Danh mục: Giáo Dục

  • BIỆN PHÁP GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ

    BIỆN PHÁP GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ

    Chậm nói là một vấn đề rất phổ biến trong các khó khăn mà các nhóm trẻ rối loạn phát triển thường gặp, vì thế việc tập nói cho trẻ là một điều cần phải được đặt ra, và các hoạt động này có thể áp dụng một cách hiệu quả tại gia đình, mà người giúp trẻ không ai khác hơn là bố mẹ. Chúng ta nên biết, một trong những yếu tố khiến trẻ Chậm nói là khả năng nghe kém – trẻ nghe kém ở đây không phải do sức nghe kém mà là khả năng chọn lọc, phân biệt tần số âm thanh bị rối loạn  cùng với sự tập trung của trẻ kém.  Trẻ có thể nghe những âm thanh khá nhỏ phát ra từ chiếc TV hay máy tính là những thứ mà trẻ quan tâm và có tần số phù hợp hơn so với những lời nói, sự kêu gọi hay mệnh lệnh của bố mẹ. Vì thế tập cho trẻ biết NGHE, cũng là một yếu tố quan trọng cần lưu ý trong tiến trình tập cho trẻ NÓI.

    Thế nào là sự chú ý :

    Chú ý là sự quan tâm có chủ đích vào một hoạt động nào đó và khi trẻ tập trung sự chú ý vào một điều gì, thì những gì xảy ra xung quanh ngay cả với tiếng kêu của bố mẹ, trẻ cũng sẽ không còn để ý hay có phản ứng đáp lại.  Nói cách khác, trẻ chỉ chú ý đến những điều tạo ra hứng thú, vì thế muốn tạo sự lắng nghe  cho trẻ thì phụ huynh cần tác động vào những lúc trẻ có hứng thú, hay ngược lại là tạo sự hứng thú cho trẻ thông qua các công cụ hay hoạt động để có sự thuận lợi gây được sự chú ý.

    Điều dễ làm trẻ chú ý lắng nghe và cũng hứng thú hoạt động , đó là các trò chơi – Chính hoạt động chơi của trẻ, là tiền đề tạo sự hứng thú, xây dựng niềm vui để thúc đầy các hoạt động tập trung vào lời nói và hành động của bố mẹ qua việc chơi cùng con.  Dĩ nhiên đây là các trò chơi “có định hướng” với các biện pháp tác động và mục đích rõ ràng.

    Thế nào là một trò chơi có định hướng

    Trò chơi là một hoạt động với nhiều mục đích khác nhau – đơn giản nhất là chơi để ..mà chơi, chơi chỉ để đỡ ..buồn, đỡ mệt mỏi, căng thẳng. Nhưng có những trò chơi hay hoạt động chơi sẽ giúp cho sự phát triển vận động (Vận động của cơ thể và vận động của các ngón tay) . Có trò chơi nhằm phát triển các giác quan  (Nhìn – nghe – sờ chạm – nếm, ngửi) Phát triển cảm xúc (Tạo sự hồi hộp hay tiếng cười ) Tất cả các trò chơi này đều có ích và tạo đà cho các trò chơi định hướng vào sự tập trung chú ý .

    Chúng ta có thể cùng chơi với trẻ các trò chơi có sự chờ đợi và nhắc nhở. Hãy nhắc nhở trẻ trước khi nói một điều gì với trẻ,  “Này, con lắng nghe nhé ….” Trước khi bắt đầu hãy cho trẻ biết : “Bây giờ thì ..chuẩn bị …”. Nào sẵn sàng chưa ?  một hai ba, bắt đầu …. Các trò chơi với bóng, các món đồ chơi chuyển động  … và các các nhạc cụ cho trẻ có thể nhảy theo âm điệu được phát ra … Chúng phải lắng nghe và cần biết ngồi xuống khi nhạc tắt. Chơi các trò chơi bắt đầu – kết thúc sử dụng các nhạc cụ như một dấu hiệu âm thanh.  Chúng ta hãy cho trẻ khám phá các nhạc cụ như : bộ gõ, bộ thổi và bộ rung. Bố mẹ có thể gõ theo nhịp điệu vào một cái trống. Trẻ phải nghe và bắt chước nhịp điệu đó hoặc gõ những tiếng thật to trên trống. Trẻ lắng nghe và di chuyển minh họa âm thanh đó (ví dụ: Tiếng gõ mạnh và chậm : bước chân của con trâu đang di chuyển –  Gõ nhẹ và nhanh vào trống như bước chạy của con chuột … Trẻ nghe và di chuyển minh họa âm thanh đó. ( có thể cùng làm mẫu để trẻ bắt chước )

    Chúng ta có thế lấy ra một bộ tranh ảnh các con vật cho trẻ xem – mỗi ảnh của con vật là phát ra tiếng kêu của nó. Trẻ nghe và khi bạn phát ra tiếng kêu của một con vật nào đó, bé phải ghép âm thanh đó với bức tranh con vật tương ứng.

    Khi biết bé đã có thể nói, chúng ta có thể dùng cách cố tình gọi sai tên của một số vật quen thuộc . Ví dụ : Cho con cái “kén” nè – Trẻ nghe và nói lại cho đúng “ Chén”. Nếu trẻ đã nói được các câu ngắn – có thể dùng các trò chơi sắm vai ( Đây là loại trò chơi dành cho trẻ có khả năng trí tuệ trên 5 tuổi ) .

    Với các bé quan tâm đến tiếng động, có hứng thú với đồ chơi phát ra âm thanh ta có thể giấu một thứ đồ chơi âm nhạc hoạt động bằng dây cót và cho trẻ tìm thứ đồ chơi đó bằng cách lắng nghe âm thanh phát ra từ đâu.

    Việc thu hút sự chú ý của trẻ rất đa đạng và phải có thời gian mới phát huy được tác động, vì thế chúng ta cần hết sức kiên nhẫn, và thực hiện một cách vui vẻ, thoải mái.

    Làm sao để thúc đẩy lời nói

    Điều quan trọng nhất cần phải làm là giúp trẻ cảm thấy thích nói và trẻ được khuyến khích “thực hành” nói với các kỹ thuật sau:

    • Khi trẻ cố gắng nói, hãy khuyến khích bé. Chấp nhận mọi nỗ lực của trẻ thậm chí ngay cả khi lời nói của bé chưa chuẩn. Dành thời gian trò chuyện. Hãy lắng nghe những gì bé nói với bạn và thể hiện sự thích thú của bạn đối với những gì bé nói dù đó có thể chỉ là những âm tiết, tiếng kêu chưa có nghĩa rõ ràng.
    • Hãy lắng nghe nhiều hơn. Hãy cho con bạn thời gian để nghĩ về những gì bạn nói với trẻ trước khi mong đợi trẻ trả lời. Đừng nói với trẻ mà không lắng nghe câu trả lời của con. Hãy dùng những từ ngắn gọn, chuẩn xác và rõ ràng.
    • Hãy lặp lại và nhấn mạnh các từ mới và/hoặc những từ mới. Điều đó sẽ giúp trẻ tăng cường khả năng hiểu của trẻ. Bố mẹ cùng ngồi nhìn vào tranh ảnh và sách truyện với con Hãy nói về các bức ảnh, hình vẽ trong đó. Và mô tả chúng.
    • Sử dụng các dấu hiệu thị giác. Dùng các đồ vật, tranh ảnh, và các cử chỉ điệu bộ để hỗ trợ những gì bạn đang nói và khuyến khích con bạn làm như bạn. Đừng nghĩ là trẻ học ngôn ngữ chỉ qua nghe; trẻ cần học thông qua việc kết hợp những gì trẻ nghe được với những gì trẻ thấy và làm được.
    • Lưu ý các hoạt động  luân phiên. Điều đó giúp con hiểu rằng bạn sẽ lắng nghe bé nhưng ngược lại bé cũng phải lắng nghe bạn. Việc chơi các trò chơi luân phiên (ví dụ như các trò chơi với bóng) sẽ giúp con bạn phát triển kỹ năng này.
    • Hãy đánh giá cao giá trị của những gì con bạn nói. Thậm chí ngay cả khi bạn không hiểu hết những gì bé nói, đừng bỏ qua những lời phản hồi của bé.
    • Nếu con nói sai, hãy nhắc lại nó bằng những từ ngữ đúng để sửa cho trẻ. đừng sửa lỗi trẻ và đừng bắt chúng nói lại. Hãy sử dụng những từ ngữ đơn giản.
    • Từng bước thêm vào các từ đơn mà trẻ nói được thành các từ đôi, và từ đó thành các câu ngắn, đơn giản trước khi là một câu hoàn thiện.

    Làm sao để duy trì khả năng hội thoại :

    Chúng ta nhớ rằng, khả năng nói của trẻ nếu không được củng cố bằng các hoạt động tương tác hai chiều – Trẻ chỉ nghe mà không được đáp ứng hay trẻ chi phát âm mà không được lắng nghe, phản hồi thì sẽ dần dần thoái hóa. Điều này giải thích cho việc có những trẻ lúc 7,8 tháng tuổi có thể bập bẹ một số từ đơn ( bà, ba, đi … ) thậm chí có thể lập lại một câu ngắn. Nhưng sau một tuổi thi lại mất đi khả năng phát âm. Nhất là trong giai đoạn này, trẻ được cho tiếp xúc thường xuyên với các phương tiện như TV, Ipad, hay máy tính.

    Vì thế chúng ta cần  kiểm tra việc hiểu của trẻ. Hãy đề nghị con nhắc lại những gì bạn nói với bé,  dù chúng ta biết rằng trẻ có thể nhắc lại những gì bạn nói không có nghĩa là bé đã hiểu những lời nói đó.

    Bạn hãy nhắc lại các thông tin bằng các cấu trúc khác nhau. Nếu con không hiểu, hãy đơn giản hóa hơn nữa câu nói của bạn. Ví dụ: “ lấy cho mẹ quyển sách lớn màu xanh ở phía đằng kia”, Hãy thay đổi cho đơn giản hơn nếu trẻ chưa hiểu: “lấy quyển sách màu xanh” và chỉ về phía quyển sách để hướng dẫn thêm .

    Việc tập nói được xem là một hoạt động tương tác giữa hai người ( Mẹ và con ) vì thế đừng bắt ép trẻ nói trước mặt người khác như một cách biểu diễn nếu bé không muốn làm điều đó.  Chúng ta cũng không nên  cười khi trẻ phát âm sai từ,  mà bạn hãy khuyến khích bé và nói to từ đúng cho bé nghe.

