những lỗi lầm của đứa trẻ để tìm mọi cách uốn nắn, bẻ gãy hay ngăn cấm, thì hãy tìm ra những điểm “cá biệt” của trẻ và xem đó chính là những điểm mạnh để hỗ trợ, khuyến khích và tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm và phát triển theo cách riêng. Chúng ta phải cho trẻ cái “quyền thất bại” phải biết chịu trách nhiệm với chính bản thân qua những hoạt động cá nhân tại gia đình. Chính sự bảo bọc, ôm ấp làm thay cho con từ cái ăn, cái mặc cho đến việc “dọn ổ” cho con trong các hoạt động học tập , không dám cho con bước ra ngoài cái “vỏ bọc an toàn” để tự thân vận động,  đã khiến cho trẻ không thể rời khỏi “ vòng tay mẹ” để trưởng thành.

    Có nhiều người cũng đã nhìn ra các vấn đề của con, nhưng họ lại không biết rằng giải pháp là ở những hoạt động trong gia đình, là hành vị tự giác của đứa trẻ, chứ không phải những khóa “ Kỹ năng sống hàng hiệu” mà họ bỏ tiền triệu ra mua cho con, tưởng rằng sẽ giúp trẻ phát triển “ toàn diện” bằng những khóa học “ cưỡi ngựa xem hoa” mà thực chất chỉ là việc ném tiền qua cửa sổ.  Giải pháp chính là những điều tưởng như rất bình thường, đó là một nếp nhà trong bầu khí quan tâm, tôn trọng và chấp nhận nhau tai chính gia đình mình. Những công việc thường ngày, từ việc dọn dẹp, lau chùi, nấu ăn, phơi đồ mà trẻ được hướng dẫn ngay từ nhỏ, để có thể thực hiện một cách tự giác, sẽ giúp cho trẻ tự tin, có các hoạt động tự chủ và lớn lên sẽ có khả năng tự lập chứ không còn là một trẻ “cá biệt” cần phải “ điều trị tâm lý” !

    Lê Khanh