    Tập nói không phải là một giờ học căng thẳng, vì thế trẻ phải có sự thoải mái khi trao đổi. Trẻ có thể ngồi trên ghế đối diện với bạn, nhưng  cũng có thể ngồi chơi dưới sàn một cách thoải mái với một số đồ chơi có thể hỗ trợ cho việc cùng nhau chơi . Cuối cùng, việc đối thoại hay tập nói cho trẻ không chỉ là một hành trình trò chuyện giữa hai mẹ con. Mà đó là một hoạt động “ Cả nhà cùng chơi” , Hãy chia sẻ các nguyên tắc tác động và những biện pháp áp dụng với trẻ cho mọi người trong gia đình, đặc biệt là những người có ảnh hưởng nhiều đến trẻ. Vì thế nên… 1 2 3 chúng ta cùng nói !

    Lê Khanh

    Phòng Tư vấn Tâm lý GĐ&TE.

     

     

  • Hãy để niềm vui dẫn lối

    Hãy để niềm vui dẫn lối

    Nếu là một phụ huynh của trẻ VIP, thì hầu như ai cũng đã từng trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau khi biết con mình…đặc biệt. Cảm xúc có thể đi từ sự phủ nhận, sốc, lo lắng hay giận dữ, sau đó là đổ lỗi cho bản thân hay cho …cả thế giới, để rồi có khi lại trầm cảm vì thương con và thương mình. Trong tất cả cảm xúc, hầu hết là tiêu cực và thường kéo dài trong một thời gian khá lâu mới có thể đi đến cảm xúc tích cực cần thiết nhất – đó là sự chấp nhận. Chúng ta phân biệt giữa sự chấp nhận việc chẩn đoán con mắc chứng tự kỷ trong giai đoạn đầu và việc chấp nhận tình trạng tự kỷ của con sau một thời gian. Khi chấp nhận chẩn đoán, điều đó chỉ có nghĩa là bố mẹ sẽ tìm hết cách để chạy chữa cho con, từ việc lặn lội tìm kiếm các cơ sở tốt, giáo viên giỏi để can thiệp…cho đến việc tham khảo đủ loại phương pháp khác nhau, từ phương pháp khoa học cho đến các phương pháp mơ hồ nhưng lại tự cho mình là hiệu quả, là thần kỳ…nhất. Nhưng có khi với tâm lý của một người ..mua vé số để cho rằng biết đâu cái phương pháp đó lại hiệu quả với con mình thì sao ?.

    Chỉ đến khi nào, sau thời gian lên bờ xuống ruộng, nghe theo không biết bao nhiêu là lời khuyên, cái đúng cái sai, cái hợp lý, cái tầm bậy…và cũng tốn kém không biết bao nhiêu là công sức và tiền của, thì may ra bố mẹ mới đạt đến ..cảnh giới là sự chấp nhận tình trạng tự kỷ của con mình, đến lúc đó mới có thể bắt đầu sự can thiệp..cho bố mẹ để đem lại các giá trị cho đứa con.

    Có những cơ sở, giáo viên và chuyên viên đã đề cập đến vai trò cần thiết của bố mẹ trong tiến trình can thiệp cho con, mà việc tham gia can thiệp cho con tại gia đình là quan trọng. Nhưng cũng không thiếu các cơ sở lại cho rằng phải cách ly gia đình, phải tập trung toàn thời gian vào việc rèn luyện bằng những biện pháp kỷ luật nghiêm khắc với những kỹ thuật lạ lùng như đứng trên con lăn, tung hứng banh và chai thủy tinh để trẻ phải tập trung cao độ, từ đó kích hoạt hệ thần kinh và có thể điều chỉnh được nhận thức, không những “chữa được bệnh tự kỷ” mà trẻ còn có thể làm được những điều thần kỳ chưa từng có trên thế giới. Còn những đơn vị khác thì nhận trẻ từ sáng đến chiều, bố mẹ khi đưa con về nhà thì chỉ cần cho con ăn ngủ là đủ, việc tập cho con tham gia các hoạt động trong là là điều không cần thiết , và chuyện dạy con như thế nào là phần của các nhà chuyên môn.

    Tuy nhiên, nếu có đề cập đến vai trò của phụ huynh, thì đa phần cũng chỉ dựa vào kỹ thuật của các phương pháp tác động khác nhau mà bố mẹ phải được đi học, được tập huấn để trở thành một chuyên gia cho chính con của mình. Điều này không sai, bởi vì rõ ràng là khi tác động trên con, bố mẹ cần có những kỹ thuật thực hành đúng bài bản, đúng kỹ thuật – Nhưng vấn đề là phương pháp nào sẽ là tốt nhất cho con ? vì phương pháp nào thì cũng được xem là phương pháp tốt nhất, cần phải áp dụng trong thời gian nhiều nhất có thể, và dùng phương pháp này để hồi phục, để chữa trị, để cho con hòa nhập với cộng đồng là hiệu quả nhất. Bao nhiêu là thuật ngữ tốt đẹp được đưa ra và lần này thì phụ huynh không còn trầm cảm hay lo lắng nữa, mà bắt đầu hoang mang … bởi vì sau khi lần lượt đi học hết khóa huấn luyện này đến buổi tập huấn khác, bê về những kiến thức kỹ năng khác nhau… như một chục món ăn bầy lên để nấu nướng, phụ huynh không biết nấu cái gì trước, nấu cái gì sau ..chưa kể là 10 điều chuyên gia dạy, mang về tới nhà thì đã rụng bớt hơn một nửa ! Chưa kịp tiêu hóa xong thì lại tiếp đến kiến thức khác… Cuối cùng, phương pháp tốt nhất mà phụ huynh lựa chọn lại là ..nhờ giáo viên về dạy cho con mình cho yên tâm!

    Tại sao lại phải chấp nhận tình trạng của con?
    Trong hầu hết những cuộc hôn nhân tan vỡ, ngoài các lý do về kinh tế thì đa phần xuất phát từ những mong đợi sự thay đổi của…đối tác ! Ai cũng biết, khi mới đến với nhau thì hầu hết chỉ thấy được những điều tốt đẹp khiến cho mình say mê. Sau đó, khi lấy nhau về thì mới phát hiện là sự thật không như mình tưởng bở, thế là xuất hiện ảo tưởng là với sức mạnh của tình yêu và lòng kiên nhẫn, mình có thể thay đổi tính cách của đối tác, y như kiểu rèn luyện cho một con cá biết ..leo cây ! Và dĩ nhiên là thất bại nếu như chúng ta không biết chấp nhận tính cách của đối tác như là điều tất yếu, vốn có của cô ấy/anh ấy – nó chỉ có thể giảm bớt, biến chuyển phần nào chứ không thể thay đổi mà chính chúng ta phải biết thích nghi và chấp nhận.

    Cũng thế, với tình trạng Tự kỷ, thì các kỹ thuật nếu tốt thì có thể làm biến đổi, cải thiện phần nào các vấn đề của trẻ đến một mức độ tốt nhất có thể, tùy vào tình trạng của con, chứ không thể “ kéo con ra khỏi” hay đưa con trở lại thiên đường …hay điều trị phục hồi… để con bình phục sau một cơn bệnh kéo dài như bao nhiêu thuật ngữ đã được sử dụng. Phương pháp điều trị dù được cho là thần kỳ đến đâu cũng hoàn toàn không thể biến một đứa trẻ thành kỷ lục gia, dù thực tế vẫn có những thiên tài tự kỷ. Nhưng các thiên tài ấy, chỉ có thể tỏa sáng băng năng lực tự có được khơi dậy trong tình trạng tự kỷ của mình. Họ vẫn là người tự kỷ với một tài năng nào đó, chứ không thể bước từ thế giới tự kỷ qua thế giới của những người bình thường mà còn có thể có thêm một tài năng thuộc nhóm “kỷ lục gia” như một thực thể đã được tô vẽ để lừa gạt phụ huynh !

    Thế nào là cảm xúc tích cực ?
    Chúng ta chấp nhận chứng tự kỷ để hình thành những cảm xúc tích cực nơi phụ huynh như yêu thương, tôn trọng, thấu cảm và lắng nghe , để từ đó tạo cho trẻ các niềm vui trong các hoạt động hàng ngày mà không quá tập trung vào việc rèn luyện các biện pháp để “cắt đứt” các hành vi kỳ cục – để dập tắt những cơn bùng nổ mà cần chuyển qua thái độ chấp nhận để nhìn nhận và phát huy những mặt tốt đẹp của trẻ dù có thể là rất ít ỏi trong thời gian đầu. Chỉ có thế thì việc vận dụng các kỹ thuật của phương pháp nào phù hợp với con mới có thể phát huy hiệu quả.

    Nói một cách đơn giản, ai cũng biết giá trị của nụ cười – bằng 10 thang thuốc bổ , nhưng cũng có nhiều người đã thấy ở con hành vi bất bình thường là cái gì cũng có thể …cười ! Một nụ cười vô hồn hay một nụ cười của sự lo lắng, căng thẳng ! Bởi thế, không phải chỉ là nụ cười, mà là các giá trị của cảm xúc được đến từ niềm vui thực sự lan tỏa từ bên trong tâm hồn của bố mẹ để hàng ngày tiếp cận và thấu cảm đến tâm hồn của con.

    Chúng ta biết rằng, trẻ đặc biệt, nhất là các bạn VIP là vô cùng nhạy cảm với những thái độ và phản ứng của phụ huynh. Nói cách khác, trẻ sẽ rất lo lắng khi cảm nhận được sự lo lắng của phụ huynh. Trẻ sẽ sợ hãi hay giận dữ khi nhận thấy sự sợ hãi hay giận dữ của phụ huynh ngay cả khi nó chưa bộc lộ ra thành các hành vi bên ngoài, điều đáng nói là trẻ chỉ cảm nhận mà không thể hiểu được bản chất hay nguyên do của sự lo lắng đó, vì thế trẻ sẽ rất căng thẳng, và sẽ có thể bộc lộ những hoảng loạn mà đến lượt chính phụ huynh lại không hiểu tại sao dù đã tìm hết cách để giải quyết.

    Với tâm thế chấp nhận tình trạng của con, biết nhìn vào các mặt tích cực của trẻ, biết hình thành các niềm vui và sự an yên cho chính mình trong việc giao tiếp với con, thì phụ huynh đã tạo ra được các cảm xúc tích cực cho bản thân, từ đó sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, và những cảm xúc tích cực ấy, từ sự yêu thương cho đến sự thấu cảm , từ sự bình tĩnh cho đến thái độ tôn trọng… tất cả những điều ấy sẽ khiến trẻ yên tâm và sẽ có được các niềm vui mà bố mẹ mang đến thông qua các hoạt động trong gia đình. Cảm xúc tích cực là sự chủ động của bản thân, cho dù chúng ta có mệt mỏi vì cơm áo gạo tiền, có đau khổ khi thấy con không nói được, không giao tiếp được với ai… Nhưng điều đó đâu có giá trị gì nếu không làm cho con có thể thay đổi ? Đâu phải hoạt động lập đi lập lại hàng chục hay hàng trăm lời nói để trẻ phải nhắc lại, là có thể giúp con phát triển ngôn ngữ. Ngôn ngữ đâu chỉ là lời nói mà ngôn ngữ là sự tương tác một cách chủ động và thấu hiểu giữa hai con người , chỉ có thể kết nối với sự cảm thông và vui thích ! Chúng ta có muốn nói chuyện với người mà ta sợ hãi hay khó chịu không ? tại sao cứ phải buộc trẻ bật âm,phải nhắc lại và phải trả lời khi trẻ đã quá chán nản và mệt mỏi trong hàng giờ ngồi đối điện với một khuôn mặt mà sự căng thẳng có khi không cần che đậy, hoặc co khi là sự vui vẻ giả tạo bên ngoài ?

    Làm sao để hình thành cảm xúc tích cực
    Là bố mẹ, ai mà không yêu con – Nhưng tình yêu với con nếu không có sự dẫn lối của lý trí, sẽ trở nên mù quáng. Chúng ta yêu con, đó là điều cần thiết nhưng nếu vì điều đó mà cứ so sánh con mình với những đứa trẻ khác, cứ mong sao để con phải được đến trường, phải trở nên bình thường để có thể tự lo cho bản thân khi lớn lên. Từ đó lại cố gắng chữa trị bằng việc đi tìm giải pháp như cho con “thử nghiệm” hết cách này đến cách khác. Bất chấp khi con lả người đi vì cạo gió, bất chấp khi con gào khóc vì châm cứu, vì cấy chỉ hay hoảng loạn vì …lấy tủy để cấy tế bào gốc. Họ những tưởng, các nỗi đau mà con trẻ phải trải qua đó, rồi sẽ qua đi như chính bản thân họ, sau những đớn đau của phẫu thuật, bệnh tật, hay sau một tai nạn nào đó! Họ quên mất rằng họ là người lớn có quyết tâm và ý chí, còn các bé chỉ là những đứa trẻ con ngây thơ đầy cảm xúc, thậm chí luôn là một đứa trẻ dù thân xác đã cao to hơn cả bố mẹ ! Và với một đứa trẻ thì không thể dùng ý chí vượt qua cơn đau như người lớn, vì trẻ không có ý chí – nhất là với các bạn đặc biệt, thì phần bản năng và những nhu cầu về thân xác là nền tảng.

    Những nỗi đau về cơ thể và cả những sự lo lắng, buồn phiền về mặt tinh thần, sẽ là những vết dao chí tử, khắc ghi vào trong tâm trí các bạn ấy những vết sẹo không bao giờ kéo da non. Chúng sẽ âm ỷ, biến chuyển thành những cơn bùng nổ mà những sự dỗ dành hay trấn áp của người lớn đành …bất lực. Tệ hại hơn, khi những điều đó kết hợp với những lo lắng không tương tác được sẽ làm xuất hiện những hành vi hoàn toàn bản năng mà không một phương pháp nào có thể điều chỉnh nổi.

    Vì vậy, chỉ có những cảm xúc tích cực mà bố mẹ xây dựng trong tiến trình “sống vui cùng tự kỷ” mới có thể giúp con hình thành những niềm vui thực sự, trong các hoạt động như những trò chơi có chủ đích tại gia đình, hãy nhìn nhận các hành vi của trẻ một cách vui vẻ, hãy để trẻ trải nghiệm các hoạt động trong các việc bình thường nhất tại nhà, điều này sẽ dần dần tạo cho trẻ một sự thoải mái , an yên để tiếp nhận những kỹ thuật đơn giản, được tác động để tạo cho trẻ sự chủ động và sự mong muốn được giao tiếp.

    Hãy nhìn một đứa trẻ thoải mái vui vẻ, chúng ta có thể ngồi chơi và giao tiếp với bé một cách dễ dàng, nhất là nếu chúng ta lại để cho trẻ được quyền “dẫn dắt” chúng ta “đi vào” cái thế giới của chúng. Có những cơ sở đã bước đầu thành công khi để cho niềm vui của trẻ dẫn lối – khi cho trẻ có tham gia những hoạt động “chơi tẹt ga” và trẻ được là chính mình – là một trẻ tự kỷ được thương yêu – tôn trọng, chứ không phải là đứa trẻ kỳ khôi, câm lặng, phải tìm hết cách để bật ra được một tiếng chào , để trở thành học sinh ngơ ngác, cô đơn trong một lớp học nhốn nháo mà chúng ta tìm hết cách buộc trẻ phải “ hội nhập với cộng đồng” !
    Lê Khanh
    Kẻ đi tìm niềm vui với trẻ em.

  • Giúp trẻ phát triển Ngôn ngữ tại gia đình

    Giúp trẻ phát triển Ngôn ngữ tại gia đình

    Một trong những vấn đề mà trẻ đặc biệt thường gặp. Đó là tình trạng chậm nói. Điểu này sẽ khiến trẻ khó khăn trong diễn đạt lời nói và hạn chế khả năng giao tiếp, đưa đến những hành vi tiêu cực. Sau khi phát hiện thì bố mẹ thường nghĩ rằng, việc tập nói cho trẻ phải có kiến thức và kỹ năng chuyên môn và phải được can thiệp ở các đơn vị chuyên môn. Tuy nhiên đó không phải là biện pháp duy nhất mà trên thực tế, thì ngay trong các hoạt động thường ngày tại gia đình là môi trường thuận lợi giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, mà người hỗ trợ  không ai khác hơn là bố mẹ.

    Bố mẹ sẽ phải làm gì ?

    Điểu đầu tiên mà bố mẹ cần làm, đó là phải cho trẻ đi đánh giá để tìm hiểu khả năng  nói và giao tiếp ở mức độ nào ? Trẻ chưa có âm và chưa nói được một từ nào hay đã nói được các từ đơn, trẻ có thể nói được các từ đôi hoặc trẻ có thể nói được các câu ngắn. Đó là những mức độ phát triển lời nói khác nhau, để có thể áp dụng những biện pháp can thiệp phù hợp.

    Điều thứ hai là bố mẹ cần lưu ý đến các sở thích của trẻ. Đây chính là cơ sở để tạo sự hứng thú cho các em. Trẻ ưa thích món đồ chơi gì ? ưa thích hoạt động với vật dụng gì và trong thời điểm nào. Chúng ta phải biết dựa vào sở thích của trẻ để lôi kéo trẻ vào các hoạt động vui chơi, thông qua các trò chơi đó tạo sự gắn kết với trẻ.  Sở dĩ GV dạy trẻ, có thể tác động tốt với các phương pháp can thiệp về  ngôn ngữ và giao tiếp cho trẻ là vì cô đã tạo được niềm vui, sự ưa thích ngồi khi chơi với cô. Vì vậy, nếu muốn can thiệp tốt, PH cũng phải tạo cho trẻ niềm vui và sự ham thích khi ngồi chơi với mình. Có quan điểm cho rằng khi dạy trẻ cần nghiêm khắc, và nên áp dụng các biện pháp cứng rắn để uốn nắn những hành vi không tốt hay phản ứng của trẻ. Điều này khiến trẻ có thể phải chấp nhận các yêu cầu vì sợ cô, nhưng sẽ trở nên thụ động, chỉ trả lời với cô mà không hợp tác được với bố mẹ.

    Muốn có được sự vui thích để hợp tác, bố mẹ phải sắp xếp thời gian vào một thời điểm nhất định trong ngày, tạo cho trẻ nhiều cơ hội ngồi chơi với bố mẹ một cách thoải mái, không ép buộc. Trẻ được tự chọn món đồ chơi, cách chơi theo sở thích.. Phụ huynh chỉ nương theo các hoạt động vui chơi để từng bước dẫn dắt, tạo hứng thú và dần đần chuyển hướng sự quan tâm của trẻ vào chủ đề mà mình muốn hướng dẫn với sự chủ động của trẻ. Không có sự bắt buộc hay đe dọa nào trong khung giờ này, chỉ có niềm vui và nụ cười mới có thể tạo được sự tập trung một cách hiệu quả.

    Bố mẹ sẽ thực hiện như thế nào ?

    Khi ngồi chơi với trẻ, bố mẹ cần thu hút sự chú ý của trẻ  qua các món đồ chơi hay vật dụng  đơn giản trước khi nói với trẻ về các điều đó ! Nói cách khác là hãy dùng các cử chỉ, điệu bộ để tạo sự chú ý hơn là dùng những câu nói dài và nhanh để yêu cầu trẻ phải chú ý. Khi cần dùng lời với trẻ, thì cần nói rõ ràng, chậm rãi, nhấn mạnh vào các từ trọng tâm và nếu cần thì nên nhắc lại vài lần. để trẻ có thể ghi nhớ.

    Nói ngắn – chậm – nhấn mạnh và lập lại – Đó là các nguyên tắc ban đầu. Bố mẹ cũng cần phải nói một cách đơn giản, sử dụng vốn từ và ngôn ngữ sao cho phù hợp với mức độ nhận biết của trẻ  nhưng vẫn giới thiệu được những khái niệm và từ mới. Hãy nhớ là trẻ hiểu nhiều hơn những gì bé có thể nói.

    Hãy giúp cho con  nghe và làm theo chỉ dẫn bằng cách chỉ cho trẻ thấy bố mẹ  muốn gì vừa bằng lời nói, vừa bằng điệu bộ một cách vui vẻ . Khi con tỏ ra không hiểu, hãy nói theo cách khác thay vì chỉ lặp lại câu đó để mong trẻ phải hiểu được.

    Bố mẹ sẽ nói  với trẻ khi nào  ?

    Trong một ngày, có nhiều thời điểm khác nhau mà bố mẹ có thể giúp con phát triển ngôn ngữ. Chúng ta hãy nói với con về những gì bé thấy trong các bữa ăn  (thức ăn, đồ uống, hoạt động) trong  giờ tắm (các bộ phận của cơ thể, các hoạt động chơi với nước ) hay khi Thay quần áo (các bộ phận của áo quần, bộ phận cơ thể, các y phục dùng trong các loại  thời tiết khác nhau ) . Trong khi chơi với trẻ, ta có thể giới thiệu các loại đồ chơi . Ngay cả khi đưa trẻ đi chơi, cũng có thể nói cho trẻ một số thông tin về môi trường xung quanh.  Hãy nói với con về những gì bạn sẽ làm trong ngày và khuyến khích trẻ  tham gia.

    Với những trẻ lớn hơn, có khó khăn về ngôn ngữ ta có thể giúp trẻ phát triển qua các hoạt động thường ngày tại gia đình như trong các hoạt động dọn bàn ăn sau khi ăn xong,  trong việc đưa trẻ đi mua sắm  những thứ lặt vặt. Hay khi làm vườn  hoặc trong lúc dọn dẹp nhà cửa, phụ làm bếp với mẹ.

    Bố mẹ phát triển ngôn ngữ cho trẻ như thế nào ?

    Khi trẻ đã nói được các từ đơn ( ăn, đi , chơi , nước … )  thì hãy mở rộng những gì con bạn nói bằng cách lặp lại các từ của bé và thêm các từ khác vào. Nếu con bạn nói “thêm nữa”, hãy đáp ứng yêu cầu của bé và nói thêm “cho con thêm nữa à”, hoặc “uống nữa à”, v.v Nếu con bạn nói “muốn bóng”, hãy đáp ứng yêu cầu của bé và nói thêm “Con muốn quả bóng này à”, “con muốn lấy quả bóng”, hoặc “muốn quả bóng màu xanh” .

    Hãy lặp đi lặp những từ và âm mới. ví dụ khi đếm, sử dụng giới từ, gọi tên các đồ vật, màu sắc, v.v . Việc tập nói cần phải tạo hứng thú cho trẻ. Hãy cố gắng khuyến khích trẻ nói mà không đặt ra quá nhiều yêu cầu. Hãy nghe một cách chăm chú khi bé nói với bạn và hãy cho bé thấy bạn hiểu bằng cách trả lời bằng hành động hoặc lời nói.

    Các biện pháp giúp cho việc giao tiếp thuận lợi hơn

    1/ Tạo điều kiện cho trẻ lựa chọn: hãy cho con bạn lựa chọn giữa hai thứ và hãy cố gắng giúp bé sử dụng từ để cho bạn biết bé muốn gì.

    2/ Học có chỉ dẫn: Bạn cần phải mô tả những hoạt động chơi  của trẻ. Qua đó, chúng ta có thể giúp trẻ hiểu được mối quan hệ giữa hành động và từ mô tả hành động.

    3/ Bắt chước: Hãy bắt chước một cái gì đó con bạn bắt đầu. Con bạn sẽ đặc biệt thấy thú vị với sự bắt chước đó .

    4/ Làm mẫu: Hãy khuyến khích con bạn sử dụng các từ để nói về những gì bé đang làm bằng cách làm mẫu.

    5/ Vật mới lạ: giới thiệu một cái gì đó mới lạ vào môi trường của bé.

    6/ Tường thuật:. Hãy mô tả từng thứ mà con bạn làm, sử dụng ngôn ngữ ở mức độ mà bạn muốn con bạn nói hoặc hiểu.

    7/ Diễn giải ngắn gọn và rõ ràng hơn: nếu con bạn dường như không hiểu những gì bạn nói, hãy thử diễn giải bằng những từ khác.

    8/ Kích thích bằng tranh ảnh: có thể sử dụng các bức tranh ảnh về đồ vật và các hoạt để giúp trẻ giao tiếp.

    9/ Từng mảnh một:. Đừng cho con bạn tất cả các mảnh đồ chơi  ngay lập tức. Hãy giữ một số mảnh lại để khuyến khích bé giao tiếp.

    10/ Đặt câu hỏi: đặt các câu hỏi phù hợp với tình huống.

    11/ Ngôn ngữ ký hiệu:. Ngôn ngữ ký hiệu thường giúp lời nói phát triển tốt hơn. Đối với một số trẻ khác, có thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu lâu hơn..

    12/ Hỗ trợ lời nói của người lớn bằng ký hiệu/điệu bộ: nhằm giúp con bạn hiểu những gì bạn đang nói,qua việc  dùng cử chỉ điệu bộ và/hoặc chỉ tay khi bạn nói.

    13/ Dùng đồ vật cùng/thay cho lời nói: nếu mục tiêu là ngôn ngữ biểu đạt, nhưng con bạn chưa thể nói tốt, hãy khuyến khích con bạn chỉ vào vật đồng thời nói hoặc thay cho việc nói từ.

    14/ Giữ lại một đồ vật để nhận được phản ứng mong muốn: nếu bạn muốn con mình tăng cường ngôn ngữ biểu đạt (ví dụ điệu bộ, dấu hiệu, các hệ thống tranh, từ ngữ), đừng đưa cho trẻ những gì trẻ muốn cho đến khi trẻ cho bạn phản ứng mong muốn.

    Đây là những biện pháp đơn giản  để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ mà bố mẹ hoàn toàn có thể thực hiện tại gia đình. Hãy chịu khó và kiên trì  bé của bạn sẽ phát triển tốt.

    CVTL  LÊ KHANH

    Phòng Tư vấn Tâm Lý – Gia Đỉnh & Trẻ em.

  • NƠI CÓ NHỮNG NỤ CƯỜI

    NƠI CÓ NHỮNG NỤ CƯỜI

    Ba năm, một thời gian không ngắn cho những đổi thay – Ngôi nhà 7 tầng của những đứa trẻ đặc biệt cùng với các thầy cô đặc biệt mang tên Bình Minh – Nơi của nụ cười thay cho những giọt nước mắt của các phụ huynh, mà mỗi lần trở lại tôi đều cảm nhận được ít nhiều thay đổi – Từ không gian lớp hoc, từ sân chơi của các em, từ các đồ dùng dạy học cho đến cái gian bếp – phòng ăn, nơi các thầy cô tụ họp chém gió…, Đều ít nhiều đổi mới. Những đầu tư mới thay cho các vật dụng chưa cũ, nhưng để đáp ứng cho nhu cầu của các PH gửi con và sự phát triển của trường.. Từ 30 – 50 và bây giờ là trên 70 em với những dạng tật khác nhau. Trẻ tự kỷ, tăng động kém chú ý, trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ chậm nói, có hội chứng Down, trẻ khó khăn trong học tập cho đến cả trẻ bại não… đều quy tụ với những nụ cười xung quanh cô chủ trường 9X – Cô Thạc sĩ GDĐB Đỗ Thị Nhị. Hay đơn giản hơn : Bảo Hân !

    Là môt người phụ nữ nhỏ bé, đứng lên từ những gian khổ trong cuộc sống với nụ cười trên môi – Cô đã đem lại cho các trẻ khuyết tật ở đây một điều tưởng như rất dễ nói, nhưng rất khó thực hiện – Đó là tình yêu thương vô bờ mà cô đã xem các trẻ này – từ lớn đến bé, như con mình.  Để can thiệp cho trẻ đặc biệt – điều mà ai cũng biết là cần phải có kiến thức về các phương pháp can thiệp Hành vi – can thiệp âm và lời nói, và mỗi trẻ lại có những kế hoạch can thiệp khác nhau. Thế nhưng đó chỉ mới là những điều cần thiết mà nếu không có một tấm lòng, một tình yêu thương, một sự quan tâm … thì vẫn chưa đủ.

    Khi đứng trước một cháu bé xinh xắn, ngoan ngoãn, vui vẻ …thì thử hỏi ai mà không yêu ? Thế nhưng nếu đứa bé đó là một trẻ hỏi không thưa, gọi không quay lại, sẵn sàng cho mọi thứ vào miệng hay ném hết các vật trong tầm tay. Đến khi tiếp xúc mới nản lòng, trẻ không hề nhìn mình, trẻ luôn miện kêu những âm, từ vô nghĩa và nếu thử đến gần có khi lại còn bị ..đánh ! Quả thực là khó chấp nhận… Nhưng cái khó không chỉ thế thôi, mà ngay đến cả phụ huynh của các em, có mấy ai muốn nhìn vào sự thật, có mấy ai có thể dễ dàng chấp nhận những nghiệt ngã này nơi con em ? Họ chỉ mong sao, bằng một khả năng thần kỳ nào đó, để có thể thay đổi trong thời gian ngắn nhất , để trả lại cho họ một đứa trẻ bình thường, có thể đến lớp học, biết vòng tay chào hỏi ông bà… Chao ôi cái ước mơ nhỏ bé ấy sao mà lại trở nên khó khăn dường bao, khi đứng trước cái ánh mắt ngây dại mà mọi ngôn từ truyền thông dường như bất lực.

    Nhưng tất cả dường như là một điều hết sức nhẹ nhàng với cô, chỉ với nụ cười từ trái tim, với những cử chỉ “nương theo trẻ” và những cách tác động như một trò chơi, cô đã có thể làm cho các em cảm thấy yên tâm và nụ cười lại nở trên môi. Có thể mọi thứ khó khăn vẫn còn đó, tiếng nói vẫn chưa xuất hiện, nhưng với những nụ cười nối kết hai trái tim,  không sớm thì muộn, những thiên thần bất hạnh này sẽ có được niềm vui, và niềm vui sẽ dẫn lối các em đi.

    Khi quay lại Bình Minh lần này, được ngồi ăn cơm với các thầy cô tôi lại thấy không chỉ có nụ cười của các em, mà còn là những tiếng cười sảng khoái của các thầy cô trong một bầu khí như một gia đình vui vẻ. Đó mới là điều nối kết được các em, khi mà thầy cô cũng cảm nhận được những niềm vui nơi đây , để cùng chung tay góp sức với cô – nơi Trường mầm non đặc biệt Bình Minh – mà ta có thể gọi một cách giản dị là Bình Minh’s Kids – Ngôi nhà của trẻ thơ.

    Những ngày cuối Thu  2019

    LÊ KHANH

  • Ba năm trong nước mắt – Ba tháng với nụ cười

    Ba năm trong nước mắt – Ba tháng với nụ cười

    Sáng nay, Chủ nhật 22/9/2019 – Trung Tâm GDĐB Năng Khiếu Sài Gòn đã tổ chức buổi ra mắt cơ sở mới, ( 12 BH tòa nhà Sky Center – 5B Phổ Quang Tân Bình TPHCM) Khi đến dự với những giọt mưa rả rích từ sáng sớm và không khí se lạnh như mùa Thu ngoài Bắc – Chúng tôi thầm nghĩ chắc ít có PH đến dự, và đúng là có 5 người không đến được, nhưng không phải vì mưa gió mà là do hôm nay cũng là buổi Đại hội PHHS của nhiều trường, mà PH phải đến dự vì con em của mình. Còn với trẻ đặc biệt thì luôn là ưu tiên thứ hai !

    Thế nhưng với mẹ của cháu M.A – Một cô bé xinh xắn, ở cái tuổi 11, mà vẫn chưa thể nhớ được các chữ cái ABC ! Thì việc đến dự cùng con, xem con biểu diễn múa để minh họa cho các chữ cái, mà còn đã có thể nhận biết, chỉ sau 3 tháng tham gia can thiệp tại TT. GDĐB Năng Khiếu SG, sau một quá trình học 3 năm ở trường quốc tế vẫn không thể nào nhớ, thì đó là một điều quan trọng nhất trong ngày hôm nay.

    Chị đến dự, không chỉ để chung vui với các giáo viên của trường, để nhìn con múa với niềm vui không tả, mà với những lời tâm tình của một người mẹ đơn thân, nuôi 3 đứa con mà MA là một trong 3 cháu – Đã đem lại một động lực mạnh mẽ cho chúng tôi – Những người đã đưa ra quan điểm dùng nghệ thuật để hỗ trợ cho hoạt động can thiệp các bạn trẻ đặc biệt.
    Bằng lời lẽ giản dị, không hề chuẩn bị trước chị đã chia sẻ niềm vui của một người mẹ, mà cách đây 1 năm , sau khi đã phải đưa con đi học 1 ngôi trường Quốc Tế trong 3 năm – “Ba năm đó, trong gia đình tôi chỉ có nước mắt, nước mắt của người mẹ khi thấy con không thích đi học, mà vẫn phải đi, và đi học miệt mài mà vẫn không đưa được các con chữ vào trong đầu” …. . Cuối cùng, mẹ đành phải cho con nghỉ một năm trong hoang mang, đau khổ … Để rồi, chỉ sau 3 tháng khi đưa con đến với các thầy, cô của trường Năng Khiếu Sài Gòn. Các cô đã tìm được cách giúp cho con nhớ mặt chữ, con vui vẻ và hơn thế nữa, con còn tự tin, mạnh dạn, biết trả lời những câu hỏi mà trước đây, với bất cứ điều gì thì câu trả lời duy nhất của con là : Con không biết !

    Chị đã cám ơn nhà trường, cám ơn các thầy cô – nhưng thực ra chúng tôi, những người làm công tác tư vấn tâm lý, can thiệp Giáo dục Đặc biệt phải cám ơn chị, cám ơn người đã đem lại nguồn động lực mạnh mẽ cho chúng tôi, đã minh chứng cho quan điểm giáo dục tích cực bằng niềm vui và nghệ thuật của chúng tôi là đúng đắn, là hiệu quả.

    Không chỉ có M.A – Mà còn bạn B – một cậu bé 4 tuổi bị chứng đầu nhỏ, chậm ngôn ngữ và nhận thức, cậu ấy không chỉ tự tin, mạnh dạn hơn mà khả năng nhận thức cũng có những bước tiến bộ đáng kể, khi được kết hợp với các hoạt động vẽ tranh và sinh hoạt ngoài trời. Ngoài ra còn có bạn TH., Bạn PH. Là những bạn có yếu tố tự kỷ, qua việc thể hiện cảm xúc, tư duy bằng nét vẽ, bằng những buổi nghe nhạc, chơi nhạc… và phương pháp Giáo dục tích cực, cũng đã có những bước tiến chỉ sau 6 tháng can thiệp.

    Chúng tôi cũng vô cùng tiếc cho các bạn học sinh đầu tiên của trường – Bạn S ( 12 tuổi ) và bạn H ( 15 tuổi) . đã có những tiến bộ đáng kể, đặc biệt là S. Một cậu bé chậm phát triển, không thể học qua lớp 4 – đã bộc lộ một tài năng về hội họa, mà thầy Hoàng, người dạy vẽ cho các em đã vô cùng hứng thú, muốn đưa em vào đội ngũ làm việc với mình trong nhóm vẽ . Các bạn ấy phải nghỉ vì hoàn cảnh gia đình, phải chuyển ra ngoài Bắc, gia đình các em cũng rất tiếc nhưng đành phải chịu.

    Chỉ mới tròn 1 năm trong giai đoạn thể nghiệm, chỉ với 3, 4 Học sinh ban đầu nhưng các Thầy Xuân Đăng, cô Hiền Lương, cô Nhung, cô Yến, cô Thanh… cùng các giáo viên Múa – Nhạc và Vẽ đã hết sức nhiệt tình với tình yêu dành cho các bạn đặc biệt. Chúng tôi hãnh diện vì có được các giáo viên như thế. Cũng như với cô Trang, Giám Đốc Trung tâm , người đã nhiệt tình bỏ công sức, đầu tư để có được một ngôi trường khang trang hiện đại, với những trang bị có hiệu quả cho hoạt động giáo dục hòa nhập và tiền hướng nghiệp cho các em ( Phòng học múa, vẽ, nhạc , phòng bếp, phòng vi tính và phòng hoạt động Tâm vận động, các góc can thiệp cá nhân…) . Điều đáng quí là chị cũng đã tự trang bị cho mình những hiểu biết cần thiết trong lĩnh vực này, đủ để tư vấn cho phụ huynh cũng như quản lý một cách hiệu quả các hoạt động nhà trường.

    Đây chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình dài, nhưng có thể nói đó là một niềm vui không nhỏ với chúng tôi, những người làm việc trong lĩnh vực Tâm lý – Giáo dục đặc biệt trong gần 30 năm ( từ 1991), đã miệt mài đi tìm những phương hướng phát triển cho các trẻ đặc biệt, với quan điểm là tìm kiếm những năng lực tiềm ẩn và ít ỏi để phát triển thay vì cứ cố gắng can thiệp, uốn nắn hành vi để sửa chữa các điểm yếu kém và tiêu cực của các em. Việc xây dựng một cơ sở không chỉ đơn giản là tìm một địa điểm, mở ra một ngôi trường, tìm kiếm những người cùng làm việc và thu nhận học sinh qua các chiêu trò truyền thông…. Mà điều quan trọng là phài có sự định hướng phát triển cho các em học sinh của mình.

    Điều này rất khác với các trường giáo dục bình thường và cũng khác với cả các trường giáo dục chuyên biệt. Chúng tôi không chỉ chú trọng đến việc can thiệp ngôn ngữ, hành vi, nhận thức, để khi các em biết nói, không còn nhiều các hành vi bất thường, là đã cho ..ra trường, chuyển qua học hòa nhập với các bạn bình thường. Điều này đúng là mong muốn của các PH, luôn muốn con mình “khỏi bệnh” “ nói được” “ học được” và rất vui khi con của mình mặc được bộ đồng phục của một ngôi trường tiểu học… mà không nghĩ rằng các em dù được xem là học sinh, vẫn đến trường, đến lớp nhưng thực sự các em vẫn chưa thể bình thường, hay không thể đuổi kịp các bạn khác trên con đường học vấn, để rồi sau đó, có thể cố gắng đeo đuổi lên đến lớp 4, lớp 5 … thậm chí là lớp 9, lớp 10 với cái giấy chứng nhận “trẻ khuyết tật trí tuệ” , thì cũng sẽ đên một lúc nào đó em sẽ lại …hòa nhập tại gia đình, vì không thể học thêm được hay không còn muốn đến trường nữa.

    Con đường còn dài, nhưng khi đã vạch ra cho mình một định hướng, một mục tiêu… lại có được những người bạn đồng hành tuyệt vời, và nhất là với sự hợp tác tích cực của phụ huynh, thì chúng tôi tin rằng, sẽ thực sự làm được một điều gì đó cho các trẻ đặc biệt yêu quý của mình.
    Lê Khanh.

  • Niềm Vui Của Thầy Cô

    Niềm Vui Của Thầy Cô

    Sau ba tháng can thiệp – từ một cô bé nhút nhát, tự ti, không biết mặt chữ, với rất nhiều cơn bùng nổ khi bố mẹ không đáp ứng các nhu cầu và đặc biệt là sợ đi học, qua các hoat động can thiệp dành cho trẻ Chậm phát Triển kết hợp với âm nhạc, hội họa, vũ điệu… Trẻ đã có những tiến bộ vượt bậc , trở thành  niềm vui cho cả gia đình và cho các thầy cô trường Giáo dục Đặc Biệt Năng Khiếu Sài Gòn.

    Sáng nay, được tiếp đón phụ huynh của bé, trong chuỗi lịch tiếp các phụ huynh để trao đổi tình hình can thiệp, đánh giá các mặt được và chưa được, cũng như đưa ra các mục tiêu gần – xa trong 3 tháng kế tiếp. Với vai trò phụ trách chuyên môn, được tiếp chị với niềm vui đong đầy về những gì mà giáo viên trường GDĐB Năng Khiếu Sài Gòn đã làm được cho bé – Chị nói về những thay đổi của trẻ, chị kể trước đây sau 1 thời gian đi học trường quốc tế, thì bé dứt khoát không chịu đến trường, cô giáo đưa xe đến tận nhà đón, năn nỉ hết lời mà cũng không đi. Trong một vài lần bố bắt buộc đưa lên xe thì bùng nổ một cách khủng khiếp, đạp tung cửa xe …. Thậm chí ngay cả khi lúc đầu đến với trường mới, bé chỉ cần nghe nói đến từ học, là lật đật chui xuống gầm bàn trốn. Thế nhưng, gió đã xoay chiều, cô bé không những chỉ thích đi học, còn biết tự chuẩn bị quần áo ( học múa) , sách vở và nói về các thầy các cô của trường với sự quan tâm đặc biệt – biết kể cho mẹ nghe chuyện thầy dạy nhạc đi chơi Đà Lạt – Cô phụ trách bé bị mất xe, phải đến trường bằng xe buýt. Thậm chí còn về nhắc mẹ là ngay mai mẹ đi họp phụ huynh cho con.

    Mẹ kể lại trong sự hồ hởi về những điều bé đạt được, biết chơi đùa với em, không còn đánh em, biết những điều đã làm, điều sẽ làm … Biết giúp bà ngoại trong việc nhà … và đã đem về cho gia đình một bầu không khí vui vẻ thay cho sự lo lắng,mệt mỏi trước đây của bố mẹ.

    Bé cũng đã nhớ được các mặt chữ qua việc học kết hợp với múa, dùng cơ thể tạo ra những mẫu tự và ghi nhớ một cách tích cực. Điều quan trọng là bé đã có được một điều, mà đó chính là mục tiêu của nhà trường : tạo cho trẻ sự hứng thú học tập qua các hoạt động vui chơi và nghệ thuật – Tạo có trẻ sự tự tin trong các sinh hoạt như đi chơi công viên, đi mua sắm trong shop bách hóa và biết đùa giỡn với bạn trong việc đi bơi hàng tuần ….

    Hình minh họa là 1 tác phẩm bé tự sáng tác bằng việc vẽ bằng bàn tay và ngón tay . Cô giáo chỉ giúp bé gắn thêm 2 con mắt cho chú cá – Việc cho bé tự do thể hiện bằng màu sắc, chính là một cách tác động tốt nhất  qua hình vẽ để trẻ đạt được niềm vui sáng tạo và giải tỏa các ức chế, không cần phải lên gân với từ ngữ như hội họa trị liệu hay âm nhạc trị liệu – mà chỉ là những giờ vui đùa với màu sắc và cây đàn, để bây giờ trẻ không chi biết đánh đàn một vài bài, mà còn về nhà hứng thú dạy lại cho em … Điều đạt được chính là sự tự tin, mạnh dạn, không còn những câu cửa miệng : Con không biết, con không nhớ trước kia….

    Trường còn nhỏ, học sinh còn ít nhưng chỉ trong một thời gian từ 8 tháng hoạt động, đã đạt được những kết quả tốt nhất cho 3/5 trẻ Chậm Phát triển ( trong lứa tuổi từ 8 – 15 tuổi ) và với các bạn VIP can thiệp sớm ( 3 -5 tuổi) cũng có những tiến bộ nhất định . Trong tháng 9, trường sẽ chuyển qua một không gian mới, với diện tích gấp đôi hiện nay… với thiết kế các phòng nghệ thuật múa, vẽ, nhạc và phòng chơi ( hoạt động vận động ) Phòng can thiệp vận động – ngôn ngữ … Hy vọng sẽ giúp trẻ ngày càng tốt hơn theo mục tiêu đã đề ra theo phương hướng Can thiệp cá nhân và hỗ trợ bằng nghệ thuật.  Để đạt được niềm vui như hôm nay xin cám ơn nỗ lực của các thầy cô của trường, đã có những gắn bó để cùng đồng hành với phụ huynh và ban giám hiệu trong thời gian qua để đem đến kết quả bước đầu cho hôm nay. Chúng ta sẽ tiếp tục nhé , niềm vui đang chờ trước mặt !

    SONG KHUÊ

  • Xử Lý Hành Vi hay Can thiệp Nhận Thức

    Xử Lý Hành Vi hay Can thiệp Nhận Thức

    Hàng ngày theo dõi tâm tư của các phụ huynh, đọc được bao nhiêu là nhu cầu, là lo lắng về tình trạng của con mình, đại khái như :
    Con gọi biết quay lại nhưng vẫn còn những hành vi chưa dứt đượf như là hay ngó nghiêng và còn có hành vi thường xuyên nắm chặt 2 bàn tay lại ,đưa lên trước miệng rồi la hét …
    Hôm nay là buổi đầu con đi học trường công, con 3 tuổi.các cô kêu quá trời.các bạn nói được hết rồi mà con em chưa biết gì.k chịu ngủ. nghịch phá đủ các kiểu .Có lẽ em cho con nghỉ trường công thôi !
    Cháu nhà mình 22 tháng tuổi , giờ cháu đang có biểu hiện gọi ko thưa , ko quay lại và ít giao tiếp bằng ánh mắt , cháu chưa nói đượd từ nào và hay chạy đi chơi 1 mình .


    Ngoài ra còn có Phụ huynh inbox ngay từ sáng sớm, hỏi miên man về các hành vi và tình trạng của trẻ từ câu này qua câu khác trong khi tớ chỉ biết về bạn qua vài thông tin và một cái video clip quay lại một số hành vi của trẻ thì làm sao có thể xử lý được hết các hành vi của trẻ ?
    Tất cả các lo lắng ấy thực sự khó có thể trao đổi, chia sẻ một cách đầy đủ. Nếu chỉ trả lời qua loa hay như một số các góp ý khác thì cũng chỉ là sự đồng cảm, hoặc có khi là một vài biện pháp không phù hợp ! Còn nếu góp ý thì lại phải đi vào cái lộ trình : Sai đâu sửa đó bằng kinh nghiệm của các trẻ khác ! và chắc chắn là không thể có hiệu quả bởi vì phụ huynh cần phải biết là: Trẻ không thể tiến bộ hay thay đổi bằng cách dùng các biện pháp để “uốn nắn hành vi” hay “dập tắt” các thái độ tiêu cực.
    Các hành vi mà trẻ bộc lộ ra bên ngoài – từ chuyện ngó nghiêng, nắm chặt tay, la hét hay không chịu đi ngủ đúng giờ, nghịch phá quá trời hoặc không nói được từ nào…. Chỉ là sự bộc lộ một phần rất nhỏ trong muôn ngàn những khó khăn về môi trường xung quanh đã tác động lên trẻ từ ngày này sang ngày khác, ngay từ khi mới sinh ra …có khi vài ba tháng, có khi một hai năm … và dĩ nhiên, không có một biện pháp nào có thể giải quyết được các hành vi ấy và hơn thế nữa, cũng không thể chỉ cần giải quyết các hành vi ấy, “trị liệu” các khó khăn ấy mà trẻ có thể “ trở lại bình thường” hay “ ngoan ngoãn” hơn.
    Phụ huynh cũng luôn băn khoăn là không biết nên đưa con đi can thiệp như thế nào, 1 h mỗi ngày hay theo học bán trú ( sẽ được can thiệp 4 h một ngày chăng ? ) và đi học chuyên biệt gặp phải các trẻ có nhiều hành vi tiêu cực hơn, liệu trẻ có bắt chước mà “hư hơn” không ? Rồi đâu là một trung tâm có uy tín, có thể giúp cho con họ một cách hiệu quả nhất ? rồi nên can thiệp với 1 GV hay 2 GV và phương pháp nào là tốt nhất để điều trị cho con ? Đều là những lo lắng chính đáng. Nhưng có lẽ, PH vẫn còn nghĩ rằng, với những giờ can thiệp từ bên ngoài, đến từ các giáo viên bằng các kỹ thuật khác nhau ( có khi nhiệt tình, có khi hời hợt ) trong một thời gian ngắn, từ 3 – 6 tháng … ( nếu không thì sẽ đổi trường, đổi GV khác ) lại có thể đem lại kết quả cho một tình trạng đã ở tận bên trong đứa trẻ ngay từ khi mới sinh ra, mà những bộc lộ ra bên ngoài dù nhiều hay ít, cũng chỉ nói lên được phần nào những khó khăn về nhiều mặt trong tiến trình phát triển của chính bản thân đứa trẻ.
    Nói cách khác phụ huynh chỉ chú ý đến các biểu hiện của các rối loạn phát triển, và cũng chỉ quan tâm đến các kỹ thuật để điều chỉnh các rối loạn ấy. Trẻ chưa biết nói thì tập nói, trẻ có nhiều hành vi thì ngăn cản, cấm đoán, trừng phạt một cách nghiêm khắc để trẻ sợ mà không làm điều đó nữa ! Liệu rằng khi trẻ đã nói được, kể cả việc nói được cả một câu dài, liệu rằng khi trẻ không dám thể hiện ra một hành vi tiêu cực nào nữa, nói đứng là đứng, nói chào là chào, hỏi đâu nói đó, sai gì làm nấy ..sau một thời gian rèn luyện theo kiểu phản xạ có điều kiện… thì trẻ đã được gọi là bình thường hay chưa ? đã đủ để tốt nghiệp trường “chuyên biệt” mà đi học “hòa nhập” ở các trường bình thường chưa ? Câu trả lời thì hầu hết ai cũng biết, nhưng cũng hầu hết là không ai chấp nhận điều đó !
    Cho đến nay – với bao nhiêu nỗ lực nghiên cứu, tìm kiếm về nguyên nhân và liệu pháp can thiệp của các nền khoa học tiên tiến trên thế giới , vẫn chưa có một câu trả lời thỏa đáng. Nhưng theo tuyên bố của thứ trưởng bộ Y Tế, thì xem như tự kỷ là rối loạn do gen và như thế thì có thể có thuốc điều trị ! vì vậy nên gọi đó là bệnh chứ không phải là một tình trạng. Đến ngay một nhà chuyên môn cấp cao mà còn nghĩ như thế, thì trách sao các phụ huynh không ngày đêm mong chờ một liệu pháp thần kỳ để “điều trị hiệu quả” cái “bệnh Tự kỷ “ cho con mình để rồi cứ rót tiền vào các phương pháp và trung tâm “nói như đúng rồi” !
    Nói như thế, không phải là không cần giải quyết các hành vi, không cần quan tâm đến các triệu chứng, nhưng không thể mong muốn một “phép mầu” qua các kỹ thuật để cất đi ngay và luôn cái gánh nặng nghìn cân mà mỗi ông bố, bà mẹ đang ngày đêm nghiến răng gánh vác. Chúng ta cần nghĩ đến một giải pháp nhiều mặt, với nhiều cách tiếp cận khác nhau trong một thời gian dài một cách kiên trì , mà mục tiêu đầu tiên là hãy làm cho trẻ trở nên thoải mái và biết tiếp nhận!
    Hãy nghĩ xem, chính chúng ta khi mệt mỏi, khó chịu, nóng giận, lo sợ, thì có bộc lộ ra những hành vi tiêu cực hay không ? Chính những cảm xúc tiêu cực làm bộc lộ các hành vi tiêu cực, và đến phiên các hành vi tiêu cực đó quay lại để “củng cố, nuôi dưỡng” các cảm xúc tiêu cực ! Với người lớn, có lý trí, có nhận thức về giá trị đạo đức, mà lắm khi còn hành động như một người điên, không kiểm soát được. Huống chi đây là một đứa trẻ, chỉ biết phản ứng theo bản năng và sự cảm nhận trực giác chứ không phải là tư duy logic, sao lại cứ phải chăm chăm buộc cho trẻ phải nói và nghĩ như mình, để tìm mọi cách làm cho trẻ phải biết “đè nén” các cảm xúc đó, để được xem là “ngoan, là biết vâng lời ? “ Hãy tạo cho trẻ một môi trường tự nhiên tại gia đình một cách vui vẻ, thoải mái,có sự cảm thông và tôn trọng, điều đó có khó hơn là dùng sự quát mắng, hay dỗ dành chiều chuộng mang tính đối phó?
    Điều gì cũng phải học – chỉ để biết một số kiến thức về toán, về văn, về ngoại ngữ … mà phải học phờ người từ năm này qua năm khác, để biết một ngành nghề thì không chỉ là học mà còn phải trải nghiệm và tiếp nhận bao nhiêu là kinh nghiệm đôi khi rất chua xót mà chính mình phải trải qua và trả giá !
    Thế thì tại sao trong ngôi trường đại học “ Học làm cha mẹ” để có thể giáo dục chính đứa con yêu thương của mình có khả năng phát triển toàn diện, chúng ta lại cứ thích học lóm các chiêu mì ăn liền, cứ thích đi tắt, đón đầu, học qua các kinh nghiệm của người khác mà chưa chắc là đã áp dụng được ! Sao không nghĩ đến những biện pháp phù hợp với môi trường gia đình của mình mà tiến hành một cách bài bản và kiên trì ? Tại sao khi đứng trước một nhân cách toàn vẹn là đứa trẻ, chúng ta chỉ nhìn thấy các mặt hạn chế và chỉ nghĩ đến việc sửa lỗi, mà không có sự cảm thông để tạo cho đứa trẻ có được nụ cười? Ở đây, hãy phân biệt một cách rõ ràng sự nghiêm khắc trong hành động chứ không phải là quát mắng và áp đặt. sự chiều chuộng, dụ dỗ mua chuộc với sự chấp nhận, cảm thông và nâng đỡ.
    Các phụ huynh sẽ hỏi : Vậy thì tôi sẽ bắt đầu từ đâu ? hãy bắt đầu từ chính thái độ và nhận thức của bản thân, đừng đi hỏi thăm người khác cách “đối phó” với con mình, mà hãy ngồi xuống, chơi với con bằng nụ cười một cách vui vẻ ! Sao tôi nói nó không nghe nên phải quát lên mới chịu ? Trẻ không thèm chơi với tôi làm sao tôi dạy nó ? Nó cần phải ngồi vào bàn học nghiêm túc, chứ những trò chơi lưng tưng thì có ích gì ? Vâng, nếu nghĩ theo tư duy của người lớn thì như thế, nhưng phải biết suy nghĩ như trẻ con thì mới có thể chơi một cách hiệu quả với trẻ em. Để từ các trò chơi lưng tưng ấy, đứa trẻ sẽ được thoải mái, biết hợp tác và sẽ có những thay đổi từ bên trong. Chơi với trẻ là một nghệ thuật và đó là một nghệ thuật trị liệu cần phải hiểu rõ về các nguyên lý chứ chẳng phải ..chơi đâu !
    CVTL. Lê Khanh – TT Kidstime Bình Thạnh

     

  • Tự kỷ – Tôi chưa hiểu – Còn bạn ?

    Tự kỷ – Tôi chưa hiểu – Còn bạn ?

    Từ 2007 theo nghị quyết của Đại Hội đồng LHQ đã công bố ngày  2/4 là ngày Thế Giới Nhận Biết chứng tự kỷ và áp dụng từ 2008, đã làm dấy lên rất nhiều hoạt động của các cá nhân, cơ sở giáo dục, Tâm lý, Y khoa  cùng các đơn vị phong trào … với mục đích giúp cho người dân hiểu biết nhiều hơn về biểu hiệu, triệu chứng của một tình trạng rối loạn phát triển mà có thể nói là phức tạp hàng đầu thế giới. Thông điệp được gửi đến mọi người nhằm nâng cao nhận thức về chứng tự kỷ với các ý chính như sau :

    • Tự kỷ là khuyết tật liên quan đến não bộ. Cách nuôi dạy của gia đình không gây ra tự kỷ.
    • Tự kỷ có thể đến với bất cứ gia đình nào, không phân biệt giàu nghèo, học vấn.
    • Phát hiện sớm, can thiệp sớm hiệu quả càng cao
    • Người tự kỷ nếu được hỗ trợ đúng cách, có thể đi học, đi làm, cống hiến cho xã hội.

    Ngoài ra còn có các thông tin khác như : Chứng tự kỷ chưa rõ nguyên nhân, chưa tìm ra cách chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nếu phát hiện sớm, can thiệp sớm đúng cách người tự kỷ có cơ hội tiến bộ rất cao. Họ có thể hòa nhập xã hội và đi học, đi làm có khả năng sống độc lập không trở thành gánh nặng xã hội. Các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù tự kỷ không chữa khỏi được, nhưng nếu can thiệp sớm thì trẻ sẽ dễ hòa nhập hơn với cộng đồng.

    Điều mà các thông điệp truyền đạt ở đây là gì : Can thiệp sớm đúng cách thì người tự kỷ có thể hòa nhập xã hội với các hoạt động bình thường như đi làm, đi học…và có khả năng sống độc lập, không cần sự trợ giúp của xã hội – Điều này có đúng không ? Các gia đình có trẻ tự kỷ vị thành niên hay đã trưởng thành có thấy rằng, sau rất nhiều nỗ lực can thiệp, con họ đã đủ khả năng sống độc lập chưa ? Hay vẫn phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của gia đình ?

    Bây giờ, hãy thử xem các thông tin từ những nhà chuyên môn, liệu đã có được sự nhận thức đúng đắn về chứng tự kỷ hay chưa ?

    Đây là thông tin từ một cơ sở chuyên môn can thiệp về trẻ tự kỷ đã đưa ra loại tự kỷ gọi là tự kỷ chậm nói và giải thích như sau : Trẻ tự kỷ chậm nói là trẻ nói chậm hơn so với mốc thông thường ( chậm nói là..nói chậm – hay thật, trong khi chậm nói và nói chậm là hoàn toàn khác nhau về ý nghĩa ), ngoài ra trẻ có những ngôn ngữ rất đặc biệt. Ví dụ trẻ nói những âm thanh không có nghĩa, trẻ nói liên tục nhưng không thành lời, trẻ hay nhại lại lời nói. Nhiều khi trẻ chỉ nói những điều mà trẻ quan tâm và không chú ý đến những điều mà người khác nói. Trẻ Tự kỷ có phải là trẻ phát triển ngôn ngữ chậm hơn trẻ bình thường hay đó là sự khác biệt? tại sao trẻ lại nhại lời ? hay nói những âm thanh không có nghĩa ? – Là một cơ sở chuyên môn thì phải giải thích được các hiện tượng đó  chứ không chỉ là mô tả các biểu hiện mà người bình thường cũng có thể nhận biết !

    Hay một tiến sĩ – bác sĩ đã viết : “ Thời điểm kết thúc can thiệp là khi khả năng ngôn ngữ, giao tiếp, hành vi và kỹ năng xã hội của trẻ đạt được các mốc phát triển của trẻ bình thường cùng tuổi. Tùy theo trẻ, nhưng có thể là sáu tháng, một năm hoặc hai năm. Đối với trẻ tự kỷ nặng có thể là lâu dài.” … Có thế đây là một mong ước, nhưng nó lại không đúng với chứng Tự kỷ ! Bởi vì Tự Kỷ là một rối loạn phát triển về thần kinh và tâm lý kéo dài suốt đời, mà điều hạn chế lớn nhất của trẻ tự kỷ chính là kỹ năng giao tiếp xã hội, có thể nói là chưa có một trẻ tự kỷ nào (Nếu đúng là Tự Kỷ) lại có thể đạt được cái mốc phát triển bằng với các trẻ khác cùng độ tuổi ( ngay cả sau khi can thiệp tốt, thì kỹ năng giao tiếp xã hội của trẻ Tự Kỷ vẫn chậm hơn các trẻ cùng tuổi rất nhiều ). Nếu đúng những gì bà viết, thì đó là một chương trình can thiệp hoàn hảo về ngôn ngữ, giao tiếp, hành vi và kỹ năng xã hội để trẻ tự kỷ trở nên bình thường ! đâu ra chương trình đó ?

    Như vậy, ngay chính các cơ sở giáo dục trẻ hay  nhà chuyên môn đã HIỄU ĐÚNG về Tự kỷ chưa? – có thể họ biết rõ các Biểu hiện, biết các mặt mạnh và yếu của tự kỷ, biết được sự đau khổ của các gia đình nhưng họ vẫn chưa thực sự hiểu về BẢN CHẤT của tự kỷ, để xác định tự kỷ không phải là một căn bệnh có thể chữa trị ( bằng nhiều liệu pháp khác nhau ) hay tự kỷ là một tình trạng bất thường và có thể dùng nhiều biện pháp can thiệp, điều chỉnh để trẻ trở lại bình thường. Trong khi thực sự là tất cả các biện pháp và kỹ thuật can thiệp hiện nay chỉ là làm cho trẻ nói được, học được, hoạt động cá nhân được, thậm chí là biết làm một số việc, hay có những kỹ năng sáng kiến, năng lực tốt hơn… nhưng khả năng giao tiếp sinh động như một trẻ bình thường thì không thể ! Và điều gọi là hòa nhập với cộng đồng sẽ là một mục tiêu bất khả thi nếu không có sự HIỂU ĐÚNG về TỰ KỶ.

    Cái suy nghĩ phải làm sao cho trẻ tự kỷ trở lại tình trạng bình thường – để hòa nhập với xã hội như một trẻ bình thường – có thể là điều mong ước xuyên suốt của mọi người – từ các bố mẹ của trẻ, cho đến các giáo viên dạy trẻ, các chuyên viên can thiệp cho trẻ. Nếu có ai nói rằng, Tự kỷ là một ‘KHUYẾT TẬT SUỐT ĐỜI” để bố mẹ và xã hội cần phải CHẤP NHẬN KHUYẾT TẬT ĐÓ NHƯ MỘT ĐIỀU BÌNH THƯỜNG , thì hẳn là sẽ bị phụ huynh phản ứng và tẩy chay, các nhà chuyên môn cũng phản đối mạnh mẽ, dù ai cũng biết tự kỷ là một tình trạng không thể chữa được hoàn toàn – Cho dù có can thiệp sớm hay ..muộn !

    Vậy thì chúng ta đã hiểu một cách đúng đắn về tự kỷ chưa ? Vậy chúng ta sẽ truyền thông về tự kỷ như thế nào ? Đây là điều mà chúng ta gọi là sai lầm “ Quan niệm tự kỷ là tiêu cực, rồi xa lánh, thậm chí sợ sệt, cho là bệnh lây nhiễm, nếu cho con chơi cùng thì bị ảnh hưởng. Vì thế cơ hội để trẻ tự kỷ hòa nhập với bạn bè càng bị hạn hẹp. Một sự hiểu sai nữa là “đổ lỗi” cho bố mẹ, người chăm sóc bỏ bê việc nuôi dạy con, cho con xem ti vi, sử dụng máy tính bảng, không cho hoạt động ngoài trời với bạn bè cùng trang lứa… khiến trẻ mắc tự kỷ. Quan điểm, người tự kỷ không có ích cho xã hội, không thể dạy được, không thể làm được như người bình thường là một hiểu sai khá phổ biến trong cộng đồng hiện nay.

    Rõ ràng là chúng ta không thể xa lánh trẻ tự kỷ như trước đây ta xa lánh trẻ em bị chứng phung (phong cùi ) hay bị nhiễm HIV. Vì tự kỷ không lây nhiễm – nhưng chúng ta lại mong muốn trẻ Tự kỷ phải được can thiệp sớm để trở lại bình thường, có thể đi học hòa nhập như một trẻ bình thường, thì đó có phải là một quan niệm đúng đắn ?

    Điều mà chúng ta – Bạn và Tôi cần phải hiểu, Tự kỷ là những rối loạn về tâm lý – thần kinh nên đã tạo ra cho trẻ có sự khác biệt trong cách tương tác, giao tiếp, nhận thức mà chúng ta cần phải chấp nhận và hơn thế nữa là cần phải tôn trọng để người tự kỷ có thể hòa nhập trong xã hội với chính sự khác biệt đó ! Họ không thể trở thành người bình thường sau một giai đoạn là người tự kỷ. Họ là những đứa trẻ tự kỷ nếu được can thiệp tốt thì có thể  học tập và làm việc trong xã hội như một người Tự kỷ chứ không phải như một người bình thường.

    Theo Đại diện Mạng lưới tự kỷ Việt Nam, bà Nguyễn Tuyết Hạnh chia sẻ: “Hiểu về tự kỷ không chỉ giúp chúng ta cảm thông chia sẻ, mà còn chủ động phát hiện sớm, can thiệp sớm tự kỷ trong cộng đồng, giúp người tự kỷ tiến bộ, hoà nhập, có thể học hành và có việc làm, cống hiến năng lực cá nhân, giảm gánh nặng an sinh xã hội”.

    Như vậy, cái điều HIỂU ở đây, theo quan điểm của mạng lưới Tự kỷ Việt nam –chưa phải là điều mà người tự kỷ cần, mà đó chỉ là điều chúng ta muốn. Cái quan điểm cho rằng điều trẻ tự kỷ thiếu là kỹ năng ( Kỹ năng học tập – Kỹ năng giao tiếp – ngôn ngữ … ) Chỉ cần dạy, can thiệp hay trị liệu cho trẻ học được, biết nói, hỏi, trả lời ( gọi đó là giao tiếp ) là trẻ sẽ “ vượt qua chứng tự kỷ” trở thành bình thường ! Đó là điều hiểu biết nguy hiểm nhất ! Bởi vì nó tạo ra những ảo tưởng về các phương pháp can thiệp có khả năng chữa khỏi Tự kỷ  – Hãy thử nói chuyện với một cậu bé 8 tuổi bình thường và một trẻ tự kỷ 12 tuổi đã can thiệp một cách hiệu quả nhất – chúng ta có thể thấy sự tương đồng về nhận thức nhưng lại rất khác biệt trong cách giao tiếp, ứng biến và thích nghi ! Đó mới là điều chúng ta cần HIỂU để BIẾT chấp nhận sự khác biệt đó.

    Tất cả các phương pháp can thiệp có chứng cớ khoa học đều có những cái tốt, cái đúng và cả những cái hạn chế, đều cần thiết cho trẻ tự kỷ. Nhưng cái quan điểm Phải phát hiện sớm để can thiệp sớm là chưa chính xác. Chúng ta phải có sự phát hiện đúng ( về tình trạng và mức độ nặng nhẹ ) và can thiệp đúng ( Đúng với nhu cầu ngay vào thời điểm phát triển của trẻ và đúng với nguyên tắc của phương pháp can thiệp ) chứ không có gì là sớm hay muộn ở đây.

    Thấu hiểu Tự kỷ không phải là nỗ lực lôi đứa trẻ Tự Kỷ BƯỚC RA  khỏi cái thế giới của chúng  Mà là vui vẻ  BƯỚC VÀO cái thế giới của các VIP, để giúp cho trẻ phát triển được năng lực tiềm ẩn bên đưới cái vỏ ngơ ngác, ngập ngừng và tưởng chừng như rất vô cảm của trẻ, trong khi thực sự trẻ Tự kỷ lại là những con người trong sáng, đầy sự yêu thương với những cảm xúc tràn đầy mà chính thế giới chúng ta đang thiếu thốn. BIẾT YÊU THƯƠNG và CHẤP NHẬN VÔ ĐIÊU KIỆN các tình trạng của trẻ và hãy giúp cho trẻ có thể phát triển được các NIỀM VUI trong khả năng tốt nhất của nó, đó mới là sự thấu hiểu đúng đắn nhất về các Thiên thần này.

    Viết ngày 02/4/2019 – Ngày Nhận Thức Tự kỷ.

    CVTL. LÊ KHANH

    TT Giáo Dục Kidstime Bình Thạnh .

     

     

     

     

    .

  • Những Chuyện về Thói Vô Tâm Tập Thể

    Những Chuyện về Thói Vô Tâm Tập Thể

    Truyền thuyết kể rằng : Khi xưa, có 1 người dân nghèo tìm đến Trạng Quỳnh, than thở mong ông giúp cho chút tiền. Trạng nói, tiền thì không có, nhưng sẽ giúp cho cách kiếm tiền – Ông đi ra một cái cù lao nhỏ trên sông, dựng một cái rạp , cờ quạt treo lên, chuông trống ing ỏi ! Ông bầy cho người nghèo mượn 1 cái xuồng , khi Người dân hai bên sông thắc mắc không biết chuyện gì xẩy ra trên cù lao, thì họ thuê chèo thuyền ra xem – cứ hết người này ra, xem xong quay về, lại đến người khác ra … Tay nhà nghèo kia tha hồ hốt bạc tiền chở thuê. Còn những kẻ sau khi ra xem, quay về … người khác hỏi : Thế bác xem thấy cái gì trong đó. Khách đã xem chỉ lắc đầu : Muốn biết cứ ra đó mà xem — Thế là người kia lại thuê lái đò chở ra xem.. đến khi vào bên trong cái rạp, không có cái gì – chỉ có tấm biển to ghi dòng chữ : Ai xem xong mà về kể lại, thì cả dòng họ nhà nó chết hết !

    Tưởng chỉ là truyền thuyết kể cho vui – nhưng cái điều đó lại đang xẩy ra hàng ngày trên …xứ Đông Lào !Nhiều người cả tin vào quảng cáo, bị mất tiền oan, mất công sức đi tới đi lui … nhưng lại không muốn cảnh báo người khác, không phải chỉ vì cái câu nguyền rủa kia, mà là do cái suy nghĩ , tao lỡ dại mất tiền , thì mày cũng sẽ mất tiền như tao thôi, cho bõ ghét !

    Trong việc đi tìm cách chữa “bệnh Tự Kỷ” cho con cũng thế ! Vì nghe lời quảng cáo của một loại thuốc (thực ra chỉ là 1 thứ thực phẩm chức năng được gán cho cái mác thần kỳ, do các BS vì tiền hoa hồng mà nhắm mắt cho toa ) … mua về uống, chẳng có hiệu quả gì, nhưng thay vì đứng lên tố cáo cái trò lừa bịp đó, thì lại âm thầm quăng cái thứ “thần dược” kia vào thùng rác , có khi tìm người ..bán lại. Hay tệ hơn, lại kêu lên rằng con mình cũng có chút ..tiến bộ ( nhờ được can thiệp giáo dục tích cực ) để cho các PH khác nghe lời quảng cáo mua theo, rồi mình lấy làm an ủi trong lòng, là cũng có người bị lừa như mình !

    Lại có những trung tâm vô lương tâm, quảng cáo rùm beng về việc trị liệu ngôn ngữ, can thiệp tự kỷ các kiểu. PH tin tưởng hoặc không biết thực hư, cho con em theo học , 6 tháng , 1 năm không có tiến bộ gì, thì cũng lẳng lặng cho con nghỉ. Không dám hay không muốn báo động cho các PH khác, đừng có vô tâm như mình mà mất tiền, mất thời gian vô ích ! Rồi các thần y , các liệu pháp châm cứu, bấm huyệt cũng quảng cáo ầm ỹ , cũng chẳng ai quan tâm phản bác, theo chủ nghĩa mackeno, ai có thân nấy lo, nó không đụng đến mình, thì mình dây chuyện vào nó làm gì !

    Cũng có những người thiếu kiến thức, thiếu thông tin đưa lên FB những câu hỏi không đầy đủ, khá chủ quan về tình trạng con mình , vậy là cả nhà cũng xúm vào tư vấn mà không nghĩ rằng những góp ý chưa đủ cơ sở khoa học của mình, chủ yếu dựa vào những kinh nghiệm đơn lẻ, thậm chí chỉ là những “ mong muốn”chưa làm được hay điều mình tưởng là như thế Lại có thể làm cho người hỏi thay vì tìm được câu trả lời có giá trị, thì lại cảm thấy hoang mang hơn với những câu khuyên nhủ kiểu “ đẽo cầy giữa đường” ! Không những không giúp ích gì cho người đang rối bời vì con, mà còn làm cho họ có những ứng xử sai lầm, có khi rất tai hại cho sự phát triển của con sau này.

    Có một tâm trạng hoang mang, có 1 đứa con “ dị biệt” ai cũng mong muốn có được sự quan tâm với tinh thần trách nhiệm cao của những nhà chuyên môn, của những người hiểu biết, hay có có kinh nghiệm chỉ đường – Nhưng có khi chính mình lại vô tình hay ..cố ý thiếu trách nhiệm với cộng đồng, thờ ơ về việc đưa ra ánh sáng những điều sai trái, phản khoa học hay lừa đảo , để rồi tạo ra một sự “ vô tâm tập thể” khiến cho những vấn đề của chính mình càng ngày càng …lạc lối !
    CVTL Lê Khanh